Mỹ: Boeing lún sâu khủng hoảng; FED lỗ lớn; Obama tái xuất; Trừng phạt mới Triều Tiên; Xe điện bị lôi vào cuộc chiến với TQ

BOEING LÚN SÂU VÀO KHỦNG HOẢNG

CEO David Calhoun được đưa về để giải quyết vấn đề của Boeing, nhưng ông đã rời đi, để lại công việc còn khó khăn hơn cho người kế nhiệm.

Ngày 25/3, Boeing thông báo CEO David Calhoun sẽ rời vị trí này sau 4 năm tại nhiệm. Calhoun được coi là lãnh đạo kỳ cựu về xử lý khủng hoảng. Ông được bổ nhiệm năm 2020, để lèo lái hãng bay sau hai tai nạn chết người năm 2018 và 2019 với 737 Max - dòng máy bay bán chạy nhất của hãng.

Tuy nhiên, ông đã không thể tạo thêm thành tựu nữa trong sự nghiệp, như khi lãnh đạo Caterpillar, General Electric và Nieslen. Calhoun rời Boeing khi công ty này lún thêm vào khủng hoảng, với các vấn đề về sản xuất và lo ngại độ an toàn.

Lãnh đạo kế tiếp tại hãng sản xuất máy bay biểu tượng của Mỹ sẽ phải giải quyết các vấn đề tương tự Calhoun. Boeing cho biết cuối năm nay, Calhoun mới rời vị trí. Dù vậy, khi Boeing tìm được CEO mới, ông có lẽ sẽ rời đi ngay.

Ngoài Calhoun, Chủ tịch và Giám đốc mảng máy bay thương mại của Boeing cũng từ chức đầu tuần này. Các lãnh đạo và quan chức ngành hàng không đều cho biết họ hoan nghênh sự thay đổi này.

Dù vậy, nếu việc tìm lãnh đạo thay thế kéo dài, nỗ lực lật ngược tình thế sẽ bị chậm lại. Các CEO chuẩn bị rời đi hiếm khi dám thực hiện các chiến lược táo bạo. Sự thiếu chắc chắn về người lãnh đạo cũng khiến các nhân viên và lãnh đạo khác khó làm việc.

"Họ càng tìm nhanh càng tốt. Vì CEO mới sẽ phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ đấy", Bill George - CEO Medtronic cho biết. Ông là đồng tác giả các bài nghiên cứu về thách thức của Boeing.

Calhoun từng cố giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của Boeing, bằng cách siết quản lý chất lượng với nhà cung cấp thân máy bay Spirit AeroSystems.

Các nhà điều tra cho biết trong quá trình sản xuất, cánh cửa máy bay của Alaska Airlines từng bị tháo ra, hoặc mở ra ở nhà máy của Boeing ở Washington. Tuy nhiên, các nhân viên Boeing khi đó chỉ lắp lại mà không dùng đến các loại vít cần thiết để cố định. Vài tháng sau, cửa này bung ra khi máy bay đang ở độ cao 4.800 m, khởi đầu cho chuỗi khủng hoảng mới của Boeing.

Calhoun đang đàm phán với Spirit về việc mua lại công ty này. Thương vụ này sẽ đảo ngược chính sách sản xuất của hãng, là thuê ngoài việc sản xuất và chỉ tập trung vào lắp ráp hoàn thiện. Boeing đã bán Spirit năm 2005. Dù vậy, WSJ trích nguồn tin thân cận cho biết việc đạt thỏa thuận rất phức tạp, do Spirit còn cung cấp cho cả Airbus - đối thủ chính của Boeing.

Trong nhiệm kỳ của Calhoun, Boeing vẫn chật vật cạnh tranh với Airbus. Cổ phiếu Boeing đã mất giá 43% từ khi Calhoun nhận vị trí này đầu năm 2020. Ngược lại, cổ phiếu Airbus tăng hơn 26%.

Dù cả hai hãng đều nhận số đơn hàng lớn từ các hãng hàng không, nhằm phục vụ nhu cầu bay tăng lên hậu đại dịch, các vấn đề về sản xuất và chất lượng của Boeing đang khiến khách hàng nổi giận.

Airbus thì ngược lại. Thị phần mảng máy bay thân hẹp của hãng vẫn tăng lên, sau hàng loạt sự cố của đối thủ.

Giải quyết các vấn đề của Boeing là công việc khổng lồ, CEO United Airlines Scott Kirby đầu tháng này nhận định. "Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ", ông nói. Đầu tuần này, United cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Boeing và muốn hợp tác trong quá trình chuyển dịch lãnh đạo.

Boeing còn đang gặp rắc rối với giới chức. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chưa hài lòng với các thay đổi của Boeing sau sự cố của Alaska Airlines. Một cựu quan chức FAA cho biết Calhoun đã đồng ý với các yêu cầu của FAA, nhưng cơ quan này chưa thấy đủ hiệu quả.

Căng thẳng giữa hai bên càng tăng lên đầu tháng này. Sau khi thanh tra việc sản xuất Boeing 737, FAA phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng. Sau đó, FAA tiếp tục đề nghị các hãng hàng không kiểm tra lại ghế ở buồng lái chiếc 787 Dreamliner, sau sự cố hạ độ cao đột ngột của LATAM Airlines.

Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự sau sự cố của Alaska Airlines. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) gần đây cũng liên lạc với các hành khách trên chuyến bay hôm đó.

Lãnh đạo các công đoàn có sự tham gia của công nhân Boeing đang yêu cầu có ghế trong HĐQT, lần đầu tiên trong lịch sử gần 108 năm của Boeing. Họ cũng muốn dòng máy bay tiếp theo được sản xuất tại các nhà máy có công đoàn của họ, thay vì nhà máy Boeing mở ra ở các bang khác.

Từ trước khi sự cố bung cửa xảy ra, nhiều năm qua, lãnh đạo các hãng hàng không đã bày tỏ sự bất mãn với việc giao hàng chậm trễ. Đầu tháng này, Southwest Airlines - với toàn bộ đội bay là Boeing - cho biết đã phải giảm số chuyến trong nửa cuối năm. United Airlines thì đang mua thêm máy bay Airbus.

Trong các tháng cuối còn tại vị, nhiệm vụ của Calhoun có lẽ sẽ là dọn đường cho CEO mới tiếp quản công việc. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp sẽ khiến Calhoun khó xử. "Liệu ông ấy có đủ tự tin giải quyết một số thách thức chiến lược không? Cái đó ai mà biết được", Harry Kraemer - cựu CEO hãng chăm sóc sức khỏe Baxter International kết luận.

FED LỖ LỚN CHƯA TỪNG CÓ

Theo các báo cáo tài chính đã kiểm toán công bố ngày 26/3, các khoản chi phí vượt nguồn thu khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lỗ hoạt động 114,3 tỷ USD năm 2023.

Con số trên là mức lỗ lớn chưa từng có, buộc Fed dừng chuyển lợi nhuận cho Bộ Tài chính Mỹ khi lãi suất vẫn cao.

Chi phí trả lãi của Fed tăng gần ba lần lên 281,1 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, nguồn thu từ lãi suất trong danh mục tài sản đạt tổng 163,8 tỷ USD, so với mức gần 170 tỷ USD của năm 2022.

Sau khi trừ các khoản chi phí hoạt động hàng ngày, Fed buộc phải chuyển số tiền thu được cho Bộ Tài chính để bù vào thâm hụt ngân sách Liên bang.

Do các khoản chi phí vượt nguồn thu kể từ cuối năm 2022, Fed phát hành giấy chứng nhận nợ, hay "tài sản trả chậm", cho Bộ Tài chính. Giá trị "tài sản trả chậm" này tăng 116,7 tỷ USD, lên mức kỷ lục 133,3 tỷ USD vào năm 2023.

Fed có nguồn thu từ các chứng khoán trong danh mục và trả lãi cho số tiền dự trữ mà các ngân hàng gửi tại Fed. Điều này mang lại nguồn thu lớn và số tiền đóng góp lớn cho Bộ Tài chính khi lãi suất ở mức gần 0%. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022.

Khoản thanh toán lãi suất cho số tiền dự trữ dư của các ngân hàng gửi tại Fed đạt kỷ lục 176,8 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp ba so với năm 2022.

Hầu hết các ngân hàng khu vực của Fed đã bắt đầu dừng chuyển lợi nhuận cho Bộ Tài chính vào tháng 9/2022.

ÔNG OBAMA TÁI XUẤT, TRỢ GIÚP TỔNG THỐNG BIDEN TRANH CỬ

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tích cực vận động nhằm giúp Tổng thống đương nhiệm Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hãng thông tấn CNN ngày 27/3 cho biết, ông Obama mới đây đã tới Nhà Trắng để gặp gỡ Tổng thống Biden nhân kỷ niệm 14 năm ngày "Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe giá cả phải chăng" (Obamacare) được thông qua.

Ngoài ông Obama, cuộc gặp còn có sự tham gia của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và một số chính trị gia hàng đầu. Tại đây, ông Obama đã kêu gọi sự ủng hộ nhằm giúp ông Biden giành chiến thắng trước ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

"Chúng ta có cơ hội để làm nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Nhưng điều này chỉ xảy ra nếu ông Biden và bà Harris tiếp tục ở lại Nhà Trắng sau tháng 11. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục nỗ lực", ông Obama nói.

Một trong những người tham gia cuộc gặp tại Nhà Trắng tiết lộ rằng ông Obama đánh giá cao Thông điệp Liên bang của ông Biden, cho rằng bài phát biểu này mang tính đột phá.

"Ông Obama nhấn mạnh rằng chăm sóc sức khỏe là một vấn đề quan trọng, đồng thời có tiềm năng chính trị trong cuộc bầu cử", nguồn tin của CNN cho biết.

Truyền thông Mỹ cho biết, kể từ khi ông Biden công bố kế hoạch tái tranh cử, cựu Tổng thống Obama đã nhiều lần kêu gọi gây quỹ và tổ chức các cuộc gặp nhằm xoa dịu mối lo ngại của một số thành viên Dân chủ với ông Biden.

Không chỉ giúp chiến dịch tranh cử của ông Biden thu về hơn 15 triệu USD, ông Obama cũng giúp đương kim Tổng thống thu hút thêm cử tri trẻ và cử tri da màu. Bên cạnh đó, ông Obama cũng trò chuyện riêng với Jeffrey Zients, quan chức cấp cao trong chiến dịch của ông Biden, nhằm đưa ra một số lời khuyên.

Theo kế hoạch dự kiến, ông Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ xuất hiện trong sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Biden tại New York ngày 28/3 (giờ địa phương).

MỸ ÁP DỤNG CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT MỚI NHẮM VÀO NGUỒN TÀI CHÍNH QUÂN SỰ CỦA TRIỀU TIÊN

Hôm thứ Tư 27/3, Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt đối với 6 cá nhân và 2 tổ chức có trụ sở tại Nga, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, với cáo buộc rằng họ giúp chuyển tiền cho các chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ, cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 trong số 6 cá nhân và 2 pháp nhân đó.

Một tuyên bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng hành động này được hai nước phối hợp thực hiện.

Tuyên bố nêu tên 6 cá nhân là Yu Pu Ung, Ri Tong Hyok, Han Chol Man, O In Chun, Jong Song Ho và Jon Yon Gun.

Những pháp nhân bị trừng phạt là Alis LLC, có trụ sở tại Vladivostok, Nga, và Pioneer Bencont Star Real Estate có trụ sở ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Tuyên bố cho hay cả hai công ty đều trực thuộc Công ty Hợp tác Công nghệ Thông tin Chinyong, một pháp nhân gắn với lực lượng vũ trang Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao của Hàn Quốc nói rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ nhắm vào các cá nhân liên quan trực tiếp mà còn cả những người hỗ trợ các hoạt động tài chính bất hợp pháp của Triều Tiên, đặc biệt là những người kiếm ngoại tệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở nước ngoài.

Yu Pu Ung, người rửa tiền và cung cấp các tài liệu nhạy cảm dùng để phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chịu trách nhiệm quản lý các ngân khoản này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Chinyong, bị Mỹ trừng phạt vào tháng 5/2023, sử dụng mạng lưới các công ty và các vị đại diện để quản lý các đoàn nhân viên công nghệ thông tin Triều Tiên hoạt động tại Nga và Lào.

Thông báo này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong tuần này thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm ngăn chặn Triều Tiên mua dầu bất hợp pháp, do sự bế tắc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Nhiều năm thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu đã không thể ngăn chặn các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và nhiều nhà quan sát về Triều Tiên cũng như các chuyên gia về lệnh trừng phạt cho rằng các biện pháp chế tài của LHQ xem như đang hấp hối, nếu không muốn nói là đã chết.

XE ĐIỆN BỊ LÔI VÀO CUỘC CHIẾN MỚI GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC

Đơn khiếu nại của Bộ Thương mại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho xe điện dường như đang khơi mào một cuộc chiến mới giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa, ngày 26/3, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho xe điện. Bộ trên cho biết đơn khiếu nại được đưa ra nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất xe hơi năng lượng mới của Trung Quốc, cũng như để duy trì môi trường cạnh tranh công bằng trong ngành công nghiệp xe hơi năng lượng mới toàn cầu.

Về phần mình, Mỹ đã chỉ trích quyết định này của Trung Quốc, cho rằng bên cạnh tranh không cân bằng ở đây là Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: “Chúng tôi đang xem xét cẩn thận yêu cầu tham vấn. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các chính sách không công bằng, phi thị trường để làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng và lan rộng sự thống trị của các nhà sản xuất nước họ trên thị trường toàn cầu”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.

Trong tuyên bố của mình, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ không đề cập cụ thể đến lĩnh vực xe điện nhưng cho biết phái đoàn Mỹ tại Geneva đã nhận được thông tin rằng Trung Quốc đã đệ trình đơn khiếu nại lên WTO liên quan đến điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022.

Các quốc gia thành viên của WTO có thể nộp đơn khiếu nại về các hoạt động thương mại của các thành viên khác và tìm kiếm sự trợ giúp thông qua quy trình giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá tác động thực tế của vụ khiếu nại này là không rõ ràng. Nếu Mỹ thua và kháng cáo phán quyết, vụ khiếu nại của Trung Quốc có thể sẽ chẳng đạt được kết quả gì. Đó là vì Cơ quan phúc thẩm của WTO, tòa án tối cao của WTO, đã không hoạt động kể từ cuối năm 2019 do Mỹ ngăn bổ nhiệm các thẩm phán mới vào hội đồng.

Khiếu nại của Trung Quốc được đưa ra vài tháng sau khi Mỹ ra quy định hạn chế nhằm giảm số lượng ô tô điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế mua hàng dao động từ 3.750 USD đến 7.500 USD. Theo luật mới của Mỹ, chỉ có 13 trong tổng số hơn 50 mẫu xe điện được bán tại thị trường nước này đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế. Bên cạnh đó, theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, người mua ô tô điện không đủ điều kiện nhận các khoản giảm thuế nếu các bộ phận, linh kiện hoặc pin trong ô tô được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hoặc Iran.

Trong một tuyên bố ngày 29/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng nhấn mạnh: “Chính sách của Trung Quốc có thể khiến xe điện của họ tràn ngập thị trường của chúng ta, gây nguy cơ cho an ninh quốc gia. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ của mình".

Hiện tại, Trung Quốc là nước thống trị về pin dành cho xe điện cũng như có ngành công nghiệp ô tô đang phát triển nhanh chóng, dẫn đến có thể thách thức các nhà sản xuất ô tô lâu đời trên thế giới khi họ vươn ra toàn cầu.

Tuy nhiên, nước này cũng đang phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là tình trạng dư thừa công suất do được trợ cấp. Năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã chỉ định xe điện là “ngành công nghiệp mới nổi chiến lược” và triển khai các khoản trợ cấp, bảo hộ. Kết quả là sản xuất xe điện phát triển thành một ngành công nghiệp cồng kềnh.

Theo tạp chí Asia Times, năm 2022 doanh số xe điện Trung Quốc chiếm gần 60% thị trường toàn cầu, đạt 6,9 triệu chiếc. Điều này khiến thị trường nội địa dần trở nên chật hẹp và ngày càng nhiều hãng xe Trung Quốc tìm cách mở rộng thị trường xe điện sang các nước phát triển, trong đó có Mỹ và châu Âu.

Nguồn: Vnexpress; Soha; Vietnamnet; VOA; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang