BĐS Hong Kong gặp khó; Sốt xuất huyết ở Brazil; Nóng xe điện ở Trung Đông; Bác sĩ HQ lại sắp biểu tình; Thách thức 'con sóng bạc'

Thực trạng buồn tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới

Tình trạng suy thoái kinh tế đang tàn phá hầu hết các thị trường bất động sản toàn cầu, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thị trường bất động sản tại Hong Kong đang chứng kiến sự khủng hoảng, khiến cho phân khúc hạng sang ngày càng mất giá. Những ngôi nhà đắt nhất giảm giá mạnh hơn cả.

Các ông trùm phải bán đi nhiều bất động sản để giải quyết khó khăn về kinh tế. Ngân hàng tăng tịch thu tài sản sau khi chủ sở hữu những cơ ngơi hạng sang không trả được nợ.

Theo dữ liệu của Cục Xếp hạng và Định giá Hong Kong, tháng 11/2023, chỉ số giá bất động sản giảm thêm 6,56% so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời ghi nhận chu kỳ giảm tháng thứ 22 liên tiếp.

Cherry Lai, Giám đốc cấp cao bộ phận kinh doanh nhà ở tại Hong Kong của Savills, cho biết giá bán trung bình của những ngôi nhà siêu sang giá trị hơn 38 triệu USD, giảm hơn 25% kể từ giữa năm 2022. Đồng thời, mức giá dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2024 do nhiều người đang cần tiền để giải quyết những vấn đề gặp phải do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Sự sụt giảm giá phản ánh hậu quả từ nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc, nơi bị giảm phát, xuất khẩu chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm.

Thị trường bất động sản Hong Kong cũng chịu áp lực do tình trạng lãi suất tăng ở Mỹ. Ngân hàng Hong Kong buộc phải điều chỉnh tăng mức lãi suất để phù hợp với động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Karl Choi, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về tài sản của Hong Kong tại Bank of America, cho biết việc lãi suất neo cao trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu bất động sản. Các nhà đầu tư tìm cách rút vốn, để tìm kiếm các kênh an toàn hơn, khiến cho thị trường bất động sản ngày càng kém hấp dẫn.

Để thúc đẩy thị trường nhà ở, Hong Kong quyết định cắt giảm thuế trước bạ đối với người mua nhà vào tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Hong Kong nới lỏng chính sách thuế liên quan đến bất động sản.

Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường cho rằng, với tình trạng lãi suất cao kéo dài và sự bất ổn kinh tế trong vài năm qua, những người có nhu cầu mua nhà tiếp tục chờ đợi mức giá giảm sâu hơn nữa. Vì vậy, bất chấp những nỗ lực của chính quyền, tình hình khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn.

Theo Joseph Tsang, Chủ tịch Công ty Dịch vụ bất động sản JLL Hong Kong, ngoài một số yếu tố khách quan đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, cuộc chiến giá cả xuất phát từ lượng tồn kho ngày càng tăng giữa các dự án mới sẽ là yếu tố có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến khả năng phục hồi trong lĩnh vực này.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Brazil

8 trong số 27 bang của Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh sốt xuất huyết.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Brazil cho thấy nước này đã vượt mốc 1 triệu ca sốt xuất huyết trong 8 tuần đầu năm 2024, bao gồm cả các ca nhiễm được xác nhận và nghi ngờ. Trong khi đó, thời điểm này năm 2023, Brazil chỉ ghi nhận hơn 207.000 trường hợp.

Tính đến ngày 1/3/2024 đã có 214 ca tử vong được xác nhận do sốt xuất huyết, trong đó 687 trường hợp vẫn đang được phân tích. Con số này cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

8 trong số 27 bang của Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, do sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh sốt xuất huyết. Tuyên bố khẩn cấp cho phép chính quyền địa phương đẩy nhanh việc trang bị vật tư, nhân sự.

Ở Brazil, số ca sốt xuất huyết và tử vong gia tăng là chuyện xảy ra hàng năm trong mùa hè, nhưng các quan chức Bộ Y tế cho biết năm 2024 sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Kịch bản xấu nhất dự kiến vào tháng trước là 4,2 triệu ca sốt trong năm - một con số đáng lo ngại.

Để giúp đối phó với sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, một nhóm các nhà khoa học đã thử nghiệm một phương pháp đặc biệt, đó là thả một loạt muỗi biến đổi gen vào môi trường tự nhiên.

Theo đó, tại thành phố Suzano thuộc bang Sao Paolo của Brazil, công ty công nghệ sinh học Oxitec của Anh đang phát triển một phiên bản biến đổi gen của loài muỗi Aedes aegypti.

Những con muỗi đực sau khi biến đổi gen sẽ mang một gen có thể tiêu diệt muỗi cái. Do đó, khi được thả ra môi trường tự nhiên, chúng sẽ khiến tỉ lệ sinh sản của loài muỗi này giảm đi, đồng thời giảm số lượng muỗi cái - tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết một cách rõ rệt.

Phương pháp này đã được chứng minh có tác dụng giảm 90% số muỗi trong khu vực, giúp giảm rõ rệt số ca bệnh sốt xuất huyết tại địa phương này.

Ông Rodrigo Ashiuchi - Thị trưởng thành phố Suzano: “Tôi tin rằng, những nỗ lực triển khai của chúng tôi đã có tác dụng. Ban đầu, chúng tôi phải đặt thành phố trong tình trạng báo động và giờ đây chúng tôi ghi nhận số ca sốt xuất huyết giảm đáng kể. Đây là một dự án sáng tạo, không chỉ cho Suzano mà còn có thể áp dụng cho các thành phố khác".

Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế Brazil cũng đã lên kế hoạch tổ chức một sự kiện đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, được gọi là “D-Day”, để tuyên truyền cho người dân về mức độ nghiêm trọng của số ca mắc bệnh tăng đột biến hiện nay và hướng dẫn họ cách dọn dẹp những nơi muỗi sinh sản.

Làn sóng bùng nổ xe điện tại Trung Đông đang diễn ra thế nào?

Trung Đông nổi tiếng với tài nguyên dầu khí dồi dào, nhưng nơi đây đang dần đầu tư vào một tương lai mới bền vững hơn, xe điện có thể sẽ định hình tương lai này.

Xe điện bùng nổ ở Trung Đông

Theo CNBC, Ả Rập Xê Út đang nghiên cứu thương hiệu xe điện của riêng mình, Ceer, và sở hữu khoảng 60% cổ phần tại hãng xe điện Lucid Motors. Quỹ đầu tư công của nước này cũng vừa rót thêm 1,8 tỷ USD vào Lucid.

Xe điện cũng đang dần bùng nổ tại Israel. Số lượng xe điện được giao trong nửa đầu năm ngoái cao hơn 210% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tại Bahrain, Gauss Auto - một tập đoàn sản xuất của Mỹ - hợp tác với công ty Marson Group của Bahrain mở một nhà máy sản xuất xe điện.

“Ngày càng nhiều người nhận ra rằng các quốc gia phải làm gì đó để giải quyết vấn đề khí hậu. Tôi cho rằng các nước Trung Đông cũng không phải ngoại lệ”, Tammy Klein, Chủ tịch Hội đồng Xe điện, nói.

Những thay đổi mạnh mẽ trước làn sóng xe điện

UAE đã bắt tay với Einride - công ty vận tải đường bộ sử dụng xe điện tự hành có trụ sở tại Thụy Điển- để mang tương lai xe điện đến với Trung Đông.

Einride – công ty xếp thứ 13 trong danh sách Disruptor 50, năm 2023 của CNBC - công bố hợp tác với Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng của UAE nhằm thiết lập hoạt động vận chuyển bền vững trong khu vực.

Dù chỉ là biên bản ghi nhớ nhưng sự kiện đánh dấu việc Einride gia nhập Trung Đông với kế hoạch phát triển đội xe tải điện tự hành lớn nhất khu vực. 5 năm là khoảng thời gian dự kiến để hoàn thành kế hoạch trên.

Theo Robert Falck, Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty, cho biết lần hợp tác này nêu bật những gì mà Einride có thể mang đến. Đó là sự chuyển đổi sang hoạt động vận chuyển hiệu quả và bền vững hoàn toàn bằng điện.

Được gọi là dự án Falcon Rise, Einride có kế hoạch triển khai mạng lưới vận chuyển hàng hóa trải dài hơn 300 dặm khắp Abu Dhabi, Dubai và Sharjah, bao gồm 2.000 xe tải điện, 200 xe tải tự lái và 8 trạm sạc.

Tammy Klein, Chủ tịch Hội đồng Xe điện rất lạc quan về ý tưởng mang tính chiến lược này. “Tôi cho rằng Einride có cách tiếp cận thú vị, về những gì mà họ có thể mang đến cho điện khí hóa và tự động hóa. Điều này thực sự phù hợp với một quốc gia nhỏ như UAE”, Klein cho biết.

Chính phủ Ả Rập Saudi cũng đang tài trợ cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi sang xe điện. Kể từ năm 2021, Sáng kiến Phát triển Cơ sở hạ tầng Sạc xe điện của Ả rập Xê Út (SEVCIDI) đã hướng tới mục tiêu lắp đặt 50.000 trạm sạc nội địa vào năm 2025.

Các hãng ôtô lớn ở Mỹ và Trung Quốc cũng đang cạnh tranh để giành chỗ đứng trên thị trường xe điện Trung Đông. GM đang chuẩn bị cho ra mắt hàng loạt mẫu xe mới tại Trung Đông.

Trung Quốc cũng thâm nhập vào khu vực Trung Đông. Bộ Đầu tư Ả Rập Xê Út vừa ký một thỏa thuận trị giá 5,6 tỷ USD với Human Horizons, một nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc. Các công ty xe điện khác của Trung Quốc cũng đang tràn vào thị trường, bao gồm Zeekr ở Israel và BYD tại Jordan.

Trước làn sóng chuyển đổi sang xe điện mạnh mẽ, có thể mở đường cho các quốc gia khác trong khu vực hành động, chuyển đổi cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ xe điện và chống biến đổi khí hậu.

Bác sĩ Hàn Quốc chuẩn bị biểu tình quy mô lớn

Các bác sĩ Hàn Quốc chuẩn bị tổ chức tuần hành phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh trường y, khi tình trạng gián đoạn y tế ngày càng nghiêm trọng.

Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), đại diện đa số bác sĩ ở nước này, ngày 2/3 tuyên bố tổ chức biểu tình quy mô lớn với 20.000 bác sĩ tham gia ở phía tây Seoul vào hôm nay.

Đây là động thái mới nhất của các bác sĩ nhằm phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025. Hơn 10.000 bác sĩ nội trú đã nộp đơn xin nghỉ việc kể từ 20/2, buộc chính phủ tăng sức ép, cảnh báo thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại họ.

Giới chức Hàn Quốc chưa bình luận về tuyên bố tổ chức biểu tình của KMA. Cảnh sát trước đó đã khám xét nhà riêng và văn phòng của các quan chức hiệp hội này, nghi ngờ họ khuyến khích các bác sĩ bỏ việc hàng loạt, tiếp tay thúc đẩy cuộc đình công.

Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố không truy cứu trách nhiệm với các bác sĩ tham gia đình công nếu họ quay lại làm việc trước 29/2, những người không tuân thủ có thể bị tước giấy phép hành nghề. Nhưng chỉ khoảng 6% bác sĩ đình công quay lại làm việc trước hạn chót.

Tình trạng này khiến hệ thống y tế Hàn Quốc gián đoạn, đặc biệt ở các bệnh viện lớn. Nhiều cơ sở phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân và hủy phẫu thuật.

Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.

Trong khi đó, các bác sĩ nội trú cho rằng chính phủ cần giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của họ trước khi tăng số lượng nhân viên y tế.

Các bác sĩ nêu tình trạng chênh lệch quyền lợi giữa các khoa điều trị thiết yếu với những khoa nhiều lợi nhuận hơn trong ngành, đề cập thêm tình trạng làm việc quá tải. Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường.

Nếu kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng số lượng sinh viên y khoa kể từ năm 2006.

Thách thức từ 'cơn sóng bạc'

Theo các báo cáo mới công bố từ đầu năm tới nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và một loạt quốc gia châu Á ghi nhận tình trạng báo động về tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, dân số giảm, dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội.

Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Các số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản năm ngoái cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời trên cả nước đã giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, mức thấp nhất từ trước tới nay và là năm thứ tám giảm liên tiếp. Số cặp đôi kết hôn đã giảm 5,9% xuống 489.281 cặp, đánh dấu lần đầu tiên sau 90 năm con số này xuống dưới 500.000. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia (NIPSSR), nếu số lượng các cặp đôi kết hôn không tăng lên, sẽ không có triển vọng đảo ngược mức tăng sinh.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh trong quý IV/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất theo quý, chỉ 0,65 con/phụ nữ. Năm ngoái, số trẻ sinh ra ở mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm hơn 40% so với năm 2017. Bộ Nội vụ Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy số hộ gia đình độc thân đã tăng cao trong năm 2023, chiếm tỷ lệ kỷ lục 42% trong tổng số hộ gia đình tại đây. Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia dân số già hóa ở mức cao vào năm 2072, với độ tuổi trung bình 63,4. Do tỷ lệ sinh quá thấp, lần đầu tiên số trẻ em vào học năm đầu tiên của bậc tiểu học ở nước này dự kiến giảm xuống dưới 400.000 em trong năm nay. Hàng loạt trường đại học ở Hàn Quốc cũng đang phải nỗ lực để đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh thường xuyên.

Năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai. Chính phủ dự báo đến năm 2035, sẽ có khoảng 400 triệu người tại Trung Quốc trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 30% dân số. Với tỷ lệ sinh giảm liên tiếp trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KResearch) dự báo Thái Lan sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Tương tự, tổng tỷ suất sinh của Singapore năm ngoái lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 và điều này đang đặt ra mối lo ngại về kinh tế và xã hội.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại nhiều nước giảm là do xu hướng kết hôn giảm khi nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn tâm giao vào thời kỳ đại dịch COVID-19. Nhiều người trẻ đã lựa chọn trì hoãn, từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con do thay đổi lối sống hoặc quan niệm sống để phù hợp với những thay đổi về chuẩn mực xã hội. Những lo ngại về tài chính, thu nhập giảm sút cũng đè nặng lên tâm trí giới trẻ. Trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, khiến họ gặp trở ngại trong việc cân bằng cuộc sống, cũng như thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là lý do khiến nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, khiến giai đoạn hiện nay trở thành “Kỷ băng hà hôn nhân” tại Nhật Bản. Tính đến năm 2020, tỷ lệ nam giới Nhật Bản không kết hôn trong suốt cuộc đời là 30%, trong khi con số này năm 1933 là chưa đến 2%.

Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Giảm dân số có thể dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế, khi vừa gây thiếu nhân lực cho ngành sản xuất, dịch vụ, đồng thời cũng làm giảm sức mua, tiêu dùng. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, trong khi dân số già hóa lại khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số già và giảm đi như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hằng năm trên đầu người sẽ tăng 75% lên 235.000 yen (1.568 USD) vào năm 2050 so với mức của năm 2019. Chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng đang tạo ra áp lực lớn cho thế hệ trẻ.

Trước thực trạng này, nhiều nước đã đẩy mạnh các chính sách để hỗ trợ nuôi con và khuyến khích sinh. Bộ Phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF) có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ, hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025. Trong ngân sách 2023, Singapore đã tăng thời gian nghỉ thai sản được chính phủ chi trả lên 4 tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình.

Tháng trước, Nội các Nhật Bản đã nhất trí dự luật tăng cường trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp nghỉ phép chăm sóc trẻ với kinh phí khoảng 3.600 tỷ yen (khoảng 24 tỷ USD) mỗi năm kể từ tài khóa 2026. Quy mô của dự luật đưa Nhật Bản ngang hàng với Thụy Điển, một trong những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chi tiêu công cho mỗi trẻ em tính theo phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đề xuất dự luật yêu cầu các công ty có quy mô hơn 100 nhân viên áp dụng chế độ nghỉ sinh cho các nhân viên nam.

Trợ cấp tài chính là một trong các biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc triển khai nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Từ năm 2024, các gia đình Hàn Quốc có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá lên tới 29,6 triệu won (22.154 USD) cho mỗi trẻ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã thành lập một nhóm đặc trách để xây dựng chính sách khuyến khích sinh con.

Để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão.

Bên cạnh nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, lao động nhập cư cũng được xem là giải pháp để bổ sung lực lượng lao động đang bị thu hẹp do tình trạng già hóa và suy giảm dân số. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã chính thức quyết định thay đổi chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, cho phép lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn để nâng cao trình độ, từ đó mở đường cho ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Trong nỗ lực thu hút nhân tài, Nhật Bản dự kiến cấp một loại thị thực mới nhằm tạo điều kiện cho các kỹ sư công nghệ thông tin và các nhân viên khác của công ty nước ngoài cư trú tại nước này trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, Hàn Quốc dự định thực hiện chương trình thí điểm cho phép sinh viên nước ngoài mời cha mẹ đến Hàn Quốc làm việc tới 8 tháng tại các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc làng chài nằm ở các khu vực gần trường học của họ. Mục đích của chương trình là nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong mùa nông nghiệp và đánh cá bận rộn của nước này.

Có thể thấy, dân số già đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng khó tránh tại nhiều nước. Với việc đẩy nhanh và mở rộng hàng loạt biện pháp, chính phủ các nước đang kỳ vọng có thể giảm bớt tác động và làm chậm lại “cơn sóng bạc”. Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay vẫn còn có những hạn chế nhất định khi chưa thực sự chú trọng đến những người trẻ chưa lập gia đình để tăng tỷ lệ kết hôn. Xu hướng thay đổi nhân khẩu học này cũng là vấn đề dài hạn, đòi hỏi việc chủ động ứng phó, bài bản, đồng bộ nhiều biện pháp như khuyến khích người lớn tuổi tham gia lao động nếu sức khỏe phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của “kinh tế bạc” để vừa đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số già, giảm gánh nặng cho xã hội, vừa phát triển kinh tế, từ đó đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Nguồn: Vietnamnet; Người Đưa Tin; VTC; Vnexpress; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang