EU: Giá trần 'vô tác dụng'; Nhập kỷ lục dầu Nga; Chính sách đối ngoại của Anh; Vấn đề lớn ở Đức; Đức tung gói 100 tỷ euro

GIÁ TRẦN ĐỐI VỚI DẦU NGA: CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG?

(Ảnh minh hoạ).

Việc các nước phương Tây muốn áp mức giá trần khoảng 70 đô la/thùng đối với dầu Nga ‘sẽ không có tác dụng gì’ trong việc làm giảm ngân sách chiến tranh của Nga, các nhà phân tích cho biết, trong khi châu Âu vẫn đang tranh cãi gay gắt về mức giá trần.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 28/11 vẫn bế tắc trong cuộc họp tìm kiếm mức giá trần đối với dầu thô Nga. Trong khi Ba Lan và các nước vùng Baltic muốn áp đặt mức giá khoảng 20-30 đô la mỗi thùng, Hy Lạp, Malta và Cộng hòa Síp muốn giá trần trên 70 đô la hoặc là EU có cơ chế bồi thường cho ngành vận tải biển của họ.
Ủy ban châu Âu đề xuất mức giá trần 65-70 đô la, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đề nghị mức 60 đô la mỗi thùng.
Thế khó của EU
Hồi đầu năm, các nền kinh tế lớn nhất phương Tây đã đồng ý giới hạn giá của mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Nga là dầu mỏ và cam kết sẽ đưa ra các chi tiết vào đầu tháng 12.

Động thái này là nhằm cắt giảm dòng tiền chảy vào ngân sách chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tạo ra thêm căng thẳng cho kinh tế toàn cầu khi nguồn cung năng lượng bị cắt giảm hơn nữa. Nhưng khi thời hạn đến gần, các nước vẫn đang tranh cãi về mức giá trần nên là bao nhiêu.

“Ở mức giá 65-70 đô la, đó là để giảm lạm phát thay vì giảm doanh thu của Nga”, bà Helima Croft, người đứng đầu chiến lược các mặt hàng thiết yếu thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, nói với CNN.

Hồi đầu tháng, một thùng dầu thô Urals của Nga có giá chỉ hơn 70 đô la, thấp hơn khoảng 24 đô la so chuẩn quốc tế là dầu Brent.

Công ty tư vấn Rystad Energy ước tính rằng chi phí sản xuất của Nga là từ 20 đến 50 đô la/thùng.

Thêm vào đó, ngân sách của Nga bao gồm dự báo dầu sẽ được xuất khẩu với giá trung bình khoảng 70 đô la/thùng vào năm 2023. Nếu họ có thể bán được ở mức giá đó trên thị trường, họ có thể tiếp tục chi tiêu theo kế hoạch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 25/11 nói giá trần nên được đặt ở mức 30 đô la/thùng.

“Chúng tôi nghe nói về các đề xuất áp giá trần ở mức 60 hoặc 70 đô la. Nó nghe có vẻ giống như sự nhượng bộ trước Nga”, ông Zelenskyy phát biểu qua video tại một hội nghị ở Litva.

Tuy nhiên, nếu áp giá trần thấp hơn 70 đô la có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu – nhất là nếu Nga trả đũa. Nếu họ cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến, nó sẽ đẩy giá nhiên liệu lên cao vào lúc các nước như Mỹ, Đức và Nhật đang mong muốn kiểm soát lạm phát.

Tổng thống Putin đã cảnh báo kế hoạch áp giá trần của phương Tây ‘sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng’. Xuất khẩu dầu mỏ năm 2022 của Nga ước tính đạt 9,7 triệu thùng mỗi ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Ngoài ra, cũng có hoài nghi ở các hãng giao dịch dầu mỏ rằng biện pháp này sẽ được thực thi, theo ông Giovanni Staunovo, một phân tích gia tại UBS. Ông hy vọng các bên giao dịch dầu mỏ đơn giản sẽ tìm những kẻ hở.

“Có mong muốn mãnh liệt là phải làm cái gì đó”, ông nói với CNN. “Nhưng thực tế sẽ khác”.

Giá trần thay vì cấm vận

Các nước muốn đạt được thỏa thuận trước ngày 5/12, khi lệnh cấm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển của châu Âu bắt đầu có hiệu lực. EU cấm bảo hiểm và các dịch vụ khác đối với các tàu chở dầu thô của Nga.

Điều này sẽ khiến các khách hàng của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ khó tiếp tục nhập khẩu hàng triệu thùng mỗi ngày. Hầu hết các công ty bảo hiểm cho vận chuyển dầu thô đầu đặt tại châu Âu hay Anh.

Mức giá trần nhằm điều chỉnh chính sách đó. Dầu Nga có thể được vận chuyển và bảo hiểm miễn là nó được mua ở mức giá bằng hay thấp hơn mức giá trần do các nước phương Tây áp đặt.

“Điều này sẽ làm giảm hơn nữa doanh thu của Nga, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định bằng cách duy trì nguồn cung”, Ủy ban châu Âu giải thích. “Do đó, nó cũng sẽ giúp đối phó lạm phát và giữ chi phí năng lượng ổn định vào thời điểm mà chi phí cao – nhất là giá nhiên liệu tăng cao – là mối bận tâm lớn”.

Một số nhà phân tích cho rằng mức giá trần cuối cùng sẽ ít quan trọng hơn lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu. Khối này đã mua khoảng 2,4 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày và Moscow sẽ sớm phải tìm khách hàng mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen hôm 24/11 cho biết bà ‘tự tin EU sẽ sớm phê duyệt mức trần giá toàn cầu đối với dầu của Nga với G7 và các đối chủ chốt khác’.

‘Không hiệu quả’
Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, chỉ trích mức giá trần 70 đô la ‘là sai lầm’.
“Áp giá trần 70 đô la hoàn toàn không có hiệu quả. Giá người ta bán có 56 đô là mà đặt mức giá 70 đô la thì chẳng thà đừng đặt giá trần”, ông nói.
Ông lưu ý chi phí hòa vốn của Nga là khoảng 28 đô la một thùng, do đó với mức giá trần 30 đô la như Ba Lan đề xuất thì Nga cũng đã có lời. Ông đề xuất mức giá trần đối với dầu Nga ‘không nên cao hơn 50 đô la’.
“Ở mức này Nga có thể bán, các nước châu Âu cũng có thể mua mà không để cho Nga có thu nhập quá nhiều”, ông lập luận.
Lý do một số nước muốn áp mức giá trần cao, ông giải thích, là vì ‘họ cần dầu hỏa’. “Họ sợ rằng nếu áp giá trần thấp quá, Nga không bán nữa thì có hại cho họ và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu”, ông nói.
Về đề xuất mức giá trần 30 đô la, ông Lộc nói ‘nếu đối đế quá thì Nga cũng phải bán ở mức giá đó’.
“Mỏ dầu phải để chảy hoài không thể ngừng được, nên sản xuất dầu phải có chỗ bán. Nếu họ có thể bán trên mức hòa vốn thì họ vẫn có lợi là duy trì mỏ dầu hoạt động, không bị gỉ sét và công nhân của họ có việc làm”, ông giải thích.
Tuy nhiên, hiện tại Nga đang bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ dù với mức chiết khấu cao ‘nhưng vẫn cao hơn mức 30 đô la nhiều’.
‘Lách được nhưng khó’
Về tính khả thi của việc áp giá trần, ông Lộc cho rằng Nga có thể ‘lách’ bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như ngụy trang thành tàu dầu nước khác hay chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác giữa biển.
“Cái khó là tàu dầu Nga lách luật phải đi đường xa hơn là bán cho châu Âu”, ông giải thích và cho rằng Nga ‘chỉ có thể lách được 10-15% thôi’.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng có thể sử dụng các hãng vận chuyển và bảo hiểm của họ để lách giá trần của châu Âu nhưng hiện tại do nền kinh tế hai nước này cũng đang trì trệ nên ‘nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ Nga không cao’, vẫn lời ông Lộc.
“Thị trường hai nước này đối với dầu Nga không thể thay thế châu Âu được”, ông nói.
Ông cho rằng so với áp giá trần, việc cấm dầu Nga có tác dụng nhiều hơn để trừng phạt Nga nhưng các nước châu Âu cần thêm thời gian trước khi áp dụng biện pháp triệt để đó.
Ông nói trong thời gian qua, các nước châu Âu tăng cường mua dầu Nga để dự trữ trước thời hạn lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12 nên nhờ đó Nga vẫn có ngân sách dồi dào để tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông dự đoán sau khi lệnh cấm dầu hay áp giá trần có hiệu lực thì Nga ‘sẽ bị ảnh hưởng nặng nề’.
Về khả năng Trung Quốc hay Ấn Độ mua dầu giá rẻ từ Nga rồi bán lại cho các nước châu Âu với giá đắt, ông Lộc nói ‘đã xảy ra rồi’ nhưng ‘chỉ ở phạm vi nhỏ’.
“Có sự theo dõi của quốc tế. Với lại Trung Quốc, Ấn Độ chở dầu về, tích trữ rồi lại chở đi đến châu Âu nên rất phức tạp”, ông phân tích.

(Nguồn: VOA)

CHÂU ÂU NHẬP KHẨU KỶ LỤC KHÍ ĐỐT NGA

Năm nay, châu Âu mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga bằng đường biển nhiều chưa từng thấy, tăng hơn 40% so với năm ngoái.

Financial Times trích báo cáo từ hãng cung cấp số liệu thị trường Refinitiv cho biết châu Âu đã nhập 111 tỷ m3 LNG trong 10 tháng đầu năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu LNG từ Nga giai đoạn này lên kỷ lục 17,8 tỷ m3, tăng 42%.

Phần lớn số LNG này được mua từ liên doanh Yamal LNG - do công ty Nga Novatek nắm cổ phần lớn, cùng Total (Pháp), CNPC (Trung Quốc) và một quỹ quốc gia Trung Quốc. Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan mua phần lớn lượng khí đốt này.

Tháng trước, một tàu lớn chở LNG từ Portovaya (Nga) đã đến Hy Lạp, theo dữ liệu vệ tinh của hãng phân tích QuantCube. Đây là chuyến hàng đầu tiên của Portovaya - dự án cảng xuất khẩu LNG gần biên giới với Phần Lan vừa đi vào hoạt động năm nay.

Số liệu trên cho thấy châu Âu đang gặp khó trong việc độc lập khỏi khí đốt Nga, bất chấp các nỗ lực đa dạng hóa gần đây của Brussels. Dù 17,8 tỷ m3 chỉ tương đương 25% khí đốt nhập qua đường ống trong thời kỳ này, nó vẫn khiến châu Âu có khả năng chịu tổn thương trong cuộc chiến năng lượng với Nga.

"Đến một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định ngừng bán LNG sang châu Âu, buộc khu vực này phải mua khí đốt đắt đỏ hơn trên thị trường giao ngay", Anne-Sophie Corbeau - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia cho biết.

Bà cho rằng Nga có thể chuyển hướng bán LNG cho các nước hiện cũng rất cần như Bangladesh hay Pakistan, với giá rẻ, để "tăng ảnh hưởng chính trị" và "gây thêm sức ép lên châu Âu". "Rất nhiều quốc gia hiện không đủ tiền mua LNG", Corbeau nói.

Hiện chưa có lệnh trừng phạt nào áp lên khí đốt Nga, do tầm quan trọng của mặt hàng này với an ninh năng lượng một số nước châu Âu. Điện Kremlin năm nay đã dần giảm cung cấp khí đốt qua đường ống, sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến giá khí đốt và lạm phát tăng cao khắp châu Âu.

Lượng khí đốt chảy qua đường ống Yamal, chạy qua Ba Lan, đã bị dừng từ tháng 5. Nga cũng ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 cho Đức từ mùa hè. Moskva gần đây dọa sẽ siết nguồn cung khí đốt cho Tây Âu thông qua đường ống duy nhất chạy ngang Ukraine. Số liệu từ hãng nghiên cứu Bruegel cho thấy khí đốt theo đường ống từ Nga sang châu Âu đã giảm 80% năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

"Quan điểm của tôi là mua LNG từ Nga là chuyện bình thường. Vì nếu không, họ cũng bán cho nước khác thôi", Georg Zachmann - nhà nghiên cứu tại Bruegel cho biết, "Điều cần thiết lúc này là có một cơ chế bảo vệ trong trường hợp Nga chỉ bán khí đốt cho vài nước châu Âu, để đạt mục đích chính trị và khiến châu Âu bất hòa".

(Nguồn: Vnexpress)

ĐIỂM NHẤN TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI MỚI CỦA ANH

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết một “cách tiếp cận mang tính cách mạng” đối với chính sách đối ngoại của nước Anh, ủng hộ quan điểm thực dụng, lâu dài đối với cả Moskva và Bắc Kinh.

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 28/11 cho biết cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc đã kết thúc, đồng thời cho rằng thách thức mang tính hệ thống của Bắc Kinh đối với các lợi ích và giá trị của Anh ngày càng gay gắt hơn.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên của mình, ông Sunak cho biết cách tiếp cận của Anh đối với Trung Quốc cần phải phát triển và Bắc Kinh đang "cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu thông qua sử dụng tất cả các đòn bẩy của quyền lực nhà nước".

Ông Sunak đã sử dụng ngôn từ cứng rắn để chỉ trích cách tiếp cận của các Chính phủ Anh trước đây đối với Trung Quốc, nói rằng ông sẽ bác bỏ “chủ nghĩa ngắn hạn hoặc suy nghĩ viển vông”.

"Cái gọi là 'kỷ nguyên vàng' đã qua, cùng với ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ dẫn đến cải cách xã hội và chính trị", ông Sunak nói tại khu tài chính của London. Mối quan hệ của Anh với Trung Quốc trở nên nồng ấm hơn nhiều trong nhiệm kỳ của Thủ tướng David Cameron, với việc London đặt ra cụm từ "kỷ nguyên vàng" và khuyến khích thương mại và đầu tư song phương.

Mặc dù vậy, ông Sunak không gọi Trung Quốc là "mối đe dọa", thừa nhận các nước phương Tây không thể bỏ qua ảnh hưởng của nước này đối với các vấn đề thế giới và khả năng giúp giải quyết những thách thức chung như ổn định kinh tế và biến đổi khí hậu.

"Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới - đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu. Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng hiểu điều này", nhà lãnh đạo Anh lưu ý.

Ông Sunak lập luận rằng các quốc gia như Nga và Trung Quốc có kế hoạch dài hạn và Anh cũng cần phải làm điều tương tự khi tìm cách đưa ra tầm nhìn của mình về vị thế của London trên trường toàn cầu.

Thủ tướng Sunak, người đã gặp gỡ các đối tác quốc tế bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tháng đầu tiên nhậm chức cũng như công du Ukraine, thường bị người trong nước coi là "thiếu tầm nhìn về chính sách đối ngoại".

Một số người trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak đã chỉ trích ông "ít diều hâu" hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Liz Truss. Năm ngoái, khi còn là Bộ trưởng tài chính, ông Sunak đã kêu gọi một chiến lược cân bằng các mối quan tâm về nhân quyền trong khi mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc gặp dự kiến ​​giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng này ở Bali đã thất bại và tuần trước, London đã cấm các camera an ninh do Trung Quốc sản xuất tại các tòa nhà chính phủ nhạy cảm.

Về Ukraine, ông Sunak cho biết London sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev vào năm tới, duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ như các cựu thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine trong thời gian dài nhất có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không", ông Sunak nói.

Vào tháng 9, Anh cho biết họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) trong năm nay.

Theo tờ The Guardian (Anh), Chính phủ Anh hiện đang sửa đổi bản đánh giá tích hợp về chính sách đối ngoại và an ninh năm 2021 để cập nhật những thay đổi địa chính trị kể từ lần đầu tiên được xuất bản. Tài liệu này sẽ đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ bền chặt ở châu Âu sau khi Anh rời khỏi EU.

Tài liệu cũng sẽ đề cập về việc tăng cường quan hệ đối tác ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chuẩn bị cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do hành động của các nước như Nga, Trung Quốc và Iran.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

VẤN ĐỀ LỚN ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỨC

Đức sẽ khó tìm được nguồn thay thế cho lượng khí đốt Nga không nhận được từ Nord Stream 1 trong ngắn hạn.

Mặc dù các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện đã gần đầy, nhưng không có gì đảm bảo các đợt cắt khí đốt hoặc điện sẽ không diễn ra vào mùa đông này trong bối cảnh nền kinh tế số 1 châu Âu không có nguồn cung khí đốt nào khác ngoài Nga.

Đây là một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp và người tiêu dùng Đức, ông Thomas O'Donnell, một nhà phân tích thị trường năng lượng giảng dạy tại Trường Quản trị Hertie ở Berlin, nói với Anadolu Agency hôm 30/11.

Ông bày tỏ nghi ngờ tuyên bố của chính phủ Đức rằng nước này sẽ vượt qua mùa đông mà không bị thiếu khí đốt. Theo ông, nước Đức sẽ không chứng kiến quá nhiều sự cố mất điện vào mùa đông này, nhưng họ sẽ phải sử dụng khí đốt lấy từ trong kho dự trữ ra, đồng thời sử dụng nhiều nguồn nhiên liệu khác để tạo ra điện, bao gồm than đá.

Đức đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng phần lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn tiến, dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung khí đốt và đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục.

Mặc dù các cơ sở lưu trữ khí đốt của đất nước trong tuần này đã đạt 98,79% công suất tối đa, các chuyên gia cảnh báo rằng điều này không đảm bảo sẽ không có việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt hoặc điện trong mùa đông.

Các cơ sở lưu trữ cần một dòng khí liên tục từ các đường ống để duy trì đủ áp suất. Tuy nhiên, nước này đã không nhận được khí đốt từ Nga kể từ tháng 9, sau các vụ nổ làm rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 chạy dưới Biển Baltic dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức.

Theo ông O'Donnell, Đức sẽ khó tìm được nguồn thay thế cho lượng khí đốt không nhận được từ Nord Stream 1 trong ngắn hạn.

Thực tế là kế hoạch xây dựng các cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của chính phủ Đức tại các cảng phía bắc đất nước sẽ không phải là một biện pháp khắc phục.

“Khi Đức mất kết nối với Nord Stream 1, đó là 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Cho dù các dự án LNG đi vào hoạt động, với dự án sớm nhất là cuối năm nay, cũng mới chỉ cung cấp được 7 tỷ m3 khí”, ông nói.

Mắc dù chính phủ Đức có kế hoạch mua thêm LNG, việc xây dựng 7 nhà ga tiếp nhận LNG có thể sẽ mất 2-3 năm để đi vào hoạt động đầy đủ.

“Nhưng ngay cả khi tất cả các dự án đều chạy, chúng vẫn chỉ có thể bù đắp khoảng 2/3 lượng khí đốt Đức nhận được từ Nga qua đường ống Nord Stream 1, vì vậy nó không đủ để thay thế hoàn toàn”, ông nhấn mạnh.

Chính phủ Đức đã kêu gọi các hộ gia đình tư nhân và ngành công nghiệp hạn chế tiêu thụ năng lượng để vượt qua mùa đông mà không bị cắt điện hoặc khí đốt luân phiên.

Nhưng ông O'Donnell không tin rằng Đức có thể vượt qua mùa đông năm nay bằng dự trữ khí đốt của mình, mà cần cắt giảm tiêu thụ khí đốt và chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác nữa, và cuộc vật lộn này sẽ tiếp diễn trong vài năm tới.

Trong một diễn biến khác, các công ty Đức hôm 29/11 đã ký hợp đồng nhập khẩu 2 triệu tấn LNG mỗi năm trong vòng 15 năm từ Qatar. Việc giao hàng sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Tuy nhiên, như vậy, khí đốt Qatar sẽ không đến đủ sớm để giúp Đức tránh được tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông này và có khả năng là cả mùa đông năm sau

(Nguồn: Người Đưa Tin)

ĐỨC TUNG GÓI 100 TỶ EURO NHƯNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VẪN THIẾU THỐN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố chi 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội, song dường như vẫn chưa có khoản nào trong cam kết đó đến với lực lượng vũ trang nước này.

Sau khi “chiến dịch quân sự” tại Ukraine nổ ra, Thủ tướng Scholz đã tuyên bố Zeitenwende - một bước ngoặt - đối với quân đội và vị thế của nước này trên thế giới, theo Financial Times.

Tuy nhiên, kể từ đó, hầu như không có khoản nào trong quỹ bổ sung trị giá 100 tỷ euro (khoảng 103 tỷ USD) mà thủ tướng Đức cam kết đến được với lực lượng vũ trang.

Một cơ quan quốc hội được thành lập vào mùa xuân để phân bổ tài chính cho các chương trình cải cách và hiện đại hóa lực lượng vũ trang đã họp một lần. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng vẫn chưa có đề xuất mua sắm nào để đệ trình lên cơ quan này. Phiên họp tiếp theo của họ sẽ không diễn ra cho đến tháng 2/2023.

Thất hứa?

Trước đó, vào hồi tháng 2, trong thông báo lịch sử trước quốc hội, ông Scholz cho biết một quỹ trị giá 100 tỷ euro sẽ được thành lập ngay lập tức để tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang. Ông cũng tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm tới, theo Guardian.

Các nhà lập pháp phe đối lập, và một số chuyên gia an ninh hàng đầu của đất nước, đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu cam kết của Đức về vai trò dẫn dắt châu Âu phòng thủ có phải là lời nói suông.

Lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz hôm 23/11 cáo buộc Thủ tướng Schoz “đang thất hứa với quốc hội và đặc biệt với Bundeswehr (quân đội liên bang)".

Ông Merz nhấn mạnh ngân sách quốc phòng năm 2023 trên thực tế không hề tăng, mà sẽ giảm 300 triệu euro dựa trên các kế hoạch hiện tại của chính phủ. Theo ông, việc Đức thiếu hành động đã làm tăng ngờ vực đáng kể đối với NATO và các nước đồng minh.

Bên cạnh đó, Đức được cho đã không đáp ứng yêu cầu của NATO trong việc chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Đáp lại, Thủ tướng Scholz cho rằng đó là một kế hoạch dài hạn, chứ không phải những tuyên bố quảng bá hình ảnh vội vàng.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi yêu cầu những thứ phù hợp và Bundeswehr được trang bị theo cách có thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới”, ông nói.

Mặc dù không nhiều người ở Berlin nghi ngờ sự chân thành của thủ tướng, một số người tin rằng ông chỉ vừa mới hiểu được quy mô của thách thức mà ông đặt ra cho đất nước - và đã đánh giá thấp vốn liếng chính trị cần thiết để đối phó với nó.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, vào năm 2021, quân đội Đức và 183.000 quân nhân tại ngũ đã nhận được khoản viện trợ trị giá 46,9 tỷ euro.

Để đạt được mục tiêu đối với NATO trong năm nay, chi tiêu của Đức sẽ phải tăng vọt lên 75,5 tỷ euro và lên 85,6 tỷ euro vào năm 2026.

Nếu được sử dụng ngay lập tức, quỹ viện trợ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro sẽ có thể cạn kiệt trong vòng 5 năm.

Theo Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức, quỹ 100 tỷ euro là “một khởi đầu tốt và là tín hiệu đúng đắn”.

Theo bà, sự thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, bà nói: “Một số người đang mất kiên nhẫn về việc tiền sẽ đi đâu và những gì sẽ được chi tiêu”.

Còn rất nhiều việc phải làm

Đức đang gặp khó khăn trong việc tăng cường mua sắm quốc phòng hoặc thậm chí là việc tái bổ sung khí tài mà họ đã cung cấp cho Kyiv, một số nguồn tin nói với Reuters tám tháng sau khi Thủ tướng Scholz đưa ra cam kết trị giá 100 tỷ euro.

Các chuyên gia quân sự nhất trí rằng các nhà hoạch định quân sự của Đức còn rất nhiều việc phải làm.

Ulrike Franke, một học giả về chính sách quốc phòng Đức tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ nhận ra rằng điều này thực sự đến khá đột ngột”.

Theo bà, vào ngày 27/2, ông Scholz bất ngờ thông báo sẽ cấp thêm 100 tỷ euro cho quân đội. “Đó là một cú sốc hoàn toàn đối với hệ thống”, vị chuyên gia nhận định.

Bà nhận định Đức đã thiếu đầu tư và không chú trọng phát triển vào lực lượng vũ trang trong nhiều thập kỷ.

“Những khiếm khuyết về năng lực - trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian mạng - ở khắp mọi nơi”, bà nói.

Sự chú ý tập trung nhiều vào các hạng mục lớn như đơn đặt hàng chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và một hạm đội tàu ngầm mới. Tuy nhiên, một khoản tiền lớn cũng cần phải được đầu tư vào những loại khí tài thông thường hơn.

Một báo cáo gần đây của ủy viên Quốc hội Đức về lực lượng vũ trang cho biết những người lính trở về từ Lithuania đã phàn nàn rằng lính từ các quốc gia khác đã "chế nhạo họ" về tình trạng thiết bị vô tuyến của Bundeswehr.

Vào hôm 20/11, tờ Bild của Đức đã đăng một câu chuyện trên trang nhất về nguồn cung cấp đạn dược và thậm chí cả quân trang sắp cạn kiệt.

Giới phân tích cho rằng việc nâng cấp kho vũ khí và tái bổ sung khí tài đòi hỏi một cuộc cải tổ.

Cơ quan mua sắm quân sự của Đức có khả năng xử lý những khoản chi tiêu hàng năm trị giá khoảng 9 tỷ euro, theo phân tích của ông Christian Mölling tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức.

Với các hợp đồng quốc phòng lớn, các quan chức chính phủ nói rằng họ đang dành thời gian để giải quyết mọi việc ổn thỏa.

“Đây không phải là những cuộc mua sắm tầm thường khi bạn mua một thứ nhỏ và có thể hoàn thành nó một cách nhanh chóng. Mọi thứ phải được đàm phán rất chi tiết”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Christian Thiels cho biết.

Ông cho biết thêm rằng một số đề xuất hợp đồng lớn có thể sẽ được trình lên Quốc hội để phê duyệt vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Mölling, Bộ Quốc phòng nên làm việc nhiều hơn. “Môi trường an ninh đã thay đổi rất nhiều nhưng tôi không nghĩ rằng có sự cấp bách về chính trị để hoàn thành công việc”.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> EU: Giá điện vẫn tăng; Các nhà máy 'méo mặt'; Quan hệ Anh-TQ kết thúc; Đức tìm ra nguồn cung LNG, dự luật công dân mới ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang