Mỹ: Làn sóng đình công 2024; Chủ đề di cư; Kinh tế một mình 'ngược hướng'; Oan kích dân quân Houthi; Tăng sức ép lên Nga

Làn sóng đình công ở Mỹ có thể lan rộng trong năm 2024

Có nhiều cuộc đình công và cuộc đàm phán lớn đã diễn ra trong năm 2023, nhưng điều đó không có nghĩa là không có khả năng xảy ra một số cuộc đình công lớn trong năm 2024.

Theo số liệu chính thức của Bộ Lao động Mỹ, số lượng các cuộc đình công lớn đã tăng 43% lên 33 cuộc trong năm 2023. Đây là số lượng các cuộc đình công lớn nhất ở Mỹ trong hơn 20 năm. Đình công đã làm mất đi 16,7 triệu ngày làm việc, cao hơn so với 2,2 triệu ngày vào năm 2022.

Tuy nhiên, số lượng các cuộc đình công chính thức mà Bộ Lao động Mỹ ghi nhận vẫn chưa đầy đủ vì Bộ này chỉ theo dõi các cuộc đình công liên quan đến 1.000 công nhân trở lên.

Có nhiều cuộc đình công và cuộc đàm phán lớn đã diễn ra trong năm 2023, nhưng điều đó không có nghĩa là không có khả năng xảy ra một số cuộc đình công lớn trong năm 2024. Dưới đây là một số cuộc đình công có thể gây chú ý trong năm 2024.

Các hãng phim Hollywood

Năm 2023, các cuộc đình công liên tiếp của hơn 11.000 thành viên của Hiệp hội Nhà văn Mỹ và SAG-AFTRA, đại diện cho khoảng 160.000 diễn viên tham gia sản xuất các bộ phim và chương trình truyền hình, đã khiến phần lớn hoạt động của các hãng phim Hollywood phải đóng cửa trong khoảng nửa năm. Năm nay có thể là năm tiếp theo.

Liên minh Quốc tế về Nhân viên sân khấu (IATSE), đại diện cho 60.000 kỹ thuật viên, nghệ nhân và thợ thủ công thực hiện nhiều công việc không diễn xuất và không chỉ đạo cho phim truyện, chương trình truyền hình và chương trình phát trực tuyến, sẽ hết hạn hợp đồng vào ngày 31/7 tới.

Sau các thỏa thuận với các nhà văn và diễn viên trong năm 2023, có thể khó đạt được một thỏa thuận làm hài lòng các thành viên của IATSE, những người chỉ chấp thuận hợp đồng cuối cùng với tỷ lệ 50,3% trong quá trình bỏ phiếu năm 2021.

Boeing

Hãng sản xuất máy bay Boeing đã gặp nhiều rắc rối trong 5 năm qua, nhưng tình trạng bất ổn lao động không phải là một trong những vấn đề đáng quan ngại. Điều đó có thể kết thúc trong năm nay.

Hợp đồng làm việc của khoảng 30.000 thợ máy làm việc tại các nhà máy của Boeing ở bang Washington sẽ hết hạn vào ngày 12/9 tới.

Với việc Boeing báo cáo thua lỗ 5 năm, tổng số tiền lỗ vượt mức 26 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này có thể gây khó khăn cho công đoàn để có thể đạt được thỏa thuận mà họ mong muốn từ Boeing với mức tăng lương lớn mà các công đoàn khác đã đạt được gần đây.

Việc bắt đầu đàm phán về hợp đồng mới đã bị trì hoãn do vấn đề chất lượng mới nhất của các máy bay của hãng, như sự cố rơi cửa máy bay Boeing 737 MAX 9 do hãng hàng không Alaska Airlines khai thác hôm ngày 5/1.

Công nhân ngành hàng không

Các hãng hàng không lớn của Mỹ đều đồng ý thỏa thuận với các liên đoàn phi công trong năm 2023, theo đó mức lương đã tăng thêm 30% trở lên. Hiện giờ các công đoàn hàng không khác cũng đang yêu cầu thêm khoản thưởng.

Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp, đại diện cho 25.000 tiếp viên hàng không tại hãng hàng không American Airlines, đã yêu cầu công đoàn tuyên bố về một tình trạng bế tắc, mà có thể dẫn đến một cuộc đình công.

Các công đoàn khác, đại diện cho khoảng 50.000 tiếp viên hàng không khác, cũng tham gia các cuộc đàm phán hòa giải với các hãng hàng không thành viên của họ.

Ngoài ra, các công đoàn đại diện cho hàng chục nghìn nhân viên hàng không khác, trong đó có nhân viên dịch vụ khách hàng, thợ cơ khí và các công nhân mặt đất khác, cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận.

Di cư - chủ đề nóng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ

Di cư và an ninh biên giới đang là vấn đề trọng tâm tại Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải giải quyết vấn đề này khi số lượng người di cư đến Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023 và được dự báo còn tăng trong năm nay.

Thị trấn Jacumba Hot Springs ở bang California trở thành điểm nóng về di cư. Hàng nghìn người di cư từ khu vực Nam Mỹ cố gắng tới đây trong nhiều tháng qua với hy vọng được đặt chân vào nước Mỹ.

"Chúng tôi đã ở đây, vượt qua bao khốn khổ cuối cùng cũng đến được đây. Đội tuần tra biên giới đã tới đây, cho phép phụ nữ và trẻ em được đưa đến trại tạm trú xét nhập cảnh trước. Họ nói sẽ đến đón chúng tôi vào ngày mai", một người di cư nói.

Theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, trong năm tài chính 2023, tổng cộng hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ từ Mexico bằng các phương tiện trái phép.

Sau những chỉ trích gay gắt xung quanh chính sách nhập cư của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden tuyên bố mình là ứng cử viên sẽ khôi phục danh dự và sự tôn trọng với tổng thống bằng cách xây dựng một phần hệ thống nhập cư công bằng và nhân đạo.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của ông, số người nhập cư trái phép vào Mỹ đã tăng thêm 7,5 triệu người. Đặc biệt, dọc theo tuyến đường Ciudad Juarez - El Paso, một trong những tuyến đường được người nhập cư được ưa thích nhất, việc di cư trái phép đến bang Texas đã gây ra lạm phát, khủng hoảng nhà ở và lo ngại về an ninh.

Những tình nguyện viên địa phương như anh John Shultz không chỉ phát nhu yếu phẩm cần thiết cho người di cư mắc kẹt ở biên giới mà còn giúp tuần tra, phát hiện người vượt biên trái phép.

Anh John Shultz cho biết: "Đây là trại quá cảnh do Lực lượng Vệ binh quốc gia Mexico dựng lên nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên. Trước đây khi không có điểm chốt này, bọn buôn người lái xe, đưa người vượt biên trái phép cả ngày lẫn đêm".

Theo báo cáo vào tháng 6/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 47% người Mỹ coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề nghiêm trọng ở nước này. Khả năng 70% thành viên đảng Cộng hòa coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề lớn của quốc gia, so với đảng Dân chủ, chỉ 25% các nghị sĩ coi đây là vấn đề cần quan tâm. Điều này đặt chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thế bất lợi về vấn đề nhập cư, khi cuộc bầu cử đến gần, đe dọa mối quan hệ luật pháp liên bang - tiểu bang và có khả năng củng cố cơ sở của đảng Cộng hòa.

Tác động của vấn đề này đã báo động đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden buộc phải thỏa hiệp hơn, tuyên bố rằng ông sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng cấp cho ông quyền như vậy.

Ông Boris Vormann, giảng viên môn Chính trị, Đại học Bard, Berlin, Đức, nhận xét: "Tổng thống Joe Biden không phải người đầu tiên gặp khó khăn trong việc cải cách luật pháp toàn diện. Ông ấy đã có nhiều cố gắng. Đây là vấn đề phân cực giữa hai đảng. Người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng coi di cư là vấn đề lớn và là chủ đề trong việc tranh cử của ông ấy".

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, chỉ 3 ngày trước đây, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ áp dụng những hạn chế đối với các chủ sở hữu, giám đốc điều hành và quan chức cấp cao của công ty vận tải đường bộ, đường biển và cho thuê máy bay cung cấp các dịch vụ vận tải được sử dụng chủ yếu bởi những người có ý định nhập cư trái phép vào Mỹ.

Kinh tế Mỹ một mình 'ngược hướng' với phần còn lại của thế giới

Trong khi Trung Quốc vật lộn với bất động sản, Nhật Bản tụt hạng, Anh chật vật trước rủi ro suy thoái kinh tế thì Mỹ lại "một mình một hướng" với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc.

Hoạt động ì ạch của nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2023 đã kéo tụt hạng quốc gia này trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Nhật Bản đã bị Đức vượt qua, chấp nhận tụt xuống vị trí thứ tư.

Trong khi đó ở Anh chứng kiến nền kinh tế suy giảm trong quý thứ 2 liên tiếp, bằng chứng cho thấy quốc gia này đang vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế. Theo số liệu từ cơ quan thống kê của Vương quốc Anh, GDP của Anh giảm 1,4% trong 3 tháng cuối năm 2023, trái ngược với mức tăng 3,3% của Mỹ trong cùng kỳ.

Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Anh, đã giảm đáng kể trong nửa cuối năm 2023 ngay cả khi tiền lương tăng mạnh. Người tiêu dùng Nhật Bản cũng cắt giảm chi tiêu trong quý cuối cùng của năm 2023 khi chứng kiến giá cả thị trường tăng nhanh hơn tiền lương.

Những thực tế đáng buồn trong nền kinh tế Anh và Nhật Bản cũng tương tự như những gì đang xảy ra ở phần lớn các quốc gia châu Âu và Trung Quốc. Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng vọt do chiến sự Nga – Ukraine và lãi suất cao trong khi Trung Quốc lại đang điêu đứng khi “trụ cột” bất động sản gãy đổ.

Điều này cũng phản ánh lên sự khác biệt giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế vào đầu năm 2023.

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn ở mức “kiên cường” dù lãi suất tăng cao hơn so với các nước khác trên thế giới. Chi tiêu của chính phủ Mỹ cũng vẫn duy trì ở mức cao lịch sử giúp nền kinh tế của nước này có thêm động lực.

"Tốc độ tăng trưởng của Mỹ một năm qua thực sự vượt trội so với các nước giàu khác", ông Innes McFee, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có động thái tương tự trong tháng 10. IMF hiện dự báo Mỹ tăng trưởng 2,1% năm nay và 1,5% năm tới. Tốc độ này cao gấp đôi Anh và bỏ xa khu vực đồng euro. Eurozone được dự báo chỉ tăng trưởng 0,7% năm nay và 1,2% năm sau.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể bị tổn thương trong những năm tới.

Trong những năm qua, người Mỹ đã tiêu tiền tiết kiệm khá mạnh tay trong khi người dân ở các quốc gia khác vẫn thắt lưng buộc bụng. Điều này có thể khiến nền kinh tế Mỹ sẽ sớm phải hứng chịu những tác động tiêu cực.

CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon từng bày tỏ sự bi quan về kinh tế Mỹ. Ông cho rằng người Mỹ chuẩn bị cho một cuộc suy thoái bởi “rất nhiều thứ ngoài kia đang tăng giá và rất nguy hiểm. Hãy sẵn sàng cho điều đó. Lãi suất có thể tăng và điều này sẽ kéo theo suy thoái".

Trong khi đó, các nhà kinh tế khác cũng cho rằng dù kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vượt dự báo nhưng điều này khó có thể duy trì. Theo đó, GDP Mỹ được dự báo sẽ chậm lại từ quý I/2024 và kéo dài sang cả năm sau.

Lực lượng Mỹ, Anh oanh kích dân quân Houthi ở Yemen

Một máy bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh sẵn sàng tiến hành các cuộc không kích tiếp theo nhắm vào các mục tiêu của người Houthi, ngày 24 tháng 2 năm 2024. (Cpl.Tim Laurence RAF/UK MOD)

Các lực lượng của Mỹ và Anh tiến hành các cuộc oanh kích nhắm vào hơn một chục mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen vào ngày thứ Bảy, các quan chức cho biết. Đây là đợt hành động quân sự mới nhất nhắm vào nhóm có liên kết với Iran vẫn tiếp tục tấn công các tàu vận tải trong khu vực.

Mỹ đã thực hiện các cuộc oanh kích gần như hàng ngày nhắm vào người Houthi, lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất của Yemen và đã nói rằng các cuộc tấn công của họ nhắm vào hoạt động vận tải hàng hải là nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong khi Israel tấn công Gaza.

Các cuộc oanh kích đến nay đã không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của người Houthi, vốn đã gây xáo trộn thương mại toàn cầu và tăng cước phí vận tải.

Một tuyên bố chung từ các quốc gia tham gia các cuộc oanh kích hoặc cung cấp hỗ trợ nói hành động quân sự này nhắm vào 18 mục tiêu của người Houthi khắp tám địa điểm ở Yemen, bao gồm các cơ sở lưu trữ vũ khí và phi đạn trong lòng đất, hệ thống phòng không, radar và một máy bay trực thăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói các cuộc oanh kích nhằm mục đích "làm gián đoạn và làm suy yếu hơn nữa các năng lực của lực lượng dân quân Houthi được Iran hậu thuẫn."

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cho người Houthi thấy rõ rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không ngừng các cuộc tấn công bất hợp pháp, gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Đông, gây thiệt hại về môi trường và làm gián đoạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Yemen và các nước khác,” ông Austin nói.

Các cuộc oanh kích được hỗ trợ bởi Úc, Bahrain, Canada, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand.

Đầu tuần này, người Houthi nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Anh và một cuộc tấn công bằng drone nhắm vào một tàu khu trục của Mỹ, và họ nhắm mục tiêu vào thành phố cảng và du lịch Eilat của Israel bằng phi đạn đạn đạo và drone.

Các cuộc oanh kích của nhóm này đang làm gián đoạn tuyến đường tắt thiết yếu đi qua Kênh đào Suez, chiếm khoảng 12% lưu lượng hàng hải toàn cầu, buộc tàu thuyền phải đi đường dài hơn và đắt đỏ hơn quanh Châu Phi.​

Phương Tây tăng mạnh sức ép lên Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23.2 công bố các lệnh cấm vận mới lên hơn 500 cá nhân và tổ chức liên quan Nga vào dịp chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn 2 năm (24.2.2022 - 24.2.2024).

Đây là đợt cấm vận lớn nhất của Washington nhắm vào Moscow trong 2 năm qua, theo AFP. Đáp lại, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói các lệnh cấm vận mới của Mỹ thể hiện "một ý đồ khác nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga".

Ngoài Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông báo lệnh cấm vận nhắm vào nhiều cá nhân và tổ chức tại Nga. Ngày 24.2, chính phủ Anh còn công bố gói chi tiêu quốc phòng mới trị giá 245 triệu bảng Anh (hơn 7.600 tỉ đồng) nhằm giúp thúc đẩy sản xuất "đạn pháo cần thiết khẩn cấp" cho Ukraine, theo AFP. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết thêm London sẽ đồng dẫn đầu một liên minh quốc tế cung cấp hàng ngàn máy bay không người lái (UAV) cho Kyiv.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu ngày 24.2 cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đừng "mong chờ bất kỳ sự mệt mỏi nào từ phía châu Âu" đối với vấn đề xung đột ở Ukraine, và khẳng định sự hỗ trợ của Paris dành cho Kyiv "sẽ không thay đổi", theo AFP.

Cùng ngày, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng nhau tới thủ đô Kyiv bằng tàu hỏa từ Ba Lan nhằm thể hiện sự đoàn kết với Ukraine, theo Reuters dẫn thông báo từ chính phủ Ý.

Về tình hình chiến sự, Lực lượng Phòng vệ miền nam của Ukraine thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng lực lượng Nga đã nhắm mục tiêu vào các tỉnh phía nam trong đêm 23 - 24.2 bằng UAV và tên lửa Kh-59, theo trang tin The Kyiv Independent.

Nguồn: VietnamPlus; VTV; VietnamFinance; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang