Mỹ: Cải cách quy định khí thải; Đổi cách phân loại người dân; Trump tranh cử khác thường; Biden-Trump khẩu chiến; Cuộc đua kim tiền

ĐẶT MỤC TIÊU TIẾT KIỆM HÀNG CHỤC TỶ USD/NĂM, MỸ CẢI CÁCH QUY ĐỊNH KHÍ THẢI

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ngày 29/3 cho biết đang hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn khí thải từ ống xả đối với các loại xe hạng nặng như xe bán tải và xe buýt.

Theo EPA, các quy định mới đặt ra các tiêu chuẩn khí thải ống xả cho các dòng xe hạng nặng sản xuất từ năm 2027 đến năm 2032, bao gồm xe tải giao hàng, xe chở rác, xe tải tiện ích công cộng, xe buýt trung chuyển, xe đưa đón, xe buýt trường học và xe đầu kéo rơ-moóc. Các quy định này cho phép nhà sản xuất lựa chọn bộ công nghệ kiểm soát khí thải phù hợp nhất với họ và nhu cầu của khách hàng.

Việc áp dụng các quy định về khí thải với xe hạng nặng này có thể giúp ngăn chặn 1 tỷ tấn khí thải nhà kính và mang lại các khoản phúc lợi xã hội 13 tỷ USD mỗi năm. Các phương tiện hạng nặng chiếm 25% lượng phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải và khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ.

Quy định về mức giới hạn phát thải ống xả hiện tại được ban hành vào năm 2026, áp dụng đối với các phương tiện hạng nặng sản xuất từ năm 2021 đến năm 2027. Tuần trước, EPA đã hoàn thiện các quy định về phát thải đối với các phương tiện hạng nhẹ và hạng trung cho đến năm 2032, cắt giảm mục tiêu đạt tỷ lệ xe điện của Mỹ từ 67% vào năm 2032 xuống chỉ còn 35%.

Trước đó, Mỹ ngày 27/3 đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.

BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.

BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.

Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: “Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng”.

Hồi tháng 12/2023, EPA đã ban hành các quy định riêng nhằm giảm lượng khí thải methane từ các hoạt động dầu khí. Các tiêu chuẩn mới tìm cách đáp ứng yêu cầu loại bỏ tình trạng đốt khí tự nhiên ở các giếng dầu và yêu cầu giám sát toàn diện tình trạng rò rỉ khí methane từ các giếng và trạm nén.

EPA ước tính điều này sẽ ngăn chặn khoảng 58 triệu tấn khí thải methane từ năm 2024 đến năm 2038, tương đương với 1,5 tỷ tấn CO2.

Trong khi đó, số liệu tổng hợp mới công bố cho thấy vào năm 2023, lượng khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch do Liên minh châu Âu (EU) tạo ra đã giảm khoảng 8% so với năm 2022, giúp đẩy lượng khí thải loại này của khối xuống mức thấp nhất trong 60 năm.

Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), mức giảm nêu trên là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ sau năm 2020, khi các chính phủ đóng cửa các nhà máy và đình chỉ các chuyến bay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng khí thải giảm tại EU là nhờ khối này sử dụng điện từ các nguồn sạch hơn. Theo dữ liệu của ngành, EU đã lắp đặt số lượng tấm pin Mặt Trời và tua-bin gió cao kỷ lục vào năm 2023, đồng thời có thể tạo ra nhiều điện hơn từ các đập và nhà máy điện hạt nhân từng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tạm đóng cửa để sửa chữa vào năm trước.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu điện thấp hơn nhờ thời tiết thuận lợi đã góp phần làm giảm 8% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch. Việc cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như công nghiệp và vận tải chiếm 36%.

Tuy nhiên, các số liệu này không bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, các quy trình như sản xuất xi măng hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như metan. Các nhà phân tích cho rằng lượng khí thải nói chung vẫn đang giảm quá chậm.

Chuyên gia Sarah Brown thuộc tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember cho biết, sự suy giảm đáng kể lượng khí thải của EU - đặc biệt là từ ngành điện - cho thấy khối này đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vốn đắt đỏ và nhiều rủi ro. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng do xu hướng điện khí hóa mở rộng trong những năm tới, việc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải theo kịp tốc độ chuyển đổi này.

Để góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí gây ô nhiễm vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 1990, trước khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Còn theo dữ liệu chính thức công bố gần đây, những nỗ lực hiện tại của hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ không đủ để hoàn thành mục tiêu của chính phủ vào cuối thập kỷ này.

Liên đoàn Chuyển đổi Xanh (GX League) gần đây đã công bố các mục tiêu giảm phát thải của 372 công ty tham gia diễn đàn. Theo đó, với mục tiêu hiện tại, 372 doanh nghiệp này sẽ giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 480 triệu tấn vào cuối năm tài chính 2030, tương đương mức giảm 40% so với 800 triệu tấn khí thải trong năm tài chính 2013. Điều này đồng nghĩa với việc không đạt được mục tiêu 46% mà Chính phủ Nhật Bản đã đề ra.

Hiện tại, có 568 công ty đang tham gia vào GX League và dự kiến sẽ có thêm nhiều mục tiêu giảm phát thải được đưa ra. Hầu hết các thành viên tham gia đều làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc năng lượng, trong khi tỷ lệ tham gia của ngành vận tải tương đối thấp đã góp phần tạo ra sự mất cân đối giữa các ngành.

Các doanh nghiệp điện tử nằm trong số những công ty có mục tiêu tham vọng nhất, điển hình như Hitachi đặt mục tiêu giảm 93% lượng khí thải nhà kính và Panasonic Holdings đặt mục tiêu cắt giảm 90%. Trong số các công ty điện lực, Kansai Electric Power kỳ vọng giảm 70 % lượng khí thải, trong khi tập đoàn JERA - chiếm khoảng 1/10 lượng khí thải của cả nước, đặt mục tiêu giảm 52%. Toyota Motor, Nissan Motor và Honda Motor mỗi hãng đều đặt mục tiêu giảm 46% lượng khí thải theo mức chung của chính phủ thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Mặc dù ngành sản xuất vật liệu là ngành phát thải lớn nhưng hầu hết các công ty trong lĩnh vực này đều đặt mục tiêu thấp hơn mục tiêu của chính phủ do thiếu công nghệ để cắt giảm khí thải trong quá trình sản xuất. Điển hình là ngành thép - chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải trong ngành công nghiệp của Nhật Bản, nhưng công ty lớn nhất là Nippon Steel chỉ cắt giảm 29% lượng khí thải. Hiện chính phủ đang hỗ trợ các nhà sản xuất thép nhằm thúc đẩy ứng dụng thực tế quy trình sản xuất thép giảm lượng hydro và các quy trình thế hệ tiếp theo.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và chìa khóa để đạt được mục tiêu đó là giảm 46% lượng khí nhà kính vào năm tài chính 2030.

SAU 27 NĂM, MỸ THAY ĐỔI CÁCH PHÂN LOẠI NGƯỜI DÂN THEO CHỦNG TỘC, SẮC TỘC

Lần đầu tiên sau 27 năm, chính phủ Hoa Kỳ đang thay đổi cách phân loại người Mỹ theo chủng tộc và sắc tộc, một nỗ lực mà các quan chức liên bang tin rằng sẽ đếm chính xác hơn những cư dân được xác định là người gốc Tây Ban Nha và Trung Đông và Bắc Phi.

Việc sửa đổi các danh mục tối thiểu về chủng tộc và sắc tộc, được Văn phòng Quản lý và Ngân sách công bố ngày 28/3, là nỗ lực mới nhất nhằm gắn nhãn và định nghĩa người Mỹ. Quá trình phát triển này thường phản ánh những thay đổi trong thái độ xã hội và tình trạng di trú, cũng như mong muốn của người dân trong một xã hội ngày càng đa dạng nhìn thấy chính mình trong những con số do chính phủ liên bang đưa ra.

Bà Meeta Anand, giám đốc cấp cao về Điều tra dân số và Công bằng dữ liệu tại Hội nghị Lãnh đạo về Dân quyền và Nhân quyền, nói: “Bạn không thể đánh giá thấp tác động tinh thần của điều này đối với mọi người”. “Đó là cách chúng ta hình dung mình là một xã hội. ... Bạn đang thấy mọi người đang có nhu cầu muốn tự nhận dạng và được phản ánh trong dữ liệu để họ có thể kể câu chuyện của riêng mình.”

Theo các sửa đổi, các câu hỏi về chủng tộc và sắc tộc trước đây được hỏi riêng trên các biểu mẫu sẽ được kết hợp thành một câu hỏi duy nhất. Điều đó sẽ cung cấp cho người trả lời tùy chọn để chọn nhiều danh mục cùng lúc, chẳng hạn như “Da đen”, “Người Mỹ bản xứ” và “Người gốc Tây Ban Nha”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số lượng lớn người gốc Tây Ban Nha không chắc chắn cách trả lời câu hỏi về chủng tộc khi câu hỏi đó được hỏi riêng vì họ hiểu chủng tộc và sắc tộc là giống nhau và họ thường chọn “chủng tộc khác” hoặc không trả lời câu hỏi.

Danh mục Trung Đông và Bắc Phi sẽ được thêm vào các lựa chọn có sẵn cho các câu hỏi về chủng tộc và sắc tộc. Những người gốc từ những nơi như Li Băng, Iran, Ai Cập và Syria trước đây được khuyến khích xác định là người da trắng, nhưng giờ đây sẽ có tùy chọn tự nhận mình trong nhóm mới. Kết quả từ cuộc điều tra dân số năm 2020, yêu cầu người trả lời giải thích lý lịch của họ, cho thấy rằng 3,5 triệu cư dân được xác định là người Trung Đông và Bắc Phi.

Dân biểu tiểu bang Florida, Anna Eskamani, một đảng viên Đảng Dân chủ đến từ Orlando, có cha mẹ là người Iran, nói: “Tôi cảm thấy rất vui khi được thừa nhận”. “Xưa giờ, gia đình tôi đánh dấu vào ô ‘da trắng’ vì chúng tôi không biết có ô nào khác phản ánh gia đình chúng tôi. Có sự đại diện như thế, tôi cảm thấy có ý nghĩa”.

Những thay đổi cũng sẽ lấy khỏi các mẫu đơn ở cấp liên bang các từ “Người da đen” (Negro) và “Viễn Đông” (Far East), hiện được nhiều người coi là miệt thị, cũng như các thuật ngữ “đa số” và “thiểu số”, vì chúng không phản ánh sự đa dạng chủng tộc và sắc tộc phức tạp của quốc gia, một số quan chức nói. Các bản sửa đổi cũng khuyến khích thu thập dữ liệu chi tiết về chủng tộc và sắc tộc vượt quá các tiêu chuẩn tối thiểu, chẳng hạn như “người Haiti” hoặc “người Jamaica” cho người chọn mình là “Da đen”.

Những thay đổi về tiêu chuẩn đã được thực hiện trong hai năm bởi một nhóm các nhà thống kê liên bang và các quan chức, những người muốn đứng ngoài cuộc xung đột chính trị. Nhưng những sửa đổi này có ý nghĩa lâu dài đối với việc tái phân chia khu vực lập pháp, luật dân quyền, thống kê y tế và thậm chí có thể cả chính trị khi số người được phân loại là da trắng giảm xuống.

Ông Donald Trump, được cho là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, gần đây đã ám chỉ đến những lập luận của những người cáo buộc Đảng Dân chủ đang thúc đẩy di trú bất hợp pháp nhằm làm suy yếu quyền lực của người da trắng. Với tư cách là tổng thống, ông Trump đã không thành công khi cố gắng loại những người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp khỏi danh sách đưa vào cuộc điều tra dân số năm 2020.

Đà tiến thay đổi chủng tộc và phân loại sắc tộc đã gia tăng dưới thời chính quyền Obama vào giữa những năm 2010, nhưng đã bị dừng lại sau khi ông Trump trở thành tổng thống vào năm 2017. Đà tiến này được hồi sinh sau khi Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021.

Những thay đổi này sẽ được phản ánh trong việc thu thập dữ liệu, biểu mẫu, khảo sát và bảng câu hỏi điều tra dân số được thực hiện mỗi thập niên một lần do chính phủ liên bang, cũng như chính quyền các tiểu bang và khu vực tư nhân đưa ra vì các doanh nghiệp, trường đại học và các nhóm khác thường đi theo sự dẫn dắt của Washington. Các cơ quan liên bang có 18 tháng để đệ trình kế hoạch về cách thức thực hiện những thay đổi.

Các tiêu chuẩn liên bang đầu tiên về chủng tộc và sắc tộc được ban hành vào năm 1977 nhằm cung cấp dữ liệu nhất quán giữa các cơ quan và đưa ra những số liệu có thể giúp thực thi luật dân quyền. Chúng được cập nhật lần cuối vào năm 1997 khi năm loại chủng tộc tối thiểu được phân định - người Mỹ bản xứ hoặc thổ dân Alaska, người châu Á, người da đen hoặc người Mỹ gốc Phi, người Hawaii bản địa hoặc người dân đảo Thái Bình Dương khác và người da trắng; người trả lời có thể chọn nhiều hơn một chủng tộc. Các nhóm dân tộc tối thiểu được liệt kê riêng biệt thành nhóm “không phải gốc Tây Ban Nha” hoặc “gốc Tây Ban Nha hay gốc Latin.”

Nhóm liên ngành làm việc trên các bản sửa đổi mới nhất lưu ý rằng các danh mục là các cấu trúc chính trị xã hội và chủng tộc cũng như sắc tộc không được xác định về mặt sinh học hoặc di truyền.

Các phân loại chủng tộc và sắc tộc được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng phản ánh thời đại của họ.

Năm 1820, danh mục “Người da màu Tự do” được thêm vào cuộc điều tra dân số mười năm một lần để phản ánh sự gia tăng số lượng người Da đen tự do. Năm 1850, thuật ngữ “Mulatto” được thêm vào cuộc điều tra dân số để tính đến những người thuộc di sản hỗn hợp. Người Mỹ bản xứ không được tính rõ ràng trong cuộc điều tra dân số cho đến năm 1860. Sau nhiều năm nhập cư từ Trung Quốc, “người Hoa” được đưa vào cuộc điều tra dân số năm 1870. Không có câu hỏi chính thức nào về nguồn gốc Tây Ban Nha cho đến cuộc điều tra dân số năm 1980.

Không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng cập nhật các bản sửa đổi mới nhất.

Một số người Mỹ Latin có nguồn gốc Châu Phi cảm thấy rằng việc kết hợp câu hỏi về chủng tộc và sắc tộc sẽ làm giảm số lượng và mức độ đại diện của họ trong dữ liệu, mặc dù nghiên cứu trước đây của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các câu trả lời của người gốc Phi Châu Latin khi các câu hỏi được hỏi riêng lẻ hoặc cùng nhau.

Ví dụ, bà Mozelle Ortiz là người Puerto Rico gốc Phi. Bà cảm thấy những thay đổi có thể loại bỏ danh tính đó, mặc dù mọi người có thể chọn nhiều câu trả lời sau khi các câu hỏi về chủng tộc và sắc tộc được kết hợp.

Bà Ortiz viết cho nhóm liên ngành: “Toàn bộ dòng dõi của tôi, của bà ngoại Puerto Rico da đen của tôi và tất cả những người nói tiếng Tây Ban Nha không phải da trắng khác, sẽ bị xóa sổ”.

Ông William Chalmers, trong một lá thư gửi nhóm, lo lắng rằng việc kết hợp các câu hỏi về chủng tộc và sắc tộc sẽ kết hợp hai định nghĩa.

Ông Chalmers nói: “Giống như giới tính và khuynh hướng tình dục được coi là những dấu hiệu khác nhau thì ‘chủng tộc’ và ‘văn hóa’ cũng vậy.”

CÁCH KIẾM TIỀN TRANH CỬ KHÁC THƯỜNG CỦA ÔNG TRUMP

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không giống bất cứ ứng viên nào trong lịch sử Mỹ khi kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau để có tiền cho chiến dịch tranh cử.

Giày thể thao, nước hoa, kinh thánh... là những thứ mà ông Trump đang kinh doanh trong bối cảnh ngân quỹ tranh cử dần cạn kiệt vì chi phí pháp lý.

"Việc kinh doanh đến mức độ như vậy là chưa từng có tiền lệ trong những chiến dịch tranh cử khác, mặc dù xu hướng này đã hình thành trong nhiều năm", Giáo sư Lawrence Lessig từ Trường Luật Harvard nhận xét về hoạt động của cựu Tổng thống Trump.

Ông Brendan Fischer, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Giám sát Tài chính chính trị, cũng đồng tình với ý kiến trên. "Tôi không thể tìm ra một ứng cử viên tổng thống nào khác từng kinh doanh hàng loạt hàng hóa vì lợi ích cá nhân của họ trong thời đại này", ông Fisher nói.

Theo ông Fischer, các ứng viên khác thường sẽ không kinh doanh trong thời điểm tranh cử do lo ngại bị điều tra tài chính. Tuy nhiên, "ông Trump là trường hợp độc nhất" do ông đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường trước khi đặt chân vào chính trường.

Tính "độc nhất" này đã được ông Trump thể hiện rất rõ nét khi công bố chương trình khuyến mãi mới nhất trong ngày 26/3: một cuốn kinh thánh trị giá 60 USD cùng các tài liệu về quá trình hình thành nước Mỹ, đồng thời đính kèm lời bài hát nổi tiếng "Chúa phù hộ cho nước Mỹ" của ngôi sao nhạc đồng quê Lee Greenwood. Ca sĩ này cũng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử của ông Trump.

Thậm chí, ông còn thêm cảnh báo "nước Mỹ đang bị đe dọa" và tuyên bố "chúng tôi sẽ xoay chuyển tình thế" trong video quảng cáo sản phẩm trên. Điều này khiến mối liên hệ giữa việc kinh doanh và công cuộc tranh cử rõ nét hơn bao giờ hết. Ông cũng nhiều lần nhắc lại khẩu hiệu tranh cử "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Không rõ ông Trump đã kiếm được bao nhiêu tiền từ việc kinh doanh kinh thánh, tuy nhiên, khoản lợi nhuận sẽ thực sự chảy vào túi của chính trị gia này.

Giáo sư Lessig cũng lưu ý thêm "các động thái kinh doanh của ông Trump dường như không hề vi phạm đạo đức tranh cử hoặc các quy định tài chính".

Ông Lessig nói thêm: "Ông Trump có thể sẽ lồng ghép chiến lược hoặc thương hiệu vào trong việc kinh doanh, nhưng điều này cũng chỉ tương tự những bài diễn thuyết chính trị khác".

Bên cạnh kinh thánh, ông Trump còn kinh doanh giày thể thao và nước hoa. Các dòng giày thể thao có giá dao động từ 199 USD đến 399 USD. Một số mẫu còn có họa tiết số 45, ám chỉ đến việc ông là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Sản phẩm nước hoa có giá 99 USD cũng được đính kèm nhãn "Victory 47", tức mùa tranh cử tổng thống 2024 hiện tại.

Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung cho biết: "Những giao dịch kinh doanh này hoàn toàn tách biệt với chiến dịch của chúng tôi".

Trong một diễn biến khác, ông Trump chỉ còn vài ngày để nộp khoản tiền 175 triệu USD tiền bảo lãnh cho khoản phạt liên quan tới phán quyết của tòa New York cáo buộc ông khai khống tài sản.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ cũng đã phải bỏ ra 91,6 triệu USD bảo lãnh để kháng cáo một vụ án dân sự khác với tội phỉ báng nhà văn E. Jean Carroll.

Ngoài ra, ông Trump phải đối mặt với 91 cáo buộc hình sự tại 4 tòa án khác nhau. Phiên tòa đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 15/4 tới đây. Ông Trump đã chi ra hơn 100 triệu USD cho các vấn đề pháp lý kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2021, mặc dù các báo cáo cho biết không khoản phí nào được trực tiếp chi trả từ túi tiền của ông.

BIDEN-TRUMP KHẨU CHIẾN VÌ BỨC ẢNH TỔNG THỐNG BỊ TRÓI

Chiến dịch tranh cử của ông Biden và ông Trump khẩu chiến sau khi cựu tổng thống đăng video có hình ảnh người kế nhiệm bị trói tay chân.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/3 đăng trên mạng xã hội Truth Social video được quay ở Long Island, bang New York một ngày trước đó, khi ông tới dự đám tang của một cảnh sát bị bắn chết khi dừng phương tiện vi phạm giao thông.

Video cho thấy chiếc xe bán tải chạy trên đường có dòng chữ "Trump 2024" cùng những lá cờ với nội dung ủng hộ cảnh sát. Đuôi xe vẽ hình ảnh Tổng thống Joe Biden trong tư thế nằm, bị trói tay chân.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden chỉ trích video kích động hành vi gây tổn hại về thể chất đối với Tổng thống.

"Ông Trump thường xuyên kích động bạo lực chính trị và đã đến lúc mọi người phải xem ông ấy là người nguy hiểm, chỉ cần hỏi những cảnh sát ở tòa nhà quốc hội bị tấn công khi đang bảo vệ nền dân chủ trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021", Michael Tyler, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của ông Biden, cho hay.

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, phản bác lại rằng đó "chỉ là hình ảnh phía sau chiếc xe bán tải đang lưu thông trên đường".

"Đảng Dân chủ và những người mất trí điên cuồng không chỉ kêu gọi bạo lực hèn hạ chống lại tổng thống Trump và gia đình ông, mà họ còn thực sự vũ khí hóa hệ thống tư pháp để chống lại ông", Cheung nói.

Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Trump thường xuyên công kích nhau, trước thềm cuộc tái đấu vào tháng 11. Ông Biden chỉ trích đối thủ đảng Cộng hòa về những phát biểu liên quan người nhập cư và nhấn mạnh nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 của ông Trump đã dẫn đến cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội.

Ông Trump từng mô tả người nhập cư "đầu độc dòng máu" Mỹ. Trong cuộc vận động tranh cử gần đây, cựu tổng thống Mỹ cáo buộc cách xử lý vấn đề biên giới của chính quyền Biden là "âm mưu lật đổ nước Mỹ".

KIM TIỀN & CUỘC ĐUA TỔNG THỐNG

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều ra sức gây quỹ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra quyết liệt.

Mới đây, chỉ một sự kiện có góp mặt của hai cựu chủ nhân Nhà Trắng là ông Barack Obama và ông Bill Clinton, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thu về hơn 26 triệu USD.

Cụ thể, ngày 28.3 (giờ Mỹ), TP.New York (bang New York) chứng kiến sự xuất hiện của 4 đời Tổng thống Mỹ, lần lượt là Tổng thống thứ 42 Bill Clinton, ông Barack Obama (thứ 44), ông Donald Trump (thứ 45), và nhà lãnh đạo đương nhiệm Joe Biden (thứ 46). Trong đó, ông Clinton và ông Obama tham gia sự kiện gây quỹ đặc biệt cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden.

Sự kiện kỷ lục

Những khách mời đặc biệt đã góp mặt trong chương trình tại khán phòng âm nhạc Radio City, trong đó có những người nổi tiếng như Queen Latifah, Lizzo, Ben Platt, Cynthia Erivo và Lea Michele. Giá vé khởi điểm tham gia sự kiện là 250 USD (khoảng 6,2 triệu đồng), nhưng có người đóng góp đến nửa triệu USD. Một số nhà tài trợ nhiều nhất được chụp ảnh chung với cả 3 đời Tổng thống Mỹ, theo Đài NBC News.

Trong lúc trò chuyện, người điều phối Stephen Colbert nói đùa rằng họ đang chứng kiến khoảnh khắc lịch sử vì "3 vị tổng thống đến New York và không một ai phải hầu tòa". Lời này nhằm tấn công khéo ông Trump, người phải ra tòa ở New York trong các vụ án dân sự lẫn hình sự. Ông Clinton cũng cho rằng ông Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tận hưởng được vài năm tốt đẹp của nhiệm kỳ vì đắc cử vào Nhà Trắng sau nhiệm kỳ của ông Obama.

Các ông Clinton và Obama chia sẻ về những nỗ lực tái tranh cử của bản thân, do cả hai ông đều đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Những đề tài nhẹ nhàng hơn cũng được đề cập, như vị kem yêu thích của từng người.

"Các bạn đều thuộc về đội ngũ tuyệt vời mà chúng tôi đang gầy dựng, và nỗ lực này chỉ mới bắt đầu", Đài CNN dẫn lời Tổng thống Biden trong thông điệp kết thúc cuộc thảo luận. "Hãy cùng sát cánh với nhau. Hãy cùng nhau chiến thắng vào tháng 11 tới", nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi.

Trước đó, các ông Biden, Clinton và Obama đến nơi trên xe "Quái thú" của Tổng thống Mỹ. Ông Biden cũng mời ông Obama ngồi chuyên xa từ sân bay quốc tế John F.Kennedy, Đài NBC News dẫn lời một trợ lý của ông Obama.

Theo nguồn tin của tờ The New York Times, trong lúc cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, Tổng thống Biden có thói quen gọi điện cho ông Obama để thảo luận về nỗ lực tái tranh cử. Về phần mình, ông Obama lại thường xuyên gọi điện cho ông Jeffrey Zients, Chánh văn phòng Nhà Trắng và một trong những trợ lý hàng đầu vận hành chiến dịch của ông Biden. Nội dung các cuộc gọi xoay quanh các chiến lược vận động và đưa ra những lời khuyên cụ thể.

Sự đơn độc của ông Trump

Động thái thể hiện sự đoàn kết của các ông Biden, Clinton và Obama hoàn toàn tương phản với trường hợp của cựu Tổng thống Trump. Cựu Phó tổng thống Mike Pence từ chối ủng hộ sếp cũ. Ông George W.Bush, cựu tổng thống duy nhất của đảng Cộng hòa còn sống, năm 2020 đã từ chối ủng hộ ông Trump và chưa có dấu hiệu cho thấy ông đổi ý trong cuộc bầu cử năm nay.

Sự đoàn kết của đảng Dân chủ đã mang lại chiến thắng quan trọng cho ông Biden về khía cạnh gây quỹ tái tranh cử. Với hơn 26 triệu USD thu được, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden gọi chương trình ở TP.New York là "sự kiện gây quỹ "hạ gục" mọi sự kiện tương tự khác". Và chiến dịch gây quỹ của ông Trump cũng phải thừa nhận sự thất bại này.

"Chúng tôi chẳng bao giờ gây quỹ nhiều như ông Biden", Reuters hôm qua dẫn lời một cố vấn tham gia chiến dịch của ông Trump (không nêu tên) trong cuộc họp qua điện thoại với báo giới. Tuy nhiên, người này cho rằng sở dĩ đảng Dân chủ nhận được nhiều tiền hơn là do được nhiều tỉ phú ủng hộ, trong khi chiến dịch của ông Trump nhận được sự đóng góp đông đảo từ tầng lớp lao động của Mỹ.

Theo một nguồn thạo tin, chiến dịch của ông Trump sẽ tổ chức sự kiện gây quỹ vào ngày 6.4 tại bang Florida với mục tiêu mang về 33 triệu USD cho cựu tổng thống của đảng Cộng hòa.

Nguồn: Báo Tin Tức; VOA; Dân Trí; Vnexpress; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang