Mỹ: Elon Musk chống lại cả thế giới; Dự luật chi tiêu mới; Trump nhận thất bại; Tương lai khó lường với bà Haley

Elon Musk một mình chống lại cả thế giới

Trong cuộc chiến này, Elon Musk đang coi tất cả các đối thủ của mình đều thiếu sót về cơ bản và không xứng đáng.

Tờ WSJ mở đầu bài viết cho rằng, cuộc chiến AI đã bắt đầu và con người đang tung ra những cú đấm đầu tiên.

Khoảng một tuần trước, Elon Musk đã nỗ lực để biến công ty xAI non trẻ của mình chống lại Big Dogs (mẫu robot do nhà sản xuất Boston Dynamics, Mỹ chế tạo, nhằm hỗ trợ binh sĩ của binh chủng Thủy quân lục chiến mang vác đồ).

Thông qua các dòng tweet và cả các vụ kiện tụng, tỷ phú này đang coi tất cả các đối thủ của mình đều thiếu sót về cơ bản và không xứng đáng: Google chỉ vừa mới tham gia vào cuộc chơi, Microsoft thì đang phản ứng thái quá còn Sam Altman bị cho là người hai mặt.

Trước đây, Musk không hề gượng gạo khi nói đến điều mà ông mô tả là "rủi ro văn minh" mà AI mang lại nếu công nghệ này rơi vào tay kẻ xấu. Ông cũng không phủ nhận tiềm năng vận may mà AI có thể tạo ra cho bất kỳ ai giải mã được để đưa lý luận giống con người vào máy móc.

Một đơn khiếu nại dài 35 trang được đệ trình lên tòa án San Francisco vào cuối ngày thứ năm tuần trước được xây dựng dựa trên những gì Musk mô tả là "hành vi đạo đức giả" của Altman. Theo vụ kiện, khi Altman và Musk thành lập OpenAI nhiều năm trước, họ đã đồng ý rằng đây sẽ là một tổ chức phi lợi nhuận để chống lại lòng tham của Google. Thế nhưng, khi OpenAI nằm dưới sự kiểm soát của một mình Altman, công ty này sau đó chuyển sang liên doanh kiếm tiền với Microsoft.

Vụ kiện tuyên bố rằng OpenAI và Altman - bằng cách thực hiện các thỏa thuận với Microsoft - đã chọn sử dụng công nghệ AI của họ "không phải vì lợi ích của nhân loại mà là công nghệ độc quyền để tối đa hóa lợi nhuận cho công ty lớn nhất thế giới theo đúng nghĩa đen".

Dẫu vậy, không có ý nào được đề cập trong vụ kiện về tham vọng AI của riêng Musk tách biệt với OpenAI, chẳng hạn như việc ông thành lập xAI vào năm ngoái với tư cách là đối thủ hay ra mắt chatbot của riêng mình có tên Grok để cạnh tranh với ChatGPT của Altman. Hay công việc của Musk tại Tesla, nơi ông là giám đốc điều hành, để phát triển robot hình người.

Sau nhiều năm cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ, khi công bố xAI vào tháng 7, ông cho biết sẽ là tạm dừng phát triển các phiên bản AI tiên tiến nhằm tìm cách đạt được cái mà ông gọi là siêu trí tuệ kỹ thuật số. Ông nói hy vọng như vậy "có vẻ không thực tế".

Thay vào đó, Musk đang cung cấp xAI như một giải pháp thay thế cho các đối thủ mà ông cáo buộc là có thành kiến tự do. Ông mô tả nỗ lực của mình là tìm kiếm điều tốt đẹp và thoả mãn trí "tò mò tối đa".

"Có một số giá trị khi có nhiều người chơi trong không gian AI", Musk nói vào tháng trước trong một sự kiện công khai trên nền tảng truyền thông xã hội X. "Bạn không muốn công nghệ này chỉ là độc quyền".

Và trong những ngày trước vụ kiện OpenAI, Musk đã nỗ lực hết mình để chỉ ra những điểm yếu của cả Google và Microsoft. Ông khuếch đại những lời chỉ trích rằng chatbot AI của Google, được đặt tên là Gemini, đã đưa ra những phản hồi xoay quanh chủng tộc và sắc tộc nhưng sai lầm một cách buồn cười khi xét về mặt lịch sử.

"Vì Gemini AI sẽ là trung tâm của mọi sản phẩm Google và YouTube, điều này cực kỳ đáng báo động!" Musk đã tweet vào tuần trước.

Sau dòng tweet đó, thậm chí Musk đã nhận được cuộc gọi từ một giám đốc điều hành cấp cao của Google để đảm bảo với ông rằng các bước sẽ được thực hiện cẩn thận để khắc phục mọi thứ.

"Câu trả lời của tôi dành cho anh ấy là trừ khi những người gây ra điều này bị loại khỏi Google, sẽ không có gì thay đổi".

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai thì nói với nhân viên của mình rằng phản hồi của chatbot là không thể chấp nhận được và cam kết "khắc phục trên quy mô lớn".

Lulu Cheng Meservey, một giám đốc điều hành công nghệ lâu năm và cựu giám đốc truyền thông của Activision Blizzard đã tweet: "Gemini không chỉ là một thảm họa PR - tệ hơn nữa, đó là một thảm họa tuyển dụng. Hãy tưởng tượng bạn là một nhà nghiên cứu đã làm việc lâu dài và chăm chỉ trên Gemini Pro 1.5 để thành tựu kỹ thuật bị lu mờ bởi điều vô nghĩa này. Tại sao những tài năng hàng đầu mới lại chấp nhận lời mời làm việc từ một nơi như thế?"

Cùng lúc đó, Musk cũng phàn nàn trong nhiều dòng tweet về việc mua một chiếc máy tính mới chỉ để nhận ra rằng ông được yêu cầu tạo một tài khoản Microsoft, điều mà ông tuyên bố "có nghĩa là cấp cho AI của họ quyền truy cập vào tài khoản của tôi".

Khi Musk chỉ trích Google và Microsoft, vụ kiện của ông làm nóng lại những câu hỏi về tham vọng của Altman. Cuối năm ngoái, Altman đã bị hội đồng quản trị công ty sa thải trong thời gian ngắn với lý do mất niềm tin và được đưa trở lại vị trí CEO dưới áp lực từ Microsoft.

Musk cũng thừa nhận cuộc chiến chi tiêu để tài trợ cho sự phát triển của các công ty AI, gần đây ông cho biết sẽ cần "ít nhất một tỷ USD và năm tới có lẽ con số này sẽ lên tới hàng chục tỷ USD".

Altman thì từng giải thích rằng chi phí đằng sau việc tạo ra công nghệ là điều đòi hỏi sự phát triển của OpenAI với tư cách là một tổ chức ngoài việc trở thành một tổ chức phi lợi nhuận đơn giản.

OpenAI kết luận rằng họ không được trang bị để hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận vì nó trở nên quá tốn kém so với lượng năng lượng máy tính cần thiết để đào tạo phần mềm bắt chước cách suy nghĩ của con người.

"Không ai muốn tài trợ cho việc này dưới bất kỳ hình thức nào", Altman nói với The Wall Street Journal năm ngoái. "Đó thực sự là một khoảng thời gian khó khăn".

Giải pháp là tạo ra một nhánh vì lợi nhuận. Cấu trúc này cho phép Altman huy động được hàng tỷ USD mà anh tin là cần thiết để thực hiện sứ mệnh, bao gồm các cam kết lên tới 13 tỷ USD từ Microsoft, mang lại cho gã khổng lồ công nghệ 49% cổ phần trong thu nhập của chi nhánh vì lợi nhuận của OpenAI.

Và Musk không phải là người duy nhất khẳng định nền tảng đạo đức cao cả. Altman cũng đã trình bày những nỗ lực của mình theo cách tương tự, lo lắng về điều gì có thể xảy ra nếu AI được triển khai một cách liều lĩnh.

Có lẽ, cả hai người đàn ông đều không ngạc nhiên về điều đó. Lĩnh vực AI đang phát triển đầy rẫy những suy nghĩ nhức nhối, bao gồm cả một câu hỏi kiểu: Liệu AI có giống với hình ảnh của người tạo ra nó không?

Đó là một cuộc tranh luận được Musk hoan nghênh.

"Nếu điều đó là sự thật, bạn muốn AI được tạo ra theo hình ảnh của ai?" Musk đã hỏi vào tháng trước. "Mọi người nên suy nghĩ về điều đó".

Dự luật chi tiêu mới của Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc mua dầu từ Kho Dự trữ chiến lược

Dự luật tài trợ kinh phí của Mỹ được công bố ngày 3/3 có thể sẽ có điều khoản ngăn chặn Trung Quốc mua dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này.

Các nhà đàm phán tại Quốc hội Mỹ ngày 3/3 đã công bố dự luật dài 1.050 trang về việc tài trợ kinh phí hoạt động cho một số cơ quan chính phủ mà Quốc hội chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí. Kế hoạch tài trợ cho các cơ quan tiếp theo dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu về dự luật này đầu tiên trước khi Thượng viện bỏ phiếu trước ngày 8/2.

Vấn đề bán dầu từ kho SPR cho Trung Quốc đã nóng lên sau khi Tổng thống Joe Biden năm 2022 thông báo bán 180 thùng dầu từ kho SPR để kiềm chế giá xăng thời điểm đó tăng mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Năm đó, SPR đã bán 1 triệu thùng dầu cho UNIPEC America, một công ty con của Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) có trụ sở ở Houston. Vào năm 2017, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, SPR cũng đã bán một lượng dầu cho PetroChina International, công ty con của Tập đoàn dầu khí PetroChina Co Ltd. của Trung Quốc.

SPR hiện đang có hơn 360 triệu thùng dầu, gần mức thấp nhất 40 năm qua do đợt bán ra vào năm 2022. Tháng Bảy năm ngoái, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm cấm xuất khẩu dầu từ kho SPR sang Trung Quốc. Các công ty dầu của Mỹ đã bán 83 triệu thùng dầu sang Trung Quốc trong năm 2022.

Bầu cử sơ bộ Mỹ: Ông Trump nhận thất bại tại Washington DC

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã có chiến thắng đầu tiên trước cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Washington DC.

Theo Reuters, trong ngày 3/3, bà Nikki Haley đã có chiến thắng đầu tiên trong cuộc đua trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, sau khi đánh bại ông Donald Trump tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở thủ đô Washington DC.

Kết quả kiểm phiếu cho biết, bà Haley đã giành được 62,9% số phiếu bầu, trong khi con số của ông Trump là 33,2%. Chiến thắng này là cú hích quan trọng cho nữ cựu Đại sứ trước ngày "Siêu thứ Ba" (5/3), khi 15 bang và 1 vùng lãnh thổ của Mỹ sẽ cùng tiến hành vòng bầu cử sơ bộ.

"Sau tất cả những sự hỗn loạn mà ông Trump mang lại, không có gì đáng ngạc nhiên khi những cử tri Cộng hòa ở Washington lại ủng hộ bà ấy", đại diện chiến dịch tranh cử của bà Haley cho biết.

Trên thực tế, ông Trump chưa bao giờ được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở Washington DC. Vào năm 2016, cựu Tổng thống chỉ về thứ 3 tại bang này. Đến năm 2020, ông Trump lại thất bại trước đương kim Tổng thống Biden tại thủ đô.

Theo Reuters, dù đã có thắng lợi đầu tay tại Washington DC, nhưng bà Haley vẫn đang đứng trước nhiệm vụ gần như bất khả thi. Cách đây 1 ngày, ông Trump giành chiến thắng liên tiếp trong cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang Missouri, Michigan và Idaho.

Những chiến thắng liên tiếp đã giúp cựu Tổng thống Mỹ nhận được 247 số phiếu đại biểu trước ngày "Siêu thứ Ba", gấp nhiều lần số phiếu đại biểu của bà Haley. Để trở thành đại diện tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa, một ứng viên cần phải nhận được 1.215 phiếu đại biểu.

Ở thời điểm hiện tại, các kênh truyền thông lớn của Mỹ đều dự đoán ông Trump sẽ thắng áp đảo trong đợt bầu cử sơ bộ tại 16 bang trong tuần này. Một số chuyên gia còn nhận định rằng ông Trump sẽ "chốt" vị trí ứng viên của mình muộn nhất là vào giữa tháng 3.

Tương lai khó lường với bà Haley nếu thua Trump

Tăng cường chỉ trích Trump, bà Haley đối mặt nguy cơ bị cựu tổng thống và đông đảo thành viên đảng Cộng hòa ruồng rẫy nếu bị đánh bại trong vòng sơ bộ.

Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, vừa hứng chịu loạt thất bại liên tiếp trước đối thủ Donald Trump trong vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa, khi để thua tại ba bang gồm Michigan, Idaho và Missouri trong ngày 2/3. Những chiến thắng này đưa ông Trump đến gần hơn với tấm vé đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, trong khi triển vọng với bà Haley trở nên mờ mịt hơn.

Bà Haley đã tăng cường chỉ trích ông Trump trong những tuần gần đây, khi cuộc đua vòng sơ bộ tăng nhiệt. Bà cũng tuyên bố sẽ không bỏ cuộc cho tới ít nhất Siêu thứ ba vào 5/3, ngày 16 bang và vùng lãnh thổ Mỹ đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để bà Haley tiếp tục nuôi hy vọng đánh bại ông Trump.

Khi phóng viên gần đây hỏi liệu bà có ý định tiếp tục chỉ trích hướng đi của đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump dù rời cuộc đua sau Siêu thứ ba hay không, bà Haley khựng lại.

"Tôi không biết", bà nói. "Ý tôi là tôi chưa nghĩ tới điều đó".

Haley lập luận rằng đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump đang trong tình trạng tồi tệ và không thể mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà không chắc liệu có tiếp tục cuộc tranh đấu vì đảng Cộng hòa sau khi dừng cuộc đua tranh đề cử hay không.

Các ứng viên thua cuộc trong vòng sơ bộ thường đối mặt thời gian rất khó khăn sau đó. Nhiều người từ bỏ chính trị, chìm dần vào quên lãng, phục vụ trong các hội đồng quản trị công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận, hay tham gia lĩnh vực truyền thông.

Tuy nhiên, tương lai của bà Haley trong đảng Cộng hòa thậm chí còn bấp bênh hơn nếu thua cuộc trước Trump. Sau khi mô tả Trump hoàn toàn không phù hợp với vai trò tổng thống và rời khỏi thế giới MAGA (phong trào Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), tương lai chính trị của bà Haley sẽ phải phụ thuộc vào việc ông Trump có sẵn sàng tha thứ cho bà hay không.

"Nếu thua, bà ấy sẽ cần nhận được sự ủng hộ của ông Trump để hồi sinh vị thế trong đảng Cộng hòa", Jason Roe, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ Marco Rubio, nói.

Roe cho rằng Haley vẫn còn cơ hội hàn gắn quan hệ với Trump, nếu cựu thống đốc Nam Carolina bày tỏ ủng hộ và lòng trung thành với cựu tổng thống. "Nếu bà ấy tiếp tục chỉ trích ông Trump hậu tranh cử, tôi nghĩ bà ấy sẽ có kết cục giống Liz Cheney", Roe nói, đề cập tới nữ nghị sĩ bị khai trừ khỏi đảng Cộng hòa và mất ghế trong quốc hội vì chỉ trích ông Trump.

Cựu cố vấn Roe cho rằng nếu Haley chọn ủng hộ ông Trump, tương lai của bà có thể rộng mở khi nhận được hậu thuẫn từ cơ sở đảng Cộng hòa. "Đó không phải cuộc sống tồi tệ, mà ngược lại có rất nhiều lợi lộc. Giải khuyến khích giành cho bà ấy không tệ chút nào", Roe nói.

Động lực để bà Haley ở lại đường đua đang biến mất và cựu thống đốc Nam Carolina chỉ cam kết tiếp tục vận động cho đến Siêu thứ ba. Ngay cả với kịch bản ông Trump bất ngờ rời đường đua, rất ít đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng bà Haley sẽ là lựa chọn của đa số đại biểu tại một đại hội toàn quốc nhiều tranh cãi của đảng.

Haley đã không ngừng chỉ trích Trump, thậm chí tỏ ra kích động hơn cả cựu tổng thống và thế giới MAGA của ông. Song lần lượt bang này tới bang khác, các cử tri Cộng hòa đều chọn Trump.

"Bà ấy đã tự bắn vào chân mình", Andy Sabin, nhà tài trợ nổi tiếng của đảng Cộng hòa từng ủng hộ bà Haley, nói. Sabin cho rằng Haley đáng lẽ nên rời cuộc đua ngay sau khi thua ở New Hampshire và gọi bà là "kẻ tham lam bị trừng phạt".

"Tôi đoán có rất nhiều người đều nói giống tôi rằng 'bà ấy đang cố chứng minh điều gì chứ?'. Bà ấy tranh cử ở Michigan và để thua với cách biệt 40 điểm phần trăm", ông nói.

Mike Murphy, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa, cũng cho rằng Haley nên rời cuộc đua sớm. "Nếu ở lại lâu hơn, bà ấy sẽ rơi vào tình huống như Chris Christie", Murphy nói, đề cập tới cựu thống đốc New Jersey đã rời đường đua tranh cử hồi tháng 1 sau khi trở thành người mạnh mẽ chỉ trích ông Trump.

Trước khi thông báo rời cuộc đua, Christie dự đoán rằng Haley sẽ "thảm bại" khi cố giành vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Haley phản đối bất kỳ so sánh nào giữa bà với Christie. "Tôi không chống Trump. Nếu tôi làm điều đó, tôi đã là Christie", bà nói.

Rob Godfrey, cựu trợ lý của Haley, hy vọng sau khi kết thúc cuộc đua, bà dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và trở lại đấu tranh cho các sáng kiến chính sách sau một thời gian dồn sức cho vận động tranh cử. Bà Haley sẽ phải quyết định liệu có muốn dành thời gian còn lại của năm để vận động cho các ứng viên hoặc Trump hay không.

"Bà ấy chưa từng thua cuộc trước đây và phải xem liệu người đánh bại bà có phải là người mình muốn làm việc cùng hay không. Tôi nghĩ khoảng thời gian thư giãn và suy ngẫm sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử sơ bộ có thể kéo dài hơn một chút đối với Haley", Godfrey nói.

Nhiều nhà quan sát cho rằng kịch bản tốt nhất với Haley là ông Trump sẽ thua đối thủ đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden, trong cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2024, Haley nhiều khả năng sẽ bị đảng ruồng bỏ. Bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào từng chỉ trích Trump đều phải chịu số phận tương tự.

Lợi ích duy nhất mà Haley có thể giành được nếu tiếp tục chiến dịch tranh cử có thể là bước chuyển đổi nghề nghiệp để không còn là thành viên đảng Cộng hòa, theo Joe Walsh, cựu nghị sĩ từng thách thức ông Trump trong cuộc đua sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2020. Walsh đã thông báo rời đảng sau khi tranh cử tổng thống.

"Đảng sẽ không còn chỗ cho bà ấy vào năm 2028, bởi cơ sở của đảng sẽ không thay đổi so với bây giờ", ông nói.

Cựu thống đốc Minnesota Tim Pawlenty, người từng tham gia vòng tranh cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2012, hy vọng "Trump sẽ đề nghị bà Haley trở thành phó tướng". Tuy nhiên, kịch bản này là điều cả Trump và Haley thừa nhận khó có thể xảy ra.

Pawlenty lạc quan hơn về tương lai của bà Haley hậu tranh cử. "Chiến dịch của bà ấy đã vượt mong đợi và giúp bà có thể đứng trong hàng ngũ các ứng viên yêu thích cho năm 2028. Nếu muốn giữ cơ hội đó, bà ấy nên dành phần lớn thời gian trong 4 năm tới để duy trì và mở rộng mạng lưới hoạt động, cũng như cải thiện hình ảnh chính trị", ông nói.

Mitt Romney là một ví dụ. Ông đã từ bỏ chiến dịch tranh đề cử ngay sau sự kiện Siêu thứ ba năm 2008 và sau đó trở thành ứng cử viên của đảng vào năm 2012. Sau chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, Romney và đội ngũ của ông đã cố gắng giữ mối liên hệ với các lãnh đạo đảng cùng các nhà hoạt động trên khắp nước Mỹ, theo Kevin Madden, cựu cố vấn chiến dịch của Romney.

"Tôi hy vọng Haley có cách tiếp cận tương tự. Chiến dịch là một cuộc đầu tư đáng giá đối với hồ sơ chính trị của Nikki Haley", Madden nói. "Tôi hiếm khi nói điều gì chắc chắn trong chính trị vì nó là lĩnh vực rất biến động. Nhưng Nikki Haley sẽ trở thành tổng thống vào một ngày nào đó".

Nguồn: CafeF; Bnews; Vietnamnet; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang