Mỹ: Chưa thể giải cứu chính phủ; Giá khí đốt thấp kỷ lục; Giám đốc CIA bí mật tới Kiev; Biden bỏ rơi Bộ tứ; Chip TQ 'tạo sóng'

Quốc hội Mỹ chưa đạt được thỏa thuận ‘giải cứu’ chính phủ

Nỗ lực 'giải cứu' chính phủ Mỹ khỏi nguy cơ đóng cửa một phần vào ngày 1.3 vừa bị thất bại ở Quốc hội Mỹ, mà theo Thủ lĩnh đa số tại Thượng viện Chuck Schumer (đảng Dân chủ) là do đảng Cộng hòa cản trở.

"Chúng ta chỉ còn vài ngày trước thời hạn chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần vào ngày 1.3. Trừ phi các nghị sĩ đảng Cộng hòa làm việc nghiêm túc, việc chính phủ đóng cửa sẽ đe dọa nền kinh tế, đẩy chi phí tăng cao, khiến xã hội bớt an ninh hơn và khiến người dân Mỹ sống khó khăn hơn", báo The Hill hôm 26.2 dẫn nội dung lá thư của ông Schumer gửi cho các nghị sĩ Mỹ.

Thủ lĩnh đa số Schumer cho biết các cuộc thảo luận căng thẳng đang được tiếp tục giữa các lãnh đạo lưỡng đảng tại hạ viện lẫn thượng viện cho vấn đề giải cứu chính phủ.

Quốc hội Mỹ đến ngày 1.3 phải thông qua dự luật cấp ngân sách cho các bộ như nông nghiệp, năng lượng, giao thông, nhà ở và phát triển đô thị, cũng như các ban ngành khác cho năm tài khóa 2024. Nếu thất bại, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần lần đầu tiên trong nhiều năm.

Tổng cộng có 12 dự luật chi ngân sách thường niên cho chính phủ cần nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng nếu muốn thông qua.

Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa nắm thế đa số vẫn chưa thỏa hiệp với đảng Dân chủ. Thậm chí, Nhóm Tự do Hạ viện, bao gồm các nghị sĩ siêu bảo thủ của đảng Cộng hòa, muốn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phải gây áp lực để đảng Dân chủ phải nhượng bộ để dự luật chi ngân sách được thông qua.

Một số yêu cầu của nhóm là phải cắt lương của Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Alejandro Mayorkas xuống còn 0 đồng, loại trừ chính sách Lầu Năm Góc chi trả tiền đi lại cho người thân của quân nhân đến nơi phá thai, hủy bỏ Planned Parenthood (tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản ở Mỹ).

Trước những lời chỉ trích từ ông Schumer, thượng nghị sĩ Rick Scott của đảng Cộng hòa cho rằng sự trì hoãn một phần do lỗi của thủ lĩnh đa số tại thượng viện.

Theo ông Scott, cả 12 dự luật đã sẵn sàng từ vài tháng qua, nhưng ông Schumer từ chối cơ hội tranh luận, chỉnh sửa và thông qua.

"Thay vào đó, ông ta dành 4 tháng cho dự luật cấp ngân sách chính phủ Ukraine, chứ không phải cho chính phủ của nước này", ông Scott đáp trả.

Giá khí đốt ở Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục

Sản lượng tăng vọt và một mùa đông ấm bất thường khiến giá khí đốt tương lai ở Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ lúc các hợp đồng kỳ hạn được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) vào năm 1990.

Giá giảm sâu, các nhà sản xuất giảm sản lượng

Giá khí đốt ngày càng rẻ là tin tốt cho người tiêu dùng Mỹ, những người có thể mong đợi hóa đơn sưởi ấm thấp hơn. Đồng thời những doanh nghiệp sử dụng nhiều khí đốt để sản xuất các vật liệu cơ bản như thép, bê tông, bìa cứng và phân bón cũng giảm bớt áp lực. Theo Bộ Lao động Mỹ, chi phí khí đốt của người Mỹ trong tháng 1 thấp hơn khoảng 18% so với một năm trước đó.

Nhưng đà giảm giá này đang làm gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất khí đốt, buộc họ hủy bỏ kế hoạch khai thác và xuất khẩu để giải quyết tình trạng nguồn cung dư thừa trong nước.

Vào trung tuần tháng 2, hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên giao tháng 3 ở NYMEX giao dịch ở mức 1,603 đô la/một triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBTU), giảm 35% so với một năm trước. Hôm 20-2, hợp đồng tương lai này đóng cửa ở mức 1,576 đô la/mmBTU, thấp nhất mọi thời đại sau khi điều chỉnh theo lạm phát.

“Thị trường rõ ràng đang bị dư cung. Chúng tôi cho rằng nên hạn chế nguồn cung để phản ứng tốt hơn với nhu cầu”, Nick Dell’Osso, CEO của Công ty dầu khí đá phiến Chesapeake Energy nói

Giá khí đốt của Mỹ “đi tàu lượn” trong hai thập kỷ niên qua kể từ khi các nhà sản xuất bắt đầu khai thác các khối đá dầu phiến bằng kỹ thuật nứt gãy thủy lực và khoan ngang.

Các công ty dầu khí đá phiến nhiều lần ồ ạt tăng nguồn cung thị trường khí đốt cho đến khi giá sụt giảm. Giá thấp không khuyến khích hoạt động khoan, khiến một số công ty đóng cửa các giếng kém chất lượng. Đồng thời, điều này loại bỏ những nhà khai thác kém hiệu quả. Cuối cùng, khí đốt giá rẻ sẽ thúc đẩy nhu cầu, giá phục hồi và các nhà sản xuất đưa giàn khoan trở lại mỏ dầu đá phiến.

Ngoại trừ lần giảm xuống dưới 1,5 đô la/mmBTU trong đợt sụp đổ của thị trường vào năm 2020, giá khí đốt tự nhiên chưa bao giờ giảm xuống mức thấp như vậy kể từ năm 1995. Tuy nhiên, nếu được điều chỉnh theo lạm phát 1,50 đô la hiện nay sẽ là khoảng 3 đô la vào thời điểm đó.

Tuần trước, Chesapeake, một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Mỹ thông báo, sẽ cắt giảm 20% chi tiêu trong năm 2024 so với kế hoạch trước đó và giảm sản lượng khoảng 20% so với năm ngoái.

Công ty có trụ sở ở thành phố Oklahoma cho biết, sẽ khoan thêm các giếng mới nhưng không khai thác trong thời gian còn lại của năm cho đến khi giá tăng. Các đối thủ EQT và Comstock Resources cũng công bố kế hoạch giảm sản lượng.

“Đây là cách các công ty ứng phó với giá khí đốt tự nhiên thấp trong lịch sử”, Mark Viviano, đối tác quản lý tại Công ty đầu tư năng lượng Kimmeridge bình luận.

Mùa đông ấm khiến tồn kho tăng cao

Các nhà phân tích kỳ vọng, giá khí đốt ở Mỹ sẽ bắt đầu tăng vào cuối năm 2024 và đà tăng sẽ kéo dài sang 2025 khi một loạt các kho cảng mới bắt đầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Giá khí đốt kỳ hạn ở NYMEX tăng hơn 12% hôm 21-2 khi thị trường phản ứng với thông tin Chesapeake cắt giảm sản lượng.

Các nhà phân tích và các lãnh đạo trong ngành cho rằng, có thể phải mất vài tháng trước khi tác động của việc cắt giảm chi tiêu của các nhà sản xuất khí đốt được thể hiện qua các con số sản lượng thấp hơn đáng kể.

Theo S&P Global Commodity Insights, sản lượng khí đốt hàng ngày của Mỹ đã giảm xuống còn 104 tỉ foot khối (ft³) trong tháng này từ mức kỷ lục hơn 106 tỉ ft³ trong tháng 12. Tuy vậy con số này vẫn cao hơn 3,3% so với tháng 2 năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường lại thấp bất thường. Theo Trung tâm khí hậu khu vực Trung Tây của Mỹ, các thị trường khí đốt sưởi ấm lớn bao gồm Minneapolis, Cleveland, Pittsburgh và Fargo đang trải qua mùa đông ấm nhất kể từ năm 1950.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính đến ngày 16-2, tất cả khí đốt không được đốt trong lò sưởi và nồi hơi công nghiệp đang nằm trong các cơ sở lưu trữ. Mức lưu kho này cao hơn 22% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này hàng năm.

Các nhà phân tích lo ngại, dung lượng lưu trữ khí đốt trong nước có nguy cơ cạn kiệt vào cuối năm nay trừ khi giá đủ thấp để hạn chế sản xuất khiến các nhà sản xuất điện chuyển từ đốt than sang khí đốt.

Theo Matt Palmer, giám đốc của S&P Global Commodity Insights, mùa đông ôn hòa thứ hai liên tiếp khiến than chất đống tại các nhà máy điện, đồng nghĩa với việc giá than giảm. Vì vậy, giá khí đốt cần phải rẻ hơn so với năm ngoái để thuyết phục các nhà sản xuất điện chuyển sang sử dụng nhiên liệu này

“Năm ngoái, giá khí đốt trung bình là 2,50 đô la/mmBTU. Chúng ta cần phải chứng kiến giá giảm xuống mức trung bình 2 đô la/mmBTU trong năm nay để các nhà sản xuất điện chuyển sang sử dụng khí đốt”, Palmer nói.

Một số thương nhân đang đặt cược rằng, tình hình có thể trở nên tồi tệ đối với các nhà sản xuất khí đốt.

Charlie Macnamara, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của ngân hàng U.S. Bank cho biết, các quyền chọn bán, những hợp đồng chuyển giao quyền bán gần đây được giao dịch ở mức thấp nhất là 50 cent/mmBTU.

“Thị trường đang dự đoán giá khí đốt có thể giảm sâu xuống mức đó”, Macnamara nói.

Giám đốc CIA có chuyến thăm bí mật tới Ukraine

Tờ New York Times (NYT) cho biết Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã bí mật đến Ukraine hôm 22/2. Đây là chuyến thăm Ukraine thứ 10 của ông Burns kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Theo NYT , Giám đốc CIA đến Ukraine để trấn an giới lãnh đạo nước này trong bối cảnh Hạ viện Mỹ chưa phê duyệt nguồn viện trợ bổ sung cho Kiev.

Từ tháng 10/2023 đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt thêm gói viện trợ cho Ukraine, buộc Washington phải dừng việc cung cấp vũ khí và đạn dược, bao gồm cả đạn pháo, cho Kiev vào cuối tháng 12, trong khi nguồn cung cấp của Liên minh châu Âu (EU) không đáp ứng những gì Ukraine cần.

Chính quyền Mỹ và Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.

Tờ NYT cho biết mối quan hệ hợp tác giữa CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) bắt đầu vào cuối tháng 2/2014. Chi tiết về mối quan hệ này đã được giữ bí mật chặt chẽ trong một thập kỷ.

Khoảng năm 2016, CIA được cho là bắt đầu huấn luyện một đơn vị tinh nhuệ của Ukraine có tên Đơn vị 2245, có nhiệm vụ thu giữ máy bay không người lái và thiết bị liên lạc của Nga để các kỹ thuật viên CIA thu thập dữ liệu và bẻ khóa hệ thống mã hóa của Mátxcơva. Một trong những sĩ quan của đơn vị này hiện là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc Ukraine - Kyrylo Budanov, NYT tiết lộ.

CIA cũng giúp đào tạo một thế hệ điệp viên Ukraine mới làm việc ở Nga và trên khắp châu Âu, cũng như những nơi mà người Nga có sự hiện diện đáng kể.

"Giờ đây, mạng lưới tình báo này đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết vì Nga và Ukraine đang có xung đột. Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động tầm xa đòi hỏi các điệp viên phải ở xa phòng tuyến của đối phương. Và họ ngày càng gặp nguy hiểm. Nếu phe Cộng hòa ở Quốc hội tiếp tục chặn viện trợ quân sự cho Ukraine, CIA có thể phải thu hẹp quy mô", NYT nhận định.

Tờ báo lưu ý rằng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự hợp tác của CIA và DIU đã mở rộng sang các chương trình đào tạo chuyên biệt hơn và xây dựng thêm các căn cứ bí mật. Mối quan hệ này thành công đến mức CIA muốn nhân rộng nó với các cơ quan tình báo châu Âu khác có chung mục tiêu đối phó với Nga.

Tuy nhiên gần đây, với sự chậm trễ trong việc phê duyệt gói viện trợ của Mỹ, giới chức tình báo Ukraine đã hỏi các đồng nghiệp Mỹ rằng Washington có bỏ rơi họ hay không.

Nói về chuyến thăm Kiev của ông Burns vào tuần trước, một phát ngôn viên của CIA cho biết: "Chúng tôi đã thể hiện cam kết rõ ràng với Ukraine trong nhiều năm, và chuyến thăm này là một tín hiệu mạnh mẽ khác cho thấy cam kết của Mỹ sẽ tiếp tục".

Tổng thống Mỹ Joe Biden phớt lờ Bộ tứ: Nương theo Trung Quốc hay chỉ là ‘kế nghi binh’?

Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, sẽ là sai lầm nếu Tổng thống Joe Biden xếp Bộ tứ (Quad) ra vùng ngoại vi hoặc biến nhóm này thành một biểu tượng đơn thuần.

Trang mạng Nikkei Asia vừa qua đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là cựu cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về địa chính trị, nhận định rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phớt lờ Bộ tứ (Quad) và điều này sẽ gây ra rủi ro cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự ngắt quãng có tính toán

Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, sau khi nhậm chức năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiệt tình ủng hộ sáng kiến Nhóm Bộ tứ được người tiền nhiệm Donald Trump khôi phục. Ông Trump là người đã nâng các cuộc thảo luận trong nhóm 4 quốc gia với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản lên cấp độ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước thay vì chỉ gặp cấp độ ngoại trưởng trước đó.

Tháng 3/2021, do đại dịch Covid-19, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên với các đối tác. Nhà Trắng sau đó đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên 6 tháng sau đó.

Sau một loạt các cuộc họp tương tự, bao gồm cả cuộc gặp mặt không chính thức ở Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5/2023 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, bốn nhà lãnh đạo cam kết phối hợp “đối phó với những thách thức” mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, Giáo sư Brahma Chellaney nhận thấy hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho một hội nghị thượng đỉnh khác. Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti đã gợi ý Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tiếp theo có thể sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Do vậy, theo vị chuyên gia kỳ cựu, có thể loại trừ khả năng tổ chức bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào của Bộ tứ trước đầu năm 2025 ngay cả khi các thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt từ phía Trung Quốc trên nhiều vấn đề như Eo biển Đài Loan, Biển Đông...

Thêm nữa, cần phải lưu ý 6 nhóm công tác của Bộ tứ được thành lập trong ba năm qua đạt được rất ít tiến bộ cụ thể, bao gồm các lĩnh vực về công nghệ quan trọng và mới nổi, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng, không gian và vaccine Covid-19.

Học giả Ấn Độ lý giải rằng, một chương trình nghị sự quá tham vọng, được các nhóm công tác nhấn mạnh, tập trung vào các vấn đề toàn cầu đa dạng đã hạn chế khả năng của Bộ tứ trong việc tạo ra các kết quả rõ ràng.

“Nhóm Bộ tứ, với tư cách là một nhóm gồm bốn nền dân chủ, có rất ít khả năng để giải quyết những thách thức chung. Tuy nhiên, đây chính là con đường mà Tổng thống Joe Biden đã dẫn dắt Bộ tứ. Kết quả là các mục tiêu an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nhóm đôi khi bị lép vế trong các cuộc thảo luận về các thách thức toàn cầu”, Giáo sư Brahma Chellaney nhận định.

Năm 2019, Mỹ khẳng định mục tiêu cốt lõi của Bộ tứ sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa tầm nhìn của các thành viên về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, điều này có nghĩa là Bộ tứ phải hành động một cách hiệu quả như một “bức tường thành” ngăn cản những trỗi dậy của Trung Quốc và đảm bảo sự cân bằng quyền lực ổn định trong một khu vực gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhưng chính sách can dự với Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden là nguyên nhân khiến Bộ tứ hiện thiếu định hướng và quyết tâm chiến lược rõ ràng trong bối cảnh địa chiến lược đang thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Brahma Chellaney, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông đang thu hút sự chú ý và nguồn lực của Mỹ, đồng thời làm cạn kiệt kho vũ khí và hệ thống phòng không quan trọng nên điều cuối cùng mà Tổng thống Biden muốn tránh là xung đột hoặc căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Điều này có thể giải thích cho nhiều động thái của ông nhằm xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc.

Sau khi cử một loạt quan chức chính phủ tới Bắc Kinh để thảo luận, ông Biden đã hứa sẽ “quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm” trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco bên lề Diễn đàn cấp cao Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 11/2023.

Do đó, chuyên gia Brahma Chellaney cho rằng, nỗ lực tăng cường nhằm ổn định mối quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng có thể khiến Mỹ có bước đi mềm mỏng trong Bộ tứ. Bốn nhà lãnh đạo Bộ tứ rõ ràng đã không gặp mặt khi họ cùng nhau tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào tháng 9/2023 như họ đã làm ở Hiroshima bốn tháng trước đó.

Bắc Kinh với những định hình chiến lược

Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách can dự và hợp tác với Trung Quốc của Tổng thống Biden có mang lại lợi ích hay không? Giáo sư Brahma Chellaney đưa ra một số lập luận để trả lời cho câu hỏi này là: Không.

Theo đó, trước hết Trung Quốc nhận thấy Mỹ đang bị phân tâm do châu Âu và Trung Đông, nên đã gia tăng hoạt động tại khu vực eo biển Đài Loan và cả Biển Đông.

Đồng thời, cuộc “chiến tranh lạnh mới” của Mỹ với Nga đã đẩy Moscow đến gần Bắc Kinh hơn. Điều này có khả năng tạo ra một trục xuyên Á-Âu có thể khiến Mỹ bị căng quá mức và đẩy nhanh sự suy thoái tương đối của kinh tế Mỹ.

Mặc dù vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng hành động của Trung Quốc cho thấy mặc dù nền kinh tế đang chậm lại, nhưng Bắc Kinh với kho vũ khí hạt nhân được tăng cường đang ở vị thế có sức mạnh chiến lược cần phải tận dụng.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng sẽ là sai lầm nếu xếp Bộ tứ ra vùng ngoại vi hoặc biến Bộ tứ thành một biểu tượng đơn thuần. Dù sao đi nữa, đã đến lúc Bộ tứ cần tái tập trung sự chú ý vào các thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cán cân quyền lực toàn cầu và hòa bình thế giới.

Điều này có nghĩa là tái khẳng định sứ mệnh chiến lược của Bộ tứ trong việc duy trì trật tự khu vực hiện tại. “Nếu không có Bộ tứ, mục tiêu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trở thành viển vông”, chuyên gia Brahma Chellaney nhận định.

Công nghiệp chip Trung Quốc đang 'tạo sóng' ở Mỹ

Ngành công nghiệp chip Trung Quốc đang ngày càng tiến gần đến các mốc phát triển công nghệ cao, bất chấp động thái ngăn chặn của Mỹ.

Các "nhà vô địch quốc gia" của Trung Quốc về thiết kế và sản xuất chip máy tính - hay chất bán dẫn, bao gồm công ty HiSilicon và Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), đang tạo nên "làn sóng" ở Mỹ.

Hồi chuông báo động

SMIC - nhận hàng tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc kể từ khi thành lập vào năm 2000 - trong một thời gian dài vẫn bị xem là "tụt hậu" về công nghệ. Nhưng điều đó đang dần thay đổi.

Vào tháng 8/2023, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ra mắt điện thoại thông minh cao cấp Huawei Mate 60 - với con chip "khiến Mỹ ngạc nhiên" (theo trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) vì thể hiện khả năng tự cung cấp của Trung Quốc trong thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Con chip do HiSilicon thiết kế và SMIC sản xuất. Tốc độ sản xuất và thiết kế này cũng được xem là "đáng báo động".

Gần đây hơn, tin tức về việc Huawei và SMIC đang lên kế hoạch sản xuất hàng loạt cái gọi là "chip xử lý 5 nanomet" tại các cơ sở sản xuất mới ở Thượng Hải chỉ càng khiến các đối thủ cạnh tranh thêm lo ngại về những bước nhảy vọt trong năng lực của họ.

Những con chip này vẫn đi sau những con chip tiên tiến hiện tại một thế hệ, nhưng chúng cho thấy con đường tạo ra những con chip tiên tiến hơn của Trung Quốc đang đi đúng hướng, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Khoảng cách bị thu hẹp

Mỹ từ lâu đã cố gắng duy trì vị thế đi đầu trong lĩnh vực thiết kế chip và đảm bảo rằng các nhà sản xuất các con chip tiên tiến đều đến từ những nước đồng minh thân cận. Nhưng giờ đây nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, quốc gia có tiến bộ công nghệ đang mang lại những tác động sâu sắc về kinh tế, địa chính trị và an ninh.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất chip tìm cách tạo ra những sản phẩm nhỏ gọn hơn bao giờ hết. Các bóng bán dẫn nhỏ hơn dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn và tốc độ xử lý nhanh hơn, do đó cải thiện đáng kể hiệu suất của vi mạch.

Định luật Moore - một quan sát về sự phát triển ngành công nghiệp chip - cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi cứ sau hai năm - vẫn đúng với các chip được thiết kế ở Hà Lan và Mỹ cũng như được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan. So với tốc độ này, công nghệ Trung Quốc vẫn còn chậm nhiều năm. Trong khi giới hạn của thế giới đã chuyển sang chip 3 nanomet thì chip tự chế của Huawei mới ở mức 7 nanomet.

Duy trì khoảng cách này rất quan trọng vì lý do kinh tế và an ninh. Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế hiện đại. Chúng rất quan trọng đối với viễn thông, quốc phòng và trí tuệ nhân tạo.

Việc Mỹ thúc đẩy chất bán dẫn “sản xuất tại Mỹ” có liên quan đến tầm quan trọng mang tính hệ thống này. Tình trạng thiếu chip sẽ tàn phá nền sản xuất toàn cầu vì đây là những thành phần cần thiết cho rất nhiều sản phẩm định hình cuộc sống hiện đại.

Sức mạnh quân sự ngày nay thậm chí còn phụ thuộc trực tiếp vào chip. Trên thực tế, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, “tất cả các hệ thống và nền tảng phòng thủ chính của Mỹ đều dựa vào chất bán dẫn”.

Viễn cảnh phải dựa vào những con chip do Trung Quốc sản xuất – dẫn đến nguy cơ gặp phải "con ngựa thành Troy" và bị kiểm soát nguồn cung – vì vậy là không thể chấp nhận được đối với Washington và các đồng minh của họ.

Ưu thế mong manh

Washington gần đây đã tìm cách bảo vệ ưu thế công nghệ và sự độc lập của mình bằng cách củng cố khả năng sản xuất trong nước.

Thông qua chính sách công nghiệp quy mô lớn, hàng tỷ USD đang được đổ vào các cơ sở sản xuất chip của Mỹ, trong đó có một nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Arizona.

Chiến thuật quan trọng thứ hai là loại trừ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ đã phải xem xét nhiều thương vụ đầu tư và mua lại liên quan đến Trung Quốc, cuối cùng thậm chí chặn một số thương vụ vì an ninh quốc gia. Các ví dụ bao gồm trường hợp nổi bật về nỗ lực mua lại Qualcomm của Broadcom vào năm 2018.

Năm 2023, chính phủ Mỹ ban hành lệnh hành pháp cấm xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, Mỹ cản trở Trung Quốc tiếp cận các thành phần quan trọng.

Với giả thuyết cho rằng HiSilicon và SMIC sẽ gặp khó khi cố gắng tự cung tự cấp ở biên giới. Chính phủ Mỹ đã kêu gọi bạn bè của mình áp dụng lập trường thống nhất xung quanh việc loại trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Đáng chú ý, ASML, một nhà thiết kế hàng đầu của Hà Lan, tạm dừng vận chuyển chip công nghệ cao của mình sang Trung Quốc do chính sách của Mỹ.

Washington cũng hạn chế nguồn "nhân tài" đổ vào ngành bán dẫn Trung Quốc, cấm bán và nhập khẩu thiết bị từ Huawei vào năm 2019 và áp đặt lệnh trừng phạt đối với SMIC kể từ năm 2020.

Ai bị đe dọa?

“Cuộc chiến chip” còn có thể được xem là sự cạnh tranh về kinh tế và an ninh. Việc Bắc Kinh tiến tới những giới hạn công nghệ có thể mang đến sự bùng nổ kinh tế cho Trung Quốc và những nguy cơ đối với Mỹ.

Về mặt kinh tế, việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc bán dẫn có thể thay đổi chuỗi cung ứng hiện có, định hình lại sự phân công lao động và phân bổ vốn nhân lực trong ngành điện tử toàn cầu.

Từ góc độ an ninh, Mỹ có thể xem sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra nguy cơ cao về các lỗ hổng bị khai thác để xâm phạm cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc gián điệp mạng.

Với những nguy cơ mà cả hai siêu cường phải đối mặt, chắc chắn "cuộc chiến chip" chưa thể kết thúc trong tương lai gần.

Nguồn: Thanh Niên; The Saigon Times; Soha; Báo Quốc Tế; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang