Mỹ: Thiếu vũ khí; Trump-Biden đối đầu ở biên giới; Trump lộ điểm yếu; Tuần duyên 'đổ bộ' qua tàu cá TQ; Dần cách xa EU

Mỹ không còn đủ vũ khí đảm bảo an ninh của chính mình?

Lời cảnh báo đến từ Thượng nghị sĩ James David Vance nhắc nhở việc an ninh quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa do phải viện trợ quá nhiều cho Ukraine.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Thượng nghị sĩ Mỹ từ Ohio, James David Vance đã cảnh báo rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine hoàn toàn không bền vững khi xét đến năng lực sản xuất của ngành quốc phòng Mỹ.

Ông tuyên bố năng lực sản xuất thiết bị quân sự của Mỹ không đủ để duy trì nỗ lực chiến đấu của Ukraine. Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể chuyển hơn 60 tỷ USD viện trợ quân sự mới cho Kiev, điều này cũng sẽ không thay đổi cơ bản thực tế trên chiến trường.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh các nguồn tin phương Tây ở Ukraine đã đưa tin với tần suất ngày càng tăng và nghiêm túc rằng, ngay cả những đơn vị tinh nhuệ nhất của Ukraine cũng không còn đủ khả năng chiến đấu do tình trạng thiếu thiết bị, đạn dược trầm trọng.

Phản ánh mối quan ngại rộng rãi của các cử tri bảo thủ Mỹ và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Vance giải thích thêm về quan điểm của mình: “ Thật vô lý khi Mỹ dành quá nhiều nguồn lực, quá nhiều sự chú ý và quá nhiều thời gian cho một cuộc xung đột cách xa biên giới sáu nghìn dặm, trong khi biên giới phía nam và ngoài khơi của Mỹ đang còn nhiều vấn đề phải giải quyết ”.

“ Bây giờ chúng ta không còn đủ vũ khí trong kho để bảo đảm an ninh quốc gia của chính mình. Hãy tập trung vào các vấn đề của chính chúng ta ”, ông nói thêm.

Những bình luận của Thượng nghị sĩ Mỹ có thể sẽ không được hoan nghênh tại hội nghị, bởi phần lớn những người tham dự tại Munich đến từ các quốc gia châu Âu, vốn là những quốc gia vận động hành lang tích cực nhất để hỗ trợ tài chính và chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Các quốc gia ở châu Âu đã thể hiện sự sẵn sàng để thực hiện các biện pháp mạnh hơn nhằm duy trì năng lực chiến đấu của Ukraine, ví dụ như quyết định của chính phủ Đan Mạch chưa đầy một tuần trước tuyên bố của Thượng nghị sĩ Vance, khi nước này đồng ý cung cấp toàn bộ kho pháo binh của mình cho Quân đội Ukraine, khiến Đan Mạch không còn pháo binh.

Các tuyên bố mới nhất về tính bền vững của việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, theo sau các báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert P. Storch, trong đó nhấn mạnh rằng các phương tiện và hệ thống tên lửa cung cấp cho Ukraine được lấy từ kho của Quân đội Mỹ “không có giới hạn”.

Việc chuyển giao như vậy được Cơ quan rút quân của Tổng thống Mỹ thực hiện. Một quan chức Mỹ cảnh báo rằng nếu tình trạng này tiếp tục sẽ buộc Bộ Quốc phòng phải lựa chọn giữa mức độ sẵn sàng của các đơn vị Ukraine hoặc mức độ sẵn sàng của các đơn vị Mỹ.

Sự thiếu hụt các bộ phận và thiếu dây chuyền sản xuất đầy đủ cùng nhân viên được đào tạo, là những yếu tố hàng đầu hạn chế khả năng bổ sung thiết bị của ngành quốc phòng Mỹ cho Ukraine.

Tình trạng thiếu hụt ở Mỹ càng trở nên trầm trọng hơn do việc đẩy nhanh quá trình cung cấp nhiều loại thiết bị, nhằm ứng phó với tình trạng tiêu hao đáng kể trên chiến trường từ đầu mùa hè năm 2023. Xe chiến đấu Bradley là một ví dụ điển hình, với hơn 60 chiếc bị mất trong các trận chiến, chính quyền Tổng thống Biden buộc phải tăng cường nguồn cung.

Cặp đôi Trump-Biden sắp “đối đầu” tại biên giới Mỹ-Mexico

Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ nặng ký nhất của ông trong kỳ bầu cử cuối năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ đến thăm khu vực biên giới Mỹ-Mexico cùng một ngày trong tuần này. Động thái cho thấy vấn đề nhập cư bất hợp pháp đang nổi lên là một trong những chủ đề nóng nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm nay.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden sẽ có chuyến thăm đến thành phố biên giới Brownsville bang Texas vào thứ Năm tuần này để gặp các cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo chính quyền địa phương. Trong chuyến thăm, ông Biden dự kiến sẽ thảo luận về tính cấp thiết của việc thông qua thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng của Thượng viện, trong đó bao gồm hàng loạt cải cách cứng rắn và công bằng nhất để bảo đảm cho an ninh biên giới trong nhiều thập kỷ tới.

Trước đó, cựu Tổng thống Trump đã thông báo sẽ đến thăm khu vực Eagle Pass cũng ở khu vực biên giới giáp với Mexico của bang Texas, cách thành phố Brownsville khoảng hơn 500km. Ông Trump cũng thường xuyên chỉ trích chính sách an ninh biên giới hiện nay của Chính quyền Tổng thống Biden khiến số lượng người nhập cư bất hợp phá vào Mỹ gia tăng nhanh chóng.

Chuyến thăm đến khu vực biên giới cùng ngày với ông Trump cho thấy sự thay đổi gần đây trong lập trường của ông Biden về chính sách an ninh biên giới. Sau khi gần như phớt lờ lời kêu gọi của Đảng Cộng hòa về vấn đề di cư và an ninh biên giới trong vài năm đầu tiên nắm quyền, hiện Tổng thống Biden ngày càng chủ động trong việc giải quyết vấn đề này.

Chính quyền Tổng thống Biden đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng người xin tị nạn gia tăng ở biên giới Mỹ-Mexico, trong khi các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội liên tục đe dọa không thông qua các dự luật về an ninh biên giới.

Vấn đề nhập cư cũng đang trở thành điểm nóng trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra khi ngày càng có nhiều người quan tâm. Theo một số kết quả thăm dò mới nhất, 17% số người được hỏi coi đây là vấn đề quan trọng và cấp bách nhất mà Mỹ phải đối mặt, tăng mạnh so với 11% trong tháng 12 năm ngoái. Đối với cử tri Cộng hòa, 36% số người được hỏi xếp nhập cư là quan ngại chính, trong khi chỉ có 29% lo ngại về các vấn đề kinh tế.

Chiến thắng ở Nam Carolina hé lộ điểm yếu của ông Trump

Trump thắng dễ trước Haley trong vòng sơ bộ ở Nam Carolina, song cuộc bầu cử cho thấy ông đang để mất nhóm cử tri ôn hòa và độc lập quan trọng.

Chỉ vài giây sau khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở Nam Carolina kết thúc ngày 24/2, truyền thông Mỹ xác định cựu tổng thống Donald Trump là người chiến thắng với 59,8% phiếu bầu, nhiều hơn khoảng 20% so với bà Nikki Haley, người giành 39,5%.

Đánh bại bà Haley, cựu thống đốc Nam Carolina, ngay trên sân nhà với cách biệt hơn 20 điểm phần trăm, ông Trump làm nên lịch sử khi trở thành ứng viên đảng Cộng hòa không đương nhiệm đầu tiên thắng ở bốn bang đầu vòng sơ bộ với tỷ lệ ủng hộ chưa bao giờ dưới mức 50%.

Chiến thắng dễ dàng của ông Trump ở bang Nam Carolina, nơi ông chỉ ghé chân 4 lần trong những tuần gần đây, được coi là minh chứng cho vị thế thống trị của cựu tổng thống với đảng Cộng hòa. Nhưng nó cũng phơi bày điểm yếu của Trump, khi hàng trăm nghìn người, tương đương gần 40% cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, không ủng hộ ông.

Cựu tổng thống đã để mất nhóm cử tri ôn hòa và độc lập vào tay Haley, theo các cuộc thăm dò hậu bỏ phiếu. AP VoteCast cho biết hơn 1/5 cử tri sơ bộ Cộng hòa nói sẽ không bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 nếu ông trở thành ứng viên của đảng.

Tỷ lệ bỏ phiếu ở thành phố Charleston là minh chứng rõ nhất cho điều đó, khi Haley giành được hơn 80% phiếu bầu ở một số khu vực bầu cử.

"Tôi hiểu 40% cách biệt với 50%. Song tôi cũng biết 40% không phải là nhóm nhỏ. Có một lượng lớn cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa nói rằng họ muốn một lựa chọn khác", bà Haley nói.

Giới quan sát nhận định chiến dịch tranh cử kỷ luật của bà Haley đã có những hiệu quả nhất định, giúp bà giành được ủng hộ từ nhóm cử tri độc lập, sinh viên tốt nghiệp, những người đi bỏ phiếu lần đầu, nhóm không sở hữu súng và phản đối lệnh cấm phá thai toàn quốc. Trong số cử tri sơ bộ nghĩ ông Trump không phù hợp với chức vụ tổng thống nếu bị kết tội, bà Haley được 87% ủng hộ.

Liên minh ôn hòa và tầng lớp trí thức hiện khó có thể giúp bà Haley đảo ngược tình thế áp đảo của ông Trump. Song giới quan sát cảnh báo tới tháng 11, thời điểm cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra, đây có thể là khối cử tri sẽ định đoạt cục diện.

Fox News đưa tin rằng 59% cử tri ủng hộ bà Haley không có kế hoạch bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11. Mặc dù tỷ lệ từ chối bỏ phiếu cho Trump của cử tri Cộng hòa chắc chắn sẽ giảm trong những tháng tới, giới quan sát cho rằng đây vẫn là mối đe dọa cho hy vọng trở lại Nhà Trắng của cựu tổng thống.

Chiến thắng ở Nam Carolina chứng minh ông Trump có thể mở rộng phạm vi ủng hộ vượt ra ngoài nhóm cử tri da trắng, lớn tuổi và không có bằng đại học. Tuy nhiên, khoảng 90% cử tri Nam Carolina là người da trắng, khiến việc đánh giá hiệu quả chiến dịch của ông với nhóm cử tri da màu mà ông cố tiếp cận trở nên khó khăn.

Khoảng một nửa cử tri Cộng hòa ở Nam Carolina, trong đó khoảng 1/4 người ủng hộ Trump, lo ngại cựu tổng thống quá cực đoan. Khoảng 30% cử tri tin Trump đã có những hành động sai phạm trong ít nhất một vụ kiện tụng chống lại ông, dù 70% nghĩ rằng các cuộc điều tra là nỗ lực chính trị để can thiệp bầu cử.

Trump bị truy tố 4 lần trong năm 2023 và đối mặt 91 cáo buộc hình sự. Hai vụ án liên quan đến nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, trong đó một vụ ở bang Georgia và một vụ từ công tố viên đặc biệt liên bang Jack Smith.

Trong vụ truy tố thứ ba, Smith cáo buộc Trump lưu giữ tài liệu mật không đúng cách sau khi rời nhiệm sở và vụ thứ 4 đến từ công tố viên New York về cáo buộc Trump chi tiền bịt miệng nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trong cuộc bầu cử năm 2016.

Việc đối mặt với nhiều phiên tòa trong thời gian tranh cử cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực vận động cử tri của cựu tổng thống, theo các nhà phân tích.

Giới quan sát không phủ nhận sức ảnh hưởng khó suy suyển của ông Trump trong nhóm cử tri bảo thủ. Tuy nhiên, họ cảnh báo nhóm này chỉ chiếm 37% tổng số cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. 63% còn lại là những cử tri ôn hòa và độc lập, hai nhóm mà ông Trump để mất vào tay bà Haley trong cuộc bầu cử ở Nam Carolina.

Haley tuyên bố sẽ không dừng lại cho đến ít nhất là cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 5/3, sự kiện được gọi là Siêu Thứ Ba. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cơ hội để cựu thống đốc có thể cản đường ông Trump hoặc có đủ ủng hộ của đại biểu là rất thấp.

Bất chấp những điểm yếu, ông Trump hiện vẫn là ứng viên số một của đảng Cộng hòa. Dù mới giành được chưa tới 1/10 số đại biểu cần thiết để trở thành đại diện của đảng Cộng hòa, ông Trump được cho nắm chắc cơ hội trở thành người ba lần liên tiếp nhận đề cử của đảng và đối đầu với ông Biden vào tháng 11.

"Không ai có thể phủ nhận rằng ông Trump sẽ trở thành ứng viên, ngay cả Nikki Haley. Dù bạn thích hay không, mọi người đều hiểu ông ấy là người được chọn", Ron Kaufman, chiến lược gia đảng Cộng hòa, nói.

Tuần tra chống bắt cá phi pháp, tuần duyên Mỹ ‘đổ bộ’ qua tàu cá Trung Quốc

Tuần duyên Mỹ và cảnh sát Kiribati tháng này ‘đổ bộ’ qua hai tàu đánh cá Trung Quốc trong một cuộc tuần tra chống đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của quốc đảo Thái Bình Dương này nhưng không phát hiện vấn đề gì trên tàu, một quan chức tuần duyên cho biết.

Hoa Kỳ đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho lực lượng tuần duyên của mình trong việc giúp các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương xa xôi giám sát hàng triệu km đại dương - một ngư trường cá ngừ phong phú - một động thái giúp tăng cường giám sát khi sự cạnh tranh với Trung Quốc về quan hệ an ninh trong khu vực ngày càng gia tăng.

Reuters đưa tin hôm 23/2 rằng cảnh sát Trung Quốc đang làm việc tại Kiribati, với các sĩ quan mặc đồng phục tham gia vào hoạt động trị an cộng đồng và chương trình cơ sở dữ liệu tội phạm.

Kiribati, một quốc gia với 115.000 dân, được coi là chiến lược dù có diện tích nhỏ vì nó tương đối gần Hawaii và kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế rộng 3,5 triệu km vuông. Đây cũng là nơi đặt trạm theo dõi vệ tinh của Nhật Bản.

Washington đã lên kế hoạch xây toà đại sứ ở Kiribati để cạnh tranh với Trung Quốc nhưng vẫn chưa thực hiện.

Một phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ tại Guam cho biết, các sĩ quan cảnh sát Kiribati đã tuần tra cùng Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ lần đầu tiên sau gần một thập niên, từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 2.

Phát ngôn viên nói trong một bình luận gửi qua email: “Lực lượng tuần duyên bước lên hai tàu đánh cá treo cờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong khuôn khổ hoạt động thực thi pháp luật hàng hải thường lệ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định trong Vùng đặc quyền kinh tế Kiribati”.

Bà cho biết không có mối lo ngại nào được báo cáo trong quá trình lên tàu.

Bà nói thêm: “Các hai sĩ quan Kiribati từ Đơn vị Cảnh sát Hàng hải Kiribati và các sĩ quan Tuần duyên Hoa Kỳ đều tham gia vào các chiến dịch này. Sự hợp tác này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia trong việc duy trì luật hàng hải và quản trị tốt”.

Văn phòng tổng thống Kiribati và toà đại sứ Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trung Quốc đã xây dựng một toà đại sứ lớn trên đảo chính Tarawa sau khi Kiribati chuyển quan hệ từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019.

Mỹ - châu Âu đang dần xa cách

Châu Âu lo ngại xa rời Mỹ dù sắp tới ông Biden hay ông Trump chiến thắng cuộc đua Nhà Trắng 2024.

Theo tờ The Wall Street Journal, tuyên bố “Mỹ đã trở lại” của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi thắng cử hồi năm 2021 đã khiến các quan chức châu Âu hào hứng hoan nghênh, với hy vọng ông sẽ giúp quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương vượt sóng sau thời gian căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, thay vì đảo ngược chính sách bảo hộ của chính quyền tiền nhiệm, ông Biden đã giữ lại và thậm chí thúc đẩy nhiều chính sách trong số đó. Trước tình hình này, phía châu Âu bắt đầu lo ngại rằng bất kể ai chiến thắng trong cuộc tái đấu tiềm năng Trump - Biden vào tháng 11 tới thì chính sách Mỹ cũng sẽ không nghiêng theo chiều hướng có lợi cho châu Âu.

“Tuần trăng mật” đã kết thúc?

Theo The Wall Street Journal, giới quan sát cho rằng tổng thống Mỹ thời gian tới sẽ phải đối mặt với vô số cuộc tranh luận kinh tế gai góc để giữ cho quan hệ Mỹ - châu Âu không bị tổn hại. Mỗi vấn đề tồn đọng giữa hai bên đều có thể gây ra những tranh cãi ngoại giao, châm ngòi áp thuế quan hoặc các hạn chế thương mại khác, đồng thời làm suy yếu sự đoàn kết kinh tế giữa Mỹ và châu Âu.

Không lâu sau khi ông Biden nhậm chức, phía châu Âu ngỡ ngàng khi biết rằng nhà lãnh đạo Mỹ lại đồng quan điểm với ông Trump trong các vấn đề kinh tế quốc tế. Tổng thống và các cố vấn của ông coi thương mại toàn cầu tự do là mối đe dọa an ninh quốc gia, cảnh báo rằng nó đã làm suy yếu cơ sở công nghiệp của Mỹ, gây tổn hại cho người lao động Mỹ và cho phép Trung Quốc (TQ) thống trị các ngành công nghiệp quan trọng.

Tổng thống Biden vẫn tiếp tục duy trì các chính sách thời ông Trump, bao gồm áp đặt các rào cản thương mại, loại bỏ các khoản trợ cấp dành cho các công ty châu Âu nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Mỹ và khiến các đồng minh ngạc nhiên với những hạn chế chặt chẽ hơn nhằm ngăn TQ tiếp cận với công nghệ Mỹ.

Phần ông Trump, trong các cuộc vận động tranh cử ở bang South Carolina hôm 10-2, ông đã làm phương Tây dậy sóng sau phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cựu lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo sẽ cho phép Nga làm bất cứ điều gì họ muốn đối với các quốc gia thành viên NATO “không tuân thủ” việc chi 2% tổng thu nhập quốc nội cho quốc phòng.

Theo đài CNBC, trong suốt quá trình vận động tranh cử, cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông có kế hoạch áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (gồm cả hàng xuất xứ từ châu Âu). Tạp chí The Economist đưa tin rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây tác dụng ngược đối với Mỹ và tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại toàn cầu. Theo đó, việc áp thuế quan sẽ khiến các quốc gia khác trả đũa Mỹ và gây tổn hại quan hệ của Mỹ với các đồng minh, làm suy yếu nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào TQ.

Trao đổi với đài France 2, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhận định rằng viêc ông Trump tái đắc cử “rõ ràng là một mối đe dọa” đối với châu Âu.

Sự đổ vỡ trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ khiến thế giới bị chia rẽ nhiều hơn.

Châu Âu tự cứu mình

Theo The Wall Street Journal, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện một số bước để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội khối, nới lỏng một số quy định trợ cấp để giúp các chính phủ châu Âu dễ dàng cạnh tranh hơn với các ưu đãi công nghệ sạch của Mỹ.

Các quan chức châu Âu cũng cảnh báo Mỹ rằng các động thái của Washington nhằm cạnh tranh với TQ đang tạo ra thiệt hại ngoài dự tính trên khắp Đại Tây Dương. Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp Olivier Becht nói với Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai trong chuyến thăm Washington hồi tháng trước rằng các bên nên thận trọng quản lý những khác biệt thương mại.

Vào tháng 10-2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và các quan chức EU khác đã đến Washington để tham dự một hội nghị thượng đỉnh với hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này nhưng không đạt kết quả khả quan. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis sau đó đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo để cố gắng giảm bớt tác động của các mức thuế còn lại và kết quả là vào cuối năm rồi, chính quyền ông Biden đã gia hạn việc đình chỉ áp thuế quan lên hàng châu Âu thêm hai năm.

Theo ông Bruce Stokes - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Marshall Fund (Mỹ), châu Âu nên chủ động tìm cách bảo vệ khối. Trong đó, ông đề xuất EU nên chú trọng tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự, củng cố các cơ chế ra quyết định của khối, chính thức hóa mối quan hệ giữa các bên liên quan xuyên Đại Tây Dương và đề phòng mọi nguy cơ rời xa của Mỹ.

Theo ông, Brussels và Washington nên bắt đầu bằng việc tái lập đối thoại doanh nghiệp xuyên Đại Tây Dương và các cuộc đối thoại khác với các bên liên quan. Việc thực hiện những bước đi như vậy sẽ khiến chính quyền Mỹ tương lai bị ràng buộc và gặp khó khăn hơn về mặt chính trị trong việc tháo gỡ các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trước đó, cựu Đại sứ Mỹ tại EU Stuart Eizenstat cũng mách nước các cách hai bên Mỹ - EU có thể thực hiện để gìn giữ quan hệ. Theo ông, Washington và Brussels nên phát triển các cơ chế tham vấn song phương; đàm phán một sáng kiến ​​đầu tư và thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương với mục tiêu miễn thuế, dỡ bỏ các rào cản đầu tư... và cuối cùng là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ hằng năm.

Nguồn: CafeF; Soha; Vnexpress; VOA; Pháp Luật

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang