Đông Nam Á cháy bỏng; UAV Ukraine tập kích Nga; Bà cờ điều binh; Thảm họa bạo lực ở Myanmar; Israel nhượng bộ tại Gaza

ĐÔNG NAM Á CHÁY BỎNG

Em Daryl Siongco, 7 tuổi, đổ mồ hôi đầm đìa khi làm bài tập ở nhà tại TP Quezon, gần thủ đô Manila - Philippines hôm 2-4.

Trường của em phải đóng cửa ngày hôm đó vì nhiệt độ cao, gần đây có lúc tăng lên 35 độ C. Em kể đi học vào những tháng hè (từ tháng 3-5) rất mệt, bởi lớp của em có 40 học sinh nhưng chỉ có 2 quạt điện.

Theo tờ The Straits Times, nắng nóng khắc nghiệt đã khiến Bộ Giáo dục Philippines cho phép các trường dạy học từ xa hoặc tạm đóng cửa.

Ngoài ra, nước này đang trong kế hoạch chuyển năm học trở lại từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau do giáo viên và học sinh phàn nàn về thời tiết mùa hè khắc nghiệt. Vào năm 2020, năm học ở Philippines bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 5 để đồng bộ với các quốc gia khác.

Không chỉ Philippines, hiện tượng El Nino đã mang đến thời tiết nóng hơn, khô hơn ở Đông Nam Á. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, dù đang suy yếu dần nhưng El Nino vẫn tiếp tục gây ra tình trạng nhiệt độ trên mức trung bình khắp thế giới.

Một số vùng tại Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar chịu đựng nhiệt độ lên tới 40 độ C trong tháng 3. Nhiệt độ từ 35 độ C trở lên cũng được ghi nhận ở Malaysia, Indonesia và Philippines vào tháng rồi, theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ.

Tại Singapore, một số trường học không buộc học sinh mặc đồng phục vào cuối tháng 3 vừa qua mà cho phép mặc đồ thể dục. Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan cho biết nhiệt độ có thể lên tới 43-44,5 độ C trong tháng này. Người dân được cảnh báo sẵn sàng đối mặt với nhiệt độ dự kiến cao hơn bình thường khoảng 30%.

Còn tại Malaysia, nhiều trường hợp gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến nhiệt độ cao đã được báo cáo trong 3 tháng đầu năm 2024. Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia và lực lượng vũ trang nước này đang xem xét làm mưa nhân tạo ở một số khu vực để hạ nhiệt. Nhà chức trách còn lên kế hoạch giám sát 650 điểm nóng trên toàn quốc để ngăn cháy rừng bùng phát thêm.

Thời tiết cực đoan cũng làm nhiều nông dân tại Đông Nam Á lo ngại nguy cơ thiếu nước sẽ kéo giảm năng suất. Nỗi lo thiếu gạo do khô hạn khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 12-2023 ra lệnh cho quân đội hỗ trợ nông dân trồng lúa.

Ông Dave Sivaprasad, chuyên gia tại Công ty tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ), nhận định diễn biến nói trên là lời nhắc nhở đối với chính phủ các nước Đông Nam Á rằng khu vực này vẫn cực kỳ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Theo ông Sivaprasad, điều khu vực này cần làm là có các biện pháp thích ứng và tăng khả năng phục hồi.

NGA ĐÁNH CHẶN LOẠT UAV CỦA UKRAINE

Nga tuyên bố đánh chặn hơn 50 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đêm 4/4, rạng sáng 5/4.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/4 cho biết, các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn hơn 50 UAV của Ukraine trong đêm. Trong đó, 44 UAV bị bắn hạ tại khu vực Rostov.

Theo các quan chức địa phương, một trạm biến áp điện đã bị hư hại sau cuộc tập kích của Kiev.

Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev cho biết vụ tấn công diễn ra tại quận Morozovsk, cách trung tâm hành chính Rostov-on-Don khoảng 190km về phía tây và nằm gần tiền tuyến hơn.

Ngoài ra, hệ thống phòng không của Nga đã đánh chặn các UAV của Kiev tại khu vực Saratov, Kursk và Belgorod. Mỗi khu vực trên có một UAV bị bắn hạ, riêng tại vùng Krasnodar có tới 6 chiếc.

Người đứng đầu vùng Saratov, ông Roman Busargin báo cáo thành phố Engels, nơi Nga đặt căn cứ không quân lớn, cũng bị tấn công, song không có thiệt hại.

Bên cạnh đó, Thống đốc vùng Kursk Roman Starovoyt cũng cho biết, 2 UAV của Kiev đã tập kích vào một ngôi làng trong vùng. Một số tòa nhà và ô tô bị hư hại, nhưng không ghi nhận thương vong.

Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Mục tiêu được ưu tiên nhắm đến hiện tại là cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga.

Theo The Guardian, một số cơ quan của Ukraine tuyên bố "họ không có lựa chọn nào khác ngoài kế hoạch này" do tiến độ trên chiến trường không đạt kỳ vọng.

Vấn đề này cũng đã được nêu ra trong cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ở Paris hồi giữa tuần.

Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Washington "không ủng hộ cũng như không cho phép Ukraine tổ chức các đợt tấn công bên ngoài lãnh thổ quốc gia".

Tuy nhiên, quan chức Pháp cho rằng: "Ukraine đang hành động để tự vệ, vậy nên các cuộc tấn công đó không cần bàn cãi".

Đến nay, phương Tây tiếp tục chia rẽ về việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và việc liệu các đồng minh có đưa quân đến hỗ trợ Ukraine hay không.

Trong khi một số nước cho rằng Kiev có quyền tập kích vào lãnh thổ Nga để tự vệ, số khác cảnh báo hành động đó có thể khiến xung đột leo thang, vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

Về ý tưởng đưa quân đến Ukraine, phương Tây cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau. Trong khi đa số phản đối kế hoạch này, Pháp và một số nước khác như Estonia không loại trừ khả năng đó.

Theo nguồn tin của Pravda, ý tưởng này đã gây bất hòa giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Nguồn tin của Pravda cho hay, tại cuộc họp của lãnh đạo khoảng 20 quốc gia châu Âu vào cuối tháng 2, một số nhà lãnh đạo tỏ ra gay gắt với ý tưởng đó, đặc biệt là Thủ tướng Scholz. Ông Scholz được cho là đã rất tức giận, cáo buộc ông Macron "cố gắng kéo mọi người vào Thế chiến III" và yêu cầu tạm dừng cuộc thảo luận.

Ông Macron dường như cũng đã chuẩn bị cho tình huống này và nói rằng một lá phiếu của Đức không quyết định được tất cả và ông sẽ tập hợp nhóm nước có chung quan điểm.

THẾ TRẬN ĐIỀU BINH CHIẾN SỰ NGA-UKRAINE

Sau hơn 2 năm xung đột, chiến trường Ukraine chứng kiến những diễn biến mới về lực lượng trong đó mở ra lo ngại có sự tham dự của binh sĩ bên thứ ba.

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước tuyên bố không loại trừ khả năng NATO đưa quân đến Ukraine đã dẫn đến lo ngại có thể khiến cuộc xung đột hiện nay tiến lên một cấp độ hoàn toàn mới. Chủ đề này cũng liên tục được giới chức Nga cảnh báo như một làn ranh đỏ mà các đồng minh của Ukraine không được phép vượt qua.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu một lần nữa cảnh báo nếu Pháp triển khai quân đến Ukraine sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Dù sao cuộc điện đàm này diễn ra cũng được coi là một tín hiệu tích cực vì đây là lần đầu tiên bộ trưởng quốc phòng hai nước có sự trao đổi trực tiếp kể từ tháng 10/2022.

Do tuyên bố gây tranh cãi nên bản thân Tổng thống Pháp Macron và Bộ trưởng Quốc phòng Lecornu liên tục khẳng định hiện Paris không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine tham chiến. Các nước NATO khác như Mỹ, Anh, Đức cũng nhận thức rõ mức độ nguy hiểm khó lường của động thái này nên liên tục phủ nhận ý tưởng của ông Macron.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/4 lại đưa ra bình luận rằng, Pháp có thể đưa hơn 1.500 quân nhân tới Ukraine vào tháng 4 tới.

Hiện, thông tin này chưa có quan chức Pháp nào xác nhận nhưng Bộ Ngoại giao nước này từng thông tin việc sẽ gửi chuyên viên rà phá bom mìn và các nhân viên phi chiến đấu khác tới Ukraine vào thời điểm thích hợp.

Cũng liên quan đến việc điều binh trên chiến trường, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo hôm 3/4 cho biết không thể nói chính xác Kiev cần điều động thêm bao nhiêu binh sĩ vào cuộc chiến. Nhưng ông cáo buộc phía Nga đang chuẩn bị tuyển mộ thêm 300.000 quân trước ngày 1/6 để tung vào mặt trận Ukraine.

Ngay lập tức, thông tin này bị quan chức Nga là người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ và cho rằng, đây là thông tin không đúng sự thật. Kế hoạch của Nga điều thêm quân tới Ukraine từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông tin khá chi tiết hồi tháng 12/2023. Ông cho biết, nước này có tổng cộng 617.000 quân tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó 244.000 người được huy động từ lực lượng dự bị vào mùa Thu năm 2022.

Đó là đợt điều động quân dự bị đầu tiên và duy nhất cho đến nay kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Moscow khẳng định hiện chưa có kế hoạch điều động lực lượng quân dự bị lần thứ hai như phía Ukraine cáo buộc, vì Nga vẫn đang có gần 500.000 binh sĩ đang có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng tham chiến bất cứ lúc nào.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, tính đến tháng 4/2024 đã có hơn 100.000 công dân Nga đăng ký tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự kể từ đầu năm, trong đó khoảng 16.000 người đăng ký sau vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Còn tại Ukraine, Tổng thống Zelensky hôm 2/4 đã ký một đạo luật cho phép nam giới tối thiểu 25 tuổi được nhập ngũ, giảm 2 tuổi so với quy định trước đó. Nước này cũng đang trong quá trình cải tổ hệ thống nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là trong việc tuyển quân để đáp ứng nhu cầu mới.

Những diễn biến mới trong việc điều binh khiển tướng đang diễn ra sôi động hiện nay là chỉ dấu cho thấy cuộc xung đột Ukraine rất khó có thể kết thúc sớm, ngược lại có thể biến đây trở thành cuộc giao tranh kéo dài trong lịch sử hiện đại.

THẢM HỌA BẠO LỰC TỒI TỆ NHẤT LỊCH SỬ MYANMAR

Xung đột leo thang và bạo lực tồi tệ nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội tiếp quản vào năm 2021 đang có tác động tàn khốc đến nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và nhu cầu cơ bản của hàng triệu người, cũng như “tác động lan tỏa đáng báo động” trong khu vực, các quan chức LHQ cho biết hôm 4/4.

Trợ lý Tổng thư ký về các vấn đề chính trị Khaled Khiari nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng “số thường dân thiệt mạng tiếp tục tăng” trong bối cảnh có những báo cáo về việc lực lượng vũ trang Myanmar ném bom bừa bãi và pháo kích của nhiều bên khác nhau.

Xung đột vũ trang trên toàn quốc ở Myanmar bắt đầu sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021 và đàn áp các cuộc biểu tình bất bạo động lan rộng đòi quay trở lại chế độ dân chủ.

Hàng ngàn thanh niên phải chạy trốn vào rừng núi ở các vùng biên giới xa xôi do bị quân đội đàn áp và có lý tưởng chung với lực lượng du kích dân tộc vốn đã dày công chiến đấu hàng chục năm với quân đội để giành quyền tự chủ.

Mặc dù có lợi thế lớn về vũ khí và nhân lực nhưng quân đội vẫn chưa thể dập tắt được phong trào kháng chiến. Trong 5 tháng qua, quân đội đã bị đánh tan tác ở bang Shan phía bắc, và đang phải nhượng lại nhiều vùng lãnh thổ ở bang Rakhine phía tây cũng như đang bị tấn công ngày càng nhiều ở những nơi khác.

Nhóm kháng chiến ủng hộ dân chủ chính của Myanmar hôm 4/4 cho biết cánh vũ trang của họ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay và trụ sở quân sự ở thủ đô Naypyitaw, nhưng quân đội cầm quyền nói rằng họ đã tiêu diệt các máy bay không người lái khi chúng tấn công. AP không thể xác minh độc lập hầu hết các chi tiết của vụ việc, nhưng việc quân đội thừa nhận rằng vụ việc xảy ra tại một trong những địa điểm được canh gác nghiêm ngặt nhất đất nước sẽ được nhiều người coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy họ đang mất thế chủ động.

Ông Khiari không đề cập đến vụ tấn công nhưng cho biết Hội đồng Tư vấn Thống nhất Quốc gia – được thành lập sau khi quân đội tiếp quản năm 2021 để thúc đẩy sự trở lại của nền dân chủ và bao gồm các nhóm dân tộc, chính trị, xã hội dân sự và các nhóm kháng chiến – đã triệu tập Quốc hội Nhân dân lần thứ hai vào hôm 4/4 “để xác định rõ hơn tầm nhìn chung của họ cho tương lai Myanmar”.

Ông chỉ ra cuộc giao tranh giữa lực lượng Arakan và quân đội ở bang Rakhine, bang nghèo nhất Myanmar, mà theo ông “đã đạt đến mức độ bạo lực chưa từng có”.

Ông Khiari cho biết “Quân đội Arakan được cho là đã giành được quyền kiểm soát lãnh thổ đối với hầu hết miền trung Rakhine và đang tìm cách mở rộng sang phía bắc Rakhine”, nơi có nhiều người Hồi giáo Rohingya thiểu số vẫn sinh sống.

Người Rakhine theo Phật giáo là nhóm dân tộc đa số ở Rakhine, còn được biết đến với tên cũ là Arakan và từ lâu đã tìm kiếm quyền tự trị. Họ đã thành lập lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt của riêng mình được gọi là Quân đội Arakan.

Các thành viên của cộng đồng thiểu số Rohingya từ lâu đã bị đàn áp ở Myanmar, nơi đa số theo Phật giáo. Khoảng 740.000 người đã trốn khỏi Myanmar đến các trại tị nạn ở Bangladesh khi quân đội phát động chiến dịch chống nổi dậy tàn bạo vào tháng 8/2017 nhằm đáp trả các cuộc tấn công ở Rakhine của một nhóm du kích tự xưng là đại diện cho người Rohingya.

Ông Khiari kêu gọi tất cả các bên ở Rakhine ủng hộ người Rohingya, những người đang bị mắc kẹt giữa cuộc xung đột và tiếp tục gặp phải “những hạn chế đáng kể” đối với quyền tự do đi lại cũng như bị từ chối quyền công dân và dễ bị bắt cóc hoặc bị ép nhập ngũ.

Ông Khiari cho biết cuộc khủng hoảng tiếp tục tràn qua biên giới và nói thêm rằng xung đột ở các khu vực biên giới trọng điểm đã làm suy yếu an ninh. Tình trạng vi phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các nền kinh tế bất hợp pháp phát triển mạnh, với những mạng lưới tội phạm săn lùng những người dễ bị tổn thương và không có sinh kế.

“Myanmar đã trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất methamphetamine và thuốc phiện, cùng với tình trạng mở rộng nhanh chóng của các hoạt động lừa đảo qua mạng toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực biên giới”, ông nói. “Tình trạng lúc đầu là một mối đe dọa tội phạm khu vực ở Đông Nam Á thì giờ đây trở thành một cuộc khủng hoảng buôn bán người và thương mại bất hợp pháp tràn lan với những tác động toàn cầu”.

Quan chức nhân đạo cấp cao của Liên Hiệp Quốc Lisa Doughten nói tình trạng leo thang đang diễn ra đã khiến 12,9 triệu người – gần 25% dân số Myanmar – không có đủ lương thực, đồng thời nhấn mạnh rằng trẻ em và phụ nữ mang thai phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Bà Doughten cho biết hệ thống y tế cũng đang trong tình trạng hỗn loạn, cạn kiệt thuốc men. Bà kêu gọi tài trợ khẩn cấp để hỗ trợ hàng triệu người đang gặp khó khăn, và cho biết lời kêu gọi để có số tiền 887 triệu USD vào năm 2023 chỉ nhận được tài trợ 44%, khiến 1,1 triệu người bị cắt viện trợ.

Cả ông Khiari và bà Doughten đều lặp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về một phản ứng quốc tế thống nhất trước cuộc xung đột đang leo thang và đặc biệt là các nước láng giềng sử dụng ảnh hưởng của mình để mở các kênh nhân đạo, chấm dứt bạo lực và tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Ông Khiari cho biết ông Guterres có ý định sớm bổ nhiệm một đặc phái viên mới của LHQ tại Myanmar để sớm hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên và các bên quan trọng khác nhằm hướng tới những mục tiêu đó.

Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward nói với hội đồng rằng “quân đội Myanmar từ chối tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”.

Nhưng bà nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không để cho Myanmar trở thành một cuộc khủng hoảng bị lãng quên”.

Gọi Myanmar là “người bạn lâu năm và đối tác thân thiết”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phản đối cuộc họp, nói rằng nước này không đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.

Ông cáo buộc các quốc gia phương Tây hỗ trợ các nhóm đối lập có vũ trang và gây bất ổn ở Rakhine cũng như các trại dành cho người di tản “nhằm thúc đẩy các mối quan tâm địa chính trị của họ trong khu vực”.

MỸ GIA TĂNG ÁP LỰC, ISRAEL BẮT ĐẦU NHƯỢNG BỘ TẠI GAZA

Sau cuộc điện đàm căng thẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý tạo điều kiện cho hàng cứu trợ vào Dải Gaza.

Tờ The Times of Israel ngày 5.4 dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay chính phủ nước này vừa đồng ý lập tức tiến hành các biện pháp cải thiện tình hình nhân đạo ở Dải Gaza. Cụ thể, Israel sẽ tạm mở cửa khẩu Erez ở phía bắc Gaza lần đầu tiên kể từ khi cửa khẩu này bị thiệt hại đáng kể do Hamas tấn công hôm 7.10.2023. Ngoài ra, Israel sẽ tạm mở cảng Ashdod của nước này đối với hàng viện trợ cho Gaza, cũng như tăng lượng hàng viện trợ từ Jordan qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía nam Israel.

Washington cứng rắn

Nhà Trắng nhanh chóng hoan nghênh động thái trên và cho rằng đó là do đề nghị của Tổng thống Joe Biden, đồng thời kêu gọi Israel "giờ đây phải áp dụng một cách nhanh chóng và đầy đủ".

Thông báo của Israel được đưa ra vài giờ sau khi ông Biden cảnh báo về khả năng thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến của Israel nhằm chống lại lực lượng Hamas ở Gaza. Theo Reuters, trong cuộc điện đàm căng thẳng kéo dài khoảng 30 phút hôm 4.4, Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Netanyahu rằng chính sách của Mỹ đối với Israel tùy thuộc vào việc bảo vệ dân thường và nhân viên viện trợ ở Gaza. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng ám chỉ điều kiện để viện trợ quân sự đối với Israel kể từ khi nước này đưa quân sang Gaza.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng việc ngừng bắn ngay lập tức là "điều cần thiết để ổn định và cải thiện tình hình nhân đạo, bảo vệ dân thường vô tội" tại Gaza. Ông kêu gọi Thủ tướng Netanyahu trao quyền cho các nhà đàm phán của mình để ký kết thỏa thuận đưa các con tin bị Hamas bắt giữ trở về.

Trong động thái tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng Israel phải lập tức đáp ứng việc gia tăng viện trợ nhân đạo và bảo vệ các nhân viên viện trợ. "Nếu không thấy những thay đổi cần thấy, sẽ có những thay đổi trong chính sách của chúng tôi", ông nhấn mạnh quan điểm của Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng Israel "tuyệt đối đang thua cuộc chiến PR (quan hệ công chúng)" và phải nhanh chóng chấm dứt chiến dịch ở Gaza.

Tel Aviv đổi chiến thuật

Liên quan lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Israel Israel Katz nói rằng phía Israel sẽ hoan nghênh nếu Mỹ làm rõ thêm rằng bất cứ lệnh ngừng bắn nào ở Gaza cũng phải kèm điều kiện Hamas thả con tin. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh trên thế giới để bảo vệ quyền tiếp tục chiến tranh của Israel cho đến khi giải thoát các con tin và đánh bại Hamas", ông Katz viết trên mạng xã hội X.

Trong khi đó, Israel tiếp tục đối diện áp lực gia tăng sau vụ không kích giết nhầm 7 nhân viên cứu trợ tại Gaza hôm 1.4. Bên cạnh việc bày tỏ lo ngại đối với tình hình nhân đạo tại Gaza, Tổng thống Biden còn nói rõ rằng cuộc không kích trên của Israel là "không thể chấp nhận". Phát ngôn chính phủ Israel Raquela Karamson khẳng định những gì xảy ra hôm 1.4 là "ngoài ý muốn" và cho hay nước này chắc chắn sẽ điều chỉnh các chiến thuật triển khai ở Gaza nhằm đảm bảo sự nhầm lẫn như thế sẽ không tái diễn. Bà Karamson cho hay cần vài tuần để phía Israel hoàn tất cuộc điều tra về chuyện gì đã xảy ra trong vụ giết nhầm các nhân viên cứu trợ. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari cho biết thời hạn này sẽ ngắn hơn.

Nguồn: CafeF; Dân Trí; Soha; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang