Mỹ: Luật an ninh 'đắp chiếu'; Phong trào 'Texit'; Biden-Trump thắng ở Michigan; Trump kháng cáo; Cơ hội cuối của bà Haley

Dự luật an ninh 'đắp chiếu', Tổng thống Mỹ khó ngồi yên trước 'hậu quả thảm khốc', triệu gấp các lãnh đạo Quốc hội

Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp với bốn lãnh đạo của lưỡng viện Quốc hội để thảo luận và tìm ra giải pháp cho vấn đề ngân sách của chính phủ, an ninh biên giới, cũng như các gói hỗ trợ đồng minh.

Reuters và nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đưa tin, 4 lãnh đạo của Quốc hội gặp ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries và Lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang đứng trước áp lực phải thông qua dự luật an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ USD nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine, Israel cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hồi đầu tháng 2, dự luật này được Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 70-29 sau một số thất bại trước đó.

Tổng thống Biden đã kêu gọi các đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội nhanh chóng thông qua ngân sách nhằm gửi vũ khí đến Ukraine và tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần.

Tại Phòng Bầu dục, cho biết "có rất nhiều việc phải làm”, ông Biden nhấn mạnh, nguồn viện trợ đối với Kiev ngày càng trở nên cấp bách hơn, đồng thời nêu rõ: "Hậu quả của việc không hành động là rất thảm khốc".

Phát biểu sau cuộc gặp, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết, ông "rất lạc quan" về khả năng Quốc hội sẽ ngăn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa trước thời hạn chót vào ngày 1/3 tới.

Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là đến thời hạn quan trọng để gia hạn ngân sách liên bang, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu quá trình chính thức chuẩn bị cho việc chính phủ đóng cửa một phần.

Các bên đang đàm phán một thỏa thuận chi tiêu lưỡng đảng, nhưng vấp phải hàng loạt bất đồng xung quanh vấn đề viện trợ cho Ukraine và an ninh biên giới, cùng các vấn đề chính sách khác.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang phải chịu sức ép rất lớn từ phe cực hữu của đảng Cộng hòa yêu cầu phải đưa vào dự luật ngân sách những chính sách bảo thủ, dù chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối.

Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/3, một loạt bộ, ngành, tương đương 20% chính phủ liên bang, sẽ không còn ngân sách hoạt động.

Dự kiến các cơ quan chịu tác động gồm các Bộ Nông nghiệp, Năng lượng, Giao thông vận tải, Cựu chiến binh, Nhà ở và Phát triển đô thị, cùng một số dự án xây dựng cho quân đội.

Khủng hoảng biên giới Mỹ và phong trào 'Texit' ở Texas

Tại Texas, nơi từng là quốc gia độc lập cách đây 200 năm, giờ đây một nhóm người muốn lấy lại địa vị đó, ủng hộ việc tiểu bang này tách khỏi nước Mỹ trong phong trào 'Texit'.

Về mặt ngôn ngữ, "Texit" là sự kết hợp giữa địa danh Texas và từ "exit" có nghĩa là rời khỏi một nơi nào đó. Phong trào "Texit" một phần bắt nguồn từ "Brexit", tức sự kiện Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) từng gây nên địa chấn chính trị ở châu Âu cũng như trên toàn cầu.

Theo AFP, những người ủng hộ "Texit" cho rằng việc tách tiểu bang Texas khỏi nước Mỹ sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới và người di cư đang sôi sục, cũng như cuộc chiến giữa chính quyền tiểu bang với chính phủ liên bang về việc ai có quyền kiểm soát biên giới Mỹ - Mexico.

Cuộc chiến đó - giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, người của đảng Dân chủ, và Thống đốc Texas Greg Abbott, thành viên đảng Cộng hòa - đã phơi bày những rạn nứt sâu sắc ở Mỹ.

"Ở Texas này, chúng tôi biết rằng cách duy nhất để Texas có thể bảo vệ biên giới và có hệ thống nhập cư hợp lý là làm giống như 200 quốc gia khác trên thế giới và làm như vậy với tư cách một quốc gia độc lập tự quản", AFP dẫn lời ông Daniel Miller, lãnh đạo Phong trào Dân tộc Texas, trong tường thuật ngày 28.2.

Ông Miller khẳng định phong trào của ông, được thành lập vào năm 2005, chưa bao giờ tiến gần đến mục tiêu như lúc này.

Vào thế kỷ 19, Texas là một phần của Mexico. Song sau cuộc chiến tranh giành độc lập - còn gọi là "Cách mạng Texas" - Texas đã có được chủ quyền vào năm 1836. Chỉ 9 năm sau đó, quốc gia non trẻ này gia nhập nước Mỹ với tư cách tiểu bang thứ 28.

Ông Miller ví von phong trào "Texit" hiện nay giống như cú sốc "Brexit" năm 2016. Ông cho biết Texas chia sẻ lịch sử và lợi ích với phần còn lại của Mỹ, nhưng giống như những người ủng hộ độc lập ở vùng Catalan của Tây Ban Nha, người dân Texas cảm thấy chính phủ liên bang không hiểu vấn đề của họ.

Trong bối cảnh cử tri Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11 này, phong trào đòi độc lập cho Texas muốn cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai.

Tuy nhiên, hiến pháp Mỹ không có điều khoản nào cho phép các bang làm điều này. Trên thực tế, hành động ly khai của các bang "miền nam" bao gồm Texas vào năm 1861 đã dẫn đến nội chiến Mỹ, cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử quốc gia này.

Người Texas hay người Mỹ?

Theo ông Joshua Blank, giám đốc nghiên cứu tại Dự án Chính trị Texas của Đại học Texas, phong trào ly khai đã tồn tại từ lâu ở tiểu bang này, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được thanh thế đáng kể.

Vị chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng biên giới giữa Texas và chính phủ liên bang ở Washington DC "đã tạo ra một tình huống mà tôi nghĩ nhóm này đã thực sự tìm cách khai thác, để làm cho quan điểm của họ dường như không chỉ trở thành chủ lưu mà còn thực sự trở nên hợp lý hơn so với thực tế".

Bà Misty Walters, một người nội trợ ở độ tuổi 50 đã đi nghe ông Miller diễn thuyết tại một nhà hàng thịt nướng ở Texas, cho biết người dân trong bang cảm thấy họ là người Texas trước tiên, sau đó mới là công dân Mỹ.

"Chúng tôi hoàn toàn đang bị xâm lược", bà nói về số lượng kỷ lục người tìm cách đi vào nước Mỹ từ Mexico, nhiều người trong đó xuất phát từ Trung Mỹ. Vấn đề này đã trở thành vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Một cuộc thăm dò trong tháng này của Dự án Chính trị Texas cho thấy 26% những người được hỏi cảm thấy họ là người Texas trước tiên rồi mới là người Mỹ. Năm 2014, tỷ lệ này là 27%, nhưng đây là thay đổi không đáng kể về mặt thống kê.

"Ngay cả như vậy cũng không có nghĩa là 26% đó ủng hộ một cuộc ly hôn đẫm máu với Mỹ", chuyên gia Blank bình luận với AFP.

Một cuộc thăm dò của Newsweek trong tháng này cho thấy 67% người dân Texas muốn bang này vẫn là một phần của Mỹ.

"Đến mà lấy đi"

Tại thị trấn Eagle Pass ở cực nam Texas, Thống đốc Abbott nắm quyền kiểm soát quân sự đối với một khu vực có tên là Công viên Shelby dọc theo sông Rio Grande ngăn cách bang này với Mexico. Đây là nơi diễn ra xung đột giữa lực lượng tiểu bang với chính phủ liên bang Mỹ.

Ông Abbott cáo buộc Washington đã không ngăn được số lượng lớn người di cư đi vào Texas, và đã ra lệnh xây dựng hàng rào thép gai dọc theo các khu vực biên giới. Đáp trả, chính quyền Tổng thống Biden khởi kiện Texas, nhấn mạnh rằng việc kiểm soát biên giới luôn thuộc thẩm quyền của liên bang.

Ông Miller so sánh tình hình hiện tại với các sự kiện năm 1835 khi Texas vẫn còn là một phần của Mexico. Khi ấy, Texas đã từ chối trả lại khẩu đại bác mà Mexico đã cho mượn và treo một lá cờ có dòng chữ "Đến mà lấy đi", qua đó khơi mào cuộc chiến giành độc lập mà Texas cuối cùng đã thành công.

Theo ông Miller, cũng như câu chuyện khẩu đại bác, căng thẳng ở Eagle Pass chỉ là một phần trong vấn đề còn lớn hơn nhiều. Ông nói đây là biểu tượng cho "mối quan hệ rạn nứt giữa chính phủ liên bang và các tiểu bang" ở Mỹ.

Những người đi theo ông Miller cũng tin rằng việc ly khai lần này của Texas có thể đạt được một cách hòa bình, không giống cuộc chiến giành độc lập từ Mexico hay Nội chiến Mỹ.

Song chuyên gia Blank lại cho rằng không có khả năng Texas sẽ độc lập. "Texas sẽ không thể ly khai một cách hòa bình. Mỹ sẽ không đàm phán với họ về những gì họ muốn", ông nói.

Ông Trump và ông Biden cùng thắng bầu cử sơ bộ ở bang Michigan

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan hôm 27/2, càng củng cố thêm mức độ chắc chắn sẽ diễn ra cuộc tái đấu giữa hai ông, theo AP.

Ông Biden đánh bại Dân biểu Dean Phillips của bang Minnesota, đối thủ quan trọng duy nhất của ông còn sót lại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Nhưng các đảng viên đảng Dân chủ cũng theo dõi chặt chẽ kết quả về số phiếu chọn phương án “không cam kết”, vì bang Michigan đã trở thành tâm điểm cho các thành viên bất mãn trong liên minh của ông Biden, những người đã đưa ông đến chiến thắng tại bang này – và trên toàn quốc – vào năm 2020. Số phiếu chọn phương án “không cam kết” này đã tăng đã vượt xa tỷ lệ 10.000 phiếu bầu mà ông Trump đã giành được ở Michigan vào năm 2016, là mục tiêu mà những người tổ chức việc thể hiện bày tỏ sự phản kháng đã đặt ra.

Về phần ông Trump, đến nay ông đã thắng trong 5 bang đầu tiên trong lịch bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Chiến thắng của ông ở bang Michigan trước đối thủ lớn cuối cùng của ông, bà Nikki Haley, cựu Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, diễn ra sau khi cựu tổng thống đánh bại bà với cách biệt 20 điểm phần trăm tại bang quê nhà của bà là South Carolina vào ngày 24/2. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang tìm cách chốt lại 1.215 đại biểu cần thiết để đảm bảo được đảng Cộng hòa đề cử vào khoảng giữa tháng 3.

Cả hai ban vận động tranh cử đều đang theo dõi kết quả ngày 27/2 không chỉ để biết liệu họ có thắng như mong đợi hay không. Đối với ông Biden, một số lượng lớn cử tri chọn “không cam kết” có thể có nghĩa là ông ấy đang gặp rắc rối đáng kể với các bộ phận cơ sở của đảng Dân chủ ở một bang mà ông ấy khó có thể để thua vào tháng 11 tới. Trong khi đó, ông Trump lại kém hiệu quả với các cử tri ngoại ô và những người có bằng đại học, đồng thời phải đối mặt với một phe phái ngay trong đảng của ông tin rằng ông đã vi phạm pháp luật trong một hoặc nhiều vụ án hình sự.

Đến nay, ông Biden giành chiến thắng ở bang South Carolina, Nevada và New Hampshire. Ông thắng ở bang New Hampshire nhờ một chiến dịch vận động cử tri tự điền tên ứng cử viên mà họ ủng hộ, vì tên của ông Biden đã không chính thức xuất hiện trên lá phiếu sau khi New Hampshire vi phạm các quy định cấp quốc gia của đảng vì bang này đã tổ chức bỏ phiếu trước South Carolina, là nơi được chỉ định tổ chức bỏ phiếu đầu tiên trong số các cuộc bầu chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Cả Nhà Trắng lẫn các quan chức ban tranh cử của ông Biden đều đã đến bang Michigan trong những tuần gần đây để nói chuyện với các nhà lãnh đạo cộng đồng về cuộc chiến Israel-Hamas và cách ông Biden tiếp cận cuộc xung đột, nhưng những nhà lãnh đạo đó, cùng với những người tổ chức nỗ lực “không cam kết”, đã không hề dao động.

Bà Mariam Mohsen, một giáo viên 35 tuổi đến từ thành phố Dearborn, bang Michigan, nói bà đã lên kế hoạch bỏ phiếu “không cam kết” vào ngày 27/2 để gửi thông điệp cùng với các cử tri khác rằng “sẽ không có ứng cử viên nào nhận được phiếu bầu của chúng tôi nếu họ tiếp tục ủng hộ nạn diệt chủng ở Gaza”.

“Bốn năm trước tôi đã bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Điều quan trọng là chúng tôi bỏ phiếu để loại ông Trump khỏi chức vụ”, bà Mohsen nói thêm. “Hôm nay, tôi cảm thấy rất thất vọng về ông Joe Biden và tôi không cảm thấy mình đã làm điều đúng đắn trong cuộc bầu cử lần trước. Nếu ông Trump được đề cử cho cuộc bầu cử vào tháng 11 này, tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump hay ông Biden. Tôi không nghĩ về mặt chính sách đối ngoại sẽ có bất kỳ sự khác biệt nào”.

Thắng lợi áp đảo của ông Trump ở các bang đầu tiên là điều chưa từng có kể từ năm 1976, khi bang Iowa và New Hampshire bắt đầu truyền thống tổ chức các cuộc bầu chọn ứng cử viên đầu tiên. Ông đã giành được sự ủng hộ vang dội từ hầu hết các nhóm cử tri cơ sở của đảng Cộng hòa, bao gồm các cử tri theo đạo Tin lành, những người bảo thủ và những người sống ở khu vực nông thôn. Nhưng ông Trump đã chật vật với những cử tri có trình độ đại học, để mất khối đó ở South Carolina vào tay bà Haley vào tối ngày 24/2.

Bà Olivia Perez-Cubas, người phát ngôn ban tranh cử của bà Haley, cho rằng kết quả ở bang Michigan là “ánh đèn nháy cảnh báo đối với ông Trump vào tháng 11”.

“Hãy coi đây là một dấu hiệu cảnh báo nữa rằng những gì đã xảy ra ở bang Michigan sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước. Chừng nào Donald Trump còn đứng đầu bảng, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục thua phe cánh tả xã hội chủ nghĩa. Con cái chúng ta xứng đáng được hưởng điều tốt hơn thế”.

Cựu Tổng thống Donald Trump kháng cáo án phạt 355 triệu USD

Ngày 26/2, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kháng cáo phán quyết nộp phạt 355 triệu USD mà một tòa án ở New York đưa ra trước đó sau khi thẩm phán của tòa kết luận ông Trump đã thổi phồng về giá trị tài sản của mình để đạt được những khoản vay ưu đãi của ngân hàng.

Theo hồ sơ của tòa, ông Trump cùng 2 con trai và cựu Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Trump Organization, ông Allen Weisselberg, đã nộp đơn kháng cáo phán quyết nói trên. Hồi tháng 1/2023, ông Weisselberg đã bị phạt 5 tháng tù vì tội gian lận và trốn thuế.

Trong thông báo, luật sư của ông Trump, bà Alina Habba bày tỏ tin tưởng tòa phúc thẩm sẽ đảo ngược phán quyết và thực hiện các biện pháp cần thiết để "khôi phục niềm tin của công chúng đối với hệ thống pháp luật của New York".

Kết thúc phiên xử gây tranh cãi kéo dài 3 tháng tại Manhattan hôm 16/2, thẩm phán Arthur Engoron đã phán quyết rằng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ phải nộp phạt 354,9 triệu USD do tội danh trên. Nếu tính cả tiền lãi phát sinh cho các hoạt động kinh doanh gian lận trước khi mở phiên tòa xét xử thì số tiền nộp phạt sẽ là hơn 454 triệu USD.

Phán quyết cũng cấm ông Trump đảm nhận bất kỳ cương vị lãnh đạo hoặc giám đốc của bất kỳ công ty nào ở New York trong 3 năm. Thẩm phán Engoron cũng cấm cựu Tổng thống Trump và các công ty có tên trong vụ kiện được nộp đơn xin vay từ bất kỳ tổ chức tài chính nào được cấp phép ở New York trong 3 năm, qua đó có thể hạn chế khả năng nhận được tín dụng từ các ngân hàng lớn tại Mỹ của ông Trump. Thẩm phán Engoron cũng khẳng định sẽ chỉ định một bên giám sát độc lập và một giám đốc để giám sát hoạt động kinh doanh của ông Trump.

Ngoài các vụ kiện dân sự, cựu Tổng thống Donald Trump hiện đang phải đối mặt với 91 cáo buộc trong 4 vụ án hình sự, trong bối cảnh ông đang nỗ lực tranh cử để trở thành đại diện đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Siêu thứ ba - cơ hội cuối để bà Haley cản bước ông Trump

Siêu thứ ba, ngày 16 bang và vùng lãnh thổ Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ, là cơ hội cuối cùng để bà Haley tiếp tục nuôi hy vọng đánh bại ông Trump.

"Siêu thứ ba" là thuật ngữ để chỉ ngày thứ ba trong tháng 2 hoặc tháng 3 năm bầu cử tổng thống Mỹ, khi nhiều bang tổ chức bầu cử sơ bộ nhất để chọn ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa ra tranh cử.

Khoảng 1/3 số đại biểu của mỗi đảng sẽ được phân bổ cho ứng viên trong ngày Siêu thứ ba, nhiều hơn bất cứ ngày nào khác trong vòng bầu cử sơ bộ. Những đại biểu này sau đó sẽ dự đại hội toàn quốc của đảng, tham gia bỏ phiếu chọn người đại diện của đảng chạy đua vào Nhà Trắng.

Siêu thứ ba trong mùa bầu cử năm nay diễn ra vào ngày 5/3, khi 16 bang và vùng lãnh thổ, gồm Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, Bắc Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia cùng Samoa thuộc Mỹ, sẽ đồng loạt tổ chức bỏ phiếu sơ bộ và họp kín.

Đảng Cộng hòa tại các bang sẽ phân bổ 874 trong tổng số 2.429 đại biểu cho hai ứng viên là cựu tổng thống Donald Trump và cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong ngày Siêu thứ ba, trong đó nhiều nhất là California với 169 đại biểu và Texas với 161 đại biểu.

Ứng viên Cộng hòa muốn nhận đề cử của đảng cần được tối thiểu 1.215 đại biểu bỏ phiếu ủng hộ tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7 ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin.

Sau vòng sơ bộ ở 5 bang đầu tiên, ông Trump đang có 110 đại biểu, trong khi bà Haley có 20 đại biểu. Chiến thắng áp đảo mới nhất ở Michigan giúp ông Trump tiến gần hơn tới mốc 1.215 đại biểu cần thiết để giành đề cử của đảng Cộng hòa.

Với vị thế hiện tại, Siêu thứ ba được coi là cơ hội cuối cùng để bà Haley có thể làm chậm đà tiến của ông Trump, giúp nữ ứng viên tiếp tục duy trì hy vọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Kết quả Siêu thứ ba có thể không được công bố ngay lập tức, do các bang tổ chức bầu cử sơ bộ với thời gian khác nhau. Tại California, phiếu bầu qua thư được coi là hợp lệ nếu có dấu bưu chính không muộn hơn ngày 5/3 và đến điểm kiểm phiếu không muộn hơn ngày 12/3.

Ngoài ra, một số bang còn tổ chức "bỏ phiếu sơ bộ mở", cho phép cử tri có thể chọn tham gia bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ tại bang tương ứng, khiến việc dự đoán kết quả thêm phức tạp.

Kết quả các khảo sát cho thấy ông Trump áp đảo bà Haley ở California và Texas, cùng hàng loạt bang khác như Alabama, Maine và Minnesota. Chiến dịch tranh cử của ông Trump ước tính cựu tổng thống sẽ thắng ít nhất 773 đại biểu trong Siêu thứ ba và đạt mức cần thiết để giành đề cử của đảng Cộng hòa trong một hoặc hai tuần kế tiếp.

Cựu tổng thống Trump liên tục kêu gọi bà Haley bỏ cuộc trước Siêu thứ ba, đồng nghĩa sẽ mở đường cho trận tái đấu giữa ông và Tổng thống Joe Biden, đang là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, bà Haley khẳng định quyết tâm theo đuổi cuộc đua, cam kết sẽ không từ bỏ trước khi kết quả ngày Siêu thứ ba ngã ngũ. Để thực hiện kế hoạch này, bà đã lên lịch trình vận động tranh cử dày đặc trước 5/3, nhằm thuyết phục cử tri Cộng hòa bỏ phiếu cho mình.

"Cử tri có quyền được đưa ra lựa chọn của mình, không phải bầu cử theo kiểu chỉ có một ứng viên duy nhất", bà Haley phát biểu sau thất bại ở Nam Carolina ngày 24/2. "Tôi có trách nhiệm đưa cho họ lựa chọn đó".

Kết quả Siêu thứ ba tại Bắc Carolina sẽ được theo dõi sát sao để xác định tiềm năng của mỗi ứng viên. Bắc Carolina là một trong những bang chiến trường có thể định hình kết cuộc tổng tuyển cử tháng 11. Năm 2020, ông Trump đánh bại đối thủ Biden ở bang này với chênh lệch sít sao, chỉ hơn một điểm phần trăm.

Bắc Carolina sẽ phân bổ 74 đại biểu vào Siêu thứ ba. Bang này cũng cho phép cử tri trung lập tham gia bầu cử sơ bộ của bất kỳ đảng nào họ muốn. Đây chính là cơ hội để Haley cải thiện vị thế, do bà có sức ảnh hưởng với cử tri độc lập cao hơn ông Trump.

Haley tin rằng mình có vị thế tốt hơn Trump để đánh bại Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Bà dẫn kết quả một số cuộc thăm dò gần đây, trong đó có khảo sát của Trường Luật Marquette, cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà cao gấp hơn ông Biden. Kết quả các khảo sát toàn quốc của RealClearPolitics cũng cho thấy bà Haley dẫn trước ông Biden 5 điểm phần trăm trong bầu cử giả định, trong khi ông Trump chỉ dẫn trước 2 điểm phần trăm.

Nhưng nếu thất bại trong ngày Siêu thứ ba, bà Haley nhiều khả năng sẽ bỏ cuộc, khi nữ ứng viên này không còn bất cứ cơ hội nào để lật ngược tình thế.

Về phía Dân chủ, đảng này sẽ phân bổ 1.439 trong tổng số 3.979 đại biểu trong Siêu thứ ba. Tổng thống Biden được dự đoán thắng lớn, khi ông chỉ phải đối mặt đối thủ không mấy nổi bật là nghị sĩ bang Minnesota Dean Phillips.

Ông Biden đang có 178 đại biểu và cần đạt mốc 1.968 đại biểu. Đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội toàn quốc vào tháng 8 ở thành phố Chicago, bang Illinois.

Nguồn: Báo Quốc Tế; Thanh Niên; VOA; Báo Tin Tức; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang