40 trường y HQ ra yêu sách; 'Tem tử thần' ở Thái Lan; QH khóa 14 TQ; Ukraine tìm cách XK ngũ cốc; Iran lộ kế hoạch lớn

40 trường y Hàn Quốc yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh

40 trường y Hàn Quốc đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 3.401, cao hơn kế hoạch của chính phủ, khi hàng nghìn bác sĩ nội trú đình công.

Hàn Quốc có kế hoạch tuyển thêm 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025 và chính phủ gần đây đã thu thập yêu cầu từ các trường để xác định nhu cầu tuyển sinh của họ.

"Theo kết quả được Bộ Giáo dục tổng hợp về chỉ tiêu tuyển sinh các trường, 40 trường đại học đã nộp đơn đề nghị tuyển thêm tổng cộng 3.401 sinh viên", Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Min-soo hôm nay cho hay.

Con số này cao hơn đáng kể so với 2.847 chỉ tiêu tuyển thêm mà các trường y trên toàn quốc muốn có trong cuộc khảo sát năm ngoái.

Theo giới chức, 13 trường y ở Seoul đã nộp đơn xin tuyển thêm 930 sinh viên. 27 trường y ở các khu vực khác xin tuyển thêm 2.471 sinh viên.

Thông báo về chỉ tiêu tuyển thêm của các trường y được đưa ra khi khoảng 9.000 bác sĩ nội trú Hàn Quốc, tương đương 70% bác sĩ nội trú cả nước, đã nghỉ việc kể từ ngày 20/2, dẫn đến nhiều ca phẫu thuật bị hủy và gây đình trệ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước này. Hàn Quốc đang kiểm tra các bệnh viện để truy cứu những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc theo lệnh của chính phủ và sẽ tước giấy phép hành nghề của 7.000 người.

Khoảng 10 giáo sư trường y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, cách Seoul 76 km về phía đông, hôm nay quyết định cạo đầu để phản đối việc trường xin bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh.

"Nhiều giáo sư đã bày tỏ phản đối tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng trường đưa ra quyết định ngược lại", Ryu Se-min, người đứng đầu trường y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon, cho biết.

Giáo sư trường y ở những khu vực khác thông báo ý định từ chức hoặc nộp đơn từ chức. Một giáo sư tim mạch tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk ở thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do, cách Seoul 112 km về phía nam, nộp đơn từ chức để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh, cho rằng không có lý do gì để ở lại bệnh viện nếu không thể làm việc với các bác sĩ nội trú đang đình công.

Tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook ở thành phố Daegu, một giáo sư phẫu thuật bày tỏ ý định từ chức trên mạng xã hội, đồng thời chỉ trích chính phủ vì đe dọa bác sĩ nội trú đình công.

Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.

Tỷ lệ bác sĩ tại Hàn Quốc là trung bình 2,6 người trên 1.000 dân, thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ trung bình của OECD là 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân.

Nhưng trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc tăng tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng đào tạo cũng như dịch vụ khám chữa bệnh, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế. Mức độ điều trị ngoại trú trung bình trên mỗi người dân nước này là 14,7 lần một năm, cao hơn mức trung bình của OECD.

Các bác sĩ nội trú cũng cho rằng chính phủ cần giải quyết điều kiện làm việc cho họ trước khi tính tới tăng số lượng nhân viên y tế. Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường phải làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, tương đương 20 tiếng mỗi ngày, khiến nhiều người cảm thấy quá tải.

Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường. Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), đại diện đa số bác sĩ ở nước này, còn cáo buộc kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là một biện pháp dân túy nhằm củng cố vị thế của chính phủ trước thềm bầu cử.

Trong khi đó, một số quan chức Hàn Quốc cho rằng các bác sĩ nội trú đình công tập thể vì lo ngại kế hoạch tăng tuyển sinh trường y sẽ kéo theo tăng mức độ cạnh tranh, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như địa vị xã hội của họ. Bác sĩ là một trong những nghề có thu nhập cao nhất và được trọng vọng nhất ở Hàn Quốc.

Dư luận Hàn Quốc và nhiều tổ chức y tế khác lại ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Khảo sát từ Công đoàn Y tế Hàn Quốc (KMHU) cuối 2023 cho thấy gần 90% công chúng ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, tăng gần 20% so với năm 2022.

Nhưng các bên ủng hộ cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng bác sĩ sẽ chỉ có hiệu quả khi đi kèm với các biện pháp nâng cao vị thế của hệ thống y tế công, thừa nhận thị trường hóa y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chuyên khoa kém thu hút hơn.

Thái Lan cảnh báo mối nguy hại của "tem tử thần"

Ngày 4/3, Cục Dịch vụ y tế Thái Lan cảnh báo hành vi sử dụng tem tẩm thuốc gây ảo giác hay còn gọi là “tem tử thần” có thể gây ra các bệnh tâm thần mãn tính, thậm chí khiến người sử dụng nảy sinh ý muốn tự tự.

“Tem tử thần” là những mảnh giấy thấm nhỏ đầy màu sắc được tẩm một giọt axit lysergic diethylamide (LSD) đặt dưới lưỡi người dùng. LSD ban đầu sẽ mang lại cho người dùng cảm giác vui vẻ nhưng sau đó có thể gây ảo giác, giảm thính lực và dẫn đến nhận thức sai lệch. Một số người dùng “tem tử thần” có tẩm chất này thậm chí còn cố gắng làm hại bản thân hay cân nhắc việc tự tử.

Cục phó Cục Dịch vụ y tế Thái Lan, ông Pairoj Surattanawanich cho biết LSD có hiệu lực trong vòng 30 đến 90 phút và ảnh hưởng có thể kéo dài tới 12 giờ.

Trong khi đó, ông Sarayut Boonchaipanichwattana, Giám đốc Viện quốc gia Thái Lan về Điều trị lạm dụng ma túy (PMNIDAT) cho biết LSD có thể khiến người sử dụng gây ra bạo lực, tự tấn công thân thể, hoặc gây tai nạn giao thông.

Theo ông Sarayut, việc tiêu thụ quá nhiều LSD có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh tâm thần mãn tính như tâm thần phân liệt, trầm cảm, ảo giác hoặc mất thính lực (ù tai), và sẽ mất rất nhiều thời gian để điều trị những tình trạng này.

Ông Sarayut cảnh báo người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và khách du lịch, nên thận trọng với các loại ma túy mới dưới nhiều hình thức, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi người.

Quốc hội Khóa 14 Trung Quốc: Bắc Kinh vật lộn giải quyết thách thức ‘già trước khi giàu’

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay khi công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của mình.

Thủ tướng Lý Cường đã đưa ra thông báo này tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) thường niên vào thứ Ba.

Ông Lý thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang gặp ‘khó khăn’ và rằng nhiều vấn đề "vẫn chưa được giải quyết".

Phát ngôn của ông Lý được đưa ra khi Trung Quốc đang chật vật phục hồi nền kinh tế từng bùng nổ của mình.

Ông nói: “Rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản, trong nợ công chính phủ, và trong các tổ chức tài chính vừa và nhỏ đang rất nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi phải đối mặt với nhiều tình huống vô cùng khó xử trong việc đưa ra và thực hiện các quyết sách.”

Một loạt biện pháp khác nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế ì ạch sau đại dịch cũng được vạch ra, bao gồm các sáng kiến mới để vực dậy lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tạo thêm 12 triệu việc làm ở khu vực thành thị.

Thủ tướng Lý cho biết, sẽ tăng cường các quy định về thị trường tài chính và nghiên cứu các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học đời sống.

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Các số liệu chính thức cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng trung bình gần 10% một năm.

Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Bắc Kinh cho biết năm ngoái nền kinh tế đã tăng trưởng 5,2%, mức này thậm chí vẫn còn thấp đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng con số thực tế có thể ít hơn 1/3 con số đó.

Andrew Collier, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Trung Quốc Orient Capital Research nói với BBC: “Tôi nghĩ 5 hoặc 10 năm tới sẽ rất khó khăn”.

Ông nói thêm: "Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng những con số này hoàn toàn bịa đặt. Tăng trưởng 5,2% hoặc 5,5% rất có khả năng là sai. Nó chỉ 1% hoặc 2%".

Cho dù số liệu nào là chính xác thì rõ ràng đất nước rộng lớn này và các lãnh đạo đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế.

Các thách thức đó bao gồm thị trường bất động sản và chứng khoán khủng hoảng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nguy cơ giảm phát khi giá tiêu dùng tiếp tục giảm.

Những vấn đề trước mắt này kết hợp với các vấn đề dài hạn hơn, từ căng thẳng thương mại và địa chính trị đến tỷ lệ sinh giảm và dân số già ở Trung Quốc.

Những thách thức kinh tế

Thách thức nghiêm trọng nhất liên quan đến thị trường nhà đất, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chiếm khoảng 20% nền kinh tế.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cho biết, đây là một vấn đề lớn “không chỉ đối với các nhà phát triển bất động sản mà cả các ngân hàng khu vực”.

Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản gây rúng động vào tuần trước khi nhà phát triển tư nhân lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, bị một chủ nợ ở Hong Kong đâm đơn yêu cầu giải thể.

Vụ việc xảy ra chỉ một tháng sau khi đối thủ Evergrande đang ngập trong nợ nần bị tòa án thành phố ra lệnh thanh lý.

Và trong khi phần lớn thế giới đang phải vật lộn với giá cả tăng vọt sau đại dịch, Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn tránh được lạm phát cao.

Tuy nhiên hiện nay họ đang phải giải quyết vấn đề ngược lại - giá cả liên tục giảm hoặc giảm phát.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc giảm trong tháng Giêng với tốc độ nhanh nhất trong gần 15 năm, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp.

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009, khi nền kinh tế thế giới vẫn đang quay cuồng vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giảm phát có hại cho nền kinh tế vì nó có thể có nghĩa là mọi người tiếp tục trì hoãn việc mua những mặt hàng giá trị lớn như máy giặt hoặc ô tô với kỳ vọng rằng chúng sẽ rẻ hơn trong tương lai.

Nó cũng có tác động đến người dân và doanh nghiệp mắc nợ. Giá cả và thu nhập có thể giảm nhưng nợ thì không. Đối với một công ty có doanh thu giảm hoặc một hộ gia đình có thu nhập giảm, việc trả nợ trở thành gánh nặng.

Tất cả những điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thiếu một thứ quan trọng để có một nền kinh tế vững mạnh: sự tự tin. Và giới chức đang nỗ lực trấn an các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Bà Catherine Yeung từ Fidelity International nói với BBC: “Thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hướng tới việc khôi phục niềm tin và nhu cầu trong nước”.

Cho đến nay điều đó có nghĩa là một loạt các biện pháp tương đối nhỏ nhắm vào các bộ phận khác nhau của nền kinh tế.

Chỉ riêng trong năm nay, các nhà đầu tư đã được cắt giảm chi phí vay, được cung cấp các hỗ trợ tiếp. Trung Quốc cũng tiến hành nhiều động thái khác để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản.

Đầu tháng này, trong một động thái gây sốc, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị thay thế. Đây được coi là tín hiệu cho thấy chính phủ đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng suy thoái trên thị trường chứng khoán trị giá tám nghìn tỷ USD.

Các quan chức cũng đã có động thái kiểm soát các nhà giao dịch đặt cược vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và áp đặt các quy định mới về việc bán cổ phiếu vào đầu và cuối ngày giao dịch.

Dân số già đi và sự cân bằng địa chính trị mong manh

Ngoài những vấn đề trước mắt này, Trung Quốc còn phải đối mặt với một số thách thức sâu rộng hơn, bao gồm tăng trưởng năng suất chậm lại và dân số già đi.

Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Vanguard, cho biết: “Vấn đề nhân khẩu học khá bất lợi. Dân số già đi nhanh chóng do chính sách một con”.

Bà nói thêm: “Không giống như Nhật Bản giàu trước khi già, Trung Quốc già đi trước khi giàu”.

Ngoài ra còn có vấn đề địa chính trị khó giải quyết với Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai mà cuối cùng sẽ là một phần của Trung Quốc và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều này. Nhưng Đài Loan tự coi mình tách biệt với Trung Quốc đại lục.

Đài Loan là điểm nóng quan trọng trong cuộc tranh giành quyền bá chủ giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á.

Mâu thuẫn với Đài Loan khiến mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác của phương Tây trở nên phức tạp hơn.

Ngoài ra còn có tranh chấp thương mại đang diễn ra với Mỹ, bắt đầu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và không có dấu hiệu dịu bớt dưới thời chính quyền Biden.

Nhiệm kỳ thứ hai đầy tiềm năng của ông Trump có thể chứng kiến căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Trump, trong những bình luận có tính diều hâu đặc trưng về Trung Quốc, cho biết ông sẽ áp đặt nhiều mức thuế hơn lên hàng hóa của nước này nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông cho biết mức các thuế có thể vượt quá 60%: “Chúng tôi phải làm điều đó,” ông nói.

Mặc dù điều đó có thể thu hút truyền thông, nhưng bà Yeung cho rằng thị trường tài chính có thể đón nhận nó một cách dễ dàng.

Bà nói: “Tin xấu này đã được đưa vào định giá cổ phiếu từ trước”.

Liệu các kế hoạch dài hạn của ông Tập có xoay chuyển được vận mệnh đất nước ông hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, điều rõ ràng là hơn 1,4 tỷ dân nước này khó có thể sớm quay về mức tăng trưởng hai con số hàng năm và sự thịnh vượng đi kèm với nó.

Cách Ukraine vượt qua sự phong tỏa ngũ cốc của Nga

Bất chấp sự phong tỏa của Nga, Ukraine vẫn tìm ra cách xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở ở Mỹ mới đây, Nga đã có động thái nhằm ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhằm mục đích gây áp lực lên một ngành kinh tế quan trọng của Kiev. Nhưng Ukraine đã tìm ra cách để duy trì nguồn xuất khẩu thực phẩm quan trọng của họ khi hai bên bước sang năm thứ ba của cuộc xung đột lớn nhất châu Âu trong 8 thập kỷ. Trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn nhất định, Ukraine vẫn duy trì nỗ lực vận chuyển ngũ cốc tới các thị trường ở châu Phi và Trung Đông.

Được biết đến là vựa lúa mì của thế giới, Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu trên toàn cầu. Trước khi xung đột với Nga nổ ra vào năm 2022, Ukraine đã xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, chiếm 10% thị trường toàn cầu.

Nông nghiệp là trung tâm của nền kinh tế Ukraine, cung cấp hơn 40% thu nhập từ xuất khẩu và 14% việc làm cho nước này. Ngũ cốc cũng là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp lương thực của thế giới và là một hình thức viện trợ đặc biệt quan trọng cho các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Hơn một nửa lượng thực phẩm xuất khẩu của Ukraine đến các nước có thu nhập thấp hơn, chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông. Ở những khu vực đó, hàng trăm triệu người phải đối mặt với nạn đói kéo dài, vì vậy bánh mì và các thực phẩm làm từ ngũ cốc khác thường có tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ước tính đất nông nghiệp của Ukraine có thể nuôi sống khoảng 400 triệu người, mặc dù xuất khẩu của nước này đã chững lại sau cuộc xung đột với Nga.

Trước khi xung đột nổ ra, khoảng 90% ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển qua các cảng của nước này trên Biển Đen. Các tàu thương mại thường chở đầy những container chứa lúa mì, lúa mạch, ngô, dầu hướng dương và các sản phẩm ngũ cốc khác. Các cảng trên cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên khắp thế giới và là trụ cột cho nền kinh tế Ukraine. Nhưng cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến điều đó.

Áp lực từ Nga

Ngay sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các tàu hải quân Nga đã bao vây các cảng Biển Đen của Ukraine, phong tỏa các tuyến đường thương mại. Trong vòng vài ngày sau cuộc xung đột, số lượng tàu thương mại xuất cảng đã giảm từ hơn 150 chuyến mỗi ngày xuống gần như bằng không; Ukraine cũng tạm dừng xuất khẩu một số loại ngũ cốc do lo ngại tình trạng mất an ninh lương thực trong nước. Nhìn chung, giao tranh đã buộc nông dân Ukraine phải từ bỏ hàng triệu hecta đất nông nghiệp.

Sau 5 tháng xung đột, giá lương thực toàn cầu tăng vọt đã khiến Nga và Ukraine đồng ý đạt được thỏa thuận vào tháng 7/2022 để đưa ngũ cốc được lưu thông trở lại. Được trung gian bởi Liên hơp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ (nước kiểm soát eo biển Bosporus, nơi hầu hết hoạt động thương mại ở Biển Đen đi qua), thỏa thuận này mang lại cho các tàu buôn Ukraine lối đi an toàn dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.

Thỏa thuận đã đưa xuất khẩu ngũ cốc trở lại gần mức trước xung đột, nhưng Nga đã rút khỏi thỏa thuận chỉ một năm sau đó và tiếp tục tấn công các cảng của Ukraine. Điện Kremlin giải thích cho hành động này với cáo buộc Ukraine sử dụng vận tải thương mại làm vỏ bọc cho hoạt động quân sự và phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã kìm hãm hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga.

Ngoài ra, Nga còn tấn công các cảng của Ukraine trên sông Danube, nơi Ukraine ngày càng sử dụng nhiều hơn để xuất khẩu ngũ cốc qua châu Âu. Một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đã dẫn đến việc xác của chúng rơi gần lãnh thổ Romania, một thành viên của NATO.

Sau khi thỏa thuận thất bại, nhiều nước lo ngại giá cả sẽ lại tăng cao và có khả năng khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã tránh được nhờ một loạt hành lang xuất khẩu mới đã giúp cho ngũ cốc của Ukraine được lưu thông.

Kể từ tháng 5/2022, EU đã cho phép các nhà xuất khẩu Ukraine tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng vận chuyển đường bộ để đảm bảo ngũ cốc của họ tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhưng điều đó đã tạo ra những rắc rối khác. Những “tuyến đường đoàn kết” này đã gặp phải một số phản đối từ các nước láng giềng phía Tây của Ukraine, nơi các tuyến đường bộ và đường sắt đang bị căng thẳng do xuất khẩu.

Điều này đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa đồng thời làm giảm giá ngũ cốc trong nước. Hungary và Ba Lan đã có lúc đe dọa chặn các cửa khẩu của họ trước sự phản đối của nông dân địa phương. Các nhà hoạch định chính sách EU đã tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho những tuyến đường này bằng cách cung cấp cho các nước láng giềng của Ukraine khoản tài trợ hơn 150 triệu USD.

Trong thời bình, các tàu buôn Ukraine vạch ra lộ trình trực tiếp qua Biển Đen, qua eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ và ra vùng biển quốc tế. Nhưng trong xung đột, các tàu thương mại đã lần theo bờ biển phía Tây, dọc theo biên giới của các quốc gia thân thiện như Bulgaria và Romania. Các tàu ngầm Nga rất khó di chuyển ở vùng nước nông này và tuyến đường đi gần lãnh thổ NATO làm tăng khả năng xảy ra đối đầu quân sự Nga-NATO.

Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Nếu Ukraine có thể vô hiệu hóa khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen và có thể tiếp tục mở các tuyến đường vận chuyển, Moskva sẽ mất đi nguồn đòn bẩy mạnh mẽ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai”.

Hé lộ kế hoạch lớn của Iran trên biển Đỏ

Iran gây sức ép để buộc Sudan cho phép họ xây dựng căn cứ hải quân lâu dài trên bờ biển Đỏ của Sudan nhưng bất thành.

Cố vấn tình báo của lãnh đạo quân sự Sudan, ông Ahmad Hasan Mohamed, chia sẻ với báo Wall Street Journal (WSJ) rằng nếu Iran thành công, họ có thể giám sát giao thông hàng hải qua lại giữa kênh đào Suez và Israel.

Iran đã cung cấp cho quân đội Sudan máy bay không người lái (UAV) để giúp quốc gia này đối phó với một lãnh chúa nổi dậy. Tehran đề nghị cung cấp bổ sung tàu sân bay trực thăng nếu Sudan "bật đèn xanh" cho căn cứ nêu trên.

"Iran nói rằng họ muốn sử dụng căn cứ để thu thập thông tin tình báo. Họ cũng muốn neo đậu tàu chiến ở đó" – ông Mohamed tiết lộ, đồng thời cho biết Sudan từ chối đề nghị của Iran để tránh mâu thuẫn tiềm tàng với Mỹ và Israel.

Một căn cứ hải quân trên biển Đỏ sẽ cho phép Iran thắt chặt kiểm soát đối với một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, nơi lực lượng Houthi do Tehran hậu thuẫn đang tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào tàu thương mại.

Houthi tuyên bố những cuộc tấn công này nhằm đáp trả Israel và đồng minh của nước này vì xung đột ở Gaza. Các đối thủ trong khu vực của Iran là Israel, Ai Cập và Ả Rập Saudi đều có quyền tiếp cận trực tiếp tuyến hàng hải nêu trên.

Theo WSJ, Iran gửi vũ khí ngày càng hiện đại cho Houthi, giúp nhóm này nâng cao khả năng tấn công tàu buôn và làm gián đoạn dòng chảy thương mại quốc tế, bất chấp chiến dịch đáp trả của lực lượng do Mỹ dẫn đầu.

Dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir, Sudan có mối quan hệ chặt chẽ với Iran và lực lượng Hamas.

Sau khi ông Bashir bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2019, lãnh đạo chính quyền quân sự của Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ nhằm chấm dứt lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Burhan cũng đã bình thường hóa quan hệ Sudan-Israel.

Theo giới chuyên gia, yêu cầu xây dựng căn cứ của Iran là một ví dụ điển hình cho thấy các nước trong khu vực đang tìm cách hưởng lợi từ cuộc nội chiến ở Sudan. Mục tiêu của những nước này là thiết lập ảnh hưởng tại quốc gia được xem là "ngã tư chiến lược" giữa Trung Đông và châu Phi cận Sahara.

Nguồn: Vnexpress; VOV; BBC; Báo Tin Tức; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang