Vụ nổ Nord Stream; Sự phẫn nộ ở Úc; TQ 'giải cứu' các nước nặng nợ; Tình hình Ukraine; Cải cách tư pháp Israel

Vụ Nord Stream: Hội đồng Bảo an bác đề nghị điều tra của Nga

(Ảnh minh họa).

Ngày 27-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác dự thảo nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga đến Đức vào năm ngoái.

Các nước phương Tây cho rằng vụ nổ dưới biển Baltic vào tháng 9-2022 liên quan đến Nga. Ngược lại, Điện Kremlin cáo buộc phương Tây phá hoại đường ống này.

Dự thảo nghị quyết nhận được ba phiếu thuận của Trung Quốc, Brazil và Nga và 12 phiếu trắng. Theo hãng tin Reuters, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp hoặc Anh để được thông qua.

Nga khẳng định không được tham gia cuộc điều tra đang diễn ra do Thụy Điển, Đức và Đan Mạch khởi xướng, trong khi những nước này bác cáo buộc.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho biết: "Chúng tôi có những nghi ngờ quan trọng và rất có cơ sở về tính khách quan, minh bạch của cuộc điều tra do một số quốc gia châu Âu tiến hành".

Theo ông Nebenzia, ba cuộc điều tra không nhằm "làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với hành vi phá hoại, mà là che giấu bằng chứng và dọn sạch hiện trường".

Trong khi đó, một số thành viên Hội đồng Bảo an nói ba quốc gia đang điều tra vụ nổ là đáng tin cậy, chỉ trích Nga đang tìm cách chuyển hướng chú ý khỏi xung đột Ukraine.

Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói: "Đó là nỗ lực nhằm làm mất uy tín các cuộc điều tra đang diễn ra và làm phương hại đến mọi kết luận mà họ đưa ra".

Cũng trong ngày 27-3, Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Vụ trưởng Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky cho biết Nga có thể yêu cầu bồi thường liên quan đến những thiệt hại do các vụ nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái.

Liên quan đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sang Belarus, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết họ không thấy bằng chứng nào (hình ảnh vệ tinh hoặc thông tin tình báo) cho thấy nhà lãnh đạo Nga đang xúc tiến kế hoạch này ngay lập tức.

Tờ Polico dẫn thông tin từ ba quan chức cấp cao tiết lộ các quan chức Mỹ và châu Âu không tin rằng ông Putin có ý định sớm chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby ngày 27-3 bình luận: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ diễn biến nào kể từ thông báo này. Chúng tôi chắc chắn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chứ chưa nói đến vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine".

Theo các quan chức phương Tây, ông Putin đang cố đánh lạc hướng bằng mối đe dọa hạt nhân mới.

(Nguồn: CafeF)

Sự phẫn nộ tích tụ trên dòng sông chết ngạt vì hàng triệu xác cá

Hiện tượng cá chết hàng loạt phơi bày những thách thức tại lưu vực sông ở New South Wales, Australia, nơi lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường xung đột với nhau quanh vấn đề nước.

“Chào mừng đến với trung tâm cá chết”, Graeme McCrabb, cư dân địa phương, nói khi ông lái chiếc xuồng băng qua những vùng xác cá thối rữa, nổi lềnh bềnh trong làn nước màu xanh lục axit.

Hàng triệu con cá đã chết trên sông Darling gần thị trấn Menindee, ở vùng hẻo lánh New South Wales. Xác của chúng lấp đầy mặt nước từ bờ này sang bờ khác hàng km.

McCrabb mô tả sau nhiều ngày dưới ánh Mặt Trời, xác cá bắt đầu “phân hủy và trở thành súp cá”, biến dòng sông mà người dân địa phương từng uống và tắm rửa thành vùng bị bỏ hoang.

Các nhà chức trách cho biết cá chết hàng loạt là do thiếu oxy trong nước - hậu quả của lũ lụt và đợt nắng nóng gần đây. Nhưng người dân địa phương giận dữ nói rằng gốc rễ thực sự của vấn đề nằm ở việc sử dụng quá mức hệ thống sông lớn nhất và quan trọng nhất của Australia, theo New York Times.

Sông Darling là một phần của lưu vực Murray Darling, hệ thống sông lớn nhất Australia. Hiện tượng cá chết hàng loạt trong tuần này hé lộ thêm những vấn đề lưu vực sông Murray Darling đang đối mặt. Hạn hán cùng với việc nhu cầu sử dụng nguồn nước này tăng lên đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái Murray Darling.

Hàng triệu xác cá dạt vào bờ

ỞMenindee, nơi có dân số là 551 người, cư dân phải chịu đựng mùi cá thối rữa trong vài ngày. Barry Stone, một cư dân mô tả mùi thối đến mức “chảy nước mắt. Nó khiến mũi cay xè và khiến bạn muốn nôn ra”.

“Hãy tưởng tượng một con cá thối rữa trong bếp khi tất cả cửa đều đóng và không có điều hòa. Chúng tôi có tận hàng triệu con cá”, Guardian dẫn lời McCrabb.

Người dân địa phương cho biết đây là vụ cá chết lớn nhất xảy ra ở thị trấn, sau vụ cá chết hàng loạt khác diễn ra chỉ 3 năm trước, BBC đưa tin.

Nhiều người lo sợ cho nguồn nước uống của họ - nước sông đã qua xử lý. Họ còn tức giận hơn khi dù đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng của dòng sông trong nhiều năm, vẫn không có gì thay đổi. Một số cư dân cho biết ngay cả sau vụ cá chết hàng loạt trước đó vào năm 2019, vẫn có rất ít hành động để giải quyết vấn đề.

Trên sông hôm 22/3, ông McCrabb chỉ ra nhiều loài cá chết: Cá trích xương, cá rô vàng và thậm chí cá rô bạc Australia có nguy cơ tuyệt chủng.

5 ngày sau khi cá chết hàng loạt, xác của chúng bắt đầu trôi xuôi theo dòng nước và chìm xuống đáy. Da và thịt thối rữa tan thành từng mảng, tạo thành những màng bùn xám trên mặt nước.

Những con tôm càng bị bao phủ bởi lớp màng này, cố gắng trốn lên hai bên bờ sông dốc đứng, trong khi những con cá may mắn sống sót thỉnh thoảng nhảy lên khỏi mặt nước hoặc vùng vẫy gần bề mặt, thở hổn hển.

Hiện tượng chết hàng loạt ban đầu càng làm cạn kiệt oxy trong nước, khiến nhiều sinh vật chết hơn.

Cá chép, loài chịu đựng môi trường thiếu oxy tốt hơn các loài cá khác, bơi xung quanh xác chết. Hàng nghìn chiếc miệng nhỏ xíu đóng mở không ngừng trên mặt nước để cố gắng đớp không khí.

Ông McCrabb, một người trồng nho, đã trở thành đại diện không chính thức của thảm họa. Trong cả đợt cá chết năm 2019 và hiện tại, ông thường xuyên lái thuyền, ghi lại cảnh tượng để nâng cao nhận thức và “xát muối vào vết thương của chính phủ” - như cách ông nói.

McCrabb không phải là người duy nhất trong khu vực tình cờ trở thành nhà hoạt động. Ở Menindee, cũng như các thị trấn khác dọc theo con sông, một số chủ doanh nghiệp nhỏ, người về hưu và người bản địa gắn bó với khu vực đã vận động để giải quyết mối đe dọa hiện hữu đối với cộng đồng cùng sinh kế của họ.

“Họ nói rằng trong 5 đến 10 năm nữa dòng sông sẽ chết”, Ross Leddra, cư dân Menindee và là chủ tịch của Nhóm Hành động Darling River, đấu tranh vì chất lượng nước tốt hơn, chia sẻ.

Mặc dù người dân địa phương đều hiểu một đợt cá chết khác có thể xảy ra, nhưng “không ai nghĩ nó sẽ xảy ra ở mức độ này”, ông nói thêm. “Làm sao họ khôi phục được dòng sông khi có hàng triệu con cá chết dưới đáy đang phân hủy vào đất?”.

Cơn ác mộng

Các nhà chức trách gọi việc dọn dẹp là "cơn ác mộng hậu cần", thừa nhận sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn các xác chết vì quy mô của thảm họa.

“Tôi cần phải thẳng thắn với cộng đồng khi trả lời câu hỏi: Liệu mọi xác cá có bị loại bỏ không? Tôi không nghĩ vậy”, Brett Greentree, trợ lý ủy viên cảnh sát bang giám sát nỗ lực cải tạo, nói.

Đứng bên ngoài ngôi nhà của mình trên bờ sông, Ross Files, một người đã về hưu, nhìn xác cá nổi trên chính dòng nước mà ông dùng để tắm và giặt giũ, đồng thời suy tính xem ông có thể tiếp tục sống bên dòng sông trong bao lâu.

“Tôi nghĩ đó là kết thúc của tôi”, ông nói. Ông Files (85 tuổi), kể lại khi ông còn trẻ, nước sông từng sạch đến mức có thể uống mà không cần qua xử lý.

Ông là một trong số nhiều cư dân cho rằng tình trạng của dòng sông bắt đầu suy giảm khi nông nghiệp được tăng cường ở thượng nguồn cách đây vài thập kỷ, khiến lượng nước chảy xuống hạ lưu ngày càng ít đi.

“Vấn đề này không bắt đầu từ hôm qua, tuần trước hay năm ngoái”, ông nói. “Tôi đã ở đây 85 năm, và trong 25 năm qua tôi gặp vấn đề duy nhất với dòng sông”.

Một số nhà khoa học cũng có quan điểm tương tự. Richard Kingsford, giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ sinh thái tại Đại học New South Wales, cho biết vụ cá chết năm 2019 xảy ra trong đợt hạn hán và vụ cá chết hiện tại diễn ra sau trận lũ lụt.

Tuy nhiên, ông nói nguyên nhân lâu dài của cả hai lần đều giống nhau: “Sông không có đủ nước, trong khi toàn bộ hệ thống được thiết kế với những lối thoát bị đóng lại”.

Ông cho hay việc khai thác quá mức đồng nghĩa các phần của dòng sông bị cạn kiệt thường xuyên hơn, và những trận lũ nhỏ, vừa - thường giúp dọn sạch mảnh vụn hữu cơ theo định kỳ - gần như biến mất.

Kết quả khi một trận lũ lớn ập đến, tất cả mảnh vụn đều bị cuốn vào dòng sông, nơi chúng bị phân hủy và khử oxy trong nước.

Điều đó, kết hợp với việc xây dựng các đập ngăn cản cá bơi đến vùng nước có oxy tốt hơn, làm cho thảm họa này trở nên tồi tệ hơn.

Ông nói thêm chỉ riêng quá trình tự nhiên không thể giải thích được quy mô bất thường của vụ cá chết gần đây.

Ngược lại, cơ quan quản lý nước và nghề cá của New South Wales, cho rằng thảm họa là do nguyên nhân liên quan đến thời tiết.

“Đối với một sự kiện tự nhiên như thế này, có rất ít bước có thể làm để ngăn chúng xảy ra”, WaterNSW, cơ quan quản lý các con sông của bang, cho hay.

Issac Jeffrey, giám đốc điều hành của Hội đồng thủy lợi quốc gia, lặp lại quan điểm này. “Thật kinh khủng khi chứng kiến, nhưng đó là một phần của chu kỳ”, ông nói qua email.

Hôm 23/3, sau khi nhiều xác cá đã chìm xuống đáy sông, công việc dọn dẹp bắt đầu với việc nhân viên trên những chiếc thuyền nhỏ vớt xác cá nổi bằng lưới cầm tay.

Các nhà chức trách cho biết sau đó, họ sẽ sử dụng máy móc kéo lưới qua sông để vớt xác cá chìm.

Nhưng đối với ông McCrabb, đó dường như là nỗ lực vô ích, khi xác cá đã phân hủy và chìm trong nước không biết bao nhiêu ngày.

Ông nói rằng không thể dọn sạch một thảm họa lớn như vậy. “Cách duy nhất để đối phó với nó là ngăn chặn nó”, McCrabb nhấn mạnh.

(Nguồn: Zing News)

Vành đai và Con đường sa sút, Trung Quốc chi hàng trăm tỷ USD “giải cứu” các nước nặng nợ

(Ảnh minh họa).

Việc Trung Quốc nổi lên thành một “người cho vay cuối cùng” (lender of last resort) có mức độ ảnh hưởng lớn đặt ra thách thức lớn đối với những định chế do phương Tây dẫn đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)...

Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ hoạt động cho vay “giải cứu”, trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này bị cho là thất bại sau một loạt vụ xoá nợ, những dự án ngập bê bối và các cáo buộc tham nhũng ở những quốc gia tham gia sáng kiến - tờ Financial Times cho hay.

Dẫn một báo cáo công bố ngày 27/3, tờ báo cho biết Trung Quốc đã cấp 104 tỷ USD vốn vay giải cứu cho các nước đang phát triển trong thời gian từ 2019-2021. Con số này lớn gần tương đương mức cho vay giải cứu của Trung Quốc trong cả 2 thập kỷ trước đó cộng lại. Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi AidData, Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel, được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên nhằm nắm bắt toàn bộ hoạt động cho vay giải cứu của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Theo báo cáo, từ năm 2000 đến cuối năm 2021, Trung Quốc thực hiện 128 chương trình cho vay giải cứu với 22 quốc gia mắc nợ, tổng trị giá của các khoản vay giải cứu đạt 240 tỷ USD.

Việc Trung Quốc nổi lên thành một “người cho vay cuối cùng” (lender of last resort) có mức độ ảnh hưởng lớn đặt ra thách thức lớn đối với những định chế do phương Tây dẫn đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tổ chức giữ vai trò bảo vệ ổn định tài chính toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

“Cấu trúc tài chính toàn cầu đang trở nên ít gắn kết hơn, ít thể chế hoá hơn và ít minh bạch hơn. Bắc Kinh đã tạo ra một hệ thống toàn cầu mới cho việc cho vay giải cứu xuyên biên giới, nhưng họ làm vậy theo một cách ít minh bạch và không có sự phối hợp”, Giám đốc điều hành Brad Parks của AidData thuộc trường College of William and Mary ở Mỹ nhận định.

Lãi suất tăng trên toàn cầu và xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD đã dẫn tới lo ngại về khả năng trả nợ của các quốc gia đang phát triển. Một số nước đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ, trong khi sự thiếu phối hợp giữa các chủ nợ bị cho là nguyên nhân khiến cho khủng hoảng nợ nần của một số nước nặng nợ bị kéo dài.

Tuần trước, Tổng thống Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka đã kêu gọi Trung Quốc và các chủ nợ khác của nước này nhanh chóng đạt một sự nhượng bộ về tái cấu trúc nợ sau khi IMF phê chuẩn một chương trình cho vay 3 tỷ USD kéo dài 4 năm cho Sri Lanka.

Trung Quốc từ lâu luôn từ chối tham gia vào các chương trình đa phương về xử lý nợ, cho dù nước này là một thành viên của IMF. Ghana, Pakistan và các nước nặng nợ vay nhiều của Trung Quốc đều đang theo dõi sát sao trường hợp Sri Lanka.

“Chủ trương song phương nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến việc điều phối hoạt động giữa các nhà cho vay khẩn cấp khác trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông Parks nhận định.

Một số nước trong số 22 quốc gia mà Trung Quốc đã cho vay giải cứu - gồm Argentina, Belarus, Ecuador, Ai Cập, Lào, Mông Cổ, Pakistan, Suriname, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, và Venezuela - cũng là những nước nhận sự giúp đỡ của IMF.

Tuy nhiên, có những khác biệt lớn trong các chương trình cho vay của IMF và các vụ giải cứu của Trung Quốc. Một trong số đó là vốn vay của Trung Quốc không hề rẻ. “Một khoản vay giải cứu điển hình từ IMF có lãi suất 2%. Lãi suất bình quân của một khoản vay giải cứu từ Trung Quốc là 5%”, nghiên cứu cho biết.

Ngoài ra, không phải quốc gia nào tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường muốn vay tiền của Trung Quốc cũng có thể vay. Những nước nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ sáng kiến này - đồng nghĩa với rủi ro lớn đối với các ngân hàng Trung Quốc - có khả năng cao hơn nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp của Trung Quốc.

“Xét cho cùng Trung Quốc đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính nước này. Đó là lý do vì sao Trung Quốc dấn thân vào một công việc đầy rủi ro là cho vay giải cứu quốc tế”, giáo sư Carmen Reinhart của Harvard Kennedy School, một cựu chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định.

Trung Quốc cho vay theo hai dạng. Dạng đầu tiên là “hạn ngạch hoán đổi”, trong đó tiền Nhân dân tệ được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giải ngân, đổi lại là đồng tiền của nước nhận khoản vay. Khoảng 170 tỷ USD đã được cho vay theo cách này. Dạng thứ hai là thông qua hỗ trợ can cân thanh toán, với khoảng 70 tỷ USD đã được cam kết, chủ yếu từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chương trình đầu tư hạ tầng xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC, ước tính giá trị của các dự án hạ tầng do Trung Quốc cẫn đầu và các giao dịch khác được nhận diện là thuộc “Vành đai và Con đường” đạt mức 838 tỷ USD trong thời gian từ 2013 đến 2021.

Việc Trung Quốc mạnh tay cho vay giải cứu đã làm lộ ra những thiếu sót trong thiết kế của sáng kiến mà Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, từng gọi là “dự án của thế kỷ”. Theo chuyên gia Christoph Trebesch của Viện Kiel, có một vấn đề là các nhà cho vay Trung Quốc “thực sự muốn vào những quốc gia mà hoá ra lại có những vấn đề rất nghiêm trọng”.

Những thiếu sót khác của sáng kiến đến từ sự thiếu vắng nghiên cứu khả thi và thiếu minh bạch - theo nghiên cứu.

Một số dự án đã trở thành câu chuyện gây tranh cãi quanh việc làm thế nào để không nhận vốn vay phát triển. Một dự án đường 1 tỷ USD “chẳng dẫn đến đâu” ở Montenegro vẫn chưa được hoàn thiện và chìm trong những cáo buộc tham nhũng, trì hoãn và các vấn đề môi trường.

Những công trình tốn kém và không mấy hữu ích như cảng Hambantota và tháp Lotus của Sri Lanka được xem là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng nợ của nước này, trong khi có hơn 7.000 vết nứt được phát hiện tại một con đập ở Ecuador do nhà thầu Trung Quốc xây dựng gần một ngọn núi lửa đang hoạt động.

(Nguồn: VnEconomy)

Chiến sự Nga- Ukraine ngày 28/3: Ukraine có 3 lựa chọn vì TT Putin không bỏ cuộc

Các chuyên gia chiến tranh cho rằng Ukraine có 3 lựa chọn vì Putin không bỏ cuộc, nhưng các cuộc đàm phán hòa bình không nằm trong số đó.

Chỉ sau hơn một năm chiến đấu, cuộc chiến ở Ukraine đã đi vào bế tắc. Cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng cuộc chiến diễn ra đặc biệt tồi tệ đối với Nga khi nước này hứng chịu một loạt thất bại trên chiến trường và không đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn. Đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có dấu hiệu bỏ cuộc khi các lực lượng của ông tiếp tục thúc đẩy giành được các thành phố phía đông Bakhmut và Avdiivka.

Một đánh giá mới từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho thấy Ukraine có 3 lựa chọn khá đơn giản khi đối mặt với thực tế hiện nay và các cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức không nằm trong số đó.

ISW cho biết: "Đây sẽ là thời điểm thích hợp để ông Putin kết luận rằng Nga không thể áp đặt ý muốn của mình lên Ukraine bằng vũ lực và rằng ông ấy phải tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp. Tuy nhiên, ông rõ ràng đã không đi đến kết luận như vậy".

Trong bối cảnh này, một lựa chọn cho Ukraine là ngừng phản công, ngay cả khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ và trên không mà hầu như không hiệu quả.

Cách tiếp cận tiềm năng thứ hai là các lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu một cách "rất hạn chế", với mục tiêu giữ vững lãnh thổ mà họ hiện đang kiểm soát. Nhưng điều này sẽ "khuyến khích Putin tiếp tục nỗ lực theo đuổi chiến thắng quân sự hoàn toàn".

Lựa chọn thứ ba là Ukraine "phát động các hoạt động phản công liên tiếp với hai mục tiêu là thuyết phục Putin chấp nhận một thỏa hiệp được đàm phán hoặc tạo ra các thực tế quân sự đủ thuận lợi cho Ukraine để Kiev và các đồng minh phương Tây sau đó có thể tự mình đóng băng cuộc xung đột một cách hiệu quả", bất chấp các quyết định của ông Putin".

Ukraine tiếp tục bảo vệ Bakhmut, nơi chứng kiến giao tranh ác liệt nhất của cuộc chiến trong những tháng gần đây, mặc dù các nhà phân tích cho rằng thành phố này có ít ý nghĩa chiến lược. Một số chuyên gia quân sự đã lập luận rằng nhân lực và nguồn lực của Kiev không nên tiếp tục được sử dụng cho Bakhmut, mà thay vào đó nên dành cho một cuộc phản công.

Đánh giá của ISW cho thấy rằng Ukraine cần nhiều chiến thắng lớn trong chiến dịch để tạo khả năng đàm phán hoặc để Putin "chấp nhận những thực tế quân sự bất lợi mà không có một giải pháp chính thức".

Một số nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng ngay cả khi Kiev và Moscow đạt được một thỏa thuận thương lượng dẫn đến chấm dứt chiến sự, Nga sẽ chỉ sử dụng điều này như một cơ hội để tập hợp lại và tiếp tục thúc đẩy việc chinh phục hoàn toàn Ukraine sau này. Theo đó, ISW cho biết Ukraine sẽ cần phải giành lại địa hình quan trọng đối với sự sống còn của nước này cả về mặt quân sự và kinh tế, vì đó sẽ là chìa khóa cho "các cuộc tấn công mới của Nga".

(Nguồn: Dân Việt)

Cải cách tư pháp Israel: Tránh nguy cơ 'nội chiến', Thủ tướng ra quyết định nóng, Mỹ-Anh đồng tình

(Ảnh minh họa).

Đêm 27/3, ngay trước nguy cơ xảy ra một cuộc đình công “lịch sử” trên toàn quốc nhằm ngăn chặn kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu quan trọng trước người dân.

Theo đó, Thủ tướng Netanyahu chính thức tuyên bố hoãn thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ, vốn gây tranh cãi và thổi bùng lên các cuộc biểu tình trong hơn 10 tuần qua.

Ông Netanyahu cho hay, việc hoãn kế hoạch cải cách tư pháp là cần thiết để tiếp tục đối thoại rộng rãi trong nhân dân và tránh nguy cơ xảy ra một cuộc “nội chiến” tại quốc gia này.

Theo Thủ tướng Israel, ông hiểu rằng có những căng thẳng đang gia tăng trong lòng xã hội Nhà nước Do Thái và ông muốn giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Israel cũng đổ lỗi cho một “nhóm thiểu số cực đoan” đang âm mưu chia rẽ đất nước.

Cho biết “hầu hết” đồng minh trong liên minh cầm quyền ủng hộ động thái này, nhà lãnh đạo cũng khẳng định đã nhiều lần kêu gọi đối thoại về kế hoạch cải cách tư pháp và nếu phải lựa chọn việc đối thoại để tránh "nội chiến" thì ông sẽ dành thời gian cho đối thoại.

Ngay sau tuyên bố của ông Netanyahu, Liên đoàn lao động Israel đã phát đi lời kêu gọi ngừng tổng đình công trên toàn quốc, đồng thời đánh giá cao động thái của Thủ tướng Netanyahu trong việc đề nghị tổ chức này hỗ trợ để kế hoạch cải cách đảm bảo lợi ích của tất cả các thành phần xã hội.

Trước diễn biến mới ở Israel, Ngoại trưởng Anh James Cleverly bày tỏ hoan nghênh và nêu rõ: “Điều quan trọng là duy trì việc chia sẻ các giá trị dân chủ vốn là nền tảng cho mối quan hệ giữa Anh và Israel cũng như việc bảo vệ một hệ thống giám sát và cân bằng quyền lực”.

Cũng ủng hộ quyết định của chính phủ Israel, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Mỹ đang thúc giục các nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông tìm kiếm thỏa hiệp đối với vấn đề trên càng sớm càng tốt.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trực tiếp chia sẻ mối quan ngại về tình hình ở Israel với Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm “rất thẳng thắn”.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang