Mỹ: 'Bão' di cư; Lục quân cắt giảm lực lượng; Sắc lệnh bảo vệ dữ liệu; Illinois cấm Trump tranh cử; Tham vọng lớn ngành chip

“Bão” di cư xáo trộn nước Mỹ trước thềm bầu cử

Hàng triệu người di cư ùn ùn kéo đến biên giới phía Nam nước Mỹ trong năm qua thách thức chính sách của Tổng thống Joe Biden, đồng thời kéo theo những biện pháp ứng phó thiếu thống nhất giữa chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang, vốn có thể tác động đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ.

Texas “đấu” Nhà Trắng

Ngày 16/2, trong động thái được mô tả là nhằm quyết tâm ngăn chặn dòng người di cư trái phép từ Mexico tràn qua, Thống đốc Texas Greg Abbott, một thành viên đảng Cộng hòa, tuyên bố chính quyền bang của ông sẽ xây dựng một căn cứ quân sự để củng cố lực lượng Vệ binh Quốc gia ở khu vực biên giới. Căn cứ mới rộng khoảng 32 ha, nằm dọc bờ sông Rio Grande ở thành phố biên giới Eagle Pass, sức chứa 1.800 binh sĩ và có thể nâng lên 2.300 người trong tương lai.

Việc xây dựng một căn cứ như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn để các binh sĩ làm việc, đồng nghĩa với việc Texas sẽ duy trì lực lượng vệ binh ở biên giới một cách lâu dài nhằm ngăn dòng người di cư tràn qua khu vực Eagle Pass, điểm nóng nhất dọc đường biên giới dài 2.000 km giữa Texas và Mexico. “Căn cứ cho phép giới chức Texas tập trung một đội quân lớn tại khu vực chiến lược và tăng tính linh động của lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas trong ứng phó với người nhập cư trái phép”, ông Abbott nêu rõ.

Texas trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi xung quanh biên giới Mỹ - Mexico suốt một năm rưỡi qua khi ông Abbott và quan chức một loạt tiểu bang, chủ yếu là các thành viên đảng Cộng hòa, quyết định tự mình xử lý cuộc khủng hoảng di cư vì cho rằng chính quyền liên bang của Tổng thống Joe Biden không hành động đủ mạnh. Ông Abbott cùng các thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích việc Tổng thống Biden vô hiệu hóa những chính sách hạn chế nhập cư mà người tiền nhiệm Donald Trump triển khai. Ông cho rằng, Washington cũng không quyết liệt với các băng đảng ma túy, được cho là đang kiểm soát khu vực biên giới Mexico gần Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Joe Biden khẳng định Hiến pháp Mỹ quy định các chính sách chung về vấn đề nhập cư phải do chính quyền liên bang ban hành. Việc ông Abbott quyết tâm xây dựng căn cứ mới ở biên giới Mexico rõ ràng cho thấy Texas không có ý định lùi bước trong cuộc đấu pháp lý với chính quyền liên bang.

Theo New York Times, ông Abbott từ nhiều tháng qua cho dựng 160 km hàng rào thép gai dọc sông Rio Grande để ngăn người di cư bơi qua sông vào Mỹ. Việc dựng hàng rào đã có hiệu quả khi bằng biện pháp dồn dòng người nhập cư vào các cửa khẩu được kiểm soát, từ đó khiến việc trục xuất dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không ít người di cư đã gặp thương tích khi cố gắng vượt hàng rào, kéo theo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Tổng thống Joe Biden sau nhiều lần thuyết phục chính quyền Texas từ bỏ kế hoạch dựng hàng rào đã ra lệnh cho lực lượng tuần tra biên giới tiến hành phá bỏ một số đoạn rào ở dọc sông Rio Grande vào tháng 10/2023. Texas phản đối hành động trên.

Sau đó, chính quyền liên bang kiện Texas lên Tòa án Tối cao Mỹ với lập luận rằng hàng rào thép gai tại Texas cản trở các hoạt động của lực lượng tuần tra biên giới, ngăn họ tiếp cận sông Rio Grande ở một số khu vực. Tòa án Tối cao Mỹ đã tạm thời cho phép lực lượng biên phòng liên bang cắt dây thép gai, nhưng Texas vẫn tiếp tục lắp đặt hàng rào trong lúc chờ phán quyết cuối cùng.

Texas gần đây còn thông qua đạo luật coi vượt biên trái phép là tội cấp bang, trao thêm quyền lực cho cảnh sát và tòa án bang xử lý người vượt biên trái phép. Đạo luật, có hiệu lực từ tháng 3/2024 nhưng tiếp tục bị Tổng thống Biden đệ đơn kiện.

Dù mô tả chiến dịch ngăn dòng người di cư trái phép là “ngôi sao cô đơn”, Texas không đơn độc trong nỗ lực đối đầu chính quyền Tổng thống Biden. Cuối tháng 1/2024, các thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa tại 25 tiểu bang của Mỹ đã ký tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ Thống đốc Texas Abbott và “quyền tự vệ theo hiến pháp” của bang này trong việc xây dựng hàng rào thép bảo vệ biên giới.

Bầu cử Mỹ có nguy cơ bị tác động?

Vấn đề nhập cư luôn là đề tài gây tranh cãi trên chính trường Mỹ và có tác động đến các cuộc bầu cử. Theo New York Times, vào những ngày đầu tiên nhậm chức cách đây hơn 3 năm, Tổng thống Biden đã lập tức bãi bỏ phần lớn các chính sách cứng rắn với người di cư ở biên giới Mexico mà người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt. Ông Biden tin rằng, chính quyền của mình có thể đồng thời thể hiện lòng nhân ái với những người mong muốn đến với nước Mỹ, vừa bảo vệ hiệu quả biên giới phía Nam.

Tuy nhiên, tình thế không như ông mong đợi khi số người di cư tràn qua biên giới tăng chóng mặt, hệ thống tiếp nhận tị nạn của Mỹ “vỡ trận”. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP), trong năm 2023 đã có khoảng 3,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (New York Times đưa tin, 2,5 triệu người di chuyển bằng tuyến đường biên giới Mỹ-Mexico), tăng từ 2,7 triệu của năm 2022, 1,6 triệu của năm 2021 và hơn 400.000 năm 2020, thời điểm trước khi ông Biden nhậm chức.

Số người nhập cư nhiều hơn có nghĩa là hệ thống an sinh xã hội tại Mỹ chịu nhiều áp lực hơn; tình hình an ninh đối mặt nhiều nguy cơ hơn và số người Mỹ thiếu việc làm trong tương lai có thể gia tăng. Cần lưu ý rằng, sau khi vào Mỹ, người nhập cư sẽ di chuyển tới các bang có chính sách dễ chịu ngay khi thời cơ đến. Để gây sức ép lên phe Dân chủ, từ năm 2022, Thống đốc Texas Abbott đã cho xe khách chở người di cư tới thành phố New York và những thành phố khác do đảng Dân chủ điều hành. Tại Denver, hơn 36.000 người di cư đã đổ bộ chỉ trong vài tháng qua, trong đó 4.100 người đang lưu trú tại các cơ sở do chính quyền bang vận hành, gây ra tình trạng quá tải. Ở Boston, người di cư thậm chí cắm trại tại sân bay, kéo theo khung cảnh hỗn loạn.

Ở New York, khoảng 164.500 người di cư đã đổ về từ tháng 4/2022, trong đó nhiều người vẫn sinh sống trong 215 khách sạn, tòa nhà văn phòng hoặc lều trại mà chính quyền bang dựng lên để phục vụ họ. Theo New York Times, quyền được cư trú của người nhập cư được đảm bảo trong luật pháp New York và thành phố đã phải chi 3,6 tỉ USD trong năm tài chính 2023 nhằm chăm sóc những “vị khách không mời”. Không chỉ New York, các thị trưởng của đảng Dân chủ ở Chicago, Denver, Houston và cả Los Angeles cuối cùng phải xin sự trợ giúp của chính quyền liên bang để ứng phó.

Những biến động nêu trên đã làm đảo lộn chính sách nhập cư của Tổng thống Biden, buộc ông phải thay đổi cách tiếp cận. New York Times đánh giá, ông Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ thậm chí có thể sẽ chấp nhận những nhượng bộ về vấn đề nhập cư trong các cuộc đàm phán với phe Cộng hòa, điều mà họ loại trừ hoàn toàn trong những tháng đầu nhiệm kỳ. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng biên giới phía Nam nước Mỹ không an toàn trong bối cảnh lượng người di cư tăng kỷ lục, đồng thời kêu gọi “thay đổi chính sách quan trọng” với hệ thống tị nạn và các cơ quan hành pháp để kiểm soát biên giới. Ông thậm chí ngỏ ý sẵn sàng “đóng cửa biên giới” với người di cư nếu lưỡng viện quốc hội thông qua dự luật ngân sách, vốn bao gồm một loạt yêu cầu cải cách do phía đảng Cộng hòa đưa ra.

Tuy nhiên, từ cách mô tả của phía đảng Cộng hòa, việc chính quyền của Tổng thống Biden phải điều chỉnh chính sách cho thấy cách tiếp cận ban đầu là sai lầm. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống quan trọng diễn ra trong năm 2024, rất khó để các thành viên đảng Cộng hòa chấp thuận bất cứ yêu cầu nào của đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán, ngay cả khi phía đảng Dân chủ đã nhượng bộ.

Theo một cuộc thăm dò do Harvard CAPS-Harris thực hiện, được công bố cuối tháng 1/2024, vấn đề nhập cư hiện được quan tâm cao hơn tình trạng lạm phát, trong đó, 35% số người Mỹ được hỏi đánh giá chính sách nhập cư là mối quan tâm số 1, cao hơn 32% số người lo ngại về lạm phát tại Mỹ. Trong nỗ lực giải quyết “cơn bão” di cư ở biên giới phía Nam, Tổng thống Biden mới đây đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức hàng đầu khác đến Mexico, Panama và Guatemala để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ xa. Tuy vậy, một cuộc thăm dò của PBS NewsHour/NPR/Marist cách đây 2 tuần cho thấy chỉ khoảng 29% số người Mỹ được hỏi ủng hộ cách ứng phó của Tổng thống Biden.

Lục quân Mỹ cắt giảm lực lượng giữa khủng hoảng tuyển quân

Lục quân Mỹ sẽ cắt giảm 24.000 vị trí trong bối cảnh quân đội xứ cờ hoa nói chung gặp phải khủng hoảng tuyển tân binh nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ qua.

Mục tiêu của đợt tinh giảm này - tương ứng gần 5% tổng lực lượng lao động của Lục quân Mỹ - tập trung xóa bỏ các vị trí đang bị trống, không phải quân nhân tại ngũ.

Lục quân Mỹ đang "có cấu trúc quá lớn" và không có đủ binh sĩ để lấp đầy các đơn vị hiện có, Telegraph ngày 27/2 đưa tin dựa trên một tài liệu của quân chủng này về đợt tinh giảm.

Theo kế hoạch hiện tại, Lục quân Mỹ được tổ chức xoay quanh quân số 494.000 người, nhưng hiện chỉ có 445.000 quân nhân tại ngũ. Theo kế hoạch mới, mục tiêu là tuyển dụng đủ quân số trong 5 năm tới để đạt mức 470.000 người.

Tài liệu mà Telegraph thu được nói rằng, đợt tinh giảm sẽ chỉ nhằm vào những vị trí đang trống và không có quân nhân nào sẽ bị yêu cầu xuất ngũ.

Một loạt vị trí bị cắt giảm có liên quan đến chiến dịch chống nổi dậy bùng phát trong các cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, nhưng không còn nhiều ý nghĩa trước các mối đe dọa ngày nay.

Khoảng 3.000 vị trí cắt giảm được chỉ định là thuộc các lực lượng đặc nhiệm của Lục quân.

Lục quân Mỹ cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 7.500 quân cho các sứ mệnh quan trọng khác như các đơn vị phòng không và chống máy bay không người lái, cùng 5 lực lượng đặc nhiệm mới với năng lực tấn công mạng, tình báo và tập kích tầm xa tăng cường.

Theo Telegraph, động thái tinh giảm lực lượng phản ánh thực tế là trong nhiều năm qua, Lục quân Mỹ không thể tuyển đủ tân binh cho hàng nghìn vị trí trống.

Christine Wormuth, Bộ trưởng Lục quân Mỹ, năm ngoái từng nói rằng quân chủng này đã không đạt được chỉ tiêu hàng năm về số lượng hợp đồng nhập ngũ mới kể từ năm 2014.

Trong năm tài khóa vừa qua, cả Hải quân, Lục quân và Không quân Mỹ đều không đạt được mục tiêu tuyển quân. Lục quân chỉ tuyển được hơn 50.000 tân binh, không đạt "mục tiêu tham vọng" đã định là 65.000 người.

TT Biden ban hành sắc lệnh bảo vệ dữ liệu của người Mỹ trước các kẻ thù nước ngoài

Tổng thống Joe Biden ngày 28/2 ký một sắc lệnh nhắm bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của người Mỹ trước các địch thủ nước ngoài như Trung Quốc và Nga trong mọi lĩnh vực, từ sinh trắc học và hồ sơ y tế đến tài chính và định vị địa lý.

Bộ trưởng tư pháp và các cơ quan liên bang khác phải ngăn chặn việc chuyển dữ liệu cá nhân của người Mỹ trên quy mô lớn sang nơi mà Tòa Bạch Ốc gọi là “các quốc gia cần quan tâm”, đồng thời thiết lập các biện pháp bảo vệ xung quanh các hoạt động khác mà qua đó các quốc gia vừa kể có thể truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người dân.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết mục tiêu là vừa bảo vệ, vừa không hạn chế hoạt động thương mại hợp pháp liên quan tới dữ liệu.

Động thái của ông Biden nhắm vào các nhà môi giới dữ liệu thương mại, những công ty đôi khi mờ ám buôn bán dữ liệu cá nhân mà các quan chức cho rằng có thể bán thông tin cho các đối thủ nước ngoài hoặc các thực thể ở Mỹ do các quốc gia đó kiểm soát.

Chính quyền Biden hy vọng cuối cùng sẽ hạn chế các thực thể nước ngoài, cũng như các công ty do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại Mỹ, có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm một cách không thích hợp, các quan chức cấp cao cho biết.

Các nhà môi giới dữ liệu là hợp pháp ở Hoa Kỳ và thu thập cũng như phân loại thông tin cá nhân, thường là để xây dựng hồ sơ về hàng triệu người Mỹ mà sau đó họ cho thuê hoặc bán.

Các quan chức cho biết các hoạt động như xâm nhập máy tính đã bị cấm ở Mỹ nhưng việc mua dữ liệu nhạy cảm thông qua các nhà môi giới là hợp pháp. Điều đó có thể tạo ra một lỗ hổng quan trọng trong các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ khi dữ liệu được bán cho một nhà môi giới để rồi có thể rơi vào tay kẻ thù.

“Những kẻ xấu có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi người Mỹ, bao gồm cả quân nhân, rình mò cuộc sống cá nhân của họ và chuyển dữ liệu đó cho các nhà môi giới dữ liệu và các cơ quan tình báo nước ngoài khác”, Tòa Bạch Ốc nói trong một tờ thông tin thông báo về động thái này. “Dữ liệu này có thể cho phép giám sát xâm nhập, lừa đảo, tống tiền và các hành vi vi phạm quyền riêng tư khác.”

Sắc lệnh chỉ đạo Bộ Tư pháp ban hành các quy định thiết lập các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ cũng như dữ liệu nhạy cảm liên quan đến chính phủ - bao gồm thông tin định vị địa lý trên các trang web nhạy cảm của chính phủ và các thành viên của quân đội.

Bộ Tư pháp cũng có kế hoạch hợp tác với các quan chức An ninh Nội địa để xây dựng các tiêu chuẩn an toàn nhằm ngăn chặn các đối thủ nước ngoài thu thập dữ liệu. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm tra tốt hơn để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp liên bang dành cho nhiều cơ quan khác, bao gồm cả Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu chiến binh, không được sử dụng để tạo điều kiện cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ chảy đến các đối thủ nước ngoài hoặc các công ty Hoa Kỳ liên kết với họ.

Các quan chức chính quyền cấp cao đã liệt kê các quốc gia tiềm năng cần quan tâm là Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran, Cuba và Venezuela. Nhưng chính Trung Quốc – và TikTok, với hơn 150 triệu người dùng Mỹ và là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance – mới là những nơi mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lên tiếng nhiều nhất.

Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa, chủ tịch của Ủy ban Hạ viện Mỹ chuyên trách các vấn đề về Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây đã lưu ý: “Không có cái gọi là doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc”.

Các quan chức chính quyền cấp cao nhấn mạnh rằng hành động hành pháp được thiết kế để hoạt động cùng với hành động lập pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều dự luật nhằm thiết lập các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của liên bang đã không được thông qua tại Quốc hội.

Động thái ngày 28/2 diễn ra sau sắc lệnh của ông Biden về trí tuệ nhân tạo (AI) vào mùa thu năm ngoái nhằm tìm cách cân bằng nhu cầu của các công ty công nghệ tiên tiến với an ninh quốc gia và quyền của người tiêu dùng.

Sắc lệnh của tổng thống về AI nhằm định hướng cách phát triển Trí tuệ Nhân tạo để các công ty có thể thu lợi nhuận mà không gây nguy hiểm cho an toàn công cộng, tạo ra các biện pháp bảo vệ sớm nhằm đảm bảo rằng AI đáng tin cậy và hữu ích, thay vì lừa đảo và phá hoại.

Thêm một bang Mỹ cấm ông Trump tranh cử

Một thẩm phán ở Illinois, Mỹ tuyên bố cựu Tổng thống Donald Trump không thể tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang này, đồng thời lệnh cho cơ quan bầu cử địa phương gạch tên ông khỏi danh sách tranh cử.

Thẩm phán Tracie Porter của hạt Cook hôm 28/2 đã công bố phán quyết trên, với lí do các hành động của cựu Tổng thống Trump liên quan vụ biểu tình bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol, Washington ngày 6/1/2021 đã khiến ông không đủ điều kiện để tái tranh cử ở bang Illinois.

Bà Porter trích dẫn Điều khoản chống nổi loạn trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, vốn cấm các cựu quan chức nước này quay trở lại nắm giữ các chức vụ trong quân đội hoặc chính quyền dân sự nếu từng “tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn”.

Theo báo The Hill, phán quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3, đồng nghĩa đội ngũ pháp lý của ông Trump chỉ có 2 ngày để kháng cáo quyết định này. Cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng GOP ở Illinois bắt đầu vào ngày 19/3 tới.

Phán quyết được đưa ra sau khi một nhóm cử tri Illinois chính thức đệ đơn lên Hội đồng bầu cử bang để phản đối việc ông Trump ra ứng cử vì những cáo buộc cựu lãnh đạo Nhà Trắng dính líu đến vụ bạo loạn 6/1.

Mặc dù giới chức địa phương sau đó đã bỏ phiếu nhất trí giữ lại tên của ông Trump trên lá phiếu bầu cử sơ bộ của GOP, nhưng các luật sư đại diện nhóm cử tri phản đối nói trên đã gửi đơn kiện vụ việc lên tòa, tạo nên thách thức pháp lý mới đối với nỗ lực tái tranh cử vào Nhà Trắng của cựu tổng thống.

Vụ án đánh dấu nỗ lực thứ 3 ở một số bang nhằm ngăn cản việc đề cử ông Trump, sau khi những người chống đối ở Colorado và Maine cũng tìm cách loại tên cựu tổng thống khỏi phiếu bầu, căn cứ vào Điều khoản chống nổi loạn. Tuy nhiên, phán quyết trong những trường hợp đó đã bị tạm đình chỉ để chờ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ, báo hiệu sự hoài nghi đối với các nguyên đơn.

Đây là rắc rối mới nhất của ông Trump sau khi giành chiến thắng thứ 5 liên tiếp trong các cuộc bầu cử sơ bộ của GOP, giúp ông tiến gần tới việc chính thức giành quyền đại diện đảng này “đấu chung kết” với Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ vào ngày tổng tuyển cử tháng 11 năm nay.

Hé lộ tham vọng lớn của Mỹ trong ngành chip

Phần lớn các khoản ưu đãi đầu tư của Mỹ trong ngành chip– 28 tỷ USD trong số 39 tỷ USD – sẽ đổ vào các con chip hàng đầu.

Xây chuỗi cung ứng chip trong nước

Hôm 26/2 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố rằng Mỹ sẽ sản xuất 20% số chip logic tiên tiến nhất thế giới vào năm 2030, được hỗ trợ bởi chuỗi cung ứng trong nước từ nguyên liệu thô đến bao bì.

Phát biểu tại Washington, bà Raimondo cho biết Mỹ sẽ không thể dẫn đầu thế giới nếu phụ thuộc vào một số nước châu Á về chip tiên tiến nhất, nơi bà ám chỉ Trung Quốc, đặc biệt về trí tuệ nhân tạo (AI).

Quan chức Mỹ chỉ ra Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, với 39 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất thiết bị bán dẫn ở Mỹ, sẽ giúp thay đổi cục diện.

“Chúng tôi nghĩ rằng các khoản đầu tư vào sản xuất các chip logic tiên tiến nhất sẽ đưa nước Mỹ đi đúng hướng để sản xuất khoảng 20% chip logic hàng đầu thế giới vào cuối thập kỷ này. Dù hiện nay, chúng ta đang ở con số 0”, bà thừa nhận.

Bà Raimondo cũng cho biết chính quyền Biden tin rằng họ sẽ thành công trong việc sản xuất các chip nhớ tiên tiến hàng đầu với chi phí cạnh tranh trên quy mô lớn ở Mỹ. Điều đáng nói, mục tiêu của chính quyền Mỹ là xây dựng cả một hệ sinh thái cung ứng, chứ không chỉ mỗi các bước quan trọng nhất trong ngành.

“Tôi tin rằng Hoa Kỳ có thể trở thành ngôi nhà của toàn bộ chuỗi cung ứng silicon để sản xuất những con chip tiên tiến này - từ sản xuất polysilicon đến sản xuất tấm bán dẫn, chế tạo đến đóng gói tiên tiến", bà nhấn mạnh.

Tuyên bố của bà Raimondo được đưa ra sau khi TSMC, công ty chip khổng lồ Đài Loan mới khai trương nhà máy sản xuất chip trị giá hơn 8,6 tỷ USD tại Nhật Bản. Trong khi đó, quá trình xây nhà máy tiên tiến hàng đầu hiện nay của công ty này tại bang Arizona, Mỹ vốn được nhắm đến để sản xuất chip cỡ 3nm tiên tiến nhất, lại gặp đầy trắc trở. Nguyên nhân đến từ thiếu nhân công địa phương lành nghề và thủ tục hành chính phức tạp tại Mỹ.

Cho đến nay, Bộ Thương mại Mỹ mới công bố 3 khoản tài trợ theo đạo luật CHIPS cho BAE Systems, Microchip Technology và gần đây nhất là khoản tài trợ trị giá 1,5 tỷ USD cho GlobalFoundries. Công ty TSMC và Samsung Electronics vẫn được cam kết tài trợ theo đạo luật này khi họ đáp ứng hết các điều kiện.

Bà Raimondo cho biết Mỹ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất chip thế hệ cũ, còn được gọi là chip cỡ lớn hoặc chip phổ biến, mà Trung Quốc hiện chiếm thị phần lớn. Dù không phải là loại dùng trong các công nghệ AI hay tên lửa tiên tiến, các loại chip đời cũ này vẫn quan trọng khi cung cấp năng lượng cho các mặt hàng điện tử dân dụng, từ ô tô, thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nhưng chỉ chip tiên tiến mới “có cửa”

Bất chấp tham vọng to lớn đó, phát biểu của bà Gina Raimondo cũng cho thấy một sự thật – chỉ các con chip tiên tiến nhất mới nhận được ưu đãi của chính quyền Mỹ.

Theo đó, phần lớn các khoản ưu đãi đầu tư – 28 tỷ USD trong số 39 tỷ USD – sẽ đổ vào các con chip hàng đầu. “Mục đích của chương trình này không phải là rót nhiều tiền cho càng nhiều công ty càng tốt”, bà Raimondo nói, đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ là các khoản đầu tư có mục tiêu.

Owen Tedford, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Beacon Policy Advisors, một công ty tư vấn chiến lược, nhận định điểm rút ra lớn nhất từ bài phát biểu của Raimondo là Hoa Kỳ dự định tập trung nguồn tài trợ sẵn có vào đâu?

“Nhận xét của bà Raimondo nhấn mạnh sự cạnh tranh về nguồn vốn, nhưng để đáp ứng một số mục tiêu đã đề ra, cần phải có những lựa chọn. Các cơ sở chip logic hàng đầu sẽ là ưu tiên lớn, nếu không muốn nói là hàng đầu.”

Tham vọng đó của Mỹ phần nhiều sẽ phải phụ thuộc vào Đài Loan, nơi TSMC đang gấp rút xây dựng các nhà máy có thể sản xuất chip 3nm đời mới. Nhưng cho đến nay, công ty này vẫn than phiền về tiến độ hỗ trợ của Mỹ, từ việc cấp các khoản tài trợ cho tới thủ tục hành chính.

Công ty này vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Mỹ theo Đạo luật CHIPS. Việc giải ngân đã bị chậm lại do các cuộc đàm phán về các điều kiện, bao gồm cả lợi nhuận mà chính phủ Mỹ sẽ được hưởng trong tương lai. Chưa kể, TSMC còn vướng phải các điều kiện đánh giá môi trường nghiêm ngặt, khiến dự án có nguy cơ trì hoãn.

Năm ngoái, tập đoàn này đã phải lùi thời điểm vận hành nhà máy đầu tiên sang năm 2025. Hay tháng 1 vừa qua, TSMC thông báo nhà máy thứ hai sẽ không thể đi vào hoạt động cho đến năm 2027 hoặc 2028, dù trước đó dự kiến mở cửa vào năm 2026.

Nguồn: CAND; Dân Trí; VOA; Vietnamnet; Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang