Siêu động đất ở Đài Loan; Kinh tế Nga tăng tốc; Dân Nga tích cực nhập ngũ; OPEC+ đặt cược thắng; Bán đảo Triều Tiên dậy sóng

SIÊU ĐỘNG ĐẤT RUNG CHUYỂN ĐÀI LOAN; NHẬT BÁO ĐỘNG SÓNG THẦN

Một trận động đất ngoài khơi Đài Loan với cường độ 7,2 độ richter làm rung chuyển thủ đô Đài Bắc vào sáng ngày 3/4, gây mất điện ở một số khu vực của thành phố, theo Reuters. Trận động đất gần Đài Loan khiến Nhật Bản, Philippines phát cảnh báo sóng thần.

Các đài truyền hình Đài Loan chiếu cảnh một số tòa nhà bị sập ở Hoa Liên, gần tâm chấn trận động đất, và truyền thông đưa tin một số người bị mắc kẹt.

Theo một nhân chứng của Reuters, trận động đất có thể được cảm nhận ở xa tới tận Thượng Hải.

Cơ quan thời tiết trung ương Đài Loan cho biết tâm chấn nằm ngay ngoài khơi hạt Hoa Liên ở miền đông của đảo Đài Loan.

Sau trận động đất ở Đài Loan, chính phủ Nhật Bản đưa ra khuyến cáo sơ tán đối với các khu vực ven biển của tỉnh Okinawa thuộc miền nam, vẫn theo Reuters.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), sóng thần cao tới 3 mét dự báo sẽ tràn tới các khu vực rộng lớn ở bờ biển phía Tây Nam Nhật Bản.

JMA cho hay một làn sóng cao 30 cm đã ập vào đảo Yonaguni lúc 9h18 sáng giờ địa phương.

Cơ quan Địa chấn Philippines cũng đưa ra cảnh báo với người dân ở khu vực ven biển của một số tỉnh, kêu gọi họ sơ tán đến vùng đất cao hơn.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trận động đất được cảm nhận thấy ở Phúc Châu, Hạ Môn, Tuyền Châu và Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Chính quyền thành phố Đài Bắc chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về thiệt hại và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đã hoạt động trở lại ngay sau đó.

Hãng thông tấn trung ương chính thức của Đài Loan nói rằng trận động đất này là trận động đất lớn nhất xảy ra trên đảo kể từ năm 1999 khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng.

KINH TẾ NGA BẤT NGỜ TĂNG TỐC

Moskva nhận nhiều tín hiệu tích cực đầu năm, khi sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu đều khởi sắc, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hôm 1/4, S&P Global công bố Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Nga, cho thấy ngành sản xuất ở đây tiếp tục phục hồi. Theo đó, PMI tháng 3 đạt 55,7 điểm. Con số này tăng so với 54,7 hồi tháng 2 và cao nhất từ tháng 8/2006.

Nhu cầu nội địa lên cao giúp ngành sản xuất Nga hồi sinh. Tháng 3, số đơn hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tăng từ tháng 10/2023.

Ngân hàng Trung ương Nga hôm 1/4 cũng công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 3. Trong đó, cơ quan này nhận xét kinh tế tăng tốc trong các tháng đầu năm. Đó là nguyên nhân họ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng trước.

Giá hàng hóa và xuất khẩu phục hồi, là nguồn thu chính của Điện Kremlin khi chiến sự vẫn tiếp diễn. "Các số liệu gần đây cho thấy kinh tế Nga đã thích ứng được với quy trình thanh toán và logistics phức tạp. Xuất khẩu hồi phục và nguồn thu ngoại hối cũng vậy", biên bản viết.

Giới chức nước này cho biết họ ngạc nhiên khi chứng kiến tiêu dùng sôi động, nhờ thu nhập hộ gia đình và các khoản vay tăng. Tiết kiệm cũng tăng lên.

Ngân hàng Trung ương Nga nhận định tăng trưởng đầu tư và tình hình tài chính của nhóm doanh nghiệp lớn nhất nước đang ổn định. Dựa trên khảo sát tháng trước, chỉ số môi trường kinh doanh do cơ quan này theo dõi ở mức tốt nhất 12 năm qua.

Tháng trước, nhà băng này giữ nguyên lãi suất ở mức 16%, nhằm ghìm rủi ro lạm phát. Trong báo cáo hôm qua, cơ quan này không đưa ra dự báo chính sách tiếp theo. Họ chỉ cho biết "chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt thêm một thời gian nữa".

Nga hiện là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Dù vậy, họ đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực năng lượng, sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Gần đây, Mỹ siết kiểm soát việc thực thi trần giá bán với dầu và các sản phẩm từ dầu Nga. Washington đã trừng phạt nhiều tàu, chủ tàu và thương nhân tham gia giao dịch dầu Nga. Việc này khiến Ấn Độ - khách hàng lớn của dầu Nga - từ chối mua một số lô hàng và không nhận dầu từ các tàu liên quan đến Sovcomflot. Đây là hãng vận tải biển của Nga bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt.

Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy Nga đã giảm thiểu được tác động từ lệnh trừng phạt. Tháng trước, Ấn Độ là nước mua nhiều dầu Nga nhất. Tổng dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển 4 tuần qua đạt trung bình 3,2 triệu thùng mỗi ngày. Con số này xấp xỉ tháng trước đó.

Hôm 1/4, hãng thông tấn Nga TASS cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo chính phủ đảm bảo nước này lọt top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo GDP ngang giá sức mua (PPP), muộn nhất vào năm 2030.

Năm ngoái, GDP Nga tăng 3,6%, cao hơn nhiều nước phương Tây. Còn GDP tính theo PPP của nước này là 5.060 tỷ USD, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này đứng thứ 6 thế giới.

Dù có nhiều diễn biến tích cực, nước Nga vẫn đối mặt với nguy cơ bị giảm vốn đầu tư nước ngoài. Đó là lý do Ngân hàng Trung ương Nga quyết định "duy trì trạng thái thắt chặt tiền tệ để cân bằng và kiểm soát các động lực xuất khẩu".

Một số nhà máy lọc dầu Nga đang phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do bị Ukraine tấn công. Tốc độ lọc dầu của nước này tuần trước rơi xuống thấp nhất 10 tháng, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

SỐ LƯỢNG ĐĂNG KÝ NHẬP NGŨ TĂNG VỌT Ở NGA SAU VỤ KHỦNG BỐ MOSCOW

Số lượng người ký hợp đồng phục vụ quân đội Nga tăng vọt sau vụ khủng bố ở Moscow cuối tháng trước.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/4 cho biết, hơn 100.000 người đã ký hợp đồng phục vụ quân đội nước này kể từ đầu năm nay. Trong đó, khoảng 16.000 người ký hợp đồng chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây, kể từ sau vụ khủng bố đẫm máu ở Moscow.

"Trong các cuộc phỏng vấn tuần qua tại các điểm tuyển quân ở những thành phố của Nga, hầu hết ứng viên đều bày tỏ mong muốn trả thù cho những nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 22/3 ở ngoại ô Moscow", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh nhập ngũ 300.000 nam giới, song cho biết không cần phải huy động bắt buộc nữa vì số lượng ký hợp đồng tự nguyện quá đông.

Đến tháng 10 năm ngoái, Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, hơn 335.000 người đã gia nhập quân đội Nga kể từ đầu năm và Moscow không có kế hoạch huy động bổ sung.

Tối 22/3, một nhóm có vũ trang đã xả súng bên trong hội trường nhà hát Crocus City ở ngoại ô Moscow, sau đó phóng hỏa tòa nhà. Vụ tấn công khiến 144 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.

Moscow nghi ngờ Ukraine và phương Tây có liên quan đến vụ tấn công, song Kiev đã bác bỏ.

VÁN BÀI OPEC+ ĐẶT CƯỢC ĐÃ THẮNG

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Khi OPEC và các đối tác do Nga dẫn đầu lần đầu công bố cắt giảm thêm sản lượng dầu vào năm ngoái, thị trường đã phớt lờ điều đó. Giá dầu giảm, dự báo về nhu cầu dầu đã đạt đỉnh xuất hiện tràn lan trên các mặt báo.

Tuy nhiên, OPEC+ vẫn kiên trì với chiến lược của mình. Trước chiến lược này, một số nhà phân tích còn cho rằng liên minh này có thể phải cắt giảm sản lượng vĩnh viễn nếu không muốn thấy giá dầu giảm mạnh bất cứ khi nào họ tăng sản lượng trở lại. Tuy nhiên, những tín hiệu mới đây có vẻ đang ủng hộ OPEC+.

Giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức trên 87 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 1/4 và có thể còn tăng cao hơn nữa nếu phân tích từ một số ngân hàng là đúng.

Nguồn cung thắt chặt có vẻ đang ảnh hưởng đến thị trường. Giá dầu đã lập tức phản ánh điều đó khi có báo cáo về lượng tồn kho dầu toàn cầu giảm. McKinsey báo cáo vào tháng 2 rằng tồn kho dầu toàn cầu đã giảm 32 triệu thùng, đặc biệt ở các nước OECD.

Refinitiv cũng báo cáo tình trạng tồn kho thắt chặt vào cuối tháng 2 trong khi Reuters trích dẫn báo cáo của JP Morgan, cảnh báo tồn kho dầu toàn cầu ở mức thấp nhất trong 7 năm.

“Thị trường đã tìm được chỗ đứng vững chắc hơn với giá dầu Brent giao dịch ở mức trên 80 USD/thùng trong thời gian tương đối dài, được hỗ trợ bởi nhu cầu cao hơn mong đợi và hàng triệu thùng dầu tồn kho trên biển lâu hơn do nhiều tàu chở dầu phải chuyển hướng di chuyển”, Saxo – Giám đốc hàng hóa của ngân hàng Ole Hansen bình luận.

Chính kỳ vọng về nhu cầu yếu đã giữ giá dầu ở mức thấp trong nhiều tháng, ngay cả khi OPEC cắt giảm sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày và có dự báo về sản lượng của Mỹ sẽ giảm.

Giờ đây, khi những dữ liệu mới xuất hiện, giá dầu đang tăng. Theo Bloomberg, giá dầu Brent đã tăng 11% kể từ đầu năm. “Thị trường toàn cầu đã hoặc đang trên đà thâm hụt”, Michael Hssueh của Deutsche Bank nói.

Standard Chartered thực tế đã cảnh báo về thâm hụt vào giữa năm 2023 nhưng vào thời điểm đó, không ai lắng nghe. Giờ đây, các cảnh báo đang xuất hiện ồ ạt, gồm cả cảnh báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế mà chỉ 3 tháng trước, họ dự báo nguồn cung thoải mái trên thị trường dầu mỏ toàn cầu do nhu cầu yếu.

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN NÓNG BỎNG SAU VỤ PHÓNG TÊN LỬA MỚI

Một ngày sau vụ phóng tên lửa đạn đạo khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên dậy sóng, Bình Nhưỡng hôm nay (3/4) chính thức xác nhận loại tên lửa thế hệ mới mà nước nước này vừa thử thành công. Dư luận lên tiếng kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay cho biết, nước này đã phóng thử thành công một loại tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới có giá trị chiến lược quân sự. Đây lần đầu tiên, Triều Tiên sử dụng loại tên lửa Hwasongpho-16B, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn và trang bị đầu đạn siêu vượt âm mới phát triển gần đây. Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới tận hiện trường chỉ đạo vụ phóng. Theo KCNA, việc thử nghiệm tên lửa này là nhằm xác nhận những chi tiết kĩ thuật của loại tên lửa mới về tổng thể cũng như chứng minh mức độ tin cậy của hệ thống vũ khí này. Vụ thử tên lửa không gây ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng.

Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng xác nhận, vụ phóng không gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, cả Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đều khẳng định Triều Tiên đã liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo với tần suất cao từ đầu năm đến nay. Điều này ảnh hưởng đến tình hình an ninh của các nước láng giềng và khu vực.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh: "Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của công dân Nhật Bản. Chúng tôi phản đối hành động này vì nó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh của đất nước chúng tôi mà còn của khu vực và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã gửi phản đối và khiếu nại kiên quyết tới Triều Tiên thông qua đại sứ quán của chúng tôi ở Bắc Kinh”.

Lo ngại những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ hôm nay (3/4) đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán. Phát biểu với báo giới, Cố vân An ninh Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh vụ phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới trên diễn ra trước đó cùng ngày gây ra mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng của Triều Tiên, đồng thời làm xói mòn an ninh khu vực.

“Chúng tôi lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Chúng tôi cũng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán”.

Trước đó, văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cũng lên tiếng phản đối vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng vụ việc này đã vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh cũng hối thúc Triều Tiên ngừng các hành động gây căng thẳng, trở lại vòng đàm phán và có các bước đi có thể tin tưởng được hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Từ đầu năm đến nay, Bán đảo Triều Tiên luôn rơi vào trạng thái căng thẳng do các hành động quân sự của các bên. Trong khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ và Hàn Quốc cũng thường xuyên tập trận chung. Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lựa đạn đạo hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng thông báo nước này cũng Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung trên không với sự tham gia của máy bay ném bom B-52 gần Bán đảo Triều Tiên.

Nguồn: VOA; Vnexpress; Dân Trí; Soha; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang