Giảm gánh nặng rác thải; Bụi mịn bao trùm HQ; 1 tỷ bữa ăn bị bỏ đi mỗi ngày; Ác mộng của Ukraine; Uzbekistan & cơn sốt đãi vàng

GIẢM GÁNH NẶNG RÁC THẢI CHO HÀNH TINH

“Hành tinh của chúng ta đang ngập ngụa trong rác thải”. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã mở đầu như vậy trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Không rác thải (Zero Waste Day 30/3) năm nay.

Lời cảnh tỉnh mạnh mẽ này không chỉ phản ánh thực trạng đáng lo ngại hiện tại của "hành tinh Xanh", là rác thải đang trở thành gánh nặng khổng lồ đối với Trái Đất, mà còn nêu bật sự cấp thiết phải hành động để tăng cường quản lý khủng hoảng.

Các dữ liệu công bố cho thấy thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về rác thải. Mỗi năm, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ công cộng tạo ra từ 2,1 tỷ đến 2,3 tỷ tấn chất thải rắn đô thị – từ bao bì và đồ điện tử đến nhựa và thực phẩm. Tuy nhiên, các dịch vụ quản lý chất thải toàn cầu không được trang bị đầy đủ để giải quyết vấn đề này, với 2,7 tỷ người không được tiếp cận với dịch vụ thu gom chất thải rắn và chỉ 61–62% chất thải rắn đô thị được xử lý. Ở các nước thu nhập thấp, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, ước tính có khoảng 90% lượng rác thải không được xử lý đúng cách. Ô nhiễm chất thải đe dọa đáng kể đến sức khỏe con người, sự thịnh vượng kinh tế và làm trầm trọng thêm “bộ ba” cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020). Con số này cũng đã tính tới những “chi phí ẩn” liên quan đến việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, cuối năm 2022, Hội đồng Bảo an LHQ đã tuyên bố ngày 30/3 hằng năm là Ngày quốc tế Không rác thải. Ngày Quốc tế Không rác thải năm nay nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quản lý chất thải trên toàn cầu và tầm quan trọng của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Sự kiện tôn vinh các sáng kiến “không rác thải” ở mọi cấp độ, góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Theo LHQ, “không rác thải” là cách tiếp cận nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, xử lý rác thải trong một hệ thống tuần hoàn và khép kín, tài nguyên được tái sử dụng nhiều nhất có thể và hạn chế ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước. Các sáng kiến “không rác thải” có thể thúc đẩy quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu và ngăn chặn rác thải, giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng của hành tinh, bảo vệ môi trường, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của con người. Theo giới chuyên gia, các sáng kiến “xanh” có thể giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỷ USD vào năm 2040 và tạo thêm 700.000 việc làm. Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050. Thậm chí, LHQ lưu ý mục tiêu này có thể nâng cao hơn, bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó phát triển kinh tế không đồng nghĩa là rác thải tăng. Có thể kể đến như việc áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững, quy trình xử lý rác thải hoàn thiện hơn, có thể mang về khoản thu ròng hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Hiện nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực giảm rác thải thông qua các biện pháp thúc đẩy mô hình sản xuất-tiêu dùng bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Ngày 15/3 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự luật mới của EU về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần từ ngày 1/1/2030. Thỏa thuận cũng mở đường cho việc thiết lập các hướng dẫn về xử lý chai nhựa và lon hộp. Đến năm 2029, các quốc gia thành viên phải đảm bảo thu gom riêng biệt ít nhất 90% các loại bao bì này mỗi năm. Tại châu Á, Israel hồi đầu năm nay thông báo sẽ tiếp tục cấp 15 triệu NIS (khoảng 4 triệu USD) trong năm thứ hai liên tiếp, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu tiên phong tận dụng năng lượng từ rác thải. Thái Lan sáng chế kỹ thuật biến rác thải thực phẩm thành than sinh học, trong khi một công ty Nhật Bản tái chế rác thải xây dựng thành nhiên liệu hàng không bền vững.

Tại Việt Nam, chính phủ nhận thức rõ “không rác thải” là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu xử lý 85% lượng rác thải nhựa và giảm 50% lượng rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% đến năm 2030. Để đạt “không rác thải”, Việt Nam cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu thế giới không rác thải đòi hỏi phải có hành động ở mọi cấp độ từ tất cả các bên liên quan. Người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và tái sử dụng, sửa chữa sản phẩm càng nhiều càng tốt trước khi thải bỏ đúng cách. Chính phủ, cộng đồng, các ngành công nghiệp và các bên liên quan khác phải cải thiện hoạt động tài chính và hoạch định chính sách, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng rác thải tác động không tương xứng đến những người bị thiệt thòi, người nghèo ở thành thị, phụ nữ và thanh niên.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Không rác thải năm nay, cũng cho rằng tương lai “không rác thải” cần phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi thế giới đoàn kết và nỗ lực đạt được một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để “kết thúc vòng đời của rác thải, một lần và mãi mãi”.

BỤI MỊN BAO TRÙM HÀN QUỐC

Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong ngày 29/3.

Thông tin từ Cục Khí tượng Hàn Quốc, nồng độ bụi mịn (PM10) đang gia tăng mạnh ở các khu vực khác thuộc miền Trung và Nam Hàn Quốc. Bụi bắt nguồn từ khu vực gần cao nguyên Nội Mông theo gió Tây Bắc và tràn vào các khu vực bao quanh thủ đô Seoul, có thể quan sát dễ dàng được bằng mắt thường.

Theo dữ liệu của Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul, đến 4h sáng 29/3, cảnh báo bụi mịn đã được ban bố đối với các quận thuộc khu vực Đông Nam và phía Tây Seoul. Nồng độ bụi mịn trung bình hàng giờ ở các khu vực này là 376 microgram/m3 ở phía Đông Nam và 374 microgram/m3 ở phía Tây

Nồng độ bụi mịn PM10 cũng đang gia tăng ở miền Trung và Nam Hàn Quốc.

Các thành phố thuộc tỉnh Gyeonggy có nồng độ bụi mịn trung bình mỗi giờ theo khu vực là 370 microgram/m3 ở phía Đông, 368 microgram/m3 ở phía Nam và 362 microgram/m3 ở phía Bắc.

Đây là lần thứ hai trong cùng một tháng kể từ đầu năm nay, bụi mịn "nhấn chìm" nhiều thành phố tại Hàn Quốc. Trước đó, ngày 17/3, lần đầu tiên kể từ đầu năm tới nay, gần như cả đất nước Hàn Quốc chìm trong màu vàng của bụi và cát, đẩy chỉ số bụi mịn lên mức cao.

Hiện chính quyền nhiều thành phố đã khuyến cáo người già, trẻ em, người mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh cũng nên giảm thời gian hoạt động ngoài trời và nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.

HÀNG TRĂM TRIỆU NGƯỜI BỊ BỎ ĐÓI & CÂU CHUYỆN LÃNG PHÍ HƠN 1 TỶ BỮA ĂN MỖI NGÀY

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn một tỷ bữa ăn bị lãng phí mỗi ngày trên thế giới trong khi gần 800 triệu người phải chịu đựng cái đói.

Trong năm 2022, thế giới đã lãng phí 1,05 triệu tấn thức ăn, đồng nghĩa với việc một phần năm lượng thực phẩm có sẵn cho mọi người đã bị lãng phí bởi các hộ gia đình, nhà hàng và các bộ phận khác của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ.

Con số này chiếm 13% lượng thực phẩm bị mất đi trên thế giới, khi những thực phẩm này bắt đầu hành trình từ trang trại đến bàn ăn. Tổng cộng, khoảng một phần ba lượng thực phẩm bị lãng phí trong quá trình sản xuất.

Những con số này cũng phản ánh những về sự đối lập trong báo cáo rằng, có khoảng một phần ba dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và 783 người bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Theo Giám đốc Chương trình Môi trường liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen, các báo cáo về Chỉ số Lãng phí thực phẩm 2024 UNEP đã đặt ra câu hỏi về khả năng phân phối thực phẩm được sản xuất trên thế giới, đồng thời khẳng định sự tác động của chất thải thực phẩm trong biến đổi khí hậu.

Trong một tuyên bố, Giám đốc Inger Andersen nhấn mạnh: "Lãng phí thực phẩm là một thảm kịch toàn cầu. Ngày hôm nay, hàng triệu người đói vì thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Đây không chỉ là một vấn đề lớn của sự phát triển mà những rác thải không cần thiết này cũng là nguyên nhân gây ra tổn thất đáng kể cho khí hậu và thiên nhiên.

Báo cáo đã phân biệt giữa việc “mất mát” thực phẩm - loại thực phẩm bị loại bỏ sớm trong chuỗi cung ứng như rau thối trên đồng, thịt hỏng khi nkhoong được làm lạnh, và thức ăn do các hộ gia đình, nhà hàng và cửa hàng vứt bỏ.

Tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí trong năm 2022. Con số này ở các cửa hàng bán lẻ là 12%. Tỷ lệ ở các hộ gia đình là lớn nhất với một người trung bình lãng phí 79 kg (174 pound) thực phẩm mỗi năm, có nghĩa là ít nhất một tỷ bữa ăn bị lãng phí bởi các hộ gia đình mỗi ngày.

Tuy vậy, ngay cả những ước tính này cũng chỉ là . Trong khi việc thu thập dữ liệu đã phần nào được cải thiện, với số lượng điểm dữ liệu ở cấp hộ gia đình gần như tăng gấp đôi kể từ Báo cáo Lãng phí thực phẩm năm 2021 của Liên Hợp Quốc, con số này vẫn là sự chỉ trích đối với các quốc gia về việc giám sát chắp vá trong việc quản lý thực phẩm.

Chỉ có 21 quốc gia đã đưa thất thoát và lãng phí lương thực vào kế hoạch khí hậu quốc gia, dù cho thực tế là những rác thực phẩm này tạo ra 8% đến 10% lượng khí thải làm nóng lên toàn cầu - gần gấp năm lần lượng khí thải từ lĩnh vực hàng không.

Việc sản xuất thực phẩm buộc phải sử dụng nhiều tài nguyên, đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên đất và nước, và “hệ thống thực phẩm” này chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba lượng khí thải làm Trái đất nóng lên.

Phần lớn chất thải thực phẩm được vứt ra bãi rác, tạo ra khí mê-tan khi phân hủy. Đây là một loại khí nhà kính có sức nóng gấp khoảng 80 lần lượng carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên.

Lãng phí thực phẩm không chỉ gây ra biến đổi khí hậu, mà còn có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, các quốc gia có nhiệt độ cao được phát hiện là lãng phí nhiều thực phẩm hơn các quốc gia có nhiệt độ ôn hoà hơn.

Báo cáo cũng cho biết lãng phí thực phẩm không chỉ là hiện tượng thuộc về “thế giới giàu có”. Lượng thực phẩm bị lãng phí ở các nước có thu nhập cao và trung bình chỉ chênh lệch 7 kg mỗi người mỗi năm so với những nước trung bình và nghèo.

UKRAINE GẶP ÁC MỘNG KHI NGA RẢI BOM LƯỢN KHẮP CHIẾN TRƯỜNG

Một quan chức Ukraine cho biết các lực lượng của Nga đã thả 700 quả bom lượn chỉ trong chưa đầy 1 tuần.

Các cuộc tấn công bom lượn cho phép Nga tấn công các lực lượng của Ukraine trong khi bảo vệ các chiến đấu cơ triển khai vũ khí này ở một khoảng cách an toàn. Đây là vấn đề với Ukraine bởi người ta chỉ có thể đối phó với loại bom này bằng cách bắn hạ chiến đấu cơ trước khi nó được thả.

Tuy nhiên, bắn hạ các máy bay ném bom - chiến đấu đồng nghĩa với việc đặt các hệ thống phòng không giá trị tới gần chiến trường, nơi chúng đối mặt với rủi ro lớn hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kéo căng nguồn lực khỏi những khu vực khác. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Ukraine thậm chí không có đủ đạn dược.

Trong một cuộc họp báo ngày 27/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Nga đã thả 700 quả bom lượn ở Ukraine từ 18 - 24/3, tức là chỉ trong 6 ngày.

"Lợi thế chính của Nga trên chiến trường hiện nay là việc sử dụng rộng rãi loại bom này", Ngoại trưởng Ukraine nói, đồng thời nhận định, chúng cho phép các lực lượng của Moscow "phá hủy các mục tiêu trong các cuộc tấn công và tiến qua những đống đổ nát".

Các cuộc tấn công vào khoảng thời gian đó còn bao gồm 190 tên lửa các loại và 140 UAV Shahed, khiến cho hệ thống phòng không Ukraine khó có thể đối phó.

Bom lượn bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái nhưng được tăng cường sử dụng từ đầu năm nay.

"Các lực lượng của Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bom lượn dẫn đường và không dẫn đường vào các vị trí ở tuyến sau và tiền tuyến của Ukraine năm 2024", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho hay trong một đánh giá vào tuần trước. ISW cũng nêu ra việc triển khai các cuộc tấn công bom lượn trên quy mô lớn đã góp phần mang đến hiệu quả chiến thuật cho Nga trong nỗ lực giành Avdiivka vào giữa tháng 2.

Nga có nhiều loại bom lượn khác nhau trong kho vũ khí, trong đó bao gồm một số loại nặng hơn 2.700kg. Khi được phóng, những quả bom lượn này nhanh chóng lao về phía mục tiêu. Các chiến đấu cơ thả chúng từ xa, đồng nghĩa với việc Nga có thể bảo vệ các tiêm kích của mình trong khi tiến hành tấn công.

"Cách duy nhất để đối phó với chiến thuật này là bắn hạ các chiến đấu cơ thả những quả bom này, đòi hỏi phải có đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại trên tiền tuyến", ông Kuleba nói, cho rằng "phòng không mạnh mẽ trên tiền tuyến sẽ cho phép quân đội chúng tôi không chỉ không mất thêm lãnh thổ mà còn buộc Nga phải rút lui".

Ukraine tuyên bố đã thành công bắn hạ một số máy bay ném bom của Nga, đặc biệt là Su-34. Dù vậy, nước này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng đạn dược và các hệ thống phòng không.

Với việc gói hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn bế tắc tại Quốc hội mặc dù đã có một số dấu hiệu tiến triển, Kiev đang cạn kiệt các hệ thống phòng không, trong đó có hệ thống Patriot mà nước này cần để bảo vệ tiền tuyến và các thành phố khỏi bị tấn công.

ISW cho biết nếu hệ thống phòng không Ukraine suy yếu, điều này sẽ "cho phép Nga tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bom lượn trên quy mô lớn và thậm chí có thể cho phép các lực lượng Nga tiến hành các chiến dịch trên không thường xuyên nhằm vào các thành phố và tuyến hậu cần của Ukraine với sức tàn phá khủng khiếp".

Theo ISW: "Các chiến dịch trên không mở rộng có thể cho phép các lực lượng của Nga làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chiến đấu của Ukraine và cô lập các khu vực chiến trường để hỗ trợ nỗ lực đạt được những thành quả đáng kể".

Ngày 27/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cần có thêm 5 - 7 tổ hợp phòng không Patriot. Ngoại trưởng Kuleba cũng đưa ra lập luận kêu gọi tăng cường hỗ trợ hệ thống này.

"Ukraine hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo gần như mỗi ngày. Patriot nên được đặt ở đây để bảo vệ mạng sống con người chứ không phải ở những nơi mà mối đe dọa tên lửa bằng 0".

UZBEKISTAN BÙNG PHÁT CƠN SỐT ĐÃI VÀNG

Quyền khai thác vàng trước đây ở Uzbekistan chỉ thuộc về công ty quốc doanh, nhưng chính sách gần đây thay đổi, cho phép ai cũng có thể tham gia hoạt động này.

Khislat Ochilov dầm mình dưới nước, sàng lọc đống cát ở thảo nguyên Uzbekistan, chăm chú tìm kiếm và phát hiện mẩu vàng có kích thước bằng hạt gạo trên rây.

"Không tệ. Mẩu vàng lớn nhất tôi tìm được nặng 7 g", chàng trai 25 tuổi nói khi tìm vàng ở gần ngôi làng Soykechar, phía tây thảo nguyên Uzbek.

Anh là một trong hàng trăm người đang lao vào cơn sốt vàng ở quốc gia Trung Á giàu kim loại quý này. Gần đó, Sardor Mardiyev, 28 tuổi, chăm chỉ đào xới lòng đất ở khu vực Navoi rộng lớn.

Mardiyev lái máy xúc 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày một tuần, khi chính phủ Uzbekistan thay đổi chính sách, cho phép người dân tự do đào đãi vàng, với hy vọng sẽ thúc đẩy sản lượng khai thác kim loại quý này của đất nước.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, năm ngoái, Uzbekistan sản xuất được 110,8 tấn vàng, xếp thứ 10 thế giới. Ngân hàng Trung ương Uzbekistan là nơi bán ròng vàng nhiều thứ hai thế giới, khoảng 25 tấn, chỉ sau Kazakhstan.

Đối với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, người tự nhận là nhà cải cách mở cửa, tự do hóa nền kinh tế sau nhiều năm cô lập và tập trung hóa, lượng vàng xuất khẩu như vậy là chưa đủ. Ông yêu cầu tăng sản lượng vàng lên 50% vào năm 2030.

Yêu cầu này khả thi, bởi tới nay mới có 20% tầng đất cái của Uzbekistan được khai thác. Ông Mirziyoyev, người nhậm chức từ năm 2016, cũng kêu gọi bán những thỏi vàng nặng tới một kg để thu hút nhiều khách du lịch hơn tới đất nước.

Zahit Khudaberdiyev, ngoài 30 tuổi, nằm trong số hàng trăm doanh nhân quyết định thử vận may từ khi chính phủ thay đổi chính sách khai thác vàng, xóa bỏ thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Anh đã giành quyền khai thác một lô đất trong ba năm sau cuộc đấu giá.

"Trước năm 2019, chúng tôi không có quyền khai thác vàng. Một số người đã liều lĩnh khai thác trộm, rất nguy hiểm", Khudaberdiyev nói.

Người Kazakhstan và Trung Quốc cũng tham gia đấu giá với Khudaberdiyev và thầu được các lô đất bên cạnh. Nếu lô của Khudaberdiyev có sản lượng không cao, anh sẽ tìm chỗ xa hơn.

Phía sau Khudaberdiyev, xe tải và máy xúc đang hoạt động không ngừng. Máy móc đào bới hàng tấn đất cát và đãi được trung bình 2-15 g vàng mỗi ngày. Anh vừa nói vừa dán mắt vào điện thoại theo dõi giá vàng thế giới. Giá vàng trong tháng 3 đã vượt đỉnh, lên mức 2.200 USD mỗi 31,1 g.

"Chính phủ quyết định cho phép người dân khai thác vàng, tạo công ăn việc làm", anh giải thích.

Cơn sốt vàng thúc đẩy thị trường việc làm ở Uzbekistan, quốc gia nơi 20% người lao động buộc phải tìm việc ở nước ngoài, chủ yếu là Nga. Khudaberdiyev cho biết Ochilov và Mardiyev, hai nhân viên trẻ tuổi người địa phương, trước đây từng thất nghiệp hoặc chỉ biết làm nông.

"Bây giờ họ mỗi tháng trung bình họ kiếm được 3-4 triệu som (260-390 USD)", anh nói, cho hay thu nhập này tương đối khá trong khu vực.

Nhưng ở Soykechar, nơi nông nghiệp vẫn là nghề quan trọng, không phải ai cũng hào hứng với cơn sốt vàng.

"Những người khai thác vàng đào bới nơi chúng tôi chăn thả gia súc", Erkin Karshiev, nông dân chăn nuôi lớn trong khu vực, nói.

"Hãy nhìn xem họ đã bỏ lại thứ gì", nông dân 66 tuổi nói, tỏ vẻ bực bội và chỉ tay xuống những cái hố sâu hơn 10 m. Ông lo lắng gia súc sẽ rơi xuống hố và nhiều lần kêu gọi chính quyền giải quyết vấn đề nhưng đều bị phớt lờ.

"Chúng tôi chỉ muốn một điều: những người đào vàng hãy san lấp hố lúc họ rời đi", ông bày tỏ.

Nguồn: Báo Tin Tức; CafeF; VOV; Soha; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang