Mỹ: Bão dữ đe dọa; Học sinh không đến trường; Chủ tịch Hạ viện nguy cơ mất chức; Tăng khai thác uranium; 'Làm mới' những cây cầu

CẢNH BÁO MƯA BÃO TÀN PHÁ NƯỚC MỸ

Tuần lễ bắt đầu từ ngày 1.4, một hệ thống bão dự kiến sẽ càn quét phần lớn lãnh thổ Mỹ, mang đến lốc xoáy mạnh, những cơn mưa đá và giông bão có sức tàn phá lớn.

Tờ The Hill hôm 31.3 dẫn thông tin từ Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo một hệ thống bão dữ sẽ di chuyển khắp miền trung và miền đông Mỹ, có nghĩa là chỉ còn vài khu vực của nước này không nằm trên đường bão đi.

Bão bắt đầu từ ngày 30.3 (giờ địa phương) ở bang California, nơi trải qua giông bão gây ngập lụt kéo dài sang ngày 31.3.

NWS cảnh báo bão sẽ tiếp tục càn quét khắp nước Mỹ, gieo rắc nguy cơ thời tiết nghiêm trọng trong hai ngày 1 và 2.4 ở miền trung và miền đông Mỹ.

Không dừng lại ở đó, NWS cho hay những địa phương đối mặt nguy cơ cao nhất nên chuẩn bị sẵn sàng trước mọi dạng bão táp có thể ập đến.

Ngày 1.4 (giờ địa phương), những khu vực có nguy cơ cao nhất kéo dài từ miền trung và miền đông bang Oklahoma đến tận miền đông nam Kansas, miền trung Missouri và miền nam Illinois.

Đến ngày 2.4, khu vực có nguy cơ cao nhất kéo dài từ nhiều phần của Tennessee và vùng Thung lũng Ohio đến các tiểu bang New Jersey, New York và Pennsylvania.

Nguy cơ thời tiết bao gồm khả năng mưa đá có kích thước lớn (bề ngang hơn 5 cm) và lốc xoáy, bao gồm một số cơn lốc xoáy dữ, đi kèm gió giật ở những khu vực xảy ra giông bão lớn.

Giông bão cũng có khả năng xảy ra ở miền bắc Missouri đến miền trung Illinois và Indiana, kèm mưa đá lớn.

VÌ SAO HỌC SINH MỸ KHÔNG CHỊU ĐẾN TRƯỜNG?

Có nhiều lý do cho vấn để không đến lớp ở Mỹ: bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, vấn đề đi lại cũng như văn hóa giáo dục trong thời kỳ đại dịch.

Theo tờ New York Times ngày 30/3, vài năm trước, một hiện tượng đáng lo ngại bắt đầu lan rộng trong nền giáo dục Mỹ: Học sinh không đến trường.

Điều này không có gì đặc biệt và quá ngạc nhiên. Các trường học đã đóng cửa vào mùa xuân năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng và một số trường học không mở cửa trở lại hoàn toàn cho đến mùa thu năm 2021.

Việc kiểm dịch đối với COVID-19 vẫn còn phổ biến. Nhiều người nghĩ rằng sẽ mất khoảng thời gian để thiết lập lại các thói quen đến trường trước đó.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tình hình đã thay đổi rất ít kể từ sau khi đại dịch được kiểm soát. Trước đại dịch, khoảng 15% học sinh Mỹ vắng mặt thường xuyên ở lớp, có nghĩa là nghỉ học trung bình 18 ngày trong năm học vì bất kỳ lý do gì. Đến năm học 2021-2022, con số đó đã tăng vọt lên 28%. Năm học vừa qua, số học sinh không đến trường ở mức 26%.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều nhà giáo dục cho biết vấn đề trên vẫn tiếp diễn trong năm học này.

Theo các lãnh đạo nhà trường, cố vấn, nhà nghiên cứu và phụ huynh, có nhiều lý do cho vấn để bỏ học tại lớp: bệnh tật, sức khỏe, tâm lý, vấn đề đi lại. Nhưng đằng sau tất cả là sự thay đổi cơ bản về giá trị mà các gia đình đặt vào trường học cũng như văn hóa giáo dục trong thời kỳ đại dịch.

Ở một mức độ nào đó, đây là một vấn đề mà xã hội nói chung phải đối mặt kể từ sau đại dịch. Bất cứ ai làm việc trong một văn phòng có chính sách làm việc từ xa (trực tuyến) linh hoạt đều sẽ quen với cảm giác: Bạn chăm chỉ có mặt nhưng đồng nghiệp lại không có mặt. Vấn đề ở đây là gì?

Điều gì đó tương tự có thể đang diễn ra ở trường học.

Mặc dù các trường học vẫn mở cửa, các lớp học trực tiếp và các hoạt động thể thao cũng như ngoại khóa khác đã hoạt động trở lại đầy đủ, nhưng sự ổn định trước đó dường như đã thay đổi.

Một vấn đề khác là giáo viên cũng ít lên lớp hơn, thường là do kiệt sức trong công việc hoặc do khó khăn vì kể từ sau đại dịch, nhiều người thực sự phải ở nhà khi họ bị ốm.

Ngoài ra, một số trường vẫn duy trì chính sách thời đại dịch của họ đối với việc học trực tuyến, tạo ảo tưởng rằng việc học trực tiếp trên lớp là không cần thiết.

Tỷ lệ học sinh nghỉ học nhiều ngày giúp giải thích lý do tại sao học sinh Mỹ nói chung không thể bù đắp được những lỗ hổng kiến thức trong học tập do đại dịch. Những học sinh tụt hậu trong học tập có thể không muốn đến trường, nhưng việc nghỉ học cũng khiến các em càng bị hổng kiến thức.

MIKE JOHNSON NGUY CƠ MẤT CHỨC CHỦ TỊCH HẠ VIỆN VÌ VIỆN TRỢ UKRAINE

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đang đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm bằng một cuộc bỏ phiếu của nhóm nghị sĩ nổi dậy trong bối cảnh bất đồng về vấn đề ngân sách viện trợ cho Ukraine.

Nghị sĩ Cộng hòa bang Nebraska Don Bacon ngày 31/3 thừa nhận, một phiên bỏ phiếu nhằm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhiều khả năng sẽ diễn ra và ông Johnson hoàn toàn có nguy cơ mất chức.

Gần 6 tháng sau khi nhậm chức, ông Johnson đang phải đối mặt kết cục tương tự người tiền nhiệm Kevin McCarthy, người bị mất chức trong cuộc bỏ phiếu gây sốc do phe nổi dậy trong chính đảng Cộng hòa.

Cuối tháng trước, nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene đã nộp "kiến nghị bãi nhiệm" ông.

Trong suốt nhiều tháng, bà Greene cảnh báo sẽ kiến nghị bỏ phiếu bãi nhiệm ông Johnson nếu ông thúc đẩy Hạ viện thông qua gói hỗ trợ Ukraine. "Ông ấy không nên duyệt thêm viện trợ cho Ukraine", bà Greene nói.

Ông Johnson vốn cương quyết với quan điểm không ủng hộ gói viện trợ bổ sung trị giá hơn 60 tỷ USD nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden không chấp nhận các cải cách chính sách nhằm tăng cường an ninh biên giới.

Hôm 14/3, ông Johnson cho biết, dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng rẽ trong vài tuần tới. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy phe Cộng hòa ở Hạ viện dường như đã nhượng bộ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cũng cho rằng ông Johnson đã thỏa hiệp với phe Dân chủ khi thông qua ngân sách 1.200 tỷ USD giúp chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa từ ngày 23/3.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cảnh báo, đảng này có thể phải trả giá nếu phế truất Chủ tịch Hạ viện. Họ lập luận, đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế trong năm bầu cử nếu ông Johnson bị mất chức.

Nghị sĩ Bacon chỉ trích ý định của một số nghị sĩ muốn lật đổ ông Johnson. "Họ muốn phá nát Hạ viện, khiến cho Hạ viện tê liệt. Tôi hy vọng Chủ tịch Hạ viện sẽ thắng thế. Ông ấy đang làm điều đúng đắn".

Trong khi đó, đảng Dân chủ phát tín hiệu sẵn sàng cứu ông Johnson nếu ông Johnson góp phần thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine do chính quyền Tổng thống Biden đề xuất.

Mặt khác, giới quan sát cảnh báo, nếu ông Johnson thông qua dự luật hạn hẹp hơn so với đề xuất hoặc bao gồm các hạn chế biên giới mới, ông có thể làm phật lòng cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nếu Hạ viện yêu cầu cắt giảm chi tiêu chính phủ để bù đắp cho gói Ukraine, điều đó cũng sẽ gây ra sự phản đối gay gắt của đảng Dân chủ.

Năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy mất chức sau một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ tại Hạ viện. Ông bị phế truất không lâu sau khi Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ Mỹ hoạt động thêm 45 ngày. Một số nghị sĩ Cộng hòa coi đó là sự phản bội của ông McCarthy vì dự luật được thông qua không có những điều khoản mà họ yêu cầu, trong đó có cắt giảm mạnh chi tiêu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm tương đối nhỏ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu phản đối tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

LÀN SÓNG KHAI THÁC TĂNG CAO KHI URANIUM TĂNG GIÁ

Energy Fuels - nhà sản xuất uranium lớn nhất Mỹ tăng khai thác khi bất ổn toàn cầu và nhu cầu dâng cao khiến nguyên liệu hạt nhân này tăng giá.

Nhà sản xuất uranium lớn nhất ở Mỹ này đang tăng cường khai thác tại Pinyon Plain Mine (Arizona) gần lối vào South Rim của Công viên Quốc gia Grand Canyon. Đây là dự án gây tranh cãi lâu dài và phần lớn không hoạt động kể từ những năm 1980. Nó được khởi động lại gần đây khi giá uranium tăng cao.

Mỏ có diện tích 6,8 ha và sẽ hoạt động từ 3 đến 6 năm, sản xuất ít nhất 2 triệu pound (khoảng 907.000 kg) uranium - đủ để cung cấp năng lượng cho bang Arizona trong ít nhất một năm, theo người phát ngôn Energy Fuels Curtis Moore.

"Khi triển vọng toàn cầu về năng lượng hạt nhân sạch, không có carbon ngày càng tăng và Mỹ rời xa nguồn cung uranium của Nga thì nhu cầu về uranium nội địa đang tăng lên", Moore cho biết.

Đầu năm nay, giá giao ngay của uranium cô đặc sử dụng trong sản xuất điện hạt nhân đã đạt đỉnh 16 năm, lên tới 92,45 USD mỗi pound, tăng hơn 200% so với cuối năm 2020. Các nhà phân tích từ Bank of America và Berenberg Bank dự báo thị trường uranium ngày càng nóng hơn, có thể đẩy giá lên trên 100 USD.

Bank of America cho biết tình trạng thắt chặt trên thị trường uranium có thể kéo dài đến 2025, cho thấy giá có thể tăng cao hơn trong năm nay. Họ tăng mục tiêu giá uranium giao ngay lên 105 USD mỗi pound vào 2024 và 115 USD năm sau.

Theo công ty dữ liệu thị trường uranium UxC, nhu cầu uranium đang tăng cao khi các hợp đồng được ký kết bởi các công ty điện đạt 202 triệu USD vào năm ngoái, giá trị cao nhất kể từ năm 2012. "Thị trường uranium ngày càng thắt chặt hơn", Jonathan Hinze, Chủ tịch UxC nói trên Wall Street Journal.

Energy Fuels cũng đang chuẩn bị khai thác thêm hai mỏ ở Colorado và Wyoming, nơi đã sản xuất khoảng hai phần ba lượng uranium ở Mỹ trong 5 năm qua. Vào năm 2022, công ty nhận hợp đồng bán tinh quặng uranium trị giá 18,5 triệu USD cho chính phủ Mỹ để tạo nguồn dự trữ chiến lược quốc gia, phòng khi nguồn cung cấp bên ngoài gián đoạn.

Mỹ và hàng chục quốc gia khác đã cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân trên toàn thế giới để chống biến đổi khí hậu. Nước này đưa ra các khuyến khích phát triển thế hệ lò phản ứng hạt nhân tiếp theo, cùng với các chính sách nhằm giảm ảnh hưởng của Nga khỏi chuỗi cung ứng hạt nhân. Điều này mở đường cho việc uranium nội địa sẽ vẫn là mặt hàng quan trọng nhiều thập kỷ tới.

Bộ Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã ban hành một báo cáo mô tả sản xuất uranium trong nước là cần thiết với an ninh quốc gia, để duy trì kho vũ khí hạt nhân và hoạt động của các nhà máy điện. Vào thời điểm đó, các lò phản ứng hạt nhân thương mại cung cấp gần 20% lượng điện tiêu thụ ở Mỹ.

Chính quyền Biden duy trì quan điểm đó. Họ đang trong quá trình hiện đại hóa năng lực phòng thủ hạt nhân quốc gia trị giá hàng tỷ USD. Bộ Năng lượng Mỹ tuần này đã đề nghị cho các chủ sở hữu nhà máy điện ở Michigan vay 1,5 tỷ USD để khởi động lại cơ sở đã đóng cửa.

Nhưng khi chính phủ theo đuổi tiềm năng điện hạt nhân, các nhà bảo vệ môi trường và lãnh đạo người Mỹ bản địa vẫn lo ngại về hậu quả môi trường với các cộng đồng gần các địa điểm khai thác. Họ đang yêu cầu giám sát tốt hơn.

Theo AP, cộng đồng bộ lạc ở miền Tây nước Mỹ đã mất niềm tin vào các công ty uranium và chính phủ liên bang vì các mỏ bị bỏ hoang và tình trạng ô nhiễm liên quan vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Năm 1979, hơn 93 triệu gallon (350 triệu lít) bùn phóng xạ và axit tràn ra từ ao xử lý chất thải ở tổ hợp mỏ Navajo làm ô nhiễm nguồn nước, chăn nuôi và cộng đồng hạ nguồn. Nó nhiều gấp ba lần lượng phóng xạ phát ra từ sự cố ở đảo Three Mile (Pennsylvania) chỉ ba tháng trước đó.

Lưỡng đảng trong Quốc hội ủng hộ năng lượng hạt nhân, nhưng một số nhà lập pháp đến từ các cộng đồng bị ảnh hưởng vẫn lo ngại. Tại cuộc họp quốc hội vào tháng 1, nữ nghị sĩ Cori Bush của bang Missouri cho biết không thể mở rộng năng lượng hạt nhân ở Mỹ nếu không giải quyết những tác động chất thải hạt nhân gây ra với các cộng đồng thiểu số.

Với mỏ Pinyon Plain Mine, Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ tái khẳng định một bản tuyên bố tác động môi trường đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Các cơ quan quản lý của bang đã phê duyệt giấy phép bảo vệ không khí và tầng ngậm nước trong vòng hai năm qua.

Theo chính quyền, cấu tạo địa chất của khu vực có yếu tố bảo vệ tự nhiên chống lại nước từ địa điểm khi thác di chuyển về phía Grand Canyon. Moore nói rằng các tầng chứa trong khu vực cung cấp nước cho các suối ở đáy Grand Canyon rất sâu – khoảng 1.000 feet (304 mét) bên dưới mỏ – và được ngăn cách bởi lớp đá gần như không thể xuyên thủng.

"Chúng tôi làm việc cực kỳ chăm chỉ để thực hiện công việc của mình ở tiêu chuẩn cao nhất. Những việc chúng tôi đang làm được hỗ trợ bởi khoa học và cơ quan quản lý", ông tuyên bố.

CHUYỆN "LÀM MỚI" NHỮNG CÂY CẦU Ở MỸ

Đêm 25 rạng sáng 26-3, tàu container MV Dali mang cờ Singapore đã đâm thẳng một trụ đỡ của cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ. Vụ tai nạn khiến hoạt động vận tải qua tuyến đường này bị gián đoạn.

Thảm họa khó lường

Hầu hết toàn bộ cấu trúc thép của cầu Francis Scott Key, nơi hàng chục nghìn người đi ô tô mỗi ngày đi qua, đã bị sập trong vài giây sau khi tàu container MV Dali lao vào một trụ đỡ của cầu. Tại thời điểm xảy ra thảm họa, có một đội gồm công nhân sửa chữa đang làm việc tại đây. Trong số 8 công nhân trên cầu, chỉ có hai người được cứu.

Tờ báo Wired cho biết, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa rõ ràng. Khi con tàu xuôi dòng sông Patapsco ra khỏi Baltimore, tất cả đèn trên tàu đều tắt. Khi đèn sáng trở lại, con tàu bắt đầu chuyển hướng và hướng về một trong những trụ chính của cây cầu. Đèn lại tắt và vụ va chạm xảy ra.

Đèn trên tàu nhấp nháy được cho là do mất điện, nhưng khói thoát ra từ tàu MV Dali cũng cho thấy động cơ bị hỏng. Việc phân tích dữ liệu và bản ghi âm (tương tự như hộp đen trên máy bay) sẽ làm sáng tỏ hoàn toàn vấn đề. Nhưng hiện tại, chưa có thông tin nào được cơ quan chức năng tiết lộ lý giải vì sao tàu MV Dali đột ngột chuyển hướng.

Cầu Francis Scott Key dài gần 3km, là một cây cầu không có khớp nối với phần giàn thép ở giữa dài 366m. Dầm trung tâm được làm bằng ba nhịp nằm ngang với hai trụ đỡ giữ chúng ở trên mặt nước. Đây là công trình kiến trúc lớn thứ ba thuộc loại này trên thế giới. Nhưng “khi bạn mất đi sự hỗ trợ, sức mạnh không còn nữa”, David Knight, kỹ sư xây dựng và là cố vấn của Viện Kỹ sư xây dựng của Anh nhận định. “Việc dỡ bỏ một trụ cột cầu sẽ khiến tất cả các nhịp bị đổ. Hơn nữa, thép là một kim loại nhẹ so với kích thước của loại cơ sở hạ tầng này. Với một lực khá mạnh tác dụng lên nó, nó không tạo ra lực cản”, ông David Knight cho hay.

Hơn nữa, sau khi đâm vào trụ cột cầu, phải mất vài phút tàu MV Dali mới dừng lại. Theo dữ liệu của Hệ thống xác thực tự động (AIS) cho phép xác định danh tính, vị trí và lộ trình của tàu, vào đêm xảy ra vụ tai nạn, tàu đang di chuyển với tốc độ hơn 4m/giây trên sông, trước khi giảm tốc độ xuống còn 3m/giây. Do đó, vụ sập không liên quan đến lỗi xây dựng bởi không một cây cầu nào có thể chịu được tác động lớn như vậy lên cấu trúc chính của nó.

Ở Baltimore, việc tàu container rời cảng và đi về sông Patapsco thường được thực hiện bởi hai tàu kéo. Nếu tàu container bị hỏng, tàu kéo thậm chí có thể đẩy nó ra khỏi hướng cầu. Sự vắng mặt của tàu kéo vào đêm xảy ra tai nạn sau khi tàu MV Deli rời cảng đã đặt ra câu hỏi lớn. Tuy nhiên, đối với các chuyên gia, thật khó để biết liệu sự hiện diện của tàu kéo trong trường hợp này có thể tránh được vụ va chạm vào cầu Francis Scott Key hay không.

Hàng tỷ USD dành cho bảo trì cầu đường

Theo Slate.fr, Mỹ được bao phủ bởi những cây cầu hùng vĩ, trong đó một số cầu cũ và ít được bảo trì. Năm 2021, Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ (ASCE) ước tính, nếu đầu tư 2.600 tỷ USD vào cầu đường sẽ đưa đất nước phát triển nhanh chóng. Ngược lại, nước Mỹ sẽ thiệt hại tới 10.000 tỷ USD.

Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch tái đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Theo đó, Luật Đầu tư và việc làm đã được lưỡng đảng Mỹ thông qua vào tháng 11-2021 cho phép cấp nguồn kinh phí lên tới 1.200 tỷ USD dành cho việc "làm mới" những cây cầu. Hai năm sau, 400 tỷ USD được giải ngân, 7.800 cây cầu và gần 220.000km đường được sửa chữa. Ngoài ra, nguồn vốn từ Luật Cơ sở hạ tầng cũng cho phép đầu tư vào đường sắt (11 tỷ USD để xây đường hầm dưới sông Hudson ở New York), hiện đại hóa các sân bay (Boston, Atlanta), bến cảng, trạm sạc xe điện…

Tuy nhiên, số tiền lịch sử trong kế hoạch tái đầu tư của Tổng thống Biden đã bị vô hiệu hóa, một phần do lạm phát thời kỳ hậu Covid-19, khiến các dự án trở nên tốn kém, đặc biệt kể từ khi những nỗ lực tái công nghiệp hóa của Tổng thống đi kèm với các điều kiện “mua hàng Mỹ”. Việc mua nguyên liệu thô ở Mỹ đã khiến thành phẩm có giá cao hơn. Bang Maryland được phân bổ 88 triệu USD theo Luật Cơ sở hạ tầng để cải tạo các cây cầu cũ và xây dựng những cây cầu mới. Việc xây dựng lại cầu Francis Scott Key chắc chắn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Tờ The Hill dẫn một nguồn thạo tin cho biết các quan chức liên bang đánh giá chi phí ước tính xây dựng lại cây cầu có thể lên tới ít nhất 2 tỷ USD.

Nguồn: Thanh Niên; Báo Tin Tức; Dân Trí; Vnexpress; Quân Đội Nhân Dân

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang