Mỹ: Boeing 'đốt' rất nhiều tiền; Khủng hoảng giới trẻ; FED giữ nguyên lãi suất; Sản xuất chip trong nước; Tăng thuế với UAV TQ

BOEING 'ĐỐT' RẤT NHIỀU TIỀN

Số tiền Boeing chịu thiệt hại trong đợt khủng hoảng an toàn vừa qua lên đến 4,5 tỷ USD, nhiều hơn mức dự kiến doanh nghiệp đưa ra vào tháng 1.

Theo Reuters cập nhật ngày 21/3, ông Brian West - Giám đốc tài chính của Boeing - cho biết việc khủng hoảng hoạt động sản xuất dòng máy bay 737 Max khiến nhà sản xuất "đốt" nhiều tiền hơn dự kiến. Điều này khiến doanh nghiệp cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu tài chính quan trọng trong những năm tới.

Ông Brian West chia sẻ rằng khoản tiền mặt mà Boeing thiệt hại trong quý đầu tiên năm nay sẽ vào khoảng từ 4-4,5 tỷ USD, cao hơn mức họ dự kiến vào tháng 1.

Boeing đang cố gắng kiểm soát các vấn đề an toàn sau vụ rơi cửa trên không vào ngày 5/1 trên chiếc máy bay 737 Max-9. Sau sự cố, Cục Hàng không Mỹ thắt chặt vấn đề sản lượng của phương tiện này, dẫn tới thực trạng các hãng hàng không phải vật lộn vì nhận tàu bay muộn, không đủ cung cấp theo nhu cầu của hành khách.

Đơn đặt hàng tồn đọng đang khiến ban giám đốc điều hành các hãng hàng không nản lòng. Nhiều nhà khai khác đã bắt đầu cắt giảm chặng bay và đang cố gắng mua thêm phương tiện để đáp ứng nhu cầu.

Ông Michael O'Leary - Giám đốc điều hành hãng hàng không Ryanair, đối tác quan trọng của Boeing tại châu Âu - chia sẻ rằng ông sẽ gặp các giám đốc điều hành cấp cao của Boeing để thảo luận về sự chậm trễ.

Các cơ quan quản lý Mỹ hiện giới hạn sản lượng dòng 737 của Boeing ở mức 38 chiếc mỗi tháng. Thậm chí, ông Brian West tiết lộ Boeing đang sản xuất ít hơn số lượng đó.

"Chúng tôi đang chủ động làm chậm lại, để đảm bảo mọi thứ. Tác động sẽ thể hiện rõ nhất trong vài tháng tới", vị giám đốc tài chính bộc bạch.

Việc sản lượng chững lại, áp lực về vốn lưu động đang ảnh hưởng đến dòng tiền tự do của Boeing. Nhà sản xuất sẽ cần thêm thời gian đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2022 với dòng tiền hàng năm khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn năm 2025-2026.

"Chắc chắn sẽ cần thêm thời gian. Nhưng chúng tôi cho rằng những gì mình đang làm hiện tại sẽ có lợi trong dài hạn", Brian West giải thích.

Đặc biệt, biên lợi nhuận mảng máy bay thương mại của Boeing có thể âm 20% trong quý I năm nay do phải bồi thường cho đối tác vì giao trễ. Dù tỷ lệ này sẽ dần cải thiện nhưng tình hình sẽ khó khả quan trong năm nay.

Chốt phiên ngày 20/3, cổ phiếu Boeing giảm 2,3%. Từ đầu năm, mã của doanh nghiệp bốc hơi 25%.

KHỦNG HOẢNG GIỚI TRẺ ĐẨY MỸ KHỎI TOP 20 NƯỚC HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI

Mỹ lần đầu rơi khỏi top 20 quốc gia hạnh phúc thế giới kể từ 2012, khi ngày càng nhiều người trẻ không hài lòng với cuộc sống ở nước này.

Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDSN) ngày 20/3 công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới lần thứ 10, cho thấy Mỹ xếp ở vị trí 23, tụt 8 hạng so với năm ngoái.

Mỹ chưa từng lọt top 10 trong bảng xếp hạng, nhưng đây là lần đầu tiên SDSN khảo sát người dân các nước theo độ tuổi, qua đó phát hiện khác biệt trong mức độ hài lòng với cuộc sống của người trẻ và nhóm lớn tuổi hơn.

Báo cáo cho thấy thế hệ trẻ hạnh phúc hơn người lớn tuổi ở hầu hết các nước trên thế giới, ngoại trừ Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Mỹ lọt top 10 trong mức độ hài lòng với cuộc sống của những người trên 60 tuổi, nhưng xếp thứ 62 với những người dưới 30 tuổi, khiến mức xếp hạng chung bị kéo giảm.

Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư kinh tế và khoa học hành vi tại Đại học Oxford, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng người Mỹ dưới 30 tuổi đang trở nên kém hạnh phúc hơn đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện một cuộc khủng hoảng trong giới trẻ nước này.

De Neve chỉ ra mức độ hạnh phúc của người dưới 30 tuổi ở Mỹ còn kém cả Cộng hòa Dominica, ngang với các quốc gia như Malaysia và Nga.

"Tôi chưa từng thấy sự thay đổi nào cực đoan đến vậy. Nhìn chung mức độ hài lòng với cuộc sống ở người trẻ trên thế giới không sụt giảm, nhưng lại xảy ra chủ yếu ở các nước nói tiếng Anh trong 10 năm qua", John Helliwell, nhà kinh tế học, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, nói.

Nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2022 cho thấy mức độ hạnh phúc của người trẻ Mỹ giảm sút trong 20 năm gần đây, trong đó nhóm 18-25 tuổi kém hài lòng với cuộc sống nhất. Sức khỏe thể chất, tinh thần, tính cách, đạo đức, ổn định tài chính, ý thức mục đích sống của nhóm này cũng kém nhất. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Anh và Canada.

Tiến sĩ Lorenzo Norris, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học George Washington, nhận định đại dịch Covid-19 gây gián đoạn cuộc sống là nguyên nhân chính khiến người trẻ Mỹ gặp thách thức về sức khỏe tâm thần.

"Kết quả của SDSN thể hiện tác động của đại dịch đối với các hành vi tương tác, cởi mở với xã hội, cũng như mong muốn kết nối với cộng đồng. Tình trạng xa lánh xã hội chủ yếu xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là học sinh trung học, và vẫn tiếp diễn", ông cảnh báo.

"Khi trưởng thành, chúng tôi được tiếp cận tất cả tin tức trên thế giới và chú ý đến những thứ có thể kiểm soát, nhưng nhận ra có rất ít thứ như vậy. Dù có thể trả tiền nhà, hóa đơn đúng hạn, hay đi biểu tình, chúng tôi nhận ra hành động của mình thực sự có rất ít tác động", Jade Song, nhà văn 27 tuổi, tự coi mình trong số những người không hài lòng với cuộc sống những năm gần đây, nói.

De Neve cho rằng mức độ không hài lòng của giới trẻ Mỹ với cuộc sống là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ sự phân cực chính trị ở nước này tới việc lạm dụng quá mức mạng xã hội, hay nỗi bất an về tương lai và bất bình đẳng kinh tế ngày càng lớn giữa các thế hệ. Những người dưới 30 tuổi gặp khó khăn ngày càng lớn trong giấc mơ mua nhà.

"Đây là quãng thời gian rất khó khăn cho người trẻ, với rất nhiều áp lực và đòi hỏi", ông nói.

Bảng xếp hạng được SDSN thực hiện dựa trên khảo sát mức độ hạnh phúc của người dân, kết hợp với những thông tin như GDP trên đầu người, tuổi thọ, tự do cá nhân, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội và tình trạng tham nhũng.

Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Phần Lan đứng đầu danh sách, dù người Phần Lan từ lâu tranh cãi về danh hiệu này.

FED GIỮ NGUYÊN LÃI SUẤT CAO NHẤT 23 NĂM, DỰ KIẾN 3 ĐỢT CẮT GIẢM TRONG 2024, CHỨNG KHOÁN LẬP TỨC PHÁ KỶ LỤC: DUY CÓ ĐIỀU THAY ĐỔI TRONG TUYÊN BỐ

Ngày 20/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất như dự đoán và báo hiệu vẫn có kế hoạch cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm nay.

Giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ấn định lãi suất cho vay qua đêm của ngân hàng trung ương giữ nguyên ở mức 5,25% -5,5%, mức của tháng 7 năm 2023 và là mức cao nhất trong vòng 23 năm.

Cùng với quyết định này, các quan chức FED cũng giữ nguyên dự kiến 3 đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Một khi FED thực hiện động thái này, đây sẽ là lần cắt giảm đầu tiên kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020.

Dự đoán về 3 đợt cắt giảm này đến từ biểu đồ dot-plot của FED. Biểu đồ là những dấu chấm thể hiện quan điểm của 19 quan chức trong FOMC về lãi suất năm nay và trong tương lai. Biểu đồ không cho thấy dấu hiệu nào về thời điểm cắt giảm lãi suất.

Lần cập nhật trước vào tháng 12 năm ngoái, biểu đồ dot-plot dự báo 4 đợt cắt giảm lãi suất năm 2024, nhiều hơn dự đoán hiện tại 1 đợt. Ủy ban dự kiến sẽ có thêm 3 lần giảm nữa vào năm 2026 và sau đó là 2 lần giảm nữa trong tương lai cho đến khi lãi suất quỹ liên bang ổn định ở mức khoảng 2,6%. Con số này gần mức trung lập mà các nhà hoạch định chính sách ước tính.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết chính ngân hàng trung ương cũng không xác định rõ thời điểm, nhưng ông dự báo việc hạ lãi suất vẫn sẽ diễn ra, miễn là dữ liệu phù hợp với quan điểm của FED.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Powell nói: “Chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách của chúng tôi có thể đạt đỉnh trong chu kỳ này, và nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi, việc bắt đầu thắt chặt chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay có lẽ là phù hợp”. Ông nói thêm rằng FED sẵn sàng duy trì mức lãi suất hiện tại lâu hơn nếu cần.

Nâng dự báo GDP

Bên cạnh biểu đồ dot-plot, các quan chức cũng đưa ra ước tính về GDP, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trong bản Tóm tắt các Dự báo Kinh tế của FED. Cụ thể, các quan chức nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay. Kinh tế Mỹ sẽ đạt mức 2,1%, tăng so với ước tính 1,4% trong tháng 12.

Dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ so với ước tính trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận trong tháng 2 là 3,9%. Trong khi đó, dự báo lạm phát lõi được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng lên 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với trước đó nhưng thấp hơn một chút so với mức 2,8% gần đây nhất.

Tuyên bố sau cuộc họp của FOMC gần giống với tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 1. Duy có một điều thay đổi trong tuyên bố mới của FED là cụm từ việc làm “vừa phải” được thay bằng từ được duy trì “mạnh mẽ”.

Trong cuộc họp báo, Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý rằng thị trường việc làm mạnh mẽ sẽ không ngăn cản ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.

Ông nói: “Bản thân việc tuyển dụng mạnh mẽ sẽ không phải là lý do để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất”. Bản thân thị trường việc làm không phải là nguyên nhân gây lo ngại về lạm phát. Trước đó, Powell từng nói rằng “sự suy yếu bất ngờ trên thị trường lao động cũng có thể dẫn đến một phản ứng chính sách”.

Ông Powell cũng lưu ý rằng các dữ liệu lạm phát tăng cũng không thể làm thay đổi xu hướng giảm chung. Thực tế, lạm phát vẫn đang giảm dần, mặc dù đôi khi gập ghềnh nhưng lộ trình vẫn đang hướng về mục tiêu 2%. Ông cho biết FED sẽ không phản ứng thái quá với dữ liệu nóng của tháng 1 và 2, nhưng cũng sẽ không bỏ qua chúng.

Sau quyết định giữ nguyên kế hoạch dự kiến là thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất, chỉ số S&P 500 tăng vượt mức 5.200 điểm, lập kỷ lục mới. Trước cuộc họp, một số nhà đầu tư đã lo ngại rằng các các báo cáo lạm phát nóng gần đây có thể dẫn đến số đợt cắt giảm có thể ít đi, thậm chí ít hơn so với dự đoán của thị trường. Cổ phiếu tài chính tăng cao sau quyết định của FED, với hy vọng việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng.

MỸ RÓT GẦN 20 TỶ USD SẢN XUẤT CHIP TRONG NƯỚC

Chính phủ Mỹ thông báo cấp cho tập đoàn sản xuất chip Intel gần 20 tỷ USD dưới hình thức trợ cấp và cho vay để hãng này tăng sản lượng chip bán dẫn ở trong nước.

Đây là khoản chi lớn nhất của Chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành sản xuất chip.

Theo đó, các nhà máy của Intel ở bang Arizona sẽ được tài trợ một khoản trị giá 8,5 tỷ USD và khoản cho vay lên tới 11 tỷ USD. Một phần kinh phí sẽ được sử dụng để xây 2 nhà máy mới và mở rộng quy mô của nhà máy hiện có.

Chương trình trợ cấp được trông đợi sẽ giúp tăng thị phần chip tiên tiến của Mỹ lên 20% vào cuối thập kỷ này.

Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới GlobalFoundries đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp khoản tài trợ trực tiếp 1,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, những con chip được GlobalFoundries tạo ra ở các cơ sở mới là "cần thiết đối với an ninh quốc gia" của nước này.

Vào tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chips và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn. Ngay sau đó, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã bày tỏ tự tin rằng nước này có thể xây dựng chuỗi cung ứng để sản xuất các chip tiên tiến, bao gồm phát triển công nghệ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

MỸ CÂN NHẮC TĂNG THUẾ ĐỐI VỚI UAV TRUNG QUỐC DO LO NGẠI AN NINH

Lo ngại về an ninh quốc gia và kinh tế, các nghị sĩ Mỹ kiến nghị tăng thuế đối với máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc.

Một nhóm các nghị sĩ Mỹ vừa yêu cầu chính phủ nước này áp đặt thuế suất cao hơn đối với máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc, với lý do cần chặn mối đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế.

Đề xuất này bao gồm cả những sản phẩm được vận chuyển từ các quốc gia khác và các biện pháp khuyến khích mới để thúc đẩy các nhà sản xuất máy bay không người lái tại Mỹ, theo Reuters đưa tin ngày 21.3.

Lời kêu gọi được đưa ra bởi Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc tại Hạ viện Mike Gallagher, lãnh đạo đảng Dân chủ tại ủy ban này là ông Raja Krishnamoorthi và 11 nhà lập pháp khác.

Họ kêu gọi chính quyền hành động ngay lập tức nhằm đối phó các nhà sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc như DJI và Autel.

Điều này bao gồm việc tăng thuế "để ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi của một công nghệ tại thị trường Mỹ vốn gây ra mối đe dọa an ninh kinh tế và quốc gia rõ ràng", theo lá thư gửi tới Đại diện Thương mại (USTR), Bộ Thương mại và Bộ An ninh Nội địa.

USTR và Bộ Thương mại xác nhận việc đã nhận được thư, nhưng từ chối bình luận.

DJI cho biết họ phản đối các quy định hạn chế dựa trên quốc gia xuất xứ và cho biết công ty tuân thủ chặt chẽ "tất cả các luật, quy định và quy chuẩn hiện hành về bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu ở Mỹ và bất kỳ nơi nào khác mà chúng tôi hoạt động".

Ngoài ra, DJI cho biết thêm rằng UAV của họ "đang giúp các doanh nghiệp Mỹ hoạt động hiệu quả hơn và giải quyết các vấn đề".

Autel đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Lá thư cho biết mức thuế bổ sung 25% hiện nay đối với UAV của Trung Quốc là "không đủ để chống lại sự gia tăng" nhập khẩu.

Việc thúc đẩy tăng thuế đối với UAV diễn ra sau khi một số nghị sĩ kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden tăng thuế đối với UAV do Trung Quốc sản xuất.

Theo họ, các công ty của Trung Quốc nắm giữ hơn 77% thị trường UAV theo sở thích ở Mỹ và hơn 90% thị trường UAV thương mại.

Lá thư lưu ý rằng việc xuất khẩu UAV của Malaysia sang Mỹ, vốn ở mức tối thiểu gần đây nhất là vào năm 2019, đã tăng lên 242.000 chiếc vào năm 2022 và trong 11 tháng đầu năm 2023 đã lên tới 565.000 chiếc.

"Những con số này làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang sử dụng Malaysia để lách luật Mỹ thông qua việc trung chuyển", theo các nghị sĩ Mỹ. Ngoài ra, lá thư nêu lo ngại rằng UAV của Trung Quốc "có nguy cơ đưa dữ liệu của người Mỹ vào tay quân đội và các cơ quan tình báo của Trung Quốc".

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Soha; VTV; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang