Mỹ: Sập cầu chưa rõ thương vong; Siêu thị tăng giá chuối; Trừng phạt công ty Nga; Tin vui cho Trump; Các tỉ phú âm thầm giúp Trump

KINH HOÀNG TÀU CONTAINER ĐÂM GÃY TỪNG KHÚC CẦU GIÀN THÉP DÀI NHẤT NHÌ THẾ GIỚI, HÀNG CHỤC NGƯỜI NGÃ XUỐNG SÔNG -1 ĐỘ C, QUAN CHỨC BÁO ĐỘNG KHẨN

Vào khoảng 1h30 sáng ngày 26/3, theo giờ địa phương, cầu Francis Scott Key của thành phố Baltimore, thuộc tiểu bang Maryland, Mỹ, đã sập vì bị một chiếc tàu chở hàng lớn đâm phải.

Một đoạn video ghi lại vụ việc đã được đăng trên mạng xã hội X. Trong video, một chiếc tàu lớn va chạm với một trụ của cây cầu, khiến các khung sắt thép lần lượt đổ sập xuống sông. Trước khi cây cầu sập, khói bốc lên từ con tàu.

Hình ảnh phát trực tiếp khu vực này vào khoảng 3h sáng theo giờ địa phương cho thấy cây cầu bị ngập một phần dưới nước và bị vỡ thành nhiều mảnh.

BI cũng đã xem bản đồ theo dõi tàu trong khu vực trên trang web giám sát tàu VesselFinder.com. Vào lúc 2h50 sáng giờ địa phương, người ta thấy tàu chở container Dali vẫn đứng yên dưới cầu.

Các đội cứu hộ khẩn cấp bao gồm thợ lặn và ít nhất 2 máy bay trực thăng đã đến hiện trường sau khi cây cầu bị sập. Sở cứu hỏa thành phố Baltimore cho biết có ít nhất 20 người đã rơi xuống sông và đội cứu hộ đang xác nhận vị trí của những người này. Nhiệt độ xung quanh cảng vào khoảng -1°C và nhiệt độ môi trường nước có thể còn thấp hơn mức này.

Ông Kevin Cartwright, giám đốc truyền thông Sở cứu hỏa thành phố Baltimore, cho biết trọng tâm chính lúc này là giải cứu những người bị nạn. Ông cho biết vẫn còn sớm để xác định con số thương vong, nhưng ông đánh giá con số có thể gia tăng và đây là một tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng.

Theo CBS News, các nhà chức trách cho biết hiện chưa rõ có bao nhiêu phương tiện di chuyển trên cầu thời điểm đó, nhưng “chắc chắn có một xe đầu kéo cỡ lớn”.

Cơ quan giao thông vận tải của tiểu bang đăng bài trên X cho biết cả hai làn đường hướng đến cầu đều đã bị chặn vì sự cố. Hiện các phương tiện giao thông di chuyển theo đường vòng.

Cầu Francis Scott Key được khánh thành vào tháng 3/1977 và là một trong những cây cầu giàn thép dài nhất thế giới. Cây cầu cũng là điểm nối cuối cùng của Vành đai Baltimore. Công trình có chi phí xây dựng là 60,3 triệu USD và tổng chiều dài khoảng 17 km. Riêng cây cầu dài 4,1 km.

SIÊU THỊ MỸ LẦN ĐẦU TĂNG GIÁ CHUỐI SAU HƠN 20 NĂM

Trader Joe’s, một trong những chuỗi siêu thị lớn của Mỹ, gần đây tăng giá chuối - sản phẩm nổi tiếng nhất của họ - lần đầu kể từ năm 2001.

Hôm 25/3, chuỗi siêu thị Trader Joe’s (Mỹ) cho biết gần đây đã tăng giá chuối, từ 0,19 USD lên 0,23 USD một quả. Mức tăng này tương đương hơn 20%. Đây là lần đầu tiên họ nâng giá chuối kể từ khi bắt đầu bán lẻ từng quả năm 2001.

"Chúng tôi chỉ sửa giá khi chi phí thay đổi. Và sau khi giữ giá chuối ở mức 0,19 USD một quả suốt hơn 2 thập kỷ, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc cần thay đổi", người phát ngôn của Trader Joe’s cho biết trên CNN.

Tại Mỹ, chuối cũng là thực phẩm giá cả phải chăng với phần lớn người dân. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu chuối tại Mỹ vài năm gần đây được củng cố chủ yếu nhờ giá rẻ.

Dù giá thực phẩm tại Mỹ không còn tăng mạnh như 2 năm trước, các cửa hàng tại đây vẫn giữ một số mặt hàng ở giá thấp để cạnh tranh. Ví dụ chuỗi siêu thị Costco vẫn bán bánh mỳ kẹp xúc xích giá 1,5 USD.

Báo cáo của FAO chỉ ra giá bán lẻ chuối ở đây gần như không đổi trong năm 2023. Nguyên nhân là các chuỗi cửa hàng cạnh tranh gay gắt, với chuối là mặt hàng chủ lực. Chuối sẽ được bán giá rẻ để thu hút khách hàng đến đây và mua các sản phẩm đắt đỏ hơn.

Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết giá chuối tại Mỹ ổn định trong giai đoạn tháng 2/2023 - 2/2024, quanh 1,2 USD một kg. Tuy nhiên, CBS trích thông tin từ các chuyên gia tại Diễn đàn Chuối Thế giới hồi tháng 3 cảnh báo biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao vẫn có thể kéo giá chuối lên trong tương lai.

Chuối là sản phẩm nổi tiếng nhất của Trader Joe’s, đến mức được xếp hạng là món yêu thích nhất của khách hàng tại đây. Trong một chương trình radio năm 2018, CEO kiêm Chủ tịch Trader Joe's khi đó - Dan Bane đã kể về câu chuyện đằng sau quyết định kinh doanh được đánh giá là rất thành công và độc đáo này.

"Trước đây, chúng tôi cũng bán chuối theo cân nặng, như tất cả các nơi thôi", ông cho biết. Tuy nhiên, vì cửa hàng không có cân, họ sẽ cân và đóng gói trước cho khách hàng. Gói nhỏ nhất cũng có khoảng 4-5 quả chuối.

Tuy nhiên, một cuộc nói chuyện với khách hàng sau đó đã khiến họ thay đổi cách thức bán sản phẩm. "Khi ấy, tôi đang quan sát khách mua hàng tại Sun City (Arizona). Một cô gái tiến đến quầy chuối, nhìn hết lượt, nhưng không chọn gói nào cả. Thế là tôi hỏi: "Xin lỗi cô, tôi thấy cô xem chuối, nhưng không mua. Tại sao vậy?". Cô ấy trả lời: "Thưa ông, tôi chắc không cần đến 4 quả đâu", ông nhớ lại.

"Thế là ngay ngày hôm sau, chúng tôi quyết định sẽ bán lẻ từng quả. Và giá 19 cent cũng được giữ nguyên từ đó", ông cho biết.

MỸ TRỪNG PHẠT CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ VÀ TÀI CHÍNH CỦA NGA

Ngày 25/3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt các công ty công nghệ và dịch vụ tài chính của Nga, trong đó có công ty blockchain Atomyze, vì đã phát triển hoặc cung cấp dịch vụ bằng tài sản ảo nhằm tránh các lệnh trừng phạt trước đó nhằm vào Moskva.

Theo bộ trên, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) đã đưa 13 thực thể và 2 cá nhân vào danh sách trừng phạt mới nhất nhằm vào cơ sở hạ tầng tài chính cốt lõi của Nga, qua đó ngăn chặn Moskva sử dụng hệ thống tài chính quốc tế. Năm trong số các thực thể nói trên có liên quan đến các cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của OFAC trước đó. Trong số các doanh nghiệp này có Atomyze, công ty công nghệ tài chính do tập đoàn đầu tư Interros Holding của tỷ phú người Nga Vladimir Potanin kiểm soát.

Một số công ty công nghệ tài chính khác cũng nằm trong danh sách trừng phạt của OFAC như Lighthouse, B-Crypto, Masterchain và Veb3 Technology. Theo lệnh trừng phạt, các thực thể và cá nhân nói trên sẽ bị cấm giao dịch bằng đồng USD và sử dụng hệ thống tài chính Mỹ.

Mỹ cùng các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể trong nhiều lĩnh vực của Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

ÔNG TRUMP NHẬN TIN VUI GIỜ CHÓT: ĐƯỢC GIẢM NỬA TIỀN BẢO LÃNH, CHỈ CẦN NỘP SỐ TIỀN TƯƠNG ĐƯƠNG 4.300 TỶ ĐỒNG TRONG 10 NGÀY TỚI

Kết quả kháng cáo ngày 25/3 cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ cần nộp 175 triệu USD tiền bảo lãnh cho khoản phạt liên quan tới phán quyết của tòa New York cáo buộc ông khai khống tài sản.

Việc nộp tiền này là điều kiện bắt buộc để ông Trump, người liên tiếp bác bỏ phán quyết, tiếp tục kháng cáo.

Tòa phúc thẩm New York tuyên bố ông Trump phải nộp 175 triệu USD trong 10 ngày tới chỉ vài giờ trước khi hạn chót nộp số tiền 454 triệu USD hết hạn. Vị cựu Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ “tuân theo” phán quyết của tòa phúc thẩm.

Nếu ông Trump thành công nộp khoản tiền 175 triệu USD trước thời hạn mới, điều này sẽ ngăn chặn Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, người đưa ra các cáo buộc gian lận nhằm vào ông Trump, thực hiện việc tịch biên tài sản của vị tỷ phú. Bà James là một người của đảng Dân chủ.

Trên mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump khẳng định phán quyết mới nhất là “lần thứ 5” trong vụ án này ông lật ngược bản án của Thẩm phán New York Arthur Engoron – một kỷ lục. Cựu Tổng thống cũng tiếp tục cho rằng sự tín nhiệm của ông Engoron và bà James đã bị tổn hại.

Ông Trump một lần nữa khẳng định mình không làm gì sai.

CÁC TỈ PHÚ MỸ ÂM THẦM VẬN ĐỘNG GIÚP ÔNG TRUMP

Một số tỉ phú Mỹ là các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa đang hợp lực tìm cách hỗ trợ ông Donald Trump, gây quỹ được số tiền bảo đảm cần thiết để kháng án gian lận ở New York.

Cựu Tổng thống Trump cần nộp tiền bảo lãnh để có thể chuyển sang giai đoạn xử phúc thẩm án gian lận trong kinh doanh ở bang New York.

Tòa phúc thẩm New York (Mỹ) hôm 25.3 quyết định ông Trump và các con vẫn có thể vận hành một doanh nghiệp tại New York và có thể vay tiền từ các cơ sở tài chính tại New York trong lúc này.

Tòa cũng cho ông Trump thêm 10 ngày để nộp bảo lãnh và giảm số tiền cần thiết để bảo lãnh nhằm đảm bảo việc thi hành án phạt xuống chỉ còn 175 triệu USD.

Reuters hôm 26.3 dẫn ít nhất 3 nguồn thạo tin cho biết một số tỉ phú Mỹ đang tìm cách gây quỹ hỗ trợ ông Trump giải quyết vấn đề tiền bảo đảm. Cụ thể, tỉ phú John Paulson chuyên về quỹ bảo hiểm rủi ro đang tham dự nỗ lực trên của các nhà tài trợ đảng Cộng hòa.

"Trùm" dầu khí Harold Hamm cũng nằm trong số này.

Tỉ phú Paulson, nhà sáng lập Paulson & Co, và tỉ phú Hamm, nhà sáng lập Tập đoàn dầu khí Continental Resources, chưa bình luận về thông tin trên.

Trong khi đó, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump là ông Steven Cheung cho biết "không có nỗ lực phối hợp nào" nhằm gây quỹ hỗ trợ cựu Tổng thống trong vụ án dân sự. Ông Cheung bổ sung ông Trump "thừa tiền mặt" để nộp phạt 454 triệu USD nếu cần.

Một nguồn tin khác là đồng minh của ông Trump tiết lộ ông biết được một nhà tài trợ tuần trước đề nghị góp hơn 10 triệu USD cho ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, trước khi được báo rằng không cần thiết phải làm như thế.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Báo Tin Tức; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang