Mỹ: Dịch vụ ngắm nhật thực; Ngành dầu mỏ hưởng lợi; Người trẻ không thích ngồi bàn giấy; Trump & 'lá bài' nhập cư; Bộ ba tái ngộ

DỊCH VỤ NGẮM NHẬT THỰC “BỘI THU” TẠI MỸ

Nhật thực toàn phần đi qua Bắc Mỹ vào ngày 8/4 tới đây được đánh giá là lần nhật thực tuyệt vời nhất trong hàng trăm năm qua.

Người dân ở Mỹ sẽ có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần với bóng tối bao trùm bầu trời ban ngày vào ngày 8/4 tới. Lần cuối cùng nhật thực toàn phần dài như vậy xảy ra ở Bắc Mỹ là ngày 16/6/1806, kéo dài tới 4 phút 55 giây. Phải đến tháng 8/2044, người Mỹ mới được đón một "siêu nhật thực" như năm nay. Đó cũng chính là lý do hàng triệu người dân Mỹ sẵn sàng móc hầu bao để được chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn thú vị hiếm hoi này.

Cho đến nay, các khách sạn đã cháy vé, các lễ hội hoạt động hết công suất và người dân địa phương đang lên kế hoạch tổ chức một số sự kiện đường phố đông đúc chưa từng có.

Công viên giải trí Six Flags Over Texas sẽ tổ chức bữa tiệc ngắm "Tàu lượn năng lượng mặt trời". Hãng du thuyền Holland America có Chuyến du ngoạn Nhật thực Mặt trời kéo dài 22 ngày. T.E.I. Tours and Travel đang tổ chức các chuyến bay riêng dọc theo đường đi của nhật thực với giá 9.750 USD/người.

Từ những chuyến tàu có giá gần 4.000 USD, cho tới các phòng khách sạn được niêm yết ở mức 1.600 USD/đêm, các nhà kinh doanh đang kiếm bộn tiền nhờ hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Không chỉ dừng lại ở phòng trọ khách sạn, những chuyến nghỉ dưỡng trên du thuyền đắt đỏ cũng được giới thượng lưu ưa chuộng. Một chuyến du thuyền cổ dự kiến sẽ đưa du khách từ thành phố New York, Mỹ đến thác Niagara, địa điểm lý tưởng ngắm nhật thực. Giá vé của chuyến tàu này lên tới xấp xỉ 4.000 USD/người (tương đương gần 100 triệu đồng).

Sau quãng thời gian khó khăn từ đại dịch COVID-19, với nhiều người Mỹ, họ sẵn sàng chi trả số tiền lớn để lưu giữ những trải nghiệm đáng nhớ.

Ông Ray Perryman, một nhà kinh tế ở Waco, Texas, nơi dự kiến ​​sẽ thu hút lượng du khách lớn nhất dự đoán bang này có thể bỏ túi 428 triệu USD chi tiêu liên quan đến nhật thực. Quận Johnson dự báo doanh thu tăng thêm lên tới 25 triệu USD, trong khi Rochester, con số dự kiến khoảng 10 triệu USD. Du lịch nhật thực dự kiến sẽ thúc đẩy một đợt bùng nổ chi tiêu khác.

Đường đi của nhật thực toàn phần năm 2024 sẽ khởi điểm từ Mexico, vòng về phía Đông Bắc từ tiểu bang Texas đến Ohio (Mỹ) rồi đến Canada và quay trở lại Maine (Mỹ). Trong thời gian nhật thực, Mặt Trăng sẽ nằm thẳng hàng giữa Trái Đất và Mặt Trời, che khuất ánh Mặt Trời.

CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT NGA GIÚP NGÀNH DẦU MỎ MỸ HƯỞNG LỢI

Ấn Độ đã bắt đầu mua thêm dầu từ Mỹ trong bối cảnh Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải Sovcomflot của Nga.

Các công ty dầu mỏ của Mỹ đã trở thành đối tượng hưởng lợi chính từ cuộc chiến trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga, tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 1/4 đưa tin.

Mỹ cũng được hưởng lợi từ chính sách giảm sản lượng dầu, nhờ đó các nước tham gia thỏa thuận của OPEC+ duy trì được giá thế giới ở mức cao. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak xác nhận nước này sẽ giảm sản lượng dầu trong quý 2/2024 để phù hợp với mức cắt giảm ở các nước OPEC+ khác.

Hiện tại, dầu của Mỹ đang thay thế nguồn cung "vàng đen" từ các nước OPEC+. Trong tháng 4 này, Ấn Độ sẽ nhận được lô hàng dầu lớn nhất từ ​​Mỹ sau khi thắt chặt lệnh trừng phạt đối với các nhà cung cấp Nga.

Xuất khẩu dầu của Mỹ đã lập 5 kỷ lục mới hàng tháng kể từ khi các nước phương Tây bắt đầu áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt mới chống Nga. Ngoài ra, do việc nối lại các hạn chế thương mại đối với Venezuela, dầu của Mỹ đang nhanh chóng thay thế dầu Nga cung cấp cho Ấn Độ, quốc gia cho đến nay vẫn là một trong những nước mua dầu lớn nhất từ ​​Nga và Venezuela, Bloomberg đưa tin.

Sự thay đổi này nhấn mạnh mức độ mà các biện pháp trừng phạt đã giúp Mỹ giành được thị phần dầu mỏ trên toàn thế giới. Nguồn cung dầu của Mỹ sang châu Âu và châu Á cũng tăng mạnh, biến Mỹ trở thành một trong những nước xuất khẩu "vàng đen" lớn nhất thế giới. Trên thực tế, các nhà cung cấp dầu của Mỹ đang thâm nhập vào những thị trường truyền thống của OPEC+ trên toàn thế giới.

Các biện pháp trừng phạt chống Nga không phải là lý do duy nhất khiến xuất khẩu dầu của Mỹ ngày càng chiếm ưu thế. Kể từ tháng 3/2020, Saudi Arabia, Nga và các nhà xuất khẩu khác đã đồng ý giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Thỏa thuận này trong OPEC+ đã tạo ra một tình huống đặc biệt cho các công ty Mỹ, vì họ có thể tận dụng cùng lúc hai yếu tố thuận lợi - giá dầu cao và nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới. Các quan chức của Bộ Năng lượng Nga xác nhận thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong OPEC+ trên thực sự làm giảm thị phần của Nga, Saudi Arabia và những nước OPEC+ khác trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Gary Ross, nhà quản lý quỹ phòng hộ tại Black Gold Investor LLC, cho biết: “Sản lượng của Mỹ đang tăng lên trong khi sản lượng của OPEC và Nga đang giảm, do đó, theo logic, Mỹ sẽ có thị phần lớn hơn”.

Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba và là khách hàng mua dầu lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc. Nhưng tại thị trường Ấn Độ cũng đang chứng kiến ​​sự mở rộng của dầu mỏ Mỹ. Theo công ty dữ liệu Kpler, các chuyến hàng của Mỹ đến Ấn Độ trong tháng 3 tăng lên mức cao nhất trong gần một năm. Đồng thời, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã giảm khoảng 800 nghìn thùng mỗi ngày so với mức cao nhất của năm ngoái, Bloomberg đưa tin.

Nguồn cung từ Nga đến Ấn Độ có thể còn giảm hơn nữa do các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không còn nhận hàng từ các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Sovcomflot PJSC thuộc sở hữu nhà nước Nga, vốn gần đây đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Và tại châu Âu, nơi đã giảm mua dầu của Nga sau năm 2022, nguồn cung từ Mỹ đạt kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày, Bloomberg tính toán. Nguồn cung dầu của Mỹ sang Pháp đã tăng gần 40% từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi nhập khẩu dầu từ Mỹ vào Tây Ban Nha tăng 134%.

Tuy nhiên, nguồn cung từ Mỹ không thể thay thế hoàn toàn dầu Nga do khác biệt về chất lượng dầu và thời gian vận chuyển. Matt Smith, nhà phân tích tại Kpler cho biết: “Nhưng chắc chắn sẽ có thay đổi theo hướng gia tăng nhập khẩu dầu từ Mỹ”.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Bộ Năng lượng Mỹ, các công ty dầu mỏ của nước này năm 2023 đã lập kỷ lục lịch sử về xuất khẩu dầu - trung bình 4,1 triệu thùng/ngày, phần lớn được chuyển đến châu Âu.

SỐC: GIỚI TRẺ MỸ THÍCH LÀM LAO ĐỘNG TAY CHÂN HƠN NGỒI BÀN GIẤY

Mức lương tăng và nhu cầu tuyển dụng cao ở các nghề đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật như thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ hàn…đang thu hút nhiều thanh niên Mỹ giữa lúc họ đang cảm thấy bi quan về lợi ích của con đường đại học.

Hình ảnh những nghề “lấm len” đã thay đổi

Nước Mỹ từ lâu chứng kiến khủng hoảng thiếu lao động trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật một phần vì định kiến đây là những công việc lấm len, cấp thấp. Nhưng lương tăng và công nghệ mới đang giúp thay đổi hình ảnh trong các lĩnh vực từ hàn đến gia công cơ khí. Bên cạnh đó, sự hoài nghi ngày càng tăng về lợi ích của giáo dục đại học với chi phí tăng vọt trong những thập niên gần đây, đang làm tăng thêm sức hấp dẫn của các lĩnh vực này.

Tại Mỹ, số lượng tuyển sinh của các chương trình đào tạo nghề đang tăng lên, trong khi tổng số tuyển sinh vào các trường đại học 4 năm đang giảm. Số sinh viên đăng ký vào các trường đại học cộng đồng chuyên đào tạo nghề với chương trình kéo dài 2 năm tăng 16% vào năm ngoái. Con số này ghi nhận mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào 2018. Số sinh viên theo học nghề xây dựng tăng 23% trong thời gian đó. Các chương trình đào tạo bảo dưỡng và sửa chữa ô tô cũng như hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) ghi nhận số lượng sinh viên tăng 7%.

“Đó là một con đường nghề nghiệp thực sự khôn ngoan dành cho những bạn trẻ không háo hức vào đại học”, Tanner Burgess (20 tuổi), người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ thuật hàn kéo dài 9 tháng vào mùa thu năm ngoái chia sẻ.

Ban đầu, Burgess nghĩ sẽ theo học đại học. Nhưng anh bắt đầu nhận thấy con đường này kém hấp dẫn hơn khi chứng kiến bố mẹ đều là nhân viên công nghệ và nhìn chằm chằm vào máy tính cả ngày trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Kể từ đó, anh không còn hào hứng với việc vào đại học, để rồi suốt đời ngồi trước màn hình máy tính.

Sau khi nghiên cứu các nghề kỹ thuật, Burgess quyết định theo đuổi nghề hàn. “Tôi nghĩ công việc này thật tuyệt vời vì phát ra rất nhiều tia lửa. Tôi cảm thấy thật mãn nguyện vào cuối ngày với cảm giác hoàn thành một công việc cụ thể”, Burgess nói.

Điều quan trọng hơn, anh nhận thấy nghề thợ hàn có triển vọng thu nhập tăng trưởng đều đặn. Dựa vào dữ liệu trong ngành anh ước tính, sau 5 năm mức nhập hàng năm của nghề hàn sẽ lên mức sáu con số.

Thu hút thanh niên nhờ lương tăng

Tại Mỹ, đội ngũ thợ lành nghề đang thiếu hụt ra khi thế hệ thợ điện, thợ ống nước, thợ hàn và thợ mộc lớn tuổi nghỉ hưu. Điều này đẩy chi phí lao động trong các lĩnh vực này tăng mạnh.

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ trả lương ADP, mức lương trung bình để tuyển dụng công nhân xây dựng mới tăng 5,1% lên 48.089 đô la Mỹ/năm vào năm ngoái. Ngược lại, những người mới được tuyển dụng trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp kiếm được 39.520 đô la/năm, tăng 2,7% so với năm 2022.

Nhu cầu thực tập sinh ở các nghề kỹ thuật bùng nổ trong những năm gần đây ở Mỹ. Điều này cho phép thanh niên Mỹ tích lũy kinh nghiệm làm việc thông qua một khóa đào tạo thường được nhà tuyển dụng chi trả.

Trong một cuộc khảo sát với những người ở độ tuổi trung học và đại học cộng đồng do hãng phần mềm Jobber thực hiện năm ngoái, 75% cho biết sẽ quan tâm đến các trường dạy nghề cung cấp chương trình đào tạo tại chỗ (đào tạo trực tiếp dựa trên công việc thực tế tại nơi làm việc) có trả lương.

Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang thay đổi các cân nhắc nghề nghiệp của nhiều thanh niên Mỹ. Phần lớn những người được Jobber khảo sát cho rằng, nhờ sự phát triển của AI, công việc “cổ cồn xanh” (chủ yếu làm việc tay chân ở các không gian ngoài trời) mang lại sự đảm bảo thu nhập tốt hơn so với công việc “cổ cồn trắng” (chủ yếu làm việc trên máy tính ở văn phòng).

Gần 80% số người được hỏi trong khảo sát của Jobber cho biết, bố mẹ muốn họ vào đại học. Những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ đại học thường kiếm được thu nhập cao hơn theo thời gian. Hiện nay, những người làm trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh kiếm được trung bình 78.500 đô la Mỹ/năm so với 69.200 đô la trong lĩnh vực xây dựng.

Theo Steve Schneider, cố vấn tại một trường trung học ở bang Wisconsin, trong nhiều năm, học sinh xem lớp học nghề là nơi quy tụ những thanh niên ăn chơi và gây rối. Ngoài ra, các thiết bị gia công kim loại và gỗ lạc hậu thường thấy ở các lớp học cũng làm giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã gây quỹ và tặng thiết bị mới, bao gồm cả cánh tay robot cho các trường nghề.

“Vẫn tồn tại giả định rằng đại học 4 năm là tiêu chuẩn vàng, nhưng hiện nay không cần tốn nhiều công sức để thuyết phục mọi người tin tưởng vào các lựa chọn giáo dục khác”, Schneider nói.

Những người làm trong ngành nhìn chung có quan điểm tích cực về nghề nghiệp của họ. Một cuộc khảo sát năm ngoái với những người lao động kỹ thuật lành nghề cho thấy 94% sẽ khuyến khích con cái nối nghiệp họ.

Xu hướng trẻ hóa đội ngũ “thợ”

Michael McGraw, CEO của Hiệp hội các nhà thầu thiết bị điều hòa ở bang Pennsylvania (PAPHCC) cho biết, tại Pennsylvania, các ngành nghề kỹ thuật tiếp nhận ​​một lượng lớn lao động kể từ sau đại dịch. Cách đây 5 năm, sinh viên tốt nghiệp trường nghề do PAPHCC điều hành kiếm được 35.000 đô la/năm. Hiện tại, mức lương đó đã lên tới mức 60.000 đô la/năm. Số lượng sinh viên đăng ký vào các trường nghề của PAPHCC, nơi học phí khoảng 3.000 đô la/ một năm,đang tăng lên nhanh chóng.

“Sau đại dịch Covid, có vẻ như nhiều người nhận ra nghề kỹ thuật là một con đường sự nghiệp ổn định. Điều này được xác nhận khi các doanh nghiệp khác đóng cửa trong thời kỳ dịch bệnh, các công việc kỹ thuật có tay nghề cao vẫn có nhu cầu lớn và được trả lương cao”, McGraw nói .

Trong nhiều nghề kỹ thuật ở Mỹ, số lượng lao động đang tăng lên trong khi độ tuổi trung bình của họ giảm xuống.

Theo Michael Krupnicki, Chủ tịch Hiệp hội hàn Mỹ (AWS), nhiều trường nghề chứng kiến số lượng tuyển sinh đầy đủ trong các chương trình dạy hàn. Một nghiên cứu mới của Công ty phân tích lao động Burning Glass Institute và Strada Education Foundation cho thấy, khoảng một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ đang làm những công việc không cần bằng cử nhân. Trong khi đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp phổ thông trung học nói rằng, họ không muốn gánh nợ để theo đuổi con đường đại học.

“Không phải ai cũng cần bằng cấp đại học và bằng cấp sẽ không còn giá trị nếu ai cũng có”, George Belcher (18 tuổi) học sinh trung học cuối cấp ở thành phố Houston nói.

Belcher từ lâu vẫn nghĩ rằng anh sẽ bước vào trường đại học. Nhưng gần đây, anh ngày càng tò mò về lĩnh vực dầu mỏ, nơi bố anh làm việc. Mùa thu này, Belcher sẽ đăng ký vào trường nghề với chi phí 14.000 đô cho chương trình học hai năm. Anh dự định sẽ làm việc trên một giàn khoan dầu ngoài khơi sau khi tốt nghiệp.

Peter Callan, CEO của Công ty dịch vụ năng lượng Lantern Energy ở bang Connecticut cho biết, trong năm qua, ông chứng kiến càng nhiều người nộp đơn xin việc làm kỹ thuật viên. Tổng số đơn xin việc mà công ty nhận được tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua.

Trong khi đó, Ashley Brown, giám đốc tuyển dụng của Rust Belt Recruiting, chuyên tuyển dụng các kỹ thuật viên lành nghề ghi nhận, việc tuyển dụng các vai trò như thợ máy, thợ hàn và một số kỹ thuật viên bảo trì đã trở nên dễ dàng hơn trong một năm rưỡi qua.

Số lượng thợ mộc ở Mỹ đã tăng lên trong thập niên qua, trong khi độ tuổi trung bình của họ giảm từ 42,2 xuống 40,9. Điều này cũng tương đồng với thợ điện khi số lượng nhân công tăng thêm 229.000 người trong cùng giai đoạn và độ tuổi trung bình của họ giảm 2,9 tuổi. Các nghề kỹ thuật khác, chẳng hạn như thợ sửa ống nước, hệ thống sưởi, thông gió và điều hóa không khí, cũng có xu hướng trẻ hóa.

Brown cho biết, hiện tại những công việc đòi hỏi tay nghề cao khó tuyển dụng nhất là những công việc yêu cầu bằng đại học. Chẳng hạn như kỹ sư điều khiển, một vai trò đòi hỏi kiến thức sản xuất cũng như kỹ năng lập trình robot, cùng với kinh nghiệm thực tế phong phú.

LÁ BÀI NHẬP CƯ GIÚP TRUMP TĂNG TỐC

Nhập cư là một vấn đề "nóng" được đưa ra trong cuộc bầu cử năm nay, khi cả hai ứng viên Tổng thống đều đang cố gắng “tấn công” vào những sai lầm trong chính sách của đối phương. Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump đang tạo nên tiếng vang lớn trong lần tái xuất này với quan điểm nhập cư cứng rắn hơn hẳn đối thủ Joe Biden.

Ông Biden mềm mỏng với dân nhập cư, ông Trump cứng rắn

Vốn có quan điểm nhập cư mềm mỏng, ông Joe Biden được cho là đã “mở rộng vòng tay” với những người nhập cư. Từ tháng 10/2022, chính quyền ông Biden đồng ý tiếp nhận những người xin tị nạn từ Venezuela đã vượt qua bài kiểm tra lý lịch và có ít nhất 1 người bảo lãnh đang sinh sống tại Mỹ. Hiện nay, những người di cư từ các nước khác trong khu vực Mỹ-Latin đủ điều kiện cũng sẽ được hưởng "đặc ân" tương tự, với ước tính khoảng 30.000 người/tháng. Tổng thống Joe Biden kỳ vọng chính sách này sẽ giảm tải cho hệ thống kiểm soát biên giới đang bị kéo căng của Mỹ.

Quan điểm bảo vệ người nhập cư cũng được ông Biden đưa ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, thể hiện sự đối lập với quan điểm bài xích của đối thủ Trump. Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden đã phát động một chiến dịch quảng cáo trị giá 30 triệu USD nhắm mục tiêu đến khán giả người Latin ở các bang dao động quan trọng, bao gồm một quảng cáo bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cho thấy ông Donald Trump đã gọi những những người nhập cư Mexico là “tội phạm” và “những kẻ hiếp dâm”.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Tổng thống, ông Kevin Munoz, công khai chỉ trích cựu Tổng thống: "Ông Trump là một kẻ dối trá. Chúng tôi sẽ đảm bảo cử tri sẽ biết điều đó vào tháng 11 này.”

Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, đội ngũ vận động tranh cử của cựu Tổng thống đã nhanh chóng đáp trả bằng một video có nội dung liên quan đến những người nhập cư vào Mỹ được cho là có nguồn gốc từ các nước Cameroon, Afghanistan và Trung Quốc. Những phân đoạn bạo lực kinh hoàng được thực hiện bởi người nhập cư đặt song song với hình ảnh người dân xứ sở cờ hoa tươi cười vẫy tay trong khi đang khoác lên mình quốc kỳ Mỹ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri.

“Hàng ngàn người đang cố gắng vượt biên vào Mỹ. Chúng tôi phải bảo vệ biên giới và khôi phục lại chủ quyền cho nước Mỹ”, ông Trump phát biểu trong đoạn video.

Từ trước đến nay, ông Donald Trump vẫn luôn giữ nguyên quan điểm cứng rắn trong vấn đề nhập cư, nhấn mạnh nguy cơ an ninh gây ra bởi những tội phạm không có quốc tịch Mỹ. Đánh thẳng vào ranh giới mong manh nhưng sâu sắc về sự khác biệt chủng tộc trong lòng người dân, thông điệp lần này của cựu Tổng thống đã tạo nên tiếng vang lớn. Một lần nữa, khẩu hiệu “Xây bức tường” (Build the Wall) – từng được ông Trump đưa ra trong chính sách ngăn chặn dân di cư vượt biên vào Mỹ hồi năm 2015, lại được hô vang bởi những người ủng hộ trung thành của ông.

Ông Trump dự kiến sẽ nói về chính sách nhập cư tại các cuộc vận động tranh cử ở hai bang chiến địa Wisconsin và Michigan trong tuần này. Cựu tổng thống đã gọi số vụ bắt giữ cao kỷ lục gần đây đối với những người vượt biên trái phép là một “cuộc xâm lược” do đảng Dân chủ dàn dựng, đồng thời lên tiếng cáo buộc đối thủ Biden đã cố tình cho phép tội phạm và những kẻ khủng bố tiềm năng vào đất nước mà không bị kiểm soát.

Ông Trump đang dẫn trước?

Hiện nay, chính quyền ông Joe Biden đang tỏ ra lúng túng trước vấn đề nhập cư. Trong tuần đầu tiên lên nắm quyền tại Nhà Trắng, đương kim Tổng thống đã cho dừng việc xây dựng các bức tường biên giới Mỹ-Mexico được bắt đầu bởi người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, một bức tường dài 32km chạy dọc bang Texas, liền kề với Mexico lại được chính quyền ông Biden cấp phép xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép tại khu vực này, cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách nhập cư của Tổng thống.

Chính điều này đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ đảng Dân chủ về khả năng ổn định tình hình biên giới của ông Biden. Thậm chí, một cuộc thăm dò gần đây của hãng tin AP cho thấy, nhiều người trong đảng Dân chủ lại quay ra ủng hộ thông điệp biên giới của ông Trump.

Nhiều cử tri cũng lo ngại rằng cơn khủng hoảng nhập cư lần này sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội và tỉ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 45% người Mỹ đánh giá tình hình biên giới hiện nay là “bất ổn”.

Nằm trong số 45% người Mỹ đang thất vọng, bà Vetress Boyce, một nhà hoạt động xã hội tại Chicago, cho rằng đảng Dân chủ đã đi sai hướng. Theo bà, Tổng thống Mỹ nên đầu tư cho vào chính người Mỹ, thay vì tập trung vào nhưng những người mới đến.

“Những người vượt biên muốn thoát khỏi đói nghèo ở quê hương và đến đây vì “giấc mơ Mỹ”, nhưng họ không biết rằng chính người Mỹ cũng đang phải chịu đựng tình cảnh đói nghèo. Ngày càng có nhiều người nghèo đến Mỹ và đây thực sự là một thảm họa”, bà Boyce nói.

Ông Donald Trump từng là tổng thống ít được yêu thích nhất và bị gần 2/3 người dân Mỹ chỉ trích vào thời điểm ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, khi tình hình nhập cư trái phép ngày càng trở nên nghiêm trọng, cuộc thăm dò mới nhất của tờ New York Times vào cuối tháng 3 lại cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Trump đạt 44%, cao hơn đối thủ Joe Biden tới 6%.

Ông Trump đã thành công gãi đúng "chỗ ngứa" của người Mỹ. Nhiều người hi vọng chính sách nhập cư của ông Trump sẽ giúp cải thiện tình trạng bất ổn hiện nay, trong trường hợp ông có thể quay lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.

BỘ BA MỸ - NHẬT - HÀN TÁI NGỘ

Cuộc gặp cấp cao ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc năm nay sẽ diễn ra ở Washington (Mỹ) ngay sau cuộc gặp cấp cao thường niên của NATO cũng được tổ chức ở Washington vào tháng 7 tới.

Lần thứ ba, thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Hàn Quốc được NATO mời tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên của khối này. Ở lần gặp gỡ cấp cao ba bên năm ngoái tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol không những chỉ ký thỏa thuận về thành lập liên minh an ninh ba bên, mà còn nhất trí tiến hành hằng năm gặp gỡ cấp cao ba bên.

Đối với cả ba, lần tái ngộ tới có tầm quan trọng đặc biệt. Nhu cầu chung về đối phó CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc trở nên càng ngày càng thêm cấp thiết và cũng ngày càng thêm khó. Mối quan hệ cá nhân giữa ông Biden, ông Kishida và ông Yoon xem ra rất ổn. Nhưng nước Mỹ đang hướng đến cuộc bầu cử tổng thống mới vào cuối năm. Nếu ông Biden tái đắc cử và cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, thì sự hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục suôn sẻ và thuận lợi. Nhưng nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại làm chủ Nhà Trắng, thì chắc gì Mỹ duy trì cơ chế hợp tác và khuôn khổ tham vấn ba bên này.

Vì thế, ở lần gặp nhau vào tháng 7 tới, ba nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực để củng cố khuôn khổ và cơ chế hợp tác ba bên để ngay cả khi ông Trump trở lại cầm quyền sẽ khó đảo ngược. Có lẽ, Mỹ - Nhật - Hàn sẽ không chỉ bàn thảo thuần túy, mà sẽ tiến bước thêm trên con đường hình thành một kiểu NATO ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tháng 4 này, ông Biden tổ chức cuộc gặp cấp cao cũng ba bên với Thủ tướng Nhật Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.. Vậy là Mỹ sẽ có một bộ tứ và 2 bộ ba ở khu vực lớn cùng liên kết tiến tới đích xa.

Nguồn: VTV; CafeF; The Saigon Times; VOV; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang