Mỹ: Cơn sốt vòi xịt toilet; Giảm tỷ trọng xe điện bán ra; Thông qua dự luật ngân sách; Ác mộng với Barron Trump; Viện trợ thêm ở Baltic

CƠN SỐT VÒI XỊT TOILET TẠI MỸ

Sau cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh thời Covid-19, hàng loạt người Mỹ đổi sang sử dụng thiết bị xịt rửa, tạo ra xu hướng mua hàng mới.

"Mặt hàng này bùng nổ tại Mỹ, đến mức muốn cũng không mua được. Tất cả đều cháy hàng. Tất cả đang tranh nhau để có một thiết bị", James Lin, nhà sáng lập BidetKing, nền tảng mua sắm các thiết bị nhà tắm, nói.

Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh ở Mỹ trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19 hồi năm 2020 không còn, nhưng để lại tác động lâu dài đến ngành kinh doanh các loạt thiết bị xịt vệ sinh. Theo ghi nhận của Washington Post, trong khi nhiều người Mỹ hối tiếc khi mua nhiều mặt hàng gia dụng, thậm chí mua nhà, họ lại không hề hối hận khi lắp các thiết bị xịt rửa ở toilet.

Những người mua hàng thậm chí còn trở thành những "tín đồ" thực thụ, truyền đạt sự tiện lợi của các thiết bị xịt vệ sinh cho gia đình, bạn bè, góp phần giúp Mỹ bắt kịp phần còn lại của thế giới về sử dụng các thiết bị này.

Rosanne Orgill, sống tại Salt Lake City, mua ba thiết bị xịt rửa lắp trực tiếp vào bồn cầu năm 2020, sau khi chồng bà trở về sau chuyến du lịch qua hàng chục quốc gia và ca ngợi vòi xịt tuyệt vời đến thế nào.

"Thật kỳ lạ khi ở Mỹ lại không có những thiết bị này, vì thực sự không còn cách nào tốt hơn để tự làm sạch mình", bà Orgill nhớ lại lời chồng khi đó. Khi nhận thấy nguồn cung giấy vệ sinh ngày càng cạn kiệt, bà quyết định đặt hàng sau khi nhìn thấy quảng cáo.

Dù bà phải gọi thợ sửa ống nước vì gặp trục trặc sau khi tự mình lắp đặt thiết bị, bà hoàn toàn hài lòng về trải nghiệm sau đó. "Tôi phải lòng chúng. Tôi không hiểu sao mọi người có thể sống thiếu chúng", bà nói.

Tương tự bà Orgill, Ryan Deitsch buộc phải tìm phương án thay thế trước nguy cơ hết giấy vệ sinh trong mùa dịch năm 2020. Lớn lên tại Florida, gia đình anh từng nhiều lần tích trữ giấy vệ sinh trong mùa bão.

"Tôi đánh giá lại lựa chọn sống của mình, rằng có nhất thiết phải dùng giấy vệ sinh không? Đó có phải phương án tốt nhất, hay còn cách nào khác?", anh Deitsch chia sẻ về cân nhắc hồi đại dịch.

Sau 4 năm sử dụng thiết bị xịt, Deitsch tự nhận là "fan trung thành tuyệt đối". Anh cảm thấy sạch sẽ hơn, tiết kiệm tiền và giảm tác động đến môi trường hơn khi cắt giảm giấy vệ sinh. Deitsch hiện tìm thuê nhà ở New York. Anh cho hay một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn nhà là liệu có lắp đặt được vòi xịt cho toilet hay không.

Trước đại dịch, Sydney Cano, sống tại bang Virginia, được một người bạn theo đạo Hồi khuyên sử dụng các thiết bị xịt rửa. Kinh Koran có hướng dẫn cụ thể về sự sạch sẽ và nhà vệ sinh ở các nước Hồi giáo có vòi xịt rửa.

Cano mua thiết bị xịt rửa gắn bồn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Cô ước mình lắng nghe lời khuyên của người bạn sớm hơn. Cano sau đó thuyết phục thành công mẹ và bạn trai tạo thói quen giống mình.

"Cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Tôi không hề phóng đại, giờ tôi không thể sống thiếu nó suốt quãng đời còn lại", Cano bày tỏ.

Bất chấp làn sóng này, Mỹ vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia về mức độ sử dụng các thiết bị xịt vệ sinh, trong khi người Mỹ đứng đầu thế giới về mức sử dụng giấy vệ sinh tính theo đầu người.

4/5 các hộ gia đình Nhật Bản trang bị các hệ thống xịt rửa hiện đại ở bồn cầu. Năm 1975, Italy thông qua luật yêu cầu mọi cư dân phải có một chậu rửa vệ sinh riêng biệt. Hiện tại, các loại thiết bị, vòi xịt được tìm thấy trên khắp châu Á, Nam Mỹ, thậm chí châu Âu.

Trong khi đó, khảo sát năm 2023 của YouGov cho thấy chỉ 6% người trưởng thành Mỹ có sẵn các thiết bị này trong nhà. Nhưng khảo sát cũng cho thấy 41% người Mỹ quan tâm sở hữu một chiếc.

Lin, nhà sáng lập BidetKing, gần đây bán các sản phẩm thiết bị xịt rửa cho các khách sạn ở Mỹ, thậm chí cho các trạm nghỉ cao tốc.

Ông nhận thấy người Mỹ thay đổi thái độ rõ rệt đối với mặt hàng này và có xu hướng chia sẻ trải nghiệm nhiệt tình. "Họ không thể ngừng khoe với gia đình, bạn bè. Một khi đã thích, họ sẽ không bao giờ quay lại dùng giấy vệ sinh", ông nói.

Công ty khởi nghiệp Tushy chuyên các thiết bị xịt rửa vệ sinh tăng 5 lần doanh thu năm 2020, vẫn chưa có dấu hiệu chững lại 4 năm sau đó. Trong nhiều năm trước, Miki Agrawal, người sáng lập công ty, đã nỗ lực thuyết phục khách hàng rằng dùng giấy kém vệ sinh và đắt đỏ hơn, cũng như có thể làm trầm trọng một số bệnh mạn tính như nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh trĩ.

"Đến năm 2020, hàng triệu người mới đồng ý thay đổi, tất cả đều phát cuồng", Agrawal nói. Các loại thiết bị xịt rửa thậm chí trở thành quà tặng phổ biến, được tìm mua gấp 2-3 lần trong các dịp lễ.

Nicole Krawcke, tổng biên tập tạp chí Plumbing & Mechanical, cho hay ngành thiết bị vệ sinh đang tập trung phổ biến lợi ích của các loại thiết bị này đối với người cao tuổi và những người đi lại khó khăn.

"Những thiết bị này giúp giảm gánh nặng cho cả người chăm sóc và người cần chăm sóc, giúp họ đi vệ sinh dễ dàng hơn, không cảm thấy xấu hổ khi nhờ giúp đỡ", bà bình luận.

Trên tư cách nhà báo, bà từng mua một thiết bị về để "trải nghiệm và nghiên cứu". Thiết bị cho phép phun nước nóng, sưởi ấm chỗ ngồi. Sau ba năm, Kwacke vẫn sử dụng thiết bị này, khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi.

MỸ CẮT GIẢM 32% TỶ TRỌNG XE ĐIỆN BÁN RA

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cắt giảm mục tiêu đưa tỷ trọng xe điện từ 67% tổng số xe bán ra tại Mỹ xuống còn 35% vào năm 2032, sau phản ứng của ngành sản xuất ô tô ở bang Michigan quan trọng.

Thay vào đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ áp dụng một kế hoạch quản lý “trung lập về công nghệ”, cho phép các nhà sản xuất ô tô tự do hơn nhiều trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải với xe hybrid (xe lai, chạy được cả xăng và điện). Cơ quan này cũng áp dụng các công ngh “xăng tiên tiến” để tiết kiệm nhiên liệu.

Người đứng đầu EPA, ông Michael Regan, nói rằng các quy định mới dù sao cũng sẽ giúp nước Mỹ đạt được mức giảm khí thải nhà kính tương tự như đề xuất ban đầu, vốn đề ra quá trình chuyển đổi sang xe điện mạnh mẽ hơn nhiều.

Phía EPA thừa nhận quy định này sẽ hạ mục tiêu lượng khí thải vào năm 2032 giảm 49% so với mức của năm 2026 so với mức 56% theo đề xuất năm ngoái.

Tuy nhiên, các quy định mới vẫn buộc các xe phải giảm đáng kể lượng khí thải. EPA cho biết kế hoạch này sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải từ ống xả trên toàn quốc so với mức năm 2026 và giảm 7,2 tỷ tấn khí thải nhà kính cho đến năm 2055.

Mục tiêu của EPA đối với tỷ lệ sử dụng xe điện không phải là nhiệm vụ bắt buộc mà là dự báo về cách các nhà sản xuất ô tô sẽ điều chỉnh đội xe để đáp ứng các quy định.

Dự báo của EPA được đưa ra dưới dạng phạm vi rộng (từ 35-56% tổng doanh số bán trong giai đoạn 2030-2032) thay vì một mục tiêu cụ thể, phản ánh tính linh hoạt để các nhà sản xuất ô tô theo đuổi những công nghệ giảm thải khác nhau.

Các quy định mới sẽ “dễ thở” hơn, nhưng không hề dễ dàng đối với các nhà sản xuất ô tô do mức độ sử dụng xe điện và xe lai tại Mỹ hiện tương đối thấp.

Theo dữ liệu của công ty dịch vụ ô tô Cox Automotive, xe điện chỉ chiếm chưa đến 8% doanh số bán xe tại nước này trong năm 2023. Xe lai cũng chỉ chiếm khoảng 9% tổng doanh số bán ô tô tại thị trường Mỹ vào cùng năm.

Tuy nhiên, doanh số bán xe lai đã tăng vọt trong những tháng gần đây do nhu cầu xe điện chậm lại, cho thấy các quy định mới có thể tạo ra sự bùng nổ về các mẫu xe lai.

Các nhà bảo vệ môi trường và các nhà sản xuất xe điện như Tesla thường coi xe lai là một tuyến phụ trên con đường chuyển đổi cấp thiết sang xe chạy hoàn toàn bằng điện. Đối với đề xuất sửa đổi, nhiều nhà bảo vệ môi trường đã phản đối vì coi đó là một biện pháp nửa vời làm trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Đề xuất sửa đổi của EPA phản ánh áp lực chính trị mà ông Biden phải đối mặt trong chiến dịch tái tranh cử. Đối với cả ông Biden và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, con đường đến Nhà Trắng đều phải đi qua Michigan và các bang công nghiệp khác như Wisconsin và Pennsylvania, nơi người lao động lo ngại rằng quá trình chuyển đổi xe điện sẽ đe dọa việc làm của họ.

Các quy định về khí thải có thể đánh dấu động thái chính sách môi trường quan trọng cuối cùng mà Tổng thống Biden sẽ thực hiện trước khi đối mặt với cuộc bầu của vào tháng 11/2024.

QUỐC HỘI MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT NGÂN SÁCH 1,2 NGHÌN TỶ ĐÔLA, NGĂN CHẶN CHÍNH PHỦ ĐÓNG CỬA

Quốc hội Hoa Kỳ vào sáng sớm thứ Bảy 23/3 đã thông qua dự luật ngân sách trị giá 1,2 nghìn tỷ đôla để phân bổ ngân sách đầy đủ cho chính phủ trong năm tài chính bắt đầu từ sáu tháng trước và kết thúc vào cuối tháng 9, và gửi đến Tổng thống Joe Biden để ký ban hành luật nhằm ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa một phần.

Thượng viện với đa số đảng Dân chủ đã thông qua dự luật với 74 phiếu thuận và 24 phiếu chống.

Nhưng dự luật này không bao gồm phần lớn gói ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine, Đài Loan hoặc Israel, vốn nằm trong một dự luật khác đã được Thượng viện thông qua nhưng Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã bỏ qua.

Các nhà lãnh đạo Thượng viện đã mất nhiều giờ đàm phán một số sửa đổi đối với dự luật ngân sách hôm thứ Sáu, nhưng cuối cùng không thành công. Sự chậm trễ đã đẩy việc thông qua dự luật vượt quá thời hạn nửa đêm thứ Sáu.

Tuy nhiên, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng thông báo rằng sẽ không ra lệnh đóng cửa các cơ quan chính phủ, và bày tỏ tin tưởng rằng Thượng viện sẽ nhanh chóng thông qua dự luật và điều đó đã được thực hiện.

Trong khi Quốc hội đã thông qua dự luật, sự chia rẽ đảng phái sâu sắc lại tái hiện, cũng như sự bất đồng gay gắt trong phe Cộng hòa chiếm đa số Hạ viện. Dân biểu Marjorie Taylor Greene đe dọa đòi bỏ phiếu để loại bỏ Chủ tịch Mike Johnson, một người đồng đảng Cộng hòa, vì đã cho phép dự luật này được thông qua.

Dự luật dài 1.012 trang cung cấp 886 tỷ đôla tài trợ cho Bộ Quốc phòng, bao gồm cả việc tăng lương cho quân đội. Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Dân chủ, cho biết ông sẽ ký ban hành luật.

"Đây thực sự là một dự luật an ninh quốc gia - 70% kinh phí trong gói ngân sách này dành cho quốc phòng của chúng ta, bao gồm các khoản đầu tư nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự và cho cơ sở công nghiệp của chúng ta, tăng lương và phúc lợi cho các quân nhân dũng cảm của chúng ta và hỗ trợ các đồng minh thân cận nhất của chúng ta", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins, một trong những nhà đàm phán chính nói.

Những người phản đối cho rằng dự luật này quá đắt.

Thượng nghị sĩ Rand Paul, một thành viên của nhóm đảng Cộng hòa thường phản đối hầu hết các dự luật chi tiêu, nói: “Đó là sự liều lĩnh. Nó dẫn đến lạm phát. Đó là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp để đánh cắp tiền lương của bạn”.

Lần gần đây nhất chính phủ liên bang đóng cửa một phần xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, từ ngày 22 tháng 12 năm 2018 đến ngày 25 tháng 1 năm 2019. Sự gián đoạn kéo dài kỷ lục đối với các dịch vụ của chính phủ xảy ra khi đảng Cộng hòa nhất quyết đòi tiền để xây một bức tường dọc biên giới với Mexico, và không thể thỏa hiệp được với đảng Dân chủ.

Dự luật ngân sách mới này trước đó được Hạ viện thông qua với 185 phiếu của Đảng Dân chủ và 101 phiếu của Đảng Cộng hòa, khiến bà Greene, một người bảo thủ theo đường lối cứng rắn, đưa ra yêu cầu đòi lật đổ Chủ tịch Johnson.

Động thái đó gợi nhớ đến tháng 10, khi một nhóm nhỏ những người theo đường lối cứng rắn tổ chức một cuộc bỏ phiếu loại bỏ Chủ tịch Kevin McCarthy vì đã dựa vào Đảng Dân chủ để thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn một đợt đóng cửa một phần chính phủ vào thời điểm đó. Họ đã tức giận với ông McCarthy kể từ tháng 6, khi ông đồng ý với Tổng thống Biden về đề cương chi tiêu tài khóa 2024 đã được thông qua hôm thứ Sáu.

ÁC MỘNG TRỞ LẠI VỚI BARRON TRUMP

Bước sang tuổi 18 giữa lúc cha mình (ông Donald Trump) tìm cách trở lại Nhà Trắng, Barron Trump trở thành mục tiêu đả kích. Cơn ác mộng lần này được cho là sẽ nặng nề hơn, khi những người công kích cho rằng "Barron đã trưởng thành để đối mặt chỉ trích".

Barron Trump bước sang tuổi 18 ngày 20/3, giữa lúc ông Donald Trump đang tích cực vận động, tạo sức ảnh hưởng khắp nước Mỹ để quay về Nhà Trắng.

Theo Daily Mail, cơn ác mộng trở lại với người con út của cựu Tổng thống Donald Trump. 4 năm trước, Barron chỉ là đứa trẻ 14 tuổi, không được để ý quá nhiều. Hiện, Barron Trump đã 18 tuổi, đủ tuổi thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ công dân Mỹ.

Trưởng thành là điều ai cũng phải trải qua, nhưng nếu được chọn, chắc chắn Barron không muốn bước sang tuổi 18 vào năm 2024. Bởi, Barron dễ trở thành đối tượng công kích của những người không hài lòng với Donald Trump, giữa lúc cựu Tổng thống tìm cơ hội đại diện đảng Cộng hòa để "tái đấu" với Tổng thống Joe Biden.

Không ngoài dự đoán, Barron Trump đã chịu sự công kích, đúng vào ngày anh bước sang tuổi 18.

Cú sốc mới của Barron Trump

Ngày 20/3, Mike Sington, cựu giám đốc điều hành cấp cao của NBC, đăng bức ảnh Barron chụp cùng cha, kèm chú thích: "Barron Trump nay đã 18 tuổi. Bây giờ, cậu ấy có thể chơi một cách sòng phẳng".

Sự vô lý khi hướng công kích vào Barron Trump của cựu giám đốc NBC lập tức bị chỉ trích. Ngay cả những người cho rằng "không thích ông Trump" cũng bất bình vì thanh niên 18 tuổi bị lôi vào cuộc chiến quyền lực.

Hàng loạt quan chức từng làm việc ở Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ như Michael R. Caputo, cựu trợ lý thư ký công vụ của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Garrett Ventry, cựu cố vấn truyền thông cấp cao của Đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Javon A. Price, cựu trợ lý của thành viên Hạ viện Mỹ Byron Donalds ... đều cho rằng Mike Sington đáng sợ và ghê rợn, sẵn sàng chỉ trích đứa trẻ chỉ vì không thích Donald Trump.

Mike Sington sau đó phải xóa bài đăng vì nhận chỉ trích nặng từ giới chính trị gia đến công dân Mỹ.

Sau khi gỡ bài, Sington lại tiếp tục bao biện: "Tôi nói cậu ấy có thể chơi sòng phẳng nghĩa là Barron phải đối mặt với chỉ trích của báo chí. Tại sao lại cho rằng tôi ác ý. Vì không muốn gây tổn hại thể chất cho người khác nên tôi gỡ bài. Tôi luôn lắng nghe những nhận xét và chỉ trích", Mike Sington viết.

Theo People, Barron Trump phải học dần cách đối mặt áp lực, những lời chỉ trích từ giới truyền thông, chính trị gia không hài lòng về Trump.

Bởi, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của ông Donald Trump, những người con của ông thường xuyên bị mang ra bàn tán, chỉ trích. Lúc đó, Barron phần nào may mắn "né" được sự công kích (dù không phải tất cả) nhờ chưa đủ tuổi trưởng thành.

Giờ đây, 18 tuổi, Barron phải học cách thích nghi.

Trở lại tháng 1/2017, ngay trong nhậm chức tổng thống của ông Trump, các thành viên trong gia đình ông bị bộ phận phản đối chỉ trích nặng. Barron Trump, lúc đó chỉ 10 tuổi, bị gán cho những điều tồi tệ.

Katie Rich , biên kịch, diễn viên hài của Saturday Night Live, là người có bình luận khiếm nhã nhất vào đứa trẻ 10 tuổi. Việc cho rằng Barron trong tương lai là "kẻ xả súng" khiến nhiều người phẫn nộ.

Katie Rich phải công khai xin lỗi sau khi bị 180.000 người ký tên kêu gọi công ty NBC sa thải nghệ sĩ có phát ngôn bạo lực, ghê rợn.

"Cả nước chỉ biết thở dài trước sự công kích vô cớ của Katie Rich. Barron là con trai út của Tổng thống Donald Trump, thì sao? Cậu bé chỉ mới 10 tuổi, chưa từng làm gì ai, không có khả năng làm hại ai, thậm chí không thể bỏ phiếu, vậy tại sao lại làm như vậy", Us News phẫn nộ trước bài công kích của Katie Rich.

Chelsea Clinton - con gái của bà Hillary Clinton, đối thủ ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2016-2020 - cũng lên tiếng đứng về phía Barron.

"Barron Trump xứng đáng có được quyền cơ bản mà mọi đứa trẻ khắp nước Mỹ đều có, đó là quyền sống như một đứa trẻ", con gái của cựu tổng thống Bill Clinton và bà Hillary Clinton lên tiếng.

Đến năm 2018, cái tên Barron Trump lần nữa ngập mặt báo, khi diễn viên người lớn Stormy Daniels lên tiếng cô ngoại tình với tổng thống Mỹ thứ 45, chỉ 4 tháng sau Barron ra đời.

Đến khi dậy thì, trổ mã và cao hơn 2 m, ngoại hình của Barron bị mang ra để nhằm mục đích hướng vào ông Trump. Với nhận định "Trump bất bình vì con trai cao hơn mình" năm 2019, nhà báo Michael Wolf bị cười nhạo vì lý do không còn gì vô lý hơn.

Đến nỗi, Stephanie Grisham, cựu người phát ngôn Nhà Trắng kiêm chánh văn phòng của cựu Đệ nhất Phu nhân Melania Trump, lên tiếng "giải cứu" Barron và gia đình ông Trump.

"Barron lớn lên ở Nhà Trắng và thân thiết với cha, dù nhiều lúc công việc của tổng thống bận rộn. Barron là người tốt bụng, khiêm tốn, biết đồng cảm đồng cảm. Hơn hết, Barron là đứa trẻ ngoan", Stephanie Grisham nói với Daily Mail.

Ác mộng của đứa trẻ lớn lên ở Nhà Trắng

Không chỉ Barron Trump, những đứa trẻ từng sống ở Nhà Trắng với tư cách con cái của người quyền lực nhất nước Mỹ chưa bao giờ dễ dàng.

"Tôn Tử từng khuyên chiến lược tốt nhất là đánh vào điểm yếu. Và thường thì vợ chồng, con cái của tổng thống là mục tiêu dễ công kích nhất. Đó là lý do họ luôn bị bêu tên", Us News nhận định.

Các cô con gái của ông Obama từng bị thành viên của đảng Cộng hòa lập tài khoản Facebook chuyên để nói xấu. Sau khi tìm ra danh tính, người này phải xin lỗi và từ chức.

Trước đó, trong thời gian sống ở Nhà Trắng, Chelsea Clinton (con gái duy nhất của cựu Tổng thống Bill Clinton) bị phát thanh viên một chương trình truyền hình so sánh với động vật.

Cặp song sinh Barbara Bush và Jenna Bush Hager, con gái của cựu Tổng thống George W. Bush từng bị một nhà văn liên tiếp xuất bản sách công kích, bịa đặt đời tư. Julie Nixon Eisenhower, con gái của cựu Tổng thống Nixon, từng bị người khác nhổ nước bọt vào người khi đi ngang khuôn viên trường Cao đẳng Smith.

Trong khi đó, ông John Gardner Ford, con trai cựu Tổng thống Gerald Ford, từng phát biểu rằng, tại bất kỳ thời điểm nào, những đứa trẻ sống ở Nhà Trắng phải chấp nhận một nửa nước Mỹ "không ưa" gia đình mình.

Theo Us News, Barron Trump hay bất kỳ đứa trẻ nào có cơ hội sống ở Nhà Trắng, phải nỗ lực tạo dựng bản sắc. Khi thành công, nhiều khả năng họ tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ. Và nếu không chịu đựng được thách thức, những đứa trẻ được gọi là "ngậm thìa vàng", có cha là người quyền lực nhất nước Mỹ, mẹ được gọi là Đệ nhất Phu nhân, phải chịu điều tiếng suốt đời.

Trở lại với Barron Trump, trong thời gian sống ở Nhà Trắng, ngoài ác mộng dư luận, cậu út may mắn có người mẹ luôn bảo vệ con. Truyền thông Mỹ không ít lần dành lời khen cho cựu Đệ nhất Phu nhân Melania Trump khi đưa Barron tránh xa điều tiếng.

Trong năm 2024, Barron Trump tốt nghiệp cấp ba sau thời gian theo học tại Học viện Oxbridge. Kế hoạch học tập tiếp theo của cậu út nhà Trump chưa được công bố.

MỸ CẤP THÊM VIỆN TRỢ CHO CÁC NƯỚC BALTIC GIÁP VỚI NGA

Các quan chức quốc phòng Estonia ngày 23/3 cho biết rằng Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật liên quan đến viện trợ quân sự và quốc phòng trị giá tổng cộng 228 triệu USD cho Estonia, Latvia và Lithuania trong năm nay theo Sáng kiến An ninh Baltic.

Đạo luật tài trợ của chính phủ Mỹ bao gồm viện trợ quân sự cho ba quốc gia vùng Baltic, tất cả đều là thành viên NATO và láng giềng của Nga, đã được các nhà lập pháp phê duyệt từ hôm 22/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, Hanno Pevkur, trong một tuyên bố nhấn mạnh: “Sự hỗ trợ từ Mỹ đã giúp Estonia, Latvia và Lithuania nhanh chóng thực hiện một số dự án phát triển năng lực và cơ sở hạ tầng quân sự. Tin tốt là mức hỗ trợ cao hơn một chút so với năm ngoái”.

Bộ trưởng nói thêm: “Điều này (viện trợ tài chính) gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ, đồng minh lớn nhất của NATO, cam kết đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực của chúng tôi”.

Được thành lập vào năm 2020, Sáng kiến An ninh Baltic hay BSI, là một dự án mà qua đó Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ phát triển năng lực quân sự và khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang của Estonia, Latvia và Lithuania.

Bộ Quốc phòng Estonia cho biết trọng tâm tài trợ của Mỹ là phát triển phòng không, nhận thức tình huống trên biển và lực lượng trên bộ ở các quốc gia vùng Baltic, đồng thời, thêm rằng tổng cộng 225 triệu USD đã được phân bổ viện trợ theo BSI cho ba nước vào năm 2023.

Vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ và các nước vùng Baltic đã nhất trí về lộ trình hợp tác quốc phòng 5 năm nhằm định hướng các mối quan hệ hợp tác vì quốc phòng và an ninh quốc gia giữa các nước cho đến năm 2028.

Nguồn: Vnexpress; Bnews; VOA; Afamily; CAND

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang