EU: Kinh tế Anh hậu Brexit; Khủng hoảng khí đốt; Hungary lọt tầm ngắm TQ; Luật nhập cư mới ở Đức; Uniper kiện Gazprom

KINH TẾ ANH SAU KHI RỜI EU

(Ảnh minh hoạ).

Từ khi nước Anh rời EU, thương mại quốc tế suy giảm, đồng tiền mất giá, mức sống người dân đi xuống, theo Bloomberg.

Brexit đã quay trở lại chương trình nghị sự chính trị của Anh trong tháng này. Chính phủ của tân Thủ tướng Rishi Sunak được cho là đang tìm kiếm mối quan hệ thân mật hơn với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên ông đã phủ nhận thông tin nước Anh hướng đến "Brexit kiểu Thụy Sĩ" (tức vẫn duy trì mối quan hệ thân EU). Chính quyền khẳng định ưu tiên của nước này là khiến thỏa thuận Brexit được ký kết vào năm 2020 được thực thi.

Dẫu vậy, dư luận Anh gần đây bắt đầu bàn luận về tính hiệu quả của Brexit. Nhiều người hướng sự chú ý vào số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Quốc tế công bố. Xuất khẩu của nước này sang Nhật Bản đã giảm từ 12,3 tỷ bảng Anh xuống còn 11,9 tỷ bảng trong một năm, tính đến tháng 6/2022. Xuất khẩu hàng hóa giảm 4,9% xuống 6,1 tỷ bảng và dịch vụ giảm 2% xuống 5,8 tỷ bảng.

Xuất khẩu giảm dù trước đó, Anh đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản, được xem "mang tính bước ngoặt" hồi tháng 10/2020. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn đầu tiên được ký kết sau Brexit. Theo The Guardian, bước lùi kể trên hình thành một trở ngại đáng kể với những người ủng hộ Brexit, vốn luôn tuyên bố rằng thương mại toàn cầu với các nước ngoài EU sẽ giúp bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào khi nước Anh rời khỏi thị trường chung.

Nick Thomas-Symonds - Bộ trưởng Phe đối lập phụ trách Thương mại quốc tế, cho rằng: "Thương mại với Nhật Bản sụt giảm là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy các bộ trưởng không mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Anh".

Hồi đầu tháng 11, thỏa thuận thương mại tương tự với Australia cũng bị chỉ trích. Cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường George Eustice nói, đó "thực sự không phải là một thỏa thuận tốt cho nước Anh".

Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy sự tiếc nuối ngày càng tăng của người dân Anh về quyết định rời EU, phần lớn là do những lo ngại về nền kinh tế. YouGov - công ty nghiên cứu thị trường lớn và là thành viên của Hội đồng thăm dò Vương quốc Anh - đã hỏi ý kiến hơn 1.700 người trưởng thành hồi giữa tháng này. Khoảng 56% người tham gia khảo sát cho rằng Brexit là quyết định sai lầm, trong khi tỷ lệ này là 42% vào tháng 8/2016.

Bloomberg nhìn nhận bằng chứng rõ ràng nhất về thiệt hại của Brexit nằm ở dữ liệu thương mại. Kể từ giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12/2020, Anh đã bị tụt hậu so với các quốc gia khác về cường độ thương mại - quy mô xuất nhập khẩu tính theo tỷ trọng GDP.

Xét về GDP, đây luôn là vấn đề gây tranh cãi. Theo Mark Carney - cựu thống đốc Ngân hàng Anh (BOE), nước này đã thu hẹp khoảng cách về quy mô nền kinh tế với Đức từ 90% xuống còn 70% kể từ Brexit. Tuy nhiên, tuyên bố trên nhanh chóng bị nghi ngờ vì các dữ liệu đang so sánh hai nền kinh tế bằng USD, vào thời điểm mà bảng Anh đặc biệt yếu. Jonathan Portes - giáo sư kinh tế tại Đại học King's College London, người phản đối Brexit, gọi báo cáo trên là "vô nghĩa".

Trong những lo ngại về thiệt hại kinh tế, tỷ giá bảng Anh là một trong những điều dễ thấy nhất. Đồng tiền này đã giảm 12,5% so với trọng số thương mại kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Bảng Anh giảm 19% so với USD và 11% so với euro.

Simon French - nhà kinh tế trưởng tại Panmure Gordon, cho biết: "Bảng Anh đã phải đối mặt với sự mất giá kéo dài kể từ năm 2016 và chưa bao giờ phục hồi. Điều này làm cho sản lượng kinh tế của Anh trở nên ít giá trị hơn và tăng ảnh hưởng của lạm phát nhập khẩu".

Sự mất giá của nội tệ đã làm tăng lạm phát cho Anh so với các quốc gia khác, người dân nước này đã phải chịu giảm mức sống mạnh hơn. Thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình - thước đo sát với đời sống kinh tế của người dân hơn GDP, đã tuột lại hẳn so với 4 quốc gia lớn của EU, ngoại trừ Tây Ban Nha.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong những dự báo về chi tiêu của người dân cho mùa World Cup 2022. Theo Bloomberg, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thường mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế Anh. Nếu đội tuyển nước này được vào vòng trong, người dân có thể sẽ đổ xô đến các quán rượu và tổ chức các bữa tiệc xem bóng đá tại nhà, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mạnh tay mua sắm. Tuy nhiên năm nay có thể sẽ khác với bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nghiên cứu của GlobalData ước tính rằng chi tiêu bán lẻ của người dân xứ sở sương mù sẽ thấp hơn 19% so với World Cup 2018 và thấp hơn 41% so với Giải vô địch bóng đá châu Âu của UEFA tổ chức vào năm ngoái. Chi tiêu cho ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn sẽ thấp hơn 10% so với năm 2018 và thấp hơn một nửa so với năm ngoái.

Đầu tư kinh doanh của nước Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn Đức, Pháp và Italy. Sự không chắc chắn và bất ổn chính trị trong quá trình đàm phán với EU đã khiến khu vực tư nhân giảm chi tiêu vốn ở Anh. Đầu tư đã tụt hậu so với tất cả nền kinh tế tiên tiến của nhóm G7 kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài lại có diễn biến khác. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nước Anh nhận được nhiều đầu tư từ nước ngoài hơn các nước láng giềng EU trong nửa đầu năm nay.

Không chỉ về kinh tế, một số vấn đề lớn về xã hội cũng đang trở thành luận cứ cho nhiều người bàn cãi về Brexit. Anh có tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ hai trong số các nền kinh tế lớn nhất EU, sau Đức. Nước này có tốc độ tạo ra việc làm liên tục mạnh hơn EU nhờ thị trường lao động linh hoạt.

Gần đây, Anh phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng buộc các doanh nghiệp phải tăng lương hoặc đóng cửa. Nhưng sự khan hiếm vì mất khoảng nửa triệu người lao động kể từ đầu năm 2020, là di sản của đại dịch và chủ yếu là do già hóa dân số.

Mặt trái của tỷ lệ thất nghiệp thấp là năng suất lao động kém. Tăng năng suất có ý nghĩa sống còn của mỗi nước vì nó quyết định mức sống người dân có thể tăng nhanh như thế nào. Về biện pháp quan trọng này, nước Anh đã tụt lại so với Đức, Pháp và Mỹ trong một thời gian dài.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nước Anh đã bắt kịp các quốc gia trên về năng suất lao động. Kể từ đó, Anh đã thụt lùi và tiếp tục đà giảm sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Từ năm 2015 đến 2021, nước này đã mất điểm đáng kể trước Mỹ, Đức và Pháp về chỉ số GDP trên mỗi giờ làm việc. Một số nhà kinh tế đã lập luận rằng, đại dịch gây ra các vấn đề về đo lường, nhưng năng suất lao động Anh vốn đã tụt lại phía sau từ năm 2019.

Người dân cũng lo ngại về tình trạng nhập cư dễ dãi gần như không thay đổi. Lấy lại quyền kiểm soát biên giới là một cam kết trọng yếu của nhóm ủng hộ Brexit trong chiến dịch trưng cầu dân ý. Tự do di chuyển lao động với EU đã kết thúc vào tháng 12/2020 nhưng việc kiểm soát đi lại không làm giảm số lượng di cư.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng di cư ròng trong năm tính đến tháng 6/2022 đạt mức kỷ lục 504.000 người, do các kế hoạch định cư cho dân Afghanistan, Ukraine và Hong Kong (Trung Quốc). Một năm trước đó, trong đại dịch, số người di cư là 173.000, thấp hơn khoảng 75.000 người so với mức trung bình trước Covid-19.

Hiện tại người di cư EU khó chuyển đến Anh hơn, nhưng các quy tắc đã được nới lỏng hơn đối với các quốc gia khác. Tất cả người di cư trong năm gần nhất hầu hết đến từ bên ngoài EU trong khi các công dân EU chuộng rời khỏi xứ sở sương mù.

"Nhìn chung, lượng di cư ròng đến Anh dường như tương đương mức trước đại dịch. Khoảng một nửa số việc làm trên thị trường lao động dành đều cho những người đến từ mọi nơi trên thế giới, không chỉ EU", giáo sư Jonathan Portes chỉ ra.

(Nguồn: Vnexpress)

KHỦNG HOẢNG KHÍ ĐỐT Ở CHÂU ÂU SẼ NGÀY CÀNG TRẦM TRỌNG

(Ảnh minh hoạ).

Châu Âu đang lâm vào thế khó do đường ống dẫn khí đốt của Nga cơ bản bị ngừng hoạt động và trong ngắn hạn, hầu như không có giải pháp để thay thế. Do đó, dự báo khủng hoảng khí đốt của EU sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Theo hãng tin n-tv.de (Đức), Đức tuyên bố sẽ tăng đáng kể thuế đối với điện và năng lượng sưởi ấm. Đối với khí đốt, người dùng sẽ phải trả thêm 54% và đối với điện, tỷ lệ thậm chí nhiều hơn là 61%. Thay đổi thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023. Các nhà cung cấp năng lượng giải thích quyết định trên là do Nga ngừng cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, vốn bị hư hại.

Do đó, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Ba Lan áp đặt đối với đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu đã giảm từ 40% xuống còn 9%. Hiện tại, khí đốt Nga được cung cấp cho châu Âu thông qua hệ thống trung chuyển khí đốt (GTS) ở Ukraine và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Châu Âu đang tìm cách thay thế khí đốt qua đường ống của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Sebastian Gulbis, một chuyên gia tại công ty tư vấn Enervis có trụ sở tại Berlin, cho rằng nhu cầu LNG ngày càng tăng của châu Âu đang dẫn đến tình trạng thiếu các cơ sở tái hóa khí và kho cảng LNG ở châu Âu. Lượng khí mà các nước sản xuất LNG không thể tăng nhanh và cũng không thể đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, châu Âu thiếu các đường ống dẫn khí để bơm khí đốt từ các cảng tái hóa khí, hiện nằm chủ yếu ở bờ biển Địa Trung Hải, vào sâu trong lục địa. Nhu cầu đang vượt xa nguồn cung, điều này đang đẩy giá LNG lên cao.

Một vấn đề khác là trong hai thập kỷ qua, châu Âu đặt mục tiêu chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế, chủ yếu là hydro. Theo quan điểm của ông Gulbis, Qatar đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba thế giới và nước này sẵn sàng thay thế nguồn cung khí đốt của Nga ở châu Âu, nhưng nhấn mạnh vào các thỏa thuận dài hạn. Nhưng EU lại chưa sẵn sàng kí các thỏa thuận dài hạn về nguồn cung cấp khí đốt từ Qatar.

Trong khi đó, tương lai hydro của châu Âu vẫn còn là một câu hỏi. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2030, mức tiêu thụ hydro của thế giới sẽ vào khoảng 90 triệu tấn mỗi năm. Và đến năm 2050, nó sẽ tăng lên gần 300 triệu tấn.

Gần đây, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck đã ký một thỏa thuận với Canada để cung cấp cho Berlin một lượng hydro xanh đáng kể từ năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Canada vẫn chưa có bất kỳ cơ sở hạ tầng nào để sản xuất hydro, chẳng hạn như: trang trại gió để sản xuất điện xanh, nhà máy phân hủy nước bằng điện phân và khử muối sơ bộ (liên quan đến nước biển).

Hơn nữa, Canada không có hệ thống cung cấp hydro thu được đến các cảng đặc biệt, vốn cũng chưa được xây dựng ở Canada. Một thực tế hiện nay là không có trạm tiếp nhận hydro ở châu Âu, chưa kể đến nhu cầu xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn thống nhất cho việc sản xuất và truyền tải hydro.

Như vậy, châu Âu đang lâm vào thế khó do đường ống dẫn khí đốt của Nga cơ bản bị ngừng hoạt động và trong ngắn hạn, hầu như không có giải pháp để thay thế. Điều này cũng đang buộc ngành công nghiệp châu Âu phải giảm sản xuất, nguy cơ đến hiện tượng xã hội như thất nghiệp hàng loạt.

Về lâu dài, nhu cầu của châu Âu về hydro đòi hỏi cần có sự đầu tư đáng kể vào việc tạo ra các trạm để tiếp nhận và các đường ống đặc biệt để vận chuyển, vì không thể sử dụng các đường ống dẫn khí hiện có (vốn đã thiếu) do tính đặc biệt của loại khí này.

Trong một kịch bản lạc quan, ngay cả Nga cũng sẽ không thể giúp châu Âu về hydro. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học kinh tế Andrey Konoplyanik, chuyên gia người Nga trong lĩnh vực năng lượng, không có khả năng nào khác xuất khẩu hydro từ Nga sang châu Âu, ngoại trừ việc trộn nó vào hệ thống GTS hiện có của công ty Gazprom. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi hiện đại hóa tốn kém, thậm chí có thể hủy hoại đường ống và thường tạo ra những hậu quả tiêu cực mang tính hệ thống đối với việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

(Nguồn: Soha)

ĐIỂM NÓNG XE ĐIỆN CHÂU ÂU LỌT VÀO TẦM NGẮM CỦA DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC

Hungary bất ngờ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp pin mới ở châu Âu, giữa lúc nhiều khoản đầu tư lớn đổ về thành phố Debrecen của nước này.

Sándor Máriás vẫn nhớ rằng những chiếc chiến đấu cơ của Liên Xô từng khiến ông thức trắng đêm khi còn nhỏ. Ông lớn lên tại một trang trại nhỏ cạnh căn cứ không quân bên ngoài Debrecen, phía đông Hungary. Nhà của ông cách đường băng 300 m, theo Financial Times.

Theo ông, tiếng gầm của máy bay rất chói tai. Sau khi Liên Xô không còn, nhiều người đã bán đất của họ tại khu vực này. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn giữ lại trang trại của mình, cho đến khi một làn sóng công nghệ xanh bắt đầu quét qua Debrecen.

Con đường Máriás nằm cạnh trang trại của ông hiện dẫn tới địa điểm phát triển mới của nhà sản xuất vật liệu pin Hàn Quốc EcoPro BM. Tại đây, công ty này đã cam kết đầu tư hơn 700 triệu USD để sản xuất cực âm, một trong những thành phần chính trong pin.

Ngay gần đó, công ty pin khổng lồ CATL của Trung Quốc có kế hoạch chi gấp 10 lần con số này để xây dựng nhà máy lớn nhất châu Âu.

Làn sóng đầu tư bùng nổ

Chỉ trong vài năm, Hungary đã biến mình thành một cường quốc xe điện tiềm năng, với trung tâm là Debrecen. Đến năm 2030, sản xuất pin tại thành phố nhỏ 200.000 dân này sẽ có thể cạnh tranh với nhiều quốc gia châu Âu khác.

Việc BMW đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện trị giá hơn 2 tỷ USD trong thành phố đã khiến đầu tư tại đây bùng nổ. Nhiều công ty khác đang xây dựng nhà máy pin hoặc chuyển mục đích sử dụng sang sản xuất xe điện tại thành phố này.

Khi châu Âu cấm bán ôtô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel mới từ năm 2035, ngành công nghiệp ôtô của Hungary sẽ hoàn toàn chạy bằng điện. Chính phủ đã hỗ trợ mục tiêu này bằng cách đưa ra các khoản giảm thuế lớn cho ngành, cùng với các quy định thân thiện khác.

Bên cạnh nhiều lợi ích khác, CATL hiện đàm phán để nhận các ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng trị giá hơn 800 triệu USD ở Hungary.

Đối với Budapest, việc chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang xe điện là rất quan trọng: Ngành công nghiệp ôtô chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 8% sản lượng kinh tế của Hungary.

Péter Kaderják, chủ tịch Hiệp hội Pin Hungary, cho biết: “Trong ngành công nghiệp mới này, chìa khóa của quy trình là pin. Châu Âu đã tụt lại phía sau và bỏ lỡ cơ hội tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh”.

Tuy nhiên, sự thành công trong việc thu hút rất nhiều khoản đầu tư cũng đi kèm với những lời chỉ trích. Một số người lo ngại rằng Hungary có nguy cơ trở nên quá phụ thuộc vào các nhà sản xuất pin Trung Quốc - và đang tạo quá nhiều đòn bẩy ngoại giao cho Bắc Kinh.

Ở Debrecen, cư dân lo lắng về nguồn cung cấp nước khan hiếm cũng như áp lực về nhà ở, trường học, bệnh viện,... từ những lao động mới chuyển đến.

Các giám đốc điều hành của CATL bắt đầu tìm kiếm các địa điểm ở miền Đông Hungary ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, tin đồn về điều đó chỉ bắt đầu xuất hiện vào đầu năm nay.

Vào tháng 8, CATL và chính phủ đã công bố rầm rộ rằng gã khổng lồ Trung Quốc này sẽ đầu tư 7,5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy pin 100 GWh ở Debrecen - đủ để cung cấp năng lượng cho 2 triệu ôtô mới mỗi năm. .

CATL cho biết việc xây dựng nhà máy này sẽ bắt đầu trong năm nay sau khi nhận được phê duyệt và sẽ kéo dài không quá 64 tháng, Reuters đưa tin.

Zeng Yuqun, nhà sáng lập và chủ tịch của CATL, cho biết khoản đầu tư của họ sẽ đánh dấu "một bước nhảy vọt trong quá trình mở rộng toàn cầu của CATL".

Câu hỏi về khoản đầu tư của CATL

Vào tuần trước, BMW công bố sẽ đặt một cơ sở lắp ráp pin tại nhà máy của mình ở Debrecen, tăng gấp đôi tổng vốn đầu tư ở đó lên hơn 2 tỷ USD.

Yu Du, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị trường pin Rho Motion, nhận định: "Nhà máy của CATL ở Hungary là một phần trong quan hệ đối tác của họ với BMW. Họ muốn ở gần các nhà máy ôtô hơn”, vị này cho biết.

EVE, một nhà sản xuất pin khác của Trung Quốc, đã mua một khu đất rộng 45 ha ở vùng lân cận thành phố vào đầu năm nay để xây dựng một nhà máy mới.

Tuy nhiên, Debrecen dường như là một lựa chọn bất thường đối với một ngành công nghiệp như sản xuất pin, vốn sử dụng nhiều nước. Địa điểm này cách sông Tisza một giờ lái xe và nằm giữa những khu đất nông nghiệp khô cằn của vùng đồng bằng Hungary.

Vào tháng 5, Bộ trưởng Công nghiệp László Palkovics cho biết lượng nước ngọt mà nhà máy CATL sử dụng mỗi giờ tương đương với lượng nước mà toàn bộ người dân Debrecen sử dụng trong cùng khoảng thời gian.

Trong khi đó, CATL khẳng định “hệ thống cấp nước địa phương có thể đáp ứng nhu cầu tại nhà máy của họ ở Debrecen".

Theo ông Palkovics, CATL cũng sẽ cần công suất điện liên tục khoảng 800 MW, cũng như nhiều khí đốt tự nhiên. Giữa lúc đó, Hungary, giống như phần còn lại của châu Âu, đang phải đối mặt với vấn đề liên quan đến nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, CATL đã thông báo họ có nhiều cách để giảm bớt những vấn đề liên quan đến năng lượng.

Phụ thuộc vào Trung Quốc?

Thị trưởng Debrecen László Papp khẳng định thành phố có thể đối phó với sự bùng nổ với hỗ trợ của chính phủ, đồng thời cho biết thêm những lo ngại về việc sử dụng nước đang bị thổi phồng.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Péter Szijjártó cũng từng khẳng định những lo ngại về nước, năng lượng và lao động là vô căn cứ.

“Khoản đầu tư này chỉ có thể xảy ra nếu nó đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt nhất”, ông Szijjártó nói, đồng thời trấn an người dân Debrecen. Bất chấp những đảm bảo này, người dân Debrecen vẫn phản đối một số khoản đầu tư.

Việc CATL đầu tư vào Debrecen đã trở nên nhạy cảm trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng tăng về những khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, cũng như mối quan hệ của Hungary với Bắc Kinh.

Hungary đã nồng nhiệt đón nhận đầu tư của Trung Quốc khi các nước châu Âu khác đã trở nên cảnh giác. Dưới chính sách “mở cửa về phía đông” của Thủ tướng Viktor Orbán, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nước này.

Zgut-Przybylska, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, cho biết khoản đầu tư này đã mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng kinh tế châu Âu.

Tuy nhiên, András Deák, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Dịch vụ Công cộng Hungary, cho biết những lo ngại về sự phụ thuộc là quá sớm vì công nghệ rất nhanh thay đổi và pin dựa trên lithium có thể chỉ là một trong một số lựa chọn trong vài năm tới.

Yang Chao, Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Budapest, khẳng định dự án cũng là kết quả của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hungary trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương, Tân Hoa xã đưa tin.

Ông Máriás lại có cách tiếp cận thực tế liên quan những thay đổi đang đến với thành phố của mình.

Theo ông, thành phố đã đề nghị một thỏa thuận công bằng cho trang trại của ông. Ông cũng đã mua đất mới và xây một ngôi nhà mới gần đó.

“Một phần trái tim tôi vẫn ở trong khu nhà cũ, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi có thể tiếp tục làm những gì tôi làm”.

(Nguồn: Zing News)

CHÍNH PHỦ ĐỨC NHẤT TRÍ NHỮNG ĐIỂM CHÍNH VỀ LUẬT NHẬP CƯ MỚI

Ngày 30/11, nội các chính phủ liên bang Đức đã nhất trí thông qua các điểm chính trong dự thảo luật nhập cư mới, dự kiến ban hành trong năm 2023.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, luật nhập cư mới sẽ cho phép những người lao động có tay nghề được vào Đức dễ dàng hơn hiện tại. Điều này áp dụng cho cả những người đã có hợp đồng lao động cũng như những người chưa có hợp đồng lao động tại Đức.

Trên cơ sở hệ thống tính điểm, những người lao động có tay nghề nhưng chưa có hợp đồng lao động được phép nhập cư nếu họ đạt một số tiêu chí lựa chọn như kỹ năng ngôn ngữ, trình độ đào tạo hoặc kinh nghiệm chuyên môn.

Quy định mới cũng sẽ áp dụng đối với sinh viên và người nước ngoài học nghề tại Đức.

Phát biểu sau khi nội các thông qua những điểm chính trong dự thảo luật mới, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser khẳng định rằng dự thảo luật mới chắc chắn sẽ có những đóng góp thực sự cho việc đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước.

Bộ trưởng Lao động và Xã hội Hubertus Heil cho biết mục tiêu của chính phủ là xây dựng luật nhập cư hiện đại nhất châu Âu, vì Đức phải cạnh tranh với nhiều quốc gia để có được "những bộ óc thông minh". Bộ trưởng Heil bày tỏ hy vọng dự luật mới sẽ mang lại sự thành công trên thị trường lao động chậm nhất là vào năm 2025.

Thiếu lao động có trình độ và tay nghề ngày càng trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế Đức. Do đó việc xây dựng luật nhập cư mới, tạo điều kiện tối đa cho những người lao động nhập cư, trở thành yêu cầu cấp bách. Sau khi nội các thông qua các điểm chính của luật nhập cư mới, các doanh nghiệp và xã hội đã có những phản hồi tích cực. Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) hoan nghênh đồng thời kêu gọi cần làm nhiều hơn nữa để thu hút nhiều lao động trình độ cao.

Cơ quan Việc làm liên bang Đức (BA) dự báo cho tới năm 2035, Đức sẽ giảm 7 triệu lao động. Con số này cần phải được bù đắp từ các nguồn trong và ngoài nước. Nếu chỉ riêng nguồn lao động trong nước sẽ không thể lấp đầy sự thiếu hụt này, do đó cần tăng cường tuyển dụng nguồn lao động từ nước ngoài để nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CÔNG TY NĂNG LƯỢNG ĐỨC UNIPER KIỆN GAZPROM RA TÒA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Ngày 30/11, Uniper - công ty năng lượng hàng đầu của Đức- thông báo đã kiện tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga lên Tòa trọng tài quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển) với cáo buộc không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng cung cấp khí đốt.

Thời gian qua, Gazprom giảm dần công suất và ngừng vận chuyển khí đốt với lý do những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine đã cản trở các hoạt động vận chuyển. Theo Uniper, phía Gazprom không cung cấp khí đốt khiến công ty này chịu phí tổn lên tới 11,6 tỷ euro (12 tỷ USD).

Công ty Đức cho biết đã bắt đầu có hành động pháp lý nhằm vào Gazprom, theo đó liệt kê những tổn hại mà công ty gánh chịu kể từ khi đối tác Nga dừng cung cấp khí đốt hồi tháng 6. Uniper cho biết đã buộc phải mua khí đốt thay thế với giá thị trường đắt đỏ và con số phí tổn sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2024.

Uniper là công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, hiện đứng trước nguy cơ bị phá sản, buộc chính phủ phải tuyên bố quốc hữu hóa để giải cứu doanh nghiệp này, tránh những cú sốc với nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU). Hồi đầu tháng này, Uniper báo cáo lỗ ròng 40 tỷ euro trong 9 tháng đầu năm 2022, khoản lỗ nặng nhất trong lịch sử các doanh nghiệp Đức.

Chính phủ Đức ban đầu thông báo bơm 8 tỷ euro cho Uniper nhưng hồi tuần trước, công ty cho biết Berlin sẽ cần chi thêm 25 tỷ euro để giúp công ty này tránh kịch bản phá sản. Để thực hiện kế hoạch "giải cứu" Uniper, Chính phủ Đức sẽ trích tiền từ quỹ 200 tỷ euro dành cho các biện pháp khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng với các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> EU: Giá trần 'vô tác dụng'; Nhập kỷ lục dầu Nga; Chính sách đối ngoại của Anh; Vấn đề lớn ở Đức; Đức tung gói 100 tỷ euro ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang