Mỹ: Vụ cháy rừng lịch sử; Chờ đợi 'siêu thứ ba'; Biden nguy cơ bị cử tri quay lưng; Trump lại thắng, chỉ trích chính sách biên giới

Vụ cháy rừng Smokehouse Creek ở Texas nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ

Đám cháy rừng Smokehouse Creek ở Texas Panhandle, thuộc bang Texas, Mỹ đã thiêu rụi 1,1 triệu mẫu Anh.

Vụ cháy rừng tàn phá Texas Panhandle hiện là một trong những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ước tính hơn 1,1 triệu mẫu Anh bị thiêu rụi cho đến nay, đây là diện tích bị cháy rừng tàn phá lớn thứ hai trong số các vụ cháy rừng ở nước này. Vụ cháy Smokehouse Creek, bùng phát vào đầu tuần này, hiện mới chỉ khống chế được 15% và được cho là "vụ cháy lớn nhất, có sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang Texas", Sở cứu hỏa tình nguyện Tây Odessa viết trên Facebook.

Dưới đây là những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ:

1. Vụ cháy rừng năm 1910

Trong hai ngày 20 và 21/8/1910, một trận cháy rừng đã tàn phá miền Bắc bang Idaho và miền Tây bang Montana. Theo Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ, ngọn lửa đã đốt cháy 3 triệu mẫu Anh và phá hủy số lượng gỗ đủ để xây dựng 800.000 ngôi nhà. Theo Hiệp hội Cảnh sát trưởng miền Tây, 87 người đã thiệt mạng trong vụ cháy.

2. Vụ cháy rừng năm 1871

Vào ngày 8/10/1871, có 37 đám cháy rừng riêng lẻ bùng phát ở vùng Great Lakes và được nhóm thành 5 vụ cháy rừng: The Great Chicago Fire, The Great Peshtigo Fire, the Port Huron Fire, the Holland Fire và the Manistee Fire. Chúng được gọi chung là trận đại hỏa hoạn năm 1871.

Trong đó, đám cháy Great Peshtigo đã thiêu rụi 1,5 triệu mẫu Anh và khiến 1.200 - 2.400 người tử vong, hiện con số này vẫn chưa được xác định chính xác, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ. History.com nhận định, nguyên nhân là do các đám cháy rừng nhỏ hơn đã hoành hành trong nhiều ngày và gỗ bị người khai thác gỗ đổ thành từng đống lớn.

3. Vụ cháy Taylor Complex năm 2004

Năm 2004, vụ cháy rừng Taylor Complex đã thiêu rụi hơn 1,3 triệu mẫu Anh ở bang Alaska và là một trong nhiều trận cháy rừng tàn khốc đã tàn phá hơn 6,5 triệu mẫu Anh tại bang này. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo từ vụ cháy Taylor Complex.

4. Vụ cháy August Complex năm 2020

Theo Cơ quan cứu hỏa bang California, mùa cháy rừng tồi tệ nhất ở bang này là vào năm 2020, với 10.000 đám cháy khác nhau thiêu rụi tổng cộng 4,3 triệu mẫu Anh, 33 người đã thiệt mạng.

Một đợt nắng nóng vào tháng 8/2020 ở bang California đã dẫn đến hàng chục vụ cháy rừng diễn ra đồng thời, khiến Thống đốc Gavin Newsom phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bang và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Vào mùa thu, gió lớn lại làm bùng phát đám cháy.

Theo Cảnh sát trưởng Đội cứu hỏa miền Tây, trận cháy rừng lớn nhất trong năm 2020 được đặt tên là August Complex, cũng là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử bang này, đã thiêu rụi hơn 1 triệu mẫu Anh và khiến 1 người thiệt mạng. Nó được tạo ra khi 37 đám cháy khác nhau bùng phát cùng lúc ở quận Mendocino.

Cháy rừng phức tạp xảy ra khi hai hoặc nhiều đám cháy bùng cháy cùng lúc trên cùng một khu vực và được đặt chung một cái tên.

5. Vụ cháy rừng Dixie

Theo Cảnh sát trưởng Đội cứu hỏa miền Tây, vào năm 2021, trận cháy rừng Dixie đã thiêu rụi 963.309 mẫu Anh ở 5 quận phía Bắc bang California và là vụ cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử bang này. Nó kéo dài từ ngày 13/7 đến ngày 26/10 và khiến 1 người tử vong.

Những vụ cháy đáng chú ý khác

Tại bang Texas, mùa cháy rừng năm 2011 là mùa cháy rừng tồi tệ nhất với 31.453 vụ cháy rừng thiêu rụi tổng cộng 4 triệu mẫu Anh và phá hủy 2.947 ngôi nhà. Vào năm 2023, hàng nghìn vụ cháy rừng đã thiêu rụi hơn 45 triệu mẫu Anh trên khắp Canada trong nhiều tháng, khiến phần lớn nước Mỹ bị bao phủ bởi khói cháy rừng từ Canada.

Vào năm 1825, vụ cháy Miramichi ở New Brunswick, Canada đã lan sang bang Maine của Mỹ. Theo Cảnh sát trưởng Đội cứu hỏa miền Tây, người ta tin rằng nó đã đốt cháy 3 triệu mẫu Anh - chủ yếu ở Canada - và khiến 160 người thiệt mạng.

Bầu cử ở Mỹ: Chờ đợi gì ở ngày 'siêu thứ ba' 5-3?

"Siêu thứ ba" (ngày 5-3), một trong những ngày quan trọng nhất với chính trường Mỹ, đã cận kề trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đang tăng tốc hướng về ngày bầu cử vào cuối năm nay.

Mùa bầu cử sơ bộ Mỹ sắp chuyển sang giai đoạn cao điểm, với ba cuộc bầu cử qua hình thức họp kín (caucus) và bầu cử sơ bộ vào cuối tuần này, một cuộc bầu cử khác vào thứ hai (4-3) và sau đó là "siêu thứ ba" khi các cử tri ở 15 bang và một vùng lãnh thổ sẽ bỏ phiếu.

Do đó, đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 với nhiều điểm đáng quan tâm.

Ngày siêu bận rộn

Trong lịch trình bầu cử sơ bộ ở Mỹ, đây là ngày có nhiều bang đi bỏ phiếu nhất. Thông thường 1/3 trong tổng số đại biểu tham dự đại hội Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ sẽ được bầu vào ngày "siêu thứ ba".

Tại cuộc đua của Đảng Cộng hòa, cuộc bỏ phiếu sẽ chọn ra 874 trong số 2.429 đại biểu, tương đương 36%. Khoảng 1/3 số đại biểu của Đảng Dân chủ cũng sẽ được quyết định vào ngày 5-3.

Các đại biểu này sẽ đại diện cho bang của họ tham dự đại hội đảng vào giữa năm nay để chọn ra ứng viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Những cuộc đua cấp tiểu bang này giúp các ứng cử viên của hai đảng tập hợp những đại biểu cần thiết cho họ để giành được sự đề cử của đảng mình.

Đối với Đảng Cộng hòa, ứng viên sẽ cần tối thiểu 1.215 phiếu trong tổng số 2.429 đại biểu. Trong khi đó, ông Biden dường như nắm chắc đề cử của Đảng Dân chủ.

Đối với các ứng viên, kết quả tích cực trong ngày "siêu thứ ba" có thể tạo đà cũng như thu hút quyên góp tài chính cho cuộc đua, nhưng ngược lại cũng có thể rơi vào bế tắc.

"Nếu có một ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng vào "siêu thứ ba", thường sau ngày này, ứng cử viên đó sẽ tiếp tục là người dẫn đầu và nhiều ứng viên khác sẽ từ bỏ cuộc đua" - bà Caitlin Jewitt, phó giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Virginia Tech, nhận định trên Đài Al Jazeera.

Theo bà Jewitt, cả ông Trump và ông Biden đều thắng lớn tại ngày "siêu thứ ba" vào năm 2016, 2020 và giành đề cử của đảng mình.

Khó có bất ngờ

Đối với giới phân tích, kết quả cuộc đua sơ bộ dường như không còn nhiều bất ngờ. Các thăm dò cho thấy ông Trump rất có khả năng giành chiến thắng trong hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các cuộc bỏ phiếu của Đảng Cộng hòa.

Trước đó, ông đã dễ dàng thắng tại các bang Iowa, New Hampshire, Nevada, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, South Carolina và Michigan.

Dù ứng viên Nikki Haley đã tuyên bố không bỏ cuộc sau những thất bại, nhưng cuộc đua giữa bà và ông Trump đang trở nên quá khập khiễng. Trong khi đó, cuộc đua bên Đảng Dân chủ còn im ắng hơn khi ông Biden có thể yên tâm với sự ủng hộ của đa số, ngoại trừ một vài phản đối không đáng kể.

"Năm nay nó (ngày "siêu thứ ba" - PV) ít quan trọng hơn nhiều. Nó có thể quan trọng vì bà Haley trụ đến cuối, nhưng ngoài điều đó ra, có vẻ như không thể tránh khỏi việc ông Biden và ông Trump sẽ giành được đề cử. Vì vậy, chúng tôi không mong đợi nhiều bất ngờ vào ngày "siêu thứ ba"" - bà Jewitt đánh giá.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ông Trump vẫn chưa cầm chắc chiếc vé của Đảng Cộng hòa.

Chỉ một nửa đại biểu được chọn trong ngày "siêu thứ ba", vì vậy về mặt lý thuyết, một ứng viên không thể giành được đa số vào thời điểm đó. Vẫn có khả năng bà Nikki Haley và ông Ron DeSantis (thống đốc bang Florida) giành đủ số đại biểu ở bang Iowa, New Hampshire và một số bang khác để ngăn ông Trump giành được đề cử ngay cả khi ông thắng ở mọi bang trong ngày "siêu thứ ba".

Điểm yếu của ông Trump

Thành tích tốt hơn mong đợi của bà Haley trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina đã bộc lộ những điểm yếu của ông Trump, nhất là nguy cơ mất phiếu của ông trong nhóm những đảng viên Cộng hòa truyền thống hơn và những cử tri ôn hòa hơn.

Một số chuyên gia cho rằng những cử tri đó có thể bị "dội" bởi chính sách cứng rắn của Trump về nhập cư và các vấn đề khác, cũng như luận điệu phân biệt chủng tộc của ông. Khả năng ông Trump bị kết án trong hàng loạt vụ kiện cấp bang và liên bang mà ông phải đối mặt cũng có thể khiến họ e ngại.

Cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos cho thấy ông Trump đang có lợi thế hơn so với ông Biden, 37% so với 34%, và có thể thu hút đủ sự ủng hộ để giành chiến thắng. Tuy nhiên, vẫn còn 22% số người được hỏi cho biết họ muốn có một sự lựa chọn khác hoặc sẽ không bỏ phiếu, một nhóm có thể sẽ vẫn chưa quyết định cho đến ngày bầu cử.

Những bang nào sẽ bỏ phiếu?

Năm nay, khoảng 5 triệu cử tri ở 15 bang sẽ bỏ phiếu vào ngày "siêu thứ ba" gồm Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont và Virginia. Vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ cũng sẽ bỏ phiếu vào ngày này.

Ông Biden đối mặt nguy cơ bị cử tri Hồi giáo, Arab quay lưng

Cộng đồng người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo đang cảnh báo sẽ khiến Tổng thống Biden phải trả giá vì cách ông xử lý cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza.

Năm 2020, Joe Biden giành chiến thắng ở bang Michigan với cách biệt sít sao trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump là hơn 150.000 phiếu bầu.

Hai nhóm cử tri đã giúp ông vượt lên dẫn trước ở Michigan và các bang chiến trường quan trọng khác, trong đó có Pennsylvania và Wisconsin, là những người Mỹ theo đạo Hồi và người Mỹ gốc Arab. Các bang chiến trường không nghiêng về đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ đóng vai trò quan trọng trong định đoạt cuộc đua tổng thống.

Giờ đây, 4 năm sau, khi Biden và Trump tiến tới cuộc tái đấu vào tháng 11, Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ phản ứng dữ dội của chính những cử tri đó. Nhiều người đang cố tìm cách làm tổn hại nỗ lực tranh cử của ông.

Phẫn nộ trước việc Mỹ ủng hộ Israel trong chiến dịch chưa từng có ở Gaza, nhiều cử tri Mỹ gốc Arab và Hồi giáo tuyên bố họ sẽ tránh xa các cuộc bầu cử năm nay.

Các cộng đồng Arab và Hồi giáo cho biết họ đã kêu gọi chính quyền Biden lên tiếng và ngăn chặn những cuộc bắn phá tại Dải Gaza nhưng không có kết quả. Lập trường của Washington hiện nay khiến họ cảm thấy hối hận vì đã bầu cho Tổng thống Biden trong quá khứ.

Những cộng đồng ở Dearborn, Detroit và các thành phố lớn khác có đông người Mỹ gốc Arab sinh sống đã vận động thành công các lãnh đạo hội đồng địa phương đưa ra nghị quyết đơn phương về yêu cầu ngừng bắn ở Gaza.

Mai El-Sadany, giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Tahrir (TIMEP), trụ sở tại Washington, cho biết các nghị quyết địa phương chỉ mang tính biểu tượng nhưng là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm cũng như ưu tiên của công chúng Mỹ hiện nay.

"Nó mang đến một nền tảng để người dân giải thích tại sao vấn đề này lại quan trọng và nó ảnh hưởng đến họ hay gia đình họ như thế nào", bà nói. "Các hội đồng địa phương có khả năng tập hợp những người cùng chí hướng lại với nhau, nhằm tạo ra cảm giác cấp bách và áp lực lớn hơn đối với giới hoạch định chính sách đối ngoại, buộc họ phải xem xét lại cách tiếp cận".

Một số cử tri gốc Arab đang chọn cách không tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang và thậm chí cả tổng tuyển cử vào tháng 11, nếu không có lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Các lãnh đạo cộng đồng ở Minnesota đã phát động chiến dịch "Từ bỏ Biden" hồi tháng 10 năm ngoái.

Những người khác nói rằng họ dự định viết thông điệp "tự do cho Palestine" lên các lá phiếu.

Tại vòng sơ bộ của đảng Dân chủ ở Michigan hôm 27/2, nhiều cử tri gốc Arab đã không đánh dấu vào tên của Tổng thống Biden mà chọn ô "không cam kết" trên các lá phiếu. Lựa chọn này biểu thị rằng cử tri ủng hộ đảng nhưng không gắn bó với bất kỳ ứng viên nào được liệt kê trên lá phiếu. Những phiếu bầu "không cam kết" sẽ không được tính cho Tổng thống Biden.

Zeidan, người gốc Palestine, đã lựa chọn "không cam kết" khi bỏ phiếu ở Michigan và khẳng định cũng sẽ không bầu cho Tổng thống Biden vào tháng 11. Cô đang lập nhóm để kêu gọi những người khác làm vậy.

Có khoảng 3,5 triệu người gốc Arab tại Mỹ, chiếm khoảng 1% dân số. Khoảng 65% theo đạo Thiên Chúa, 30% là người Hồi giáo và một số nhỏ theo Do Thái giáo.

Theo Youssef Chouhoud, nhà nghiên cứu về chủng tộc và tôn giáo tại Đại học Christopher Newmark (CNU), Virginia, các nhóm này có xu hướng bỏ phiếu dựa trên những quan điểm lợi ích khác nhau nhưng họ "hoàn toàn đồng thuận về yêu cầu phải có một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza".

Thành phố Dearborn, bang Michigan, là nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Arab lớn nhất nước, chiếm hơn 40% dân số thành phố. Georgia, Pennsylvania, Florida và Virginia cũng có cộng đồng gốc Arab lớn.

Georgia, Michigan và Pennsylvania sẽ là bang chiến trường vào tháng 11, nơi cách biệt về ủng hộ dành cho đảng Dân chủ và Cộng hòa là không đáng kể và chỉ một biến động nhỏ cũng có thể thay đổi kết quả cuối cùng.

Phiếu bầu của cộng đồng Arab đã tạo ra bước ngoặt trên đường đua Nhà Trắng sít sao năm 2020. Ông Biden đã dẫn trước ông Trump với 154.000 phiếu bầu ở Michigan, phần lớn thuộc về cộng đồng gốc Arab, chiếm 5% số phiếu bầu. Michigan là nơi sinh sống của khoảng 240.000 người Mỹ gốc Arab.

Ở Georgia, ông Biden từng giành chiến thắng với cách biệt chưa đầy 12.000 phiếu bầu. Bang này là nơi sinh sống của hơn 57.000 người Mỹ gốc Arab.

Tuy nhiên, tâm lý bất mãn ngày càng tăng trong các cộng đồng này đã khiến lần đầu tiên sau 26 năm, đảng Dân chủ không còn là lựa chọn của nhiều cử tri Arab, dù là người Thiên chúa giáo hay đạo Hồi. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden trong cộng đồng người gốc Arab đã giảm từ 59% vào năm 2020 xuống còn 17% năm 2023.

Có khoảng 4,5 triệu người Mỹ theo đạo Hồi và phần lớn trong số họ, khoảng 3,5 triệu người, không phải người gốc Arab. Hầu hết là người gốc Pakistan và Ấn Độ.

Nhưng các cộng đồng Hồi giáo không có nguồn gốc Arab vốn thường bầu cho đảng Dân chủ cũng đang mất niềm tin vào Tổng thống Biden.

Có khoảng một triệu người Hồi giáo đã bỏ phiếu vào năm 2020 và 80% trong số họ chọn Tổng thống Biden. Theo Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR), khoảng hai triệu người Hồi giáo đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2024.

Tuy nhiên, lần này, chỉ 5% người Mỹ theo đạo Hồi nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden vào tháng 11, theo một cuộc thăm dò do nhóm hoạt động Hồi giáo Emgage thực hiện.

Người Hồi giáo tại Mỹ tập trung chủ yếu ở New York, California, Illinois, New Jersey, Texas, Florida, Ohio, Virginia, Georgia và Michigan.

Những cộng đồng khác cũng có thể làm tổn thương Tổng thống Biden tại hòm phiếu. Các cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 40% người Mỹ không tán thành phản ứng của chính quyền Biden đối với cuộc xung đột, đặc biệt là người trẻ tuổi.

Chiến dịch của Biden đã cố gắng thể hiện rằng Tổng thống thất vọng với tình hình ở Gaza để thuyết phục cử tri đứng về phía ông.

NBC tháng trước dẫn nguồn tin cho biết Tổng thống Biden đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tel Aviv không sẵn sàng đồng ý với một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 8/2 rằng phản ứng của Israel ở Gaza "đã vượt quá giới hạn".

Tuy nhiên, Washington cho đến nay vẫn tiếp tục ủng hộ chiến dịch của Israel. Hồi giữa tháng hai, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield là người duy nhất phản đối và phủ quyết nghị quyết do Algeria đề xuất kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.

Bà giải thích rằng điều này có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm giải cứu những con tin Israel vẫn bị Hamas giữ và lệnh ngừng bắn ngay lập tức sẽ làm hỏng nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng "hòa bình lâu dài" trong khu vực.

Hồi tháng một, Thượng viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ bổ sung trị giá 14 tỷ USD cho Israel. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Israel vốn nhận được khoản viện trợ lớn nhất từ Mỹ, khoảng 3,3 tỷ USD mỗi năm. Gần như toàn bộ số tiền này được dùng cho các hoạt động quân sự.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng cộng đồng người Hồi giáo và người gốc Arab chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số người bỏ phiếu, nhưng việc họ quay lưng với ông Biden có thể khiến Tổng thống Biden mất đi lợi thế ở các bang chiến trường và chỉ một cách biệt nhỏ cũng đủ sức tạo nên khác biệt mang tính quyết định, dọn đường cho ông Trump bước chân vào Nhà Trắng.

"Có lý do để tin rằng Tổng thống Biden đang đối diện nguy cơ mất hơn 50% số phiếu bầu mà ông ấy từng nhận được vào năm 2020 từ người Arab và người Hồi giáo", Chouhoud nói. "Ông ấy không thể dựa vào lá phiếu từ họ nữa".

"Điều này không có nghĩa là chúng ta nên đổ lỗi cho người Hồi giáo", Chouhoud nói thêm. "Họ đã cảnh báo về những gì họ sẽ làm trong nhiều tháng qua. Nếu phe Dân chủ thực sự quan tâm đến việc ngăn chặn nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump, họ đã làm điều gì đó khác biệt".

Ông Trump tiếp tục thắng cuộc họp kín ở hai bang Michigan và Missouri

Chiến thắng mới nhất ở hai bang Michigan và Missouri giúp ông Trump ngày càng bỏ xa các đối thủ và đến gần với vị trí ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa.

Theo Reuters , ngày 2/3 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng tại các cuộc họp kín ở hai bang Michigan và Missouri, trong cuộc tranh cử ứng viên Tổng thống Mỹ mới nhất của Đảng Cộng hòa.

Ở hai bang này, ông Trump đánh bại bà Nikki Haley, đối thủ cuối cùng còn lại của ông trong cuộc tranh cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đưa ông đến gần hơn với việc trở thành đại diện đảng mình và có khả năng sẽ tái đấu với Tổng thống Joe Biden trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Tại Michigan, ông Trump đánh bại bà Haley ở tất cả 13 khu vực tham gia các cuộc bỏ phiếu kín, với gần 98% tỷ lệ ủng hộ. Ông Trump giành được 1.575 phiếu bầu so với 36 phiếu cho bà Haley.

Ông Pete Hoekstra, Chủ tịch Đảng Cộng hòa Michigan, mô tả đây là "chiến thắng vượt trội và áp đảo".

Mùa bầu cử năm nay, Đảng Cộng hòa tại Michigan quyết định triển khai hệ thống đề cử hỗn hợp, gồm bầu cử sơ bộ và họp kín. Tại cuộc họp sơ bộ hôm 27/2, ông Trump cũng giành được 12 trong số 16 đại cử tri.

Reuters cho biết cựu Tổng thống Mỹ cũng giành chiến thắng tại bang Missouri, trong khi cuộc bỏ phiếu kín vẫn đang diễn ra ở bang Idaho và chưa có kết quả.

Idaho là một trong những cuộc tranh cử cuối cùng để Haley thay đổi tiến trình của cuộc đua trước Siêu Thứ Ba (ngày 5/3), ngày lớn nhất trong các cuộc bầu cử sơ bộ, khi 15 bang và một vùng lãnh thổ sẽ bỏ phiếu.

Với các chiến thắng ở Iowa, New Hampshire, Nevada, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Nam Carolina, cùng Michigan và Missouri, ông Trump ngày càng bỏ xa các đối thủ và đến gần với vị trí ứng viên của đảng Cộng hòa tham gia tổng tuyển cử tháng 11.

Trong khi đó, bà Haley tiếp tục bám trụ nhờ sự ủng hộ của những nhà tài trợ muốn giành cơ hội cho một ứng viên có thể thay thế ông Trump.

Ông Jai Chabria, chiến lược gia của Đảng Cộng hòa, cho biết chiến thắng mới nhất thể hiện rõ rằng bà Haley “hầu như không có cơ hội” giành chiến thắng trước ông Trump.

Ông nói: “Cuộc đua này đã kết thúc từ lâu. Có một số người trong nhóm nhà tài trợ muốn chúng tôi tiếp tục, nhưng thực tế khó thay đổi”.

Donald Trump: Chính sách biên giới của Tổng thống Biden là 'âm mưu lật đổ' nước Mỹ

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, đã cáo buộc ông Biden can dự vào "một âm mưu lật đổ nước Mỹ" thông qua các chính sách an ninh lỏng lẻo, giúp cho hàng triệu người di cư tràn vào nước Mỹ qua biên giới với Mexico.

Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Greensboro, bang Bắc Carolina hôm 2/3, ông Trump dường như đang đưa ra gợi ý, như ông từng nêu trước đây, đó là Đảng Dân chủ đang muốn biến những người nhập cư trái phép vào nước Mỹ thành cử tri đáng tin.

Ông Trump cáo buộc chính quyền của ông Biden đang tìm cách "làm sụp đổ hệ thống của Mỹ, vô hiệu hóa ý chí của những cử tri thật sự của nước Mỹ và thiết lập một nền tảng quyền lực mới giúp họ kiểm soát trong hàng thế hệ".

Ông Trump đã nói một cách chi tiết hơn trong một cuộc vận động tranh cử vào buổi tối tại thành phố Richmond, bang Virginia, sau khi lặp lại các cáo buộc ấy. Đề cập đến chính quyền Nhà Trắng của ông Biden, ông Trump nói: "Họ đang cố huy động (người nhập cư) ra bỏ phiếu trong cuộc bầu cử kế tiếp."

Ông Trump cũng cáo buộc rằng một phần chính sách biên giới của ông Biden đã cung cấp "sự trợ giúp và tạo điều kiện cho những kẻ thù ở nước ngoài của Mỹ".

Đáp trả, đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Biden đã đề cập đến một dự luật an ninh biên giới tại Quốc hội Mỹ mà ông Trump đã góp phần phá vỡ hồi tháng rồi qua việc kêu gọi các thành viên trong Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống.

"Một lần nữa Trump đang ra sức khiến người dân Mỹ bị xao lãng trước sự thật là ông ta đã giết chết một dự luật an ninh biên giới công bằng và cứng rắn nhất trong hàng thập kỷ qua, bởi vì ông ta tin rằng điều này có lợi cho chiến dịch tranh cử của mình. Đáng buồn thay," Ammar Moussa, người phát ngôn của ông Biden, tuyên bố.

Trước áp lực từ các thành viên trong Đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden thất bại trong việc kiểm soát biên giới, Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái đã kêu gọi Quốc hội cung cấp thêm nguồn quỹ dành cho việc thực thi pháp luật và tuyên bố sẽ "đóng cửa biên giới" nếu được trao thẩm quyền mới để đẩy lùi dòng người di cư.

Tuy nhiên, hồi tuần rồi, một dự luật nhập cư từ lưỡng đảng đã rơi vào thế bế tắc tại Thượng viện Mỹ sau khi ông Trump kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa không hậu thuẫn mặc dù dự luật này chứa một số biện pháp an ninh biên giới mà họ muốn có.

Trong các phát biểu trước đây, ông Trump từng cho rằng Đảng Dân chủ có dụng ý cho phép người nhập cư vào Mỹ để gia tăng sự hậu thuẫn về mặt chính trị, một cáo buộc đã có từ lâu liên quan đến một thuyết theo chủ nghĩa cực hữu mang tên "thuyết thay thế vĩ đại".

Chỉ có công dân Mỹ được quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Nhưng ông Trump đã biến vấn đề an ninh biên giới trở thành một trong những thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử của mình khi các cuộc thăm dò cho thấy cử tri từ hai đảng đang ngày càng trở nên quan ngại về làn sóng người di cư không có dấu hiệu giảm.

Cả ông Biden và ông Trump đều có chuyến đi riêng đến biên giới phía nam dọc theo bang Texas vào ngày thứ Năm 29/2, một chỉ dấu cho thấy cả hai đều nhận ra đây là một vấn đề quan trọng về mặt chính trị.

Ông Trump thường xuyên tuyên bố mà không cung cấp bằng chứng, như vào hôm thứ Bảy 2/3, rằng những người nhập cư đã tạo nên một sự tăng vọt về tội phạm bạo lực tại các thành phố ở Mỹ.

Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Bắc Carolina, ông Trump đã gọi làn sóng người di cư là "một cuộc xâm lăng" và cảnh báo ông Biden sẽ "biến trường học công của chúng ta trở thành trại cho người nhập cư".

"Chúng ta sẽ không để họ biến nước Mỹ thành một bãi tha ma với các ổ bệnh tật và tội phạm," ông Trump kêu gọi.

Giáo sư Jennifer Mercieca từ Đại học Texas A&M, người đã viết một cuốn sách về phát ngôn của Trump, cho rằng ông này thường sử dụng thuyết âm mưu vô căn cứ nhằm làm tổn hại đối thủ với các "luận điệu tự đóng khung" vốn không thể chứng minh được đúng hay sai.

"Trước đây ông ta từng nói rằng điểm yếu của Biden là cứ bỏ mặc các tuyến biên giới xung yếu, nhưng đây là một mưu đồ," bà phân tích. "Trump đã ngăn chặn việc thông qua dự luật biên giới để từ đó có thể tiếp tục đưa ra những cáo buộc này nhằm vào ông Biden."

Ông Trump hiện đang tiến hành vận động tranh cử tại Bắc Carolina và Virginia trước cuộc bầu cử sơ bộ ở hai bang này vào ngày thứ Ba 5/3, hai trong số 16 cuộc bỏ phiếu sơ bộ trên khắp nước Mỹ, rất có thể sẽ giúp ông Trump ngày càng tiến gần hơn đến vị trí ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa.

Nguồn: CafeF; Tuổi Trẻ; Vnexpress; Soha; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang