Bê bối thực phẩm ở Nhật; Thiệt hại ở Đài Loan; Hun Sen thống trị Campuchia; Trung Đông nóng bỏng; Sự tàn khốc chưa hồi kết

NHẬT BẢN RÚNG ĐỘNG VÌ BÊ BỐI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: 5 NGƯỜI CHẾT, 33.000 DOANH NGHIỆP BỊ ẢNH HƯỞNG

Hiện hãng này đã thu hồi một số loại thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ.

33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng sau khi 5 người tử vong, 166 người nhập viện do dùng thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ của hãng Kobayashi. Trong đó, các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hơn 5.000 nhà bán lẻ, khoảng 3.800 doanh nghiệp y tế và hơn 3.100 nhà hàng… cũng chịu tác động nặng nề.

Hiện hãng Kobayashi đã thu hồi một số loại thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ, trong đó có Beni-koji choleste-help. Sản phẩm trước đó được quảng cáo có tác dụng giảm cholesterol.

Theo CGTN, vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại của người dân Nhật Bản về việc phân loại thực phẩm chức năng của nước này. Vào năm 2015, Nhật Bản từng phân loại thực phẩm chức năng cho sức khỏe thành hai nhóm chính: “Thực phẩm dành cho mục đích sức khỏe cụ thể” và “Thực phẩm chức năng dinh dưỡng”.

Năm 2015, Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng của Nhật Bản phát động sáng kiến ghi nhãn “Thực phẩm có công bố chức năng” và điều này giúp các công ty như Kobayashi liệt kê các lợi ích sức khỏe của sản phẩm mà không cần có sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Tất cả những gì cần làm là nộp hồ sơ và tự kiểm chứng độ an toàn.

Theo các chuyên gia, sáng kiến này thiếu tính khách quan và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nếu thành phần không rõ ràng, không được điều tra và phân tích kỹ lưỡng, vấn đề tương tự có thể phát sinh”, một người dân Tokyo bày tỏ lo lắng.

“Hệ thống quản lý của họ rất phức tạp. Họ có thể đã không điều tra báo cáo ban đầu một cách nghiêm túc, dẫn đến việc công bố thông tin bị trì hoãn”, một người khác phàn nàn.

Trước đó, Kobayashi ghi nhận một số báo cáo về trường hợp người dùng sau khi sử dụng các sản phẩm có chứa gạo men đỏ đã phải nhập viện. Phía công ty tận 1 tháng sau vẫn chưa có bất kỳ động thái nào thu hồi sản phẩm.

Theo Japan Times, mối nguy hiểm liên quan đến loại thực phẩm chức năng trên chỉ lộ ra vào ngày 22/3 khi hãng dược tự nguyện thu hồi sản phẩm do có nhiều người dùng gặp vấn đề nghiêm trọng ở thận. Một số cho rằng hãng này chỉ chú ý đến lợi nhuận thay vì sức khỏe thực sự của khách hàng.

“Là một công ty dược phẩm hàng đầu tại Nhật Bản, Kobayashi đã lợi dụng mối quan tâm của người dân với lối sống lành mạnh để tiếp thị sản phẩm và tối đa hóa lợi nhuận. Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, hệ thống phê duyệt quốc gia cũng có những thiếu sót trong việc ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp hơn là giám sát nghiêm ngặt”, một người dân Tokyo khác cho biết.

Được biết, Kobayashi ra mắt sản phẩm Beni-koji choleste-help vào tháng 2/2021 và tính đến cuối tháng 2 năm nay đã bán được khoảng 1 triệu gói. Một nhóm nhỏ người dùng đã bị thận sau một thời gian sử dụng sản phẩm. Hai người phải chạy thận, trong đó một người đã hồi phục.

Mới đây, Kobayashi cho biết đã phát hiện axit puberulic, một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ nấm mốc xanh, trong thành phần sản xuất beni-koji. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, đây là chất kháng khuẩn và chống sốt rét mạnh, có thể gây độc tố cho người sử dụng.

KINH HOÀNG CON SỐ THIỆT HẠI VÌ ĐỘNG ĐẤT Ở ĐÀI LOAN

Tính đến thứ Năm 4/4, con số nạn nhân trong trận động đất mạnh 7,2 độ richter ở miền đông Đài Loan là 9 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, và 42 nhân viên trên đường đến một khách sạn ở công viên quốc gia vẫn mất tích.

Trận động đất mạnh nhất trong vòng 25 năm xảy ra vào sáng 3/4 đúng lúc người dân chuẩn bị đi làm và đi học, với hậu quả chủ yếu xảy ra ở hạt Hoa Liên, nơi phần lớn là vùng nông thôn và có dân cư thưa thớt.

Các tòa nhà cũng rung lắc dữ dội ở thủ đô Đài Bắc nhưng mức thiệt hại và tình trạng gián đoạn đời sống ở đó rất nhỏ.

Cục cứu hỏa Đài Loan cho biết số người bị thương đã lên tới 1.038 người và tổng số người mất tích là 48 người, trong đó có 42 nhân viên khách sạn.

Vào tối 3/4, trung tâm chỉ huy về kiểm soát thảm họa cho hay trọng tâm chính của họ là tìm kiếm các nhân viên khách sạn trên đường đến Hẻm núi Taroko, một công viên quốc gia. Nhà chức trách đã lên kế hoạch điều máy bay không người lái và trực thăng tới để tìm kiếm và thả tiếp phẩm nếu tìm được những người mất tích.

Hôm 4/4, một máy bay trực thăng đã giải cứu 6 người bị mắc kẹt trong một khu vực khai thác mỏ, cục cứu hỏa cho biết.

Cơ quan quản lý đường sắt cho hay tuyến tàu đến Hoa Liên cũng đã hoạt động trở lại trước dự kiến hôm 4/4, mặc dù một nhà ga vùng nông thôn ở phía bắc thành phố Hoa Liên vẫn đóng cửa do bị hư hại.

Tại thành phố Hoa Liên, nơi công tác cứu hộ những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà đã kết thúc, một số người phải ngủ ngoài trời qua đêm khi hàng chục dư chấn làm rung chuyển khu vực.

HUN SEN TIẾP TỤC THỐNG TRỊ CHÍNH TRƯỜNG CAMPUCHIA

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được các thượng nghị sĩ bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào hôm 3/4.

Vị trí chủ tịch Thượng viện giúp ông Hun Sen đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia tạm quyền khi nhà vua ở nước ngoài.

Campuchia có 62 thượng nghị sĩ. Trong đó, 125 dân biểu Hạ viện và hơn 11.000 ủy viên hội đồng cấp xã hoặc tương đương sẽ bầu ra 58 thượng nghị sĩ, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ chọn 2 người và 2 người còn lại do Hạ viện bổ nhiệm.

Vào tháng 2/2024, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền do ông Hun Sen làm chủ tịch đã giành được 55/58 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện.

“Đây là lần đầu tiên tôi đảm đương một cương vị cao như vậy,” hãng tin AFP dẫn lời phát biểu của ông Hun Sen. Vị cựu Thủ tướng Campuchia còn cho biết ông sẽ sử dụng vai trò này để thúc đẩy ngoại giao của quốc gia Đông Nam Á này.

Giới phân tích cho rằng cương vị mới sẽ càng giúp ông Hun Sen trong việc tiếp tục thống trị chính trường Campuchia và đây là động thái mới nhất trong việc củng cố quyền lực gia đình Hun Sen.

Ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia

Ông Hun Sen trong mắt người dân Campuchia dường như là một người hùng khi ông giữ được nền hòa bình lâu dài cho đất nước và giúp nền kinh tế phát triển đều đặn.

Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng bị chỉ trích về việc đàn áp xã hội dân sự, báo chí, các tiếng nói đối lập. Theo nhiều đánh giá từ các tổ chức độc lập, dưới sự lãnh đạo của ông và đảng CPP, tham nhũng tràn lan và cách biệt giàu nghèo không ngừng gia tăng.

Vào năm 2019, 1% nhóm đứng đầu Campuchia chiếm 16,3% thu nhập của đất nước. Campuchia là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tham nhũng, chỉ sau Myanmar, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Tháng 8/2023, ông Hun Sen lui về hậu trường và con trai ông là đại tướng Hun Manet lên tiếp nhiệm chiếc ghế thủ tướng sau một cuộc bầu cử.

Sau khi rời khỏi cương vị thủ tướng, ông Hun Sen giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật của Quốc vương.

Cách đây không lâu, theo sự bổ nhiệm của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, người em trai là dân biểu Hạ viện, Bộ trưởng Hành chính công Hun Many đã được Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 21/2/2024 với tỉ lệ 120/120 phiếu thuận.

Cùng ngày, Quốc vương Sihamoni đã ban hành Sắc lệnh Hoàng gia chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm.

Điều này đánh dấu việc ông Hun Many đã trở thành Phó Thủ tướng Campuchia trẻ nhất trong lịch sử nước này ở tuổi 41.

Giới quan sát đánh giá rằng dù ông Hun Sen đã rời khỏi ghế thủ tướng nhưng vẫn có ảnh hưởng bao trùm chính trường Campuchia. Đó không phải là điều gì bí mật và sự bổ nhiệm ông Many càng khẳng định điều đó.

Ngoài hai người con trai trên, người con trai giữa của ông Hun Sen là Trung tướng Hun Manith hiện đang giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.

Vào tháng 2/2024, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy phát biểu với đài RFA rằng chính phủ Campuchia hiện tại là “một băng đảng phong kiến, hoàn toàn không chịu trách nhiệm giải trình như thông lệ của quốc tế”.

“Các nhà độc tài luôn bổ nhiệm người thân và bà con nhằm củng cố quyền lực,” ông nói.

Cáo buộc gia đình trị, thực ra, đã xuất hiện từ lâu trên chính trường Campuchia, dưới thời đại mà quyền lực ông Hun Sen, người làm thủ tướng từ năm 1985 và chỉ chịu rời ghế vào năm 2023, bao trùm.

Sau khi ông Hun Sen thôi làm thủ tướng và con trai trưởng của ông là Hun Manet lên tiếp nhiệm vào tháng 8/2023, các cáo buộc lại một lần nữa bùng lên.

Ông Hun Sen đã đáp lại những cáo buộc bằng lời khẳng định rằng việc con ông làm thủ tướng là do dân bầu, là dựa vào tài năng, chứ không phải chuyện “con ông cháu cha”.

CHIẾN SỰ TRUNG ĐÔNG NGÀY CÀNG NÓNG BỎNG

Bước leo thang mới về bạo lực và căng thẳng chính trị tại Trung Đông xảy ra ngày 1/4 khi Đại sứ quán Iran tại Syria bị các máy bay chiến đấu không kích.

Khu vực Trung Đông vốn như một chảo lửa chính trị vì cuộc chiến tại Dải Gaza, sự lộng hành của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ nay lại đang đứng trước nguy cơ chiến tranh lan rộng vì vụ tấn công sứ quán Iran.

Bước leo thang mới về bạo lực và căng thẳng chính trị tại Trung Đông xảy ra ngày 1/4 khi Đại sứ quán Iran tại Syria bị các máy bay chiến đấu không kích, khiến 7 cố vấn quân sự Iran gồm 3 chỉ huy cao cấp thiệt mạng. Ngay lập tức, mọi sự cáo buộc đổ dồn vào quân đội Israel đứng sau vụ tập kích này.

Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Israel không phủ nhận hay thừa nhận lực lượng Do Thái đứng sau vụ không kích tại Syria. Quan chức Israel tuyên bố không bình luận về các thông tin trên truyền thông nước ngoài, trong khi tờ New York Times của Mỹ dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên cho biết chính quân đội Do Thái đã thực hiện vụ oanh kích đầy nhạy cảm tại Syria.

Ngay lập tức, bầu không khí chính trị vốn đã nóng bỏng lại dậy sóng sau vụ tấn công được cho là có bàn tay của quân đội Israel vốn là kẻ thù của khối Hồi giáo mà đứng đầu là Iran. Từ lâu Israel đã không giấu giếm ý định nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria cũng như nhóm vũ trang Hezbollah ở Li-băng do Iran hậu thuẫn.

Đây cũng là lực lượng luôn có hành động tấn công vào lãnh thổ Israel trong suốt thời gian qua nhằm ủng hộ lực lượng Hamas đang đối đầu với quân đội Israel tại Dải Gaza. Do đó, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tại Syria khiến các quan chức cấp cao của Iran thiệt mạng, viễn cảnh nổ ra cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai đối thủ không đội trời chung trong khu vực là Iran và Israel lại hiện ra rõ ràng.

Nguy cơ chiến tranh càng hiện hữu hơn khi vào ngày 2/4, một ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nêu quan điểm cứng rắn chính thức của nước này. Ông khẳng định Iran sẽ trả đũa cuộc không kích mà Tehran cáo buộc do Israel thực hiện ở Damascus, Syria. Tổng thống Iran cho rằng Israel đã sử dụng lại chiến thuật ám sát sau khi thất bại trong việc dập tắt các lực lượng chống lại mình ở bên ngoài lãnh thổ.

Trong số những người thiệt mạng vì vụ oanh kích còn có thành viên của lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah đóng ở Li-băng. Cũng giống như Iran, lực lượng Hezbollah tuyên bố sẽ trả đũa quân đội Do Thái, lực lượng mà họ đối đầu suốt những tháng qua ở khu vực biên giới phía Nam Li-băng.

Ngoài Iran và Hezbollah, một loạt nước Hồi giáo trong khu vực và trên thế giới như Iraq, Jordan, Oman, Pakistan, Qatar, Ả-rập Xê-út, UAE và Nga cũng chỉ trích Israel sau vụ oanh kích.

Đồng minh thân cận nhất của Israel là Mỹ thì lên tiếng bày tỏ quan ngại về hậu quả của vụ tấn công ở Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington lo ngại về bất cứ diễn biến nào có thể gây leo thang xung đột trong khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan cho rằng sự kiện nói trên sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về giải thoát con tin Israel do Hamas đang giam giữ.

Trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc hứng chịu nhiều bất ổn từ cuộc chiến Nga – Ukraine, xung đột tại Dải Gaza, căng thẳng trên Biển Đỏ và bão suy thoái lạm phát trên toàn cầu, thêm một mối căng thẳng phát sinh như vụ tấn công tại Syria lại đặt cả khu vực Trung Đông và nền địa chính trị quốc tế trước một thách thức mới.

NGA-UKRAINE: CUỘC CHIẾN KHÔNG HỒI KẾT!

Cuộc xung đột Nga-Ukraine bước vào năm thứ ba và đang ngày càng trở nên khốc liệt. Hình ảnh những đường phố bị phá hủy nham nhở, những thiết bị quân sự cháy xém khắp nơi, người dân chịu cảnh tối tăm giữa mùa đông giá lạnh và những thông báo về số binh sỹ thiệt mạng của cả hai bên đang đẩy nỗi ám ảnh của chiến tranh đến tột cùng.

Sau cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm 2023 và đặc biệt sau khi đánh chiếm thành trì Avdiivka tháng 2/2024, các lực lượng Nga đang đẩy mạnh tấn công vào các tuyến phòng thủ tiếp theo của lực lượng vũ trang Ukraine trên khắp các mặt trận từ Donbass đến Zaporizhia và Kherson.

Cuộc chiến vũ khí hiện đại

Do những khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ quân sự từ các nước phương Tây, hiện quân đội Ukraine đang phải chịu sự vượt trội về hỏa lực so với quân Nga và chịu tổn thất to lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Soigu ngày 2/4 tuyên bố có 80.000 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng từ đầu năm 2024 đến nay. Về phía Ukraine, Tướng Oleksandr Sysky, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine cũng thông tin, quân đội nước này đã tiêu diệt hàng chục xe tăng, thiết giáp cùng nhiều binh sỹ Nga trong cuộc chiến tăng lớn nhất sau Thế chiến Hai.

Cuộc chiến không chỉ diễn ra ác liệt trên chiến trường mà giờ đây các bên đã chuyển lửa vào sâu trong lãnh thổ của nhau, những cơ sở năng lượng và quân sự ở xa tiền tuyến. Mới đây nhất, rạng sáng ngày 2/4/2024, theo lãnh đạo nước cộng hòa Tatarstan (cách biên giới Ukraina 1.100 km) ba máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tấn công vào khu vực này, làm bảy người bị thương tại một ký túc xá và gây ra ra một đám cháy tại một nhà máy lọc dầu. Kể từ đầu năm nay, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy lọc dầu trên khắp lãnh thổ Nga ở Nizhny Novgorod, Ryazan, Kuibyshev và Syzran.

Ở chiều ngược lại, nhằm trả đũa các cuộc tấn công của Kiev vào bán đảo Crimea và vùng Belgorod cũng như sau vụ khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall, từ ngày 22/3 lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã dùng hàng trăm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV đánh vào hầu hết các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và các trạm biến áp trên toàn lãnh thổ. Gần đây, ngày 1/4 Nga đã tập kích Nhà máy nhiệt điện Zmievskaya và tất cả các trạm biến áp ở Kharkov, làm mất điện toàn thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Theo lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng Ukraine, Nga đã phá hủy 80 % năng lực sản xuất điện và truyền tải điện của Ukraine.

Cùng với đó, Nga đã bắn phá hầu hết các sân bay của Ukraine nhằm phá hủy đội máy bay quân sự Ukraine và các cơ sở hạ tầng sân bay nhằm làm cho Kiev không thể tiếp nhận các loại máy bay phương Tây, dự kiến được chuyển giao cho nước này vào mùa hè. Một quan chức quân sự Nga cho rằng, một trong những nhiệm vụ của chiến dịch quân sự của Nga đã hoàn thành, đó là phi quân sự hóa Ukraine, có nghĩa là giờ đây Ukraine không thể tự sản xuất được các thiết bị quân sự, mà phải nhập hoàn toàn từ các đối tác nước ngoài.

Nỗ lực hòa đàm chưa kết quả

Trong những tuyên bố của mình, Nga và Ukraine đều nói mong muốn đàm phán để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, mỗi bên lại đưa ra những điều kiện hòa đàm hoàn toàn trái ngược nhau. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nêu lên công thức hòa bình mười điểm của mình, trong đó có mục Nga phải rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ thuộc Ukraine được quốc tế công nhận trước thời điểm năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea. Ngoài ra, tổng thống Zelensky còn ký Sắc lệnh cấm đàm phán với Nga sau khi Nga tiến hành sáp nhập bốn vùng gồm Donets, Lugansk, Zaporizhia và Kherson vào LB Nga.

Về phía Nga, họ nói chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình về Ukraine, nhưng cũng đưa ra các điều kiện của mình. Tổng thống Nga Putin nhiều lần nói, nếu Ukraine mong muốn đàm phán thì trước hết phải hủy bỏ Sắc lệnh về cấm đàm phán với Nga, và điều quan trọng hơn, Ukraine phải dựa trên thực tế mới, đó là việc Nga đã sáp nhập bốn vùng lãnh thổ mới vào LB Nga.

Trên mặt trận ngoại giao, Ukraine và các nước phương Tây đã tổ chức nhiều Diễn đàn hòa bình về Ukraine tại Đan Mạch, Saudi Arabia, UAE nhằm thu hút các nước lên án Nga. Tổng thống Zelensky, Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine đã tiến hành nhiều chuyến thăm con thoi, gặp gỡ giới ngoại giao, hành pháp, lập pháp các nước, từ những quốc gia thân phương Tây đến những nước không tiến hành cấm vận Nga, vận động viện trợ quân sự cũng như thành lập mặt trận chống Nga.

Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ... mong muốn đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraina nhưng đến nay chưa thành công. Các nước này cùng với Nga đều cho rằng, những diễn đàn quốc tế về hòa bình ở Ukraine mà không có sự tham gia của Nga sẽ không đem đến kết quả.

Chờ đợi bầu cử Tổng thống Mỹ

Không ai có thể biết khi nào chiến sự sẽ kết thúc tại Ukraine bởi các bên đều thiếu lòng tin với nhau. Nga cho rằng các nước phương Tây luôn theo đuổi mục đích làm suy yếu chiến lược đối với Nga nên trong khi kêu gọi hai bên đàm phán nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine và đổ lỗi cho Nga leo thang căng thẳng, đẩy châu Âu đến nguy cơ chiến tranh.

Lãnh đạo một số nước thuộc NATO như các nước Baltic, Ba Lan nói, Nga sẽ tấn công vào sườn phía đông của NATO nếu chiến thắng ở Ukraine. Để ngăn cản người Nga giành thắng lợi, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 2/4 đã đề xuất lập một quỹ hỗ trợ cho Ukrane trong vòng 5 năm có giá trị 100 tỷ euro, trong đó trao cho liên minh phương Tây vai trò trực tiếp hơn điều phối cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.

Về phía Nga, ông Konstantin Gavrilov, Trưởng phái đoàn của Nga về đàm phán an ninh quân sự kiểm soát vũ khí tại Vienna, Áo, cho rằng mối quan hệ giữa Nga và NATO hiện nay còn thấp hơn thời Chiến tranh Lạnh. Theo ông Gavrilov, phương Tây nói muốn đàm phán nhằm câu giờ chỉ nhằm giúp quân đội Ukraine phục hồi sau thất bại cuộc phản công mùa hè 2023 và áp lực tấn công của Nga giai đoạn gần đây. Nga đã có nhiều bài học về lời hứa từ phương Tây trong việc không mở rộng NATO về phía Đông và thực hiện thỏa thuận Minsk. Vì vậy Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt được mục đích của mình.

Tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine nhưng Nga đã thay đổi chiến thuật so với thời kỳ đầu tiên của Chiến dịch quân sự. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Kysylov trên kênh truyền hình Trung ương Nga cuối tháng 2/2024 nói rằng quân đội Nga tiến công chậm, chắc, ưu tiên dùng các vũ khí hiện đại nhằm tránh tổn thất nhất đối với binh sỹ Nga. Các loại vũ khí hiện đại nhất như tên lửa đạn đạo Kinzhal, Zircon, bom lượn siêu nặng FAB 3000, bom chùm, UAV “đánh võng” Lanset được sử dụng nhiều trên chiến trường...

Ngay Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng phải công nhận sự nguy hại của vũ khí Nga, và nói rằng, trong 6 ngày cuối tháng 3, Nga đã thả 700 quả bom lượn có ​​sức công phá khác nhau. Bom lượn có thể được thả cách tiền tuyến 65 km và rơi xuống đất đúng vị trí chỉ trong vài phút, khiến hệ thống phòng không Ukraine khó đánh chặn. Đối với các loại tên lửa thì lại càng khó tiêu diệt hơn bởi số lượng lớn và thời gian phát hiện từ lúc phóng đi rất ngắn. Tên lửa của Nga bắn ồ ạt từ bán đảo Crimea hoặc các tàu chiến của Nga tại Biển Đen vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Kharkov mất khoảng 3,5 phút và Odessa là 1 phút. Mức độ chính xác của các loại tên lửa này đã tăng lên, từ vài chục hoặc trăm mét thời đầu chiến dịch, nay chỉ là một vài mét.

“Ukraine có thể bị đánh bại trong cuộc xung đột với Nga vào mùa hè 2024”, chuyên gia quốc phòng của tờ Robert Fox của Anh viết. Theo ông, hỏa lực của Nga mạnh gấp 5 lần khả năng của Lực lượng vũ trang Ukraine, vì vậy NATO phải khẩn trương hơn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan dự đoán rằng cuộc xung đột có khả năng kết thúc vào năm 2025 bởi cả hai bên đã đạt đến giới hạn của những gì có thể đạt được thông qua các hoạt động quân sự và giờ đã đến lúc tiến hành đối thoại hướng tới ngừng bắn.

Và ai cũng biết, năm 2025 là thời điểm Tổng thống mới của Mỹ sẽ nhậm chức. Cuộc xung đột Nga Ukraine kéo dài hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. Theo tuyên bố của các ứng viên Tổng thống Mỹ, nếu đương kim tổng thống Biden tái đắc cử thì “Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine cho tới khi nước này vẫn cần”, còn nếu cựu tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng thì ông ấy “sẽ kết thúc xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ”. Vậy hãy chờ kết quả cuộc bầu cử và cam kết thực hiện những tuyên bố này ra sao, còn trước mắt, chiến sự trên thực địa tiếp tục căng thẳng, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn.

Nguồn: CafeF; VOA; BBC; Soha; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang