Mỹ: Đau đầu vì 'du khách ngoại trộm cắp'; Tesla gặp khó; Sinh vật lạ trôi dạt bờ biển; Phát triển năng lượng sạch; Trump tăng tốc gây quỹ

MỸ VẬT LỘN ĐỐI PHÓ VẤN NẠN ‘DU KHÁCH NGOẠI TRỘM CẮP’

Mỹ đang phải vật lộn đối phó với vấn nạn “du khách ngoại trộm cắp”, khi những người đến từ các nước được Washington miễn visa đột nhập và lấy trộm tài sản của nhà dân.

Vợ chồng Carol và Jeff Starr sốc nặng khi nhà riêng của họ ở quận Cam, miền nam bang California, Mỹ bị đột nhập hồi mùa xuân năm ngoái. Bọn tội phạm đã phá két sắt và lấy đi toàn bộ số đồ trang sức quý, trị giá tới 8 triệu USD của họ.

Theo các công tố viên, một nhóm trộm đã trốn ở sườn đồi cạnh nhà của ông bà Starr, theo dõi họ rời đi cùng người thân trước khi ra tay hành động. Bọn tội phạm đã trèo qua hàng rào, phá cửa sổ phòng ngủ phía trên để chui vào nhà nạn nhân.

“Bạn không còn cảm thấy an toàn trong ngôi nhà của mình nữa. Tôi quá sợ và phát điên khi nghĩ về những gì có thể đã xảy ra”, bà Starr bộc bạch, đồng thời tiết lộ bản thân cảm thấy may mắn vì không có ai trở về nhà trong lúc bọn trộm gây án.

CNN dẫn lời các công tố viên lưu ý, vụ đột nhập gia đình Starr chỉ là một trường hợp điển hình cho vấn nạn “du khách ngoại trộm cắp”, ám chỉ những kẻ trục lợi đến từ các quốc gia được Mỹ miễn visa nhập cảnh tới 90 ngày. Theo nhà chức trách, khi các nghi phạm, thường từ Nam Mỹ, đặt chân đến xứ sở cờ hoa, chúng đã tham gia vào các đường dây trộm cắp tinh vi nhằm vào những ngôi nhà sang trọng.

Công tố viên quận Cam Todd Spitzer cho hay, trong một số trường hợp, các nghi phạm thường mặc đồ ngụy trang nằm rình rập mục tiêu. “Chúng đã lợi dụng thực tế là hầu hết mọi người không lắp cảm biến cửa sổ hoặc máy dò chuyển động trên tầng hai ngôi nhà. Chúng có thiết bị gây nhiễu WiFi để ngăn công ty an ninh nhận được báo động”, ông Spitzer nói thêm.

Công tố viên này thông tin, hàng hóa bị đánh cắp thường được rao bán nhanh chóng và tiền sẽ được gửi về quê hương của nghi phạm, phổ biến nhất là Chile. Lí do vì Chile hiện là quốc gia Nam Mỹ duy nhất đủ điều kiện được hưởng chương trình miễn trừ visa của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có tên gọi “Hệ thống cấp phép đi lại điện tử” (ESTA).

Vấn đề lan rộng ra ngoài bang California. Tháng trước, cảnh sát ở Scottsdale, bang Arizona tuyên bố đã bắt giữ 3 công dân Chile có liên quan đến một loạt vụ trộm trong thành phố. Năm ngoái, cảnh sát ở nhiều nơi khác như Baltimore, bang Maryland; Raleigh, bang Bắc Carolina và quận Nassau ở New York cũng thông báo bắt giữ những người mang quốc tịch Chile, được Mỹ miễn visa gây ra các vụ đột nhập nhà giàu để trộm cắp tài sản.

Mặc dù không có con số thống kê chính thức về số vụ “du khách ngoại trộm cắp”, nhưng con số tối thiểu được cho lên tới hàng trăm. Chỉ tính riêng quận Ventura của California, nhà chức trách đã quy kết 175 vụ trộm ở các khu dân cư do những nhóm đạo chích xuyên quốc gia thực hiện từ năm 2019 - 2023.

Tại một buổi họp báo hồi tháng 3, Jeff Walther, cảnh sát trưởng Scottsdale nhấn mạnh, không phải mọi người Chile tới Mỹ theo chương trình miễn visa đều phạm tội. Song, ông tin đã đến lúc chính phủ liên bang Mỹ cần phải xem xét lại những bất cập của chương trình này.

Nỗ lực tìm giải pháp

Vợ chồng Rama và Balakrishna Sundar đã xây dựng ngôi nhà mơ ước hướng nhìn ra biển ở Dana Point, California. Tuy nhiên, sau khi “du khách ngoại trộm cắp” đột nhập vào nhà họ qua cửa sổ phòng ngủ hồi năm ngoái, cặp đôi tiết lộ muốn rời khỏi đây vì không còn cảm thấy an toàn nữa.

Theo ông Sundar, những tên trộm còn dùng búa tạ đập vào cửa thang máy, có lẽ vì chúng nghĩ rằng có két sắt ở phía sau cửa. Khi công ty an ninh nhận được cảnh báo, những tên trộm đã bỏ trốn mà không lấy được thứ gì có giá trị. Theo đơn khiếu nại trình sở cảnh sát quận Cam, các nghi phạm là công dân Chile và ít nhất một trong số đó từng được bảo lãnh tại ngoại vì một tội danh khác.

Công tố viên Spitzer đã lên tiếng chỉ trích Chile, với lí do nước này đang không tiết lộ thông tin cơ bản về những người được miễn visa, cản trở việc truy tố ở Mỹ.

Chính phủ Chile không phản hồi yêu cầu bình luận về sự việc của CNN.

Trong khi đó, trang web của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho hay, chương trình miễn visa là thiết yếu cho việc “mở rộng các mối quan hệ kinh tế và văn hóa”. Hơn 40 quốc gia đủ điều kiện tham gia chương trình này của Mỹ.

DHS thừa nhận, bộ này cũng “quan ngại sâu sắc về một số cá nhân đến Mỹ và tham gia vào hoạt động tội phạm”, nhưng lưu ý “các quan chức Chile đã ứng phó bằng cách cải thiện hoạt động hợp tác với DHS để ngăn chặn việc đi lại của những phần tử tội phạm đã biết”.

DHS tiết lộ, cơ quan này đang đẩy nhanh việc chia sẻ thông tin sinh trắc học giữa Mỹ và Chile và khi quá trình được triển khai đầy đủ, sẽ cho phép các quan chức Mỹ truy cập vào lý lịch tư pháp của du khách.

Tháng trước, Công tố viên Spitzer đã kiện Bộ Ngoại giao Mỹ, yêu cầu xem xét các chi tiết trong một thỏa thuận an ninh song phương nhằm ngăn chặn và phòng chống tội phạm nghiêm trọng do cơ quan này đã ký với Chile vào tháng 7/2023. Ông Spitzer tỏ ra ngạc nhiên khi Mỹ hiện vẫn chưa chứng kiến việc giảm đáng kể các vụ “du khách ngoại trộm cắp”.

Gia đình Sundar cũng mong muốn Washington nhận ra tính cấp thiết của vấn đề và có giải pháp giải quyết hiệu quả.

KHỦNG HOẢNG GỌI CỬA TESLA, DỰ ÁN XE GIÁ RẺ PHẢI HỦY BỎ GIỮA LÚC XE ĐIỆN TRUNG QUỐC CẠNH TRANH ÁC LIỆT

Tesla đã hủy bỏ dòng xe giá rẻ được hứa hẹn lâu nay mà giới đầu tư hy vọng sẽ thúc đẩy cho hãng tăng trưởng và trở thành nhà sản xuất ô tô dành cho thị trường đại chúng, Reuters đưa tin, trích dẫn 3 nguồn tin nắm vấn đề này và các tin nhắn mà Reuters xem được.

Các nguồn tin nói rằng Tesla sẽ tiếp tục phát triển xe chở khách tự lái trên cùng thân xe cơ bản của loại xe nhỏ, gọi là robotaxi.

Quyết định này thể hiện việc từ bỏ mục tiêu lâu dài mà Tổng Giám đốc (CEO) của Tesla là Elon Musk từng coi là sứ mệnh chính của hãng: đó là làm ra ô tô điện giá cả phải chăng cho đại chúng.

Gần đây nhất là hồi tháng 1, ông Musk còn nói với các nhà đầu tư rằng Tesla có kế hoạch bắt đầu sản xuất mẫu xe giá cả phải chăng tại nhà máy ở Texas vào nửa cuối năm 2025.

Mẫu xe rẻ nhất hiện nay của Tesla, xe sedan Model 3, có giá bán lẻ khoảng 39.000 đô la ở Mỹ. Loại xe phổ thông mà giờ đây đã bị bãi bỏ, đôi khi được gọi là Model 2, từng được dự kiến có giá khởi điểm khoảng 25.000 đô la.

Động thái quay ngoắt này xảy ra khi Tesla phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường với những chiếc xe có giá thấp tới 10.000 đô la. Kế hoạch về robotaxi không người lái, có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện, đặt ra thách thức kỹ thuật còn khó khăn hơn và nhiều rủi ro pháp lý hơn.

Hai nguồn tin nói với Reuters rằng họ biết về quyết định của Tesla loại bỏ Model 2 trong một cuộc họp có rất nhiều nhân viên tham dự, và một trong hai nguồn tin nói rằng cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 2.

Nguồn thứ ba xác nhận việc hủy bỏ và cho hay có các kế hoạch mới đề nghị sản xuất robotaxi, nhưng với số lượng thấp hơn nhiều so với con số dự kiến về Model 2.

Một số tin nhắn của công ty mà Reuters xem được về quyết định này bao gồm một tin nhắn vào ngày 1/3 từ viên quản lý chương trình ô tô giá thấp không rõ danh tích, người này bàn về việc chấm dứt dự án với các nhân viên kỹ thuật và khuyên họ đừng nói với các nhà cung cấp “về việc hủy bỏ chương trình”.

Người thứ tư biết rõ về các kế hoạch của Tesla bày tỏ sự lạc quan về quyết định chuyển từ chiến lược ô tô giá rẻ sang sử dụng taxi tự hành, một phân khúc mà ông Musk đã hình dung sẽ là tương lai của phương tiện di chuyển. Nguồn tin này cũng lưu ý rằng kế hoạch về sản phẩm của Tesla vẫn có thể còn thay đổi nữa tùy theo các điều kiện kinh tế.

Việc hủy bỏ dự án ô tô giá cả phải chăng diễn ra trong bối cảnh Tesla và các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác đang bị ảnh hưởng nặng nề vì nhu cầu về xe hơi điện không tăng nhiều ở Hoa Kỳ và Châu Âu, cũng như vì sự cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc.

Hãng BYD của Trung Quốc đã cung cấp một loạt mẫu xe có mức giá ở tầm trung bình và thấp, bao gồm cả mẫu xe hatchback Seagull với giá dưới 10.000 đô la. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này hiện có kế hoạch xuất khẩu loại xe đó với mức giá cao gấp đôi - nhưng vẫn thấp hơn mức giá mục tiêu của loại xe giá rẻ mà Tesla đã tính sẽ sản xuất.

CUỘC ĐỔ BỘ CỦA HÀNG TRIỆU SINH VẬT KỲ LẠ LÊN BỜ BIỂN NƯỚC MỸ

Hàng triệu sinh vật màu xanh kỳ lạ đã trôi dạt vào những bãi biển đầy đá từ Oregon đến California (Mỹ) trong mùa xuân năm nay, gây bất ngờ cho nhiều khách du lịch.

Chúng là Velella velella, còn có tên “thủy thủ theo chiều gió”. Loài vật nhỏ bé này có chiếc vây tựa như vành mũ.

Mặc dù trông giống như một thực thể, Velella velella thực chất là tập hợp của các sinh vật thuộc lớp thủy tức. Chúng dành phần lớn cuộc đời ngoài đại dương, ăn ấu trùng cá hoặc động vật phù du. Velella velella vô hại với con người.

Có một số giả thuyết lý giải về màu xanh rực rỡ của Velella velella. Theo bà Anya Stajner tại Viện Hải dương học Scripps (Mỹ), màu sắc của Velella velella giúp chúng ngụy trang bằng cách hòa vào làn sóng. Giả thuyết khác cho rằng màu sắc này bảo vệ Velella velella khỏi tia UV khắc nghiệt.

Nhà sinh vật học đại dương Julia Parrish tại Đại học Washington bổ sung rằng Velella velella sống trong nhiều tháng và di chuyển quanh vòng hải lưu Thái Bình Dương. Thông thường, chúng di chuyển dọc theo bờ biển California đến Trung Mỹ, sau đó băng qua Hawaii đến Nhật Bản và quay trở lại.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu về mối liên hệ giữa Velella velella và nhiệt độ đại dương. Vào năm 2021, cô Parrish đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 20 năm qua để khám phá về hiện tượng dạt bờ hàng loạt của Velella velella và phát hiện ra rằng tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra khi mùa đông ấm hơn bình thường.

Khi các đại dương trên thế giới tiếp tục ấm lên do biến đổi khí hậu, có khả năng sẽ có nhiều đàn Velella velella dạt bờ hơn và chúng cũng phát triển mạnh trên biển. Nó khiến các nhà khoa học như Parrish tự hỏi liệu những sinh vật màu xanh nhỏ bé đầy lôi cuốn này có thể tác động phức tạp đến đại dương hơn chúng ta tưởng hay không. Một ví dụ là Velella velella ăn động vật phù du, ấu trùng cá và đặc biệt là trứng cá nên chúng có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các loài cá.

MỸ TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ngày 4/4 thông báo trao khoản tài trợ trị giá 20 tỷ USD cho 8 ngân hàng phát triển cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp người dân tiết kiệm và giảm lượng khí thải carbon.

Theo EPA, 8 tổ chức trên đã cam kết thực hiện các dự án về giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, với lượng khí thải được cắt giảm tương đương 40 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Những tổ chức này sẽ cùng nhau hỗ trợ cho các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, đặc biệt là trong các cộng đồng có thu nhập thấp và chịu thiệt thòi. EPA cho biết hiện những tổ chức được tài trợ dự định cam kết hỗ trợ hơn 14 tỷ USD cho các cộng đồng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 4 tỷ USD dành cho các cộng đồng nông thôn và gần 1,5 tỷ USD hỗ trợ các bộ lạc.

Khoản tài trợ trên được huy động dựa trên 2 sáng kiến của Quỹ Giảm Khí thải nhà kính (GGRF), một ngân quỹ được thành lập theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi năm 2022. IRA đã chuyển hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, giúp thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất và tạo ra hàng chục nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nêu rõ những tổ chức nhận được khoản tài trợ trên sẽ giúp đảm bảo rằng các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và những người đứng đầu cộng đồng có quyền tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để hiện thực hóa các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch trong khu vực của họ.

Đây là một trong những khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho đến nay được chính quyền của Tổng thống Biden công bố. Số tiền này có thể tài trợ cho hàng chục nghìn dự án đủ điều kiện, từ lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và các cải tiến nhà ở tiết kiệm năng lượng cho đến các dự án quy mô lớn hơn như xây dựng trạm sạc xe điện và trung tâm làm mát cộng đồng.

Cuối tháng 3/2024, Mỹ đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.

BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.

BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.

Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: “Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng”.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.

Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.

Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.

Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.

Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 (1 foot khối = 0,0283 m3).

Theo số liệu của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.

Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

CỖ MÁY GÂY QUỸ CỦA TRUMP BẮT ĐẦU TĂNG TỐC

Đội ngũ tiến hành chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thu về được hơn 50 triệu USD trong một sự kiện vận động tài trợ.

Đội ngũ của ông Trump tuyên bố đã "hút" được 50,5 triệu USD tiền tài trợ trong một sự kiện gây quỹ vào ngày 6/4 tại Palm Beach, Florida.

Đây là sự kiện có sự tham gia của các nhà tài trợ lớn của ông Trump. Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên của đảng Dân chủ, đã tổ chức một sự kiện tương tự và mang về thêm 26 triệu USD vào ngân sách tài trợ.

Sự kiện ngày 6/4 của ông Trump được tổ chức tại nhà của tỷ phú tài chính John Paulson.

Cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump Chris LaCivita và Susie Wiles cho biết, ông đang giành được lợi thế lớn khi chiến thắng trong nhiều cuộc thăm dò và đang được nhiều người ủng hộ.

"Rõ ràng hơn bao giờ hết là chúng tôi có thông điệp, hoạt động và số tiền này sẽ giúp ông Trump giành chiến thắng vào ngày 5/11", 2 cố vấn tuyên bố.

Trước đó, Reuters dẫn số liệu chính thức cho biết, trong tháng 3, đội ngũ tranh cử của ông Trump và Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) quyên góp được hơn 65,5 triệu USD. Con số này gấp hơn 3 lần so với mức gây quỹ trong tháng 2.

Với thành tích này, chiến dịch của ông Trump và RNC hiện có trong tay 93,1 triệu USD.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 2, chiến dịch của ông Biden có trong tay 155 triệu USD. Số liệu tháng 3 của phía ông Biden chưa được công bố.

Theo thống kê, các ứng viên Dân chủ luôn gây quỹ nhiều hơn so với các ứng viên Cộng hòa trong mọi kỳ bầu cử tổng thống kể từ năm 2004. Tuy vậy, tiền không phải là yếu tố quyết định một ứng viên có đắc cử hay không. Ông Trump đã đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016 mặc dù bà đã huy động được nhiều tiền mặt hơn ông.

Đội ngũ tiến hành chiến dịch tranh cử của ông Trump hôm 28/3 cho biết, tổng số tiền gây quỹ của phía ứng viên đảng Cộng hòa sẽ khó có thể bằng được Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua tới Nhà Trắng năm nay.

Theo một cố vấn, đảng Dân chủ có nhiều người tài trợ là tỷ phú và người giàu, còn chiến dịch của ông Trump được thúc đẩy bởi những người ủng hộ cấp cơ sở, thuộc tầng lớp lao động.

Một cố vấn khác của ông Trump cho biết chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống "được ủng hộ bởi hàng trăm nghìn nhà tài trợ cấp cơ sở trên khắp đất nước, và tôi thích điều này hơn" vì điều đó có nghĩa là ông Trump sẽ nhận được nhiều lá phiếu.

Nguồn: Vietnamnet; VOA; CafeF; Báo Tin Tức; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang