Mỹ: Xóa nợ cho sinh viên; Ngân hàng nguy cơ 'vỡ trận'; Lo ngại tuổi của Tổng thống; 'Sợ' cả cần cẩu TQ; Nghị sĩ đổ về Đài Bắc

Mỹ tiếp tục xóa nợ cho sinh viên

Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tiếp tục xóa nợ cho hàng trăm nghìn sinh viên người Mỹ trong nỗ lực thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri trẻ.

Những sinh viên đã trả khoản vay trong 10 năm, hay đã vay từ 12.000 USD trở xuống đều sẽ được xóa khoản tiền nợ còn lại. Theo tính toán của Nhà Trắng, biện pháp này sẽ xóa nợ 1,2 tỷ USD, mang lại lợi ích cho 153.000 người Mỹ.

Chương trình xóa nợ sinh viên được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 8/2022 theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ tới 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm. Đối với những sinh viên thụ hưởng Chương trình Trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp) sẽ được xóa nợ 20.000 USD.

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Biden đã xóa nợ tổng cộng 138 tỷ USD của 3,9 triệu trong tổng số 45 triệu người Mỹ đã vay 1.600 tỷ USD để học đại học.

Học phí tại các trường đại học ở Mỹ rơi vào khoảng từ 10.000 - 70.000 USD mỗi năm và sinh viên sau khi tốt nghiệp thường gánh một khoản nợ lớn. Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona cho biết: "Trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, những người đi vay đủ điều kiện hầu như không thể tiếp cận được khoản giảm nợ sinh viên một cách hợp pháp. Mức giảm nợ này là tối đa và chúng tôi không thể giảm hơn nữa".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định xóa nợ là không công bằng, đặc biệt đối với những người chăm chỉ kiếm tiền để trả nợ. "Điều này rất không công bằng đối với những người đã vay, làm việc chăm chỉ và trả hết nợ. Nó cũng không công bằng với những người chọn con đường khác thay vì đi vay", Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis - cho hay. Đảng Cộng hòa cũng phản đối và cho rằng kế hoạch này gây lãng phí ngân sách và đáng ra có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.

Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đối mặt nguy cơ 'vỡ trận'

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tin của báo Financial Times cho biết nợ xấu đã vượt quá dự trữ tại các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Tại các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, các khoản cho vay bất động sản thương mại khó đòi đã vượt khoản dự phòng tổn thất sau khi các khoản thanh toán trễ liên quan đến văn phòng, trung tâm mua sắm và các tài sản khác tăng mạnh.

Theo số liệu của Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), dự trữ trung bình tại JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley đã giảm từ 1,60 USD xuống 90 cent cho mỗi USD nợ bất động sản thương mại mà người vay chậm trả ít nhất 30 ngày.

Các chuyên gia giám sát ngân hàng tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các cơ quan quản lý hiện đang tập trung theo dõi chặt chẽ việc cho vay bất động sản (CRE) của các ngân hàng, bao gồm cả việc báo cáo rủi ro và bố trí vốn phù hợp để hạn chế các tổn thất cho vay CRE tiềm ẩn trong tương lai. Trên hệ thống ngân hàng tại Mỹ, giá trị của các khoản vay quá hạn gắn liền với văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ và các tài sản thương mại khác đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, lên 24,3 tỷ USD, từ mức 11,2 tỷ USD của năm 2022.

Theo dữ liệu của FDIC, các ngân hàng Mỹ hiện giữ 1,40 USD dự trữ cho mỗi USD các khoản vay bất động sản thương mại quá hạn, giảm so với mức 2,20 USD một năm trước, và các ngân hàng có mức bảo hiểm thấp nhất đã phải gánh chịu các khoản lỗ cho vay bất động sản thương mại tiềm ẩn trong hơn 7 năm.

Cử tri Mỹ lo ngại về tuổi tác của ứng cử viên tổng thống

Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump, cử tri sẽ chọn lựa giữa một tổng thống lớn tuổi nhất (Biden) hoặc tổng thống lớn tuổi thứ nhì (Trump).

Nhiều cử tri không hài lòng với sự lựa chọn này. Một cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos hồi đầu tháng này cho thấy 59% người Mỹ cho rằng cả hai ứng cử viên này đều đã quá già để phục vụ một nhiệm kỳ khác.

“Mọi dấu hiệu dường như cho thấy hầu hết người Mỹ không mong chờ màn tái đấu của năm 2020,” nhà khoa học chính trị Charles Bullock của Đại học Georgia nói với VOA. “Nếu một trong hai bên có thể đưa ra được một ứng cử viên trẻ hơn, chất lượng hơn, thì người đó sẽ giành chiến thắng áp đảo.”

Bà Rebecca Urrutia, một cư dân ở Connecticut, tán đồng.

Bà nói: “Độ tuổi của các ứng cử viên của chúng ta cực kỳ đáng lo ngại. Đó là bằng chứng cho thấy hệ thống hai đảng của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ và kiệt quệ.”

“Chúng ta đang bỏ phiếu cho hai người đàn ông ở độ tuổi 80 hay chúng ta đang bỏ phiếu cho những người mà họ chọn làm phó tổng thống?” bà nói thêm. “Khả năng họ không thể hoàn thành nhiệm kỳ vì lú lẫn, tuổi già hoặc các lý do sức khỏe khác là không bàn cãi. Có gì đó trong hệ thống của chúng ta bị hỏng và chúng ta phải sửa.”

Làm sao chuyện này lại xảy ra?

Ông Robert Collins, giáo sư nghiên cứu đô thị và chính sách công tại Đại học Dillard ở New Orleans, tin rằng người Mỹ cảm thấy như họ không được lựa chọn thực sự.

“Đối với nhiều người trong chúng ta, nó giống như tình huống ‘Trở lại Tương lai’,” ông nói với VOA, đề cập đến bộ phim năm 1985. “Đó là sự lựa chọn giữa hai ông già mà chúng ta đã có lần trước, và rất nhiều người Mỹ vẫn tự hỏi điều này đã xảy ra như thế nào và liệu nó có nghĩa là có điều gì đó không ổn với nền dân chủ của chúng ta hay không.”

Ông Collins cho rằng tuổi cao của các ứng viên là một tình huống bất tiện hơn là một xu hướng.

“Tôi không nghĩ có ai trong vài chu kỳ bầu cử gần đây cho rằng ‘Hãy đi tìm những người lớn tuổi nhất’,” ông nói và cười. “Đúng hơn, tình cờ là thông điệp của ông Trump gây được tiếng vang lớn nhất trong số các đảng viên Đảng Cộng hòa, và rằng ông Biden là ứng cử viên thỏa hiệp từ khu vực bầu cử sơ bộ năm 2020 có đông đảo các ứng cử viên Đảng Dân chủ trẻ tuổi hơn.”

Ông Bullock của Đại học Georgia tin rằng cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ một phần là nguyên nhân khiến các ứng cử viên có xu hướng lớn tuổi hơn.

Ông nói: “Một số vấn đề này có liên quan đến cách bầu cử Quốc hội. Sự phân chia lại các đơn vị bầu cử đã tạo ra các quận ít cạnh tranh hơn. Điều đó, kết hợp với việc không giới hạn nhiệm kỳ của quốc hội, có nghĩa là bạn có những chính trị gia có thể tại vị trong nhiều thập niên mà không bao giờ bị thách thức nghiêm trọng. Kết quả là phần lớn lãnh đạo đất nước chúng ta, không chỉ các ứng cử viên tổng thống, đều lớn tuổi.”

Ảnh hưởng tiềm tàng

Bất kể lý do là gì, tuổi tác là một vấn đề trong cuộc bầu cử này. Bà Norma Rodrigues, 71 tuổi ở Miami, Florida, cho rằng điều đó không đúng.

Bà nói với VOA: “Giống như tuổi tác không phải là một vấn đề ở bất kỳ nơi làm việc nào khi nó không ảnh hưởng đến năng lực, thì điều đó cũng không thành vấn đề trong chính trị”. “Thay vào đó, chúng ta nên bỏ phiếu dựa trên những đặc điểm như tính cách, sự đồng cảm và độ tin cậy.”

Bà Rodrigues nói rằng cuộc tái đấu giữa hai ứng cử viên lớn tuổi không phải là dấu hiệu của một hệ thống chính trị bị phá vỡ, mặc dù nó làm nổi bật một lỗ hổng.

Bà giải thích: “Tôi nghĩ nó minh họa cho sự thiếu tham gia chính trị của các thế hệ trẻ người Mỹ. Có thể nguyên nhân là do sự thất vọng sâu sắc đối với các ứng cử viên, hoặc với những gì các quan chức dân cử của họ có thể đạt được sau khi nhậm chức.”

Nhận thức về độ tuổi giữa các ứng viên

Trong khi khoảng cách tuổi tác giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump là chưa đầy 4 tuổi, thì khoảng cách trong cách người Mỹ nhìn nhận về tuổi tác của họ là rất lớn.

Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos cho thấy 59% người Mỹ cho rằng cả hai ứng cử viên đều quá già và thêm 27% cho rằng chỉ có ông Biden là quá già. Ngược lại, chỉ có 3% người Mỹ cho rằng chỉ có ông Trump đã quá già để tiếp tục phục vụ.

Ông Collins từ Đại học Dillard giải thích: “Cho dù công bằng hay không, tôi nghĩ ông Biden bị người Mỹ coi là già hơn ông Trump”. “Ông ấy đi đứng khó khăn hơn, nói năng chậm hơn và giọng điệu nhẹ nhàng hơn ông Trump. Đó là vấn đề mà chiến dịch của ông ấy cần tìm ra cách khắc phục.”

Cử tri đảng Dân chủ Deborah Theobald đến từ tiểu bang Georgia của Hoa Kỳ cho biết tuổi tác “chắc chắn là một vấn đề lớn đối với tôi trong cuộc bầu cử này, nhưng rõ ràng hai ông này là tất cả những gì chúng tôi phải lựa chọn.”

​“Vì vậy, có lẽ thay vào đó chúng ta nên nói về năng lực,” bà tiếp tục. “Bao quanh Biden là những người tuyệt vời, và ông ấy có một phó tổng thống, người đã chuẩn bị sẵn sàng nếu bà ấy phải nhận chức tổng thống. Mặt khác, ông Trump đã cố gắng treo cổ phó tổng thống cuối cùng của mình trong cuộc nổi dậy ngày 6/1/2021 và nhìn chung là không đủ năng lực trong việc tuyển dụng. Đó là lý do tại sao tôi bỏ phiếu cho ông Biden.”

Bà Theobald đang đề cập đến việc ông Trump không kêu gọi những các ủng hộ viên của ông lùi bước khi họ bắt đầu hô vang “Hãy treo cổ Mike Pence” trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021.

Cử tri đảng Cộng hòa Jill Dani đến từ Merritt Island, Florida, muốn có một ứng cử viên trẻ hơn, nhưng sẽ gắn bó với ông Trump hơn ông Biden.

“Tôi nghĩ Đảng Cộng hòa cần một gương mặt mới để lãnh đạo đảng, đó là lý do tại sao tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Nikki Haley trong cuộc bầu cử sơ bộ,” bà Dani nói với VOA. “Nhưng nếu ông Trump đánh bại bà, bạn nên tin rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy trong cuộc tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử này, và việc loại bỏ ông Biden và đảng Dân chủ, là quá quan trọng không thể bỏ qua.”

Mỹ lo ngại cả cần cẩu Trung Quốc, chi số tiền khổng lồ thay thế

Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, các quan chức nước này tiếp tục nhắm đến những chiếc cần cẩu được sản xuất bởi Trung Quốc.

Tờ Sina của Trung Quốc ngày 22/2 đưa tin, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kế hoạch chi số tiền khổng lồ để sản xuất cần cẩu trong nước, để thay thế cần cẩu do Trung Quốc sản xuất đang hoạt động tại các cảng của Mỹ, từ đó giảm bớt “mối lo ngại” của người dân.

Động thái này là một phần trong hành động của Nhà Trắng nhằm tăng cường an ninh mạng tại các cảng của Mỹ. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng ban hành chỉ thị an ninh yêu cầu các cần cẩu do nước ngoài sản xuất hiện được triển khai tại các cảng biển chiến lược phải đáp ứng một số yêu cầu an ninh kỹ thuật số nhất định.

Ngoài cơ sở hạ tầng cảng đất liền, các cơ sở và tàu được yêu cầu phải báo cáo các cuộc tấn công mạng hàng hải. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ sẽ chia sẻ báo cáo về các cơ sở và tàu cụ thể với Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng cũng như các cơ quan chính phủ khác.

Người phụ trách mới về an toàn hàng hải cũng sẽ được bổ nhiệm.

Theo CNBC , các cảng là cửa ngõ chính cho thương mại của Mỹ, với 31 triệu việc làm và doanh thu hơn 5,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế đứng đầu thế giới.

“Chúng tôi đang thực hiện việc chống lại các mối đe dọa mạng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng”, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ nói với CNBC tại một cuộc họp ngắn trước khi hoạt động được công bố chính thức.

Theo Wall Street Journal , các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết hơn 20 tỷ USD sẽ được đầu tư vào an ninh cảng trong 5 năm tới, bao gồm cả việc sản xuất cần cẩu chở hàng. Khoản tài trợ này đến từ tổng dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được thông qua vào năm 2021, và sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc sản xuất cần cẩu bởi một công ty con tại Mỹ của Tập đoàn Mitsui Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ cho biết đây sẽ là lần đầu tiên sau 30 năm cần cẩu được sản xuất trong nước tại Mỹ.

Bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về công nghệ mạng và công nghệ mới nổi, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy có rủi ro chiến lược thực sự ở đây”.

Bà Neuberger giải thích rằng do cần cẩu di chuyển các container lớn ra vào cảng, nếu chúng “được mã hóa trong một cuộc tấn công bất hợp pháp (mạng), được thuê hoặc vận hành bởi đối thủ”, chúng có thể gây “tác động thực sự đến dòng hàng hóa của nền kinh tế Mỹ và lực lượng quân sự Mỹ di chuyển hàng hóa qua các cảng”.

Các quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng, mặc dù Trung Quốc là “mối đe dọa” chính mà sắc lệnh hành pháp gần đây nhắm đến, nhưng vấn đề tội phạm an ninh mạng cũng là một yếu tố quan trọng.

Họ lấy ví dụ về cảng hàng hóa lớn nhất Nhật Bản là cảng Nagoya. Tháng 7 năm ngoái, cảng này bị tin tặc tấn công khiến chức năng hậu cần bị tê liệt, virus xâm nhập hệ thống khiến hoạt động xếp dỡ tại 5 bến container phải tạm dừng, hơn 20.000 lô hàng container bị ảnh hưởng.

Tờ Wall Street Journal trong một bài báo đăng vào tháng 3 năm ngoái, tiết lộ rằng một số quan chức Bộ An ninh quốc gia Mỹ và Lầu Năm Góc đã so sánh cần cẩu của nhà sản xuất Zhenhua Heavy Industries của Trung Quốc sản xuất là "ngựa Trojan" (Trojan là một loại phần mềm mã độc, có khả năng hủy hoại, khiến cho máy tính không thể hoạt động như ý muốn).

Các quan chức Mỹ lo ngại những chiếc cần cẩu khổng lồ do các công ty Trung Quốc sản xuất được sử dụng tại các cảng trên khắp cả nước, một số được cả quân đội Mỹ sử dụng, có thể gây ra "rủi ro gián điệp và phá hoại", hoặc chúng có thể "thực hiện các nhiệm vụ bí mật" trong quá trình hoạt động.

Báo cáo khẳng định rằng dù cần cẩu của Zhenhua được sản xuất tốt và giá thành thấp nhưng chúng được trang bị các cảm biến phức tạp có thể theo dõi nguồn và đích đến của các container. Do đó, Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể lấy được thông tin về các vật liệu được vận chuyển ra vào nước Mỹ, cũng như được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới.

Một quan chức Mỹ cho biết gần 80% cần cẩu container trên bờ được sử dụng tại các cảng của Mỹ đều do công ty Zhenhua sản xuất.

John Vann, người đứng đầu Bộ chỉ huy Mạng Cảnh sát biển Mỹ, cho biết: "Theo thiết kế, những chiếc cần cẩu này có thể được điều khiển, bảo trì và lập trình từ xa. Những tính năng này có thể khiến những chiếc cần cẩu do Trung Quốc sản xuất dễ dàng bị khai thác".

Tạp chí Phố Wall cho biết các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Giám đốc FBI Christopher Wray, đã đưa ra một số lượng lớn cảnh báo, cho rằng "tin tặc Trung Quốc đã xâm chiếm cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ".

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan điểm khi Mỹ thường xuyên “cường điệu hóa” các chủ đề liên quan. Vào tháng 3 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ những thông tin “thổi phồng” của truyền thông Mỹ, nói rằng những thông tin này là “nhìn gà hóa cuốc” và gây hiểu lầm cho người dân Mỹ.

Ngày 22/1 vừa qua, khi trả lời các câu hỏi liên quan tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng “nỗi hoang tưởng bị uy hiếp” đối với các chính trị gia Mỹ liên quan ngày càng nghiêm trọng.

Ông Vương tuyên bố từ việc cáo buộc thiết bị công nghệ thông tin của Trung Quốc để lại "cửa sau", cần cẩu do Trung Quốc sản xuất là "ngựa Trojan" để thu thập thông tin tình báo, cho đến phóng đại pin xe điện Trung Quốc "đe dọa" an ninh quốc gia,… “ý định thực sự của Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc dưới chiêu bài an ninh quốc gia ngày càng lộ rõ”.

Nghị sĩ Hoa Kỳ đổ về Đài Bắc, vì sao?

Việc nhiều nghị sỹ Mỹ đổ về Đài Bắc đang khiến Trung Quốc cảm thấy không thoải mái.

"Nếu chúng tôi bắt đầu cử các phái đoàn chính thức đến Honolulu để gặp gỡ những nhà lãnh đạo ly khai muốn Hawaii độc lập khỏi Hoa Kỳ thì sao? Quý vị sẽ làm gì nếu chúng tôi bắt đầu bán vũ khí cho họ?"

Dù nghe có vẻ khập khiễng, nhưng đây là lập luận thường được sử dụng bởi những “anh hùng bàn phím” Trung Quốc.

Những người này lên mạng xã hội để lên án bất kỳ chuyến thăm Đài Loan nào của giới chức Hoa Kỳ, đặc biệt là của các thành viên quốc hội.

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà rốt cuộc sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Do đó, những chuyến thăm từ phía Hoa Kỳ được những người dùng mạng xã hội Trung Quốc này đánh giá là hành động khiêu khích và can thiệp nội bộ không thể chấp nhận được.

Đương nhiên, những chuyến đi nói trên, như chuyến thăm trong tuần này của Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn đề về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, lại được Washington và Đài Bắc nhìn nhận rất khác.

Đài Bắc, với hiến pháp riêng và các nhà lãnh đạo dân cử, luôn coi mình độc lập với Trung Quốc đại lục.

Dù vậy, diễn biến này thực sự làm dấy lên nghi vấn: mục đích thực sự của Mỹ là gì.

Liệu đây có phải sự hỗ trợ chân thành của Mỹ nhằm giúp kiềm chế Trung Quốc, hay đây chỉ là chiêu trò nhằm chọc giận Bắc Kinh và củng cố quan điểm rằng Washington hài lòng với việc Đài Loan độc lập vĩnh viễn khỏi Trung Quốc?

Những chuyến thăm như vậy không phải là không có hậu quả.

Cách Mỹ xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và Đài Loan góp phần quyết định việc liệu thế bế tắc căng thẳng ở hai bờ eo biển Đài Loan sẽ giữ nguyên hay trở nên tồi tệ hơn.

“Chúng tôi tới đây để tái khẳng định rằng Mỹ ủng hộ Đài Loan và bày tỏ sự đoàn kết trong cam kết chung của chúng tôi đối với các giá trị dân chủ,” Nghị sĩ Ami Bera và Mario Díaz Balart nói trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng Giêng.

Họ là những người đầu tiên tới Đài Bắc sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 13/1/2024.

Giờ thì, dân biểu diều Gallagher - người đã nói với tờ Guardian vào năm ngoái rằng Trung Quốc nhắm tới việc “khiến chúng ta trở nên phụ thuộc, nhục nhã và vô giá trị trên trường quốc tế,” – tới Đài Bắc, cùng nhiều đồng nghiệp, chỉ một tháng sau đó.

Có vẻ như họ không phải là những người cuối cùng.

Từ năm 2016, số lượng các phái đoàn nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ tới Đài Bắc gia tăng đáng kể.

Theo thống kê của viện nghiên cứu Global Taiwan, năm ngoái đã có 32 nhà lập pháp Hoa Kỳ đến Đài Bắc, so với 6 người hồi năm 2018.

Xu hướng này được Tổng thống Đài Loan đương nhiệm Thái Anh Văn tích cực khuyến khích và dường như cũng không có vẻ bị phía Mỹ phản đối.

Thật vậy, Tổng thống Joe Biden là người công khai bảo vệ Đài Loan nhất trong số các lãnh đạo Hoa Kỳ- mặc dù vẫn tiếp tục cam kết theo chính sách Một Trung Quốc của Mỹ.

“Điều này rất quan trọng,” ông J Michael Cole, cựu nhân viên tình báo Canada và từng là cố vấn cho Tổng thống Thái Anh Văn, nói.

"Tuy Mỹ luôn nói rằng chúng tôi có một cam kết vững chắc với Đài Loan, nhưng cần có những hành động công khai. Đó là điều sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng, và thu hút báo giới viết về nó.”

Không giống như khoản tài trợ trị giá 80 triệu USD (1.966 tỷ VND) ông Biden phê duyệt vào tháng 11, những chuyến thăm này là cách ít tốn kém hơn để Mỹ tái đảm bảo với người dân Đài Loan rằng những gì Mỹ nói là thật lòng.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những chuyến thăm cấp cao này gia tăng niềm tin của người dân vào mối quan hệ Mỹ-Đài,” ông Trần Phương Ngung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Đông Ngô ở Đài Bắc, nói.

Ông giải thích thêm rằng những chuyến thăm này khiến những người còn hoài nghi việc Mỹ có thực sự can thiệp nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công có thái độ thân thiện hơn với Washington.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã bị tiêm nhiễm bởi những thuyết âm mưu mà chủ yếu bắt nguồn từ phía bên kia eo biển Đài Loan.

Họ cho rằng Mỹ đang đẩy Đài Bắc vào con đường chiến tranh với Trung Quốc, y hệt như những gì mà những người theo thuyết âm mưu nói về Mỹ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ có những lý do riêng, không phải lúc nào cũng vô tư, để tới Đài Bắc.

‘Cuộc hành hương’ đến Đài Bắc ngày càng trở thành một cách cho những người cánh hữu đánh bóng hình ảnh chống Trung Quốc của họ trước cử tri Mỹ ở quê nhà, mặc dù phe cánh tả hiện cũng không kém nhiệt tình trong việc chứng minh lập trường cứng rắn của họ khi đề cập đến Bắc Kinh.

Tần suất tăng dần và việc công khai rầm rộ các chuyến thăm này cho thấy những thay đổi rõ rệt của mối quan hệ Mỹ-Trung.

"Trước năm 2016, mọi người nghĩ rằng các chuyến thăm nên kín kẽ," ông Trần Phương Ngung nói. "Họ muốn tránh chọc giận Trung Quốc. Nhưng giờ đây ngày càng nhiều người nhận ra rằng bất kể họ làm gì cũng vẫn sẽ chọc giận Trung Quốc."

Mối quan hệ giữa Đài Loan và Quốc hội Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài và sâu sắc.

Năm 1979, khi Tổng thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và công nhận Bắc Kinh, chính Quốc hội Hoa Kỳ đã buộc ông ký Đạo luật Quan hệ Đài Loan.

Chính đạo luật này là nền tảng cho mối quan hệ với Đài Bắc cho tới nay.

Đạo luật này cam kết rõ ràng rằng Hoa Kỳ phản đối mọi nỗ lực bằng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan và sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí để Đài Loan tự vệ trước Trung Quốc.

Những năm 1970, Đài Loan đang trong chế độ độc tài quân sự, còn đồng minh Mỹ là nền cộng hòa dân chủ.

Chiến tranh lạnh vẫn còn rất căng thẳng, và hòn đảo này được coi là một thành trì chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Hiện nay, dù việc chống cộng sản có thể vẫn đóng một vài trò nhỏ, sự đoàn kết với một nền dân chủ khác quan trọng hơn rất nhiều.

Đài Loan không còn là một vấn đề của Đảng Cộng hòa nữa.

Sau những sự kiện như chiến tranh thương mại của ông Trump, những tranh cãi về nguồn gốc của Covid và bóng bay gián điệp bị phát hiện ở Mỹ, sự ủng hộ dành cho Đài Loan nay đến từ cả hai đảng.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có những lợi ích quan trọng về an ninh quốc gia và kinh tế gắn liền với Đài Loan, cụ thể là ngành thương mại bán dẫn.

Tất cả những điều này có nghĩa rằng, không giống Ukraine, không có ai trong Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Đài Loan.

Nhưng câu hỏi vẫn còn đó. Liệu những chuyến thăm có thực sự lợi bất cập hại?

Khi bà Nancy Pelosi tới Đài Loan vào năm 2022, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách, lần đầu tiên, bắn tên lửa đạn đạo qua không phận hòn đảo, bao gồm cả thủ đô Đài Bắc.

Các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện sau đó cho thấy đa số người dân ở đây cho rằng chuyến thăm đã làm tổn hại đến an ninh của Đài Loan.

Hiện nay, những chuyên gia nghiên cứu Đài Loan thường xuyên trích dẫn câu châm ngôn cũ của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt: "Nói nhỏ nhẹ, và mang theo một cây gậy lớn.”

Ông J Michael Cole cho rằng đó chính xác là cách Mỹ và Đài Loan đang thực hiện.

Ông nói rằng các chuyến thăm của nghị sỹ Mỹ có thể chỉ mang tính biểu tượng, nhưng là hoạt động quảng bá tốt cho cả Đài Bắc và các thành viên quốc hội.

Trừ trường hợp ngoại lệ là chuyến thăm của bà Pelosi, những chuyến thăm này không nghiêm trọng tới mức khiến Bắc Kinh khó chịu.

Tuy nhiên, những chuyến thăm này thực sự có ý nghĩa gì đối với quan hệ Mỹ-Đài Loan, ông J Michael Cole đặt câu hỏi.

Xét cho cùng, "những khía cạnh thực sự quan trọng... chẳng hạn như việc tăng cường các đối thoại cấp cao về tình báo, quốc phòng, thì lại không được đưa tin."

"Đó là những hoạt động mang tính xây dựng," ông tiếp tục, "và Mỹ lại kiên quyết rằng chính phủ Đài Loan không nên công khai chúng."

Nguồn: VTV; Báo Tin Tức; VOA; Soha; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang