Mỹ: Nợ quốc gia tăng 1.000 tỷ đô; Công ty chạy khỏi TQ; Đế chế Trump lung lay; Điểm nóng biên giới; Thả thực phẩm cứu trợ Gaza

Nợ quốc gia Mỹ tăng 1 nghìn tỷ USD sau mỗi 100 ngày

Nợ quốc gia Mỹ đã gia tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây với tốc độ 1 nghìn tỷ USD sau mỗi 100 ngày.

Nợ quốc gia Mỹ đã lên tới 34.400 tỷ USD ngày 28/2 vừa qua sau khi đạt mốc 34.000 tỷ ngày 04/01, 33.000 tỷ USD ngày 15/09 và 32.000 tỷ USD ngày 15/6. Nợ quốc gia của nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 1.000 tỷ USD sau mỗi 100 ngày trong thời gian tới.

Tốc độ gia tăng nợ quốc gia của Mỹ đã khiến các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư khá quan ngại đồng thời cho rằng chính phủ Mỹ cần có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả nhằm cắt giảm chi tiêu chính phủ và củng cố nguồn thu.

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cuối năm ngoái đã hạ bậc triển vọng tín dụng của chính phủ Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, với lý do thâm hụt tài khóa lớn và chi phí trả nợ tăng vọt cũng như sự phân cực chính trị sâu sắc do cuộc đối đầu không khoan nhượng của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về các dự luật ngân sách.

Vì sao loạt công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ tháo chạy khỏi Trung Quốc?

Các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ từng coi Trung Quốc là đích đến để chinh phục giờ đang bắt đầu rút dần các hoạt động kinh doanh.

DCM Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Mỹ), đã bắt đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc từ năm 1999 và thu được lợi nhuận cực khủng. Theo đó, vào năm 2021, DCM cho biết họ có kế hoạch “tăng gấp đôi” chiến lược đầu tư vào Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2023, khi DCM bắt đầu huy động vốn cho một quỹ tập trung vào các công ty mới và quảng bá chuyên môn “xuyên Thái Bình Dương” của mình, họ chỉ cung cấp kế hoạch đầu tư vào Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc không được đề cập trong kế hoạch này.

Động thái của DCM là ví dụ điển hình cho thấy sự thay đổi toàn ngành giữa các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon và các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ - Trung

Các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ từng coi Trung Quốc là một điểm đến mới để chinh phục, giờ đây lại đang rút dần hoạt động đầu tư. Trong đó, một số công ty đã tách biệt hoạt động giữa các công ty Trung Quốc với hoạt động kinh doanh tại Mỹ, một số khác đã từ chối đầu tư thêm.

Xu hướng này bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đối đầu về địa chính trị, kinh tế và công nghệ. Hai quốc gia đã vướng vào một cuộc chiến thương mại, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao có phần “nguội lạnh”. Theo đó, cả Mỹ và Trung Quốc đã ban hành các biện pháp trừng phạt theo hướng “ăn miếng trả miếng”. Cụ thể, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc và xem xét kỹ lưỡng các nguồn vốn đầu tư trước đây trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Giải thích về cách các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, ông Tomasz Tunguz, công ty Theory Ventures, cho biết: “Đó là một mối quan hệ hợp tác cực kỳ hiệu quả trong một thời gian dài. Giờ đây hầu hết các nhà đầu tư đang tìm nơi để chi trả nguồn tiền đó vì thị trường đó thực tế đã đóng cửa”.

Người phát ngôn của DCM cho biết chiến lược của họ không thay đổi và các khoản đầu tư vào Trung Quốc luôn là “phần nhỏ hơn” trong quỹ tập trung vào các công ty mới thành lập. Bà nói thêm rằng công ty đang bám sát các quy định của Mỹ về việc tuân thủ Trung Quốc.

Tại Washington, các hành động nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc đã tăng lên. Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh hành pháp vào năm 2023 nhằm hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn.

Trong tháng 2/2024, báo cáo điều tra của Ủy ban Quốc hội Mỹ lên án gay gắt 5 công ty liên doanh của Mỹ vì các khoản đầu tư của họ vào các công ty Trung Quốc. Ủy ban không cáo buộc các công ty vi phạm luật nhưng kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật hạn chế hơn nữa các khoản đầu tư như vậy.

Các công ty liên doanh của Mỹ có những điều chỉnh sau động thái trên của chính quyền. Năm 2023, Sequoia Capital, một trong những công ty nổi bật nhất ở Thung lũng Silicon đầu tư vào Trung Quốc từ năm 2005, đã tách các hoạt động tài chính ở Trung Quốc, thành lập một công ty con có tên HongShan. Các công ty từng chia sẻ lợi nhuận và chung hoạt động nhưng giờ lại vận hành một cách riêng biệt.

Trong khi đó, vào tháng 9/2023, GGV Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm khác có lịch sử đầu tư lâu dài vào Trung Quốc, cũng có kế hoạch tách biệt hoạt động tại Mỹ và châu Á. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm cách bán bớt cổ phần tại 2 công ty con đầu tư vào Trung Quốc.

Lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng

Theo PitchBook , nền tảng chuyên theo dõi các công ty khởi nghiệp, các thỏa thuận dành cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc từ các nhà đầu tư Mỹ đã giảm 88% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, từ tổng số vốn 47 tỷ USD xuống còn 5,6 tỷ USD.

Đây là bước lùi đáng kể đối với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, vốn đã trải qua thập kỷ qua để chuyển đổi từ một ngành công nghiệp nhỏ thành một thế lực toàn cầu. Trung Quốc là một phần quan trọng trong quá trình mở rộng đó, với các công ty bao gồm Lightspeed Venture Partners, Redpoint Ventures và Matrix Partners đang gia nhập thị trường này.

Matt Turpin, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia và là thành viên thỉnh giảng tại Viện Hoover, cho biết, các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon “đã đặt cược rất nhiều vào việc Mỹ và Trung Quốc đang hội tụ”.

Một số nhà quan sát Trung Quốc theo dõi sự thay đổi trong quan điểm chống lại các khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc kể từ năm 2016, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ vào thời điểm đó - Penny Pritzker, đưa ra cảnh báo về sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc trong ngành bán dẫn.

John Chambers, giám đốc điều hành nền tảng mạng Cisco, nói rằng ông đã thấy chính phủ Trung Quốc can thiệp mạnh mẽ vào các doanh nghiệp đa quốc gia vào thời điểm ông từ chức năm 2015. Hiện là một nhà đầu tư khởi nghiệp, ông đã chọn không đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc và khuyến khích 20 công ty trong danh mục đầu tư của mình không thực hiện hoạt động kinh doanh ở đó.

“Bạn có thể thấy những mối lo ngại về an ninh và vấn đề giữa các chính phủ”, ông Chambers giải thích.

Khó khăn khi đầu tư vào Trung Quốc càng gia tăng vào năm 2020 khi cựu Tổng thống Donald Trump cố gắng cấm TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc ByteDance. Hai trong số các nhà đầu tư Mỹ vào ByteDance, Sequoia và General Atlantic, đã vận động các thành viên trong chính quyền ông Trump để TikTok có thể hoạt động tại Mỹ.

Năm ngoái, Uỷ ban Quốc hội Mỹ đã bắt đầu điều tra các khoản đầu tư vào Trung Quốc của Sequoia, GGV và ba công ty đầu tư mạo hiểm khác bao gồm GSR Ventures, Qualcomm Ventures và Walden International. Theo kết luận của Uỷ ban, các công ty đã đầu tư 3 tỷ USD vào lĩnh công nghệ công nghệ nhằm giúp đỡ quân đội và nhà nước Trung Quốc.

Báo cáo của ủy ban cho biết các công ty đã cung cấp sự hỗ trợ theo nhiều cách, bao gồm giúp các công ty Trung Quốc vươn ra toàn cầu và tuyển dụng nhân tài, cung cấp chuyên môn quản lý và hoạt động cố vấn cũng như nền tảng uy tín.

Phản hồi báo cáo trên, Sequoia và GGV thông báo tách hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và thoái vốn trong khu vực. Đồng thời khẳng định họ hoàn toàn tuân thủ luật pháp. Trong đó, GGV cho biết họ đang cố gắng bán cổ phần của mình tại Megvii. Qualcomm nói rằng các khoản đầu tư vào quỹ đầu tư mạo hiểm của họ chưa đến 2% số tiền được thảo luận trong báo cáo. Trong khi Walden International và GSR Ventures chưa đưa ra bình luận.

Khó khăn khi tách khỏi Trung Quốc

Việc một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm tách khỏi một thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, rất phức tạp. Có công ty đầu tư từ các quỹ kéo dài trong 10 năm. Một số công ty, bao gồm cả Sequoia, thậm chí còn nắm giữ khoản đầu tư lâu hơn. Việc bán cổ phần trong các công ty con có thể khó khăn vì các công ty này thuộc sở hữu tư nhân. Một số nhà đầu tư cho biết Bắc Kinh đã gây áp lực buộc họ không được bán cổ phần của các công ty Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh tuyển dụng các công ty cho mục đích riêng của mình, chẳng hạn như hỗ trợ giám sát và hiện đại hóa quân đội, cũng mang đến nhiều thách thức hơn.

Đại diện Krishnamoorthi cho biết: “Đây không phải là các công ty thuộc khu vực tư nhân theo nghĩa truyền thống của từ này. Đó chỉ là một loại thực thể hoàn toàn khác so với những gì chúng ta từng thấy trước đây”.

‘Đế chế’ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước nguy cơ sụp đổ?

Nhà phân tích pháp lý Glenn Kirschner dự báo 'đế chế' của cựu Tổng thống Trump trên bờ vực sụp đổ theo sau các án phạt gần đây.

Án phạt chồng chất ở New York

Giữa tháng 2, thẩm phán Arthur Engoron của thành phố New York (bang New York, Mỹ) ra phán quyết yêu cầu ông Trump phải nộp phạt 355 triệu USD vì tội thổi phồng giá trị bất động sản để hưởng lợi thế trong các hợp đồng đi vay và bảo hiểm.

Cộng gộp thêm lãi suất, số tiền mà ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, các con và những người liên quan phải nộp phạt là hơn 464,5 triệu USD, theo Reuters. Sau mỗi ngày, lãi suất được cộng thêm hơn 114.000 USD.

Trước đó, ngày 26.1, một bồi thẩm đoàn khác ở thành phố New York yêu cầu ông Trump phải bồi thường 83,3 triệu USD cho cựu nhà báo E. Jean Carroll vì tội đưa ra những phát biểu phỉ báng bà này khi ông làm Tổng thống Mỹ năm 2019.

Năm ngoái, tại một phiên tòa khác, ông Trump phải bồi thường 5 triệu USD cho bà Carroll vì tội lạm dụng tình dục và phỉ báng. Ông Trump khẳng định mình vô tội và tiến hành xin phúc thẩm.

Câu hỏi về năng lực chi trả

Trong lúc cựu Tổng thống Trump đối mặt án phạt liên tiếp ở bang New York, một câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump có đủ năng lực chi trả nếu kháng cáo thất bại hay không.

Xuất hiện trong video clip trên YouTube video bên cạnh nhà bình luận chính trị Brian Tyler Cohen hôm 24.2, luật sư Kirschner, nhà phân tích pháp lý của Đài NBC News/MSNBC, dự báo "đế chế tài chính" của cựu chủ nhân Nhà Trắng đang đối mặt nguy cơ sụp đổ sau phán quyết mới nhất từ thẩm phán Engoron.

"Đế chế pháp lý của ông Donald Trump chuẩn bị sụp đổ và cháy trụi", theo luật sư Kirschner.

Ông Kirschner, cựu công tố viên liên bang, cho hay ông Trump có vỏn vẹn 30 ngày tính từ hôm có phán quyết là 16.2 để nộp phạt, hoặc phải nộp phí bảo lãnh kháng cáo trong trường hợp muốn lật lại bản án.

Giá trị tài sản ròng của gia đình ông Trump hiện không được công khai, nhưng đa số liên quan đến bất động sản. Chỉ số Tỉ phú Bloomberg ước tính tài sản thanh khoản của ông vào khoảng 600 triệu USD và giá trị tài sản ròng 3,1 tỉ USD.

Đó là lý do một số nhà phân tích cho rằng cựu Tổng thống Mỹ phải bán bất động sản trong trường hợp phải thi hành án.

Ông Trump kháng cáo

Hôm 26.2, luật sư đại diện ông Trump đã nộp đơn kháng cáo đối với phán quyết của thẩm phán Engoron liên quan tổng số tiền phải nộp phạt là hơn 464 triệu USD.

Tòa phúc thẩm có thể tạm hoãn thi hành án phạt đối với ông Trump trong quá trình thụ lý.

Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, người kiện ông Trump ra tòa, cho biết sẽ đề nghị thẩm phán tịch thu tài sản nếu ông từ chối chi trả.

Một trong các tài sản nổi tiếng nhất là Tòa tháp Trump, tòa nhà chọc trời trên Đại lộ số 5 của thành phố New York. Hiện vẫn chưa rõ giá trị chính xác của Tòa tháp Trump, cao 68 tầng.

Tạp chí Newsweek dẫn lời giáo sư Mark Shanahan của Đại học Surrey (Anh) cho rằng trong trường hợp xấu nhất, ông Trump nhiều khả năng sẽ bán các sân golf và những bất động sản không ở phạm vi New York.

Điểm nóng biên giới trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ

Trong chuyến công du cùng lúc đến biên giới Mỹ – Mexico ngày 29.2 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Trump đã tranh cãi về khủng hoảng dân nhập cư, một trong những đề tài nóng nhất trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

Điểm nóng nhập cư

Ngay sau khi cựu Tổng thống Trump gọi số lượng người vượt biên từ Mexico qua Mỹ ở mức kỷ lục là lỗi của ông Biden, đương kim chủ nhân Nhà Trắng đề nghị đối thủ dừng ngay “trò chơi chính trị”, mà thay vào đó hãy đưa ra những đề xuất cải cách hiệu quả hơn.

“Ông Joe Biden phải chịu trách nhiệm cho sự xâm nhập này (của di dân)”, AFP hôm qua dẫn lời ông Trump phát biểu tại TP.Eagle Pass (bang Texas) bên cạnh thống đốc bang này là ông Greg Abbott.

Trong khi đó, phát biểu sau ông Trump, Tổng thống Biden tại TP.Brownsville (Texas) đã gửi thông điệp đến đối thủ: “Thay vì chơi trò chính trị về vấn đề này, hãy yêu cầu những thành viên (đảng Cộng hòa) tại quốc hội phản đối dự luật biên giới đứng về phía tôi”.

Chỉ tính riêng năm 2023, hơn 2,4 triệu di dân, chủ yếu từ khu vực Trung Mỹ và Venezuela, đã vượt qua biên giới Mexico vào Mỹ. Đối với ông Trump, quan điểm chống nhập cư luôn đóng vai trò trọng tâm trong nghị trình chính trị từ 2017 – 2021, thời điểm ông là tổng thống Mỹ. Và ông tuyên bố sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ nếu đắc cử tổng thống năm nay.

Tình trạng di dân ở biên giới phía nam cũng là điểm yếu trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden. Kết quả cuộc khảo sát do Đài NBC thực hiện cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden đến 30 điểm về vấn đề nhập cư.

Ông Trump đối mặt nhiều thách thức pháp lý

Sau cuộc tranh cãi với Tổng thống Biden ở biên giới với Mexico, ông Trump tiếp tục ứng phó thách thức pháp lý ở những phiên tòa khác nhau. Hôm qua (giờ VN), Công tố viên đặc biệt Jack Smith nộp kiến nghị lên tòa án ở Florida, yêu cầu thẩm phán Aileen Cannon tiến hành xử án vào ngày 8.7 trong vụ cựu tổng thống giấu các tài liệu mật tại nhà riêng sau khi rời Nhà Trắng.

Trong khi đó, luật sư biện hộ đề nghị thẩm phán dời ngày xử đến 12.8 đối với ông Trump và đồng phạm là trợ lý chính trị Walt Nauta, và đến ngày 9.9 đối với đồng phạm còn lại là ông Carlos De Oliveira. Dù vậy, đoàn luật sư đại diện ông Trump cho rằng cựu lãnh đạo Mỹ phải đối mặt với một phiên tòa bất công, vì được tổ chức trong lúc ông đang bận rộn tranh cử vào Nhà Trắng.

Đồng thời, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nộp đơn kháng cáo sau khi thẩm phán Tracie Porter của hạt Cook (bang Illinois) ra lệnh cho Ủy ban Bầu cử Illinois xóa tên ứng viên đảng Cộng hòa khỏi lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này vào ngày 19.3, theo CBS News. Thẩm phán Porter đã truy cứu trách nhiệm của ông trong cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6.1.2021 để đưa ra quyết định trên.

Về cáo buộc ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, Tòa án Tối cao của Mỹ được cho sẽ mất nhiều thời gian để hoàn tất các quy trình tố tụng trước khi có kết luận chính thức về khả năng ông Trump được hưởng quyền miễn truy tố hình sự hay không. Luật sư đại diện ông Trump cho rằng thân chủ được hưởng quyền đó do các hành vi của ông được thực hiện trong lúc còn là tổng thống Mỹ.

Reuters dẫn lời một số chuyên gia pháp lý phân tích rằng các thẩm phán của Tòa án Tối cao cần phải ra phán quyết vào ngày 1.6 nếu muốn đủ thời gian xúc tiến vụ xử án để kết thúc trước ngày dân Mỹ đi bầu 5.11.

Chính phủ Mỹ tạm thời được “giải cứu”

Hôm qua (giờ VN), Quốc hội Mỹ đã chuyển dự luật ngân sách ngắn hạn cho Tổng thống Joe Biden, tạm thời đẩy lùi nguy cơ đóng cửa chính phủ nước này vào ngày 1.3. Theo Đài NBC News, thượng viện thông qua biện pháp tạm thời, gọi là CR, với tỷ lệ 77 phiếu thuận, 13 phiếu chống. Trước đó trong ngày, dự luật đã qua ải hạ viện với tỷ lệ 320-99. Đối mặt nguy cơ chính phủ đóng cửa ngày 1.3, Tổng thống Biden ký CR thành luật vào trước thời hạn này. Dù vậy, CR chỉ cấp thêm ngân sách thêm 1 tuần cho 6 bộ gồm Nông nghiệp, Thương mại, Năng lượng, Nội vụ, Tư pháp, Giao thông và Cựu chiến binh. Điều này có nghĩa là đến ngày 8.3, Quốc hội Mỹ phải thông qua tiếp dự luật mới cho phép các bộ này có ngân sách hoạt động. Trong khi đó, phần còn lại của chính phủ sẽ hết ngân sách vào ngày 22.3.

Tổng thống Biden: Quân đội Mỹ sẽ thả thực phẩm cứu trợ xuống Gaza

Hôm 1/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố kế hoạch điều quân đội Mỹ dùng máy bay thả thực phẩm cứu trợ xuống Gaza.

Ông Biden cho biết đợt thả hàng cứu trợ của Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong những ngày tới nhưng không cho biết thêm thông tin cụ thể nào. Các quốc gia khác, bao gồm Jordan và Pháp, đã thả hàng cứu trợ xuống Gaza.

“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và Hoa Kỳ sẽ làm nhiều hơn nữa,” ông Biden nói với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng “lượng hàng cứu trợ đưa vào Gaza không thấm thía vào đâu cả”.

Tại Nhà Trắng, người phát ngôn John Kirby nhấn mạnh rằng các đợt thả hàng cứu trợ sẽ trở thành “một nỗ lực bền vững”. Ông nói thêm rằng đợt thả đầu tiên có thể sẽ là “thức ăn sẵn”.

Ông Kirby nói: “Việc này sẽ không thể một lần rồi chấm dứt”.

Ông Biden nói với các phóng viên rằng Mỹ cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để có thể đưa một lượng lớn hàng cứu trợ vào Gaza.

Các quan chức cho biết các đợt thả hàng cứu trợ có thể bắt đầu sớm nhất là vào cuối tuần này.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza - một phần tư dân số của vùng đất này –đang sắp chết đói.

Với việc mọi người phải ăn thức ăn dành cho gia súc và thậm chí cả xương rồng để sống sót, và các bác sĩ cho biết trẻ em đang chết trong bệnh viện do suy dinh dưỡng và mất nước, LHQ cho biết họ phải đối mặt với “những trở ngại quá lớn” trong việc viện trợ.

Tuy nhiên, vẫn có những nghi vấn về tính hiệu quả của việc thả hàng viện trợ vào Gaza.

Một quan chức Mỹ không nêu tên cho biết các đợt thả dù hàng cứu trợ chẳng giúp ích được bao nhiêu.

“Nó không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ”, quan chức này nói và nói thêm rằng cuối cùng chỉ có việc mở cửa biên giới trên đất liền mới có thể giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc.

Quan chức này nói thêm, một vấn đề khác là Mỹ không thể đảm bảo rằng hàng cứu trợ này sẽ không rơi vào tay Hamas, vì Mỹ không có quân đội ở đó.

Tại Nhà Trắng, ông Kirby thừa nhận rằng việc thả dù hàng cứu trợ xuống Gaza là “cực kỳ khó khăn” vì dân số đông đúc và xung đột đang diễn ra.

Hoa Kỳ trong nhiều tháng đã kêu gọi Israel cho phép thêm viện trợ vào Gaza, điều mà Israel đã phản đối.

Ông Kirby lưu ý rằng Israel đã cố gắng thả hàng tiếp tế vào Gaza và nước này ủng hộ thả dù hàng viện trợ của Mỹ.

Một quan chức Israel ở Washington cho biết: “Chúng tôi đã biết về đợt thả dù cứu trợ nhân đạo”.

Quan chức này, phát biểu với điều kiện không nêu tên, không trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ có cần thỏa thuận trước với Israel về việc thả hàng tiếp tế hay đang phối hợp nỗ lực với Israel.

Nguồn: Soha; CafeF; Thanh Niên; Việt Nam; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang