Mỹ: Thảm cảnh các khu văn phòng; Chật vật trả tiền nhà; Boeing lại bị điều tra; Vành đai rỉ sét & Biden; Đầu tư chip 1 vốn 10 lời

THỊ TRƯỜNG VĂN PHÒNG CHO THUÊ ẢM ĐẠM: HÀNG LOẠT TÒA NHÀ BỎ HOANG, KHÔNG DỄ TÌM ĐƯỢC 1 HÀNG MCDONALD'S

Thành phố phải 'trao thưởng' hơn 1 tỷ đồng cho những ai tới đây kinh doanh!

Tòa Railway Exchange, trong một thập kỷ qua, vốn được coi là trung tâm thành phố St. Louis. Hàng ngày, người dân địa phương chen chúc nhau tới đây mua sắm hoặc dùng bữa tại những nhà hàng sang trọng.

Thế nhưng hiện tại, tòa nhà 21 tầng này trống rỗng, cửa sổ đóng kín. Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra vào năm ngoái và chính quyền thành phố nghi ngờ rằng kẻ chủ mưu là những tên trộm đồng. “Đó là một nơi rất nguy hiểm”, Dennis Jenkerson, giám đốc Sở cứu hỏa St. Louis nói và cho biết tòa nhà 44 tầng gần đó mới đây đã được bán với giá khoảng 3,5 triệu USD.

Các thành phố như San Francisco và Chicago đang cố gắng cứu rỗi nhiều khu văn phòng bị mắc kẹt. Các tòa nhà bỏ hoang, trong khi phố xá thưa người và buồn tẻ đáng sợ.

Theo Đại học Toronto, khu thương mại trung tâm St. Louis đã chứng kiến lưu lượng người đi bộ giảm mạnh nhất trong tổng số 66 thành phố lớn ở Bắc Mỹ từ khi bắt đầu đại dịch đến mùa hè năm ngoái. Giao thông đã được cải thiện đôi chút, song với tốc độ khá chậm.

Theo các chuyên gia, Railway Exchange có thể là tương lai cho các trung tâm thành phố Mỹ nếu giới chức không nhanh chóng cải tạo. Khu văn phòng St. Louis hiện rất thưa cửa hàng kinh doanh quần áo. Người dân thậm chí còn không tìm được một tiệm McDonald's nào.

Giá trị tòa nhà AT&T Tower 44 tầng sụt giảm. Vào năm 2022, nó đã được bán với giá chỉ 4 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức hơn 200 triệu USD nhiều năm trước. Năm ngoái, thành phố còn cho phá bỏ cây cầu nối liền tòa nhà với bãi đỗ xe bên kia đường vì người dân liên tục lợi dụng nó để đột nhập vào tòa nhà.

“Có lần tôi thấy sáu thiếu niên mang ván trượt và GoPro vào đó. Một sĩ quan cảnh sát xuất hiện và mắng mỏ bọn trẻ", Jack O'Connor, quản lý quán bar ở trung tâm thành phố nói.

Theo Đại học Toronto, 6 trong số 10 khu văn phòng của Mỹ chứng kiến lưu lượng người đi bộ giảm mạnh nhất từ năm 2019 đến giữa năm 2023 đều nằm ở vùng Trung Tây. St. Louis đã phải chịu thiệt hại tương tự trong nhiều thập kỷ. Dân số giảm, sự cạnh tranh từ các văn phòng mới hơn vùng ngoại ô hay các dự án quy hoạch đô thị thất bại đã để lại cho khu vực này một quang cảnh ảm đạm. Khách du lịch không đủ để bù đắp cho số nhân viên văn phòng thiếu hụt.

“Mọi người không đến đó vì không có gì để làm. Khu vực đó cũng không có gì để làm vì mọi người không ai đến”, Glenn MacDonald, giáo sư kinh tế tại Đại học Washington, cho biết.

Sự hoang tàn lan rộng về phía nam. Đối diện nhà để xe, cửa hàng bánh sandwich St. Louis Bread đã phải đóng cửa. Các luật sư tại công ty luật Brown & Crouppen giờ không có chỗ ăn trưa.

Đứng sau quầy Chili Mac's Diner, cạnh cửa hàng Panera đã đóng cửa, cô chủ Charlotte Herling đọc kỹ tên 5 nhà hàng đã rời đi trong bán kính hai dãy nhà. “Rất nhiều người trong số họ không thể trụ nổi. Chúng tôi chỉ may mắn vì không còn doanh nghiệp nào cạnh tranh cùng nữa”.

Đường phố vắng tanh khiến khu văn phòng trở nên nguy hiểm. Đầu năm 2023, một vận động viên bóng chuyền 17 tuổi đến từ Tennessee đã mất cả hai chân sau khi bị một chiếc ô tô chạy quá tốc độ đâm phải. Aziz-Morris, một nhân viên bán thời gian cho biết cửa hàng Pharaoh's Donuts đã bị vỡ cửa sổ hai lần. Chiếc xe tải giao hàng bên ngoài cũng phủ đầy vết vẽ bậy.

Để cải thiện tình hình, thành phố đang thực thi nhiều chiến dịch, bổ sung cảnh quan và làn đường dành riêng cho xe đạp. Kurt Weigle, giám đốc trung tâm thành phố của nhóm cho biết, mục tiêu “là đưa nhiều người xuống đường làm những điều tích cực hơn”.

Các nhà bán lẻ chuyển đến trung tâm thành phố sẽ được nhận số tiền lên tới 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) để chi trả cho công việc xây dựng. Các quán cà phê vỉa hè và cửa hàng tạm thời cũng sẽ được hưởng ưu đãi.

Chiến dịch không hề dễ dàng. Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh địa phương, thành phố muốn khuyến khích các nhà phát triển xây thêm hàng trăm căn hộ bằng cách chuyển đổi các tòa nhà văn phòng trống. Tuy nhiên, những dự án này vô cùng tốn kém.

Ngoài St. Louis, thành phố Atlanta cũng chung cảnh ngộ. Đây từng được coi là một trong những thành phố bùng nổ lớn nhất Sunbelt, song bạn sẽ không bao giờ thấy được điều này khi thị trường văn phòng sụt giảm. Tỷ lệ phòng trống tăng cao, trong khi các công ty đang đua nhau giải phóng không gian trên thị trường cho thuê lại. Nhiều dự án văn phòng mới đang bị trì hoãn.

Tình trạng hỗn loạn cho thấy ngay cả các thành phố như Sunbelt với nền kinh tế thịnh vượng cũng không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng khu vực văn phòng. Tăng trưởng việc làm dù mạnh mẽ cũng không thể bù đắp tỷ lệ quay trở lại văn phòng yếu ớt của thành phố.ư

“Mọi thứ hoàn toàn mất kết nối”, Madelyn Shields, phó giám đốc của công ty dữ liệu bất động sản CoStar Group, cho biết.

Việc lãi suất tăng vọt đẩy nhiều chủ sở hữu bất động sản đến bờ vực thẳm. Banyan Street Capital có trụ sở tại Miami đã phải bỏ 6 toà tháp văn phòng cùng 1 trung tâm thương mại, trong khi Starwood Capital Group vỡ nợ vì không thể tái cấp vốn.

Theo CoStar, trong năm 2023, tỷ lệ văn phòng trống ở Atlanta đã tăng lên 14,7% từ mức 11,5% vào cuối năm 2019. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trống 20% ở San Francisco, song CoStar dự đoán tác động từ việc cắt giảm quy mô công ty sẽ đẩy số văn phòng trống tại Atlanta lên trên mức kỷ lục 16%.

Tỷ lệ quay trở lại làm việc yếu kém của Atlanta đang làm tăng thêm căng thẳng đối với tài sản thương mại. Rob Sadow, giám đốc điều hành Scoop, cho biết giao thông tồi tệ là lý do chính khiến nhân viên ít có mặt ở văn phòng. Thời gian đi lại ảnh hưởng rất nhiều tới xu hướng làm việc.

NGƯỜI MỸ GẶP KHÓ DO CHI PHÍ NHÀ Ở VƯỢT QUÁ KHẢ NĂNG CHI TRẢ

Một cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy, gần 1/2 số người được hỏi cho biết họ rơi vào tình cảnh khó khăn do chi phí nhà ở tăng cao, vượt quá khả năng chi trả.

Theo đài CBS News, cuộc khảo sát của trang bất động sản trực tuyến Redfin với khoảng 3.000 chủ nhà và người thuê nhà vào tháng 2 cho hay, khoảng 1/2 chủ nhà và người thuê nhà cho biết họ đã phải chật vật để trả tiền thế chấp, hoặc tiền thuê nhà định kỳ hàng năm.

Để có thể chi trả tiền nhà, nhiều người đã lựa chọn các giải pháp như bán đồ đạc (20,6%), nhận ca làm thêm giờ (20,7%), từ bỏ các kỳ nghỉ (34,5%), và thậm chí bỏ bữa (22%).

Trong số 1.494 người thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản thanh toán tiền nhà, khoảng 18% chọn vay mượn từ người thân và bạn bè, và 17,6% sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí cá nhân. Ngoài ra, 15,6% chọn cách trì hoãn, và thậm chí từ chối các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Bà Chen Zhao, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Redfin, cho biết “chi phí nhà ở liên tục tăng cao ở Mỹ đã khiến một số hộ gia đình không còn đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu khác bao gồm thực phẩm và dịch vụ y tế. Họ buộc phải đưa ra các lựa chọn khó khăn, làm thêm giờ, và vay tiền người khác để có thể trang trải chi phí hàng tháng”.

Trên thực tế, các khoản thanh toán thế chấp nhà ở Mỹ đang ở gần mức cao nhất từ trước tới nay, do giá cả và lãi suất thế chấp đều tăng. Giá bán nhà trung bình ở Mỹ tăng khoảng 5% so với cách đây một năm. Lãi suất thế chấp cũng đang dao động quanh mức 7%, và được dự đoán tăng lên 8% vào tháng 10 - mức cao kỷ lục trong vòng 23 năm.

Trong khi đó, một hộ gia đình điển hình ở Mỹ kiếm được khoảng 30.000 USD nên không thể mua một căn nhà giá trung bình, trong khi giá thuê nhà vẫn tiếp tục tăng.

BOEING TIẾP TỤC BỊ ĐIỀU TRA

Hôm qua, Reuters dẫn lời Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết đang mở cuộc điều tra về đơn khiếu nại của ông Sam Salehpour, một cựu kỹ sư làm việc cho Tập đoàn Boeing. Đơn khiếu nại được nộp vào tháng 1 và mới được công khai ngày 9.4 (giờ Mỹ).

Là kỹ sư thẩm định chất lượng, ông Salehpour được giao trách nhiệm điều tra và phân tích những lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất và tìm ra phương án xử lý. Theo luật sư của ông Salehpour, năm 2021, thân chủ phát hiện Boeing tìm cách rút gọn quy trình lắp ráp thân máy bay 787 Dreamliner. Do phần thân dòng máy bay này cấu tạo từ nhiều phần thuộc về những nhà sản xuất khác nhau, việc rút gọn quy trình dẫn đến hậu quả là thân phi cơ không được kết nối chặt chẽ đúng mức, tạo nên áp lực quá sức lên các khớp nối quan trọng của máy bay.

Không dừng lại ở đó, những mảnh vụn trong quá trình khoan lắp ráp đã tích tụ bên trong các mối nối của hơn 1.000 máy bay 787 Dreamliner. Những lỗi này không những có thể làm giảm thời gian sử dụng của máy bay, mà đẩy máy bay đến nguy cơ có thể bị gẫy thân trên không.

Ông Salehpour cho biết đã trình bày phát hiện của mình lên ban quản lý Boeing, nhưng bị đe dọa và yêu cầu giữ kín thông tin, theo trang Axios. Sau đó ông Salehpour bị loại khỏi chương trình 787 và chuyển sang chương trình 777. Thế nhưng, ông tiếp tục phát hiện trục trặc ở dòng máy bay 777. Boeing đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc liên quan nguy cơ đối với thân máy bay.

VÀNH ĐAI RỈ SÉT SẼ QUYẾT ĐỊNH KHẢ NĂNG THẮNG CỬ CỦA BIDEN

Những bang chiến trường quan trọng nằm trên Vành đai rỉ sét (Rust Belt) được dự đoán sẽ quyết định kết quả bầu cử Tổng thống năm nay, giống như những gì đã xảy ra vào hai cuộc bầu cử liền kề trước. Theo nhiều chuyên gia, nếu biết cách phát huy lợi thế tại khu vực này, khả năng tái đắc cử của ông Biden rất cao.

Vành đai rỉ sét là một khu vực trải dài qua 8 bang ở miền Trung Tây nước Mỹ, bao gồm: New York, Wisconsin, Pennsylvania, Ohio, Indiana, Michigan, West Virginia và Illinois. Đây là thuật ngữ không chính thức chỉ các khu vực đã trải qua sự suy giảm công nghiệp bắt đầu từ khoảng năm 1970 do thuế cao và chi phí lao động cao.

Một ứng cử viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri mới có thể đắc cử Tổng thống Mỹ. Sở hữu tới 120 phiếu đại cử tri phân bố khắp các bang, Vành đai rỉ sét luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đặc biệt trong hai cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2016 và 2020.

Năm 2016, nhờ chiến thắng trước bà Hilary Clinton tại 3 bang chiến trường quan trọng Wisconsin, Pennsylvania và Michigan với khoảng cách sát nút là 0,8%, 0,7% và 0,2%, ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đã giành được nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên tại Nhà Trắng. Bốn năm sau đó, khi 3 chiến địa kể trên về tay ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Nhà Trắng lại một lần nữa đổi ngôi.

Tuy nhiên, có lẽ chưa nhận thấy tầm quan trọng của khu vực này, ông Biden vẫn đang đi đường vòng để tiến đến chiến thắng.

Ông Biden có đang đi chệch hướng?

Đang sở hữu nguồn tài chính dồi dào, Tổng thống Biden vẫn chưa nhận thấy sự cần thiết phải tập trung nguồn lực tranh cử vào bất kỳ khu vực tranh cử nào. Ông Biden đang mạnh tay đầu tư cho các sự kiện tranh cử và chạy quảng cáo ở hầu khắp mọi trận địa nhằm tăng độ phủ sóng và tần suất tương tác với cử tri.

Ông Dan Kanninen, Giám đốc phụ trách các bang chiến trường trong đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden, cho biết: “Chúng tôi cũng đang chạy chiến dịch với quy mô lớn trên khắp các bang trung thành của đảng Dân chủ và các bang phía nam, đặc biệt à ở Nevada và Arizona”. Theo ông Kanninen, “đây là một cuộc đua có nhiều con đường dẫn đến chiến thắng và tốt nhất nên đi thử mọi con đường”.

Hai bang dao động Nevada và Arizona thuộc Vành đai mặt trời (Sun Belt) chạy dọc khu vực tây nam và ven bờ Thái Bình Dương của nước Mỹ. Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, sự đa dạng hóa chủng tộc tại khu vực này đã diễn ra với tốc độ chóng mặt. Từ năm 2004 đến năm 2020, tỉ lệ phiếu bầu của người da màu đã tăng 10% ở Georgia và 15% ở Arizona. Điều này là một tín hiệu đáng lo ngại với Tổng thống Mỹ, khi vấn đề biên giới và cuộc xung đột ở Gaza đang khiến các cử tri da màu và cử tri gốc Arab quay lưng lại với chính quyền ông Biden.

Hơn nữa, người dân Mỹ ở khu vực này luôn coi trọng các chính sách kinh tế, và lĩnh vực này vốn là thế mạnh của cựu Tổng thống Trump. Thực tế này cho thấy việc cố gắng cạnh tranh với người tiền nhiệm tại các bang từng đem lại chiến thắng cho ông Biden vào hồi 4 năm trước không phải một sự lựa chọn khôn ngoan đối với Tổng thống Mỹ trong thời điểm nảy.

Câu hỏi lớn nhất dành cho Tổng thống là liệu ông có đủ khả năng thay thế cái bóng của ông Trump tại các bang Vành đai Mặt trời hay không. Các quảng cáo chiến dịch của ông Biden đều đang cố hướng mũi rìu dư luận về phía đối thủ Trump khi nêu bật các nhận xét của cựu Tổng thống cho rằng người nhập cư đang “đầu độc đất nước” và cáo buộc cựu Tổng thống “kích động bạo lực chủng tộc” thông qua việc ủng hộ cuộc tuần hành của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và cuộc tấn công Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Tuy nhiên, dù đã qua vài tháng, ông Trump vẫn dẫn trước Tổng thống Mỹ trong các cuộc thăm dò mức độ tín nhiệm của cử tri.

Con đường ngắn nhất đi tới chiến thắng là thông qua Vành đai rỉ sét

Việc ba bang chiến trường Wisconsin, Pennsylvania và Michigan được “nhuộm xanh” trong cuộc bầu cử Tổng thống 4 năm trước đã để ngỏ một khả năng tái đắc cử cho Tổng thống Biden. Con đường ngắn nhất dẫn đến cánh cửa Nhà Trắng có thể chạy thẳng qua ba bang Vành đai Rỉ sét mà ông Biden đã thành công giành được từ đối thủ Trump vào năm 2020.

Để tái đắc cử, Tổng thống Mỹ nên đi theo phương pháp truyền thống từ lần bầu cử trước, tập trung tìm kiếm phiếu bầu từ các cử tri da trắng đang chiếm tới hơn 75% dân số Mỹ, theo số liệu mới nhất của Cục Điều tra Dân số. Bên cạnh đó, nhiều khảo sát cho thấy ông Biden cũng thu hút nhiều sự ủng hộ hơn từ các cử tri lớn tuổi – những người đang được hưởng lợi từ chính sách tăng chi phí an sinh xã hội của chính quyền ông. Hiện hai nhóm đối tượng này đang chiếm ưu thế tại khu vực Vành đai rỉ sét.

Cách tiếp cận các vấn đề nổi cộm trong chiến dịch tranh cử lần này của Tổng thống cũng cho thấy tầm quan trọng của Vành đai rỉ sét đối với ông. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy luận điểm hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn quốc của ông Biden gây được tiếng vang lớn đối với nhóm cử tri da trắng có trình độ đại học, đặc biệt là phụ nữ; trong khi vấn đề kinh tế lại không thu hút được nhiều sự quan tâm tại khu vực này. Điều này là một tín hiệu tốt bởi kinh tế vốn không phải là lợi thế của ông, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ đang thất vọng vì chi phí nhu yếu phẩm đang leo thang.

“Các vấn đề có lợi nhất cho Tổng thống Biden, đặc biệt quyền phá thai, sẽ có tác dụng tốt hơn ở các bang thuộc Vành đai Rỉ sét, trong khi việc giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận kinh tế với những cử tri vốn không hào hứng với ông Biden ngay từ đầu lại khó hơn rất nhiều”, nhà thăm dò ý kiến của đảng Dân chủ Ben Tulchin cho biết.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ôn Biden có sức ảnh hưởng lớn hơn ở Vành đai rỉ sét. Trong cuộc thăm dò mới nhất của CNN, ông Biden nhận được tỉ lệ ủng hộ tương đương với đối thủ Trump là 46% ở bang Pennsylvania; và thậm chí vượt cựu Tổng thống Mỹ ở bang Wisconsin với tỉ lệ 41%-38%. Đây là tin vui đối với ông chủ Nhà Trắng, khi ông thường xếp sau người tiền nhiệm trong các cuộc thăm dò trước đó.

Kịch bản thắng cử tốt nhất dành cho ông Biden là giữ vững sức ảnh hưởng ở các bang trung thành của đảng Dân chủ, bảo vệ thành công chiến thắng năm 2020 tại các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin; đồng thời nắm giữ 5 lá phiếu đại cử tri của Nebraska nhằm đạt được 270 phiếu đại cử tri. Điều này sẽ đảm bảo khả năng thắng cử của ông Biden ngay cả khi để thua các bang dao động khác bao gồm Arizona, Nevada và Georgia vào tay đối thủ Trump.

“Giành được Vành đai rỉ sét là phương án tốt nhất để Tổng thống Biden tái đắc cử”, ông Tulchin khẳng định.

Bang Michigan mang tính quyết định

Michigan là bang có khả năng mang tính quyết định trong cuộc bầu cử năm nay khi là nơi duy nhất tại Vành đai Mặt trời mà ông Biden đang xếp sau cựu Tổng thống Trump.

Hiện tại, ông Biden đang phải đối mặt với hai rủi ro lớn ở bang này, khiến khả năng giành được Michigan bấp bênh hơn so với hai bang còn lại. Thứ nhất, ông Trump có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đối với tầng lớp lao động da trắng bằng luận điểm chính quyền ông Biden đang kéo chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Ông Jason Cabel Roe, Cố vấn của đảng Cộng hòa, cho biết đây là một điểm yếu đối với ông Biden, vì “dân Michigan vẫn ưa chuộng các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống hơn”.

Thứ hai, cộng đồng người Mỹ gốc Arab đông đảo ở bang này đang vô cùng bất mãn trước những động thái gần đây của Nhà Trắng đối với cuộc chiến ở Gaza. Thái độ bất mãn của nhóm cử tri này có thể ảnh hưởng đến lực lượng đông đảo các sinh viên đại học đang ủng hộ Tổng thống Biden – những người vốn có tư tưởng dao động và khiến họ thay đổi lá phiếu.

"Tôi không biết rằng những lợi thế mà đảng Dân chủ đang có được ở Michigan có thể vượt qua những thách thức mà họ gặp phải hay không", ông Roe nói.

Ông Biden đã giành được khoảng 155.000 phiếu bầu của bang Michigan vào năm 2020, một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với Wisconsin và Pennsylvania. Nhưng nếu Michigan trượt khỏi Tổng thống Mỹ, việc tìm kiếm một bang thay thế giúp nâng ông đạt 270 phiếu đại cử tri sẽ là một thách thức lớn, ngay cả khi ông đã nắm giữ Pennsylvania và Wisconsin.

Trong kịch bản này, để bù đắp việc thua ở Michigan, ông Biden sẽ cần một bước đột phá lớn ở Vành đai mặt trời, cụ thể như chiếm được Arizona hoặc Neveda. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng và đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia cho rằng Vành đai rỉ sét là con đường ngắn nhất dẫn đến chiến thắng dành cho ông chủ Nhà Trắng.

XUẤT HIỆN KÊNH ĐẦU TƯ MỚI 1 VỐN 10 LỜI TẠI MỸ

Tính toán cho thấy, 1 đồng “vốn mồi” từ chính phủ Mỹ có thể huy động hơn 10 đồng vốn đầu tư từ tư nhân.

Cơ chế "vốn mồi" trong đầu tư bán dẫn tại Mỹ

Cuộc đua dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn đang bước vào giai đoạn gấp gáp khi mọi quốc gia đều muốn trở thành mắt xích then chốt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết chính phủ các cường quốc bán dẫn đều đã chọn cách mở đường, dùng đầu tư công để thu hút và hướng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực quan trọng này trong 5 đến 10 năm tới.

Đạo luật CHIPS và Khoa học được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8/2022, cung cấp khoản trợ cấp trị giá gần 53 tỷ USD nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.

Chính phủ Mỹ xác định, khoản trợ cấp bằng tiền mặt này sẽ được phân bổ theo cơ chế chia sẻ rủi ro và hài hoà lợi ích. Theo đó, chính phủ sẽ cấp trực tiếp từ 5 -10% tổng kinh phí dự án; các khoản vay từ tiểu bang và bảo lãnh nhà nước nếu có bổ sung sẽ không vượt quá 35% kinh phí dự án. Phần lợi nhuận vượt dự tính sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ phải được đóng góp trở lại quỹ công.

Một điểm quan trọng khác là các dự án cần ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu xây dựng sản xuất trong nước. Văn phòng Chương trình Chip thuộc Bộ Thương mại Mỹ sẽ là cơ quan theo dõi và yêu cầu báo cáo thường xuyên về các dự án này.

Chính phủ Mỹ thúc đẩy đầu tư bán dẫn

Tính đến nay đã có 5 công ty nhận được hỗ trợ tài chính thông qua đạo luật CHIPS từ chính phủ Mỹ qua cơ chế "vốn mồi" này. Tính toán cho thấy, 1 đồng "vốn mồi" từ chính phủ có thể huy động hơn 10 đồng vốn đầu tư từ tư nhân.

Danh sách trên bao gồm 5 tập đoàn, công ty sản xuất chip cả trong và ngoài nước Mỹ đã được Bộ Thương mại nước này ký thoả thuận cấp tiền mặt trực tiếp cho các dự án xây dựng hoặc nâng cấp nhà máy bán dẫn phục vụ thị trường Mỹ.

Với tổng cộng hơn 16 tỷ USD "vốn mồi" từ chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân đã cam kết số tiền đầu tư gần 178 tỷ USD. Nổi bật nhất là dự án bán dẫn của tập đoàn Intel, đến nay đã nhận được cam kết đầu tư tư nhân cao nhất100 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Với hơn 100 tỷ USD từ Intel, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của khu vực tư nhân trong lịch sử của Ohio và Arizona. Dự án sẽ tạo ra gần 20.000 việc làm trong ngành xây dựng".

Chính phủ Mỹ kỳ vọng sẽ tận dụng khoảng 50 tỷ USD quỹ công để thu hút 500 tỷ USD từ nhà đầu tư tư nhân trong thời gian 5 năm.

Nguồn: Soha; Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang