Mỹ: Siết an ninh trước ngày xử Trump; Trump nỗ lực tẩy trắng, 'ra điều kiện' với Ukraine; Cuộc đua vũ trang với TQ; Cấm vận mới lên Nga

AN NINH SIẾT CHẶT TRƯỚC NGÀY XỬ TRUMP

Giới chức New York City tăng cường an ninh trong bối cảnh tòa án thành phố này chuẩn bị xét xử cựu tổng thống Trump vụ chi tiền bịt miệng.

"Mật vụ Mỹ đã sẵn sàng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ ở New York", Patrick J. Freaney, phụ trách văn phòng thực địa của Mật vụ tại New York, cho biết ngày 12/4.

Theo các nguồn tin hành pháp, Mật vụ đã họp với lực lượng an ninh tòa án New York và cảnh sát New York trong ít nhất hai tuần qua để lên phương án bảo vệ tòa hình sự Manhattan, nơi diễn ra phiên xử cựu tổng thống Donald Trump liên quan cáo buộc chi tiền bịt miệng vào ngày 15/4.

Edward Caban, ủy viên sở cảnh sát New York City, cho biết lập kế hoạch an ninh cho những sự kiện quan trọng là việc "rất quen thuộc" với lực lượng hành pháp địa phương. Ông tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho tòa án, cho phép tụ tập ôn hòa bên ngoài tòa nhà và phân luồng giao thông trong thời gian xét xử.

Cảnh sát sẽ theo dõi tình hình tại hai địa điểm chính, gồm một trung tâm chỉ huy di động và Trung tâm Tác chiến Hỗn hợp, nơi có thể tiếp cận hơn 50.000 máy quay trong thành phố. Sĩ quan ở hai địa điểm sẽ liên lạc và giám sát cung đường từ Tháp Trump, nơi ông Trump ở, đến tòa án.

Cựu tổng thống Trump hồi tháng 3/2023 bị truy tố 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels, ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Cuộc điều tra do công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg phụ trách. Ông Trump bác bỏ cáo buộc.

Thẩm phán tòa tối cao New York Juan Merchan ban đầu ấn định bắt đầu xét xử ngày 25/3. Phía ông Trump sau đó nộp hàng loạt kiến nghị hoãn xử và thành công một lần vào tháng 3, giúp lùi thời gian thêm ba tuần. 4 nỗ lực "câu giờ" phút chót gần đây đều đã bị các thẩm phán bác bỏ trong tuần này.

Quá trình xét xử kéo dài ít nhất 6 tuần và ông Trump sẽ phải có mặt tại tòa 4 ngày làm việc mỗi tuần, trừ các thứ tư. Đây là cáo buộc khiến Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố và xét xử. Làm giả hồ sơ kinh doanh là tội danh cấp thấp nhất tại New York, với bản án tối đa là 4 năm tù.

TRUMP NỖ LỰC “TẨY TRẮNG” TRƯỚC HÀNG LOẠT CÁO TRẠNG

Hai trong số bốn cáo trạng hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt đều bắt nguồn từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, bao gồm vụ truy tố can thiệp bầu cử và cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử tại bang Georgia. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị cầm chân bởi những lùm xùm pháp lý, ông Trump vẫn có những cách riêng để tiếp tục thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Gắn các vụ án liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020 với vấn đề nhập cư

Thua trận trước đối thủ Biden trong cuộc bầu cử 4 năm về trước, ông Trump đã lập tức tuyên bố trước truyền thông, kết quả bầu cử đã sai lệch và “cuộc bầu cử bị đánh cắp”.

Luận điểm “cuộc bầu cử bị đánh cắp” của ông Trump thoạt đầu có vẻ như chỉ là một hành động cứu vãn cái tôi sau khi để mất Nhà Trắng về tay đối thủ Joe Biden. Nhưng ngay sau đó, luận điểm này đã trở thành một nỗ lực thực sự nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Chỉ hai ngày sau khi kết quả được công bố, ông Trump đã phát biểu trước truyền thông: “Nếu bạn đếm số phiếu hợp pháp, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nếu bạn đếm số phiếu bất hợp pháp, họ có thể cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử từ chúng tôi”.

Phát ngôn đầy ẩn ý trong thời điểm chuyển giao quyền lực đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn của những người ủng hộ cựu Tổng thống hôm 6/1/2021 tại Điện Capitol nhằm phản đối chiến thắng của ông Biden. Sự kiện khiến 450 người bị kết án này đã đi vào lịch sử như một vết nhơ chính trường đối với cựu Tổng thống, nhưng đồng thời cũng chứng minh khả năng thu hút và thuyết phục công chúng của ông Trump.

Tại một đất nước đề cao sự tự do, dân chủ như Mỹ, việc ông Trump biến mình thành một nạn nhân chính trị và phải chịu bất công vì những sai lầm trong việc kiểm phiếu trước truyền thông là một nước cờ khôn ngoan. Ngay cả khi vướng vào cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, cựu Tổng thống vẫn tuyên bố mình vô tội và lá phiếu của những người “không phải công dân Mỹ” đã làm sai lệch kết quả bầu cử. Động thái này của ông Trump đã hướng sự chú ý của cử tri đến một trong những vấn đề đang gây chia rẽ nước Mỹ hiện nay: vấn đề nhập cư.

Mới đây, bang Georgia, với gần 8 triệu cử tri, đã tiến hành một cuộc kiểm tra phiếu bầu theo yêu cầu của cựu Tổng thống. Cuộc kiểm tra này đã phát hiện 1.634 người không phải là công dân Mỹ đã cố gắng đăng ký bỏ phiếu từ năm 1997 đến đầu năm 2022 nhưng không ai thành công.

Dù vậy, sự việc này vẫn làm dấy lên sự bất mãn và nỗi lo ngại giữa lòng nước Mỹ rằng nền dân chủ của họ đang rơi vào tay người ngoài, đặc biệt khi số lượng người vượt biên trái phép vẫn đang leo thang. Trong những bài đăng gần đây trên tài khoản Truth Social, cựu Tổng thống cũng thường xuyên chỉ trích Đảng Dân chủ đang “nhập khẩu hàng loạt người nước ngoài” để có thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2024.

Trong một cuộc phỏng vấn với Christian Broadcasting Network tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng ủng hộ ý tưởng của cựu Tổng thống về việc đảng Dân chủ đang cố gắng thay đổi bản đồ bầu cử.

“Nghe có vẻ giống như một thuyết âm mưu, nhưng tôi nghĩ nó thực sự đúng. Họ đang biến một số người nhập cư bất hợp pháp trở thành cử tri vì mục đích riêng và thay đổi kết quả điều tra dân số vào năm 2030”, ông Johnson nói, đồng thời nhắc đến tình trạng nhập cư mất kiểm soát không chỉ đe dọa tính liêm chính của nền dân chủ mà còn khiến nền an ninh và kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Việc ông Trump gán cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử với vấn đề nhập cư có thể tiếp tục duy trì sự ủng hộ của cử tri đối với ông. Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos vào cuối tháng 2/2024 cho thấy có 26% người Mỹ trưởng thành tin tưởng ông Biden làm tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề nhập cư, trong khi có đến 44% đặt niềm tin vào cựu Tổng thống.

Cú bắt tay giữa ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Johnson

Hôm 12/4, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã đồng hành với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại câu lạc bộ Mar-a-Lago (Florida) – cuộc họp báo được xem như một sự kiện tranh cử “không chính thức” của cựu Tổng thống. Cuộc họp báo này cũng diễn ra chỉ 3 ngày trước khi cựu Tổng thống Trump xuất hiện tại phiên tòa hình sự đầu tiên của ông liên quan đến vụ việc trả tiền bịt miệng cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels.

Hiện nay, ông Johnson đang ở giai đoạn bấp bênh của sự nghiệp khi các đang đe dọa lật đổ ông nếu Chủ tịch Hạ viện đi ngược lại ý muốn của ông Trump trong vấn đề viện trợ cho Ukraine. Hiển nhiên, ông Johnson phải bắt tay với cựu Tổng thống Trump, đồng thời cũng là ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa để giữ vững chiếc ghế của mình tại Hạ viện.

Chủ đề được công bố trong tuyên bố chung công khai của ông Johnson và ông Trump hôm thứ Sáu là “tính liêm chính trong bầu cử”. Điều này hậu thuẫn mạnh mẽ cho những gì cựu Tổng thống đã phát biểu trước truyền thông nhằm chứng minh các cáo trạng hình sự mà ông đang phải đối mặt là sai lầm.

Theo CNN, hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa dự kiến ​​sẽ thu hút sự chú ý của cử tri khi đề cập đến vấn đề liệu nhà nước có nên cho phép dân di cư đi bỏ phiếu hay không. Hiện nay, một số thành phố hoặc khu vực pháp lý đã cho phép những người chưa có quốc tịch bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử phi liên bang - chẳng hạn như cho các vị trí trong hội đồng trường học. Tuy nhiên, luật liên bang quy định rõ, những người không phải là công dân Mỹ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền, ngồi tù hoặc trục xuất. Với những hình phạt này, nhiều ý kiến cho rằng không có một vấn đề nào cần được giải quyết ở đây.

Nhưng cựu Tổng thống Trump lại xem vấn đề này là nội dung trọng tâm trong cuộc họp báo sắp tới, đồng thời ẩn ý rằng việc bỏ qua sự thật này là một âm mưu của đảng Dân chủ nhằm làm sai lệch kết quả bầu cử năm nay, như những gì đã xảy ra 4 năm trước.

Nỗ lực này của ông Trump đang được nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ. Trong cuộc thăm dò vào tháng trước của YouGov, có đến 66% đảng viên đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump đang bị đối xử “bất công” khi phải đối diện tới 4 cáo buộc hình sự.

Dù có những bất đồng riêng với Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene vẫn bày tỏ hi vọng hai nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa “sẽ có một cuộc gặp tuyệt vời”.

“Tôi ủng hộ ông Trump. Chúng tôi sẽ chiến đấu để đưa ông ấy trở lại Nhà Trắng. Đây là vấn đề quan trọng nhất”, bà Green nói.

Người phát ngôn chiến dịch của ông Trump - bà Karoline Leavitt cũng cho biết: “Toàn bộ chiến lược của ông Joe Biden và đảng Dân chủ để đánh bại cựu Tổng thống Trump là “cột chặt” ông ấy vào phòng xử án. Ông Trump sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự thật và chia sẻ thông điệp của mình trên con đường tranh cử” - bà Leavitt nói.

TRUMP CÓ CÂU TRẢ LỜI TRỰC TIẾP VỀ YÊU CẦU VIỆN TRỢ CỦA UKRAINE

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng ông sẽ không phản đối việc Quốc hội phê chuẩn thêm viện trợ cho Ukraine miễn là khoản hỗ trợ đó dưới hình thức cho vay chứ không phải quyên tặng.

Ông Trump hôm 12-4 nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu cũng phải có mức hỗ trợ tương tự như Washington dành cho Kiev.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ đạo luật viện trợ cho Ukraine hay không nếu dự luật được đưa ra bỏ phiếu, ông nói: "Chúng tôi đang nghĩ đến việc thực hiện nó dưới hình thức cho vay, thay vì chỉ là quyên tặng. Chúng tôi tiếp tục trao những món quà trị giá hàng tỉ USD và chúng tôi sẽ xem xét điều đó".

Ông Trump là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, chuẩn bị "tái đấu" với đối thủ Đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Lần đầu tiên ông Trump đưa ra ý tưởng chuyển viện trợ của Ukraine thành các khoản vay là vào tháng 2 và cựu tổng thống đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ chấm dứt xung đột giữa Kiev và Moscow trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử bằng cách buộc cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã ngăn phê duyệt viện trợ mới cho Ukraine kể từ mùa thu năm ngoái khi cho rằng ông Biden chỉ đang kéo dài cuộc xung đột nhưng không đưa ra chiến lược chấm dứt giao tranh.

Ông Trump hôm 12-4 nói thêm nếu viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine được chấp thuận, châu Âu phải tăng cường viện trợ và họ phải cân bằng điều đó. Ông cho rằng bản thân cảm thấy rất khó chịu vì châu Âu vốn bị ảnh hưởng từ xung đột nhiều hơn Mỹ.

Cựu Tổng thống Trump cũng lặp lại tuyên bố xung đột Nga - Ukraine sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông còn đương nhiệm. Ông Trump cho rằng việc ông Biden thiếu năng lực lãnh đạo đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc xung đột Israel - Hamas. Ông nói thêm rằng dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm, Mỹ là một quốc gia đang suy yếu.

Ông Trump cũng cảnh báo xung đột ở Ukraine và Israel có thể leo thang đáng kể ngay trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

CUỘC ĐUA MÁY BAY QUÂN SỰ KHÔNG NGƯỜI LÁI MỸ-TRUNG

Giữa lúc sự cạnh tranh ngày càng tăng, các nhà hoạch định quân sự của Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho một loại chiến tranh mới mà trong đó các đội máy bay không người lái trên không và các đội tàu không người lái trên biển được trang bị trí tuệ nhân tạo phối hợp với nhau như một đàn ong để áp đảo kẻ thù.

Các nhà lập kế hoạch hình dung ra một kịch bản trong đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cỗ máy tham gia vào trận chiến phối hợp. Một người điều khiển duy nhất có thể giám sát hàng chục máy bay không người lái. Một số sẽ do thám, số khác sẽ tấn công. Một số sẽ có thể chuyển sang các mục tiêu mới khi đang thực hiện nhiệm vụ dựa trên chương trình đã lập trình trước đó thay vì lệnh trực tiếp.

Các siêu cường AI trên thế giới đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang về số lượng máy bay không người lái gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh, với công nghệ máy bay không người lái khó ngăn chặn hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân. Nhờ phần mềm điều khiển khả năng bay theo đàn của máy bay không người lái nên các quốc gia và các phần tử hiếu chiến bất hảo có thể tương đối dễ dàng có được đội quân robot sát thủ của riêng mình với giá rẻ.

Ngũ Giác Đài đang thúc đẩy việc phát triển khẩn cấp các loại máy bay không người lái chi phí rẻ để ngăn chặn hành động của Trung Quốc về yêu sách lãnh thổ của nước này đối với Đài Loan. Washington cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt kịp Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc cho rằng vũ khí hỗ trợ AI là điều không thể tránh khỏi nên họ cũng phải có chúng.

Bà Margarita Konaev, nhà phân tích của Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi của Đại học Georgetown, cho biết sự lan rộng không được kiểm soát của công nghệ ồ ạt “có thể dẫn đến bất ổn và xung đột hơn trên toàn thế giới”.

Với tư cách là những nước đứng đầu không thể tranh cãi trong lĩnh vực này, Washington và Bắc Kinh được trang bị tốt nhất để làm gương bằng cách đặt ra giới hạn cho việc sử dụng đàn máy bay không người lái cho mục đích quân sự. Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt giữa họ, sự hung hăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và những căng thẳng dai dẳng về vấn đề Đài Loan khiến triển vọng hợp tác trở nên mờ mịt.

Ý tưởng này không phải là mới. Liên hiệp quốc đã cố gắng trong hơn một thập niên để thúc đẩy các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân bằng máy bay không người lái, có thể bao gồm các giới hạn như cấm nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc cấm sử dụng số lượng hàng loạt để thanh tẩy sắc tộc.

Hợp đồng quân đội cung cấp manh mối

Máy bay không người lái là ưu tiên hàng đầu của cả hai cường quốc trong nhiều năm và mỗi bên đều giữ bí mật về tiến bộ của mình nên không rõ quốc gia nào có thể có lợi thế hơn.

Một nghiên cứu của Georgetown năm 2023 về chi tiêu quân sự liên quan đến AI cho thấy hơn 1/3 số hợp đồng do cả quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết trong 8 tháng của năm 2020 là dành cho các hệ thống không có người lái.

Ngũ Giác Đài đã vào tháng 1 tìm kiếm các nhà thầu cho các “tàu đánh chặn” hàng hải cỡ nhỏ, không người lái. Các thông số kỹ thuật phản ánh tham vọng của quân đội: Tàu không người lái phải có khả năng di chuyển hàng trăm dặm trong “vùng biển tranh chấp”, hoạt động theo nhóm ở vùng biển không có GPS, mang theo trọng tải gần 500kg, tấn công tàu thù địch ở tốc độ 40 dặm/giờ và thực hiện “các hành vi tự động phức tạp” để thích ứng với chiến thuật lẩn tránh của mục tiêu.

Không rõ một người sẽ điều khiển bao nhiêu máy bay không người lái. Phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng từ chối bình luận, nhưng một nghiên cứu do Ngũ Giác Đài hậu thuẫn được công bố gần đây đã đưa ra manh mối: Một người điều khiển duy nhất đã giám sát một đàn gồm hơn 100 máy bay không người lái trên không và trên bộ giá rẻ vào cuối năm 2021 trong một cuộc tập trận chiến tranh đô thị tại một địa điểm huấn luyện của Quân đội ở Fort Campbell, Tennessee.

CEO của một công ty phát triển phần mềm kết hợp hoạt động của nhiều máy bay không người lái cho biết công nghệ này đang tiến về phía trước.

Ông Lorenz Meier của Auterion, công ty đang nghiên cứu công nghệ cho quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh, nói: “Hiện tại, chúng tôi đang cho phép một người điều hành chỉ đạo nửa tá.” Ông cho biết con số này dự kiến sẽ tăng lên hàng chục và trong vòng một năm tới là hàng trăm.

Không chịu thua kém, quân đội Trung Quốc năm ngoái tuyên bố rằng hàng chục máy bay không người lái có thể “tự phục hồi” sau khi bị gây nhiễu đã cắt đứt liên lạc. Một tài liệu chính thức cho biết chúng đã tập hợp lại, chuyển sang chế độ tự dẫn đường và hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt mà không cần trợ giúp, cho nổ máy bay không người lái mang đầy chất nổ vào mục tiêu.

Để biện minh cho việc thúc đẩy các đàn máy bay không người lái, những người diều hâu Trung Quốc ở Washington đưa ra kịch bản sau: Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan sau đó cản trở các nỗ lực can thiệp của Mỹ bằng các làn sóng máy bay không người lái trên không và trên biển khiến máy bay, tàu và quân đội của Mỹ và đồng minh không có chỗ đứng.

Một năm trước, Giám đốc CIA William Burns cho biết lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội của ông “sẵn sàng xâm lược vào năm 2027”. Nhưng điều đó không có nghĩa là một cuộc xâm lược có thể xảy ra hoặc cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc về AI sẽ không làm trầm trọng thêm sự bất ổn toàn cầu.

Ông Kissinger kêu gọi hành động

Ngay trước khi qua đời vào năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã kêu gọi Bắc Kinh và Washington hợp tác cùng nhau để ngăn cản việc phổ biến vũ khí AI. Ông nói: Họ có “một cơ hội rất hẹp”.

Ông Kissinger viết: “Những tiết chế đối với AI cần phải xảy ra trước khi AI được xây dựng vào cấu trúc an ninh của mỗi xã hội”.

Ông Tập và Tổng thống Joe Biden đã đạt được thỏa thuận miệng vào tháng 11 để thành lập các nhóm làm việc về an toàn AI, nhưng nỗ lực đó cho đến nay đã lùi bước trong cuộc chạy đua vũ trang về máy bay không người lái tự hành.

Ông William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quản lý Nhà nước có Trách nhiệm Quincy, cho biết sự cạnh tranh không có khả năng xây dựng lòng tin hoặc giảm nguy cơ xung đột.

Nếu Mỹ “đi hết tốc lực về phía trước, rất có thể Trung Quốc sẽ tăng tốc bất cứ điều gì họ đang làm”, ông Hartung nói.

Các nhà phân tích cho biết, có nguy cơ Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ bầy đàn cho kẻ thù của Mỹ hoặc các nước áp bức. Hoặc nó có thể bị đánh cắp. Các quốc gia khác đang phát triển công nghệ này, như Nga, Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể phổ biến bí quyết này.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết vào tháng 1 rằng các cuộc đàm phán Mỹ-Trung dự kiến bắt đầu vào mùa xuân này sẽ giải quyết vấn đề an toàn AI. Cả văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng lẫn Hội đồng An ninh Quốc gia đều không bình luận về việc liệu việc sử dụng máy bay không người lái cho mục đích quân sự có nằm trong chương trình nghị sự hay không.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.

Chờ đợi năm năm

Các nhà phân tích quân sự, nhà sản xuất máy bay không người lái và nhà nghiên cứu AI không dự kiến những đàn máy bay không người lái có đầy đủ khả năng, sẵn sàng chiến đấu sẽ được triển khai trong 5 năm tới dù những đột phá lớn có thể xảy ra sớm hơn.

“Người Trung Quốc hiện có lợi thế về phần cứng. Tôi nghĩ chúng tôi có lợi thế về phần mềm,” CEO Adam Bry của nhà sản xuất máy bay không người lái Skydio của Hoa Kỳ, chuyên cung cấp cho Quân đội, Cơ quan Chống Ma túy và Bộ Ngoại giao, cùng các cơ quan khác, cho biết.

Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói Mỹ có “năng lực khoa học và công nghệ cơ bản mạnh hơn” nhưng nói thêm rằng lợi thế của Mỹ không phải là “không thể vượt qua”. Ông cho biết Washington cũng có xu hướng đánh giá quá cao tác động của các hạn chế xuất khẩu chip máy tính đối với những tiến bộ về máy bay không người lái của Trung Quốc.

Ông Paul Scharre, một chuyên gia về AI tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới, tin rằng hai đối thủ đang ở mức tương đương nhau.

“Câu hỏi lớn hơn đối với mỗi quốc gia là làm thế nào để sử dụng đàn máy bay không người lái một cách hiệu quả?” ông nói.

Đó là một lý do khiến mọi con mắt đều đổ dồn vào cuộc chiến ở Ukraine, nơi máy bay không người lái hoạt động như những con mắt trên bầu trời để khiến các hoạt động ở tiền tuyến không bị phát hiện trở nên bất khả thi. Chúng cũng vận chuyển chất nổ và đóng vai trò sát thủ không bị phát hiện.

Máy bay không người lái ở Ukraine thường xuyên bị gây nhiễu. Sự can thiệp điện tử chỉ là một trong nhiều thách thức đối với sự phát triển của máy bay không người lái. Các nhà nghiên cứu cũng tập trung vào khó khăn trong việc điều động hàng trăm máy bay không người lái trên không và trên biển thành các đàn máy bay bán tự trị trên vùng đất rộng lớn ở Tây Thái Bình Dương cho một cuộc chiến tiềm tàng ở Đài Loan.

Một chương trình bí mật trị giá 78 triệu đô la hiện không hoạt động, được Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Ngũ Giác Đài, hay DARPA, công bố vào đầu năm ngoái, dường như được thiết kế riêng cho kịch bản xâm lược Đài Loan.

Có nhiều điều đáng nói về các máy bay bầy đàn thích ứng đa miền và tự trị, nhưng sứ mệnh rất rõ ràng: Phát triển các cách thức cho hàng nghìn máy bay không người lái tự hành trên đất liền, trên biển và trên không để “làm suy yếu hoặc đánh bại” kẻ thù trong việc chiếm giữ lãnh thổ tranh chấp.

Drone tự ứng biến, nhưng phải tuân theo mệnh lệnh

Một chương trình riêng biệt của DARPA có tên là Chiến thuật Kích hoạt Tấn công Bầy đàn, có mục tiêu điều động hơn 250 máy bay không người lái trên đất liền để hỗ trợ quân đội trong chiến tranh đô thị.

Điều phối viên dự án Julie Adams, giáo sư về robot của tiểu bang Oregon, cho biết những người chỉ huy bầy đàn trong cuộc tập trận đã điều khiển được tới 133 phương tiện mặt đất và trên không cùng một lúc. Máy bay không người lái được lập trình với một loạt chiến thuật mà chúng có thể thực hiện bán tự động, bao gồm trinh sát trong nhà và mô phỏng tiêu diệt kẻ thù.

Dưới sự chỉ đạo của một chỉ huy bầy đàn, đội máy bay không người lái này hoạt động giống như một đội bộ binh mà binh lính được phép ứng biến miễn là tuân theo mệnh lệnh.

Bà Adams nói: “Đó là cái mà tôi gọi là tương tác giám sát, trong đó con người có thể dừng mệnh lệnh hoặc dừng chiến thuật. Nhưng một khi một hành động – chẳng hạn như một cuộc tấn công – được bắt đầu, máy bay không người lái sẽ tự động hoạt động.

Bà Adams cho biết bà đặc biệt ấn tượng với một người chỉ huy bầy đàn trong một cuộc tập trận khác vào năm ngoái tại Fort Moore, Georgia, người đã một mình quản lý một đàn 45 máy bay không người lái trong hơn 2,5 giờ chỉ với 20 phút huấn luyện.

“Đó là một bất ngờ thú vị,” bà nói.

Một phóng viên hỏi: Ông ta có phải là người chơi trò chơi điện tử không?

Vâng, bà nói. “Và ông ấy có một chiếc tai nghe thực tế ảo VR ở nhà.”

MỸ-ANH SẮP ĐƯA RA HÀNG LOẠT LỆNH TRỪNG PHẠT MỚI VỚI NGA

Washington và London ngày 12.4 cấm các sàn giao dịch kim loại chấp nhận nhôm, đồng và nickel mới do Nga sản xuất và cấm nhập khẩu những kim loại này vào Mỹ và Anh.

Động thái mới của Mỹ và Anh nhằm làm gián đoạn doanh thu xuất khẩu của Nga trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 năm qua, theo Reuters. Nga là nước sản xuất nhôm, đồng và nickel lớn.

Bộ Tài chính Mỹ cho hay động thái ngày 12.4 sẽ cấm Sàn giao dịch kim loại London và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago chấp nhận sản phẩm nhôm, đồng và nickel mới của Nga.

"Lệnh cấm mới của chúng tôi đối với các kim loại quan trọng, phối hợp với các đối tác của chúng tôi ở Vương quốc Anh, sẽ tiếp tục nhắm tới doanh thu mà Nga có thể kiếm được để tiếp tục cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Bà Yellen nhấn mạnh tiếp: "Bằng cách thực hiện hành động này một cách có mục tiêu và có trách nhiệm, chúng tôi sẽ giảm thu nhập của Nga trong khi bảo vệ các đối tác và đồng minh của chúng tôi khỏi những tác động lan rộng không mong muốn".

Chính phủ Anh thì nói trong một tuyên bố rằng cả hai biện pháp mới của Anh và Mỹ sẽ không áp dụng đối với lượng kim loại tồn kho hiện có của Nga trên hai sàn giao dịch nói trên để số hàng vẫn có thể được giao dịch và rút ra trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định của thị trường.

Hành động ngày 12.4 là hành động mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Anh và các đồng minh đã áp đặt lên Nga vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, được phát động vào ngày 24.2.2022.

Năm ngoái, Mỹ đã mở rộng các biện pháp kinh tế chống lại Nga sang lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ bằng cách áp thuế đối với kim loại. Các quan chức ngày 12.4 cho hay nhập khẩu ba kim loại nói trên của Mỹ đã giảm xuống mức 0 kể từ đó, theo Reuters.

Những nhà sản xuất kim loại Nga Rusal và Nornickel cũng như Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về động thái mới của Mỹ và Anh.

Nguồn: Vnexpress; VOV; Soha; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang