Câu hỏi kinh tế TQ; Sản xuất ở Nga tăng mạnh; Nga bắt đầu 'chống khủng bố'; Giao tranh khắp Gaza; Tayyip Erdogan chịu 'đòn đau'

KINH TẾ TRUNG QUỐC & NHỮNG DẤU HỎI LỚN

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách kinh tế năm 1978, tăng trưởng GDP bình quân qua các năm đã đạt trên 9%.

Nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành động cơ tăng trưởng của thế giới. Nhưng khi đại dịch Covid-19 tràn tới, động cơ ấy đã gặp trục trặc. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 2,2%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Năm kế tiếp, con số này đã bật lên mức 8%, nhưng sau đó lại tụt về 3% vào năm 2022.

Liệu đây có phải sự khởi đầu cho giai đoạn trượt dài của kinh tế Trung Quốc?

Cùng xem xét năm câu hỏi lớn dưới đây để hiểu chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế số hai thế giới và những ảnh hưởng của nó đến toàn cầu.

1. Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc?

Tháng Một vừa qua, Trung Quốc công bố GDP nước này tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, mức tăng cao thứ hai trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Hiện quy mô kinh tế Trung Quốc đang gấp năm lần Ấn Độ.

Nhưng ở trong lòng đất nước, người dân có cảm nhận khác: Năm 2023, lần đầu tiên sau năm năm, Trung Quốc ghi nhận tình trạng mất dòng vốn, tức lượng vốn chảy ra nước ngoài cao hơn lượng chảy vào trong nước; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chạm mức kỷ lục 20% vào tháng Sáu năm ngoái; và đầu năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm.

Xuyên suốt cả năm ngoái, tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã trở thành nơi để một số người Trung Quốc bất mãn tới xả nỗi bức xúc về tình hình kinh tế của đất nước.

Một người dùng khẩn nài được giúp đỡ vì đã “thất nghiệp lâu lắm rồi, lại còn đang gánh nợ”. Một bình luận khác kể chuyện mình thua lỗ trên sàn chứng khoán và đề nghị Mỹ “để dành cho chúng tôi vài quả tên lửa để đánh sập Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải”.

Nhiều bình luận sau đó đã bị xóa, theo truyền thông phương Tây.

Tống Lâm, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng tại Ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết lý do Trung Quốc phục hồi yếu kể từ sau đại dịch Covid-19 là bởi “khác với nhiều quốc gia, Trung Quốc không áp dụng các chính sách quá quyết liệt để kích thích tăng trưởng”.

Các nước khác như Mỹ thường tung ra các gói cứu trợ kinh tế trong thời kỳ Covid. Nổi bật là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đầu năm 2021 của chính quyền Biden nhằm hỗ trợ người thất nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, các bang và chính quyền địa phương.

Ông Tống giải thích: “Chính sách kinh tế của Trung Quốc thường là dè dặt hơn. Kết quả là Trung Quốc không phải lo về lạm phát nhưng tốc độ phục hồi kinh tế cũng chậm hơn.”

Uông Đào, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư UBS, chỉ ra một nguyên nhân lớn nữa đằng sau tình trạng phục hồi yếu kém: “Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất lịch sử."

“Hơn 60% tài sản hộ gia đình của Trung Quốc nằm ở bất động sản. Khi giá nhà đất giảm, người dân cảm thấy không còn tự tin để chi tiêu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Một dấu hiệu rõ ràng cho việc đó là lượng mua sắm các mặt hàng gia dụng lớn đã giảm đáng kể,” bà phân tích.

Các vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lớn do khu vực này chiếm tới 1/3 quy mô nền kinh tế.

Toàn ngành đang lao đao vì chiến dịch siết chặt tài chính từ năm 2021, khi chính quyền áp đặt biện pháp hạn chế lượng tiền mà các công ty bất động sản lớn được phép vay.

Trong nhiều năm, ngành bất động sản của Trung Quốc đã quen huy động vốn cho các dự án mới bằng cách vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và bán nhà trên giấy (nhà ở hình thành trong tương lai) cho người mua.

Mô hình kinh doanh này đã tồn tại từ lâu ở nhiều quốc gia, nhưng các nhà phát triển Trung Quốc đang tận dụng quá mức đòn bẩy - tức vay quá nhiều tiền.

Một số nhà phát triển bất động sản lớn đã lâm vào cảnh vỡ nợ trong vài năm gần đây.

Nhiều người Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng tiền cọc đã trả cho chủ đầu tư để mua những dự án chưa khởi công hoặc đang xây dở. Với một số người, khoản cọc đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của họ.

Về phía chính quyền địa phương, vốn đã vay hàng tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và vẫn dựa nhiều vào việc bán đất để có nguồn thu, tình hình cũng đang ngày một căng thẳng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2022, tổng nợ của chính quyền địa phương đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ (12.600 tỷ USD), tương đương 76% GDP của Trung Quốc, năm 2019 tỷ lệ này là 62,2%.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Từ Thiên Thần, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, “nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng không phải đang khủng hoảng”.

Ông cho rằng thành tích tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm 2010 chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn tín dụng dồi dào, tạo điều kiện phát triển nhanh theo chiều rộng, đi kèm với sự bùng nổ thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng.

“Khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng tái cân bằng từ mô hình đó, việc điều chỉnh là không thể tránh khỏi,” ông nói với BBC.

“Giống như một cỗ máy khổng lồ đang rệu rã và trên một số bộ phận bắt đầu xuất hiện vài vết nứt.”

2. Liệu kinh tế Trung Quốc có vượt Mỹ?

Khi Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010 xét theo quy mô GDP, đã manh nha nổi lên nhiều dự báo về việc nước này sẽ vượt qua Mỹ. Đa số đều tin rằng đó chỉ là chuyện sớm muộn.

Sở dĩ có chuyện này là do thành tích kinh tế ấn tượng của Trung Quốc: Trong vòng hai thập kỷ tính đến trước năm 2010, đã có hai giai đoạn Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm hai con số: 1992-1995 và 2003-2007.

Trước khi Trung Quốc mất đà như hiện nay, các dự báo lạc quan cho rằng nước này sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, trong khi số khác dè dặt hơn thì lùi mốc này tới năm 2032.

Nhưng với tình hình kinh tế khó lường hiện tại, liệu Trung Quốc có còn thực hiện được tham vọng này?

“Có, nhưng không phải chỉ trong một vài năm mà làm được,” Giáo sư Lý Thành, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Thế giới Đương đại (CCCW) thuộc Đại học Hong Kong và cựu giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington DC, nhận định.

Ông Từ Thiên Thần thì đưa ra mốc thời gian cụ thể hơn: thập niên 2040.

Giáo sư Lý giải thích rằng Mỹ cũng phải đối mặt với những bất trắc mang tính đặc thù của mình, bao gồm cả kết quả của cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.

“Mọi chuyện phía trước không hề suôn sẻ với nước Mỹ, chia rẽ chính trị sâu sắc, mâu thuẫn sắc tộc, chính sách nhập cư - là một vài trong số những khó khăn trước mắt cần phải lường trước.

“Còn với Trung Quốc, họ đã đạt được một số lợi thế mới, chẳng hạn như đã trở thành nước dẫn đầu ngành xe điện chỉ trong vòng vài năm, khiến nhiều người phải kinh ngạc.”

“Nhưng tin không vui cho Trung Quốc là dân số đang già đi. So với Trung Quốc thì Mỹ nhẹ gánh hơn nhiều, họ có tỷ lệ sinh cao hơn và có nguồn dân số nhập cư để bổ sung cho lực lượng lao động.”

Giáo sư Andrew Mertha, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu về Trung Quốc tại trường SAIS thuộc Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng chính bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng còn do dự.

“Trung Quốc thậm chí cũng chưa chắc muốn vượt Mỹ do lo ngại nguy cơ kinh tế đi trật đường ray.

“Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​​​thấp, khủng hoảng bất động sản và việc tái điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, có vẻ giới lãnh đạo Trung Quốc có phần muốn né rủi ro và khó có khả năng sẽ đưa ra các sáng kiến ​​kinh tế đủ đột phá để thách thức thế thống trị của Mỹ.”

3. Hậu quả nào có thể xảy đến với Trung Quốc?

Khi câu hỏi này được nêu lên, người ta thường nghĩ đến cụm từ “thập niên mất mát” - chỉ thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài mà giới chuyên gia đang cảnh báo.

Đằng sau những con số, ông Tống Lâm cho rằng một vòng phản hồi âm của niềm tin là thủ phạm đang kéo tụt nền kinh tế: sụt giảm niềm tin khiến chi tiêu cho đầu tư và tiêu dùng giảm theo, lợi nhuận doanh nghiệp cũng theo đó đi xuống, hậu quả là tài sản mất giá quay lại làm xói mòn thêm niềm tin, cứ như vậy không dứt.

"Cần có các chính sách hỗ trợ để thoát khỏi vòng lặp này."

Một số người sợ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đánh Đài Loan để xoa dịu bất mãn trong nước.

Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai mà tất yếu một ngày sẽ trở lại nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Giáo sư Mertha cho rằng ý tưởng về một cuộc chiến như vậy là "hơn cả điên rồ - nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều hành động diễu võ dương oai hơn, như một cách để hiệu triệu đoàn kết”.

Giáo sư Lý cảnh báo rằng “bất cứ ai muốn chiến tranh ở Đài Loan, dù đó là giới làm chính sách ở Trung Quốc, Mỹ hay Đài Loan, đều nên suy nghĩ cho kỹ; cuộc chiến này sẽ rất khác với Ukraine".

“Đây có thể sẽ là cuộc chiến AI đầu tiên. Sẽ là một cuộc chiến tổng lực công nghệ cao, giữa máy móc với máy móc.

“Đương nhiên, Đài Loan là vấn đề cốt yếu với Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chiến tranh là giải pháp cuối cùng - trong khi kinh tế đình trệ chưa phải lý do đủ lớn để đi đến bước đó.”

4. Trung Quốc khó khăn sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới?

Ông Từ Thiên Thần cho rằng ảnh hưởng sẽ đến từ ba phương diện: hàng hóa, du lịch và địa chính trị.

“Thứ nhất, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nên việc nước này mất đà tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu cho các loại hàng hóa sẽ thấp hơn, đặc biệt là những nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng, như quặng sắt và bauxite.

“Thứ hai, sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ là một mất mát cho các điểm đến nổi tiếng - du lịch quốc tế sẽ phải vật lộn để phục hồi lại mức trước đại dịch.

“Thứ ba, kinh tế giảm tốc - đặc biệt nếu có đi kèm với khủng hoảng tài chính công trong nước - sẽ kìm hãm năng lực định hình địa chính trị thông qua các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc.”

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã triển khai Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hiện diện toàn cầu của mình thông qua hàng loạt các khoản đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với 152 quốc gia và rót vốn vào hơn 3.000 dự án.

Nhưng phía chỉ trích cho rằng BRI đã đẩy các nước vào những “bẫy nợ”. Thông qua BRI, Trung Quốc đã trở thành kênh vay vốn ưu tiên đối với nhiều nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Maldives, Pakistan và Sri Lanka.

Các cam kết đầu tư mới công bố của Tập Cận Bình, theo như báo cáo trong kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào tháng Ba vừa qua, đã giảm đáng kể về quy mô so với trước đây.

Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra nước ngoài quy mô lớn là không bền vững trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện tại.

Nhưng ông Tống Lâm nhấn mạnh rằng ngay cả khi đang mất đà, quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cho phép nước này đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng toàn cầu.

“Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ đóng góp 20% hoặc hơn cho tăng trưởng toàn cầu trong vòng năm năm tới.”

5. Liệu Trung Quốc có thể vực dậy nền kinh tế?

Ông Tống cho rằng giai đoạn phát triển kế tiếp của Trung Quốc là chuyển đổi thành công nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng chất lượng cao hơn và leo lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng.

“Kỳ họp Lưỡng hội vừa qua cho thấy giới làm chính sách tiếp tục chú trọng vào bức tranh vĩ mô đó, cũng như các ưu tiên dài hạn mang tính quyết định đến thành bại của Trung Quốc trong công cuộc chuyển đổi sang giai đoạn kế tiếp.”

Chuyên gia Từ Thiên Thần hiến kế như sau:

“Mấu chốt là Trung Quốc phải giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản một cách có trách nhiệm hơn.

“Thứ hai, cần chuyển trọng tâm chính sách sang phía cầu, thay vì chỉ tập trung vào phía cung của nền kinh tế.

“Trung Quốc cũng nên tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, ngoài ra, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, giờ là lúc nên tiến hành cải cách tài khóa để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nền tài chính công.”

Còn trong giai đoạn trước mắt, ông Tống tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% do quốc hội đặt ra.

“Và mặc dù chúng tôi ghi nhận đã có các chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ cao hơn đôi chút, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích được triển khai trong những tuần và tháng tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024.”

CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT CỦA NGA TĂNG CAO NHẤT TỪ 2006

Nhu cầu nội địa giúp chỉ số giá sản xuất của Nga lên 55,7 điểm tháng trước, cao nhất từ năm 2006.

Số liệu S&P Global công bố hôm 1/4 cho thấy ngành sản xuất của Nga tiếp tục phục hồi, khi Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) đạt trên 50 điểm.

Theo đó, PMI của Nga trong tháng 3 là 55,7 điểm. Con số này tăng so với 54,7 hồi tháng 2 và cao nhất kể từ tháng 8/2006.

Nhu cầu nội địa tăng cao là lý do giúp ngành sản xuất Nga hồi sinh. Moskva đã chi mạnh tay cho ngành sản xuất, rót tiền vào lĩnh vực quân sự để đẩy mạnh phục vụ quân đội. Chính sách này cũng giúp sản lượng công nghiệp tháng 2 tăng mạnh hơn dự báo, theo số liệu công bố tuần trước.

Trong tháng 3, số đơn hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tiên tăng kể từ tháng 10/2023. "Nhu cầu của khách hàng nước ngoài đang tăng lên, khi Nga mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới và giành được nhiều khách hàng mới", S&P Global giải thích trong báo cáo.

Việc này cũng tác động lên thị trường việc làm. S&P Global cho biết doanh nghiệp Nga đang tuyển nhân viên với tốc độ mạnh nhất từ tháng 11/2000. Họ cũng đang tăng mua nguyên liệu đầu vào để gây dựng lại hàng tồn kho.

Dù vậy, việc bán hàng của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Các thách thức về logistics và giao hàng qua đường sắt chậm là nguyên nhân chính cho việc này.

Dù vậy, các doanh nghiệp Nga lạc quan vào sản lượng nhất trong vòng 5 năm qua. "Họ tự tin nhu cầu khách hàng tiếp tục tăng. Doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư vào dây chuyền sản phẩm và máy móc để tăng hiệu suất", S&P Global cho biết.

NGA BẮT ĐẦU 'CHIẾN DỊCH CHỐNG KHỦNG BỐ' Ở DAGESTAN, BẮT BA NGƯỜI

Ủy ban chống khủng bố quốc gia cho biết rằng Nga đã tiến hành một "chiến dịch chống khủng bố" ở vùng Dagestan nằm ở phía nam hôm 31/3, bắt giữ ba người.

Nga đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ xả súng hàng loạt tại nhà hát ở Moscow vào ngày 22 tháng 3 - vụ tấn công nguy hiểm nhất ở nước này trong 20 năm, làm ít nhất 144 người thiệt mạng.

Ủy ban cho biết hôm 31/3: "Các cơ quan an ninh đã bắt giữ ba kẻ đang lên kế hoạch thực hiện một số vụ tấn công khủng bố. Trong quá trình kiểm tra những nơi mà những tội phạm bị bắt, vũ khí tự động, đạn dược và một thiết bị nổ tự chế sẵn sàng được sử dụng đã được tìm thấy".

Trước đó, ủy ban nói rằng các nghi phạm đã bị lực lượng an ninh chặn lại tại một số căn hộ trong khu dân cư của thủ phủ vùng là Makhachkala và tại một trong những thành phố lớn nhất nước cộng hòa là Kaspiysk.

Không có thương vong về dân sự và không có tổn thất nào đối với các nhân viên thực thi pháp luật.

Theo thị trưởng Makhachkala Yusup Umavov, "cơ chế hoạt động chống khủng bố" ở cả Makhachkala và Kaspiysk đã được dỡ bỏ vào lúc 12:00 giờ địa phương.

DẢI GAZA KHÔNG AN TOÀN, GIAO TRANH KHẮP NƠI

Các cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza khiến hơn 70 người thiệt mạng vào hôm 31/3, giữa lúc cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn mới được nối lại tại thủ đô Cairo, Ai Cập.

Giao tranh bùng phát khắp Gaza giữa bối cảnh Ai Cập đón một phái đoàn Israel tham gia vòng đàm phán mới nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hamas ở Gaza.

Quân đội Israel cho biết đã tiêu diệt một thành viên cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad trong cuộc tấn công vào trung tâm chỉ huy ở sân Bệnh viện Al-Aqsa ở Gaza. Tel Aviv không đề cập đến tên hay cấp bậc của nhân vật này.

"Trung tâm chỉ huy và những kẻ khủng bố đã bị tấn công một cách chính xác, đồng thời cho biết thêm rằng hành động này nhằm mục đích giảm thiểu tổn hại cho thường dân không liên quan trong khu vực bệnh viện", quân đội Israel nêu rõ. Cũng theo tuyên bố này, tòa nhà Bệnh viện Al-Aqsa không bị hư hại và các hoạt động của nó không bị ảnh hưởng.

Nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad, một đồng minh của Hamas, chưa có bình luận gì về thông tin này.

Trong khi đó, các quan chức y tế Palestine và truyền thông Hamas cho hay, tại Deir Al-Balah, Israel tấn công nhắm vào một số lều bên trong bệnh viện Al-Aqsa, khiến 4 người thiệt mạng và một số người bị thương, trong đó có 5 nhà báo.

Tại Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, lực lượng Israel tiếp tục phong tỏa 2 bệnh viện chính, đồng thời xe tăng nã pháo vào các khu vực ở khu vực trung tâm và phía đông lãnh thổ.

Tại thành phố Gaza, quân đội Israel tiếp tục hoạt động bên trong bệnh viện Al Shifa, Bộ Y tế tại vùng lãnh thổ này cho biết. Người dân cho biết, các khu dân cư đã bị lực lượng Israel phá hủy gần Al Shifa.

Các vụ tấn công dồn dập từ Israel xảy ra giữa lúc các bên tham chiến đã tăng cường đàm phán, do Qatar và Ai Cập làm trung gian, về việc ngừng cuộc tấn công của Israel trong 6 tuần để đổi lấy đề xuất thả 40 trong số 130 con tin vẫn bị Hamas giam giữ ở Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 31/3 tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực quân sự lên Hamas, đồng thời thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán, đồng thời nói rằng chỉ có sự kết hợp đó mới mang lại việc thả con tin.

Theo các nguồn tin, Hamas cũng mong muốn đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh và việc rút quân của Israel.

Theo các cơ quan y tế, hơn 32.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza kể từ ngày 7/10/2023. Các quan chức y tế cho biết hầu hết số người thiệt mạng là dân thường, trong khi Israel cho biết ít nhất 1/3 là các thành viên Hamas.

TỔNG THỐNG TAYYIP ERDOGAN NHẬN ‘ĐÒN’ ĐAU

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vừa giáng cho Tổng thống Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền một đòn mạnh trong cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc ngày 31/3, tái khẳng định phe đối lập là lực lượng chính trị đáng gờm và Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu trở thành đối thủ chính của tổng thống.

Với hầu hết số phiếu đã được kiểm, ông Imamoglu dẫn đầu với 10 điểm phần trăm trong cuộc đua thị trưởng ở Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) của ông Imamoglu vẫn giữ được Ankara và giành được 15 ghế thị trưởng khác ở các thành phố trên toàn quốc.

Kết quả này đánh dấu thất bại tồi tệ nhất đối với Tổng thống Erdogan và đảng AK (AKP) trong hơn 2 thập kỷ nắm quyền và có thể báo hiệu một sự thay đổi trong bối cảnh nền chính trị của đất nước bị chia rẽ. Ông Erdogan gọi đây là một "bước ngoặt" trong bài phát biểu sau nửa đêm.

Theo các nhà phân tích, ông Erdogan và AKP thu được kết quả tệ hơn so với các cuộc thăm dò dư luận, với những nguyên nhân chính là lạm phát tăng vọt, sự bất mãn của nhóm cử tri Hồi giáo, và sự mạnh lên của ông Imamoglu.

Ông Imamoglu, 53 tuổi, nói trước hàng nghìn người ủng hộ vào cuối ngày 31/3: “Những người không hiểu thông điệp của quốc gia cuối cùng sẽ thua cuộc”.

Cựu doanh nhân tham gia chính trường từ năm 2008 đang được nhiều người coi là ứng cử viên có khả năng thách thức tổng thống. “Tối nay, 16 triệu công dân Istanbul đã gửi thông điệp tới cả đối thủ của chúng tôi và tổng thống”, ông nói.

Ông Erdogan cũng là thị trưởng của Istanbul trong những năm 1990.

Phát biểu trước đám đông tập trung tại trụ sở AKP ở thủ đô Ankara, ông Erdogan thừa nhận liên minh của ông đã "mất uy tín" trên toàn quốc và sẽ thực hiện những việc để đáp lại thông điệp từ cử tri.

“Nếu chúng tôi mắc sai lầm, chúng tôi sẽ sửa chữa nó. Nếu chúng tôi còn thiếu điều gì, chúng tôi sẽ hoàn thành nó”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Sau khi 92,92% thùng phiếu đã được kiểm ở Istanbul, thành phố lớn nhất châu Âu và là đầu tàu kinh tế của đất nước, ông Imamoglu nhận được 50,92% phiếu bầu, còn ông Murat Kurum, cựu bộ trưởng trong chính phủ quốc gia của ông Erdogan, được 40,05% phiếu.

Ông Mert Arslanalp, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bogazici ở Istanbul, cho biết đây là "thất bại bầu cử nặng nề nhất" của ông Erdogan kể từ khi lên lãnh đạo quốc gia vào năm 2002.

“Imamoglu chứng minh ông ấy có thể hiểu sự chia rẽ chính trị-xã hội sâu sắc ngay cả khi không có sự hỗ trợ về mặt thể chế. Điều này khiến ông ấy trở thành đối thủ cạnh tranh chính trị mạnh nhất so với ông Erdogan", ông Arslanalp nói.

Năm 2019, ông Imamoglu giáng cho ông Erdogan một đòn mạnh trong cuộc bầu cử khi lần đầu tiên giành được Istanbul, chấm dứt 25 năm cai trị thành phố này của AKP và những người tiền nhiệm Hồi giáo. CHP cũng đã thắng ở Ankara năm đó.

Theo các nhà phân tích, những căng thẳng kinh tế, bao gồm tỷ lệ lạm phát lên đến gần 70% và tốc độ tăng trưởng chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ khiến nhiều cử tri trừng phạt AKP trong cuộc bầu cử lần này.

Nguồn: BBC; Vnexpress; VOA; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang