Nghịch lý giá cacao; Tài xế xe bus Seoul đình công; Tập cảnh báo Hà Lan; Ukraine ngàn cân treo sợi tóc; Cuộc truy đuổi ở Bryansk

NGHỊCH LÝ GIÁ CACAO ĐẮT HƠN GIÁ ĐỒNG NHƯNG NGƯỜI NÔNG DÂN VẪN PHẢI NHẬN TRÁI ĐẮNG

Chỉ trong vài tháng, giá cacao trên thị trường toàn cầu tăng 3 lần. Với diễn biến này, người nông dân kỳ vọng tăng thu nhập và giảm đói nghèo nhưng thực tế lại khác biệt.

Theo kênh DW (Đức), giá cacao trong những tháng gần đây đã xô đổ mọi kỷ lục. Ngày 26/3 vừa qua, giá cacao đạt mức 10.000 USD/tấn, khiến loại thực phẩm này còn đắt hơn cả đồng, vốn đang neo tại giá 8.700 USD/tấn.

Sự bùng nổ của thị trường cacao bộc lộ một số vấn đề bất cập. Cacao tăng giá chỉ mang lại lợi nhuận cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này còn người nông dân lại rơi vào bẫy nghèo trong nhiều năm.

Một vấn đề khác là mất cân đối về vùng sản xuất cacao khi Ghana và Bờ Biển Ngà chiếm đến gần 2/3 sản lượng cacao toàn cầu.

Chuyên gia Friedel Hütz-Adams tại Viện Südwind (Đức) nhận định giá cacao tăng bắt nguồn từ mùa màng thất bát tại một số khu vực sản xuất then chốt. Ông Hütz-Adams nói: “Ở thời điểm này, ước tính sản lượng tại Bờ Biển Ngà và Ghana đã giảm tối thiểu 1/3”.

Hiện tượng thời tiết bất thường El Nino cùng các yếu tố môi trường địa phương đã khiến sản lượng sụt giảm. Ông Hütz-Adams còn lưu ý rằng ảnh hưởng từ phá rừng đã “thêm dầu vào lửa” cho các hiệu ứng của El Nino trong khu vực, kéo dài thời gian mưa hoặc hạn hán. Ông lấy ví dụ về Gana trong năm 2023, ban đầu không có nhiều mưa nhưng sau đó xuất hiện đợt mưa kéo dài khiến cây cacao mắc bệnh.

Ràng buộc tài chính đối với nông dân trồng cacao khiến vấn đề trầm trọng hơn.

Thị trường Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ gần 50% sản lượng cacao toàn cầu, theo sau là Mỹ. Nhưng người nông dân cacao chỉ nhận về một phần nhỏ trong ngành công nghiệp này. Phần lớn lợi nhuận đổ về túi doanh nghiệp sản xuất và thương nhân tại châu Âu, Mỹ.

Theo Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), với mỗi euro được chi cho thanh kẹo chocolate, chỉ có khoảng 7 xu về tay người nông dân, doanh nghiệp và thương nhân nhận 80 xu.

Sự bất công này bắt nguồn từ thực tế rằng, để giảm thiểu rủi ro từ giá cacao biến động, các nhà sản xuất chocolate thường dựa vào hợp đồng tương lai. Phương thức này đẩy người nông dân vào thế khó bởi họ bán cacao ở mức giá thấp trước khi có biến động tăng giá. Ví dụ như người nông dân Ghana và Bờ Biển Ngà đã bán 80% sản lượng của họ trong tháng 10/2023, trước cả khi mùa thu hoạch bắt đầu.

Ông Hütz-Adams đánh giá: “Bi kịch là người nông dân Ghana và Bờ Biển Ngà không thu được nhiều lợi nhuận từ vụ mùa hiện tại do cacao được bán trước cả khi giá tăng”. Hầu hết người nông dân bán cacao với giá 1.800 USD ở thời điểm đó, và nay họ phải vật lộn với mùa màng thất bát.

Nhưng ông Hütz-Adams cũng nhấn mạnh rằng mức giá cao của hợp đồng tương lai hiện nay báo hiệu cho giai đoạn ổn định giá trong một đến hai năm tới, đem lại hy vọng cho người nông dân ở các quốc gia trồng cacao.

Ông cho biết giá giao dịch đã gấp đôi so với một năm trước, áp dụng với cả những lô hàng được giao vào cuối năm 2025. “Nếu chúng ta đảm bảo được phần lớn số tiền này đến tay người nông dân thì việc bùng nổ giá có thể trở thành cơ hội cho họ”, ông Hütz-Adams kết luận.

TÀI XẾ XE BUÝT SEOUL ĐỒNG LOẠT ĐÌNH CÔNG

Tài xế xe buýt ở thủ đô Hàn Quốc đình công vì mâu thuẫn tiền lương, gây khó khăn cho việc di chuyển ở thành phố hơn 9 triệu dân.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết cuộc đàm phán tiền lương giữa Công đoàn Xe buýt Seoul, đại diện cho các tài xế đang vận hành 97% số xe buýt ở thủ đô, với Hiệp hội Kinh doanh Vận tải Xe buýt Seoul đã thất bại. Công đoàn đề nghị tăng lương theo giờ thêm 12,7% cho các tài xế xe buýt Seoul, nhưng hiệp hội cho rằng đó là yêu cầu quá đáng.

Do không tìm được tiếng nói chung, các tài xế xe buýt ở Seoul bắt đầu đình công ngày 28/3, gây khó khăn cho việc di chuyển của 9 triệu dân thành phố và một triệu người ở vùng ngoại ô Seoul.

Chính quyền Seoul cho biết sẽ kéo dài thời gian hoạt động của hệ thống tàu điện và bổ sung nhiều chuyến tàu để đối phó với cuộc đình công. 25 quận ở Seoul cũng sẽ điều động 480 xe buýt cỡ nhỏ đưa đón người dân tới các ga tàu.

Nhiều người dân Seoul hoang mang khi thấy các tài xế xe buýt đình công vào sáng 28/3, một số người còn không hay biết thông tin này.

Choi, 18 tuổi, cho biết hôm nay phải rời nhà sớm hơn thường lệ 15 phút để đi bộ tới trường do các tài xế xe buýt đình công. "Trời đổ mưa càng khiến tôi khó chịu hơn", Choi nói.

Ga Wangsimni, nơi ba tuyến tàu điện ngầm giao nhau, chứng kiến lượng người đông bất thường trong giờ cao điểm buổi sáng.

"Tôi rất ngạc nhiên khi thấy không còn chỗ nhỏ để đứng. Tôi nghe thấy tiếng mọi người xô đẩy nhau và la hét", hành khách họ Lee, 66 tuổi, nói sau khi lên tàu điện ngầm tại ga Cheongnyangni, phía đông Seoul.

Trong khi đó, những người không biết thông tin tài xế xe buýt đình công phải vội vã tìm phương tiện di chuyển thay thế.

Yoon Jong-jang, lãnh đạo Sở Hoạch định Giao thông Seoul, cho biết sẽ nỗ lực để công đoàn tài xế xe buýt và ban quản lý sớm đạt thỏa thuận. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon kêu gọi các bên nhanh chóng thỏa hiệp.

"Hệ thống xe buýt Seoul là đôi chân của người dân. Sinh kế và cuộc sống hàng ngày của người dân phụ thuộc vào xe buýt", ông Oh nói.

Sau gần 12 tiếng đình công, Công đoàn Xe buýt Seoul thông báo đã đạt được thỏa thuận mới, trong đó lương tài xế sẽ được tăng 4,48%, đồng thời tuyên bố kết thúc đình công.

Xe buýt Seol vận hành theo hệ thống bán công, được chính quyền trợ cấp và giám sát chặt chẽ, nhưng do các công ty tư nhân vận hành, quản lý. Đây là lần đầu tiên tài xế xe buýt Seoul đình công sau 12 năm. Cuộc đình công năm 2012 kéo dài trong 20 phút.

Hàn Quốc cũng đang chứng kiến cuộc đình công của các bác sĩ nội trú, khi hàng nghìn bác sĩ xin nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh vào trường y của chính phủ, khiến dịch vụ y tế gián đoạn.

ÔNG TẬP CẢNH BÁO HÀ LAN: CẮT ĐỨT CHUỖI CUNG ỨNG CHO TRUNG QUỐC CHỈ DẪN ĐẾN ĐỐI ĐẦU

Dựng lên các rào cản kỹ thuật và cắt đứt chuỗi cung ứng công nghiệp sẽ chỉ dẫn đến đối đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo hôm 27/3, khi các chính sách mới của Hà Lan về xuất khẩu chip sang Trung Quốc đe dọa làm căng thẳng quan hệ song phương.

‘Cắt đứt và phá vỡ các liên kết’ không đi đến đâu và hợp tác là lựa chọn duy nhất, ông Tập nói với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc gặp ở Bắc Kinh, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.

Đầu năm nay, chính phủ Hà Lan đã bắt đầu từ chối cấp phép cho ASML, nhà cung cấp thiết bị in thạch bản lớn nhất cho các nhà sản xuất chip máy tính toàn cầu, để xuất khẩu các dòng công cụ ‘DUV’ tân tiến sang Trung Quốc – hành động khuất phục yêu sách của Mỹ

Đồng thời, Hà Lan đang chịu áp lực phải bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình, bao gồm ASML. Công ty lớn nhất Hà Lan này coi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau Đài Loan.

“Tạo ra các rào cản công nghệ một cách giả tạo và cắt đứt chuỗi cung ứng và công nghiệp sẽ chỉ dẫn đến chia rẽ và đối đầu,” ông Tập nói với ông Rutte.

“Người dân Trung Quốc cũng có quyền phát triển hợp pháp, và không một thế lực nào có thể ngăn được sự phát triển của tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc.”

Các cuộc hội đàm của ông Rutte tại Bắc Kinh dự kiến sẽ tập trung vào việc liệu ASML có được chính phủ Hà Lan cấp phép để tiếp tục bảo trì các thiết bị tân tiến trị giá hàng tỷ euro mà họ đã bán cho khách hàng Trung Quốc hay không.

Các thiết bị này hiện đang nằm trong diện hạn chế xuất khẩu khi các giấy phép hiện tại hết hạn, nhiều trong số đó hết hạn vào ngày 31/12.

Lệnh hạn chế xuất khẩu cho đến nay chỉ có tác động nhỏ đến hoạt động tài chính của ASML, công ty thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản – công cụ thiết yếu giúp tạo ra mạch của chip máy tính.

Nhưng về lâu dài nếu Hà Lan được xem là đối tác kinh doanh không đáng tin cậy, các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể tìm cách thay thế thiết bị của Hà Lan bằng thiết bị của các đối thủ như Nikon và Canon.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Geoffrey van Leeuwen, vốn cũng tham gia phái đoàn của ông Rutte đến Bắc Kinh, nói với nhật báo kinh tế Hà Lan FD hôm 27/3 rằng bảo vệ lợi ích của ASML là ưu tiên số một của ông.

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa ‘chất lượng cao’ từ Hà Lan, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Tập nói với ông Rutte, nhưng không nói rõ chi tiết.

TÌNH THẾ NGHÌN CÂN TREO SỢI TÓC CỦA UKRAINE KHI NGA SẮP TIẾN CÔNG DỌC TIỀN TUYẾN

Theo Economist, Nga đang chuẩn bị cho một đợt huy động lực lượng khác nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn tiếp theo trong khi Ukraine đối mặt với một loạt vấn đề.

Mùa xuân bắt đầu có thể mang đến khoảng nghỉ trong giao tranh giữa các lực lượng của Nga và Ukraine. Thời tiết ấm hơn đồng nghĩa với việc các cuộc tấn công dữ dội bằng tên lửa và UAV của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng điện và khí đốt của Ukraine sẽ không đến mức không thể chịu được.

Cùng với thời tiết thì bùn lầy có thể khiến việc quân đội di chuyển trở nên khó khăn hơn trong 1 tháng. Điều đó sẽ cản trở các đợt tấn công của Nga dọc tiền tuyến trải dài khắp phía Đông và phía Nam Ukraine. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ không kéo dài mãi.

Khi mùa xuân chuyển sang mùa hè, người ta lo ngại rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn mới giống như năm ngoái. Trong khi đó, khả năng cầm cự của Ukraine lần này có vẻ kém chắc chắn hơn nhiều so với trước đó. Đây là lý do tại sao Kiev cần khẩn trương huy động thêm quân đội và xây dựng hệ thống phòng tuyến vững chắc hơn.

Không khó hiểu khi Ukraine đổ lỗi cho phương Tây về tình cảnh khó khăn của mình hiện nay. Bận rộn với các vấn đề Trung Đông, những cuộc bầu cử sắp tới và những khó khăn về kinh tế, các đối tác phương Tây của Ukraine đang bị phân tâm.

Quyết định của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden cho Kiev đang tác động đến tiền tuyến và các thành phố của Ukraine.

Binh lính nước này đang buộc phải hạn chế số lượng đạn pháo, trong khi Nga lại có số lượng đạn pháo với tỷ lệ khai hỏa gấp 5 lần. Hơn 150 UAV và tên lửa được phóng vào Ukraine chỉ trong 1 buổi tối tuần trước nhưng Ukraine đang cạn kiệt phương tiện đánh chặn, đặc biệt là những loại có thể tiêu diệt những nhân tố xâm nhập nguy hiểm.

Sự bế tắc của Mỹ có nguy cơ khiến Nga xuyên thủng phòng tuyến còn thiếu sót của Ukraine. Châu Âu cũng không khá hơn là bao, bất chấp những tuyên bố gay gắt từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, rằng Nga phải bị đánh bại. Dù vậy, trên thực tế Pháp cung cấp hầu như rất ít phương tiện quân sự cho Ukraine để biến điều đó thành hiện thực trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng từ chối hỗ trợ tên lửa tầm xa Taurus.

Châu Âu đã không thể đáp ứng mục tiêu cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong tháng này mặc dù Cộng hòa Séc đang "lùng sục" khắp thế giới để bù đắp sự thiếu hụt trên.

Tiền cũng là một vấn đề, song Ba Lan, Pháp và một số nước khác đang cố gắng ngăn chặn hoạt động xuất khẩu nông sản quan trọng của Ukraine để bảo vệ nông dân của họ.

Tuy nhiên, bản thân Ukraine cũng có những vấn đề của riêng mình mà đầu tiên là vấn đề lực lượng.

Theo Economist, Nga đang chuẩn bị cho một đợt huy động lực lượng khác nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn tiếp theo. Trong khi đó, ở Ukraine, những nỗ lực tuyển mộ binh lính vẫn bị mắc kẹt trong vòng xoáy của tiến trình dân chủ khi hơn 1.000 sửa đổi đã được đưa ra với một dự luật tại Quốc hội nhằm giúp chính phủ có thêm phạm vi để tăng cường quân đội theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng chậm trễ trong việc củng cố các vị trí phòng thủ của mình. Chính phủ Kiev vẫn hy vọng về một cuộc phản công mới và lo sợ ý tưởng rằng tiền tuyến hiện tại có thể trở thành biên giới, khi mà 1/5 lãnh thổ đất nước thuộc quyền kiểm soát của đối phương và Ukraine đang mất đi phần lớn khả năng tiếp cận biển. Ý tưởng ranh giới hiện tại có thể trở thành nền tảng cho một cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai là điều mà ông Zelensky luôn muốn tránh.

Trong những tuần gần đây, các máy đào của Ukraine đã bắt đầu di chuyển và hệ thống răng rồng đang được xây dựng mặc dù các chuyên gia cho rằng lẽ ra nó nên được tiến hành sớm hơn.

CUỘC TRUY ĐUỔI KỊCH TÍNH Ở BRYANSK: CÁC NGHI PHẠM KHỦNG BỐ MOSCOW ĐỊNH ĐẾN ĐÂU?

Cuộc truy đuổi kịch tính các nghi phạm khủng bố ở vùng Bryansk để lại nhiều câu hỏi hơn câu trả lời về đích đến cuối cùng của chúng.

Theo Avia Pro, khi chiếc xe chở những nghi phạm tấn công khủng bố trung tâm tổ chức hòa nhạc Crocus City Hall bị cảnh sát giao thông phát hiện, một cuộc truy đuổi quy mô lớn liên quan tới các tuyến đường có thể dẫn đến cả Ukraine và Belarus.

Thanh tra cảnh sát giao thông tham gia cuộc truy đuổi đã chia sẻ chi tiết vụ việc trong cuộc trả lời phỏng vấn với REN-TV, nói về khoảnh khắc phát hiện chiếc xe của các nghi phạm khủng bố ở vùng Bryansk.

Hai đội cảnh sát giao thông đã rượt đuổi các nghi phạm sau khi phát hiện chúng ở cây số 395 trên cao tốc M-3. Nhóm này đi tiếp khoảng 20km mà không hề cố gắng thay đổi lộ trình hoặc bỏ trốn, dường như chúng chỉ muốn duy trì tốc độ cao.

Việc xác định ý định thực sự của các nghi phạm khủng bố là rất khó khăn do vị trí địa lý của điểm xuất phát của cuộc rượt đuổi. Điểm xuất phát nằm trước ngã 3 các con đường dẫn tới những hướng khác nhau: Một, hướng về Ukraine dọc theo đường cao tốc M-3, một hướng về biên giới với Belarus qua đường cao tốc A-240.

Các nhà phân tích và nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự chuyển hướng hoặc chỉ dẫn rõ ràng về hướng đi mà chỉ chỉ đi thẳng như các nghi phạm thì rất khó xác định được chính xác mục đích của chúng là vượt biên giới Ukraine hay cố gắng nhập cảnh Belarus.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của công chúng và giới chuyên môn về "đường mòn Ukraine" có thể chạy qua Belarus đồng thời làm dấy lên nhiều câu hỏi về an ninh biên giới và sự phối hợp quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.

Các cuộc điều tra và phân tích vẫn tiếp tục với nỗ lực làm sáng tỏ ý định và lộ trình cuối cùng của các nghi phạm khủng bố. Cho tới giờ, hành động của những nghi phạm khủng bố vẫn là vấn đề cần điều tra.

Nguồn: Báo Tin Tức; Vnexpress; VOA; Soha; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang