Mỹ: Kinh tế vững mạnh; Trump được lợi từ pháp quyết của tòa; Biden-Trump hướng tới tái đấu; Tình báo 'ngồi trên đống lửa'

Kinh tế Mỹ vững mạnh xua tan đồn đoán USD mất giá

Yếu tố chính thúc đẩy đồng USD là một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã khiến Fed do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh - điều có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại.

Nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn kỳ vọng đang thúc đẩy đà tăng của đồng USD. Điều này khiến các nhà đầu tư, những người đặt cược rằng đồng bạc xanh sẽ trượt dốc do tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khá thất vọng.

Chỉ số đồng USD, “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền khác, đã tăng 2,4% từ đầu năm đến nay. Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy lần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2023, lượng đặt cược ròng vào đồng USD trên thị trường tương lai đã tăng vào tháng trước.

Yếu tố chính thúc đẩy đồng USD là một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã khiến Fed do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh - điều có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi vào trì trệ trong năm ngoái. Trong khi Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trên thị trường bất động sản và Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023.

Ông Thierry Wizman, nhà chiến lược tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại công ty dịch vụ tài chính Macquarie, đã trở nên trung lập hơn về triển vọng đồng USD sau khi dự báo đồng tiền này sẽ suy giảm vào năm ngoái. Theo ông, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra kiên cường, không có bằng chứng đáng kể nào cho thấy châu Âu và Trung Quốc đang phục hồi. Đó là lý do khiến mọi người thay đổi quan điểm về đồng USD.

Sức mạnh của đồng USD sẽ đối mặt với một bài kiểm tra trong tuần này, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước các nhà lập pháp vào thứ Tư và thứ Năm (6-7/3 theo giờ địa phương), đồng thời chờ đợi dữ liệu việc làm tháng 2/2024 của Mỹ vào cuối tuần.

Các dấu hiệu cho thấy Fed vẫn duy trì quan điểm “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn", hoặc nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh mẽ có thể hỗ trợ sự phục hồi của đồng USD trong giai đoạn tiếp theo.

Giới đầu tư đang đặt cược Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 85 điểm cơ bản trong các đợt cắt giảm vào năm 2024, thấp hơn đáng kể so với dự kiến giảm 150 điểm cơ bản từng được đưa ra hồi đầu tháng 1/2024.

Việc nắm bắt được quỹ đạo vận hành của đồng USD là điều quan trọng đối với các nhà đầu tư, do đồng tiền này đóng vai trò trung tâm trong nền tài chính toàn cầu.

Đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng đến triển vọng của các công ty đa quốc gia Mỹ. Vì điều này khiến việc chuyển lợi nhuận từ nước ngoài của họ sang đồng USD trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khiến sản phẩm của các nhà xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường FactSet cho thấy, hơn 50% doanh thu của khoảng 25% các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500 được tạo ra bên ngoài nước Mỹ.

Sức mạnh của đồng USD cũng có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương khác, vì nó làm cho đồng nội tệ của họ rẻ hơn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phản đối các cuộc đàm phán cắt giảm lãi suất do lạm phát khó kiểm soát. Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy giới hoạch định chính sách của Eurozone có thể trì hoãn việc giảm lãi suất hơn nữa có thể thúc đẩy đồng euro và gây thiệt hại cho đồng USD.

Các chiến lược gia nhìn chung vẫn đánh giá đồng bạc xanh rồi sẽ suy yếu, mặc dù sức mạnh bền bỉ của đồng USD đang thử thách những dự báo này. Một cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Reuters cho hay trong khi giới chuyên gia vẫn đa phần dự báo đồng USD sẽ suy yếu trong thời gian còn lại của năm 2024, khoảng 80% tin rằng đồng tiền này có thể vượt mục tiêu giá của họ.

Ông Paul Mielczarski, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại công ty dịch vụ đầu tư Brandywine Global, coi sự phục hồi gần đây của đồng USD giống như một "sự phục hồi dựa trên chiến thuật đầu tư thay vì phản ánh sự thay đổi trong xu hướng cơ bản của thị trường.

Ông đã viện dẫn những dấu hiệu mới về sự cải thiện tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả sức mạnh trong ngành bán dẫn toàn cầu đang mang lại lợi ích cho các loại tiền tệ như đồng won Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những người khác lại thấy có nhiều lý do để đồng USD mạnh lên - đặc biệt nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được ưu thế trong cuộc đua tái tranh cử.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics lưu ý rằng, đề xuất tăng thuế của ông Trump có thể khiến Fed quay trở lại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và gây ra một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn, thúc đẩy nhu cầu "trú ẩn an toàn" đối với đồng USD. Trước đây, đồng USD đã tăng giá trong giai đoạn đầu sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng đồng tiền này sau đã giảm 10,5% trong nhiệm kỳ của ông.

Chuyên gia Wizman của Macquarie cho biết mặc dù điều đó có thể còn xa, nhưng các nhà đầu tư có thể vẫn do dự trong việc tiếp tục đặt cược theo hướng đồng USD suy giảm hay không. Theo ông, tâm thế của giới đầu tư vẫn rất thận trọng và mức độ hoài nghi từ phía các nhà giao dịch là rất cao.

Ông Trump hưởng lợi như thế nào từ phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ?

“Chiến thắng lớn cho nước Mỹ,” ông Trump viết trên mạng xã hội X (Twitter) của mình sau khi nhận phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, theo đó ông được phép có tên trong phiếu bầu sơ bộ nhằm lựa chọn ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tại bang Colorado.

Phán quyết được đưa ra hôm 4/3, chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang Colorado trong ngày Siêu Thứ Ba hôm nay.

Tòa án, với đa số là phe bảo thủ (sáu trên chín người) bao gồm ba người được Trump bổ nhiệm, đã quyết định nhanh chóng về vấn đề loại bỏ phiếu bầu hơn so với vấn đề về quyền ‘‘miễn trừ truy tố ’’ - điều này là có lợi cho ông Trump.

Sự chậm trễ trong việc quyết định quyền ‘‘miễn trừ truy tố” có thể giúp ông Trump trì hoãn các phiên tòa hình sự.

Ngoài vụ việc trên, ông Trump cũng đã bị cấm tham dự vòng phiếu bầu sơ bộ ở Maine và Illinois dựa trên Tu chính án thứ 14.

Tuy nhiên, những phán quyết này đã bị hoãn lại trong khi chờ phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Colorado.

Động thái hôm qua của Tòa án Tối cao được cho là sẽ mở đường cho ông Trump tiếp tục có mặt trong lá phiếu ở mọi bang, bao gồm cả ở Maine và Illinois.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghi vấn và xem xét về quyền ứng cử của ông Trump ở các bang như California, Illinois, Virginia và các bang khác - với kết quả trái ngược nhau.

Hàng chục khiếu nại tương tự đã được các tòa án cấp dưới, hội đồng bầu cử hoặc các bang vụ khanh xem xét trong năm qua.

Gần như tất cả đều bị bác bỏ với nhiều lý do khác nhau, bao gồm thủ tục không nhất quán, những câu hỏi đặt ra về việc liệu nhánh tư pháp có quyền vận dụng "điều khoản nổi loạn" để tranh cãi ý nghĩa chính xác của những thuật ngữ này hay không.

Trong vụ Colorado, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ kết luận rằng “các bang có thể tước tư cách những người đang hay cố gắng nắm giữ các chức vụ cấp bang. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Hoa Kỳ, các bang không có quyền thực thi Mục 3 của Tu chính án thứ 14 đối với các chức vụ cấp liên bang, đặc biệt là vị trí tổng thống.”

Mục 3 của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Hoa Kỳ cấm những cá nhân nắm giữ chức vụ công nếu tham gia vào các hoạt động “nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại đất nước sau khi đã cam kết ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp.

Bang vụ khanh Colorado, bà Jena Griswold, bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết [của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ], cho rằng phán quyết này đã "lấy mất thẩm quyền” tước tư cách tham dự vòng phiếu bầu sơ bộ của các bang.

“Colorado đáng lẽ nên có thẩm quyền loại bỏ những người có hành vi vi phạm lời thề khỏi danh sách phiếu bầu của mình,” bà Griswold viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Ngược lại, ông Trump lại rất vui vẻ đón nhận phán quyết trên và nói trong một dịp xuất hiện ở Florida:

“Cơ bản thì quý vị không thể loại ai đó khỏi cuộc đua chỉ bởi vì đối thủ muốn như vậy.”

Ông Trump nói hy vọng quyết định này sẽ giúp đoàn kết đất nước, ngay trước khi chỉ trích các đối thủ chính trị và công tố viên đứng sau bốn vụ án hình sự chống lại ông.

Hiện tại, ông Trump là ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa hướng tới cuộc đua với Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới.

Bà Nikki Haley, cựu Thống đốc Nam Carolina, là đối thủ duy nhất còn lại của ông Trump trong cuộc đua đề cử trong đảng.

Trước đó, ngày 19/12/2023, Tòa án Tối cao bang Colorado ra phán quyết rằng ông Trump không đủ tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ lựa chọn ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tại bang này.

Quyết định được đưa ra chuẩn theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Hoa Kỳ - điều luật này cấm các cá nhân nắm giữ chức vụ công nếu tham gia vào các hoạt động “nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại đất nước sau khi đã cam kết ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp.

Trong trường hợp của ông Trump, Tòa án Tối cao Colorado cho rằng ông Trump có tham gia kích động và ủng hộ cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Biden và Trump hướng tới cuộc tái đấu bất chấp lo ngại của cử tri

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đang tiến gần hơn đến việc giành được đề cử từ đảng của họ hôm 5/3, ngày lớn nhất của chiến dịch tranh cử sơ bộ, mặc dù nhiều cử tri thích có ứng cử viên mới hơn là cuộc tái đấu từ bốn năm trước.

Cuộc bầu cử Siêu Thứ Ba đang được tổ chức ở 16 tiểu bang và 1 vùng lãnh thổ – từ Alaska và California đến Vermont và Virginia.

Trong khi phần lớn trọng tâm là cuộc đua tổng thống, cũng có những cuộc bỏ phiếu khác quan trọng. Chẳng hạn như cử tri California sẽ chọn ra những ứng cử viên sẽ cạnh tranh để giành chiếc ghế Thượng nghị sĩ do bà Dianne Feinstein nắm giữ từ lâu hay cuộc đua giành chức thống đốc sẽ diễn ra ở North Carolina, tiểu bang mà cả hai đảng đang cạnh tranh gay gắt trước tháng 11.

Tuy nhiên, sự chú ý vẫn đổ dồn vào ông Biden 81 tuổi và ông Trump 77 tuổi, những người tiếp tục thống trị đảng của họ mặc dù cả hai đều phải đối mặt với các câu hỏi về tuổi tác và không thu hút được sự yêu thích rộng rãi trong toàn bộ cử tri.

Thời gian sớm nhất mà một trong hai người có thể trở thành ứng cử viên của đảng mình là ngày 12/3 cho ông Trump và ngày 19/3 cho ông Biden. Nhưng khác với hầu hết các ngày Siêu Thứ Ba trước đây, cả hai đề cử đều đã định hình rõ: ông Biden và ông Trump đều mong chờ cuộc bầu cử năm 2020 tái diễn.

“Chúng ta phải đánh bại Biden - ông ấy là tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử,” ông Trump nói ngày 5/3 trên chương trình truyền hình Fox & Friends.

Ông Biden phản pháo bằng một vài cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh nhằm củng cố sự ủng hộ của các cử tri Da đen, những người đã giúp củng cố liên minh của ông hồi năm 2020.

“Nếu chúng tôi thua cuộc bầu cử này, bạn sẽ quay lại với Donald Trump,” ông Biden nói trên “DeDe in the Morning” do DeDe McGuire tổ chức. “Tôi nghĩ cách ông ấy nói, cách ông ấy hành động và cách ông ấy đối xử với cộng đồng người Mỹ gốc Phi thật đáng xấu hổ.”

Bất chấp sự thống trị của ông Biden và ông Trump đối với các đảng của họ, các cuộc thăm dò cho thấy rõ rằng cử tri nhìn chung không muốn cuộc bầu cử năm nay giống hệt cuộc đua năm 2020. Một cuộc thăm dò mới của Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng AP-NORC cho thấy phần lớn người Mỹ không nghĩ rằng ông Biden hay ông Trump có đủ trí lực cần thiết cho công việc.

Ông Brian Hadley, 66 tuổi, ở Raleigh, North Carolina, nói: “Theo quan điểm của tôi, cả hai đều thất bại trong việc đoàn kết đất nước này”.

Những ngày cuối cùng trước thứ Ba đã chứng tỏ tính chất độc đáo của chiến dịch năm nay. Thay vì xông vào các tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ, ông Biden và ông Trump đã tổ chức các sự kiện cạnh tranh vào tuần trước dọc biên giới Mỹ-Mexico, mỗi bên đều tìm cách giành lợi thế trong cuộc tranh luận về di trú ngày càng căng thẳng.

Sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết 9-0 hôm 4/3 để khôi phục quyền cho ông Trump được có tên trong danh sách bầu cử sơ bộ sau những nỗ lực cấm ông vì vai trò của ông trong việc châm ngòi cho cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, ông Trump đã chỉ ra 91 tội danh chống lại ông để cáo buộc ông Biden vũ khí hóa tòa án.

“Hãy chiến đấu cuộc chiến của mình,” ông Trump nói. “Đừng sử dụng các công tố viên và thẩm phán để truy lùng đối thủ của bạn.”

Ông Biden sẽ đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 7/3, sau đó sẽ vận động tranh cử ở các tiểu bang dao động quan trọng là Pennsylvania và Georgia.

Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Ben LaBolt nói: Tổng thống sẽ bảo vệ các chính sách tạo ra việc làm kỷ lục, nền kinh tế mạnh nhất thế giới, tăng lương và phúc lợi hộ gia đình cũng như giảm chi phí năng lượng và thuốc kê toa. Ông LaBolt cũng đưa ra sự tương phản với các ưu tiên của ông Trump mà ông mô tả là “thưởng cho các tỷ phú và tập đoàn bằng cách giảm thuế, tước bỏ các quyền và tự do, đồng thời phá hoại nền dân chủ của chúng ta.”

Chiến dịch tranh cử của ông Biden đã thu hút sự chú ý đến những tuyên bố khiêu khích nhất của ông Trump rằng những di dân bất hợp pháp đang “đầu độc máu” của Hoa Kỳ và ám chỉ rằng ông ta sẽ đóng vai trò là một nhà độc tài trong ngày đầu tiên trở lại Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump gần đây đã phát biểu trong một buổi dạ tiệc dành cho những người bảo thủ da đen rằng ông tin rằng người Mỹ gốc Phi đồng cảm với bốn bản cáo trạng tội phạm của ông.

Điều đó đã thu hút sự phản đối khác từ các đảng viên Đảng Dân chủ trên khắp đất nước vì so sánh các cuộc đấu tranh pháp lý cá nhân với những bất công lịch sử mà người da đen phải đối mặt ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cựu tổng thống đã đánh bại hơn chục đối thủ lớn của Đảng Cộng hòa và giờ chỉ còn lại một người: bà Nikki Haley, cựu đại sứ Liên hiệp quốc dưới thời ông Trump, người cũng hai lần được bầu làm thống đốc bang South Carolina quê hương của bà.

Bà Haley đã đi khắp đất nước. “Chúng ta có thể làm tốt hơn hai ứng cử viên 80 tuổi cho chức tổng thống,” bà Haley nói tại một cuộc mít tinh hôm 4/3 ở ngoại ô Houston.

Bà Haley đã duy trì hoạt động gây quỹ mạnh mẽ và giành được chiến thắng sơ bộ đầu tiên vào cuối tuần qua tại Washington, D.C., một thành phố do Đảng Dân chủ điều hành với rất ít đảng viên Đảng Cộng hòa đăng ký. Ông Trump chế giễu rằng bà Haley đã được “đăng quang là nữ hoàng đầm lầy”.

Cho đến nay, ông Trump đã đánh bại bà trong mọi cuộc tranh cử sơ bộ hoặc họp kín ở các bang, mặc dù bà Haley đã giành chiến thắng vào ngày 3/3 tại Washington, D.C., nơi một nhóm nhỏ gồm 2.000 đảng viên Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ở thủ đô có đa số đảng viên Dân chủ áp đảo và khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tranh được đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Nhưng bà Haley phải đối mặt với một thực tế khó khăn vào thứ Ba 5/3 và chiến dịch tranh cử của bà không dự đoán bà sẽ thắng bất kỳ cuộc tranh cử nào trong số 16 cuộc tranh cử. Nhưng cuộc thăm dò ở từng tiểu bang cho thấy bà có thể gây ra một hoặc hai điều khó chịu chống lại Trump, ngay cả khi ông phải đối mặt với 4 cáo trạng hình sự chưa từng có bao gồm 91 tội danh và một phiên tòa bắt đầu sau ba tuần.

Câu hỏi dành cho bà Haley, liệu bà thua hầu hết hay toàn bộ trong cuộc bầu cử sơ bộ vào thứ Ba, thì bà có rút khỏi cuộc đua đề cử chống lại ông Trump hay tiếp tục làm ứng cử viên, ít nhất là cho đến khi ông Trump chính thức giành được đề cử tổng thống của đảng.

Trong những ngày gần đây, bà Haley đã hứa sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua đề cử của Đảng Cộng hòa thông qua cuộc bỏ phiếu Siêu Thứ Ba, nhưng bà đã không đặt thêm quảng cáo trên truyền hình ở các tiểu bang có cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới và một số nhà tài trợ lớn cho chiến dịch tranh cử của bà đã ngừng gửi tiền do bà thua cuộc trong cuộc bầu cử gần đây.

Ông Biden có những vấn đề riêng của mình, bao gồm tỷ lệ tán thành thấp và các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Mỹ, thậm chí là đa số đảng viên Đảng Dân chủ, không muốn thấy ông 81 tuổi tái tranh cử. Chiến thắng dễ dàng ở tiểu bang Michigan của tổng thống vào tuần trước đã bị phá hỏng đôi chút bởi một chiến dịch được tổ chức bởi các nhà hoạt động không tán thành cách tổng thống Biden xử lý cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Ông Biden là tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến nay và Đảng Cộng hòa chú ý đến bất kỳ lời nói nào mà ông đưa ra. Ông Trump hiện bằng tuổi ông Biden trong chiến dịch tranh cử năm 2020.

​Ông Biden cũng sẽ được chú ý vào tối 7/3 khi ông đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang hàng năm trước Quốc hội và khán giả truyền hình quốc gia.

Ông dự kiến sẽ ca ngợi sự tiến bộ kinh tế của Hoa Kỳ trong hơn ba năm cầm quyền, mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Mỹ không nghĩ rằng ông đã quản lý nền kinh tế tốt và thường phàn nàn về giá cả thực phẩm cao hơn - một loại hàng hóa thiết yếu mà không ai có thể tránh được.​

Tình báo Mỹ 'ngồi trên đống lửa' với viễn cảnh ông Trump trở lại

Khi tại nhiệm, Trump từng có mối quan hệ căng thẳng với cộng đồng tình báo Mỹ, khiến nhiều người lo ngại lịch sử sẽ lặp lại nếu ông tái đắc cử.

Các cựu quan chức hàng đầu trong chính quyền Donald Trump đang cảnh báo rằng nếu tái đắc cử, ông Trump có thể thúc đẩy nỗ lực cải tổ các cơ quan tình báo Mỹ theo cách có thể dẫn đến mức độ chính trị hóa chưa từng thấy.

Các cơ quan tình báo Mỹ chưa bao giờ tách rời hoàn toàn khỏi chính trị. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một cuộc cải tổ theo kiểu mà ông Trump muốn thực hiện có thể làm suy yếu uy tín của tình báo Mỹ, vào thời điểm Washington và các đồng minh đang dựa rất nhiều vào họ để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông.

Nỗ lực cải tổ này nếu được tiến hành cũng có thể tước bỏ khả năng của cộng đồng tình báo trong việc can ngăn tổng thống khỏi những quyết định khiến đất nước gặp nguy hiểm.

Politico đã phỏng vấn 18 cựu quan chức và nhà phân tích từng làm việc dưới thời Trump để có cái nhìn sâu sắc hơn về điều gì sẽ xảy ra với cộng đồng tình báo Mỹ nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Lo ngại là cảm giác phổ biến nhất của họ.

"Ông ấy muốn vũ khí hóa cộng đồng tình báo. Và thực tế là bạn cần đánh giá sự việc với góc nhìn 360 độ. Ông ấy không thể chỉ chọn những gì mình muốn nghe khi có quá nhiều đối thủ và các quốc gia không mong muốn điều tốt đẹp cho Mỹ", Fiona Hill, cố vấn hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của ông, nói.

Nhiều cựu quan chức thời Trump cho biết họ quyết định lên tiếng vì tin rằng mức độ nghiêm trọng trong kế hoạch cải tổ cộng đồng tình báo của ông Trump đang bị đánh giá thấp, bất chấp truyền thông liên tục đưa tin.

Theo họ, cựu tổng thống luôn yêu cầu "lòng trung thành", tìm kiếm những người ủng hộ chương trình nghị sự của ông, nhưng điều này lại mang đến rủi ro đặc biệt nghiêm trọng cho đất nước.

Trump lâu nay vẫn nổi tiếng là người có mối quan hệ căng thẳng và đối đầu với cộng đồng tình báo Mỹ. Cựu tổng thống mô tả các thành viên của cộng đồng tình báo là một phần của "thế lực ngầm" muốn "tiêu diệt" ông.

Có lẽ không cơ quan nào chịu nhiều áp lực từ Trump như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông có mối quan hệ không tốt đẹp với FBI ngay từ khi mới bước chân vào Nhà Trắng hồi năm 2017, chỉ trích cơ quan này đã làm rò rỉ hồ sơ Steele, một báo cáo thiếu căn cứ và hiện phần lớn đã bị chứng minh là không đúng sự thật cáo buộc cựu tổng thống có nhiều mối quan hệ mờ ám với Nga.

Tuy nhiên, nhiều đảng viên Dân chủ và đối thủ của Trump lúc bấy giờ đã vin vào hồ sơ này để chỉ trích ông, khiến cựu tổng thống tức giận. Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr sau đó mở cuộc điều tra về nguồn gốc hồ sơ Steele.

Dù Andrew McCabe, phó giám đốc FBI khi ấy, cho biết cơ quan này đánh giá hồ sơ Steele "là thô, chưa được xác minh và không thể hiện quan điểm của chúng tôi", nhiều cựu quan chức chính quyền Trump cho hay điều này đã khiến quan điểm của ông Trump đối với cả FBI và cộng đồng tình báo trở nên tiêu cực ngay từ đầu.

FBI đã "tự đào hố chôn mình", một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét.

Trong các bình luận công khai và cả ở nơi hậu trường, Trump thường xuyên đặt câu hỏi về tính liêm chính trong công việc của các cơ quan tình báo Mỹ.

Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia thời kỳ đầu nhiệm kỳ của Trump, cho hay người dân Mỹ nên nhìn vào một trong những lời phủ nhận công khai đầu tiên mà Trump đưa ra về thông tin tình báo liên quan đến ông để biết điều gì sắp xảy ra nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Tháng 7/2018, Trump đứng cạnh Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, và phủ nhận đánh giá của tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp bầu cử ở nước này, gây ra làn sóng chấn động cho các cơ quan tình báo quốc gia. Chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ nào công khai hạ thấp công việc của cộng đồng tình báo như vậy.

Ngày hôm sau, Trump rút lại bình luận, giải thích rằng mình đã nói nhầm, đồng thời khẳng định vẫn ủng hộ các cơ quan tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, đối với Coats, đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ giữa tổng thống với cộng đồng tình báo đang ngày càng trắc trở. Điều này thúc đẩy ông nộp đơn từ chức vào tháng 2/2019.

"Sự kiện ở Helsinki đóng vai trò quan trọng", Coats nói. "Nhưng cũng có những điều xuất phát từ Nhà Trắng như 'các quan chức cấp cao nói rằng Donald Trump không muốn Dan Coats trở thành giám đốc tình báo quốc gia'. Tôi đến gặp tổng thống và tuyên bố 'thưa ngài, tôi không thể chỉ đạo cộng đồng tình báo nếu không có ủng hộ từ ngài'".

Trump ban đầu từ chối để Coats từ chức, nói rằng việc này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến Phòng Bầu dục. Nhưng đến tháng 8/2019, tổng thống đã đồng ý.

Sau khi Coats rời nhiệm sở, Trump bổ nhiệm những người thân tín nhưng có ít kinh nghiệm trong công tác tình báo vào các vị trí hàng đầu cơ quan. Các cựu quan chức lo ngại ông sẽ làm điều tương tự nếu giành chiến thắng vào tháng 11 năm nay.

"Trump muốn đối đầu với cộng đồng tình báo", một cựu quan chức tình báo cấp cao khác cho hay. "Ông ấy đã bắt đầu việc này trước đây và sẽ làm lại. Một phần của quá trình đó là loại bỏ và trừng phạt".

Ellen McCarthy, trợ lý ngoại trưởng về tình báo và nghiên cứu thời Trump, cho rằng cộng đồng tình báo đang cần một cuộc cải tổ lớn để có thể xử lý tốt hơn những mối đe dọa ngày nay.

Nhưng bà bày tỏ lo lắng về khả năng quản lý quá trình chuyển đổi đó của Trump nếu ông tái đắc cử. "Điều tôi lo lắng là tổng thống Trump sẽ tuyển dụng một lãnh đạo có chung quan điểm với ông nhưng không có kinh nghiệm tình báo để quản lý quá trình chuyển giao", bà nói.

Coats cho biết những thay đổi mà Trump thực hiện tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là đặc biệt đáng lo ngại.

Ông quyết định không bổ nhiệm cấp phó của Coats, Sue Gordon, vào vị trí giám đốc. Và ông đã gạt Joseph Maguire, cựu giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, sang một bên chỉ sau 6 tháng làm việc sau khi ông này báo cáo cho Ủy ban Tình báo Hạ viện về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Trump sau đó đã bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, một người ủng hộ trung thành của ông, làm giám đốc tình báo quốc gia vào tháng 2/2020. Grenell không có kinh nghiệm tình báo nhưng từng làm cố vấn chính trị và phát ngôn viên Liên Hợp Quốc trong nhiều năm.

Kash Patel, cựu cố vấn hàng đầu của Devin Nunes, cựu hạ nghị sĩ California và giám đốc chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia, từng là cố vấn không chính thức cho Grenell nhưng cũng được cân nhắc cho một vị trí hàng đầu tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Sau đó, Patel trở thành chánh văn phòng của quyền bộ trưởng quốc phòng trong những tháng cuối cùng Trump tại nhiệm.

Patel có thể sẽ quay trở lại chính quyền nếu Trump tái đắc cử, điều này làm dấy lên lo ngại trong giới quan chức tình báo cả hiện tại lẫn trước đây về việc bảo vệ các nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ.

"Thường có rất nhiều cuộc bổ nhiệm dường như được thiết kế để đảm bảo rằng các đánh giá tình báo có thể được định hình để vẽ nên một số bức tranh không khớp với những gì cộng đồng tình báo đưa ra", một cựu quan chức dưới thời Trump giải thích.

Một số cựu quan chức cho rằng nếu Trump có động thái đưa những gương mặt gây tranh cãi vào các chức vụ hàng đầu tại cơ quan tình báo, hoặc tiếp tục chê bai công việc của họ, nhiều người có thể sẽ tìm cách ra đi.

"Mối lo ngại lớn nhất của tôi là tác động mà những người trong cộng đồng tình báo phải chịu", Jon Darby, cựu giám đốc điều hành Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói. "Hàng nghìn người đang cố gắng mỗi ngày, hy sinh thân mình ở những nơi nguy hiểm vì đất nước. Nếu công việc của họ bị tổng tư lệnh xem nhẹ, điều đó thực sự gây nản lòng".

Nhiều cựu quan chức còn bày tỏ lo ngại rằng nếu Trump quay trở lại và cải tổ các cơ quan tình báo, ông có thể xô đổ những nỗ lực suốt những năm qua của họ trong việc lấy lại uy tín trong mắt các đồng minh của Mỹ, vốn đã bị mất đi khi ông nắm quyền.

Giám đốc CIA Bill Burns, cùng với Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, đã liên hệ với các đồng minh phương Tây ở châu Âu vào tháng 12/2021, chia sẻ thông tin chi tiết về những gì tình báo Mỹ biết về kế hoạch của Điện Kremlin đối với Kiev, chỉ vài tháng trước khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với Politico vào năm ngoái, Burns cho biết Washington đã sử dụng năng lực tình báo của mình để thuyết phục các đối tác bên kia Đại Tây Dương nhìn nhận nghiêm túc các cảnh báo và chuẩn bị cho nguy cơ xung đột.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã sử dụng các cơ quan tình báo của mình trong năm qua để chia sẻ thông tin về mối đe dọa với các quốc gia ở châu Phi, trong đó có Cộng hòa Trung Phi và Congo, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại lục địa này.

Nhưng phần lớn niềm tin đã được xây dựng lại với châu Âu có thể bốc hơi chỉ sau một đêm nếu Trump tái đắc cử, đặc biệt nếu cựu tổng thống tiếp tục vận động tranh cử với ý tưởng rằng ông sẽ để Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các đồng minh NATO không đáp ứng các cam kết về chi tiêu quốc phòng của liên minh.

"Không có lý do gì để các thành viên liên minh chia sẻ thông tin nhạy cảm về Nga với Mỹ, với cộng đồng tình báo Mỹ, nếu nó được lãnh đạo bởi những người ủng hộ Donald Trump", một cựu quan chức chính quyền lưu ý.

Người này nhấn mạnh quan hệ đối tác tình báo là hai chiều. Nếu Trump coi chúng như một cuộc giao dịch hoặc từ chối chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ để làm đòn bẩy, các nước khác cũng có thể làm như vậy.

"Chúng ta sẽ bị mù thông tin nếu các quốc gia khác không tin tưởng chúng ta", ông cho hay.

Nguồn: Bnews; BBC; VOA; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang