Mỹ: Thời tiết khắc nghiệt; Khách sạn khát nhân lực; Chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa; Đảng CH rối ren; Điều tra ô tô TQ

Nhiều khu vực ở nước Mỹ đối mặt với mối đe dọa từ thời tiết khắc nghiệt

Chỉ một ngày sau khi đón nắng nóng kỷ lục, khoảng 127 triệu người sống ở miền Đông nước Mỹ đã được cảnh báo về việc tiết trời lạnh giá trở lại, kèm theo gió giật, có thể lên tới 72 km/h.

Ngày 28/2, hơn 30% lãnh thổ Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa về thời tiết khắc nghiệt khi gió mạnh, bão tuyết và nguy cơ lốc xoáy đe dọa các khu vực ở miền Đông Nam, Thung lũng Ohio và Bờ Đông, trong khi bão lớn mùa Đông đổ vào vùng Tây Bắc nước này.

Chỉ một ngày sau khi đón nắng nóng kỷ lục vào thời điểm - vốn thường lạnh nhất trong năm, khoảng 127 triệu người sống ở miền Đông đã được cảnh báo về việc tiết trời lạnh giá trở lại, kèm theo gió giật, có thể lên tới 72 km/h.

Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, một cơn bão mùa Đông lớn, có thể mang theo mưa và tuyết rơi dày ở trong đất liền, kèm gió mạnh cho đến hết ngày 1/3.

Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) Mỹ cảnh báo nguy cơ tầm nhìn hạn chế do gió mạnh và tuyết có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn, thậm chí là không thể.

NWS dự báo nhiều khả năng cuộc sống hằng ngày của người dân trên những vùng núi cao của dãy Sierra Nevada có thể bị ảnh hưởng kéo dài do thời tiết cực đoan.

Theo NWS, lốc xoáy và giông bão kèm mưa đá gây thiệt hại có thể xảy ra ở Thung lũng Ohio, trong khi tuyết dày 15cm có thể xảy ở khu vực phía Đông và vùng thượng Michigan và thượng New York.

Dự báo NWS đưa ra ngày 28/2 trái ngược hoàn toàn với những gì mà người dân Mỹ sống ở miền Trung nước này trải qua trong các ngày 26 và 27/2.

Một số khu vực ở bang Texas đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên tới 100 độ F (37,7 độ C) trong 2 ngày đầu tuần. Gió mạnh và độ ẩm thấp đã góp phần gây ra 4 vụ cháy rừng tại bang này, khiến một số thị trấn nhỏ phải sơ tán.

Bộ Lâm nghiệp Texas A&M cho biết tính đến sáng 28/2 (giờ địa phương), vụ cháy lớn nhất đã thiêu rụi hơn 202.000 ha đất. Hiện lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể khống chế được đám cháy nào.

Tại thành phố Chicago và một số thành phố khác ở Trung Tây, chỉ vài giờ sau khi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục lên tới 21,1-26,6 độ C, mức nhiệt đã giảm mạnh xuống còn từ âm 1 độ C đến âm 6 độ C, kèm gió giật.

Giới chức địa phương cho biết thời tiết cực đoan đã gây ra một số thiệt hại về tài sản, nhưng không có báo cáo thiệt hại về người.

Theo các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường xảy ra thường xuyên hơn do sự nóng lên toàn cầu, cũng như hình thái thời tiết El Nino đã khiến vùng biển phía Đông Thái Bình Dương ấm lên.

Khách sạn Mỹ xoay xở giải bài toán thiếu nhân lực

Hoạt động hiệu quả hơn với ít nguồn lực hơn là chiến lược hiện nay của nhiều khách sạn ở Mỹ khi họ xoay xở ứng phó tình trạng thiếu nhân lực. Tăng cường áp dụng công nghệ và sử dụng nhân viên cho nhiều vai trò khác nhau là một phần quan trọng của chiến lược đó.

Tăng lương nhưng nhân sự vẫn thiếu

Ngay cả sau khi ồ ạt tuyển dụng hàng trăm nghìn việc làm trong hai năm qua, ngành khách sạn của Mỹ vẫn thiếu nhân lực và buộc phải tìm cách để thích nghi. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ngành khách sạn của Mỹ đã phải cắt giảm hoặc tạm dừng dịch vụ dọn dẹp vệ sinh hàng ngày và buồng phòng. Đến nay, nhiều khách sạn chưa phục hồi đầy đủ những dịch vụ đó do gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Đồng thời, các khách sạn trên khắp nước Mỹ niêm yết giá phòng hàng ngày gần mức cao kỷ lục trong mùa đông này, một phần để bù đắp chi phí tăng lương nhằm thu hút người lao động trở lại.

Theo Hiệp hội Khách sạn và lưu trú Mỹ (AHLA), các khách sạn ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải trả tổng cộng 123 tỉ đô la chi phí thù lao nhân sự trong năm nay, tăng hơn 20% so với năm 2019.

Một số chủ khách sạn hiện lo ngại sự phàn nàn ngày càng gia tăng của khách vì lực lượng nhân viên mỏng hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Họ cũng đang đau đầu với bài toán chi phí khi lương tăng.

“Chúng tôi không mong đợi sự đồng cảm từ khách lưu trú vì điều này sẽ không xảy ra”, Bob Habeeb, CEO của Maverick Hotels & Restaurants, công ty sở hữu khoảng 24 khách sạn, chủ yếu ở Chicago và các bang miền Trung Tây của Mỹ, nói. Habeeb dự kiến tăng lương 10% cho nhân viên khách sạn trong năm nay. Một phần chi phí đó sẽ được chuyển sang khách lưu trú.

Lĩnh vực giải trí, nhà hàng và khách sạn đã thúc đẩy tăng trưởng tuyển dụng trên thị trường việc làm Mỹ trong suốt hai năm qua. Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, cho biết nhu cầu tuyển dụng của ngành khách sạn Mỹ có thể tiếp tục duy trì.

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu nhân sự trong ngành khách sạn ở Mỹ đã giảm bớt so với năm 2021. Nhưng ngành này chưa phục hồi đầy đủ đội ngũ nhân lực trước đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, số lượng việc làm trong lĩnh vực lưu trú hiện nay vẫn thấp hơn 9% so với đầu năm 2020.

Có một số lý do giải thích cho tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài. Theo Chip Rogers, CEO của AHLA, nhiều lao động không muốn quay trở lại ngành khách sạn sau đợt sa thải hàng loạt vào năm 2020. Nhiều người đã chuyển sang ngành khác với mức lương cao hơn. Các quy định nhập cư của Mỹ cũng giới hạn số lượng lao động nước ngoài làm việc thời vụ mà ngành khách sạn có thể thuê.

Sự phục hồi du lịch không đồng đều cũng là một phần của nguyên nhân. Hiện nay, các khách sạn cần nhiều nhân viên hơn với các vai trò khác nhau để phục vụ khách du lịch thông thường hơn là phục vụ các hội nghị lớn hoặc khách đi công tác. Một số khách sạn đã nhanh chóng tuyển dụng nhân viên để phục vụ khách du lịch giải trí. Dù vậy, họ có thể thiếu nhân viên tổ chức tiệc cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các hội nghị dự kiến ​​phục hồi mạnh trong năm nay.

Hiệu quả hơn với ít nguồn lực hơn

Để ứng phó tình trạng thiếu nhân lực, ngành khách sạn của Mỹ đang thử nghiệm nhiều cách để giảm nhu cầu về lao động. “Các chủ khách sạn đã tìm ra cách hoạt động hiệu quả hơn với ít nguồn lực hơn”, Rogers nói. Ông cho biết thêm, nhiều khách sạn đang dựa nhiều vào các ứng dụng giao đồ ăn hơn là nhân viên nhà bếp tại chỗ, đồng thời tăng tính hiệu quả của quy trình dọp dẹp vệ sinh và nhận phòng.

Các khách sạn cũng đang yêu cầu nhân viên đảm nhận nhiều vai trò hơn. Chẳng hạn, nhân viên giặt là có thể kiêm luôn phục vụ buồng phòng tại một số khách sạn. Và nhân viên lễ tân cũng có thể được điều động để phục vụ đồ uống ở quầy bar khi cần thiết.

Jenae Matthews, giám đốc nhân sự khu vực của khách sạn Hard Rock Hotel ở Daytona Beach, bang Florida, ghi nhận tình hình nhân lực khách sạn của bang này đã được cải thiện nhiều so với vài năm trước.

Florida là một trong những bang đầu tiên cho phép khách sạn mở cửa trở lại ngay trong năm 2020 khi đại dịch vẫn chưa được kiểm soát. Vì vậy, các khách sạn ở đây có nhiều thời gian hơn để cải tổ các hoạt động. Nhu cầu khách sạn ở Mỹ dịu lại trong năm qua, khi nhiều du khách quay trở lại các chuyến du ngoạn trên biển và kỳ nghỉ quốc tế. Điều đó giúp giảm bớt phần nào áp lực bài toán nhân sự của ngành khách sạn.

Jenae Matthews cho biết, Hard Rock Hotel đã phải sáng tạo về cách bố trí nhân viên ở một số vị trí nhất định. Bà tiết lộ, khách sạn hiện khuyến khích khách đặt dịch vụ phòng qua mã phản hồi nhanh (QR).

Theo Sue Sanders, giám đốc chiến lược và hành chính của Hospitality Ventures Management Group (HVMG), công ty quản lý Hard Rock Hotel Daytona Beach và hơn 50 khách sạn khác, HVMG thực hiện đánh giá thị trường thường xuyên để đảm bảo công ty đang trả mức lương cạnh tranh.

Greg Miller và C. Patrick Scholes, hai nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Truist, nhận định tình trạng thiếu lao động và lương tăng có thể là rủi ro chính đối với các khách sạn ở Mỹ trong năm nay. Miller cho biết, ở những thị trường khách sạn nơi nhu cầu vẫn chưa phục hồi về mức của năm 2019, công suất thuê thấp hơn đồng nghĩa với việc ít tiền tip hơn cho người lao động, khiến công việc khách sạn kém hấp dẫn hơn.

HEI Hotels & Resorts, công ty quản lý hàng chục khách sạn trên khắp nước Mỹ, đang dựa nhiều hơn vào công nghệ. Rachel Moniz, CEO của HEI Hotels & Resorts, tiết lộ, một số khách sạn đang thử nghiệm tính năng check-in ảo (thông qua ứng dụng di động hoặc website).

Các khách sạn của HEI Hotels & Resorts đã phục hồi dịch vụ dọn dep vệ sinh hàng ngày và buồng phòng. Tuy nhiên, những dịch vụ đó đã thay đổi theo cách đòi hỏi ít lao động hơn.

“Tất cả các dịch vụ đều đã hoạt động trở lại, nhưng cách cung cấp sẽ hơi khác một chút. Rất nhiều khách ưu trú vẫn thấy ổn nếu khách sạn không cung cấp dịch vụ buồng phòng cầu kỳ”, Moniz nói.

Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đóng cửa vào phút chót

Chính phủ Mỹ cuối cùng đã tránh được nguy cơ đóng cửa vào ngày 1/3, khi Thượng viện Mỹ ngày 29/2 do đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua dự luật ngăn chặn việc này.

Dự luật ngân sách này được Thượng viện thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 77/13 của lưỡng đảng và ngay lập tức được chuyển tới bàn của Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.

Dự luật này sẽ đặt ra thời hạn tài trợ cho một phần của chính phủ trước ngày 8/3 và phần còn lại trước ngày 22/3.

"Tôi vui mừng thông báo với người dân Mỹ rằng chính phủ sẽ không đóng cửa vào ngày 1/3. Khi chúng tôi thông qua dự luật này là sẽ tránh được việc đóng cửa với tất cả những tác động có hại của nó đối với người dân Mỹ", lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer vui mừng thông báo.

Trong khi đó, dự luật cấp ngân sách tạm thời để chính phủ có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian tới cũng đã được thông qua với tỷ lệ chênh lệch lớn là 320/99, trong đó bao gồm 207 phiếu ủng hộ từ các đảng viên Dân chủ và 113 phiếu ủng hộ từ các đảng viên Cộng hòa.

Điều này giúp các nhà đàm phán của Quốc hội có thêm một chút thời gian để tìm ra chi tiết về các dự luật phân bổ, theo một thỏa thuận mà Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã đạt được với các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện.

Tuy nhiên, việc ông Johnson đã dựa vào một động thái mang tính thủ tục yêu cầu đảng Dân chủ cung cấp phần lớn sự ủng hộ để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời khiến những đảng viên theo đường lối cứng rắn tức giận.

Theo các chuyên gia, Chủ tich Hạ viện Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi phải thông qua 6 dự luật phân bổ ngân sách cho cả năm vào tuần tới và một vấn đề gai góc khác là viện trợ cho Ukraine.

Mỹ: Đảng Cộng hòa rối ren

Việc lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell thông báo từ chức đang châm ngòi các xáo trộn trong nội bộ đảng ngay trước thềm bầu cử.

Các Thượng nghị sĩ John Thune ở bang Nam Dakota, John Cornyn ở bang Texas và John Barrasso ở bang Wyoming đang được xem là những ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Mitch McConnell - người vừa thông báo từ chức ngày 28-2 (giờ địa phương).

Năm nay 82 tuổi, ông McConnell đã giữ vị trí lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện suốt 17 năm, lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông dự định từ chức sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 tới.

Theo hãng tin Bloomberg, không giống ông McConnell, cả 3 ứng viên nói trên đều ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong lần tranh cử thứ 3 vào Nhà Trắng. Dự kiến còn xuất hiện những ứng viên khác khi nhiều tháng nữa mới đến cuộc bỏ phiếu.

Cuộc đua thay thế vị trí ông McConnell sẽ trở thành một cuộc trưng cầu ý kiến về quan điểm của Đảng Cộng hòa đối với viện trợ cho nước ngoài và tầm quan trọng của các liên minh của Mỹ.

Hai ông Thune và Cornyn nằm trong số 22 thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện ủng hộ gói chi tiêu bổ sung 95 tỉ USD cho Ukraine, Israel và các vấn đề khác. Trái lại, ông Barrasso và ông Daines đã bỏ phiếu phản đối cùng với đa số thành viên Đảng Cộng hòa.

Bất kỳ ai trở thành lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng sẽ đối mặt sự chia rẽ trong nội bộ đảng.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel vừa thông báo sẽ từ chức vào ngày 8-3 sau những áp lực từ ông Trump. Đồng Chủ tịch RNC Drew McKissick cho biết ông cũng sẽ ra đi. Trong khi đó, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ con dâu Lara Trump đảm nhận vị trí sắp bị bỏ trống.

Theo tạp chí The Hill, động thái này phản ánh mong muốn của cựu tổng thống nhằm tập hợp những người trung thành trong Đảng Cộng hòa, đồng thời là hồi chuông cảnh báo đối với những người chỉ trích ông.

Tuy ảnh hưởng của ông Donald Trump ngày càng được củng cố với thành tích toàn thắng cho đến nay trong các cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên tổng thống cho Đảng Cộng hòa, song ông hiện phải đối mặt hàng loạt rắc rối pháp lý.

Thẩm phán ở bang Illinois đã cấm cựu Tổng thống Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang này vì vai trò của ông trong cuộc bạo loạn ở quốc hội Mỹ năm 2021 - theo Bloomberg ngày 29-2. Đây là bang thứ 3 áp đặt lệnh cấm như vậy, sau quyết định vào tháng 12-2023 của bang Colorado và tiếp đến là bang Maine.

Chưa hết, Tòa Phúc thẩm bang New York ngày 28-2 ra phán quyết không cho phép cựu Tổng thống Trump hoãn nộp số tiền phạt hơn 454 triệu USD liên quan đến tội danh thổi phồng giá trị tài sản để nhận các quyền lợi về thuế và bảo hiểm.

Ông Trump được "an ủi" chút ít khi cùng ngày, Tòa án Tối cao Mỹ đã nhận thụ lý kháng cáo của ông về việc miễn truy tố đối với cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.

Tòa án Tối cao Mỹ cũng sắp đưa ra phán quyết về việc có hủy bỏ quyết định tư pháp cấm ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Colorado hay không.

Mỹ điều tra ô tô Trung Quốc vì lo ngại rủi ro an ninh

Mỹ đang mở một cuộc điều tra về việc liệu xe nhập khẩu của Trung Quốc có gây ra rủi ro an ninh quốc gia và có thể áp đặt các hạn chế do lo ngại về công nghệ ô tô “kết nối” hay không, theo Nhà Trắng cho biết hôm 29/2.

Nhà Trắng nói rằng cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là cần thiết vì các phương tiện "thu thập lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về người lái và hành khách (và) thường xuyên sử dụng camera và cảm biến để ghi lại thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ".

Vì các phương tiện có thể "được điều khiển hoặc vô hiệu hóa từ xa", cuộc điều tra cũng sẽ xem xét các phương tiện tự hành.

“Các chính sách của Trung Quốc có thể đưa các phương tiện của họ tràn ngập thị trường của chúng tôi, gây rủi ro cho an ninh quốc gia của chúng tôi,” Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố. "Tôi sẽ không để điều đó xảy ra dưới sự giám sát của tôi."

Các quan chức Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng còn quá sớm để nói biện pháp nào có thể được thực hiện và cho biết chưa có quyết định nào về lệnh cấm hoặc hạn chế đối với các phương tiện kết nối của Trung Quốc.

Các quan chức cho các phóng viên biết rằng chính phủ Mỹ có quyền lực pháp lý rộng rãi và có thể hành động với "tác động lớn".

Tổng thống Biden gọi nỗ lực này là “hành động chưa từng có nhằm đảm bảo rằng ô tô trên đường phố Hoa Kỳ từ các quốc gia cần được quan tâm như Trung Quốc không làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta”.

Có tương đối ít xe hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chính quyền đang hành động trước khi chúng trở nên phổ biến và “có khả năng đe dọa quyền riêng tư cũng như an ninh quốc gia của chúng ta”.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang coi Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tính theo doanh số, đã nhiều lần cho biết họ không có kế hoạch bán ô tô của mình tại thị trường Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters hôm 29/2.

Tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, Thôi Đông Thụ (Cui Dongshu), cho biết việc nhắm mục tiêu vào ô tô từ một quốc gia cụ thể và áp đặt các hạn chế riêng đối với chúng, trong số tất cả các phương tiện được trang bị cảm biến thông minh, là không công bằng.

Ngoài ra, chính quyền Biden đang xem xét áp đặt mức thuế mới đối với xe do Trung Quốc sản xuất và các quan chức Mỹ phải đối mặt với áp lực mới trong việc hạn chế nhập khẩu xe điện của Trung Quốc từ Mexico.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã nhiều lần chỉ trích đề xuất của chính quyền Biden nhằm áp đặt các hạn chế mới đối với thương mại Trung Quốc, kêu gọi cơ quan này "ngưng thổi phồng lý thuyết 'mối đe dọa Trung Quốc' và sự đàn áp không chính đáng của chính quyền đối với các công ty Trung Quốc."

Vào tháng 11, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo về việc các công ty Trung Quốc thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm trong khi thử nghiệm xe tự hành ở Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ lấy ý kiến trong 60 ngày và sau đó xem xét soạn thảo các quy định để giải quyết những lo ngại. Cuộc điều tra cũng sẽ tìm kiếm thông tin chi tiết về những chiếc xe hiện được lắp ráp tại Mỹ, bao gồm cả phần mềm cấp phép của các nhà sản xuất ô tô.

Hoa Kỳ trước đây đã cấm các công ty viễn thông Trung Quốc tham gia thị trường của mình với lý do lo ngại về dữ liệu và chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa, yêu cầu các nhà mạng của Mỹ loại bỏ thiết bị của họ khỏi mạng của Hoa Kỳ.

Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đặt ra những hạn chế đáng kể đối với ô tô Mỹ và các ô tô nước ngoài khác hoạt động tại Trung Quốc. “Tại sao các phương tiện kết nối từ Trung Quốc lại được phép hoạt động ở nước ta mà không có sự bảo vệ?” ông Biden nói.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường giám sát việc quản lý dữ liệu trong nước và hầu hết các ngành phải xin phép trước khi dữ liệu có thể được chuyển ra nước ngoài.

Vào tháng 5, nhà chức trách đã thắt chặt các quy định về dữ liệu đối với ngành công nghiệp ô tô và đề xuất cấm các phương tiện thông minh ở Trung Quốc truyền dữ liệu trực tiếp ra nước ngoài, thay vào đó buộc họ phải sử dụng các dịch vụ đám mây trong nước.

Nguồn: VietnamPlus; The Saigon Times; Dân Trí; CafeF; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang