Kinh tế TQ gặp khó khăn; Cú sốc với dân HongKong; Điện Kremlin bị tấn công; Nỗi lo AI tạo sinh; 'Tấm vé vàng' rời Sudan

'Tin không vui' bủa vây kinh tế Trung Quốc: Các nhà máy cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất từ đầu năm tới nay

(Ảnh minh họa).

Nhu cầu tiêu thụ trong nước sụt giảm là yếu tố khiến các nhà máy Trung Quốc không nhận được nhiều đơn hàng như thời trước đại dịch.

Nhu cầu sụt giảm

SCMP dẫn một cuộc khảo sát mới công bố ngày 4/5 cho biết hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc đã bất ngờ giảm trong tháng 4. Nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút và lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang mất đà trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu đại dịch còn nhiều vấn đề.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Caixin/S&P đã giảm xuống 49,5 trong tháng 4 so với mức 50 của tháng trước.

Kết quả này đã không được như kỳ vọng 50,3 trong một cuộc thăm dò của Reuters và đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 1 khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid. Mốc chỉ số 50 điểm là nhằm phân biệt giữa tăng trưởng và sụt giảm về kinh tế hàng tháng.

Các dữ liệu đã phản ánh tính chất không đồng đều trong sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, khi ngành tiêu dùng dịch vụ - động lực tăng trưởng chính trong quý đầu tiên - vượt trội so với sản xuất.

Cùng với thị trường bất động sản trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, các nhà phân tích cho biết nền kinh tế liên tục phải đối mặt với "những cơn gió ngược".

"Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể sau khi số ca nhiễm Covid-19 đạt đỉnh vào đầu năm nay", Wang Zhe, nhà kinh tế tại Caixin Insight Group, cho biết.

"Vẫn còn phải xem liệu sự phục hồi có bền vững hay không sau khi nguồn cung đáp ứng được nhu cầu bị dồn nén trong thời gian qua. Đặc biệt, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc vào tháng 4 chỉ ra thực tế rằng sự phục hồi kinh tế vẫn chưa có chỗ dựa ổn định".

Cuộc khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp do các đơn đặt hàng mới ít hơn dự đoán, qua đó làm giảm sản lượng đầu ra.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên sau ba tháng do thị trường trì trệ và chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến. Nhu cầu từ khách hàng giảm sút khiến các nhà máy phải cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1. Mặc dù nhiều nơi chỉ giảm lương nhưng nhiều công ty buộc cắt giảm số lượng nhân viên để cắt giảm chi phí.

Theo Reuters, cả chi phí đầu vào và giá bán tại các nhà máy Trung Quốc đều giảm với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 7 năm qua. Chi phí thấp hơn đối với một số nguyên liệu thô và nhiên liệu cũng dẫn tới việc giảm giá bán đối với sản phẩm đầu ra khi các công ty tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh mới.

Bất chấp các tin xấu, các nhà sản xuất vẫn lạc quan với việc tung ra sản phẩm mới cũng như nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc . Một số người cho biết đầu tư vào thiết bị mới cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Cần thêm nhiều động lực

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại một cuộc họp thường kỳ hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này cho biết nhu cầu trong nước "vẫn chưa đủ" cho sự phục hồi kinh tế.

Đánh giá này được đưa ra sau khi Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng GDP tốt hơn dự kiến là 4,5% trong quý đầu tiên, khiến một số công ty đầu tư nâng dự báo kinh tế của họ trong năm.

"Hiện tại, bước chuyển biến tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu là nhờ sự phục hồi sau đại dịch. Các động lực trong nước vẫn chưa mạnh và nhu cầu vẫn chưa đủ", một thông cáo báo chí cho biết.

"Chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế đang đối mặt với lực cản mới, và việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao vẫn cần phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức", thông cáo nêu.

Cuộc họp cũng kêu gọi nâng cao nguồn thu nhập của người dân, đồng thời cải thiện việc làm, đặc biệt là cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên 19,6% trong tháng 3, gần mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7 năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp của người dân ở các thành phố vẫn thấp hơn nhiều, chỉ hơn 5%.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc Đại lục tại công ty JLL, cho biết kết quả cuộc họp không cho thấy nhiều thay đổi về chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ông cho biết cuộc họp tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư, đồng thời nhận định Trung Quốc muốn nhấn mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân và mở rộng các cơ hội để cải thiện khu vực này.

(Nguồn: CafeF)

Cú sốc với người Hồng Kông: Lương tối thiểu tăng 7.000 đồng sau 4 năm

Hồng Kông (Trung Quốc), một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, đã tăng lương sau 4 năm đóng băng, nhưng lại nhận về sự phẫn nộ của các nhóm phúc lợi xã hội.

Trong căn hộ của mình ở Sham Shui Po, bà Chan, 60 tuổi, đang hâm nóng món canh gà từ bữa ăn trước đó cho cô con gái tuổi teen. Căn nhà trọ của họ chỉ rộng 23m2, còn căn bếp thì chật chội, chất đầy những bao gạo và đồ hộp từ ngân hàng thực phẩm địa phương.

Cô con gái muốn ăn cá hấp cho bữa tối, nhưng khi bà Chan kết thúc ca làm việc của mình, hàng quán đều đã đóng cửa, nên bà không mua được.

“Ước gì tôi là có mức lương cao hơn để sống cuộc sống tốt hơn. Tôi sẽ nấu thêm canh cho con gái mình. Tôi không dám ăn canh vì muốn để dành hết cho con bé”, bà Chan ngậm ngùi chia sẻ.

Sau bốn năm đóng băng, mức lương tối thiểu của Hồng Kông (Trung Quốc) cuối cùng đã tăng 2,5 đô la Hồng Kông (HKD) hôm 1/5 lên 40 HKD mỗi giờ, tăng 6,25% (Mỗi HKD có giá gần 3.000 đồng).

Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của bà Chan sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo bà Chan, nhưng mức lương mới sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt cho gia đình bà.

“Lương tăng có 20 HKD mỗi ngày và hơn 520 HKD mỗi tháng. Chừng đó còn chẳng đủ trả tiền học thêm cho con gái tôi, khoảng hơn 830.000 đồng/giờ”, theo bà Chan.

Khoảng cách giàu nghèo

Bà Chan sống ở một trong những khu vực nghèo nhất của Hồng Kông, một thành phố có khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng nhất trên trái đất.

Theo dữ liệu tháng 4 từ Cơ quan điều tra và thống kê Hồng Kông, Sham Shui Po có thu nhập hộ gia đình trung bình là 22.280 HKD, trong khi thu nhập trung bình ở Trung Quốc là 28.300 HKD.

Thu nhập của gia đình bà Chan còn chưa đến một nửa số tiền đó, chỉ hơn 10.000 HKD/tháng, do chồng bà đã 65 tuổi, sức khỏe yếu và chỉ làm được công việc lặt vặt.

Theo bà Sze Lai-shan, một thành viên của Hiệp hội tổ chức cộng đồng (SoCO), mức tăng lương tối thiểu như vậy là không đủ.

“Hầu hết những người chúng tôi làm việc cùng đều gặp vấn đề tương tự. Họ phải chi rất nhiều tiền thuê nhà, chi phí học hành cho con cái và chi phí sinh hoạt hàng ngày ngày càng tăng. Họ tranh thủ mua đồ ăn vào chiều tối để được giá rẻ hơn vì đồ ăn không còn tươi nữa, hoặc xếp hàng để được ăn uống miễn phí”, bà Sze cho biết.

Đại dịch đã tàn phá ngành thực phẩm, đồ uống, khách sạn và du lịch Hồng Kông trong những năm gần đây do đại dịch Covid-19.

Theo một nghiên cứu của tổ chức từ thiện Oxfam công bố vào tháng 10/2022, đại dịch cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo vốn đã nghiêm trọng. Thu nhập của những hộ gia đình giàu nhất ở đây hiện cao gấp 47 lần so với những hộ nghèo nhất.

Chi phí thực phẩm ở Hồng Kông đã tăng hơn 7% từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2022, theo bà Wong Shek-hung, giám đốc chương trình Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) của Oxfam. Do đó, những người sống ở mức lương tối thiểu phải sống rất tằn tiện, thậm chí không có tiền để ăn uống đủ chất, bà Wong cho biết.

Phản ứng trái chiều

Mức lương tối thiểu lần đầu tiên được ấn định ở Hồng Koong vào năm 2011. Thông thường, mức lương này được rà soát lại 2 năm/lần. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, quy trình này bị hoãn lại từ năm 2021, đẩy những người thu nhập thấp vào tình thế bấp bênh.

Sau 4 năm chờ đợi, người dân Hồng Kông, đặc biệt là những người hoạt động cộng đồng, đã khá “sốc” và phản ứng gay gắt với mức lương mới.

“Chúng tôi nghĩ rằng mức tăng này là không thể chấp nhận được. Nó không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản ở Hồng Kông, nơi luôn được xếp hạng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới”, bà Wong chia sẻ.

Năm 2022, Hồng Kông và Los Angeles cùng đứng vị trí thứ tư trong Chỉ số chi phí sinh hoạt toàn cầu do Economist Intelligence Unit công bố, chỉ đứng sau New York, Singapore và Tel Aviv (Israel).

Oxfam cho biết, mức lương mới vẫn thấp hơn mức mà một gia đình 2 người sẽ nhận được thông qua chương trình an sinh xã hội của thành phố, do đó sẽ khiến nhiều người lao động không có động lực làm việc.

Tổ chức này đã đề nghị chính quyền thành phố tăng mức lương tối thiểu lên ít nhất 45,4 HKD/giờ, bởi mức tăng mới “chẳng thấm vào đâu”.

SoCO cũng đề xuất mức lương tối thiểu cao hơn, ít nhất là 53,4 HKD/giờ, và cho rằng thành phố nên học theo các quốc gia khác trong việc đặt mức lương tối thiểu ở mức 1/2 đến 2/3 mức lương trung bình, đồng thời nên xem xét lại mức lương đó mỗi năm một lần.

Trong khi các nhân viên xã hội đề xuất tăng mức lương tối thiểu, một số nhà lập pháp nổi tiếng cho rằng khái niệm này nên được loại bỏ hoàn toàn.

“Mức lương tối thiểu chỉ đẩy mọi thứ lên mà không giúp ích được gì cả. Nhân viên nên được tăng lương khi sản lượng của họ tăng lên, chứ không phải khi họ ngồi không, không làm gì cả”, nhà lập pháp Tommy Cheung Yu-yan đề xuất.

Cuộc tham vấn giai đoạn đầu về tăng cường cơ chế đánh giá mức lương tối thiểu do Ủy ban tiền lương tối thiểu Hồng Kông đưa ra đã kết thúc cuối tháng 4, và báo cáo của họ sẽ được công bố vào tháng 10. Hy vọng rằng, kết quả cuối cùng sẽ giúp ích cho những người như bà Chan và gia đình của bà

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Khoảnh khắc Điện Kremlin bị tấn công, Kiev bác cáo buộc định ám sát ông Putin

(Ảnh minh họa).

Truyền thông Nga đã đăng tải các đoạn video đang lan truyền trên mạng, được cho là quay cảnh máy bay không người lái (UAV) tấn công Điện Kremlin, nơi ở và làm việc của Tổng thống Vladimir Putin tại thủ đô Moscow.

Theo đài RT, một đoạn video cho thấy khói trắng bốc lên bầu trời đêm phía trên Điện Kremlin. Dù đoạn video không ghi lại tiếng động nào, nhưng các nhân chứng chia sẻ trên kênh Telegram rằng, họ đã nghe thấy ít nhất một tiếng nổ lớn.

Những cư dân sống gần khu vực Điện Kremlin cũng kể đã nhìn thấy các tia lửa bốc lên bầu trời, phía trên bức tường công trình này.

Andriy Sadovyi, Thị trưởng thành phố Lviv chia sẻ một video khác trên Telegram, được chú thích ghi lại khoảnh khắc một UAV đang tiếp cận Điện Kremlin ở tầm thấp trước khi nổ tung ngay trên mái vòm của tòa nhà. Vụ nổ dường như không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào cho công trình, vì ngay cả cột cờ và biểu trưng của tổng thống vẫn còn nguyên vẹn sau vụ việc.

Trước đó, nhà chức trách Nga thông báo đã bắn rơi 2 UAV của Ukraine tấn công nơi ở và làm việc của Tổng thống Putin. Tuy không có tổn thất về người cũng như vật chất trong sự cố, nhưng Moscow tuyên bố sẽ trả đũa Kiev “vào thời gian và địa điểm thích hợp”.

Reuters đưa tin, Kiev đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Văn phòng Tổng thống Nga về việc dùng 2 UAV tập kích Điện Kremlin nhằm ám sát ông Putin vào lúc đêm muộn 2/5 theo giờ Nga (3h sáng 3/5 theo giờ Ukraine).

Serhiy Nykyforov, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, chính phủ nước này không liên quan đến sự cố. “Như Tổng thống Zelensky đã nhiều lần tuyên bố trước đây, Ukraine đang sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để giải phóng lãnh thổ của mình, không phải để tấn công các nước khác", ông Nykyforov nói.

Theo người phát ngôn, một cuộc tấn công nhằm vào Điện Kremlin sẽ “không thay đổi được gì trên chiến trường” và có thể kích động Moscow hơn nữa. Ông cáo buộc, các phát biểu của Moscow về một sự cố như vậy có thể nhằm leo thang căng thẳng trước các hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến hai (9/5) ở Nga.

(Nguồn: Vietnamnet)

Nỗi lo AI tạo sinh

Ngày càng có thêm những cảnh báo về nguy cơ đến từ trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh, công nghệ được cho không những tước mất nhiều cơ hội việc làm mà còn có thể đẩy thế giới vào giai đoạn chưa từng có.

AI tạo sinh (Generative AI) là một loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung, dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có.

Suốt nửa thế kỷ, nhà khoa học máy tính Geoffrey Hinton từng bước "thai nghén" và khai phá công nghệ cốt lõi đằng sau các chatbot như ChatGPT của Công ty OpenAI (Mỹ). Đến năm 2012, tiến sĩ Hinton và các học trò thành công trong việc chế tạo công nghệ trở thành nền tảng trí tuệ của AI.

Tuy nhiên, ngày 1.5, nhà khoa học Hinton thông báo rời khỏi Google, nơi ông làm việc hơn 10 năm qua. Theo tờ The New York Times, quyết định này cho phép ông cuối cùng có thể nói lên cảnh báo về những nguy cơ mà AI có thể mang lại. Giờ đây, ông thú nhận bản thân hối hận vì góp phần dung dưỡng sự lớn mạnh của "con quái vật công nghệ".

Thế giới đứng trước hiểm họa

Tiến sĩ Hinton đề cập viễn cảnh vô số công việc có thể biến mất vì sự xuất hiện của AI tạo sinh, với ChatGPT là ví dụ điển hình. Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố báo cáo ước tính sẽ có khoảng 14 triệu việc làm biến mất khỏi các thị trường lao động trong 5 năm tới, theo tờ The Hill. Còn Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Arvind Krishna, Tổng giám đốc (CEO) IBM, cho biết ông đang tính toán khả năng giảm gần 1/3 lực lượng lao động văn phòng của hãng vì những công việc này đang trở nên dư thừa trước sự tiến bộ của AI.

Thế nhưng, đó chỉ là sự khởi đầu. Công nghệ AI thậm chí sẽ tạo ra một thế giới trong đó nhiều người "không còn có thể phân biệt đâu là sự thật". Tiến sĩ Hinton lo ngại những phiên bản tương lai của công nghệ sẽ mang đến mối đe dọa cho con người, vì chúng thường học được những hành vi không ngờ đến trong quá trình xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ. Các cá nhân và những công ty giờ đây cho phép các hệ thống AI không những viết mã máy tính mà còn tự chạy chương trình theo những mã này.

Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, ông Hinton cảnh báo sẽ đến một ngày AI có thể thông minh hơn con người. "Nhiều người cho rằng còn xa mới đến ngày đó. Và tôi đã từng như họ. Tôi nghĩ phải chờ từ 30 - 50 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Thế nhưng, giờ đây tôi không còn nghĩ như thế", tiến sĩ Hinton cho biết. Sự cạnh tranh giữa các đại gia công nghệ như Google, Microsoft và những tên tuổi khác đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của AI, hiện đã vượt xa mọi dự đoán của giới chuyên gia.

Nhà Trắng triệu tập lãnh đạo Google, Microsoft

Hôm qua, Nhà Trắng thông báo triệu tập cuộc họp giữa Phó tổng thống Kamala Harris và các quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ với các CEO của Alphabet Inc (hay Google), Microsoft, OpenAI và Anthropic. Cuộc gặp có sự hiện diện của Chánh văn phòng tổng thống Jeff Zients, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Lael Brainard và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cùng những người khác.

Samsung cấm nhân viên sử dụng AI tạo sinh

Hôm qua, Đài CNBC đưa tin Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) quyết định cấm nhân viên sử dụng công cụ AI tạo sinh như ChatGPT trên máy tính công ty sau khi phát hiện trường hợp lạm dụng công nghệ này. Trước đó một ngày, Bloomberg cho hay một số nhân viên Samsung đã tải lên ChatGPT một số mã máy tính quan trọng. Do ChatGPT là sản phẩm của Mỹ, việc nhập dữ liệu quan trọng của công ty vào các dịch vụ do nước ngoài sở hữu có thể dẫn đến tình trạng rò rỉ thông tin quan trọng và gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. Hiện các nhà phát triển phần mềm của Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cũng đang dùng ChatGPT để tạo mã máy tính.

Theo Reuters, nội dung lời mời có đoạn "Tổng thống Joe Biden kỳ vọng các công ty phải đảm bảo sản phẩm thật sự an toàn trước khi phát hành trước công chúng". Tình hình khá khác biệt so với trước đó một tháng, khi ông Biden cho rằng vẫn chưa thể kết luận AI có gây nguy hiểm cho con người hay không. Chính quyền Washington lúc đó cũng tiến hành thu thập ý kiến của người dân về những biện pháp cần thực thi để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng các hệ thống AI. Đến ngày 1.5, Hội đồng Chính sách Nội địa Nhà Trắng và Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng cảnh báo AI có thể mang đến nguy cơ nghiêm trọng cho người lao động.

"Tôi cho rằng chúng ta cần cảnh giác với AI, và theo tôi nên có sự giám sát của chính phủ ở một mức độ nào đó vì công nghệ này là mối nguy hiểm cho công chúng", Reuters dẫn lời CEO Tesla Elon Musk từng cảnh báo.

(Nguồn: Thanh Niên)

'Tấm vé vàng' để thoát khỏi Sudan

(Ảnh minh họa).

Một số người Sudan cảm thấy mình may mắn hơn nhiều cá nhân khác, khi có thể lên tàu sơ tán của Saudi Arabia nhờ sinh ra ở quốc gia Trung Đông này và có giấy phép cư trú hợp pháp.

Mới vài tuần trước, Ahmed al-Hassan là sinh viên y khoa ở Sudan thực hiện chiến dịch giúp đỡ những người tị nạn từ nước láng giềng. Khi hai vị tướng đối đầu, giao tranh bùng phát trên đường phố thủ đô Khartoum, anh đã phải tìm cách tháo chạy.

Anh bỏ lại nhà, sách giáo khoa và giấy tờ sinh viên, chỉ nhét những thứ thiết yếu vào vali và balo, cùng mẹ chạy khỏi làn đạn, máy bay chiến đấu và pháo kích, theo New York Times.

Sau 14 giờ đi xe buýt, họ đến thành phố ven biển Port Sudan. Tại đây, hàng nghìn người Sudan và nước ngoài đang đứng chờ với hy vọng lên được thuyền hoặc máy bay rời khỏi đất nước.

Đứng trong hàng người di tản chờ lên tàu đến Saudi Arabia, sinh viên 21 tuổi này cho rằng mình là một trong số ít người may mắn có mối quan hệ giúp anh thoát khỏi cuộc xung đột đang xé toạc Sudan.

Anh sinh ra tại Saudi Arabia và có giấy tờ cư trú hợp pháp, giúp anh và mẹ tiếp cận được đội sơ tán của Saudi Arabia.

“Đây là cơ hội vàng”, al-Hassan nói. “Ở Port Sudan, có rất nhiều người muốn rời đi. Chỉ có 1% cơ hội để điều tương tự xảy ra với tôi”.

Nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt

Tại Khartoum hôm 3/5, quân đội Sudan và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) tiếp tục giao tranh, ngay cả khi phía quân đội tuyên bố đồng ý gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, còn RSF khẳng định “cam kết đầy đủ với thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tuyên bố trước đó”.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi nước láng giềng Nam Sudan thông báo cả hai vị tướng đồng ý ngừng bắn từ ngày 4/5 và sẽ cử đại diện tham gia đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ngày đàm phán chưa được ấn định và các thỏa thuận trước đó đã sụp đổ.

Ngày 3/5, cư dân Khartoum thức dậy trong tiếng nổ lớn và tiếng súng, khi các máy bay chiến đấu bay vòng quanh thành phố và bắn phá một số mục tiêu ngay từ 5h. Đến trưa, đụng độ vẫn diễn ra tại các khu phố gần sân bay quốc tế.

“Người Sudan đang đối mặt với thảm họa nhân đạo”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói. “Bệnh viện bị phá hủy. Nhà kho nhân đạo bị cướp phá. Hàng triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực”.

Hơn 100.000 người đã tháo chạy khỏi Sudan trong vòng chưa đầy ba tuần kể từ khi giao tranh nổ ra. Trong khi đó, hơn 300.000 người di tản trong nước.

Port Sudan, do quân đội Sudan kiểm soát, trở thành nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt ở Khartoum.

Saudi Arabia đã cử các tàu hải quân và thương mại thực hiện hơn chục chuyến đi qua biển Đỏ, sơ tán gần 6.000 người cho đến nay, trong đó có dưới 250 công dân nước này.

Đại đa số người sơ tán bằng tuyến đường này không được coi là người tị nạn. Chính phủ Saudi Arabia cho biết họ chỉ có thể tiếp nhận những người có quốc tịch hoặc cư trú hợp pháp, hay có kế hoạch đi du lịch trong tương lai tới quốc gia Trung Đông này.

Khi được hỏi lý do không đưa thêm người Sudan, phát ngôn viên quân đội Saudi Arabia, đại tá Turki al-Maliki, nói nước này đang “nỗ lực tối đa”, nhưng vẫn có một số yêu cầu nhất định. Ông cho biết tại Port Sudan, họ ưu tiên sơ tán người già, phụ nữ và trẻ em.

"Cơ hội thì ít, nhưng người thì nhiều"

Đầu ngày 3/5, những chiếc tàu lai dắt chở đầy người di tản băng qua mặt nước hướng tới các tàu hải quân của Saudi Arabia. Hàng chục người đàn ông, phụ nữ và trẻ em với đôi mắt thẫn thờ lặng lẽ xếp thành hai hàng khi các binh sĩ kiểm tra vali của họ.

Tàu khởi hành là HMS Mecca, với khoảng 200 người. Trong số này có Rihab Mahdi, 45 tuổi, bà mẹ 5 con người Sudan. Họ có suất đi này nhờ người chồng làm nhân viên an ninh nhiều năm cho Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum.

“Cơ hội thì ít nhưng người (muốn rời đi) thì nhiều”, bà nói. Mặc dù cảm thấy may mắn, bà phải vượt qua nỗi buồn khi rời khỏi nhà, bỏ sách vở khỏi balo cậu con trai 7 tuổi, nhét đầy đồ ngủ và một số quần áo khác vào đó.

“Rời xa đất nước, gia đình và bạn bè thật khó khăn”, bà nói.

Saudi Arabia đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực sơ tán khỏi quốc gia châu Phi kể từ khi bạo lực nổ ra vào giữa tháng 4.

Có lượng lớn người Sudan di cư ở Saudi Arabia, trong khi các quan chức Saudi Arabia có mối quan hệ với cả 2 tướng tham chiến, coi sự ổn định của Sudan rất quan trọng với an ninh khu vực.

Ngoài ra, nước này còn thuộc nhóm ngoại giao có 4 thành viên, gọi là Quad, giám sát những nỗ lực đưa Sudan chuyển đổi sang chế độ dân sự.

Nỗ lực sơ tán cũng phù hợp với mục tiêu của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm khắc họa hình ảnh Saudi Arabia như cường quốc toàn cầu đang nổi lên.

“Chào mừng đến với vương quốc của lòng nhân đạo”, thiếu tướng Ahmed al-Dubais nói với nhóm người sơ tán Trung Quốc, Sudan và Saudi Arabia khi họ cập cảng ở Jeddah hôm 3/5.

Khi họ đi qua cầu tàu, các quân nhân Saudi Arabia đã tặng họ hoa hồng. Phát ngôn viên quân đội Saudi Arabia cho biết các tàu sẽ tiếp tục đưa người dân di tản, miễn là hành trình này vẫn an toàn.

Ngay cả khi tháo chạy, sinh viên y khoa al-Hassan cho biết mình vẫn đang nghĩ tới những người kém may mắn hơn, trong đó có cả những người tị nạn Yemen và Syria sống ở Sudan và đứng trước nguy cơ chạy tị nạn một lần nữa.

Chỉ vài tuần trước, anh thực hiện chiến dịch hỗ trợ người tị nạn từ Ethiopia chạy sang Sudan. Giờ đây, anh cảm thấy mình đang gánh trên vai trọng trách lớn hơn nhiều so với tuổi 21 của mình.

“Tôi cảm thấy mình có một gia đình cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Không có súng, không có quyền lực, nhưng tôi tận dụng mọi mối quan hệ quen biết và suy nghĩ xem sơ tán gia đình tới đây bằng cách nào”, anh nói.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang