EU: Hy vọng mới; Bầu cử Tổng thống Séc; Anh lên án Iran; Đức: Ngành CN vượt khủng hoảng, thận trọng viện trợ Ukraine

HY VỌNG MỚI CHO CHÂU ÂU SAU PHÁT HIỆN CỦA THỤY ĐIỂN

(Ảnh minh hoạ).

Việc Thụy Điển tìm thấy trữ lượng lớn đất hiếm mang lại hy vọng mới cho châu Âu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và giảm bớt sự phụ thuộc vào vật liệu nhập khẩu.

Hôm 12/1, công ty khai khoáng LKAB thuộc sở hữu nhà nước Thụy Điển cho biết họ đã phát hiện mỏ đất hiếm được xem là lớn nhất châu Âu tại Per Geijer, nằm ở Kiruna. Hiện tại, ước tính mỏ đất hiếm này chứa khoảng một triệu tấn oxit đất hiếm.

LKAB nói một số nguyên tố đất hiếm trong mỏ có thể được sử dụng để sản xuất nam châm vĩnh cửu - thành phần trong động cơ xe điện và tua-bin gió. Giám đốc điều hành LKAB, Jan Moström, khẳng định mỏ này có thể đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các nguyên liệu thô cần thiết, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Reuters, các mỏ đất hiếm có vai trò quan trọng trong nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao và là nguyên liệu trong chế tạo xe điện, quạt gió, các thiết bị điện tử hay âm thanh.

Wall Street Journal nhận định Thụy Điển có phát hiện mới giữa lúc Liên minh châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các nguyên liệu đất hiếm cần thiết sản xuất điện tử, pin và các sản phẩm khác.

Cần mất nhiều năm để phát triển và khai thác

Thụy Điển - quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - cho biết họ có kế hoạch ưu tiên cho luật khoáng sản trong nhiệm kỳ sáu tháng.

LKAB cho biết sẽ mất nhiều năm để phát triển và khai thác mỏ đất hiếm mới. Ông Moström cũng nhấn mạnh những thách thức pháp lý phía trước. Công ty cho biết dựa trên các mốc thời gian hiện tại để xin giấy phép, có thể mất 10-15 năm, thậm chí hơn.

Ông Moström hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình này. Công ty có kế hoạch nộp đơn xin nhượng quyền khai thác vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ông Jan Moström nói sẽ mất vài năm nữa để xác định mỏ chứa những gì. “Chúng tôi đang có các hoạt động thăm dò đang diễn ra tại mỏ này. Chúng tôi thực sự không biết mỏ này lớn tới mức nào”, ông nói thêm.

Các mỏ đất hiếm - trái với tên gọi - thực chất khá phổ biến ở nhiều khu vực địa lý. Tuy nhiên, việc khai thác mới là phần thách thức nhất, do quy trình xử lý phức tạp và các tác động môi trường nghiêm trọng.

Theo Financial Times, hiện tại, hơn 80% công suất xử lý đất hiếm của thế giới là ở Trung Quốc. EU dự đoán nhu cầu về nguyên liệu sử dụng trong động cơ ôtô điện và tua-bin gió sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030.

"Giờ chưa hành động nhanh chóng là đã thua"

Thông báo của LKAB vấp phải lo ngại từ các thành viên của cộng đồng bản địa Sami trong khu vực. Họ cho rằng việc phát triển mỏ sẽ chia cắt khu vực chăn tuần lộc truyền thống và tổn hại tới quyền thực hành văn hóa.

Người Sami sẽ buộc phải “từ bỏ đất đai, văn hóa, địa danh, truyền thống và tương lai của người Sami ở khu vực mà tổ tiên chúng tôi đã sinh sống từ thời cổ đại”, đại diện cộng đồng cho biết.

Cộng đồng Kiruna - khu dân cư gần mỏ nhất và nơi một mỏ quặng sắt đang hoạt động - hiện phải tái định cư vì hoạt động khai thác ảnh hưởng đến tính ổn định của đất. Thành phố đang trong quá trình di dời dân và các tòa nhà, bao gồm cả nhà thờ gỗ mang tính biểu tượng hơn 100 năm tuổi.

EU đặt mục tiêu tự cung tự cấp nguyên liệu thô lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi khối tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài, đồng thời củng cố tham vọng thúc đẩy công nghệ xanh của nội khối.

Ủy ban Châu Âu đang hiện thực hóa các kế hoạch nới lỏng rào cản pháp lý trong khai thác và sản xuất các vật liệu quan trọng cần thiết cho trang trại gió, tấm pin Mặt Trời và xe điện.

Mọi thứ càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh Mỹ đưa ra Đạo luật giảm lạm phát trị giá 369 tỷ USD, trong đó cung cấp khoản trợ cấp công nghiệp khổng lồ thúc đẩy công nghệ xanh ở Mỹ.

Kế hoạch ở Washington gây lo ngại về “cuộc di cư xanh” từ EU qua Đại Tây Dương. Nhiều người phàn nàn về “những nỗ lực tích cực” của Mỹ nhằm “thu hút” các công ty EU.

Trong nỗ lực giảm khí thải carbon, EU cũng thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải với ôtô, đến mức các nhà sản xuất hiện trong quá trình chuyển hoàn toàn sang ôtô điện. Điều này khiến ngành công nghiệp phải vật lộn đảm bảo đủ số lượng nguyên liệu thô cho các phương tiện.

Với ước tính đến năm 2025, cứ 4 chiếc ôtô mới được bán ở EU có thể là một mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện, giới lãnh đạo ngành đang thúc giục Brussels làm nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô.

“Châu Âu cần một cơ quan về nguyên liệu thô chiến lược. Ai không thể hành động nhanh chóng trong thời điểm này là đã thua”, Hildegard Müller - Chủ tịch VDA, hiệp hội ngành công nghiệp ôtô Đức - nói.

(Nguồn: Zing News)

BẦU CỬ TỔNG THỐNG SÉC: CHUNG KẾT GIỮA ỨNG VIÊN PETR PAVEL VÀ ANDREJ BABIS

Vòng 1 bầu cử tổng thống 2023 tại Séc đã kết thúc với phần thắng thuộc về cựu đại diện quân đội Séc và NATO Petr Pavel khi hơn người về nhì 0,4%. Do ứng viên Pavel chưa giành được trên 50% số phiếu, cuộc bầu cử sẽ phải tiến hành vòng 2 cho 2 người có số phiếu cao nhất tại vòng 1, sẽ diễn ra vào 27-28/1.

Với 100% số phiếu được kiểm, cựu đại diện quân đội Séc và NATO Pavel đã giành được 35,4% phiếu bầu, hơn người thứ hai là cựu Thủ tướng Babis với 34,99%. Nhà kinh tế Danuse Nerudova về thứ ba với 13,92% phiếu bầu. Các vị trí tiếp theo thuộc về các ứng viên Pavel Fischer với 6,75%, Jaroslav Basta với 4,45%, Marek Hilser với 2,56%, Karl Divis với 1,35% và Tomas Zima với 0,55%. Vòng 1 của cuộc bầu cử năm nay cũng ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục so với các cuộc bầu cử Tổng thống trước đó khi đạt 68,24%.

Việc cả hai ứng viên đứng đầu đều giành được mức 35% là một điều gây bất ngờ đối với nhiều người. Tuy nhiên, do không ai giành được trên 50% số phiếu bầu, hai ứng cử viên hàng đầu gồm Pavel và Babis sẽ phải bước vào vòng hai diễn ra vào ngày 27-28/1.

Theo các nhà phân tích chính trị, đây được cho là cuộc chiến khá cân sức. Mặc dù ứng viên Pavel có thể thu hút một phần lớn cử tri của các ứng cử viên thất bại tại vòng 1, nhưng ứng cử viên Babis lại có thể gây bất ngờ trong chiến dịch tranh cử.

Hiện ứng viên Pavel đang có một chút lợi thế hơn đối thủ khi ba ứng viên vừa thất bại là Nerudova, Fischer và Hilser đều đã cam kết ủng hộ ông tại vòng 2. Trong một tuyên bố ngay sau khi có kết quả, ứng cử viên Pavel cũng đã thừa nhận sự ủng hộ từ các đối thủ đã bị đánh bại và tuyên bố rằng ông sẽ đàm phán với họ trong những ngày tới để xác định cách thức sự ủng hộ của họ sẽ được thể hiện trước cử tri.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Babis đã tỏ ra không hề nao núng khi nhanh chóng bắt đầu chiến dịch tranh cử bằng bài phát biểu của mình nhằm hạ uy tín của đối thủ, trong đó ông lưu ý rằng: Ở châu Âu hiện nay, tổng thống có thể là người đi lên từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng từng là một sĩ quan thì mới chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng không giống ông Putin, ông Pavel đã nhiều lần phải xin lỗi về quá khứ của mình. Và nếu ông Pavel bước vào lâu đài, điều đó sẽ không tốt cho người dân. Bởi khi đó, ông ấy sẽ chỉ thực hiện ý chí của chính phủ như phục tùng một nhà tài trợ.

Các chuyên gia tin rằng, ông Babis sẽ tăng cường hùng biện chống lại ông Pavel trong nỗ lực mang lại tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn trong vòng thứ hai, điều này có thể có lợi cho ông và khiến cuộc đua trở nên căng thẳng, hấp dẫn hơn đến phút cuối.

(Nguồn: VOV)

ANH LÊN ÁN IRAN VÌ VỤ XỬ TỬ ALIREZA AKBARI

(Ảnh minh hoạ).

Alireza Akbari, công dân có hai quốc tịch Anh-Iran, đã bị xử tử ở Iran.

Cựu thứ trưởng quốc phòng Iran đã bị bắt vào năm 2019 và bị kết tội làm gián điệp cho Vương quốc Anh, điều mà ông bác bỏ.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nói vụ hành quyết là một "hành động nhẫn tâm và hèn nhát, được thực hiện bởi một chế độ man rợ".

Ông Sunak nói rằng Iran "không tôn trọng quyền con người của chính người dân của họ".

Iran đăng một đoạn video của ông Akbari vào đầu tuần này cho thấy những gì dường như là lời thú nhận bị ép buộc.

Tuy nhiên, BBC tiếng Ba Tư hôm thứ Tư đã phát đi một thông điệp ghi âm từ ông Akbari, trong đó ông nói rằng mình đã bị tra tấn và buộc phải thú nhận trước máy quay những tội ác mà ông không hề phạm phải.

Hoa Kỳ kêu gọi Iran không xử tử ông Akbari.

Tổ chức nhân quyền Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Vương quốc Anh điều tra những cáo buộc rằng ông Akbari đã bị tra tấn trước khi chết.

Trong khi đó, Pháp đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Iran tại Paris về vụ hành quyết ông Akbari.

Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Iran đã xấu đi trong những tháng gần đây kể từ khi Anh áp đặt lệnh trừng phạt đối với cảnh sát đạo đức của Iran và các nhân vật an ninh hàng đầu khác, để đáp trả cuộc đàn áp bạo lực của nước này đối với những người biểu tình chống chính phủ.

Iran đã bắt giữ hàng chục người Iran có hai quốc tịch hoặc thường trú nhân nước ngoài trong những năm gần đây, chủ yếu về tội gián điệp và an ninh quốc gia.

Công dân Anh gốc Iran Nazanin Zaghari-Ratcliffe và Anoosheh Ashoori đã được trả tự do và được phép rời khỏi Iran vào năm ngoái sau khi Anh giải quyết khoản nợ lâu dài với Iran.

Tuy nhiên, ít nhất hai người Anh gốc Iran khác vẫn bị giam giữ, bao gồm Morad Tahbaz, người cũng có quốc tịch Hoa Kỳ.

(Nguồn: BBC)

NGÀNH CÔNG NGHIỆP CỦA ĐỨC VƯỢT QUA CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG TỒI TỆ NHẤT

Các công ty trong lĩnh vực công nghiệp của Đức như BASF SE từng phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, nhưng đang có những dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua.

Những lo ngại về vấn đề hạn chế khí đốt sau xung đột Nga-Ukraine đã tan biến đối với các nhà sản xuất hóa chất, kim loại và thủy tinh của nước này trong bối cảnh nhiệt độ ôn hòa và Đức hoàn thành kho cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên. Các công ty cũng chuyển sang mua khí đốt và điện trên thị trường giao ngay thay vì các thỏa thuận dài hạn đã gặt hái được nhiều lợi ích.

Christopher Profitlich, phát ngôn viên của SKW Piesteritz GmbH cho biết: “Giá năng lượng thấp hơn đáng kể đối với chúng tôi sau khi công ty đã buộc phải ngừng sản xuất amoniac hóa chất cơ bản vào năm ngoái sau khi giá khí đốt tăng cao. Các máy móc của chúng tôi đều đang hoạt động và tất cả nhân viên sản xuất của chúng tôi đã hoạt động trở lại”.

Chính sách xoay trục của Đức nhằm loại bỏ khí đốt của Nga đang được đền đáp. Chính phủ đã gấp rút khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường, đẩy mạnh nhập khẩu vào châu Âu lên mức cao kỷ lục và giữ cho các kho lưu trữ gần đầy trong suốt đầu mùa đông. Nước này cũng đã nhanh chóng xây dựng các kho cảng LNG.

Wolfgang Große Entrup, người đứng đầu hiệp hội ngành hóa chất VCI của Đức cho biết: “Có vẻ như nguy cơ buộc phải phân phối khí đốt đã biến mất trong mùa đông này. Nhưng giá sẽ cần phải ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn để hầu hết các công ty thấy được sự khác biệt thực sự”.

Giá khí đốt tăng cao đã buộc nhiều công ty trong lĩnh vực công nghiệp phải hạn chế sản lượng. Các nhà sản xuất lớn bao gồm nhà sản xuất ô tô Volkswagen AG và công ty hóa chất khổng lồ BASF đã vạch ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn do Nga đã ngừng cung cấp khí đốt trực tiếp kể từ tháng 9.

Mặc dù giá đã bắt đầu giảm, nhưng chúng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang tháng 2/2022. Nhằm đối phó với cú sốc về giá, các công ty cho biết khách hàng trong nhiều trường hợp đã chuyển sang nơi khác, chẳng hạn như tìm nguồn cung ứng các bộ phận nhôm từ Mỹ hoặc châu Á.

Marius Baader, Giám đốc điều hành của Aluminium Deutschland cho biết: “Cảm giác về ngày tận thế đã tan biến. Nhưng vẫn chưa có lý do gì để ăn mừng cả”.

Lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm bớt. Các nhà kinh tế đã dự đoán một cuộc suy thoái trong tháng 9 sau khi các thước đo về niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống và các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng báo hiệu sự sụt giảm sản lượng. Bây giờ nền kinh tế rộng lớn hơn dường như đang đi ngang thay vì thu hẹp lại.

Matthias Frederichs, người đứng đầu hiệp hội các nhà sản xuất vật liệu xây dựng BV cho biết: “Tình hình cung cấp năng lượng ổn định hiện nay đảm bảo rằng sản xuất được đảm bảo trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm".

(Nguồn: Tin Nhanh Chứng Khoán)

ĐỨC THẬN TRỌNG TRONG VIỆN TRỢ VŨ KHÍ CHO UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Đức sẽ tiếp tục cân nhắc một cách thận trọng và tham khảo ý kiến của các đồng minh về việc chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine.

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc cung cấp xe tăng chiến đấu do Đức sản xuất cho Kiev.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức đã viện trợ quân sự đáng kể cho quốc gia Đông Âu này, trong đó bao gồm pháo, pháo phòng không tự hành Gepard và hệ thống IRIS-T đầu tiên trong số 4 hệ thống tên lửa đất đối không dự kiến được Berlin chuyển giao cho Ukraine cho đến năm tới.

Tuần trước, Đức thông báo sẽ gửi 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot.

Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều từ Đức phàn nàn về việc Thủ tướng nước này Olaf Scholz do dự trong việc đưa ra những quyết định tiếp theo trong việc chuyển giao thêm vũ khí. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Đức sẽ không đơn độc trong việc chuyển giao vũ khí, nhưng khẳng định rằng không muốn NATO trở thành một bên trong cuộc chiến với Nga.

Liên quan tới viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong tuần đầu của tháng 1, Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá hơn 3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 50 thiết giáp Bradley cùng 250.000 viên đạn pháo của chúng.

"Đây là gói viện trợ trợ an ninh có tổng giá trị lớn nhất mà chúng tôi cam kết tới nay", trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Laura Cooper vào ngày 6/1 công bố. Gói viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Ukraine bao gồm 2,85 tỷ USD vũ khí rút ra từ kho dự trữ và 225 triệu USD hỗ trợ quân sự cho nước ngoài.

Gói viện trợ mới nhất không bao gồm xe tăng tiên tiến của phương Tây mà Ukraine đang tìm kiếm, nhưng được đánh giá vẫn cung cấp đáng kể hỏa lực bổ sung cho nước này. Trong gói viện trợ này có 50 thiết giáp M2 Bradley cùng 250.000 viên đạn pháo 25 mm của chúng.

Gói hỗ trợ này cũng bao gồm 50 tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, 100 thiết giáp M113, 50 thiết giáp kháng mìn, 18 pháo tự hành 155 mm, đạn pháo, đạn súng cối, đạn tên lửa phòng không và nhiều loại vũ khí cá nhân khác. Tổng số hỗ trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022 là hơn 24,2 tỷ USD.

(Nguồn: VTV)

(Xem thêm:

=> EU: Nguy cơ thiếu dầu cọ; Đảo nhân tạo; Pháp lạm phát kỷ lục; Đức: Bộ trưởng QP sắp từ chức, đa dạng nguồn cung khí đốt ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang