EU: Nguy cơ thiếu dầu cọ; Đảo nhân tạo; Pháp lạm phát kỷ lục; Đức: Bộ trưởng QP sắp từ chức, đa dạng nguồn cung khí đốt

LÝ DO NHÀ SẢN XUẤT DẦU CỌ LỚN THỨ 2 THẾ GIỚI CÂN NHẮC CẤM XUẤT KHẨU DẦU CỌ SANG EU

(Ảnh minh hoạ).

Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới - cho biết họ có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang Liên minh châu Âu (EU) sau khi khối này áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với dầu ăn để ngăn chặn nạn phá rừng.

Theo hãng tin Reuters (Anh), theo quy định mới của EU, dầu cọ - cũng như các hàng hóa khác - sẽ bị cấm bán nếu liên quan tới hoạt động phá rừng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá hủy rừng.

Trong nhiều năm qua, Malaysia và Indonesia đã bất đồng với EU về các hạn chế nhập khẩu dầu cọ. Hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới coi các hạn chế này là các rào cản thương mại và đã đưa ra các biện pháp bảo hộ đối với ngành công nghiệp hạt có dầu trong nước.

Quy định bảo vệ rừng của EU được đưa ra nhằm bổ sung vào các tiêu chuẩn về năng lượng tái tạo của khối này. EU đã công bố các tiêu chuẩn này hồi năm 2018, yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu chiết xuất từ cọ vào năm 2030. Khối này cũng áp đặt giới hạn an toàn riêng đối với chất este 3-MCPD gây ô nhiễm thực phẩm cho dầu cọ, cao hơn các loại dầu có nguồn gốc từ cây trồng như đậu tương, cải dầu và hướng dương.

Indonesia và Malaysia, chiếm 85% lượng xuất khẩu dầu cọ của thế giới, đã đệ đơn kiện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối quy định về năng lượng tái tạo của EU.

Các nhà sản xuất dầu cọ cho biết họ đã thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của EU - bao gồm đẩy mạnh các tiêu chuẩn chứng nhận dầu cọ bền vững quốc gia và cải thiện tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, EU vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế mới.

Theo giới chức EU, các quy định của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và nhằm mục đích đảm bảo sản xuất hàng hóa không tiếp tục thúc đẩy nạn phá rừng và suy giảm diện tích rừng.

Trên sàn giao dịch Bursa Malaysia, giá dầu cọ thô kỳ hạn vẫn chưa thay đổi trước phản ứng của Malaysia. Trong khi đó, một số thương nhân cho biết họ coi đó là dấu hiệu giảm giá.

Một số nhà kinh doanh trong ngành công nghiệp cọ cho rằng lệnh cấm là phản ứng quá gấp gáp, sẽ gây tổn hại cho ngành. Một số khác hoan nghênh Malaysia đã kiên quyết phản đối đề xuất về lệnh cấm.

Malaysia cho biết họ sẽ thảo luận với Indonesia về lệnh cấm và các chiến lược khác để đối phó với các biện pháp của EU. Hiện chưa rõ liệu Malaysia sẽ xem xét lệnh cấm xuất khẩu trực tiếp sang EU hay áp thuế đối với mặt hàng này.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cây trồng và Hàng hóa Malaysia Fadillah Yusof tuyên bố: “Nếu cần tập hợp các chuyên gia từ nước ngoài để đối phó với hành động của EU, chúng tôi sẽ làm vậy. Một lựa chọn khác của chúng tôi là ngừng xuất khẩu tới châu Âu và chỉ hướng đến các nước khác, nếu EU khiến chúng tôi gặp khó khăn trong xuất khẩu”.

EU chiếm 9,4% sản lượng xuất khẩu dầu cọ của Malaysia vào năm 2022. Dữ liệu của Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết lượng xuất khẩu sang khối này đã giảm kể từ năm 2015.

Năm 2022, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia sang EU giảm 10% so với năm trước xuống còn 1,47 triệu tấn, giảm 40% so với 2,43 triệu tấn trong năm 2015.

Hiệp hội dầu diesel sinh học Malaysia cũng đã kêu gọi giới chức trong ngành chấp nhận tình trạng các lô hàng nhiên liệu sinh học chiết xuất từ cây cọ sang EU sụt giảm liên tục.

Ngành công nghiệp dầu cọ chiếm khoảng 5% nền kinh tế Malaysia. Trong những năm gần đây, nước này đã tích cực khám phá các thị trường mới để bù đắp tổn thất từ châu Âu, bao gồm các nước nhập khẩu thực phẩm ở Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi.

Tuy nhiên, một số công ty sản xuất dầu cọ Malaysia có các nhà máy lọc dầu ở châu Âu lo ngại lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm gián đoạn hoạt động của họ.

(Nguồn: Soha)

THAM VỌNG DỰNG ĐẢO NHÂN TẠO ĐỂ CỨU THỦ ĐÔ ĐAN MẠCH

Dự án thiết kế bán đảo nhân tạo trị giá 439 triệu USD để bảo vệ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nhà hoạt động môi trường.

Một nhóm các nhà phát triển, kiến trúc sư và chuyên gia tham vấn môi trường đã khởi động một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng vào tháng 1/2022. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng một bán đảo nhân tạo rộng hơn 271 mẫu Anh với chức năng bảo vệ thủ đô Copenhagen của Đan Mạch trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi mực nước biển dâng cao.

Dự án nói trên được gọi là Lynetteholm và có tầm nhìn kéo dài trong 50 năm. Công ty phát triển bất động sản By & Havn tin rằng thiết kế tương tự như một lớp áo choàng là điều kiện tiên quyết giúp công trình tham vọng này bảo vệ thành phố cảng Copenhagen khỏi những cơn bão kinh hoàng và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.

Trong một chuyến thăm thực địa chuẩn bị cho Lynetteholm, Giám đốc vận hành Hans Vasehus của By & Havn, phát biểu: “Công nghệ dự báo thời tiết không thực sự phát triển. Do đó, nếu có thể, chúng ta buộc phải thay đổi”.

Tham vọng chế ngự nước biển dâng

Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự đoán mực nước biển toàn cầu sẽ dâng thêm 22,5-30 cm vào năm 2050. Tổ chức này cũng dự đoán Copenhagen sẽ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng nước biển dâng cao.

“Phần lớn Copenhagen và các khu vực lân cận sẽ chịu cảnh ngập lụt”, ông Vasehus nói. “Hệ thống tàu điện ngầm sẽ bị ngập và trong trường hợp xấu nhất sẽ phải dừng hoạt động trong một năm. Copenhagen sẽ chịu tác động khủng khiếp”.

Trong bản phác thảo sơ bộ, Lynetteholm là một bán đảo nhân tạo hình cánh dơi với một con đập nhỏ phía tây để che chắn cảng của Copenhagen. Một đường bờ biển nhân tạo sẽ hướng ra Øresund trong khi một eo biển được thiết kế dẫn ra biển Baltic.

Các nhà thiết kế kỳ vọng Lynettholm sẽ vận hành như một lớp đệm có khả năng phản lại năng lượng sóng và làm tan các đợt sóng đập vào Copenhagen, theo CNN.

Nhóm kiến trúc sư cũng cho rằng đường bờ biển rộng và lởm chởm sẽ củng cố và thậm chí nâng cao lên trong trường hợp mực nước biển dâng quá mức dự báo.

Ole Schrøder thuộc Tredje Natur, một trong những công ty kiến trúc tham gia vào dự án, cho biết: “Thay vì đi cao theo phương thẳng đứng, chúng tôi nương vào chiều rộng”.

Khoảng 35.000 căn nhà mới dự kiến sẽ được xây trên các vùng đồng bằng của Lynetteholm. “Chúng tôi đang kiến tạo môi trường sống”, ông Schrøder nói. “Đây không đơn thuần là một bản thiết kế mà là một quá trình tạo dựng sẽ phát triển theo thời gian”.

Làn sóng phản đối

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng trị giá 439 triệu USD này cũng vấp phải vô số chỉ trích. Những người phản đối dự án Lynetteholm lo ngại việc xây dựng bán đảo nhân tạo này hủy hoại môi trường sống và làm ô nhiễm các vùng nước xung quanh, đồng thời đầu độc các bến cảng của thành phố và làm xáo trộn sự cân bằng của biển Baltic.

Kế hoạch Lynetteholm được thông qua sau một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Đan Mạch vào tháng 6/2021. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của công chúng, thậm chí nhiều người còn nỗ lực khởi động các chiến dịch pháp lý để đảo ngược quyết định.

Khoảng 16.000 người thuộc nhóm biểu tình “Dừng Lynetteholm!” đã kéo đến bên ngoài trụ sở Quốc hội Đan Mạch với nhiều biểu ngữ và mặc trang phục hóa trang hình cừu.

Tháng 6/2021, tổ chức khí hậu Klimabevægelsen đã gửi thỉnh nguyện thư lên Nghị viện châu Âu với cáo buộc rằng chính phủ Đan Mạch vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) khi không thực hiện đầy đủ đánh giá về mức độ tác động môi trường của Lynetteholm. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác đơn này vào tháng 9/2021.

Tại buổi lễ đánh dấu việc khởi công Lynetteholm vào tháng 1/2022, khi tiến hành lễ động thổ, Thị trưởng Copenhagen Sophie Hæstorp Andersen, Giám đốc sở giao thông Copenhagen Benny Engelbrecht và Giám đốc điều hành By & Havn Anne Skovbro đã bị nhiều người biểu tình bao vây và bày tỏ sự phản đối. Một số người biểu tình thậm chí còn nằm trên mặt đất suốt buổi lễ, theo Copenhagen Post.

Một trong những luồng chỉ trích mạnh mẽ nhất nhắm vào vấn đề vị trí của Lynetteholm. Nhiều người cho rằng dự án này sẽ hủy hoại môi trường sinh thái và diệt tuyệt các loài bản địa. By & Havn cũng buộc phải thay đổi kế hoạch xây dựng sau khi những người phản đối lập luận rằng việc đổ đất đào lên bến cảng của Copenhagen có thể làm ô nhiễm nước và gây hại cho động vật hoang dã.

Ngân sách khổng lồ chi cho Lynetteholm cũng là một khía cạnh khiến dự án này chịu nhiều chỉ trích. Giai đoạn xây dựng ban đầu được cho là tiêu tốn 300 triệu krone Đan Mạch (khoảng 43 triệu USD), nhưng By & Havn thừa nhận ngân sách có thể sẽ gấp hơn 10 lần số tiền đó. Toàn bộ ngân sách của dự án hiện ở mức 70 tỷ krone Đan Mạch (tức 9,9 tỷ USD).

“Chúng tôi quyết định sống ở Copenhagen vì nơi đây là một thành phố tuyệt vời để sống”, Marcello Morns, một người biểu tình, nói. “Và bằng cách nào đó, bây giờ nó (Copenhagen) sẽ trở thành một dự án xây dựng. Lynetteholm sẽ khiến Copenhagen trở nên ồn ào và bẩn thỉu trong suốt quãng đời còn lại của tôi”.

(Nguồn: Zing News)

LẠM PHÁT TẠI PHÁP NĂM 2022 TĂNG KỶ LỤC SAU GẦN 40 NĂM

(Ảnh minh hoạ).

Theo Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee), tỷ lệ lạm phát tại Pháp trong năm 2022 đứng ở mức 5,2% và là cao nhất trong gần 40 năm qua, trong đó tăng mạnh nhất là lĩnh vực năng lượng và lương thực thực phẩm.

Trong báo cáo công bố hôm qua (13/1), Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee) cho biết, mức lạm phát tại Pháp đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm qua, từ 1,6% năm 2021 lên 5,2% năm 2022 và là cao nhất trong 40 năm qua. Năng lượng là lĩnh vực ghi nhận mức lạm phát tăng cao nhất với 23,1%, tiếp đến là nhóm các mặt hàng lương thực thực phẩm với 6,8% và sau đó là các sản phẩm chế biến và dịch vụ tăng khoảng 3%.

Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao bắt nguồn từ cuộc xung đột tại Ukraine, dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây khiến giá năng lượng bùng nổ, khi luôn đứng ở mức trên dưới 30% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo Viện Insee, ngay cả khi loại bỏ các yếu tố lạm phát tạm thời trong giá dầu, khí đốt hay thực phẩm thì tỷ lệ lạm phát cơ bản tại Pháp năm 2022 vẫn ở mức trung bình 3,9%, tăng mạnh so với năm 2021 là 1,1%. Viện Insee cũng cảnh báo dù tỷ lệ lạm phát đang có dấu hiệu giảm nhẹ với 5,9% trong tháng 12/2022 nhưng hoàn toàn có thể tăng cao trở lại lên mức 7% trong hai tháng đầu năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là lĩnh vực năng lượng. Lý do chính đến từ việc các biện pháp lá chắn năng lượng đã bị bãi bỏ từ đầu năm 2023 và giá điện cùng khí đốt sẽ được phép tăng trần thêm 15% kể ngày 1/2/2023. Ngoài ra phải kể đến sự tăng giá của các mặt hàng lương thực thực phẩm và thuốc lá.

Ngân hàng Trung ương Pháp trước đó cũng đã đưa ra các dự báo về kinh tế vĩ mô nhấn mạnh lạm phát tại Pháp có thể lập đỉnh mới trong quý 1/2023, dao động từ 7-8%, trước khi giảm dần trong những tháng cuối năm và đứng ở mức trung bình 4% trong cả năm 2023.

Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo tỷ lệ lạm phát tại Pháp năm 2023 là 4,4%, và nằm trong số ít quốc gia có mức lạm phát thấp hơn mức lạm phát trung bình dự báo là 6,1% của khu vực đồng euro, nhất là so với nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Đức (7,5%), Italy (6,6%) hay các nước Trung và Đông Âu với trên dưới 10%. Theo Cơ quan này, mục tiêu khống chế lạm phát ở mức 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra sẽ khó có thể đạt được trước năm 2025.

(Nguồn: CafeF)

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ĐỨC SẮP TỪ CHỨC?

Nếu thông tin là chính xác, bà Christine Lambrecht sẽ là thành viên cao cấp nhất trong Nội các của Thủ tướng Scholz phải từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht có kế hoạch từ chức, một nguồn tin chính phủ cho biết hôm 13/1. Điều này có khả năng làm tăng thêm các vấn đề cho Thủ tướng Olaf Scholz khi ông thận trọng tìm cách tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Thông tin trên được các báo của Đức đưa, bao gồm đầu tiên là tờ Bild, sau đó là báo Süddeutsche Zeitung. Cả hai tờ báo đều trích dẫn các nguồn giấu tên và cho biết bà Lambrecht có thể từ chức ngay trong tuần tới.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức mô tả các báo cáo là “tin đồn mà chúng tôi không bình luận”. Người phát ngôn của Chính phủ Đức cũng không bình luận.

Tin tức này xuất hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức hứng chỉ trích vì thông điệp Năm mới đăng trên mạng xã hội, trong đó bà Lambrecht đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine trên nền pháo hoa.

Các thành viên của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đối lập đã chỉ trích thông điệp của bà và kêu gọi bà từ chức.

Bà Lambrecht thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Scholz. Ông Scholz cho biết ông vẫn tin tưởng vào bà Lambrecht sau sự cố video bị chỉ trích.

Tuy nhiên, bản thân ông Scholz cũng đang chịu áp lực phải chấp thuận tăng cường hỗ trợ quân sự quốc tế cho Kiev để giúp Ukraine đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ của mình.

Bà Lambrecht cũng hứng chỉ trích hồi tháng 5/2022 sau khi có thông tin cho rằng bà để cho cậu con trai 21 tuổi của mình bay trên một chiếc trực thăng của Quân đội Đức (Bundeswehr) đến hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng ở miền bắc đất nước là đảo Sylt.

Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, bà cũng ở trên tuyến đầu trong nhiều cuộc tranh cãi và bị chỉ trích gay gắt vào năm 2022 liên quan đến những thiết bị quân sự mà Đức gửi cho Ukraine và về những khó khăn mà Bundeswehr phải đối mặt ở ngay trong nước.

Nếu các báo cáo hôm 13/1 là chính xác, bà Lambrecht sẽ là thành viên cao cấp nhất trong Nội các của Thủ tướng Scholz phải từ chức.

Hai cái tên được cho là những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức đều là thành viên SPD, bao gồm Ủy viên Quốc phòng Quốc hội Đức Eva Högl, và Thứ trưởng Quốc phòng Đức Siemtje Möller

(Nguồn: Người Đưa Tin)

ĐỨC TÌM CÁCH ĐA DẠNG HÓA NGUỒN CUNG NĂNG LƯỢNG SAU KHI NGA CẮT GIẢM KHÍ ĐỐT

(Ảnh minh hoạ).

Đức đang đàm phán với Iraq về khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ quốc gia giàu dầu mỏ này nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng vốn đang trong tình trạng thiếu hụt sau khi Nga cắt giảm khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iraq Mohammed Shia al-Sudani đang ở thăm Đức, Thủ tướng Olaf Scholz, mặc dù không cho biết chi tiết về khối lượng khí đốt mà Đức hy vọng sẽ nhập khẩu từ Iraq, nhưng khẳng định: “Chúng tôi cũng đã thảo luận về khả năng cung cấp khí đốt cho Đức và đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau”.

Về phần mình, ông al-Sudani cho rằng Baghdad đã tạo cơ hội cho các công ty Đức đầu tư vào lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Iraq cũng như khí đốt được tạo ra như một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất dầu mỏ. Theo ông al-Sudani, Iraq muốn vận chuyển khí đốt thông qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq muốn thảo luận với nhà lãnh đạo quốc gia đầu tàu châu Âu Olaf Scholz về các dự án nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên tại Iraq. Cơ quan báo chí của Thủ tướng Iraq cho biết Thủ tướng Mohammad Shia al-Sudani dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ với công ty Siemens Energy của Đức nhằm mở đường cho việc phục hồi và bảo trì lưới điện của Iraq. Theo cơ quan trên, đây là kế hoạch đầy hứa hẹn để phát triển ngành điện, theo đó thúc đẩy sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Là quốc gia nhiều giàu mỏ, song cơ sở hạ tầng của Iraq đổ nát sau nhiều năm xung đột và nước này phụ thuộc vào nước láng giềng Iran để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), tình trạng mất điện thường xuyên kéo dài từ 4 đến 10 giờ đồng hồ mỗi ngày, khiến 42 triệu dân Iraq gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ Iraq đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nguồn cung điện. Tháng trước, Thủ tướng Sudani cũng đã gặp người đồng cấp Italy Giorgia Meloni ở Baghdad, kêu gọi thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> EU: Luật đóng gói bao bì; Mỏ đất hiếm lớn nhất; Anh rà soát visa 'vàng'; Đức: Chống mở rộng mỏ than, mua dầu từ Kazakhstan ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang