Mỹ: Bom nợ khổng lồ; Trump được bảo lãnh, 'bốc hơi' 1 tỷ USD; Bán gói vũ khí 18 tỷ USD cho Israel; 'Vỡ' liên minh với Ấn Độ

CHÍNH PHỦ MỸ LÂM NGUY VÌ “BOM NỢ” KHỔNG LỒ

Nợ công của Mỹ đang tăng với tốc độ không bền vững, nhưng sự chia rẽ trong Quốc hội nước này khiến việc tìm giải pháp trở nên mờ mịt...

Trong dự báo mới nhất, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho rằng tỷ lệ nợ của Chính phủ liên bang Mỹ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ tăng từ mức 97% trong năm nay lên mức 116% GDP vào năm 2034 - cao hơn cả thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một nghiên cứu của hãng tin Bloomberg cho thấy triển vọng thậm chí còn u ám hơn.

Các dự báo mà CBO đưa ra vào đầu năm nay đều dựa trên nhận định lạc quan về các yếu tố từ thu ngân sách từ thuế đến chi tiêu quốc phòng và lãi suất. Tuy nhiên, nếu xét tới kỳ vọng lãi suất hiện tại trên thị trường, tỷ lệ nợ công so với GDP của Chính phủ Mỹ đã có thể tăng tới 123% vào năm 2034. Tiếp đó, nếu giả định các biện pháp cắt giảm thuế từ thời Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì - như dự báo của hầu hết mọi người ở Washington - gánh nặng nợ nần sẽ càng lớn hơn nữa.

Bấp bênh khối nợ ngày càng lớn

Với quá nhiều biến số khó lường, các chuyên gia của Bloomberg Economics đã sử dụng mô hình dự báo tạo ra 1 triệu trường hợp giả định để đánh giá về triển vọng nợ nần của Chính phủ Mỹ. 88% trường hợp trong số này cho thấy tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ đang đi theo chiều hướng không bền vững, thể hiện qua mức độ tăng trưởng nợ trong vòng 1 thập kỷ tới.

Điều này trái ngược với các tuyên bố của chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi các quan chức nói rằng việc ngân sách liên bang thời ông Biden - với các biện pháp tăng thuế đối với các doanh nghiệp và tầng lớp giàu - sẽ đảm bảo bền vững tài khoá và chi phí vay nợ trong tầm kiểm soát.

“Tôi thực sự tin rằng chúng ta cần giảm thâm hụt ngân sách và duy trì hướng đi tài khoá bền vững. Các đề xuất ngân sách của Chính phủ mang tới cơ hội giảm mạnh thâm hụt ngân sách để tiếp tục giữ chi phí lãi vay ở mức hợp lý. Nhưng chúng ta cần cùng nhau hành động để đạt được điều đó”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước các nghị sỹ nước này hồi tháng 2 năm nay.

Vấn đề nằm ở chỗ việc thực thi một kế hoạch như vậy đòi hỏi hành động từ Quốc hội Mỹ, trong khi Quốc hội đang có sự chia rẽ sâu sắc giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà. Các nghị sỹ Cộng hoà - những người kiểm soát Hạ viện - muốn cắt giảm mạnh chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách, nhưng lại không đưa ra chi tiết cụ thể về những khoản chi mà họ muốn cắt giảm. Phe Dân chủ - những người nắm đa số ở Thượng viện - cho rằng chi tiêu không phải là nguyên nhân chính bào mòn sự bền vững của nợ, mà lãi suất và thu ngân sách từ thuế mới là những yếu tố then chốt. Ngoài ra, cả hai đảng đều không muốn cắt giảm chương trình phúc lợi lớn như An sinh xã hội (Social Security) hay chăm sóc y tế Medicare.

Xét cho cùng, nước Mỹ có thể phải cần đến một cuộc khủng hoảng - có thể là một cuộc hỗn loạn trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ do Washington bị hạ điểm tín nhiệm, hoặc sự hoảng loạn về tình trạng cạn kiệt của các quỹ tín thác của chương trình Medicare hoặc An sinh xã hội - thì các nghị sỹ mới bắt buộc phải hành động. Nhưng đó là một hành động “đùa với lửa” đầy nguy hiểm đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận định của Bloomberg.

Câu chuyện của mùa hè năm ngoái đã cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể bắt đầu như thế nào. Trong vòng hai ngày của tháng 8, việc tổ chức Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ và việc Chính phủ Mỹ tăng phát hành trái phiếu dài hạn đã khiến nhà đầu tư lo sợ về rủi ro. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sau đó đã tăng 1 điểm phần trăm, đạt 5% trong tháng 10 - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ rưỡi.

Mối lo của giới chức Mỹ và các nhà đầu tư

Nhiều quan chức và cựu quan chức của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về triển vọng nợ nần của nước này trong dài hạn. Đầu năm nay, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói “có lẽ đã đến lúc, thậm chí hơi muộn” để các chính trị gia sửa chữa con đường vay nợ “thiếu bền vững”. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Robert Rubin hồi tháng 1 nói nước này đang ở trong một “vị thế tồi tệ” xét tới thâm hụt ngân sách.

Giới tài chính cũng quan ngại không kém. Nhà sáng lập công ty quản lý quỹ phòng Citadel, ông Ken Griffin, nhận định trong một lá thư gửi nhà đầu tư hôm 1/4 rằng nợ công của Mỹ là một “mối lo ngày càng lớn không thể xem nhẹ”. Trước đó vài ngày, CEO Larry Fink của công ty quản lý tài sản BlackRock nhận định tình hình nợ công của Mỹ “đang cấp bách hơn những gì tôi có thể nhớ được”.

Trong số 5% kết quả dự báo tệ nhất mà mô hình của Bloomberg đưa ra, tỷ lệ nợ công/GDP của Mỹ vào năm 2034 sẽ vượt mức 139%. Điều này có nghĩa là Mỹ vào năm 2034 sẽ có tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn cả mức của Italy - một quốc gia thường xuyên mấp mé bờ vực khủng hoảng nợ - vào năm ngoái.

Như đã nói ở trên, để con đường nợ của Mỹ trở nên bền vững, Quốc hội nước này cần hành động. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trước đây không mang tới điều gì hứa hẹn. Chẳng hạn, những bất đồng về chi tiêu chính phủ đã lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm ngoái, khi bế tắc về trần nợ khiến Mỹ bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ. Sau đó, các bên đã đạt thoả thuận đình chỉ trần nợ cho tới ngày 1/1/2025, tức là trì hoãn một cuộc đấu tiếp theo về vấn đề này cho tới sau bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Không dễ để hình dung một cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ. Bởi một lẽ, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trên thực tế, sự trở đi trở lại hàng năm của việc Chính phủ đối mặt nguy cơ đóng cửa vì hết ngân sách thường hầu như không để lại một gợn sóng nào trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, thế giới đang thay đổi. Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang làm suy yếu vai trò của đồng USD trong thanh toán thương mại, tài chính xuyên biên giới và dự trữ ngoại hối. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm thị phần ngày càng giảm trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, dẫn tới một “bài kiểm tra” về sự ham thích của nhà đầu tư tại Mỹ trong bối cảnh mức nợ liên bang ngày càng tăng. Và mặc dù nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhưng động lực đó không phải lúc nào cũng tồn tại.

TRUMP NHẬN TIN VUI, THOÁT NGUY CƠ BỊ THU TÀI SẢN

Một công ty bảo hiểm đã đồng ý bảo lãnh số tiền 175 triệu USD cho ông Trump, giúp cựu Tổng thống Mỹ tránh được nguy cơ bị tịch thu tài sản trong khi kháng cáo vụ kiện ở New York.

Theo ABC News, trong ngày 1/4, công ty bảo hiểm Knight Specialty đã trả khoản tiền bảo lãnh 175 triệu USD cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vụ kiện liên quan tới cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản ở New York.

"Ông Trump đã nộp khoản tiền bảo lãnh như đã hứa. Ông ấy đang hướng tới việc lật lại bản án bất công này", bà Alina Habba, luật sư của ông Trump cho biết.

Truyền thông Mỹ cho biết, với việc đã nộp khoản tiền bảo lãnh theo yêu cầu, ông Trump sẽ tránh được việc bị tịch thu tài sản trong thời gian kháng cáo. Bên cạnh đó, phán quyết cấm tham gia hoạt động kinh doanh của ông Trump ở New York cũng bị vô hiệu hóa trong quá trình phúc thẩm.

Vào ngày 25/3, Tòa phúc thẩm New York đã đồng ý cho ông Trump hoãn nộp số tiền phạt 464 triệu USD trong vụ kiện liên quan tới thổi phồng giá trị tài sản, và chỉ phải trả khoản bảo lãnh 175 triệu USD trong vòng 10 ngày.

Trước đó, Thẩm phán New York Arthur Engoron đã phán quyết ông Trump phải nộp 355 triệu USD vì thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay ưu đãi. Cộng với số tiền lãi tăng dần theo thời gian, cựu Tổng thống Mỹ phải nộp tổng cộng 464 triệu USD.

Ông Trump và đội ngũ pháp lý sau đó đã nộp đơn kháng cáo, nhưng luật pháp Mỹ vẫn yêu cầu ông phải nộp phạt trong thời gian kháng nghị. Nếu kháng cáo thành công, số tiền phạt đã nộp sẽ được hoàn lại cho cựu tổng thống.

Trong thời gian gần đây, ông Trump đã liên tục nhận được những tin mừng về tình hình tài chính. Báo cáo ngày 1/4 của Forbes tiết lộ rằng tổng tài sản của cựu Tổng thống Mỹ đang ở mức 5,7 tỷ USD.

TÀI SẢN CỦA TRUMP “BỐC HƠI” 1 TỈ USD

Tài sản ròng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bốc hơi 1 tỉ USD trong bối cảnh giá cổ phiếu mạng xã hội Truth Social tụt dốc, theo Bloomberg ngày 2-4.

Giá cổ phiếu Tập đoàn Trump Media & Technology Group giảm 21% xuống còn 48,66 USD/cổ phiếu vào ngày 1-4 (giờ địa phương), so với mức 49,95 USD của tuần trước.

Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện thông tin tập đoàn truyền thông của ông Trump thua lỗ hơn 58 triệu USD vào năm 2023.

Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, ông Trump sở hữu 57% tập đoàn nêu trên. Số cổ phần ông sở hữu hiện có giá 3,76 tỉ USD trên giấy tờ.

Tài sản ròng của ông Trump hiện ở mức 6,4 tỉ USD, theo Bloomberg.

Trước đó, vào ngày 26-3, nền tảng xã hội Truth Social của cựu Tổng thống Trump được đưa lên sàn và nhanh chóng được định giá gần 8 tỉ USD. Đến ngày 27-3, cổ phiếu Truth Social tăng 14%, giúp giá trị nền tảng này chạm mốc 9,6 tỉ USD, theo báo The Guardian.

Diễn biến này khi đó được dự đoán có thể giúp ông Trump giải quyết khó khăn tài chính, kể cả khoản phạt hơn 450 triệu USD (bao gồm lãi suất) trong một vụ tố tụng dân sự ở New York.

Ở một diễn biến liên quan đến vụ tố tụng dân sự này, theo hãng tin AP ngày 2-4, cựu Tổng thống Trump đã nộp trái phiếu trị giá 175 triệu USD, giúp ông ngăn kịch bản bị nhà nước tịch thu tài sản.

Nếu kháng cáo thành công, ông Trump sẽ được nhận lại số tiền này và không phải chi trả bất cứ khoản nào cho New York.

Trái phiếu kể trên được bảo lãnh bởi Công ty Knight Specialty Insurance, một phần của Tập đoàn Knight Insurance Group (Mỹ).

Cựu Tổng thống Trump đang nỗ lực đảo ngược phán quyết ngày 16-2 của Thẩm phán Arthur Engoron - người yêu cầu ông nộp phạt 354,9 triệu USD, với cáo buộc kê khống giá trị tài sản để lừa gạt người cho vay và công ty bảo hiểm.

Nhóm luật sư của ông Trump khẳng định số tiền nêu trên là quá lớn, nhất là khi 30 công ty đã từ chối cấp trái phiếu để giúp ông thanh toán.

"Nếu ông ấy không có tiền nộp phạt, chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ chế thực thi pháp lý và chúng tôi sẽ yêu cầu thẩm phán tịch thu tài sản của ông ấy" - Tổng chưởng lý New York Letitia từng tuyên bố.

Đây chỉ là một trong bốn phiên tòa hình sự mà cựu Tổng thống Trump đang đối mặt. Trong số này còn có vụ tố tụng liên quan đến ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels.

Giới công tố viên New York ngày 1-4 kêu gọi Thẩm phán Juan Merchan cấm ông Trump chỉ trích người nhà của những cá nhân liên quan đến vụ kiện xoay quanh bà Daniels. Họ lập luận rằng ông Trump đang nỗ lực đe dọa những nhân chứng tiềm tàng.

Lời kêu gọi trên được đưa ra vài ngày sau khi cựu Tổng thống Trump thông qua mạng xã hội Truth Social chỉ trích con gái Thẩm phán Merchan là "một kẻ điên rồ ghét Trump", theo Reuters.

Luật sư của ông Trump khẳng định công việc của con gái Thẩm phán Merchan, người vốn là cố vấn chính trị của Đảng Dân chủ, gây ra "xung đột lợi ích". Họ tìm cách loại bỏ bà ra khỏi vụ tố tụng nhưng bất thành.

Những diễn biến trên xuất hiện trước thềm phiên tòa ngày 15-4 ở New York, nơi ông Trump bị tố dùng tiền mua chuộc sự im lặng của bà Daniels để đảm bảo những câu chuyện tiêu cực về ông không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016.

BIDEN CÂN NHẮC BÁN GÓI VŨ KHÍ TRỊ GIÁ 18 TỶ USD CHO ISRAEL

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc có chuyển giao vũ khí trị giá 18 tỷ đô la cho Israel hay không, gói này bao gồm hàng chục máy bay F-15, 5 nguồn tin nắm vấn đề này cho Reuters biết hôm thứ Hai 1/4.

Một nguồn tin nói rằng việc bán 25 chiếc F-15 của hãng Boeing cho Israel đã được xem xét kể từ khi Hoa Kỳ nhận được yêu cầu chính thức vào tháng 1/2023, rất lâu trước khi có chiến dịch quân sự kéo dài 6 tháng của Israel ở Dải Gaza. Với đợt bán mới, tổng số máy bay mà Israel sẽ tiếp nhận được nâng lên thành 50 chiếc F-15.

Nguồn tin thứ hai nói rằng cần phải đẩy nhanh việc bàn giao máy bay là một trong những đề nghị hàng đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đã đến thăm Washington vào tuần trước và hội đàm với các quan chức Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Một quan chức Mỹ cho biết thời gian sớm nhất mà máy bay sẽ được giao là năm 2029, nếu như có thông báo chính thức được gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 2/4 và các thủ tục được hoàn tất ngay lập tức.

Một phụ tá thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói rằng Chủ tịch Ủy ban là Michael McCaul đã bật đèn xanh cho việc bán F-15 vào ngày 30/1, khi các văn phòng liên quan trong quốc hội chịu trách nhiệm phê duyệt các cuộc chuyển giao vũ khí lớn đã nhận được thông báo.

“Đã có các cuộc thảo luận giữa Chính quyền và Quốc hội về trường hợp các máy bay F-15”, nguồn tin thứ hai nắm vấn đề này cho biết, nhưng người này nói thêm rằng trong số 4 văn phòng nắm quyền phê duyệt các hoạt động chuyển giao vũ khí, vẫn có một vài văn phòng chưa duyệt.

Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu Quốc hội phải được thông báo về các thỏa thuận bán hàng quân sự lớn cho nước ngoài và trao quyền cho Quốc hội ngăn chặn việc mua bán đó bằng cách thông qua nghị quyết không chấp thuận với lý do như có vi phạm nhân quyền hoặc các mối lo ngại khác, mặc dù chưa từng có nghị quyết nào như vậy được thông qua và không bị tổng thống phủ quyết.

Một quy trình xem xét không chính thức cho phép các nhà lãnh đạo ủy ban đối ngoại của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xem xét các thỏa thuận như vậy trước khi thông báo chính thức tới Quốc hội.

Các nguồn tin cho hay gói vũ khí dành cho Israel bao gồm 50 máy bay F-15 và các dịch vụ hỗ trợ, đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng và nhiều năm hỗ trợ của phía nhà thầu trong suốt vòng đời của máy bay phản lực, thường có thể kéo dài tới hai thập kỷ.

Một nguồn tin nói rằng chính quyền Biden đã bày tỏ ủng hộ với yêu cầu của Israel về F-15.

Thương vụ này tách biệt với khoản viện trợ 14 tỷ đô la cho Israel mà ông Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt trong khuôn khổ gói chi tiêu bổ sung cho an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ đô la, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine và Đài Loan.

Washington cung cấp viện trợ quân sự trị giá 3,8 tỷ đô la hàng năm cho đồng minh lâu năm là Israel.

”VỠ” LIÊN MINH VỚI ẤN ĐỘ VÌ NGA?

Việc Mỹ không tăng cường quan hệ với Ấn Độ cũng một phần chủ yếu là do nước này từ chối từ bỏ mối quan hệ đối tác lâu dài với Nga.

Theo chuyên gia phân tích địa chính trị Brandon Weichert, Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Để ứng phó với thách thức từ Bắc Kinh, Washington cần tìm các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ. Nước này có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc và hai cường quốc chưa có mối quan hệ tốt đẹp kể từ Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

Do đó, Ấn Độ được coi là một đồng minh không thể thiếu trong mạng lưới liên minh rộng lớn hơn của Mỹ. Thật vậy, dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã tăng cường hợp tác hơn với Ấn Độ. Tuy nhiên, đến thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã thận trọng hơn rất nhiều trong các giao dịch với Ấn Độ.

Chuyên gia Weichert cho rằng, những sai lầm trong 4 năm qua đã khiến Ấn Độ xa lánh và làm chậm sự gắn kết trong quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. Ngày nay, Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách với Mỹ để phản ứng với chính quyền Biden. Việc hạn chế quan hệ với Ấn Độ cũng một phần chủ yếu là do nước này từ chối từ bỏ mối quan hệ đối tác lâu dài với Nga.

Kể từ đầu Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Ngay sau khi Anh rút khỏi Ấn Độ và công nhận nền độc lập của nước này, giới tinh hoa Ấn Độ đã kết luận rằng với tư cách là một cường quốc bậc trung, Ấn Độ phải cân bằng mối quan hệ với các cường quốc.

Do đó, Ấn Độ sẽ không để mình hoàn toàn phụ thuộc hoặc liên minh với bất kỳ quốc gia nào - đặc biệt là một quốc gia từ phương Tây, vốn từng đô hộ và cai trị Ấn Độ quá lâu.

Như vậy, quan điểm cho rằng Ấn Độ sẽ đơn giản tách khỏi Nga là vô lý. Rõ ràng, kỳ vọng của chính quyền Biden rằng Ấn Độ sẽ cắt đứt quan hệ với Nga vì một vấn đề, chẳng hạn như xung đột ở Ukraine, là không thực tế. Các đối tác không từ bỏ lợi ích quốc gia của mình chỉ vì một cường quốc lớn hơn kêu gọi làm như vậy. Sau nhiều thế kỷ là thuộc địa của đế quốc Anh cũ, chính phủ Ấn Độ sẽ không bao giờ để mình bị coi là "chư hầu" của bất kỳ thế lực nước ngoài nào.

Trên thực tế, Ấn Độ đã giúp Nga lách các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt với Moskva khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Rõ ràng là Ấn Độ không quan tâm nhiều đến các vấn đề của châu Âu mà chỉ đặc biệt lưu ý đến việc kiềm chế Trung Quốc, chứ không phải Nga.

Vai trò của Ấn Độ với tư cách là chủ thể quyền lực nhất ở Ấn Độ Dương khiến nước này trở thành chìa khóa để ngăn chặn bước tiến dài của Trung Quốc qua Biển Đông và vào Ấn Độ Dương. Nhưng có lẽ họ không thể tự mình làm được việc đó. Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn từ chối thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ vì liên quan đến Nga.

Nguồn: VnEconomy; Vietnamnet; CafeF; VOA; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang