100 ông lớn đổ tới sự kiện ở TQ; TQ nỗ lực cứu BĐS; IS tiếp tục đe dọa Nga; Yêu cầu ngừng bắn ở Gaza; Bước đi mới của Israel

HƠN 100 "ÔNG LỚN" ĐỔ XÔ TỚI SỰ KIỆN Ở TRUNG QUỐC: ÔNG TẬP THỂ HIỆN THÁI ĐỘ BẰNG HÀNH ĐỘNG HIẾM THẤY

Nhiều Giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu thế giới đã tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc.

Các "ông lớn" có mặt tại Trung Quốc

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, hơn 100 giám đốc điều hành toàn cầu bao gồm CEO Tim Cook của Apple, chủ tịch Exxon Mobil Darren Woods và Noel Quinn của HSBC đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) tại Bắc Kinh vào cuối tuần qua. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quốc tế chỉ trích tình trạng dư thừa nguồn cung công nghiệp của Trung Quốc có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng đối với thương mại thế giới.

Dữ liệu công bố hôm 22/3 cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm gần 20% trong hai tháng đầu năm và các quan chứ nước này đang tăng cường nỗ lực thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều công ty đang tìm cách "giảm rủi ro" cho chuỗi cung ứng hoặc rời khỏi Trung Quốc.

Vào năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 8%, Reuters cho biết, con số này phản ánh sự phục hồi kinh tế không ổn định của Trung Quốc và việc kinh tế nước này chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ và các đồng minh.

Trung Quốc "đang mở cửa"

Bên cạnh diễn đàn CDF các giám đốc điều hành cũng tham gia vào các cuộc họp kín đối với quan chức Trung Quốc trong hai ngày 22-23/3. Những người tham dự cho biết, các giám đốc điều hành Mỹ đang quay trở lại sự kiện năm nay với số lượng lớn hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng song phương Mỹ - Trung Quốc đã hạ nhiệt.

Giám đốc điều hành Tim Cook nói với kênh truyền hình CGTN rằng ông đã có cuộc gặp ấn tượng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Ông Cook cho biết, kính thực tế ảo Vision Pro của Apple sẽ "tấn công" thị trường Trung Quốc Đại lục trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển tại thị trường này. "Tôi nghĩ Trung Quốc đang thực sự mở cửa," ông Tim Cook đánh giá.

CDF được đánh giá là một trong số ít cơ hội hàng năm để các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài tiếp xúc với các quan chức chính phủ Trung Quốc.

Hôm 24/3, Thủ tướng Lý đã nhắc lại kế hoạch trị giá 140 tỷ USD được công bố trước đó của Trung Quốc để phát hành trái phiếu siêu dài hạn, tạo ra một quỹ thúc đẩy đầu tư và ổn định tăng trưởng cho nước này. Các quan chức khác của Trung Quốc cũng nhấn mạnh cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy đầu tư vào "các lực lượng sản xuất mới".

FT nhận định, một trong những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự ủng hộ sự kiện lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là việc trong tuần trước ông Tập đã có chuyến thăm hiếm hoi tới một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là liên doanh sản xuất pin của tập đoàn hóa chất BASF của Đức ở tỉnh Hồ Nam.

Stephen von Schuckmann, thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của ZF Group, người giám sát hoạt động sản xuất xe ô tô điện của hãng này cho biết, công ty đã có những cam kết với Trung Quốc - nước đang dẫn đầu thế giới về sản xuất và bán xe điện.

Ông Stephen chia sẻ với CGTN: "Bất cứ điều gì về 'một cuộc di cư' trong chuỗi cung ứng đều không phải là những gì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi đã đầu tư vào Trung Quốc, chúng tôi sẽ ở đây."

NỖ LỰC 'CỨU’ LĨNH VỰC BĐS, TRUNG QUỐC ‘GIỤC’ HÀNG LOẠT NGÂN HÀNG ĐẨY NHANH VIỆC CHO VAY

Các ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan quản lý và cấp các khoản vay mới cho những dự án bất động sản tại nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Reuters đưa tin, nhằm mục đích cải thiện tình hình bất động sản, các nhà quản lý Trung Quốc đang thúc giục các ngân hàng đẩy nhanh quá trình phê duyệt các khoản vay mới cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân.

Nỗ lực này là một phần trong chính sách nhằm giải quyết tình trạng siết chặt thanh khoản và thúc đẩy niềm tin của người mua nhà, trong bối cảnh giá nhà mới tháng 2 đã giảm liên tục trong tháng thứ 8 liên tiếp.

Được biết, sáng kiến này liên quan đến cơ chế "danh sách trắng" - biện pháp hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh, bao gồm các dự án của các nhà phát triển tư nhân và được nhà nước hậu thuẫn, nhắm mục tiêu tài chính mới lên tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (207,51 tỷ USD).

Một nguồn tin cho biết, cơ quan quản lý ngân hàng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu các ngân hàng hoàn thành việc phê duyệt và phát hành tất cả các khoản vay vào cuối tháng 6. Thực tế, các ngân hàng lớn trong nước vốn do dự trong việc tăng mức độ tiếp xúc tín dụng của họ đối với ngành bất động sản đang gặp khó khăn, bất chấp sự khuyến khích từ Bắc Kinh.

Lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “chao đảo” từ tình huống hỗn loạn này đến những biến động khác kể từ năm 2021, sau khi có các biện pháp thắt chặt đối với việc vay mượn quá mức của các nhà phát triển.

Thực tế, việc các ngân hàng không muốn mở rộng tín dụng mới cho lĩnh vực bất động sản có phần suy yếu là bởi lo ngại về tác động tiềm tàng đối với chất lượng tài sản và lợi nhuận của họ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy thoái.

Dữ liệu của LSEG cho thấy, ba trong số năm đơn vị cho vay hàng đầu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước dự kiến sẽ báo cáo thu nhập ròng giảm cho năm 2023 và hai ngân hàng còn lại dự đoán sẽ tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn. Biên lãi ròng (NIM) được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục, làm tăng thêm những thách thức về lợi nhuận.

Dẫu vậy, dù có sự “miễn cưỡng” ban đầu, các ngân hàng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan quản lý và cấp các khoản vay mới cho các dự án bất động sản.

Một giám đốc điều hành từ một nhà phát triển tư nhân (giấu tên), chỉ ra rằng các ngân hàng đã báo hiệu tín dụng mới có thể được cấp vào cuối tháng này, cho thấy một sự thay đổi trong cách tiếp cận của ngành ngân hàng để hỗ trợ thị trường bất động sản.

NGA TIẾP TỤC BỊ IS ĐE DỌA, MỸ NHẮC LẠI “CHUYỆN CŨ”

Một tấm áp phích được cho là của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm đe dọa tiếp tục tấn công Nga đang được lan truyền trên mạng xã hội.

Tấm áp phích ban đầu được truyền thông Iran đăng tải, trích dẫn Al Azaim - một mạng lưới tuyên truyền của ISIS-K, một nhánh của IS.

Theo News Week ngày 25-3, tấm áp phích trên cũng đã được các kênh Telegram của Nga nhìn thấy.

ISIS-K trước đó tuyên bố đứng sau cuộc tấn công khủng bố khiến ít nhất 137 người thiệt mạng gần Moscow vào ngày 22-3.

"Hãy cảnh giác, đừng nghĩ rằng bọn ta không có cơ hội trả thù cho những người anh em đang bị giam giữ" – nội dung của tấm áp phích nêu rõ.

Chính phủ Nga đến giờ chưa nêu đích danh kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố nói trên.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25-3 khẳng định việc bình luận trước khi cuộc điều tra chính thức kết thúc là "không phù hợp".

Giới chức Nga trước đó nói rằng Ukraine liên quan đến vụ tấn công đẫm máu nhất trong 2 thập kỷ mà Nga phải hứng chịu. Ukraine và Mỹ đã bác cáo buộc của Nga.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 25-3 tái khẳng định Ukraine không liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở khu phức hợp Crocus City.

"IS chịu toàn bộ trách nhiệm cho cuộc tấn công này, trách nhiệm duy nhất. Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu điều đó. Chúng tôi đã chia sẻ điều đó với chính phủ Nga. Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Ukraine liên quan đến vụ tấn công" – bà Jean-Pierre nhấn mạnh.

Bà Jean-Pierre đồng thời đề cập cảnh báo công khai hôm 7-3, trong đó Mỹ khuyến cáo người dân của họ ở Nga tránh xa địa điểm đông đúc, bao gồm nơi tổ chức hòa nhạc, để tránh nguy cơ bị tấn công bởi "những kẻ cực đoan". Bà cho biết thêm lời cảnh báo trên cũng đã được chia sẻ với chính phủ Nga.

Trước đó một ngày, hãng tin Heute dẫn lời giới chức an ninh Áo cho biết Ukraine có thể đã trở thành "lối đi thuận lợi" để những kẻ cực đoan di chuyển vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Một "số lượng lớn" những kẻ bị tình nghi khủng bố đã đến EU qua lãnh thổ Ukraine, hãng tin này khẳng định, theo đài RT.

Heute trích dẫn ví dụ về 2 công dân Tajikistan và 1 người Chechnya bị bắt ở Áo và Đức vào tháng 12-2023 vì bị nghi ngờ âm mưu tấn công nhà thờ St Stephen mang tính biểu tượng ở thủ đô Vienna.

Những nghi phạm này có thể là một phần của ISIS-K, cơ quan này từng khẳng định vào tháng 12-2023, viện dẫn giới chức thực thi pháp luật.

HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC YÊU CẦU NGƯNG BẮN LẬP TỨC Ở GAZA

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 25/3 đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas cũng như thả tất cả các con tin ngay lập tức và vô điều kiện trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng.

Tất cả 14 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết vốn được 10 thành viên được bầu của Hội đồng đề xuất.

Washington đã không mặn mà với từ ngừng bắn trong thời kỳ ban đầu của cuộc chiến kéo dài gần sáu tháng ở Dải Gaza và đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ đồng minh Israel của Mỹ trong khi họ trả đũa cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 năm ngoái khiến 1.200 người thiệt mạng.

Nhưng giữa lúc áp lực toàn cầu ngày càng tăng cho thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến đã giết chết hơn 32.000 người Palestine, Mỹ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 25/3 để cho phép Hội đồng Bảo an yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trong tháng nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo vốn sẽ kết thúc sau hai tuần nữa.

Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hôm 25/3 kêu gọi viện trợ ồ ạt cho Gaza để đẩy lùi nạn đói và nói rằng quốc tế ngày càng đồng thuận để nói với Israel rằng cần phải ngừng bắn trong cuộc chiến chống Hamas.

Phát biểu trong chuyến thăm Jordan, ông Guterres cho biết ông cũng nhận thấy sự đồng thuận ngày càng tăng để nói với Israel rằng bất kỳ cuộc đưa quân trên bộ nào vào Rafah, thị trấn cực nam của Gaza nằm sát biên giới Ai Cập, có thể đồng nghĩa với thảm họa nhân đạo.

Rafah đã trở thành nơi trú ẩn cuối cùng cho một nửa dân số Gaza đã bị mất nhà cửa. Thị trấn này đã mở rộng thêm ra với những người Palestine chạy trốn chiến sự ở những nơi khác ở Gaza.

Israel nên dỡ bỏ tất cả các trở ngại để cho phép viện trợ vào Gaza và cho phép các đoàn xe của UNRWA, tức cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc, vào bắc Gaza, nơi nạn đói có thể sẽ xảy ra, ông Guterres nói.

“Lúc này đưa viện trợ nhân đạo ồ ạt vào là hoàn toàn cần thiết. Điều này có nghĩa là mở thêm các điểm nhập cảnh, điều này có nghĩa là tập trung nỗ lực của tất cả các cơ quan và không có trở ngại hay giới hạn từ phía Israel,” ông Guterres phát biểu.

Trong chuyến thăm đến trại tị nạn Wihdat của Jordan, nơi UNRWA cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục, nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc nói rằng UNRWA là mạch sống đem đến hy vọng và phẩm giá cho hàng triệu người tị nạn trong khu vực.

“Quyết định không cho phép các đoàn xe của UNRWA đi đến phía bắc Gaza, nơi chúng ta đang chứng kiến tình trạng đói kém nghiêm trọng là hoàn toàn không thể chấp nhận được và những ai đưa ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về hậu quả của quyết định này,” ông Guterres nói thêm.

Israel đã ngừng cho nhập mọi thực phẩm, thuốc men, năng lượng và nhiên liệu vào Dải Gaza khi chiến sự bắt đầu. Mặc dù sau đó họ cho viện trợ vào, các tổ chức cứu trợ cho biết việc kiểm tra an ninh và khó khăn trong đi lại qua vùng chiến sự đã cản trở rất nhiều hoạt động của họ.

UNRWA đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi Israel cáo buộc hàng chục nhân viên của họ dính líu đến các cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10.

Các cáo buộc này đã khiến một số nhà tài trợ lớn cho UNRWA ngưng tài trợ, khiến tương lai của họ trở nên bất định. Tuy nhiên, một số nước khác đã nối lại tài trợ.

BƯỚC ĐI MỚI CỦA ISRAEL Ở BẮC GAZA KHIẾN CƠ QUAN LHQ PHẪN NỘ

Người đứng đầu Cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết quân đội Israel sẽ ngừng tiếp nhận các đoàn xe chở lương thực tới bắc Gaza giữa bối cảnh nạn đói đang đe dọa người dân.

UNRWA cho biết Israel đã ngăn chặn hoàn toàn việc hỗ trợ lương thực đến miền bắc Gaza - nơi nguy cơ nạn đói đang xảy ra thảm khốc, theo AFP hôm nay 25.3.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Phillipe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, chia sẻ rằng: "Dù nạn đói diễn ra ngay dưới ra sự giám sát của chúng ta nhưng chính phủ Israel vẫn thông báo với Liên Hiệp Quốc sẽ không chấp thuận bất cứ đoàn xe chở lương thực nào của UNRWA đến miền bắc Gaza. Hành động này thật quá đáng và cố ý cản trở công tác cứu trợ trong nạn đói do con người gây ra".

Israel không phản hồi ngay lập tức đề nghị bình luận của AFP về phát biểu của ông Lazzarini. Người phát ngôn của UNRWA, bà Juliette Touma, cho biết quyết định này của Isarel đã được chuyển đến trong cuộc họp với các quan chức của quân đội Israel vào ngày 24.3. Quyết định này được đưa ra ngay sau 2 văn bản từ chối tiếp nhận các đoàn xe viện trợ đến miền bắc Gaza hồi tuần trước.

Theo bà Touma, lý do đưa ra quyết định này không được Israel đề cập.

Gaza đang đối mặt tình hình nhân đạo nghiêm trọng bắt nguồn từ xung đột giữa Hamas và Israel từ khoảng 6 tháng trước, sau cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7.10.2023, tiếp ngay sau đó là chiến dịch quân sự quy mô lớn mà Israel tiến hành ở Gaza.

Tuần trước, cơ quan an ninh lương thực do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ đã cảnh báo rằng người dân ở miền bắc Gaza có thể sẽ phải đối mặt với nạn đói cho đến tháng 5 trừ khi có sự can thiệp khẩn cấp. UNRWA đã không thể viện trợ lương thực cho bắc Gaza từ ngày 29.1, bà Touma cho hay. Theo bà, quyết định mới nhất này như "giọt nước tràn ly", mặc cho những nỗ lực đưa lương thực viện trợ cần thiết đến cho người dân giữa tình hình chiến sự ở Gaza.

Ngày 24.3, ông Martin Griffiths, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, chia sẻ trên trang mạng xã hội X rằng UNRWA chính là nhịp đập trái tim đáp ứng vấn đề nhân đạo ở Gaza. Ông nhấn mạnh: "Quyết định này của Israel ngăn chặn đoàn xe viện trợ lương thực chỉ khiến cho hàng nghìn người rơi vào nạn đói. Israel nên hủy bỏ quyết định này".

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng việc ngăn chặn viện trợ từ UNRWA là đang "ngăn cản người dân đói khát khỏi sự sống sót".

Trước đó vào ngày 24.3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi chấm dứt "cơn ác mộng liên hoàn" đối với 2,4 triệu người ở Gaza trong cuộc xung đột ác liệt nhất ở vùng đất này.

Israel đã cáo buộc nhân viên của UNRWA hỗ trợ cuộc tấn công ngày 7.10.2023 và gọi đây là "bức bình phong cho Hamas".

Ngày 24.3, bà Touma cho biết thêm chính phủ Israel cũng đã từ chối đề nghị của Liên Hiệp Quốc đưa một nhóm cứu trợ đến bệnh viện Al-Shifa ở miền bắc Gaza, nơi chiến sự "rực lửa" gần cả tuần, để sơ tán người bị thương.

Theo số liệu về Israel của AFP, cuộc tấn công ngày 7.10.2023 của Hamas đã làm 1.160 người thiệt mạng ở Israel. Trong khi đó, cơ quan y tế do Hamas điều hành cho hay chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Gaza đã khiến ít nhất 32.226 người thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Nguồn: Soha; CafeF; Người Lao Động; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang