Mỹ: Các hãng tăng khuyến mãi; New York thu phí tắc đường; Thách thức với Chủ tịch Hạ viện; Trump lo thua cuộc; Giảm nợ cho sinh viên

DOANH SỐ GIẢM DO NGƯỜI THU NHẬP THẤP THẮT CHẶT CHI TIÊU, CÁC HÃNG THỰC PHẨM TĂNG CƯỜNG KHUYẾN MÃI

Doanh số giảm do người thu nhập thấp siết chi tiêu, nhiều hãng thực phẩm Mỹ tìm cách tăng khuyến mãi, bán đồ no lâu hơn.

Charsetta Reed, 61 tuổi, ở Chicago, đang tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ và mua sắm ngày càng nhiều tại Dollar Tree để mua đồ tạp hóa như kẹo Hershey, cá thu đóng hộp Pampa, cá mòi và gia vị ớt jalapeno, dưa chua. Dollar Tree là chuỗi bán đồ đồng giá 1 USD. "Tôi không đủ khả năng để tiếp tục mua những lọ thực phẩm trị giá 3-4 USD", Reed nói.

Cùng với bà Reed, chuỗi này là nơi lui tới thường xuyên của các hộ gia đình nhận trợ cấp thông qua chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP). Họ dùng phiếu mua thực phẩm của SNAP để mua sắm tại đây.

Dù vậy, CEO Dollar Tree nói nguồn thu mà chuỗi bán lẻ một giá này nhận được từ SNAP thậm chí còn đang giảm do người có phiếu này ngày càng thắt chặt chi tiêu. Tương tự, tại các cửa hàng tiện lợi Circle K, doanh số từ những người sử dụng phiếu thực phẩm giảm 40% so với năm ngoái. "Kết quả còn tệ hơn ở những cửa hàng có người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn", Brian Hannasch, CEO Alimentation Couche-Tard, công ty điều hành Circle K, cho biết.

Tại Mỹ, khoảng 21% hộ gia đình da trắng và một phần ba hộ da màu có thu nhập thấp, tức dưới 35.000 USD mỗi năm. Sherry Frey, Phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của NielsenIQ, cho biết nhóm này tiêu thụ ít thực phẩm và thịt tươi hơn những người tài chính tốt.

"Những người mua sắm SNAP và WIC đang tìm kiếm sản phẩm đáng tiền nhất có thể", Frey nói. Trong đó, WIC là chương trình phúc lợi thực phẩm của chính phủ dành cho cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Nói rõ hơn, Carlos Rodriguez, Giám đốc chính sách và hoạt động của công ty phân phối City Harvest cho biết nhóm khách hàng đang vật lộn để kiếm sống, họ chọn mua bất cứ thứ gì có thể chia được cho nhiều miệng ăn hơn trong nhà.

Thời đại dịch, các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ tập trung chiến lược vào các sản phẩm cao cấp, tung ra hương vị mới để tìm cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt hầu bao của người thu nhập thấp khiến họ phải thay đổi.

Duleep Rodrigo, Trường ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng Mỹ tại KPMG nói các công ty thực phẩm giờ phải tìm cách thu hút nhóm khách này quay lại. "Họ không thể đạt được doanh số nếu không có phân khúc quan trọng này", ông nhận định.

Nhà sản xuất thực phẩm Hershey tung ra thị trường những túi bắp rang bơ Skinny Pop lớn hơn với giá rẻ hơn. Hay để thu hút người Mỹ không còn đủ khả năng chi trả cho đồ ăn nhanh, Conagra sẽ giới thiệu dòng sản phẩm 6 miếng chả gà mới chỉ 6,99 USD vào tháng sau. Coca-Cola thì gia hạn thời gian bán khuyến mãi cho dòng nước ngọt dung tích 1,25 lít để thu hút người tiêu dùng quan tâm đến giá cả.

Dù đã bán các sản phẩm như Cup Noodles dưới 1 USD nhưng Nissin Foods chứng kiến doanh số giảm năm ngoái. CEO điều hành thị trường Mỹ Brian Huff nói sẽ kéo khách lại bằng các ưu đãi mua 1 tặng 1 và các khuyến mãi khác.

Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết nhà sản xuất mì ống và pho mát Kraft Heinz, công ty ngũ cốc WK Kellogg và Kellanova chuyên bán khoai tây chiên Pringles đều đang tăng cường giảm giá. Sean Connolly, CEO Jefferies chỉ ra Conagra thực hiện giảm giá thường xuyên hơn thay vì sâu hơn.

Một cách khác là tập trung bán các loại thực phẩm giúp no lâu hơn. Conagra cho biết doanh số của snack từ ngô Andy Capp's tăng 20-30%. Hay các loại snack hạt hướng dương như David Seeds, có thể ăn trong cả trận bóng chày đang bán tốt.

Nhà sản xuất thực phẩm J.M. Smucker thì chứng kiến doanh số bán sản phẩm bơ đậu phộng Jif tiếp tục tăng. Theo Giám đốc tài chính Tucker Marshall, nguyên nhân do đây là một loại protein giá rẻ.

NEW YORK CHÍNH THỨC THU PHÍ TẮC ĐƯỜNG

Kế hoạch thu phí tắc đường đã chính thức được Cơ quan Giao thông đô thị New York (Mỹ) thông qua, để chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 tới.

Theo ông Janno Lieber - Giám đốc điều hành Cơ quan Giao thông đô thị New York (MTA) cho biết, New York hiện có lượng xe cộ lưu thông lớn hơn bất kỳ thành phố nào khác tại Mỹ.

Việc thu phí tắc đường có thể giúp giảm khoảng 17% lưu lượng giao thông ở khu vực trung tâm, cũng như cắt giảm lên tới 2% lượng xả thải gây ô nhiễm không khí. Thành phố cũng sẽ có thêm từ 1 - 1,5 tỷ USD từ chương trình này để dành cho phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Theo kế hoạch, các phương tiện chở khách sẽ bị tính phí 15 USD một ngày, khi đi vào khu vực phía nam phố 60 tại quận Manhattan (trung tâm tài chính - thương mại của New York). Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn của người dân và các doanh nghiệp nhỏ, giới chức New York cho biết các chủ phương tiện có doanh thu dưới 500.000 USD/năm có thể làm thủ tục xin hỗ trợ giảm phí.

Chưa hết, các quan chức New York đang cân nhắc việc áp dụng phí tắc nghẽn cao hơn đối với ôtô đi vào Manhattan bên dưới Đường 60 với hy vọng giảm lưu lượng giao thông tổng thể.

Mặc dù hệ thống giao thông hiện đại và được bảo trì tốt, nhưng nhiều thành phố của nước Mỹ cũng đã rơi vào tình trạng kẹt xe. Xếp đầu trong danh sách những thành phố tắc đường nhất nước Mỹ là "Big Apple" - (quả táo lớn, biệt danh của thành phố New York). Trong khung giờ cao điểm, tốc độ trung bình các tài xế có thể di chuyển chỉ là 19km/h. Cơ quan Giao thông đô thị New York cho biết, người dân New York đã và đang phải chịu đựng 236 giờ đồng hồ (tương đương 10 ngày) bị kẹt xe vào giờ cao điểm mỗi năm.

Những người ủng hộ chính sách này đánh giá, việc thu phí tắc đường sẽ thúc đẩy nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn, giảm tắc nghẽn, qua đó hỗ trợ cho phương tiện cấp cứu lưu thông nhanh hơn, giảm ô nhiễm và dành ngân sách để cải thiện hệ thống tàu điện ngầm. Những người phản đối lại cho rằng, chi phí này là gánh nặng đối với người lao động và sẽ làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu được chở đến thành phố bằng xe tải.

Trong tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết, trung bình người lái xe ôtô ở New York phải mất 24 phút để đi được hơn 9km.

Ông Shawn Duncan, 51 tuổi, cho biết thường xuyên mắc kẹt trong ôtô của mình 2,5 giờ trong chuyến đi hàng đêm từ Manhattan đến Stamford. “Giao thông ở New York rất bận rộn. Thật kinh khủng. Tôi đã lái xe ở đây 16 năm. Giao thông ngày càng tồi tệ. Mỗi năm đều có nhiều ôtô hơn trên đường” - ông Duncan nói.

Theo dữ liệu của cơ quan giao thông Mỹ, sau New York, nơi đứng thứ hai về tình trạng tắc nghẽn là thủ đô Washington D.C, khi mà tài xế mất khoảng 20 phút để di chuyển 10km với tốc độ trung bình 22km/h.

Chính sách phí tắc đường của New York không áp dụng đối với một số trường hợp như xe cứu thương, xe chuyên dụng trong thành phố, xe buýt, xe chở người khuyết tật... Các tài xế có thu nhập thấp cũng sẽ được giảm phí.

Dự kiến, New York sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch tính phí tắc đường. Một số thành phố khác trên thế giới từng áp dụng chính sách này như London, Stockholm, Milan và Singapore.

2 THÁCH THỨC LỚN CHỜ ĐÓN CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ

CNN hôm qua (8.4) đưa tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đang đối mặt với cả mối đe dọa bị phế truất lẫn áp lực ngày càng gia tăng để quyết định liệu cuối cùng ông có thúc đẩy viện trợ cho Ukraine hay không.

Trong 2 tuần nghỉ lễ Phục sinh vừa qua, hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene, thuộc đảng Cộng hòa, vẫn công kích ông Johnson khi bà tiếp tục cảnh báo ông không nên theo đuổi bất kỳ gói viện trợ nào cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Johnson vẫn đang làm việc ở hậu trường nhằm tìm ra một gói viện trợ cho Ukraine mà có thể được hạ viện thông qua.

Vấn đề đối với ông Johnson là bất kỳ gói viện trợ cho Ukraine sẽ cần có số lượng lớn phiếu ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Việc tạo ra dự luật có thể thu hút đủ sự ủng hộ của đảng Dân chủ về phần viện trợ cho cả Ukraine lẫn Israel có thể gặp khó khăn, đặc biệt là sau cuộc tấn công tối 1.4 của Israel giết chết 7 nhân viên cứu trợ thuộc tổ chức Bếp trung tâm thế giới (WCK, trụ sở tại Mỹ). Sau cuộc tấn công đó, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã ra hiệu rằng họ sẵn sàng đưa ra các điều kiện kèm theo về viện trợ cho Israel, động thái có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực trong tương lai nhằm phê duyệt viện trợ cho Israel thông qua Quốc hội Mỹ.

Ngoài ra, một câu hỏi quan trọng khi các hạ nghị sĩ Mỹ làm việc trở lại là liệu có hay không và khi nào một cuộc bỏ phiếu sẽ được kích hoạt để loại bỏ vai trò chủ tịch hạ viện của ông Johnson. Trong tháng trước, bà Greene đã đệ đơn đề nghị phế truất ông Johnson, sau khi ông chọc giận phe cánh hữu của mình vì dựa vào phiếu bầu của các nghị sĩ đảng Dân chủ để đưa một dự luật ngân sách lên thượng viện. Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner hôm qua cho rằng ông không tin ông Johnson có "bất kỳ nguy cơ" bị phế truất.

Hồi tháng 10.2023, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Kevin McCarthy bị mất chức sau khi nhóm nghị sĩ bảo thủ trong đảng của ông phản ứng giận dữ vì thông qua ngân sách tạm thời giúp chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa. Sau vài tuần, đảng Cộng hòa mới chọn được ông Johnson để thay ông McCarthy. Tuy nhiên, ông Johnson giờ đây lại đối mặt với thách thức tương tự đối với vai trò chủ tịch hạ viện của mình, dấu hiệu mới nhất về tình trạng chia rẽ gay gắt trong nội bộ đảng Cộng hòa ở hạ viện, theo CNN.

TRUMP LO THUA BẦU CỬ, CẢNH BÁO ĐẢNG CỘNG HÒA

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa, kêu gọi đảng này có cách cư xử bớt cứng rắn về vấn đề quyền nạo phá thai, nhận định đây có thể là yếu tố khiến ông thua trong cuộc bầu cử.

Ông Trump đã cảnh báo đảng Cộng hòa không nên có lập trường quá cứng rắn về vấn đề quyền phá thai trước cuộc bầu cử vào tháng 11, cảnh báo rằng vấn đề này có thể khiến đảng Cộng hòa mất ghế tổng thống.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào chiều 8/4, ông Trump đã nhắc đích danh tới Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham. Ông Graham đang có cách tiếp cận khá cứng rắn với vấn đề này, trong khi ông Trump mong muốn cách tiếp cận mềm mỏng hơn.

"Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đang gây bất lợi lớn cho đảng Cộng hòa và đất nước chúng ta. Đảng Dân chủ cánh tả cấp tiến… yêu thích vấn đề này (quyền phá thai) và họ muốn tiếp tục duy trì nó miễn là đảng Cộng hòa sẽ cho phép họ làm như vậy", ông Trump nói.

Trước đó, ông Trump nói rằng vấn đề quyền phá thai nên để từng bang quyết định thông qua phiếu bầu hoặc luật pháp. Trong khi đó, ông Graham ủng hộ cấm phá thai sau 15 tuần tuổi áp dụng trên cấp độ liên bang, trừ một số trường hợp.

Trước ý kiến của ông Trump, ông Graham tuyên bố: "Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ rằng cần có tiêu chuẩn quốc gia tối thiểu để hạn chế phá thai ở tuần thứ 15 vì khi đó đứa trẻ có khả năng cảm giác đau đớn, ngoại trừ việc phá thai do (người mẹ) bị hãm hiếp, (hành vi) loạn luân hoặc thai kỳ làm ảnh hưởng tới mạng sống của người mẹ".

Ông Trump sau đó cảnh báo: "Đảng Cộng hòa có thể thua cuộc bầu cử vì vấn đề này và những người như Lindsey Graham đang trao cho đảng Dân chủ cơ hội (kiểm soát) Hạ viện, Thượng viện và thậm chí cả chức tổng thống".

Tháng 6/2022, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết lịch sử, xóa quyền nạo phá thai trên khắp nước Mỹ.

Đây là điều phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa đã vận động từ lâu. Sau phán quyết, hàng loạt bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới với quyền phá thai, ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ nữ.

Tuy vậy, phán quyết này cũng là "con dao hai lưỡi", biến quyền phá thai trở thành vấn đề chính trị trong các cuộc bầu cử tại Mỹ. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến đảng Cộng hòa có màn thể hiện kém hơn kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, cũng như giúp phe Dân chủ giành chiến thắng trong hàng loạt cuộc bầu cử địa phương sau đó.

Ngoài ra, toàn bộ 7 cuộc bỏ phiếu liên quan đến quyền phá thai ở quy mô tiểu bang từ năm 2022 đến nay - bao gồm cả ở các bang bảo thủ như Ohio, Kansas và Kentucky - đều mang lại chiến thắng cho phe ủng hộ quyền phá thai, Reuters cho biết.

Giới chuyên gia nhận định đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ sử dụng vấn đề nạo phá thai để thu hút cử tri. Trong khi đó, sự ủng hộ của nhiều cử tri Cộng hòa cho đảng mình có thể sẽ lung lay.

Trong thời gian qua, ông Trump cũng tìm cách giữ khoảng cách với phe bảo thủ trong vấn đề nạo phá thai khi ông từ chối ủng hộ lệnh cấm phá thai diện rộng trên quy mô toàn nước Mỹ.

Theo lập luận của cựu Tổng thống, đảng Cộng hòa không nên tự trói mình vào chính sách không được đa số người dân ủng hộ.

BIDEN CÔNG BỐ KẾ HOẠCH MỚI GIẢM NỢ CHO 23 TRIỆU SINH VIÊN

Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chi tiết kế hoạch mới nhằm giảm nợ sinh viên, mang lại lợi ích cho ít nhất 23 triệu người dân nước này. Đây là động thái mới nhất của Tổng thống Biden trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tại bang Wisconsin, trung tây nước Mỹ, Tổng thống Biden đã công bố 5 hành động lớn nhằm tiếp tục giảm nợ sinh viên, bao gồm việc xóa khoản vay gốc và tiền lãi lũy kế lên đến 20.000 USD, không tính đến mức thu nhập hiện tại là bao nhiêu.

Ngoài ra, kế hoạch mới của ông Biden cũng bao gồm việc tự động xóa nợ cho những người đi vay nếu họ đủ điều kiện tham gia một số chương trình xóa nợ, những người đã trả nợ trong nhiều năm qua, những người tham gia các chương trình vay nợ giá trị thấp hoặc đang gặp khó khăn.

Tổng thống Biden khẳng định, việc xóa nợ sinh viên có thể giúp thay đổi cuộc sống và chính phủ sẽ không bao giờ ngừng hỗ trợ cho những khoản vay sinh viên cho những người dân làm việc chăm chỉ. Sau khi lấy ý kiến người dân, kế hoạch này sẽ được hoàn thiện và dự kiến áp dụng từ tháng 9 năm nay.

Quyết định tiếp tục xóa nợ sinh viên của ông Biden bất chấp sự phản đối dữ dội của đảng Cộng hòa và hành động ngăn chặn của Tòa án Tối cao Mỹ nhằm thu hút sự ủng hộ của tầng lớp cử tri trẻ tuổi và cấp tiến. Nhóm cử tri này là một trong những nhóm cử tri quan trọng nhất đối với ông Biden trong kỳ bầu cử năm 2020. Đây cũng chỉ là nhóm cử tri đang bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với Tổng thống Biden về chính sách đối với cuộc chiến tại Dải Gaza.

Cho đến nay, Chính quyền Tổng thống Biden thông báo đã phê duyệt khoảng 146 tỷ USD để giảm nợ sinh viên cho gần 4 triệu người Mỹ. Dự kiến, trong các sự kiện tranh cử sắp tới, Chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ công bố thêm các sáng kiến mới để hỗ trợ nhóm cử tri trẻ tuổi.

Nguồn: Vnexpress; Môi trường & Đô thị; Thanh Niên; Dân Trí; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang