Tỷ phú tìm thuốc trường sinh; Quảng cáo ngoài không gian; Lạm phát toàn cầu; Nga dựng lá chắn thép; Trốn lệnh động viên của Putin

KHÔNG NGẠI CHI HÀNG TỶ USD, CÁC TỶ PHÚ THẾ GIỚI ĐANG 'VUNG TIỀN' ĐỂ ĐI TÌM LOẠI THUỐC 'TRƯỜNG SINH BẤT LÃO'

(Ảnh minh hoạ).

Các tỷ phú công nghệ đang tài trợ cho nhiều nghiên cứu để giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Khi Nir Barzilai nghiên cứu về khoa học chống lão hoá cách đây 30 năm, thì đây là một việc không khác gì viển vông. Giờ đây, nhà khoa học người Mỹ gốc Israel tin rằng thế giới đang trên đà biến hy vọng này thành hiện thực, tìm ra các loại thuốc ngăn chặn tác động của lão hoá.

Barzilai - Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão hoá tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, cho biết: "Chúng ta đã qua cái thời hy vọng và hứa hẹn. Chúng đang ở điểm giữa hứa hẹn và hiện thực hoá nó."

Ông dự định thực hiện một cuộc thử nghiệm lớn để kiểm tra xem một loạt thuốc trị tiểu đường thông thường - metformin, có thể kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm hay không, sau một nghiên cứu đầy hứa hẹn ở Anh.

Nếu các cơ quan quản lý chấp thuận metformin cho mục đích chống lão hoá, ông tin rằng các hãng dược phẩm và công nghệ sinh học lớn sẽ đổ xô đến lĩnh vực này. Barzilai cho hay: "Một khi chúng tôi chứng minh được điều đó, tôi nghĩ đó sẽ là khoảnh khắc khiến cả trái đất rung chuyển."

Dù cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể học cách ngăn chặn nó. Khoa học đã nghiên cứu ra cách tăng tuổi thọ, ban đầu bằng các biện pháp thông thường như tiêm vaccine, sau đó là các loại thuốc mới để điều trị những bệnh mãn tính như bệnh tim. Tại Anh, tuổi thọ trung bình tăng gần gấp đôi từ năm 1841 đến năm 2011.

Nhưng khi nhiều người trải qua những thời điểm cuối đời trong tình trạng sức khoẻ kém, các nhà khoa học như Barzilai đang tìm cách không chỉ tăng tuổi thọ mà còn cả sức khoẻ, đó là giúp số năm chúng ta sống khoẻ mạnh tăng lên.

Các nhà nghiên cứu về tuổi thọ bác bỏ lập luận rằng họ đang "chữa khỏi cái chết", nhưng tầm nhìn của họ có khả năng giảm bớt một số vấn đề lớn của thời đại này. Đó là chi phí y tế tăng cao đối với những người có sức khoẻ yếu dần khi tuổi cao và năng suất lao động sụt giảm khi con người già đi.

Tuy nhiên, Barzilai vẫn đang tìm kiếm nguồn tài trợ để thực hiện cho thử nghiệm, có thể mất 4-6 năm và tiêu tốn 50-75 triệu USD. Ông đã nhận được 22 triệu USD, bao gồm 9 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).

Việc tìm ra chìa khoá để khéo dài tuổi thọ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, nhưng nguồn vốn thì khó tìm. Các nhà đầu tư ngành y tế thường muốn thấy lợi nhuận ngắn hạn, song điều này không thể xảy ra trong trường hợp của metformin vì bằng sáng chế của nó đã hết hạn từ lâu. Còn các chính phủ thì ưu tiên nghiên cứu về các loại bệnh.

Các tỷ phú công nghệ đã nhanh chóng lấp đầy "khoảng trống" này, bao gồm nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos, doanh nhân người Israel Yuri Milner và 2 nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Barzilai hy vọng sẽ trình bày một số ý tưởng với các nhà đầu tư giàu có này trong sự kiện về tuổi thọ.

Tuy nhiên, giới phê bình lo ngại rằng nếu những cá nhân giàu có chiếm ưu thế, thì những tiến bộ trong tương lai có thể tạo ra một tầng lớp ưu tú không phải tạo ra thế hệ mới mà là những người già.

Quay ngược đồng hồ sinh học

Khi lĩnh vực nghiên cứu về tuổi thọ bắt đầu mở rộng, các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi cơ bản nhất: Lão hoá là gì? Vào năm 2013, một nhóm có ảnh hưởng đã đưa ra 9 dấu hiệu lão hoá, các quá trình di truyền và sinh hoá dẫn đến suy giảm chức năng và có khả năng gây tử vong.

Eric Verdin - giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Lão hoá Buck ở California, cho biết các nhà khoa học đã thay đổi hoàn cách cách họ suy nghĩ về lão hoá. Từ việc cho rằng đó là quá trình thụ động, sang học cách tự thay đổi nó. Cuối cùng, một bước đột phá có thể đơn giản là ngăn cơ thể phản ứng với những căn bệnh mãn tính gây ra cái chết. Theo ông, yếu tố rủi ro lớn nhất của các bệnh lão hoá không phải là cholesterol hay hút thuốc mà là tuổi tác.

James Peyer, giám đốc điều hành của Cambrian Biopharma, chuyên đầu tư vào các công ty nghiên cứu lão hoá, cho biết "ngôi sao mai" của lĩnh vực này đang tạo ra một thế hệ thuốc phòng bệnh mới. Ông tin rằng loại thuốc này có nhiều tác động đến sức khoẻ của con người như vaccine và thuốc kháng sinh.

Các nhà khoa học có khám phá quan trọng về việc có thể quay ngược đồng hồ sinh học ở mức độ tế bào, sử dụng các "yếu tố trẻ hoá" tạo ra khả năng đảo ngược bệnh tật.

Một nguyên nhân khác là các tế bào lão hoá tích tụ ở người lớn tuổi gây ra những vấn đề về sức khoẻ. Các nhà khoa học tại Phòng khám Mayo Mỹ đã phát hiện ra rằng nếu để các tế bào lão hoá chết đi trong 1 con chuột, chúng sẽ khoẻ mạnh và sống lâu hơn từ 20 đến 30%. Song, cho đến nay, phần lớn những khám phá này mới được thực hiện trên động vật.

Thử nghiệm những giả thuyết này trên người sẽ có những thách thức lớn, mất rất nhiều thời gian để chờ xem liệu con người dùng thuốc có sống lâu hơn hay không. Các nhà nghiên cứu cũng phải điều chỉnh các thử nghiệm của họ theo quy định hiện có, tức là coi lão hoá không phải 1 căn bệnh. Họ phải nhắm mục tiêu đến các bệnh cụ thể, dù một số người kỳ vọng có thể áp dụng rộng rãi hơn.

Dù Barzilai cho rằng metformin có khả năng kéo dài tuổi thọ, thử nghiệm của ông sẽ nhằm mục đích chứng minh rằng loại thuốc này làm trì hoãn một số nhóm bệnh, bao gồm đột quỵ, suy tim, ung thư và chứng mất trí cũng như tử vong. Đến nay, trở ngại lớn nhất là kiếm đủ tiền để tài trợ cho các thử nghiệm lớn.

Tìm kiếm nguồn tài trợ

Khi Rick Klauser bắt đầu gọi vốn cho Altos Labs, ông đã chuẩn bị mội bài trình bày dài cho các nhà đầu tư. Thay vì tìm đến các cổ đông tiềm năng với một danh sách các dự án và deadline, cựu giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ hy vọng họ sẽ đầu tư vào cái mà ông gọi là "động cơ khám phá."

Ý tưởng của ông là Altos sẽ thuê những nhân tài giỏi nhất trong ngành, bao gồm cả cựu giám đốc khoa học của GSK Hal Barron với tư cách là CEO. Ông kỳ vọng họ sẽ làm việc mang tính cộng tác hơn nhiều hơn là nghiên cứu học thuật, giải quyết những vấn đề lớn xung quanh việc trẻ hoá tế bao với tham vọng đẩy lùi bệnh tật.

Công ty sau đó đã huy động được 3 tỷ USD - mức kỷ lục trong ngành khoa học đời sống, trong vòng gọi vốn do Arch Venture Partners dẫn đầu và được cho là có sự đóng góp của Bezos và Milner. Theo Barron, số tiền này sẽ cho phép họ thất bại nhiều lần khi theo đuổi mục tiêu.

Altos ra mắt vào đầu năm 2022, hiên là thí nghiệm được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học chống lão hoá. Startup đầu tiên là Calico Life Science, thuộc Alphabet, được thành lập vào năm 2013, nơi Barron từng dẫn đầu hoạt động nghiên cứu.

Robert Nelsen - đồng sáng lập của Arch Venture Partners, cho biết công ty chỉ muốn tìm nhà đầu tư dài hạn. Nhóm nhà đầu tư của ông có thể nắm giữ cổ phần của Altos trong 10-15 năm nếu cần, dù anh tin rằng các nhà đầu tư sẽ nhận thấy giá trị sớm hơn.

Jonathan Lewis, CBO của Calico, cho biết "khoản tiền tài trợ" từ Alphabet từ khi còn là Google đã giúp công ty tập trung vào lĩnh vực sinh học ít người quan tâm khi ra mắt vào nă 2013. Kể từ đó, Calico đã nhận được tài trợ từ cả công ty dược phẩm AbbVie. Họ đang nhận được cam kết đầu tư 3,5 tỷ USD từ cả Alphabet và AbbVie. Calico hiện có 3 loại thuốc tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm thông thường đang tham gia vào lĩnh vực này, nhưng họ tập trung vào các công ty đang thử nghiệm các nguyên tắc khoa học chống lão hoá rộng hơn trong các thử nghiệm cụ thể có thể sản xuất thuốc nhanh hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận từng bước có thể chậm hơn và nếu thử nghiệm đầu tiên thất bại, công ty đó có thể bị ảnh hưởng.

Mehmood Khan là CEO của Hevolution Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về tuổi thọ được hoàng gia Ả Rập Xê Út cam kết đầu tư 1 tỷ USD/năm. Ông cho biết, tầm nhìn của họ là kéo dài tuổi thọ khoẻ mạnh, vì lợi ích của nhân loại, để đảm bảo khoảng cách tuổi thọ giữa người giàu và người nghèo không trở nên trầm trọng hơn.

(Nguồn: GenK)

ĐẾN THỜI CỦA QUẢNG CÁO NGOÀI KHÔNG GIAN

Theo tạp chí The Hill (Mỹ), chúng ta đang ở vào thời kỳ bình minh của quảng cáo ngoài không gian.

Một số ví dụ có thể kể đến là: Lon soda của Pepsi trôi bên ngoài Trạm Vũ trụ Mir của Nga vào năm 1996, bánh pizza của Pizza Hut theo tên lửa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2001 hay hãng SpaceX phóng chiếc xe điện Tesla Roadster lên quỹ đạo năm 2018.

Quảng cáo ngoài không gian có nhiều ưu thế vượt trội, chẳng hạn được hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ người từ nhiều quốc gia nhìn thấy và "tuổi thọ" của mẩu quảng cáo kéo dài nhiều tuần, nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Mới đây, Viện Skolkovo và Viện Vật lý và công nghệ Moscow (đều của Nga) công bố một phân tích nêu rõ toàn bộ chi phí phóng một mạng lưới vệ tinh nhỏ, phát sáng (để làm bảng quảng cáo) ước khoảng 65 triệu USD và có khả năng sinh lời cao. Trên phương diện quốc gia, 65 triệu USD chỉ là số tiền nhỏ nếu so với cơ hội quảng bá hình ảnh cực kỳ lớn.

Thế nên, không khó hiểu khi quảng cáo ngoài không gian đang "nở nồi" trên khắp thế giới, nhất là tại các nước mạnh về du hành vũ trụ như Nga, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Ấn Ðộ, Nhật Bản...

Ðiều thuận lợi là chi phí "lắp đặt" ngoài không gian đã giảm rất nhiều và vẫn tiếp tục giảm, nhờ vào sự kết hợp của việc thu nhỏ thiết bị điện tử và tên lửa tái sử dụng. Trước đây, vệ tinh to như ôtô nhưng nay chỉ bằng cái lò nướng bánh nhỏ, còn chi phí phóng tên lửa từ 100 triệu USD đã giảm còn 10 triệu USD.

Ðến đây, một vấn đề đặt ra là hiện không có bất cứ điều luật quốc tế hay hiệp ước nào về quảng cáo ngoài không gian. Hiện chỉ có Mỹ và Luxembourg cấm phóng tên lửa trên đất nước mình để phục vụ quảng cáo ngoài không gian. Liệu các nước nên hợp tác đặt ra quy định ngay từ đầu hay cứ để các phát kiến tự do "bung xõa" rồi mới tính đến chế tài?

AI "soi" đau tim, đột quỵ

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cướp đi khoảng 17,9 triệu sinh mạng mỗi năm, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hậu quả khủng khiếp này thôi thúc các nhà nghiên cứu tìm tòi cách chữa trị cũng như ngăn chặn hiệu quả.

Sử dụng hình ảnh X-quang ngực làm dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình học sâu (deep learning) có thể dự báo nguy cơ tử vong vì đau tim hoặc đột quỵ do xơ vữa động mạch.

Theo trang bgr.com, công nghệ trên có tên là "CXR-CVD risk", đang được nghiên cứu và huấn luyện trong một cuộc thử nghiệm đặc biệt của Viện Ung thư quốc gia Mỹ. Với dữ liệu đầu vào là gần 147.500 ảnh chụp X-quang ngực của 40.643 người, CXR-CVD risk "nghiền ngẫm" ra sự tương đồng của những người có nguy cơ.

Các nhà khoa học cũng kiểm tra độ chính xác của CXR-CVD risk bằng cách đối chiếu với một nhóm khác gồm 11.430 bệnh nhân ngoại trú có chụp X-quang ngực định kỳ. Kết quả là có mối liên kết đáng kể giữa những dự báo của CXR-CVD risk với những ca bệnh được ghi nhận thực tế.

Kết quả cuộc thử nghiệm vừa nêu được chia sẻ tại hội nghị thường niên tổ chức vào ngày 29-11-2022 của Hiệp hội Ngành X-quang Bắc Mỹ (RSNA).

Theo tác giả chính của nghiên cứu - ông Jakob Weiss, chuyên gia X-quang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu hình ảnh tim mạch thuộc Bệnh viện Ða khoa Massachusetts và Chương trình AI trong y khoa của Bệnh viện Brigham and Women ở TP Boston, CXR-CVD risk có thể dự báo trước 10 năm những biến cố tim mạch nặng, từ đó giúp bác sĩ xác định nhóm người có nguy cơ và chỉ định phòng ngừa tiên phát.

Khởi nghiệp... lạ đời

Anh Kyle Waring, cư dân ở TP Boston - Mỹ, đã nghĩ ra sáng kiến... bán tuyết sau đợt tuyết rơi dày vào tháng 2-2015, thời điểm vợ chồng anh mất rất nhiều thời gian để xúc tuyết trên lối vào nhà.

Thật bất ngờ, ý tưởng như đùa kia lại thành công rực rỡ, khi họ bán sạch 24 thùng tuyết Boston một cách nhanh chóng. Kể từ đó tới nay, công việc kinh doanh này phát triển thành dịch vụ vận chuyển các thùng tuyết cách nhiệt đủ dùng để làm người tuyết trên khắp nước Mỹ, với thu nhập theo mùa lên tới 6 con số.

Ðộc đáo không kém là sản phẩm của Công ty Potato Parcel (Mỹ) - vốn do Alex Craig, một sinh viên ở bang Texas, lập ra vào năm 2015 và sau đó cùng năm bán cho doanh nhân Riad Bekhit ở bang California: Những củ khoai tây kèm theo thông điệp ngắn được viết bằng tay có giá 9,99 USD, cho bất kỳ dịp đặc biệt nào, từ lễ kỷ niệm cho đến tiệc sinh nhật...

Với mức giá 14,99 USD, khách hàng sẽ nhận được một Potato Pal - tức củ khoai tây kèm ảnh chân dung của ai đó. Theo đài CNBC, hiện lợi nhuận hằng tháng của Potato Parcel vào khoảng hàng chục ngàn USD và thị trường được mở rộng tới Úc, Canada, Anh...

Hốt bạc từ một dịch vụ lạ khác là "Dog Parker" (tạm dịch: Gửi chó cưng) - ý tưởng của cô Chelsea Brownridge, giúp những người nuôi chó tại TP New York - Mỹ thoải mái mua sắm, uống cà phê... khi vật nuôi của mình có chỗ nằm đợi tiện nghi.

Mỗi căn nhà thông minh của Dog Parker được trang bị camera cảm biến, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và vệ sinh tự động. Người dùng có thể theo dõi chó cưng qua ứng dụng điện thoại. Giá cho mỗi phút gửi thú cưng là 0,3 USD.

Hô biến không khí thành thịt

Ðến năm 2050, số người sống trên trái đất dự kiến tăng lên 10 tỉ người, khiến yêu cầu về sản xuất lương thực có khả năng tăng 70%. Nhà khoa học người Mỹ Lisa Dyson đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này: Protein làm từ không khí loãng, có thể được chế tạo trong bể chứa thay vì sử dụng đất trồng.

Theo đài CNN, bà Dyson, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp có tên Air Protein (bang California - Mỹ), đang khai thác công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra một loại thịt gọi là thịt không khí, sử dụng vi sinh vật, nước, năng lượng tái tạo và các nguyên tố tìm thấy trong không khí.

Ðược thành lập từ năm 2019, Air Protein dựa trên nghiên cứu vào những năm 1960 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), theo đó tìm cách tạo ra thức ăn cho các phi hành gia trong sứ mệnh dài ngày trên sao Hỏa. Một trong những đề xuất là tạo thực phẩm bằng cách kết hợp các vi sinh vật với CO2 mà các phi hành gia thở ra.

Quy trình làm thịt không khí của Air Protein tương tự lên men sữa chua hay phô mai. Nhưng thay vì để vi khuẩn lên men trong đường hoặc sữa, các khí bao gồm CO2, nitơ và ôxy được đưa qua các bể lên men lớn, nơi nuôi cấy ra protein trong vài giờ. Những protein này được cô đặc, sấy khô và làm thành bột, sau đó chế thành thịt bằng cách thêm hương liệu và chất dinh dưỡng.

Một lý do khác khiến bà Dyson ứng dụng công nghệ này là mong muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Trường ÐH Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ), ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu tạo ra khoảng 17,3 tỉ tấn khí thải CO2 mỗi năm, chiếm 35% tổng lượng khí thải của con người.

(Nguồn: CafeF)

NGUY CƠ LẠM PHÁT TOÀN CẦU BỊ "THỔI BÙNG" TỪ VIỆC TRUNG QUỐC TÁI MỞ CỬA NỀN KINH TẾ

(Ảnh minh hoạ).

Trung Quốc chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn khi kinh tế phục hồi, vì vậy nó làm đẩy tăng áp lực lên giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác.

Ngay khi mà những dấu hiệu trên toàn cầu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, quá trình mở cửa kinh tế Trung Quốc sau nhiều năm kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ hiện đang khiến nhiều người lo sợ về khả năng việc kinh tế Trung Quốc vận hành bình thường trở lại có thể đẩy tăng chi phí trên toàn cầu thêm một lần nữa, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn chung không lo lắng, tuy nhiên họ cho biết sự bất ổn ban đầu sẽ chỉ khiến cho tình hình thêm khó khăn với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang trong quá trình nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát bằng việc hãm lại tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn khi kinh tế phục hồi, vì vậy nó làm đẩy tăng áp lực lên giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác. Cùng lúc đó, tuy nhiên, quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc sẽ có thể làm dịu đi những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng và cho phép các nhà máy tăng cường sản xuất, nó giúp giải quyết một số vấn đề từng gây ra lạm phát cao trong năm 2022.

Hai tác động có thể bù trừ lẫn nhau qua thời gian, tuy nhiên nhiều diễn biến mới sẽ có thể khiến cho ngân hàng trung ương nhiều nước có thêm lý do để giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn khi mà họ xem xét đến ảnh hưởng từ Trung Quốc thậm chí khi mà nhiều nền kinh tế lớn của thế giới đang tiến gần hơn đến khả năng suy thoái kinh tế.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành nhân tố X trong cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu và Fed không thể làm gì nhiều để ngăn chặn điều đó”, giám đốc điều hành tại China Beige Book tại Washington DC – ông Leland Miller phân tích.

Chính quyền Bắc Kinh đã khiến cho tăng trưởng kinh tế đi xuống trong phần lớn khoảng thời gian của 3 năm qua khi mà giới chức tiến hành phong tỏa các thành phố đồng thời siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc năm 2022 giảm đến năm thứ 2 liên tiếp và tăng trưởng kinh tế nói chung hạ nhiệt xuống chỉ còn khoảng 3% - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Cuối năm ngoái, giới chức Trung Quốc bất ngờ loại bỏ đi các biện pháp kiểm soát biên giới, chính vì vậy số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 tăng lên mức đột biến, ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng vào khả năng kinh tế phục hồi mạnh một khi làn sóng lây nhiễm dịch qua đi. Các chuyên gia kinh tế phố Wall hiện đang dự báo về mức tăng trưởng kinh tế đạt 5% hoặc cao hơn trong năm nay.

Người tiêu dùng Trung Quốc, mắc kẹt bên trong các căn hộ, căn nhà của họ trong phần lớn thời gian đại dịch COVID-19, đã tích lũy được hơn 2 nghìn tỷ USD trong các khoản tiền gửi ngân hàng vào năm ngoái, vì vậy họ sẽ có động lực chi tiêu nhiều hươn.

Hiện tại, đang xuất hiện nhiều dấu hiệu lạm phát tăng cao tại Trung Quốc dù rằng lạm phát Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Giá phòng khách sạn tại một số điểm du lịch nổi tiếng tăng mạnh, giá thực phẩm tại Trung Quốc tháng 12/2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đâu cho biết nhu cầu tăng cao từ phía Trung Quốc có thể khiến cho tiêu thụ dầu toàn cầu tăng lên mức ước khoảng 101,7 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn nhiều so với ngưỡng trước COVID-19.

Nếu Trung Quốc duy trì được quá trình mở cửa nền kinh tế, giá dầu Brent thậm chí có thể giao dịch trung bình ở ngưỡng khoảng 100USD/thùng vào thời điểm cuối năm nay từ mức 82USD ở hiện tại, theo các chuyên gia kinh tế tại Societe Generale. Giá dầu cao cũng đồng nghĩa với chi phí xăng dầu và vận tải leo thang trong khi mà tại Mỹ gần đây, giá xăng đã giảm đáng kể.

Nhu cầu khí đốt để phục vụ cho các ngành công nghiệp cũng như hóa chất của Trung Quốc cũng có thể sẽ là một vấn đề, nó đẩy giá cao hơn ở thời điểm mà bản thân châu Âu đang chật vật trong việc có đủ nguồn cung năng lượng.

Giá cả điều chỉnh tăng ở thời điểm lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới dường như đang hạ nhiệt. Tháng 12/2022, lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt 6 tháng liên tiếp còn chỉ số lạm phát tại Anh cũng giảm đến tháng thứ 2. Ở thời điểm tháng 11/2022, lạm phát tại nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận tháng giảm đầu tiên tính từ tháng 8/2021, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

(Nguồn: BizLive)

LO BỊ TẤN CÔNG, NGA NGHI DỰNG "LÁ CHẮN THÉP" BẢO VỆ ĐIỆN KREMLIN

Một "lá chắn thép" được cấu thành từ các tổ hợp phòng không đặt trên các tòa nhà cao tầng được cho là đã xuất hiện xung quanh Điện Kremlin ở thủ đô Moscow.

Trang mil.in.ua, dựa trên những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, cho biết quân đội Nga đã lắp đặt ít nhất 3 tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 lên nóc các tòa nhà xung quanh Điện Kremlin.

Tổ hợp mới nhất vừa được đặt tại tòa trụ sở của Bộ Nội vụ Nga ở số 38, phố Petrovka. Trước đó, một tổ hợp Pantsir-S1 đã được nhìn thấy trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Một hệ thống khác cũng được đưa lên tầng mái của Sở Giáo dục trung tâm Moscow.

Đây được xem là động thái của Nga nhằm bảo vệ Điện Kremlin cùng các trụ sở cơ quan đầu não của nước này, trước nguy cơ bị vũ khí tầm xa của Ukraine tấn công. Các vụ nổ tại một số căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Nga thời gian qua được xem là nguyên nhân cho quyết định trên, khi nó cảnh tỉnh giới lãnh đạo quân sự Nga về việc các mục tiêu trên lãnh thổ nước này không còn là bất khả xâm phạm.

Pantsir-S1 là một tổ hợp tên lửa và pháo phòng không hiện đại của quân đội Nga. Tổ hợp này được phòng thiết kế KBP thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2003, với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu bay tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, Pantsir-S1 được trang bị các pháo phòng không tự động và tên lửa đất đối không để tấn công mục tiêu bay của đối phương.

Tổ hợp Pantsir-S1 được điều khiển và dẫn đường bởi các radar cực nhạy, thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và hệ thống máy tính bên trong đài chỉ huy. Tại chiến trường Ukraine, Pantsir-S1 được sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ các lực lượng Nga trước sức tấn công của tên lửa, hỏa tiễn và UAV Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga trước đó khẳng định tỷ lệ đánh trúng của tổ hợp Pantsir-S1 ở Ukraine lên tới 100%.

(Nguồn: Dân Trí)

TRỐN LỆNH ĐỘNG VIÊN CỦA PUTIN BẰNG CÁCH SỐNG TRONG KHU RỪNG BĂNG GIÁ

(Ảnh minh hoạ).

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động quân sự một phần vào tháng 9/2022, Adam Kalinin - đã đổi tên - đã mất một tuần để quyết định rằng điều tốt nhất anh có thể làm là chuyển vào rừng sống.

Chuyên gia IT đã phản đối chiến tranh ngay từ đầu, bị phạt tiền và bị giam giữ trong hai tuần vì dán một tấm áp phích có nội dung "Không chiến tranh" trên tường tòa nhà chung cư của anh.

Vì vậy, khi Nga nói rằng họ đang huy động 300.000 quân dự bị để giúp xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến mà nước này đang thua cuộc, Kalinin không muốn mạo hiểm bị đưa ra tiền tuyến để giết người Ukraine.

Nhưng, không như hàng trăm ngàn người đàn ông khác, anh không muốn rời khỏi đất nước.

Ba điều khiến người đàn ông ở lại Nga là: bạn bè, khó khăn về tài chính và cảm giác không thoải mái khi từ bỏ những gì quen thuộc.

"Rời khỏi Nga là điều khó khăn khi bước ra khỏi vùng an toàn của tôi," Kalinin, người đang ở độ tuổi 30, nói với BBC. "Ở đây cũng không thực sự thoải mái nhưng tuy nhiên, về mặt tâm lý, sẽ rất khó để rời đi."

Vì vậy, anh đã làm một việc bất thường là nói lời tạm biệt với vợ và đi thẳng vào rừng, nơi anh đã sống trong một chiếc lều gần bốn tháng.

Anh sử dụng một ăng-ten buộc vào cây để truy cập internet và các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng.

Anh cũng đã phải chịu đựng nhiệt độ thấp tới -11C và tồn tại nhờ nguồn cung cấp thực phẩm do vợ thường xuyên mang đến.

Theo Kalinin, sống ngoài mạng lưới là cách tốt nhất mà anh có thể nghĩ ra để tránh bị gọi nhập ngũ. Nếu chính quyền không thể đích thân trao giấy triệu tập, anh ta không thể bị buộc phải tham chiến.

"Nếu họ không thể cầm tay và dẫn tôi đến văn phòng nhập ngũ, thì khả năng bảo vệ tôi khỏi việc huy động hoặc các hành vi quấy rối khác là 99%."

Theo một cách nào đó, Kalinin vẫn tiếp tục cuộc sống của mình như trước đây. Anh vẫn làm công việc cũ 8 tiếng một ngày, mặc dù với ánh sáng ban ngày hạn chế trong suốt mùa đông - anh không có đủ năng lượng mặt trời để làm việc cả ngày nên phải làm bù giờ vào cuối tuần.

Một số đồng nghiệp của anh ấy hiện đang ở Kazakhstan, cũng đã rời khỏi Nga sau khi lệnh huy động được đưa ra, nhưng kết nối internet của anh thông qua ăng-ten tầm xa được buộc vào cây thông đủ tin cậy để giúp việc liên lạc không phải là vấn đề.

Kalinin cũng là một người yêu thích hoạt động ngoài trời, anh đã dành nhiều kỳ nghỉ trước đó để cắm trại ở miền nam nước Nga cùng vợ. Khi quyết định chuyển hẳn đến sống ở nơi hoang dã, anh đã có sẵn nhiều thiết bị cần thiết.

Vợ anh, người đã đến thăm lều của Kalinin vài ngày trong dịp năm mới, đóng một vai trò quan trọng trong sự sống còn của anh. Cứ ba tuần một lần, cô ấy mang đồ tiếp tế đến một điểm giao hàng, nơi họ có thể gặp mặt trực tiếp trong thời gian ngắn. Sau đó, anh mang đồ tiếp tế đến một nơi an toàn mà cứ vài ngày anh lại đến để tích trữ. Anh nấu ăn bằng bếp củi tạm bợ.

"Tôi có yến mạch, kiều mạch, trà, cà phê, đường. Tất nhiên là không đủ trái cây và rau tươi, nhưng cũng không đến nỗi tệ," anh nói.

Ngôi nhà mới của Kalinin là một chiếc lều lớn dùng để câu cá trên mặt hồ băng. Khi mới vào rừng, anh dựng hai lều cách nhau năm phút đi bộ; một cái có kết nối internet là nơi làm việc, cái còn lại ở một nơi kín đáo hơn là chỗ ngủ.

Khi mùa đông đến và thời tiết trở nên lạnh hơn, anh đã gộp hai khu vực lại với nhau để sống và làm việc dưới một tấm bạt.

Gần đây, nhiệt độ giảm xuống -11 độ C, lạnh hơn anh dự đoán. Nhưng bây giờ ngày bắt đầu dài ra và tuyết bắt đầu tan, Kalinin dự định ở lại nơi anh đang ở.

Mặc dù chưa nhận được lệnh triệu tập, nhưng anh nói rằng tình hình liên tục thay đổi và anh lo sợ mình có thể nhận được lệnh triệu tập trong tương lai. Về mặt chính thức, những người làm IT như Kalinin được miễn trừ khỏi lệnh nhập ngũ, nhưng có rất nhiều báo cáo ở Nga về những miễn trừ tương tự đã bị phớt lờ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động quân dự bị vào ngày 21/9/2022, ngay sau cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở khu vực Kharkiv, giúp Ukraine này giành lại hàng ngàn km2 lãnh thổ từ quân đội Nga.

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng việc huy động là cần thiết để bảo vệ Nga chống lại phương Tây. Nhưng nhiều người trong nước đã phản đối, và khi hàng trăm ngàn người chạy trốn đã gây ra những cảnh hỗn loạn ở biên giới Nga.

Lệnh huy động có ảnh hưởng sâu sắc đến nước Nga. Cho đến lúc đó, nhiều người Nga vẫn có thể tiếp tục cuộc sống của họ như trước chiến tranh. Sự thật là một số thương hiệu phương Tây đã biến mất khỏi thị trường Nga và các lệnh trừng phạt khiến các giao dịch tài chính trở nên khó khăn hơn, nhưng tác động trực tiếp đến xã hội hầu như không đáng kể.

Việc huy động đã khiến chiến tranh ập đến trước cửa nhà của nhiều gia đình Nga. Đột nhiên, con trai, cha và anh em của họ được gọi ra tiền tuyến trong thời gian ngắn, thường với trang bị nghèo nàn và được đào tạo tối thiểu. Nếu trước đây xung đột có vẻ xa vời, thì bây giờ là gần như không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, các hành động biểu tình công khai là rất hiếm ở Nga - điều đã bị Ukraine và phương Tây chỉ trích. Nhưng Kalinin nói rằng mọi người đang sợ hãi về những gì có thể xảy ra với họ.

"Chúng tôi có một nhà nước toàn trị đã trở nên quá hùng mạnh. Trong sáu tháng qua, các luật lệ đã được đưa ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Nếu bây giờ một người lên tiếng phản đối chiến tranh, nhà nước sẽ truy nã họ."

Cuộc sống trong rừng của Kalinin đã khiến anh nổi tiếng ở một mức nhất định trên mạng, với 17.000 người theo dõi các cập nhật gần như hàng ngày của anh trên Telegram. Trên đó, anh đăng video và ảnh về môi trường xung quanh, thói quen hàng ngày của mình và cách tổ chức lều trại của anh ấy. Việc chặt gỗ chiếm phần lớn nội dung.

Kalinin tuyên bố không nhớ nhiều về cuộc sống trước đây của mình. Anh tự nhận là một người hướng nội, không ngại ở một mình, mặc dù anh ấy nhớ vợ và muốn gặp cô ấy thường xuyên hơn. Tuy nhiên, anh cũng chỉ ra rằng tình hình hiện tại của mình vẫn tốt hơn là bị đưa ra tiền tuyến hoặc vào tù.

"Tôi đã thay đổi rất nhiều, đến nỗi những thứ mà tôi có thể mong nhớ đã trở nên mờ nhạt," anh nói. "Những thứ trước đây có vẻ quan trọng không còn như vậy nữa. Có những người ở trong tình trạng tồi tệ hơn chúng tôi rất nhiều."

(Nguồn: BBC)

(Xem thêm:

=> Châu Á đón năm mới; Triển vọng kinh tế toàn cầu; Quả bom tiết kiệm 720 tỉ đô; Trung Đông thắng lớn; Cuộc bao vây Bakhmut ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang