Mỹ: Trục vớt xác cầu sập; Lạm phát chậm lại; Biden đổi chiến thuật; Siết quy định XK AI sang TQ; Biden cảnh báo Nga phải trả giá

BẮT ĐẦU QUÁ TRÌNH TRỤC VỚT XÁC CẦU Ở BALTIMORE

Các đội ngũ trục vớt tìm cách nâng khối sắt đầu tiên của xác cầu Francis Scott Key khỏi sông Patapsco sau khi cây cầu bị sập một phần do tàu chở container đâm trúng ở thành phố Baltimore (bang Maryland) hôm 26.3.

Cầu Francis Scott Key bị sập và rơi xuống nước vào rạng sáng 26.3, khiến 6 công nhân thiệt mạng và làm tắc nghẽn tuyến hàng hải của cảng Baltimore.

Tại cuộc họp báo hôm 30.3, Thống đốc Maryland Wes Moore cho biết một đoạn của cấu trúc phía bắc của xác cầu được cắt thành khối trước khi được cần cẩu đưa lên xà lan và chuyển vào bờ.

"Hành động này sẽ cho phép chúng tôi dần dần giải phóng được tuyến hàng hải đang bị tạm thời phong tỏa, cho phép đưa thêm nhiều tàu đến khu vực cầu sập", Reuters hôm 31.3 dẫn lời ông Moore.

Thống đốc Maryland từ chối đưa ra khung thời gian cần thiết để hoàn tất công việc dọn dẹp xác cầu, chỉ cho biết sẽ mất khá nhiều thời gian. "Tuy nhiên, một khi hoàn tất được công đoạn đầu tiên, chúng tôi có thể đưa thêm nhiều tàu kéo, xà lan và tàu đến hỗ trợ, từ đó tăng tốc nỗ lực ở đây", ông nói.

Các đội ngũ trục vớt vẫn chưa thử di dời phần rúm ró của xác cầu nằm trên mũi tàu chở container Dali mang cờ Singapore.

Ông Moore vẫn chưa rõ thời điểm con tàu có thể được di chuyển sang chỗ khác, nhưng khẳng định chiến dịch trục vớt sẽ diễn ra đầy phức tạp trước khi có thể khơi thông tuyến hàng hải cho cảng Baltimore.

LẠM PHÁT BẮT ĐẦU CHẬM LẠI, NGƯỜI DÂN TĂNG MẠNH CHI TIÊU

Lạm phát cơ bản của Mỹ đã chậm lại trong tháng 2 vừa qua, trong khi chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ, mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/3 cho thấy lạm phát cơ bản của nước này đã chậm lại trong tháng 2 vừa qua, trong khi chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ, mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Fed - đã tăng 0,3% trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra là 0,4%. Dữ liệu của tháng 1 cũng được điều chỉnh cao hơn với PCE tăng 0,4%, thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 2/2024, PCE đã tăng 2,5%, sau khi tăng 2,4% trong tháng 1.

Giá hàng hóa tại Mỹ tăng 0,5% trong tháng 2 vừa qua, được thúc đẩy khi giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Giá xe, phương tiện giải trí và quần áo, giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa có tính chất lâu bền khác lại giảm.

Giá dịch vụ tại Mỹ tăng 0,3% trong tháng 2 - chậm lại đáng kể so với mức tăng 0,6% của tháng 1. Chi phí nhà ở và tiện ích tăng 0,5%, trong khi giá các dịch vụ giải trí, tài chính và bảo hiểm cũng tăng mạnh. Chi phí ăn uống và phòng khách sạn, nhà nghỉ không thay đổi, trong khi dịch vụ vận tải hầu như không tăng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng nhẹ.

Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,3% trong tháng 2/2024, sau mức tăng 0,5% được điều chỉnh tăng trong tháng 1. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 2,8% trong tháng 2/2024, chậm lại so với mức tăng 2,9% của tháng trước đó.

Với việc lạm phát chậm lại, người tiêu dùng Mỹ đã tăng cường chi tiêu. Chi tiêu tiêu dùng - chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế Mỹ - đã tăng 0,8% trong tháng 2. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2023, sau khi chỉ tăng 0,2% trong tháng 1 năm nay.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng thực tế đã phục hồi 0,4% trong tháng 2, sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó. Sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng thực tế cho thấy lĩnh vực tiêu dùng có thể vẫn giữ được phần lớn động lực trong quý I/2024 và mang lại tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Các quan chức Fed tuần trước đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 5,25% - 5,50%, sau khi tăng thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022. Các nhà hoạch định chính sách dự báo sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và thị trường tài chính đang mong đợi đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 tới.

BIDEN “DÙNG LỬA ĐẤU LỬA”

Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định "dùng lửa đấu lửa" khi không còn giữ thái độ ôn hòa trước liên tiếp những bình luận mang tính công kích của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

"Mọi thứ ông Joe Biden chạm vào đều trở thành vô nghĩa", cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Georgia hồi đầu tháng này.

Chưa đầy một tháng trước, ông Biden vẫn giữ thái độ tương đối ôn hòa khi gọi ông Trump là "người tiền nhiệm của tôi" trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Tuy nhiên, giờ đây ông không còn dùng giọng điệu như vậy.

Thay vì giữ thái độ ôn hòa, ông Biden và nhóm vận động tranh cử quyết định "dùng lửa đấu lửa" để tìm cách vượt lên trên đường đua vào Nhà Trắng 2024.

Trong những tháng gần đây, ông Biden cho rằng ông Trump "không đủ sức khỏe về tinh thần" để lãnh đạo nước Mỹ. Tuần này, ông cũng bình luận, "nước Mỹ xứng đáng với lựa chọn tốt hơn là một Donald Trump yếu ớt, bối rối và mệt mỏi".

Đội ngũ của ông thậm chí mỉa mai việc ông Trump có thể không có đủ tiền mặt để trả khoản phạt 454 triệu USD của tòa án.

Marjorie Hershey, giáo sư danh dự về Khoa học chính trị tại Đại học Indiana Bloomington, cho rằng sự thay đổi này là rất dễ lý giải.

"Rõ ràng những gì ông Biden làm trước đây không hiệu quả. Ông ấy đã rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ ông Biden đã phải chịu áp lực đáng kể từ các cố vấn, các nhà hoạt động để phải nỗ lực làm điều gì đó khác biệt", bà Hershey nhận xét.

Đáng chú ý, cuộc thăm dò tuần này cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở 6 bang quan trọng.

MỸ HẠN CHẾ TRUNG QUỐC TIẾP CẬN CHIP AI

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 29/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sửa đổi các quy định nhằm tăng cường hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo (AI) và công cụ sản xuất chip của Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực kiềm chế ngành sản xuất chip của Bắc Kinh do lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong 5 tháng qua, Mỹ đã thực hiện các quy định nhằm ngăn chặn việc vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế sang Trung Quốc. Dự kiến, các quy định sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 4/4 tới.

Các quy định mới làm rõ rằng các hạn chế về vận chuyển chip sang Trung Quốc cũng áp dụng cho máy tính xách tay chứa những chip này.

Bộ Thương mại Mỹ, đơn vị giám sát kiểm soát xuất khẩu, cho biết họ có kế hoạch tiếp tục cập nhật các hạn chế đối với việc vận chuyển công nghệ sang Trung Quốc nhằm củng cố và tinh chỉnh các biện pháp này.

BIDEN SẼ BUỘC NGA TRẢ GIÁ VÌ VỤ BẮT PHÓNG VIÊN EVAN GERSHKOVICH

Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ buộc Nga phải trả giá cho “những nỗ lực kinh khủng” của họ nhằm sử dụng người Mỹ làm con bài thương lượng trong một tuyên bố đánh dấu một năm ngày phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal bị bắt giữ ở Nga.

Ông Gershkovich, 32 tuổi, trở thành nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp ở Nga kể từ Chiến tranh Lạnh khi ông bị Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) bắt giam vào ngày 29 tháng 3 năm ngoái.

“Như tôi đã nói với cha mẹ Evan, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mỗi ngày để đảm bảo anh ấy được thả tự do,” ông Biden nói trong tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra hôm 29/3, trong đó tổng thống Mỹ gọi việc Nga giam giữ nhà báo này là “hoàn toàn bất công và bất hợp pháp.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tố cáo và buộc Nga phải trả giá cho những nỗ lực kinh khủng của họ nhằm sử dụng người Mỹ làm con bài thương lượng,” ông Biden nói.

Điện Kremlin hôm 28/3 nói rằng sự im lặng tuyệt đối là điều cần thiết khi thảo luận về khả năng trao đổi tù nhân liên quan đến phóng viên này.

Ông Gershkovich, tờ WSJ và chính phủ Hoa Kỳ đều phủ nhận ông là gián điệp. FSB, cơ quan kế thừa hàng đầu của KGB thời Liên Xô, cho biết ông Gershkovich đã tìm cách lấy bí mật quân sự.

Hiện nhà báo này đã bị giam một năm tại nhà tù Lefortovo được bảo mật cao ở Moscow, nơi có liên hệ chặt chẽ với FSB, và thời gian giam giữ ông đã được gia hạn thêm đến ngày 30/6.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu tại Quốc hội Hoa Kỳ từ cả hai đảng bao gồm Lãnh đạo đa số Thượng viện thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Mike Johnson cũng đưa ra tuyên bố chung hôm 29/3, gọi vụ bắt giữ nhà báo này là vô căn cứ và bất công.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vụ bắt giữ ông Gershkovich đã khiến bối cảnh truyền thông vốn đã hạn chế của Nga trở nên “áp bức hơn”.

Trong các tuyên bố đưa ra hôm 29/3, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken cũng lên án việc giam giữ ông Paul Whelan, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị bắt ở Moscow vào năm 2018 và bị kết án 16 năm tù vì tội gián điệp vào năm 2020. Ông Whelan và chính phủ Mỹ phủ nhận cáo buộc này.

“Gửi tới Evan, Paul Whelan, và tới tất cả những người Mỹ bị bắt làm con tin hoặc bị giam giữ sai trái ở nước ngoài: Chúng tôi ở bên các bạn. Và chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng nỗ lực để đưa các bạn về nhà,” ông Biden nói.

Nguồn: Thanh Niên; Bnews; Dân Trí; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang