Châu Á đón năm mới; Triển vọng kinh tế toàn cầu; Quả bom tiết kiệm 720 tỉ đô; Trung Đông thắng lớn; Cuộc bao vây Bakhmut

HÀNG TỈ NGƯỜI DÂN CHÂU Á ĐÓN NGÀY ĐẦU NĂM MỚI ÂM LỊCH

(Ảnh minh hoạ).

Hàng tỉ người dân châu Á và cộng đồng người châu Á khắp nơi sum họp gia đình, đi chùa, tham gia các hoạt động lễ hội để cầu an lành, may mắn trong ngày đầu năm mới Âm lịch 2023.

Tại Trung Quốc, vào đêm Giao thừa, hàng ngàn người xếp hàng kéo dài 1 km bên ngoài ngôi chùa Lama nổi tiếng ở Bắc Kinh, chờ đợi lượt vào cầu nguyện, mong một năm mới mạnh khoẻ cho người thân. Một cư dân Bắc Kinh nói rằng cô cầu mong mọi người khỏe mạnh trong năm mới.

Một người dân 57 tuổi họ Phương chia sẻ: "Tôi nghĩ làn sóng COVID-19 đã chấm dứt. Tôi không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng chồng và những người thân trong gia đình đều bị. Tôi vẫn nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tự bảo vệ bản thân".

Năm 2021, Ôn Húc (26 tuổi) không thể về quê nhà ở một quận nhỏ ở TP An Huy, vì những hạn chế COVID-19. Vì vậy, "năm nay vào đêm giao thừa, chú, dì và anh họ của tôi sẽ đến thăm chúng tôi từ một thị trấn gần đó. Chúng tôi sẽ có một bữa tối sum họp thịnh soạn cùng nhau, với các món ăn truyền thống của gia đình" – Ôn Húc nói.

Theo hãng tin Reuters, một số chuyên gia y tế dự đoán hơn một triệu người sẽ chết vì COVID-19 ở Trung Quốc trong năm nay, với công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh dự báo số ca tử vong do COVID có thể lên tới 36.000 người/ngày trong tuần này.

Khi hàng triệu lao động trở về quê ăn Tết Nguyên đán, các chuyên gia y tế đặc biệt lo ngại về những người sống ở vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc, nơi cơ sở y tế còn nghèo nàn so với những người ở đô thị giàu có.

Theo Nhân dân Nhật báo, khoảng 110 triệu lượt hành khách chọn đường sắt để di chuyển từ ngày 7 đến ngày 21-1, 15 ngày đầu tiên của đợt "Xuân vận" kéo dài 40 ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một ngày trước đêm Giao thừa, tổng cộng có 26,23 triệu lượt đi bằng đường cao tốc, tàu thủy và máy bay bằng một nửa so với mức trước đại dịch, nhưng tăng 50,8% so với năm ngoái.

Ở Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cho biết các đường cao tốc khắp nước chật cứng ô tô vào ngày 22-1, khi một số người về quê ăn Tết Nguyên đán, nhiều người quay trở về nhà sau chuyến thăm họ hàng từ mấy ngày trước.

Cơ quan Phát triển đường cao tốc Hàn Quốc (Korea Highway Corporation) ước tính số xe ô tô di chuyển trên đường phố trong ngày 22-1 vào khoảng 6,12 triệu. Trong đó, có khoảng 490.000 chiếc di chuyển ra khỏi thủ đô Seoul và 470.000 chiếc đi vào thủ đô.

Theo đài CNN, hòa cùng dòng người về quê, Stacy Liu (32 tuổi, sinh sống ở Đài Bắc) tranh thủ trở về quê nhà ở Đào Viên (phía Bắc Đài Loan - Trung Quốc) từ sớm, để dành thời gian cho gia đình và gặp gỡ những người bạn thời thơ ấu.

Trong khi đó, Indonesia vẫn coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1,2% dân số Indonesia, cũng là cộng đồng người gốc Hoa ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới. Do đó các hoạt động lễ hội để cầu an lành, may mắn trong ngày đầu năm mới ở nước này khá phong phú, rộn ràng.

(Nguồn: Người Lao Động)

WEF DAVOS: TRIỂN VỌNG KINH TẾ TOÀN CẦU TƯƠI SÁNG HƠN

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã thay đổi góc nhìn về triển vọng kinh tế năm 2023.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, đang trải qua bầu không khí sôi nổi hiếm có.

Cuộc họp hàng năm của giới tinh hoa kinh doanh, kinh tế và chính trị ở dãy núi Alps thường xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng. Song trong kỳ họp năm nay, nhiều chuyên gia và chính trị gia đã có tiếng nói chung.

Họ lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2023, dù trước đó từng dự đoán kinh tế thế giới sẽ đối mặt nhiều thách thức do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và tình trạng lạm phát giá năng lượng, thực phẩm.

Sự thay đổi này xuất phát từ ba tín hiệu tích cực.

Thứ nhất, quyết định chấm dứt chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng phục hồi ở một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ hai, châu Âu được dự đoán sẽ hưởng lợi từ quyết định giảm hơn 80% giá khí đốt tự nhiên bán buôn. Và cuối cùng, Đạo luật Giảm phát (IRA) của Mỹ cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho quá trình chuyển đổi xanh được dự báo tiếp thêm sức mạnh cho khu vực Bắc Mỹ.

Lạc quan

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy triển vọng công ty họ đã thay đổi so với vài tháng trước.

Trong phiên họp thảo luận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, Giám đốc điều hành Unilever Alan Jope cho biết công ty của ông đang “chuẩn bị cho thời kỳ chi tiêu trả thù” sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế kiểm dịch.

Vicki Hollub, Giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ Mỹ Occidental, cũng cho biết các khoản trợ cấp xanh trong IRA sẽ thúc đẩy đầu tư đáng kể vào kế hoạch giảm phát thải carbon dioxide, có lợi cho tăng trưởng và môi trường.

“Đây là một trong những dự luật có tính chuyển đổi nhất trên thế giới và nó sẽ là điểm khởi đầu cho rất nhiều thứ”, bà Hollub nhận định.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng có chung quan điểm. Christian Stitch, Giám đốc điều hành Deutsche Bank, ghi nhận một số dấu hiệu “lạc quan hơn đối với nền kinh tế”.

Theo Financial Times, châu Âu kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trong năm nay, thay vì suy thoái nghiêm trọng như hầu hết dự báo đưa ra chỉ vài tuần trước.

Giới chính trị và các tổ chức quốc tế cũng bắt kịp xu hướng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự đoán đất nước ông tránh được nguy cơ suy thoái trong năm nay, nhấn mạnh nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, theo Reuters.

Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), từng dự đoán tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn năm 2022. Tuy nhiên, Giám đốc Kristalina Georgieva đã thay đổi thông điệp. Bà nói rằng tình hình “sẽ không tệ như những gì chúng ta lo sợ vài tháng trước”, nhưng vẫn cần thận trọng, theo CNBC.

Ngay cả một số tiếng nói bi quan nhất cũng nhận thấy họ cần phải "nhẹ giọng" hơn. Ông Larry Summers, giáo sư tại trường Harvard Kennedy và là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt thời kỳ suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đến ngày 20/1, ông chia sẻ đã có thể “thở phào nhẹ nhõm”, viện dẫn giá năng lượng giảm, chủ nghĩa dân túy suy yếu, dấu hiệu lạm phát thấp hơn và việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp nhiều nền kinh tế thế giới tránh được nguy cơ suy thoái.

Duy trì hội nhập

Dù triển vọng kinh tế thế giới đã thay đổi theo hướng tích cực, các chuyên gia lo ngại mô hình chi tiêu mạnh mẽ hơn sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra.

Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Lael Brainard thúc giục các nước cần sớm có giải pháp về vấn đề lãi suất. Trong khi đó, bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhận định điều quan trọng hơn hết là “đi đúng hướng”.

Các chuyên gia lo ngại khi tỷ lệ lạm phát toàn phần giảm nhanh chóng, các biện pháp cốt lõi sẽ không theo kịp tốc độ và áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn lớn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng không hề “ngây thơ” về khả năng giảm lạm phát dài hạn của ngân hàng trung ương trong năm nay.

Ông Ziad Hindo, Giám đốc đầu tư của Ontario Teachers’ Pension Plan, cảnh báo sự phục hồi kinh tế có thể khiến giá cả tăng cao hơn.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu, song sự suy giảm (kinh tế) đáng kể vào năm 2022 là lý do lớn khiến giá hàng hóa giảm. Hiện (quốc gia này) đã trở lại và điều đó sẽ làm tăng áp lực lạm phát một lần nữa”, ông giải thích.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức tiến bộ cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng phát triển bền vững. Họ lo ngại trong một thế giới có nguy cơ bị chi phối bởi những cú sốc lớn, áp lực ngắn hạn có thể sẽ hạn chế quá trình chuyển đổi xanh và phục hồi chuỗi cung ứng.

Các nhân vật cấp cao cũng cảnh báo rằng với mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, sự rạn nứt dòng chảy thương mại toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế năm nay.

“Cách chúng ta xử lý vấn đề an ninh chuỗi cung ứng rất quan trọng. Nếu hoạt động thương mại - vốn là động lực tăng trưởng trong nhiều thập kỷ - bị gián đoạn, chi phí thiệt hại (có thể) lên tới 7% tổng GDP, tương đương 7.000 tỷ USD”, bà Georgieva cho biết.

“Hãy duy trì hội nhập kinh tế toàn cầu vì lợi ích của tất cả chúng ta”, bà nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

QUẢ BOM TIẾT KIỆM 720 TỶ USD CỦA TRUNG QUỐC SẼ MANG ĐẾN CÚ HUÝCH QUAN TRỌNG TOÀN CẦU?

(Ảnh minh hoạ).

Các hộ gia đình Trung Quốc có thể không hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ thất nghiệp thời kỳ đại dịch hoặc hỗ trợ giải cứu tại Nhật, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên họ cũng tiết kiệm rất nhiều.

Trong suốt khoảng thời gian đại dịch COVID-19, Trung Quốc không hề có các khoản chi trả trực tiếp cho người dân để giúp họ vượt qua khủng hoảng và các đợt phong tỏa giống như Mỹ và phần lớn các nước trong thế giới phát triển. Thay vào đó, giới chức Bắc Kinh lựa chọn tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp.

Có lẽ đây là một chiến lược khá khác biệt của Trung Quốc bởi trong suốt nhiều thập kỷ qua, sự tập trung của Trung Quốc vốn chủ yếu vào phía cung, hỗ trợ cho người chủ sử dụng lao động để họ có thể giữ chân người lao động đi làm, nhờ vậy góp phần vào ổn định và phát triển của xã hội.

Theo một số trường phái quan điểm, Trung Quốc sẽ không trải qua tình trạng tương tự như Mỹ, nơi mà lượng tiền hỗ trợ của liên bang quá nhiều đã giúp cho hàng triệu người Mỹ thoát khỏi đói nghèo, tuy nhiên cũng giúp có thêm 2 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm các hộ gia đình, chính vì vậy góp phần đẩy cao áp lực lạm phát.

Dù rằng điều này có vẻ như tốt cho Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings khẳng định thực sự cần phải thận trọng và thậm chí phải lo lắng về vấn đề này. Dựa trên lượng tiền người dân Trung Quốc gửi vào ngân hàng cũng như con số về thu nhập của người dân, các chuyên gia kinh tế tính toán rằng các hộ gia đình trên thực tế đã xây dựng được lượng tiết kiệm tương đương đến 720 tỷ USD.

“Những yếu tố này khiến người ta nghĩ đến khả năng sẽ có sự bùng nổ của nhu cầu từ Trung Quốc sau khoảng thời gian bị dồn nén và cũng bởi người dân có lượng tiết kiệm quá lớn. Tuy nhiên họ cũng cần phải cẩn thận với những gì mà họ mơ ước”, chuyên gia kinh tế thuộc Nomura nhấn mạnh.

Các hộ gia đình Trung Quốc có thể không hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ thất nghiệp thời kỳ đại dịch hoặc hỗ trợ giải cứu tại Nhật, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên họ cũng tiết kiệm rất nhiều, chuyên gia kinh tế thuộc Nomura Rob Subbaraman và Si Ying Toh viết trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 19/1/2022. Những người tiết kiệm có được động lực nhờ vào việc bất động sản Trung Quốc sụt giảm về giá trị và tình trạng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc tăng cao.

Trong năm ngoái tại Mỹ, tiêu dùng người dân vẫn tăng trưởng tốt dù rằng nước Mỹ trải qua quá trình siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong hơn 1 thập kỷ nhờ vào tiết kiệm tăng mạnh

Tại Mỹ, tiêu dùng người dân trong năm ngoái tăng trưởng mạnh dù rằng Mỹ áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong hơn 1 thập kỷ, nguyên nhân chính cũng bởi người dân Mỹ có quá nhiều tiền tiết kiệm.

Ngược lại tại Trung Quốc, quá trình mở cửa nền kinh tế diễn ra ở thời điểm mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đang nới lỏng chính sách, chính vì vậy áp lực lạm phát leo thang.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định sẽ có hai loại cú sốc lạm phát mà Trung Quốc sẽ tạo ra cho thế giới.

Thứ nhất là tác dụng tiêu cực lên chuỗi cung ứng bởi các biện pháp phong tỏa không bắt buộc tại Trung Quốc, nhiều nhà máy chật vật trong việc duy trì hoạt động bởi người lao động ở nhà.

Sau đó đến cú sốc nhu cầu khi mà người tiêu dùng Trung Quốc tăng cường chi tiêu “trả thù” và vì vậy đẩy tăng giá hàng hóa. Chi tiêu người dân tại Mỹ yếu đi đã có lúc kéo lùi giá hàng hóa, tuy nhiên cũng ở một số thời điểm, nhập khẩu Trung Quốc sẽ đẩy cao áp lực giá cả.

Và cũng không nên quên việc xuất khẩu nhu cầu của Trung Quốc, chủ yếu trong hình thức du lịch.

“Sau ba năm bị tách biệt khỏi thế giới, nhu cầu du lịch nước ngoài hiện đang tăng rất cao. Chúng tôi cho rằng du lịch ra nước ngoài của người Trung Quốc ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ hồi phục lên ngưỡng tương đương khoảng 75% so với trước đại dịch COVID-19”, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics – bà Sheana Yue nhận định.

(Nguồn: BizLive)

TRUNG ĐÔNG 'THẮNG LỚN' TRONG CUỘC CHIẾN NĂNG LƯỢNG NGA - EU

Các quốc gia Trung Đông có thể tăng cường vị thế của mình trên thị trường châu Âu, trong khi khu vực này vẫn có thể tận dụng nguồn nhiên liệu của Nga.

Trung Đông sẽ củng cố vị thế của mình trên thị trường năng lượng châu Âu khi lệnh cấm đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ của EU với Nga có hiệu lực vào ngày 5/2 tới, được hỗ trợ bởi các nhà máy lọc dầu mới với vị trí địa lý thuận lợi.

Châu Âu đã tăng cường dự trữ dầu diesel trước lệnh cấm trên, thậm chí tăng mua từ Moskva trước khi nguồn cung từ nhà cung cấp bên ngoài lớn nhất của họ bị cắt đứt, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu vốn là huyết mạch cho các ngành nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và vận tải của EU.

Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu thuộc ngân hàng Citigroup, nói: “Trung Đông hóa ra là một bên chiến thắng lớn trong việc thay thế nguyên liệu của Nga ở châu Âu và sau đó hưởng lợi nhiều hơn bằng cách nhập khẩu nguyên liệu của Nga”.

Các quốc gia vùng Vịnh đã đổi chỗ với Nga trên thị trường dầu thô, chuyển hướng bán hàng sang châu Âu, trong khi Moskva tập trung vào các khách hàng truyền thống của họ ở châu Á với mức giá chiết khấu.

Sự thay đổi của thương mại năng lượng toàn cầu là kết quả của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Vào ngày 5/12/2022, các quốc gia EU đã cấm dầu thô của Nga, cùng với các nước G7 đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Mặc dù châu Âu phần lớn đã xoay sở để loại bỏ dầu thô của Nga trước lệnh cấm, nhưng "Lực địa già" vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn dầu này cho các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga chiếm khoảng một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của châu Âu. Vào tháng 12 năm ngoái, EU và Anh đã mua 663.000 thùng dầu diesel mỗi ngày (bpd) của Nga - trong đó có khoảng 40% tổng số lô hàng vận chuyển bằng đường biển.

Xuất khẩu dầu thô của vùng Vịnh, cùng với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel, dầu nhiên liệu và nhiên liệu máy bay sang châu Âu đã tăng mạnh vào đầu năm 2023, khi EU tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

Trong 12 ngày đầu năm 2023, UAE đã xuất khẩu 133.000 thùng dầu/ngày và các sản phẩm liên quan sang châu Âu, phá kỷ lục hàng tháng cho tháng 1 kể từ năm 2017, theo dữ liệu được chia sẻ bởi Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu. Xuất khẩu 282.000 thùng/ngày của Saudi Arabia trong cùng khoảng thời gian đã vượt qua toàn bộ mức của tháng 1 kể từ năm 2019.

Bên cạnh đó, lệnh cấm dầu diesel cũng được đưa ra vào một thời điểm "tình cờ" đối với các quốc gia vùng Vịnh, khi họ chuẩn bị tung ra một loạt các nhà máy lọc dầu lớn mới.

Ông Morse cho biết Kuwait đặc biệt thuận lợi để tận dụng các lệnh cấm. Tiểu vương quốc này đang tăng cường sản xuất tại nhà máy lọc dầu al-Zour mới - một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới - có khả năng xử lý 615.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi hoạt động hết công suất. Vào tháng 11 năm ngoái, Kuwait đã xuất khẩu lô nhiên liệu máy bay đầu tiên từ địa điểm này.

“Họ đã sẵn sàng với công suất lọc dầu mới để bán dầu diesel sang châu Âu và tích cực chiếm lĩnh thị phần”, ông Morse nhận định.

Doanh số bán dầu diesel của Kuwait sang châu Âu trong 12 ngày đầu tháng 1 cho thấy các nhà sản xuất vùng Vịnh đã tận dụng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu để thúc đẩy xuất khẩu như thế nào. Theo Kpler, xuất khẩu dầu diesel hàng tháng từ Kuwait sang châu Âu ở mức 59.000 thùng/ngày tính đến ngày 12/1, gần gấp ba mức của cả tháng 1/2022 và cao hơn khoảng 900% so với tháng 1/2021.

Saudi Arabia cũng đang tăng cường năng lực nhà máy lọc dầu Jazan, dự kiến ​​sản xuất hơn 200.000 thùng dầu diesel mỗi ngày khi đạt công suất tối đa vào cuối năm nay. Nhà máy lọc dầu Duqm của Oman cũng dự kiến ​​​​khai trương vào cuối năm 2023.

Mặt khác, Trung Đông cũng có thể mua các sản phẩm dầu của Nga với giá rẻ và tái xuất chúng. Mùa Hè vừa qua, Saudi Arabia đã tích cực mua dầu nhiên liệu giá rẻ của Nga, sau đó cho phép dầu thô mà vương quốc này thường sử dụng cho nhu cầu trong nước - như chạy máy điều hòa không khí - được xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn.

Ai Cập, một nhà sản xuất năng lượng nhỏ hơn so với Saudi Arabia, cũng đã tham gia vào cuộc chơi. Cairo đã nhập khẩu nhiên liệu và dầu đốt của Nga ở mức kỷ lục vào năm ngoái, tái xuất khẩu phần lớn sang Saudi Arabia, nhưng cũng dành cho tiêu dùng ở trong nước để giải phóng khí đốt tự nhiên cho xuất khẩu.

Theo các quy định của EU, dầu thô của Nga phải được "biến đổi đáng kể" để được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Về mặt kỹ thuật, việc pha trộn dầu của Nga với một lô khác có thể không vi phạm lệnh cấm khi các nhà phân tích cho rằng các quy định không rõ ràng và trên thực tế, rất khó để truy xuất nguồn gốc của dầu diesel.

“Trên thực tế, nếu bạn pha chế dầu diesel của Nga với dầu của nước khác, thì nó không còn là của Nga nữa", Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler nhận xét.

Đồng quan điểm trên, Clay Seigle, Giám đốc dịch vụ dầu toàn cầu tại Rapidan Energy Group lưu ý các cơ quan quản lý phương Tây khó có thể theo dõi hoạt động như vậy vì mục đích của các biện pháp trừng phạt là hạn chế khả năng Moskva thu lợi nhuận từ việc bán xăng dầu trong khi vẫn duy trì nguồn cung của Nga trên thị trường.

Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng nguồn cung mới từ Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ phải tìm đến các nhà cung cấp nhiên liệu khác, như Mỹ và Ấn Độ, để lấp đầy "khoảng trống" do Nga để lại. Nhập khẩu dầu diesel từ Trung Đông vào châu Âu đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái ở mức 500.000 thùng/ngày, nhưng vẫn thấp hơn lượng nhập khẩu thường xuyên của lục địa này từ Nga.

Jay Maroo, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại công ty phân tích năng lượng Vortexa, nói: “Để Trung Đông thay thế hoàn toàn tất cả dầu diesel của Nga sang châu Âu, sẽ đòi hỏi một sự chuyển hướng lớn dòng xuất khẩu khỏi các nơi tiếp nhận dầu diesel Trung Đông khác, không thuộc châu Âu".

(Nguồn: Soha)

CUỘC BAO VÂY BAKHMUT ĐẪM MÁU GÂY RỦI RO CHO UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Ukraine đang đối mặt những lựa chọn khó khăn về việc quân đội nên tham gia sâu bao nhiêu cuộc tranh giành thị trấn Bakhmut đang bị bao vây, khi Kyiv chuẩn bị cho cuộc phản công mới ở những nơi khác, theo The Washington Post.

Theo một bài viết do tờ The Washington Post đăng ngày 15.1, Nga đã đẩy mạnh các cuộc tấn công trong khu vực xung quanh thị trấn Bakhmut thuộc miền đông Ukraine trong những ngày gần đây, mở ra các cuộc giao tranh tốn kém của trận chiến. Lính đánh thuê Nga và những người bị kết án đã được phóng thích từ công ty quân sự tư nhân Nga Wagner Group đã tiến vào thị trấn Soledar lân cận và tiến gần Bakhmut hơn.

“Khi chúng tôi tiêu diệt 5 trong số 10 binh sĩ của họ cùng một lúc, họ sẽ được bổ sung lại thành 10 người trong vài giờ. Dù chúng xông vào bằng các nhóm nhỏ, nhưng người thì được bổ sung liên tục, điều này tạo cơ hội cho chúng xông vào các vị trí rất thường xuyên, đôi khi 5, 6, 7 lần trong ngày”, ông Andriy Kryshchenko, phó chỉ huy tiểu đoàn của một đơn vị vệ binh quốc gia Ukraine đóng ở phía nam Bakhmut, cho hay.

Quân đội Ukraine cần quyết định…

Với tình trạng như thế, quân đội Ukraine hiện phải quyết định họ có thể sử dụng thêm bao nhiêu lực lượng cũng như bao nhiêu đạn dược và vũ khí để tiếp tục bảo vệ Bakhmut. Quyết định này cần được đưa ra khi các quan chức Ukraine cho hay họ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công mới trong những tháng tới để cố gắng giành lại nhiều lãnh thổ hơn từ lực lượng Nga. Thành công từ cuộc phản công sắp tới sẽ rất quan trọng để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thể hiện đà tiến quân liên tục trên chiến trường và duy trì sự ủng hộ trong nước và quốc tế trong cuộc chiến với Nga.

“Họ cần có các đơn vị chưa trải qua tác chiến mà họ đang trang bị và huấn luyện cho cuộc phản công sắp tới. Đây là lý do tại sao Bakhmut là một trận chiến mà tôi nghĩ là có lợi cho Ukraine, nhưng bây giờ có những câu hỏi về chi phí cuộc tranh giành về Bakhmut có thể cản trở chiến lược tổng thể của Ukraine cho mùa đông hoặc mùa xuân này ra sao”, ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự Nga tại tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ), nhận định.

Bắt đầu từ giữa năm 2022, lãnh đạo Wagner Group là ông Yevgeniy Prigozhin đã đặt mục tiêu đánh chiếm Bakhmut để cho Điện Kremlin thấy rằng không giống như quân đội Nga bị bao vây đang rút lui khỏi các vị trí, đội quân đánh thuê tư nhân của ông vẫn có khả năng chủ động và chiếm được lãnh thổ mới trên chiến trường, theo The Washington Post. Nhiều nhà phân tích quân sự xem động thái này là sự điên rồ về chiến lược, khi chứng kiến người Nga chịu tổn thất nghiêm trọng, lãng phí một lượng lớn quân chủ yếu là lính đánh thuê và cựu tù nhân, cũng như đạn dược và vũ khí cho việc theo đuổi một thị trấn có tương đối ít ý nghĩa về mặt chiến lược đối với cuộc chiến rộng lớn hơn.

“Biểu tượng chính trị của hai bên”

Trong nhiều tháng, người Ukraine dường như đã thành công trong việc gây ra sự tiêu hao cho lực lượng Nga về một mục tiêu đáng ngờ. Moscow đã tung hàng chục ngàn binh sĩ vào cuộc chiến, và đã mất hàng ngàn binh sĩ trong trận chiến giành Bakhmut, theo The Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, thị trấn từng là nơi sinh sống của 70.000 người này đã trở thành biểu tượng chính trị bổ sung của cả hai bên. Đối với phía Nga, việc giành được Bakhmut sẽ cho phép Moscow có được một chiến thắng rất cần thiết và khẳng định động lực trong một cuộc chiến mà lực lượng Nga chưa chiếm được một thành phố lớn nào kể từ mùa hè năm ngoái. Đối với phía Ukraine, Bakhmut đã được các quan chức xem là một “pháo đài” và là biểu tượng của một cuộc kháng chiến siêu phàm, khiến ngay cả một cuộc rút lui có tính toán cũng trở nên căng thẳng về mặt chính trị.

Ukraine đang chịu áp lực phải khởi động một cuộc phản công mới trong những tháng tới, và chống lại bất kỳ chiến dịch mới nào của lực lượng Nga được hỗ trợ bởi những binh sĩ mới được huy động, trong thời điểm mà sự tiêu hao đang thử thách nguồn chiến binh được huấn luyện và đạn dược còn lại của họ. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark A. Milley hồi tháng 11.2022 ước tính Nga và Ukraine mỗi bên đều có khoảng 100.000 binh sĩ của họ thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 24.2.2022. Số thương vong này cho thấy những thách thức từ một cuộc chiến tranh tiêu hao, theo The Washington Post.

"Bakhmut sẽ không thay đổi cuộc chiến"

Những sĩ quan quân sự hàng đầu của Ukraine thường nhấn mạnh rằng các chiến binh được huấn luyện là nguồn quý giá nhất trong kho vũ khí của Kyiv và họ luôn cố gắng vạch ra các chiến dịch để đảm bảo ít tổn thất nhất có thể. Tuy nhiên, Bakhmut đã trở thành một chiến trường ác liệt, khi Nga tung hàng ngàn chiến binh ra tiền tuyến, thử thách lực lượng Ukraine bằng hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác. Một chỉ huy người Ukraine từng chiến đấu trong Bakhmut gần đây mô tả “những tổn thất lớn” trong đơn vị của ông. Vị chỉ huy, không muốn tiết lộ danh tính, cho hay: “Chúng tôi đã mất nhiều bạn bè trong việc bảo vệ thị trấn này, nên chúng tôi không muốn đầu hàng bây giờ. Nhưng có lẽ việc rút quân tạm thời sẽ cứu được một số người của chúng tôi”, vị chỉ huy cho hay.

Ông Mason Clark, nhà phân tích cấp cao và là trưởng nhóm nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), cho hay ông sẽ ngạc nhiên nếu quân đội Ukraine cho phép lực lượng của họ ở Bakhmut chịu tổn thất đến mức có ảnh hưởng tới khả năng họ tiến hành một cuộc phản công ở những nơi khác.

Một quan chức Mỹ cũng cho rằng quân đội Ukraine nhận thức được sự cần thiết phải duy trì lực lượng cho một cuộc phản công sắp tới. “Họ vẫn đang chiến đấu, nhưng họ không chiến đấu với lực lượng có quy mô như ban đầu, vì họ cũng chia sẻ những lo ngại về tính bền vững ở đây”, vị quan chức nhận định.

Vị quan chức Mỹ nói trên cảnh báo không nên xem Bakhmut hoặc Soledar là những địa điểm phi chiến lược mà Kyiv có thể từ bỏ dễ dàng, lưu ý rằng các mỏ muối và thạch cao mang lại ý nghĩa kinh tế cho khu vực. Về mặt lý thuyết, người Nga có thể sử dụng các mỏ muối và đường hầm sâu để bảo vệ thiết bị và đạn dược khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine. “Ở một mức độ nào đó, Bakhmut quan trọng đối với [Ukraine] vì nó rất quan trọng đối với người Nga”, vị quan chức cấp cao Mỹ nhận định.

Mặt khác, vị quan chức Mỹ cho rằng việc kiểm soát Bakhmut sẽ không có tác động lớn đến cuộc xung đột hoặc gây nguy hiểm cho các lựa chọn phòng thủ hoặc tấn công của Ukraine ở vùng Donbass thuộc miền đông. "Bakhmut sẽ không thay đổi cuộc chiến", vị quan chức nhận định.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Tết Âm lịch khắp châu Á; 'Nền kinh tế lười' ở TQ; 'Át chủ bài' của Thổ; Nga siết vòng vây ở Donbass; Ukraine nhận thêm vũ khí ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang