Xe điện TQ 'bành trướng'; Nam Phi đòi Anh kim cương; Toan tính của Saudi Ả Rập; Syria trở lại Ả Rập; Quan chức Nga-Ukraine xô xát

Giải được bài toán khiến tất cả đau đầu: Một mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc sắp ngập tràn cả thế giới

(Ảnh minh họa).

Elon Musk đã từng phát biểu, điều duy nhất kìm hãm doanh số bán xe điện (EV) là giá của chúng. Các công ty như BYD đã giải quyết được những vấn đề này ở Trung Quốc và sẵn sàng giải quyết được vấn đề này cho cả thế giới.

Giải bài toán giảm chi phí, xe điện Trung Quốc sắp ngập tràn thế giới

Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đã tiết lộ, chiếc Seagull trong triển lãm ô tô tại Thượng Hải, Trung Quốc tuần qua đã gây sốc cho các nhà phân tích và các đối thủ cạnh tranh. Với thông số kĩ thuật, pin đi được hơn 300km nhưng giá khởi điểm chỉ hơn 11.000 USD (hơn 250 triệu đồng) chỉ khoảng 1 phần 4 giá của hầu hết các xe điện hiện có trên thị trường châu Âu.

Nhà phân tích Adam Jones của Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý dành cho các nhà đầu tư rằng: "The Seagull là một minh chứng khác cho áp lực giảm giá vô cùng mạnh mẽ đến từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc."

Tesla của tỷ phú Musk đã giảm giá ở Mỹ lần thứ 6 kể từ đầu năm vào tuần trước nhằm thúc đẩy nhu cầu xe điện trước tình trạng bất ổn kinh tế và cạnh tranh ngày càng tăng. Việc giảm giá của Tesla đã khiến các nhà sản xuất ô tô khác bao gồm cả Trung Quốc học tập.

Tuy nhiên, triển lãm ở Thượng Hải với điểm nhấn là mẫu xe Seagull vừa qua đã làm nổi bật lên một vấn đề: Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về sản xuất xe điện, cạnh tranh với các hãng khác kể cá giá và công nghệ.

Nhiều chiếc xe khác của BYD và của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc khác sẽ hướng tới châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường nước ngoài khác, đe dọa các nhà sản xuất ô tô lâu đời, Reuters trích dẫn ý kiến của các nhà sản xuất ô tô lâu đời, các giám đốc điều hành và các nhà phân tích cho biết.

Patrick Koller, giám đốc điều hành của nhà cung cấp ô tô Pháp Faurecia cho biết, thị trường EV cấp thấp ở châu Âu là một con đường rộng mở cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

"Tôi nghĩ rằng một chiếc xe hấp dẫn đối với người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là một chiếc xe hấp dẫn đối với người tiêu dùng châu Âu", ông nói với Reuters.

Ông Koller cho biết, ông đã gặp CEO của hơn 20 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại Thượng Hải. Nhiều người đang tìm cách xuất khẩu sang châu Âu.

Do lợi thế cạnh tranh tuyệt vời của họ, ông Koller dự đoán, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể bán được hơn một triệu ô tô mỗi năm ở châu Âu, tương đương 8% thị trường xe điện vào năm ngoái.

Các thị trường đang được đánh giá

Nio, công ty cạnh tranh với những đối thủ như BMW bằng những chiếc ô tô điện cao cấp của họ ở Trung Quốc, cho biết, họ sẽ tung ta một thương hiện xe EV mới, giá cả phải chăng hơn với thị trường mục tiêu đầu tiên là châu Âu. Đồng thời, họ cũng đang đánh giá thêm thị trường Mỹ.

BYD chưa công bố kế hoạch xuất khẩu Seagull - loại xe có giá thấp hơn chiếc EV đang bán chạy nhất ở Trung Quốc có tên BYD Dolphin. BYD Dolphin đang có giá khoảng 17.000 USD (gần 400 triệu VND) và sẽ bắt đầu được bán ở châu Âu từ quý IV.

"Có lẽ chúng ta sẽ sớm thấy nó (những chiếc BYD Dolphin) ở Rome, Warsaw hoặc Lisbon," Jonas từ Morgan Stanley cho biết. "Và không có gì ngạc nhiên khi Tesla tiếp tục giảm giá."

(Nguồn: Soha)

Người Nam Phi đòi Vương quốc Anh trả kim cương gắn trên vương miện, vương trượng

Một số người Nam Phi đang đề nghị Vương quốc Anh trả lại viên kim cương lớn nhất thế giới, có tên Ngôi sao Châu Phi, được gắn trên vương trượng hoàng gia mà Vua Charles III sẽ cầm trong lễ đăng quang hôm thứ Bảy 6/5.

Viên kim cương nặng 530 carat, được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa tại quốc gia này, lúc bấy giờ nằm dưới sự cai trị của Anh, tặng cho chế độ quân chủ Anh.

Giờ đây, giữa lúc có những cuộc thảo luận trên toàn cầu về việc trả lại các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác đã bị cướp bóc trong thời thuộc địa, một số người Nam Phi đang kêu gọi hãy trả lại viên kim cương đó.

Mothusi Kamanga, một luật sư và cũng là nhà hoạt động ở Johannesburg, người đã thúc đẩy một bản kiến nghị trực tuyến về việc trả lại viên kim cương đã thu thập được khoảng 8.000 chữ ký, nói: "Viên kim cương cần quay về Nam Phi. Lẽ ra nó phải là biểu tượng thể hiện niềm tự hào, di sản và văn hóa của chúng tôi".

"Tôi nghĩ rằng nhìn chung người dân châu Phi đang bắt đầu nhận ra rằng phi thực dân hóa không chỉ là để cho mọi người có một số quyền tự do nhất định, mà còn là để lấy lại những gì đã bị tước đoạt khỏi chúng tôi".

Có tên chính thức là Cullinan I, viên kim cương trên vương trượng được cắt từ viên kim cương Cullinan, nặng 3.100 carat được khai thác gần Pretoria.

Một viên kim cương nhỏ hơn được cắt từ cùng một viên đá quý đó, có tên là Cullinan II, được đặt gắn vào Vương miện Nhà nước Đế chế, được các vị quân vương Anh đội trong các dịp nghi lễ. Cùng với vương trượng, nó được cất giữ bên cạnh những viên ngọc quý khác trong Tháp London.

Một bản sao viên kim cương Cullinan, có kích thước bằng nắm tay của một người đàn ông, được trưng bày tại Bảo tàng Kim cương Cape Town.

“Tôi tin rằng nó cần được hồi hương vì rốt cuộc là họ đã tước nó khỏi tay chúng tôi trong khi đang đàn áp chúng tôi”, Mohamed Abdulahi, cư dân Johannesburg, nói.

Những người khác nói rằng họ không cảm thấy đây là vấn đề lớn.

"Tôi không nghĩ chuyện này còn quan trọng nữa. Mọi thứ đã thay đổi, chúng ta vẫn đang thay đổi, tiến bộ", cư dân địa phương Dieketseng Nzhadzhaba nói.

"Điều từng là quan trọng đối với họ trong những ngày xa xưa để chứng tỏ họ ở vị thế cao hơn ... thì nay nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa".

(Nguồn: VOA)

Toan tính của Saudi Arabia

(Ảnh minh họa).

Thông qua việc hỗ trợ sơ tán người dân của nhiều quốc gia khỏi Sudan và những nỗ lực ngoại giao khác, Saudi Arabia muốn tăng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Khi những người Iran lên máy bay rời Saudi Arabia hôm 29/4, một quan chức quân sự hàng đầu của vương quốc thậm chí còn lên máy bay để chào tạm biệt họ một cách nồng nhiệt. Trước đó, họ đã được lực lượng Saudi Arabia sơ tán khỏi Sudan.

“(Đây là) đất nước của các vị. Các vị luôn được chào đón nồng nhiệt nhất nếu cần bất cứ điều gì ở Saudi Arabia. Iran và Saudi là anh em”, thiếu tướng Ahmed Al-Dabais nói khi nắm tay Đại biện lâm thời Iran tại Saudi Arabia Hassan Zarangar.

65 người Iran được quân đội Saudi Arabia sơ tán khỏi Sudan đã được chào đón tại thành phố Jeddah với những bông hoa. Những hình ảnh đó cũng được phát sóng trên truyền hình cả hai nước.

Theo ông Dabais, người Iran được chào đón thân thiện dựa theo "chỉ thị của giới lãnh đạo, từ nhà vua, từ thái tử".

CNN nhận định những hình ảnh như vậy là không thể tưởng tượng được khi chỉ vài tháng trước đó, Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù trong khu vực. Tuy nhiên, cả hai đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 7 năm thù địch và hy vọng sớm mở lại đại sứ quán trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.

Saudi Arabia xoay trục

Saudi Arabia đang thực hiện sứ mệnh cải thiện hình ảnh toàn cầu và hàn gắn quan hệ với những kẻ thù cũ. Các nỗ lực ngoại giao kể trên là động thái mới nhất nhằm đặt Riyadh vào vai trò kiến tạo hòa bình.

Giới phân tích nhận định đây là động thái xoay trục khỏi chính sách đối ngoại mang tính đối đầu và can thiệp được Saudi Arabia áp dụng hơn một thập kỷ.

“Có một chính sách đối ngoại mới đang diễn ra ở đây. Saudi Arabia đang tìm cách khẳng định mình ngày càng nhiều hơn trên trường quốc tế thông qua hòa giải và nâng cao vị thế ngoại giao của mình”, Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao về vùng Vịnh tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói.

Theo bà, chính sách đối ngoại mới của Riyadh độc lập hơn và ưu tiên các lợi ích của nước này.

Nỗ lực ngoại giao mới nhất của Saudi Arabia diễn ra ở Sudan, nơi các lực lượng trung thành với hai vị tướng đối địch đang tranh giành quyền kiểm soát. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong các cuộc giao tranh.

Trong các hình ảnh được phát sóng trên truyền thông Saudi Arabia, lực lượng nước này đang sơ tán hàng nghìn người từ cảng Sudan đến thành phố ven biển Jeddah, một hành trình kéo dài 12 giờ qua biển Đỏ.

Cho đến hôm 1/5, hơn 5.000 người, thuộc 100 quốc tịch, đã vượt qua biển Đỏ trên các tàu chiến hoặc tàu tư nhân do quân đội Saudi Arabia thuê. Cảng Sudan, do quân đội Sudan kiểm soát, trở thành nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt ở Khartoum.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để xoa dịu cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi đang dẫn đầu nỗ lực này, nhưng chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực, quốc tế”, Fahad Nazer, phát ngôn viên của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ, tuyên bố.

Với sự giúp đỡ của Mỹ, Saudi Arabia tuần trước cũng làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ngắn giữa chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah Al-Burhan và người đứng đầu Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo.

Nước này được cho là đang cùng Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Mỹ và Ai Cập nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai chỉ huy.

Chính sách ngoại giao mới này diễn ra khi Saudi Arabia ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong nước, và để nỗ lực này thành công đòi hỏi sự ổn định khu vực.

Nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD này đang tìm cách rũ bỏ hình ảnh của một nhà sản xuất dầu bảo thủ, hiếu chiến, hướng tới thể hiện mình một thành viên trong nền kinh tế toàn cầu, trung tâm kinh doanh và du lịch quan trọng của khu vực.

Ngoài Iran, Riyadh đang hàn gắn quan hệ với lực lượng Houthis của Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria. Nước này đã đi đầu trong các nỗ lực nhằm đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad trở lại với cộng đồng Arab sau hơn một thập kỷ cắt đứt quan hệ với họ.

Thách thức về uy tín

Tháng trước, các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas, nhóm chiến binh Palestine, được nhìn thấy thực hiện một cuộc hành hương Hồi giáo ở Mecca. Hai ngày sau, lãnh đạo chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại thành phố Jeddah gần đó.

Hamas và chính quyền Palestine đã bất hòa trong hơn một thập kỷ. Mối quan hệ của Saudi Arabia với Hamas cũng đã căng thẳng trong thập kỷ qua.

Những nỗ lực hòa giải của Riyadh cũng đã vượt ra ngoài Trung Đông. Chẳng hạn, vào năm ngoái, chính phủ nước này tuyên bố đã làm trung gian cho một cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc cải thiện hình ảnh với tư cách là trung gian hòa giải có thể phải đối mặt với những thách thức về uy tín, do chính sách đối ngoại hiếu chiến kéo dài gần một thập kỷ và một số hình ảnh tiêu cực của họ trên báo chí.

Nước này đang cố gắng rút khỏi Yemen sau khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở đây vào năm 2015. Trong cuộc xung đột đó, họ đã huy động một liên minh Arab bao gồm cả lực lượng RSF của Sudan.

Khi được hỏi liệu vương quốc có chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với cuộc xung đột ở Sudan do có mối liên hệ với RSF hay không, ông Nazer khẳng định họ “tham gia với tất cả bên liên quan ở Sudan” và Riyadh đang “cố gắng thúc đẩy một tiến trình chính trị và đối thoại toàn diện nhằm khôi phục hòa bình và ổn định cho Sudan”.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không nhìn lại quá khứ”, ông tuyên bố.

Giới phân tích cho rằng bất chấp quá khứ gây tranh cãi, Saudi Arabia vẫn có thể có đủ ảnh hưởng để đưa các bên tranh chấp vào bàn đàm phán. Nhà sản xuất dầu này là nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi và là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất.

Riyadh đã sử dụng sự giàu có của họ để xây dựng cầu nối với một số kẻ thù cũ, đặc biệt là khi giá dầu tăng vọt trong thời gian ngắn sau xung đột Ukraine.

“Saudi Arabia không giả vờ là một nhà hòa giải công bằng, nhưng tiếng nói của họ có trọng lượng với nhiều bên trong khu vực”, chuyên gia Ali Shihabi, một nhà phân tích về Saudi Arabia, nhận định. Theo ông, nếu có thể, nước này muốn sử dụng ảnh hưởng đó để giảm căng thẳng.

(Nguồn: Zing News)

Những khúc quanh trên hành trình đưa Syria trở lại thế giới Ả Rập

Quá trình tái hòa nhập Syria sau hơn một thập kỷ xung đột sắp hoàn thành, nhưng vẫn còn đó nhiều khúc mắc và toan tính của các bên, cả trong và ngoài khối Ả Rập.

Trong những tháng gần đây, Trung Đông đã chứng kiến một loạt các hoạt động ngoại giao, trong đó có việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Syria. Một số quốc gia Ả Rập đã tìm cách đưa đất nước bị chiến tranh tàn phá trở lại, với hy vọng hàn gắn vết thương trong quá khứ và khôi phục sự ổn định trong khu vực.

Các thành viên của Liên đoàn Ả Rập (AL) sẽ nhóm họp vào ngày 7/5 tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út để bỏ phiếu về việc khôi phục tư cách thành viên của Syria, Đài CNN đưa tin.

Theo CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Al-Safadi tin tưởng rằng sẽ có đủ số phiếu thuận để đưa Syria trở lại khối Ả Rập, đồng thời nhận định rằng đây “chỉ là điểm khởi đầu” để mang lại một kết thúc chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Nếu tư cách thành viên của Damacus được khôi phục, phái đoàn Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập vào ngày 19/5 tới “rất có khả năng” sẽ do Tổng thống Bashar al-Assad dẫn đầu.

Tiếng nói của Mỹ

Ông al-Assad đã bị một số quốc gia Ả Rập tẩy chay và Syria bị khai trừ khỏi Liên đoàn Ả Rập sau các cuộc biểu tình bạo lực dẫn đến hơn một thập kỷ nội chiến.

“Mọi thành viên” trong Liên đoàn Ả Rập đều sẵn sàng chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, nhưng có sự khác biệt về cách tiếp cận tốt nhất, Ngoại trưởng Jordan Al-Safadi cho biết.

“Việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sẽ mang tính biểu tượng… nhưng cuối cùng để chúng tôi có thể thực sự chấm dứt cuộc khủng hoảng ở đó, chúng tôi cần phải đảm bảo rằng toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ đồng lòng, bởi vì không loại trừ cuối cùng vẫn sẽ xuất hiện các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ, trong khi sẽ rất cần nỗ lực toàn cầu cho công cuộc tái thiết”, ông Al-Safadi bổ sung.

Vấn đề tái hòa nhập Syria đã vấp phải sự phản đối của phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Washington tuyên bố sẽ không bình thường hóa quan hệ với chế độ của Tổng thống al-Assad và cũng không ủng hộ các nước khác bình thường hóa với Damascus, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel.

“Chúng tôi đã nói rõ điều này với các đối tác của mình”, vị phát ngôn viên cho biết trong một cuộc họp báo hôm 3/5. “Mỹ tin rằng một giải pháp chính trị được vạch ra trong Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc xung đột ở Syria”.

Khi được CNN hỏi liệu Jordan có nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong nỗ lực khôi phục quan hệ với Syria hay không, Ngoại trưởng Jordan Al-Safadi trả lời ông tin là như vậy, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước ông và các nước Ả Rập khác đang liên tục thảo luận vấn đề với Washington và đang nỗ lực hướng tới một giải pháp phù hợp với nghị quyết của UNSC.

Ngoại trưởng các nước Syria, Ai Cập, Iraq, Ả Rập Xê-út và Jordan đã gặp nhau tại thủ đô Amman của Jordan hôm 1/5 để thảo luận về cách bình thường hóa quan hệ với Syria. Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Syria đã đồng ý giúp chấm dứt nạn buôn bán ma túy qua biên giới với Iraq và Jordan.

Ông Al-Safadi nói với CNN rằng nhiều bên – bao gồm cả Jordan – đã phải gánh chịu hậu quả do cuộc khủng hoảng ở Syria, và tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giảm thiểu mọi mối đe dọa đối với an ninh của Jordan.

“Chúng tôi không xem nhẹ mối đe dọa buôn lậu ma túy. Nếu chúng tôi không thấy các biện pháp hiệu quả để hạn chế nó, chúng tôi sẽ làm mọi cách – bao gồm cả hành động quân sự bên trong Syria – để loại bỏ mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm này không chỉ ở Jordan, mà còn thông qua Jordan đến các nước vùng Vịnh, các quốc gia Ả Rập khác và thế giới”, ông Al-Safadi cho biết.

Toan tính của Iran

Chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Syria hôm 3/5 là diễn biến chính trị mới nhất trong khu vực Trung Đông.

Syria – quốc gia đang trên đà xây dựng lại bản sắc của mình như một xã hội Ả Rập – trong nhiều năm qua được coi là “sân sau” của Iran và là một phần quan trọng và cốt yếu trong chính sách “chiều sâu chiến lược” của Tehran ở Trung Đông.

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, Iran đã là đồng minh chủ chốt của Tổng thống al-Assad, cùng với Nga. Lực lượng dân quân thân Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đụng độ địa phương.

Việc Damacus trở lại Liên đoàn Ả Rập và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sẽ dẫn đến hàng tỷ USD chảy vào Syria để tái thiết, đầu tư, và phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cách Tehran theo đuổi lợi ích kinh tế của mình ở đây. Iran đã chi hàng tỷ USD cho lực lượng dân quân của họ ở Syria, với hy vọng giữ cho ông al-Assad tiếp tục nắm quyền.

Theo ước tính của các chuyên gia và nhà quan sát quốc tế, Syria hiện cần 400 tỷ USD trong 10-15 năm tới để tái thiết đất nước. Tiền có thể đến từ các khoản đầu tư của các nước Ả Rập giàu có, và Iran không dễ gì để vuột mất cơ hội kinh tế này.

Chuyến thăm Syria của Tổng thống Iran cũng là nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo. Hai bên đã ký kết các hợp đồng về thông tin liên lạc, giao thông, tái thiết, dầu khí…

Theo nhà báo người Mỹ gốc Iran Camelia Entekhabifard – Tổng biên tập của tờ Independent Persian, tờ báo quốc tế đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ba Tư, Tehran biết rằng việc Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sẽ làm giảm ảnh hưởng chiến lược của họ ở quốc gia này, và đây là lý do tại sao họ đang cố gắng chuẩn bị cơ sở để thay đổi bản chất sự hiện diện của các lực lượng dân quân của mình ở Syria.

“Bước tiếp theo của Tehran có khả năng sẽ là thay thế lực lượng dân quân vũ trang bằng một khái niệm mới: Dân quân kinh tế. Nói cách khác, các lực lượng dân quân có liên kết với chính quyền ở Tehran giờ đây sẽ trở thành các chủ thể kinh tế của Iran ở Syria”, bà Entekhabifard cho biết trong một bài viết đăng trên Asharq Al-Awsat – tờ nhật báo liên Ả Rập hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, việc thực hiện các hợp đồng đã ký giữa Iran và Syria cũng phụ thuộc vào cách các lệnh trừng phạt đối với Syria được dỡ bỏ và cách xung đột giữa phương Tây và Iran về chương trình hạt nhân được giải quyết.

Chừng nào chưa đạt được 2 điểm quan trọng này, tất cả các hợp đồng lớn và quan trọng giữa Tehran và Damascus sẽ chỉ là những thỏa thuận nhỏ nhằm lách lệnh trừng phạt đối với 2 nước, bà Entekhabifard nhận định.

Thế khó của Qatar

Trong khi một số quốc gia Ả Rập hoan nghênh ý tưởng hòa hoãn với Syria, Qatar vẫn kiên quyết phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn mà không có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Trong bối cảnh động lực đưa Syria trở lại khối Ả Rập đang tăng tốc, sự phản kháng ngoan cố của Doha có thể khiến quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này bị cô lập.

Qatar tự coi mình là nhà bảo trợ cho phe đối lập ở Syria, hỗ trợ quân sự và tài chính cho các nhóm Hồi giáo chiến đấu chống lại chính phủ Syria trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng.

Doha tin rằng việc khôi phục quan hệ với Damascus sẽ gửi thông điệp sai tới người dân Syria và hợp pháp hóa những nỗ lực của chính phủ Syria nhằm giành lại lãnh thổ do phe đối lập nắm giữ bằng vũ lực.

Tuy nhiên, việc Qatar phản đối bình thường hóa quan hệ với Syria đã khiến nước này ngày càng bị cô lập trong thế giới Ả Rập, khi nhiều quốc gia thành viên Liên đoàn Ả Rập đã đưa ra những cử chỉ hòa giải với chính quyền của Tổng thống al-Assad.

Một khi quá trình tái hòa nhập của Syria hoàn tất, Qatar sẽ bị đặt vào một tình thế khó khăn và thậm chí là có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong một vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với toàn khu vực, theo ông Omar Ahmed, Thạc sĩ An ninh Quốc tế và Quản trị Toàn cầu tại Đại học Birkbeck London (Anh).

Hơn nữa, ông Ahmed cho biết trong một bài viết đăng trên trang Middle East Monitor (Anh), sự hỗ trợ của Qatar dành cho phe đối lập ở Syria dường như đã không đạt được kết quả mong muốn. Thậm chí, phần lãnh thổ mà phe đối lập nắm giữ cũng bị thu hẹp và hỗ trợ quốc tế bị suy giảm sau nhiều năm xung đột.

Bằng cách tiếp tục ủng hộ phe đối lập, Qatar có nguy cơ làm kéo dài cuộc xung đột và gây bất ổn hơn nữa trong khu vực. Trước những thực tế này, ngày càng rõ ràng rằng sự phản đối của Qatar đối với việc bình thường hóa quan hệ với Syria là không bền vững, ông Ahmed lập luận.

Còn theo nhà phân tích địa chính trị Giorgio Cafiero, khi áp lực từ Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập nhằm đưa Syria trở lại khối Ả Rập gia tăng, Doha sẽ cần phải tính đến những rủi ro của việc tiếp tục “cứng đầu”.

Qatar cũng có thể phải đối mặt với áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ – gã khổng lồ khu vực từng đứng cùng chiến tuyến với Qatar nhưng nay đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm nối lại quan hệ với Syria. Ankara là bên có tiềm năng nhất trong việc thuyết phục Doha rằng đã đến lúc phải chấp nhận sự tồn tại chính trị của chính quyền al-Assad.

Tóm lại, đã đến lúc Qatar phải đánh giá lại lập trường của mình đối với Syria, nếu không họ sẽ tự đặt mình vào thế bị cô lập

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Quan chức Nga - Ukraine xô xát ở Thổ Nhĩ Kỳ

(Ảnh minh họa).

Thành viên phái đoàn Nga và Ukraine xô xát khi giành giật lá cờ bên lề Hội đồng Nghị viện về Hợp tác Kinh tế Biển Đen tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên lề cuộc họp Hội đồng Nghị viện về Hợp tác Kinh tế Biển Đen (PABSEC) tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4/5, trong lúc quan chức đại diện phái đoàn Nga Olga Timofeeva đang trả lời phỏng vấn, nghị sĩ Ukraine Oleksandr Marikovski đã giương quốc kỳ nước mình đứng sau bà Timofeeva.

Ông Valery Stavitsky, quan chức khác trong phái đoàn Nga, nhanh chóng tiến tới giật lá cờ Ukraine khỏi tay nghị sĩ Marikovski. Ông Marikovski lập tức đuổi theo, xô đẩy quan chức Nga để giành lại lá cờ.

Nhiều đại biểu và thành viên ban tổ chức có mặt tại hiện trường vụ xô xát vội chạy tới can ngăn hai người.

Nghị sĩ Ukraine Marikovski sau đó đăng video về sự việc lên trang mạng xã hội của mình. Truyền thông đưa tin ông Stavitsky đã được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe sau vụ xô xát.

Trước đó, trong lúc bà Timofeeva đại diện phái đoàn Nga phát biểu tại hội nghị, một nhóm quan chức Ukraine cũng đứng sau bà giơ cờ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky hôm 4/5 chỉ trích phía Ukraine, cho rằng họ hành xử "thiếu văn minh và thiếu tôn trọng".

"Kiểu hành vi này phù hợp ở sở thú hơn là ở một tổ chức quốc tế", ông Slutsky nói, thêm rằng nếu phía Ukraine còn tiếp tục hành xử như vậy, họ sẽ tự đẩy mình vào thế bị cô lập.

PABSEC được thành lập năm 1992, là tổ chức quốc tế tập trung vào các sáng kiến chính trị và kinh tế đa phương nhằm tăng cường hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Biển Đen. Tổ chức này bao gồm các thành viên Albania, Azerbaijan, Armenia, Bulgaria, Hy Lạp, Gruzia, Moldova, Nga, Romania, Bắc Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang