Mỹ: Mở rộng sản xuất chip; Giá khí đốt giảm sâu; Thách thức đối nội & đối ngoại với Biden; 'Quay xe' lệnh ngừng bắn ở Gaza

Mỹ đầu tư 1,5 tỷ USD mở rộng sản xuất chip

Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này có kế hoạch trao cho nhà sản xuất chip khổng lồ GlobalFoundries 1,5 tỷ USD tài trợ trực tiếp để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới và Bộ Thương mại đã ký một bản ghi nhớ sơ bộ về các điều khoản để cung cấp kinh phí "nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng nội địa của Mỹ, tăng cường khả năng cạnh tranh của nước này trong sản xuất chất bán dẫn thế hệ hiện tại và trưởng thành (C&M)" cho biết.

Thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ năng lực kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Khoản tài trợ trên, dự kiến sẽ được cung cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 của Mỹ, sẽ hướng tới việc xây dựng một cơ sở mới và nâng cấp các địa điểm sản xuất của GlobalFoundries ở New York và Vermont.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói: "Thỏa thuận sơ bộ với GlobalFoundries sẽ tài trợ khoảng 1,5 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong nước, củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ và tạo ra hàng nghìn việc làm được trả lương cao ngay tại Mỹ".

Chip rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho mọi thiết bị, từ điện thoại thông minh đến máy bay. Nhu cầu đối với chip cũng ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là xe điện, làm tăng thêm áp lực đẩy mạnh sản lượng.

Đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chip toàn cầu hiện do một số công ty dẫn dắt, bao gồm TSMC và NVIDIA.

Giá khí đốt giảm sâu vì mùa đông ấm kỷ lục ở Mỹ

Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 thập kỷ, trong bối cảnh mùa đông được cho là ấm kỷ lục ở nước này khiến nhu cầu khí đốt cho sưởi ấm giảm sút, đúng vào lúc sản lượng khí đốt của Mỹ tăng cao kỷ lục...

Những tháng mùa đông thường là khoảng thời gian nhu cầu sưởi ấm tăng lên cao nhất, nhưng nước Mỹ đang trên đà hoàn tất một mùa đông với mức lạnh thấp nhất kể từ năm 1950. Nhiệt độ mùa đông cao hơn bình thường khiến cho việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Trong khi đó, sản lượng khí đốt của Mỹ tăng mạnh, đạt kỷ lục 105 tỷ foot khối/ngày vào tháng 12/2023.

Cầu ít cung nhiều dẫn tới việc giá khí đốt ở Mỹ “rơi tự do”, giảm hơn 50% kể từ giữa tháng 1 đến nay.

Hôm thứ Sáu tuần trước, giá khí đốt giao tháng 3 ở Henry Hub - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt Mỹ - chốt phiên ở mức 1,61 USD/triệu BTU, tăng nhẹ từ mức 1,58 USD/triệu BTU vào hôm thứ Năm. Ngoại trừ một vài ngày vào giữa năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu khí đốt, đây là mức giá đóng cửa của hợp đồng khí đốt giao tháng kế tiếp thấp nhất kể từ năm 1995.

“Những gì đang diễn ra là rất bất thường. Tôi không muốn dùng từ ‘tàn phá’, nhưng kỳ vọng về nhu cầu khí đốt đang giảm mạnh”, chuyên gia Matt Rogers của công ty tư vấn Commodity Weather Group (CWG) nhận định với tờ Financial Times.

Biến đổi khí hậu đã dẫn tới những mùa đông ngày càng ấm trên thế giới. Dữ liệu công bố vào tháng 2 này cho thấy nhiệt độ bình quân toàn cầu trong kỳ 12 tháng đã lần tiên đã vượt quá ngưỡng chuẩn là cao hơn 1,5 độ C so với mức nhiệt của thời kỳ tiền công nghiệp. Sự gia tăng của nhiệt độ làm suy giảm nhu cầu nhiên liệu cho sưởi ấm, ngay cả khi sự dịch chuyển khỏi than đá làm gia tăng nhu cầu khí đốt trong phát điện.

Số ngày cần sưởi ấm - một thước đo về độ lạnh của thời tiết, dựa trên tần suất mà nhiệt độ giảm dưới một ngưỡng tham chiếu nhất định - đã giảm 7% trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.

Cơ quan Khí tượng học và Hải dương học Quốc gia Mỹ, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về xác định các xu hướng thời tiết, mới đây cảnh báo rằng mặt băng ở vùng Hồ Lớn đã giảm xuống mức thấp lịch sử tính ở thời điểm này hàng năm. Dựa trên dữ liệu sẵn có tính đến thời điểm này, các nhà phân tích dự báo mùa đông - kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 - này ở Mỹ sẽ là mùa đông ấm nhất kể từ khi các thiết bị theo dõi thời tiết đáng tin cậy được lắp đặt tại các sân bay nước này vào thập niên 1950. Các chuyên gia của công ty CWG ước tính mùa đông năm nay ấm hơn 3% so với kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2016 nếu dựa trên số ngày cần sưởi ấm.

Trái với sự suy giảm của nhu cầu sưởi ấm, sản lượng khí đốt của Mỹ - vốn đã tăng liên tục kể từ khi cuộc cách mạng đá phiến bắt đầu cách đây 15 năm - tiếp tục lập đỉnh cao mới. Công ty S&P Global Commodity Insights ước tính sản lượng khí đốt của Mỹ đạt kỷ lục ở mức hơn 105 tỷ foot khối/ngày vào tháng 12/2023. Sau đó, sản lượng khí đốt của nước này giảm trong tháng 1 trước khi quay trở lại ngưỡng khoảng 105 tỷ foot khối/ngày vào đầu tháng 2.

“Nguyên nhân là do thời tiết và mức sản lượng khí đốt kỷ lục”, Giám đốc nghiên cứu Luke Larsen của S&P nói về việc giá khí đốt giảm và cho rằng các nhà khai thác khí đốt sẽ sớm phải cắt giảm sản lượng.

“Tôi cho rằng sẽ có vấn đề từ góc độ sản lượng nếu mức sản lượng cứ duy trì thế này. Rất có khả năng sản lượng sẽ phải giảm”, ông Larsen nói.

Một số nhà sản xuất khí đốt gần đây đã phát tín hiệu giảm bớt kế hoạch khoan tìm do giá khí đốt giảm gây áp lực giảm biên lợi nhuận. Comstock Resources cho biết sẽ giảm số giàn khoan ở mỏ từ 7 xuống còn 5 và dừng trả cổ tức cho tới khi giá tăng trở lại. Antero Resources đã giảm số giàn khoan từ 3 còn 2 và cắt giảm ngân sách khoan tìm mỏ mới. EQT, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất Mỹ, cho biết đã sẵn sàng để giảm sản lượng trong năm nay nếu cần thiết, tuỳ theo diễn biến của giá.

Tình trạng dư thừa khí đốt đã đẩy lượng khí đốt tồn trữ ở Mỹ lên mức 2,54 nghìn tỷ foot khối ở thời điểm cách đây hơn 1 tuần, theo EIA. Mức tồn trữ này cao hơn 11% so với cách đây 1 năm và cao hơn 16% so với mức bình quân 5 năm.

Nhu cầu ảm đạm cũng khiến giá khí đốt giảm sút và lượng tồn trữ gia tăng tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Ở châu Âu, giá khí đốt TTF - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt khu vực - đã giảm 22% trong năm nay, còn khoảng 25 euro/megawatt giờ, tương đương 7,9 USD/triệu BTU - bằng chưa đầy 1/10 so với mức đỉnh trong cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa hè năm 2022.

Giá khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao tới khu vực Đông Bắc Á, theo dữ liệu từ công ty Argus, đã giảm 23% trong năm nay và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021.

Các nhà giao dịch dự báo mất cân đối cung-cầu khí đốt sẽ mất thời gian để khắc phục, nên thị trường quyền chọn phản ánh khả năng thấp giá khí đốt ở Mỹ có thể tăng trong ngắn hạn.

“Tôi cho rằng thị trường đã gạch bỏ hy vọng về bất kỳ một sự phục hồi bền vững nào của giá khí đốt trong năm nay. Thị trường đang tính đến khả năng giá khí đốt còn phải giảm một thời gian nữa để giải quyết tình trạng thừa cung”, trưởng nghiên cứu hàng hoá cơ bản của ngân hàng US Bank, ông Charlie Mcnamara, phát biểu.

Thách thức đối nội và đối ngoại với Tổng thống Biden khi cuộc bầu cử đến gần

Chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong cả chính sách đối nội và đối ngoại.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu TRT World Cagdas Yuksel, khi cuộc bầu cử vào tháng 11 đang đến gần, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải vật lộn với những thách thức ngày càng leo thang trên cả mặt trận trong nước và quốc tế. Cuộc khủng hoảng ở Texas, bắt nguồn từ các vấn đề nhập cư trái phép và an ninh biên giới, đã làm suy yếu đáng kể vị thế của ông Biden trên chính trường trong nước.

Đồng thời, các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã làm phức tạp thêm lập trường của Mỹ trong khu vực, dẫn đến sự chỉ trích nặng nề từ các nhóm đảng phái. Tất cả những thách thức này đặt ra câu hỏi về khả năng giành ưu thế của tổng thống Mỹ đương nhiệm trong cuộc bầu cử sắp tới.

Vấn đề di cư và an ninh biên giới

Sau khi Thống đốc Texas Greg Abbott công bố kế hoạch dựng hàng rào thép gai mới dọc biên giới bất chấp quyết định gần đây của Tòa án Tối cao, ông ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ 25 bang thuộc Đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo báo cáo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, trong năm tài chính 2023, tổng cộng hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ từ Mexico bằng các phương tiện trái phép. Con số này thể hiện mức tăng hơn 40% so với năm tài chính 2021 và cao hơn 4% so với năm tài chính 2022.

Sau những chỉ trích gay gắt và bê bối nhân đạo xung quanh chính sách nhập cư trái phép của chính quyền Trump, ông Biden tuyên bố mình là ứng cử viên sẽ khôi phục danh dự và sự tôn trọng với tổng thống bằng cách xây dựng một phần hệ thống nhập cư công bằng và nhân đạo.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Biden nhậm chức, chính sách nhập cư và an ninh biên giới của ông đã dẫn đến thêm 7,5 triệu người nhập cư trái phép trên toàn quốc. Đặc biệt dọc theo tuyến đường Ciudad Juarez – El Paso, một trong những tuyến đường được người nhập cư ưa thích nhất, việc di cư trái phép đến bang Texas đã gây ra lạm phát, khủng hoảng nhà ở và lo ngại về an ninh.

Theo báo cáo tháng 6/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 47% người Mỹ coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề nghiêm trọng ở nước này. Khả năng Đảng Cộng hòa coi nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề rất lớn của quốc gia cao hơn nhiều, ở mức 70%, so với Đảng Dân chủ, ở mức 25%.

Điều này đặt chính quyền Biden vào thế bất lợi về vấn đề nhập cư khi cuộc bầu cử đến gần đề dọa mối quan hệ luật pháp liên bang - tiểu bang và có khả năng củng cố cơ sở của Đảng Cộng hòa. Tác động của vấn đề này đã báo động Đảng Dân chủ và Tổng thống Biden buộc phải thỏa hiệp hơn, tuyên bố rằng ông sẵn sàng đóng cửa biên giới nếu Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng cấp cho ông quyền như vậy.

Những thách thức của Mỹ ở Trung Đông

Kể từ ngày 7/10, hơn 150 cuộc tấn công đã được tiến hành nhằm vào lính Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ quân sự ở Jordan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương. Tổng thống Biden cho rằng các cuộc tấn công là do lực lượng dân quân thân Iran và khẳng định: "Chúng tôi sẽ đáp trả vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi chọn". Tuyên bố này chỉ ra rằng một sự trả đũa có giới hạn được tiến hành nhưng các lực lượng dân quân thân Iran không bị đe dọa.

Bất chấp những nỗ lực ban đầu nhằm tập trung vào các đối thủ lớn như Nga và Trung Quốc, cuộc chiến của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza đã khiến Mỹ tái can dự vào Trung Đông. Trước đó chính quyền Biden tập trung vào việc kiềm chế đối thủ tiềm tàng là Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine và đang theo đuổi chiến lược tương tự để kiềm chế Trung Quốc. Những chính sách như vậy cho phép Mỹ duy trì ưu thế toàn cầu mà không cần tích cực tham gia chiến tranh.

Việc Mỹ tái can dự vào Trung Đông mang lại sự đảm bảo cho Israel. Đối với Nga, điều đó có nghĩa là chuyển sự chú ý và quan tâm của công chúng Mỹ ra khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Căng thẳng ở Trung Đông có thể sẽ kéo dài đến tận cuộc bầu cử, làm giảm cơ hội của chính quyền Biden, vốn thường được phe Cộng hòa tận dụng mô tả là "yếu đuối".

Trong khi đó, việc chính quyền Biden ủng hộ Israel trong vụ kiện diễn ra tại Tòa án Công lý Quốc tế đặt ra một vấn đề nan giải, khi nhiều người trẻ không tán thành cách ông xử lý tình hình ở Gaza. Theo một cuộc thăm dò của New York Times/Siena College, khoảng 3/4 số người từ 18 đến 29 tuổi bày tỏ sự không đồng tình với cách Tổng thống Biden xử lý cuộc tấn công dữ dội của Israel vào Gaza.

Chính quyền Biden đang điều hướng một bối cảnh phức tạp về các vấn đề nhập cư trong nước và các thách thức chính sách đối ngoại ở Trung Đông, với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng này. Các chiến lược của Nhà Trắng, đặc biệt là thu hút cử tri trẻ tuổi và quản lý căng thẳng địa chính trị, sẽ rất quan trọng trong việc định hình triển vọng tái cử và định hướng chính sách.

Mỹ "quay xe" về lệnh ngừng bắn ở Gaza

Mỹ được cho là ngừng phản đối lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza và đã đề xuất nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel hủy bỏ cuộc tấn công vào thành phố Rafah mà họ cho là pháo đài cuối cùng của Hamas.

Dự thảo nghị quyết cho biết, kế hoạch tấn công Rafah sẽ gây tổn hại cho dân thường, khiến nhiều cư dân Gaza phải dời bỏ nơi ở, và có khả năng đẩy nhiều người chạy sang Ai Cập, Reuters đưa tin dựa trên bản thảo họ được xem.

Chiến dịch nhắm vào Rafah của Israel "sẽ có tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực", theo dự thảo. Vì thế, dự thảo nhấn mạnh rằng cuộc tấn công trên bộ với quy mô lớn như vậy "không được tiến hành trong hoàn cảnh hiện tại".

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc trước đây từng phản đối yêu cầu ngừng bắn trong cuộc chiến Hamas - Israel và đã 2 lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 10/2023.

Đề xuất mới của phái đoàn Mỹ được đưa ra nhằm đáp lại dự thảo nghị quyết khác của phái đoàn Algeria yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, nghị quyết của Algeria có thể gây tổn hại đến "các cuộc đàm phán nhạy cảm" về việc tạm dừng giao tranh.

Bà Thomas-Greenfield ngày 19/2 cảnh báo, Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết của Algeria nếu nó được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an hôm 20/2.

Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 1,4 triệu người Gaza đang sống chen chúc tại Rafah, thành phố ở cực nam của Dải Gaza, sau khi họ mất nhà cửa do các cuộc oanh tạc của Israel. Trước khi Israel mở chiến dịch tại Gaza, Rafah có dân số khoảng 280.000 người.

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng chiến dịch Rafah theo như kế hoạch của Israel sẽ gây ra "hậu quả nhân đạo nghiêm trọng". Hàng chục quốc gia châu Âu đã đưa ra cảnh báo tương tự vào ngày 19/2, theo sau các nước như Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Australia, Canada và New Zealand.

Trong khi công khai ủng hộ và cung cấp vũ khí cho Israel, ông Biden được cho là đã mâu thuẫn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nơi hậu trường.

Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu vào tuần trước, ông Biden đã "nhắc lại quan điểm của mình rằng không được tiến hành chiến dịch quân sự nếu không có kế hoạch đáng tin cậy và khả thi để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho dân thường ở Rafah".

Reuters cho biết, nghị quyết của Liên Hợp Quốc do chính quyền ông Biden đề xuất cũng sẽ lên án mọi nỗ lực nhằm thu hẹp vùng lãnh thổ Gaza hoặc cho phép người định cư Israel vào vùng đất này.

Nguồn: VTV; VnEconomy; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang