Kinh tế toàn cầu 'nóng'; Nghịch lý ở Singapore; Giới trẻ HQ 'săn' vàng mini; Quyền được tiêm chủng; Ukraine lập 'phòng tuyến thép'

KINH TẾ THẾ GIỚI NÓNG THEO NHIỆT ĐỘ TOÀN CẦU

Biến đổi khí hậu làm tăng giá lương thực, lạm phát và những tác động này có thể sẽ khiến kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn trong tương lai.

Giá ca cao, nguyên liệu chính để làm sôcôla, ngày càng trở nên đắt đỏ và đã tăng vọt 136% trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2024. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng bất thường và khắc nghiệt hơn ở các đồn điền trồng ca cao quy mô lớn ở Tây Phi, nơi cung cấp phần lớn nguồn cung ca cao trên toàn thế giới.

Mùa vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ cho sản lượng ca cao thấp hơn 374.000 tấn so với thông thường. Đây là một con số giảm mạnh so với mùa trước, vốn đã thấp hơn 74.000 tấn so với mức bình quân.

Mặc dù sôcôla không phải là nhu yếu phẩm, nó vẫn là một mặt hàng quan trọng toàn cầu. Những tác động lan tỏa của việc thu hoạch ca cao kém sẽ rất đáng kể.

Ở các quốc gia nhiệt đới có tốc độ tăng dân số nhanh chóng, sự gián đoạn trong nông nghiệp do biến đổi khí hậu gây ra có thể làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, giảm khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Nhiệt độ tăng 1% so với năm trước được cho là sẽ làm tăng chi phí sản xuất lương thực khoảng 0,5 - 0,8% ở các nền kinh tế Đông Nam Á. Trong đó, các đợt nắng nóng cực độ ở Thái Lan và Việt Nam những năm gần đây khiến giá cả tăng vọt khoảng 5 - 6%.

Và đó chỉ là một những ví dụ về hiện tượng "heatflation", một từ mới do giới truyền thông đặt ra, kết hợp giữa "heat" - cái nóng và "inflation" - lạm phát.

Trời nóng, giá tăng

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Earth & Environment, biến đổi khí hậu có thể khiến giá thực phẩm tăng thêm 1,5 - 1,8 % hàng năm vào giữa thập kỷ tới. Dự kiến lạm phát chung sẽ tăng 0,8 - 0,9 % hàng năm tới năm 2035 do biến đổi khí hậu.

Trong ngắn hạn, những cú sốc giá bất thường cũng có thể xảy ra do tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng khắc nghiệt gia tăng. Các chuyên gia tính toán mức nhiệt độ trung bình tăng lên dự kiến vào năm 2035 có thể gây ra các đợt nắng nóng với tác động lên giá cả lớn hơn 30 - 50% so với đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2022.

Xa hơn trong tương lai, dự kiến đến năm 2060, lạm phát do biến đổi khí hậu sẽ làm tăng giá thực phẩm thêm 2,2 - 4,3 % hàng năm, tùy thuộc vào kịch bản phát thải, và đẩy lạm phát chung lên 1,1 đến 2,2 % mỗi năm.

Max Kotzm, tác giả của nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã so sánh dữ liệu giá cả hàng tháng của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ ở 121 quốc gia từ năm 1996 đến năm 2021, cùng với điều kiện thời tiết mà các nước đó phải đối mặt.

"Chúng tôi phát hiện lạm phát vì biến đổi khí hậu có thể cảm nhận rõ rệt ở những nơi vốn đã nóng nực, đặc biệt ở các nước nghèo và đang phát triển", Kotzm nói.

Đây không phải là nghiên cứu duy nhất liên quan đến biến đổi khí hậu và lạm phát. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cảnh báo biến đổi khí hậu đang diễn ra có thể gây ra những cú sốc lạm phát thường xuyên và có thể khiến chính phủ Ấn Độ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ngân hàng cho biết cả nhiệt độ trung bình tăng và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn đều có tác động lan tỏa đến nền kinh tế trong cả nước.

Nhà kinh tế Alla Semenova của Đại học Bắc Texas đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Toàn cầu hóa, trong đó tìm thấy bằng chứng tương tự cho thấy lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các sự kiện do biến đổi khí hậu gây ra - đặc biệt là các đợt nắng nóng, cháy rừng và bão dữ dội trở nên phổ biến hơn.

Tiết kiệm để "hạ nhiệt"

Trong khi đó, lãng phí thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính, gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và khiến giá thực phẩm gia tăng.

Theo một báo cáo lần đầu tiên định lượng khí thải nhà kính, thực phẩm bị bỏ đi tại các bãi rác sau khi phân hủy trở thành nguồn phát thải khí mê-tan ngày càng lớn ở Mỹ. Cắt giảm chất thải từ thực phẩm là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh này.

Bang California của Mỹ đã yêu cầu các siêu thị phải cho tặng, không vứt bỏ những thực phẩm không bán được nhưng vẫn có thể ăn được.

Tại Vương quốc Anh, một thiết bị được gọi là Winnow Vision giúp thu thập kết quả đo khối lượng các thùng đựng rác thải thực phẩm và thông tin từ nhân viên nhà bếp về loại thức ăn đã vứt bỏ. Sau đó, thuật toán phân tích dữ liệu tiến hành đánh giá lượng thực phẩm đã bị lãng phí, trên cả phương diện chi phí và tác động đối với môi trường.

Các cửa hàng tạp hóa tại London thậm chí ngừng dán nhãn "hạn sử dụng" trên trái cây và rau quả, nhằm gỡ rối cho câu hỏi "còn ăn được không?".

Tại Australia, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (CSIRO) đã thử nghiệm thành công biến súp lơ và bông cải xanh bỏ đi thành thuốc bổ. Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí như hiện nay.

Pháp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”, nơi các chủ nhà hàng để món ăn còn thừa hay những thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau quả hay đồ hộp không bán hết cho ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng.

Mô hình này không những làm giảm lãng phí thực phẩm mà còn chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là giúp đỡ những người khó khăn để có những bữa ăn đầy đủ hơn.

Trong khi đó ở châu Á, ngành nông nghiệp thực phẩm là nguồn phát thải carbon khổng lồm nhưng tin vui là khu vực có khả năng cắt giảm 12% lượng khí thải vào năm 2030.

Trong nhiều nỗ lực, các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng cải thiện hệ thống quản lý rác thực phẩm và làm cho nó trở nên thân thiện hơn với môi trường.

SOS, một tổ chức giải cứu lương thực đầu tiên ở Thái Lan, đặt mục tiêu phân phối 25 triệu bữa ăn vào năm 2025 bằng cách tăng cường hoạt động và năng lực qua việc thành lập một ngân hàng thực phẩm và các điểm phân phối trên khắp Thái Lan.

Đại học Quốc gia Singapore đang khám phá tiềm năng biến chất thải thực phẩm thành nguồn điện, đặc biệt là khi tình trạng lãng phí thực phẩm là không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất.

Ở Việt Nam, Liên hiệp quốc đã đề xuất việc triển khai kiểm toán năng lượng, để giúp các nhà sản xuất xác định tiềm năng tiết kiệm điện.

NGHỊCH LÝ HẠNH PHÚC Ở SINGAPORE

Hai năm lại đây, Singapore liên tục lọt vào danh sách quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Tuy nhiên, giới trẻ ở đảo quốc sư tử này đang kém hạnh phúc. Thanh niên Singapore được chẩn đoán mắc chứng lo âu và trầm cảm cao gấp 3 lần và chi tiêu phúc lợi công ty cho việc trị liệu cao gấp 5 lần.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ y tế Telus Health với trên 1.000 thanh niên Singapore. Bà Paula Allen, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và hiểu biết khách hàng tại Telus Health lưu ý rằng, những căng thẳng về tinh thần thường thấy ở những người trẻ tuổi. Xu hướng này có thể phản ánh một thế hệ người lao động kém hạnh phúc hơn tại đảo quốc sư tử. Cũng theo nghiên cứu này, người lao động ở đây mất ít nhất 60 ngày làm việc mỗi năm vì lo lắng, trầm cảm hoặc mất ngủ.

Những khó khăn về việc làm và tài chính là một trong những nguyên nhân chính làm giới trẻ Singapore không hạnh phúc. Tiền bạc là gốc rễ của nhiều vấn đề khiến người Singapore căng thẳng. Áp lực về công việc để kiếm tiền dễ làm họ rơi vào trạng thái tức giận, có đến 3/4 số người được hỏi nói rằng công việc đối với họ không mang ý nghĩa gì hơn ngoài công cụ kiếm sống. Ngay cả những vấn đề trong đời sống cá nhân của họ cũng xuất phát từ công việc. Ngày càng có nhiều người trẻ ở quốc đảo sư tử độc thân, nhiều người muốn hẹn hò nhưng không có thời gian vì bận rộn cho công việc.

Trên thực tế thu nhập trung bình ở quốc gia này đang tăng nhanh hơn mức lạm phát. Cục Thống kê Singapore vừa công bố thu nhập trung bình của hộ gia đình ở nước này đã tăng từ 9.189 USD vào năm 2020 lên 9.520 USD năm 2021. Với số liệu này, người dân đáng ra cảm thấy thoải mái hơn trong chi tiêu khi có mức thu nhập tốt hơn, thế nhưng thay vào đó họ lại cảm thấy chán nản và “ngày càng nghèo”.

Các chuyên gia đã chỉ ra các phát hiện tâm lý giải thích lý do thu nhập giới trẻ Singapore tăng nhưng họ không hề hạnh phúc hơn so với trước. Đầu tiên, số tiền mặt trong tài khoản ngân hàng ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của một người nhiều hơn so với tài sản ròng mà họ sở hữu. Tiếp đến là giá nhà thuê quá cao, khiến nhiều người trẻ chỉ chuyển khỏi nhà của cha mẹ khi đã đủ năng lực mua bất động sản riêng. Nhiều người có thể vay nợ để mua một bất động sản triệu đô, đồng nghĩa số dư tài khoản có thể ảnh hưởng bởi nó.

Cuối cùng là văn hóa Singapore rất coi trọng vật chất, có nghĩa mọi người có xu hướng chi tiền cho những món đồ hào nhoáng và đắt đỏ. Phải làm việc quá nhiều với áp lực lớn càng làm trầm trọng hơn chứng nghiện mua sắm của người dân quốc đảo sư tử. Mua đồ là cách nhanh chóng và dễ dàng để “tận hưởng cuộc sống” khi họ có quá ít thời gian rảnh rỗi.

Trong một báo cáo riêng vào tháng 3 năm nay, Telus Health nhận thấy 55% công nhân địa phương thiếu các mối quan hệ đáng tin cậy ở nơi làm việc. Nó khiến họ cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Những người lao động dưới 40 tuổi có nguy cơ cảm thấy như vậy cao hơn 50% so với những người từ 50 tuổi trở lên. Những người này cũng thường cảm thấy không có ai đủ tin tưởng để sống đúng với con người thật của mình. Khoảng 45% công nhân không nghĩ như vậy, hoặc không chắc chắn liệu họ có thể lên tiếng về những khó khăn của mình mà không bị trả thù hay sỉ nhục.

Anthea Ong, người sáng lập WorkWell Leaders, tổ chức từ thiện khuyến khích các nhà lãnh đạo nâng cao sức khỏe tinh thần cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có cả một thế hệ bước vào lực lượng lao động với cái nhìn ảm đạm hơn trong mọi thước đo về hạnh phúc. Giới trẻ ngày nay đang trải qua thời kỳ bất ổn, bất an và đau khổ kéo dài, được đánh dấu bởi đại dịch, gián đoạn kinh tế và xung đột toàn cầu”.

Bà Anthea Ong nói thêm rằng, vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi những người trẻ tuổi đánh giá, so sánh thành công của họ so với hàng triệu người khác trong những bối cảnh rất khác nhau trên mạng xã hội.

CƠN SỐT MUA VÀNG MINI CỦA GIỚI TRẺ HÀN QUỐC

Loại vàng nặng 1 gram đang bán chạy tại Hàn Quốc, khi giá kim loại quý tại đây lập đỉnh mới vào tuần trước.

Trong góc một cửa hàng tiện lợi GS25 ở quận Gangnam (Seoul, Hàn Quốc) hôm 15/4, Oh - một nhân viên văn phòng 28 tuổi - chọn mua vàng từ chiếc máy tự động. Sau quá trình xác minh và thanh toán nhanh chóng, một miếng vàng nhỏ kích thước bằng móng tay được máy nhả ra.

Chiếc máy này có nhiều lựa chọn, từ 0,5 gram (0,02 ounce), 3,75 gram đến 11,25 gram. Tuy nhiên, Oh chọn mua 1 gram. Số vàng này có giá 160.000 won (116 USD).

"Tôi thường mua 3,75 gram mỗi tháng. Nhưng lần này chỉ mua loại 1 gram vì giá đang tăng vọt. Mua ở đây tiện hơn, không phải ra cửa hàng trang sức", Oh nói.

Oh là một trong rất nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chuyển sang đầu tư vàng, khi khối lượng giao dịch và giá kim loại quý đều lập đỉnh.

Lạm phát cao dai dẳng và xung đột leo thang tại Trung Đông khiến nhà đầu tư Hàn Quốc đổ xô mua công cụ trú ẩn. Những người ít tiền như Oh cũng tham gia làn sóng này, dù chỉ mua những miếng vàng nhỏ.

Giá vàng tại Hàn Quốc hôm 20/4 lên kỷ lục 456.000 won với mỗi 3,75 gram, theo Sàn giao dịch Vàng Hàn Quốc. Hôm 21/4, kim loại quý lùi về 448.000 won. Dù vậy, tính chung từ đầu năm, giá tại đây tăng hơn 20%.

Khối lượng giao dịch cũng tăng, đạt 16,5 tỷ won trong 19 ngày đầu tháng 4. Đây là mức cao nhất 10 năm qua.

Một nguyên nhân khác khiến giá tăng vọt là nhà đầu tư trẻ ngày càng coi kim loại quý là công cụ trú ẩn an toàn. Họ chủ yếu mua loại 1-3,75 gram qua kênh trực tuyến hoặc từ các máy bán hàng tự động trong cửa hàng tiện lợi.

Theo Công ty In ấn và Đúc tiền Hàn Quốc, doanh số bán loại 1 gram trở xuống tăng 68% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

"Phần lớn khách hàng dùng máy bán vàng tự động ở độ tuổi 20-30, chiếm 52% số người mua", người phát ngôn của GS25 cho biết.

CU - một chuỗi cửa hàng tiện lợi khác - cũng bán vàng kích cỡ nhỏ. Từ khi mở bán ngày 1/4, họ tiêu thụ 42% số vàng trong 15 ngày. Loại 1 gram cháy hàng sau 2 ngày.

Các sản phẩm khác nhắm vào giới trẻ cũng hút khách. Thương hiệu trang sức Soo&Jin Gold bán trực tuyến "hạt đậu vàng nguyên chất" nặng 1 gram. 12.000 sản phẩm được bán ra kể từ tháng 4/2023 đến nay.

"Những người trong độ tuổi 20 chiếm 20% khách hàng của chúng tôi", người phát ngôn của Soo&Jin Gold cho biết.

Lee Eun-hee - Giáo sư Khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha nhận định việc gom mua vàng loại 1 gram sẽ không giúp người trẻ giàu ngay. Tuy nhiên, xu hướng này cho thấy thế hệ trẻ phản ứng với biến động thị trường theo cách vừa với túi tiền của họ.

Trên thế giới, kim loại quý liên tiếp lập đỉnh 2 tháng. Hồi đầu tháng, căng thẳng địa chính trị và lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương có thời điểm kéo mặt hàng này lên kỷ lục 2.431 USD một ounce.

Vài phiên gần đây, thị trường hạ nhiệt. Tuy vậy, tính từ đầu năm, kim loại quý tăng gần 20%.

QUYỀN ĐƯỢC TIÊM VACCINE

Hơn 13 triệu cái chết đã được ngăn chặn, tỷ lệ tử vong ở trẻ em trên thế giới đã giảm một nửa kể từ khi Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu GAVI ra đời năm 2000 để khuyến khích tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng ở các nước nghèo nhất.

Có thể khẳng định vaccine là một trong những thành tựu y học vĩ đại của nhân loại và được công nhận là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công nhất trên toàn cầu. Tiêm chủng có thể giúp trẻ nhỏ và người trưởng thành phòng hơn 20 tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Vaccine hiện có thể ngăn ngừa từ 3,5-5 triệu ca tử vong/năm do các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, sởi. Các chiến dịch tiêm chủng đã giúp thế giới xóa sổ bệnh đậu mùa và gần như miễn nhiễm với bệnh bại liệt, cũng như đảm bảo trẻ em phát triển khỏe mạnh. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của vaccine trong việc tạo miễn dịch cộng đồng, khiến số ca mắc và tử vong giảm rõ rệt.

Vaccine không chỉ là “lá chắn” đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh ở mỗi cá nhân, mà còn ngăn virus/vi khuẩn lây lan trong cộng đồng. Khi đa số người dân được tiêm phòng bệnh, sẽ giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, góp phần bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương không thể tiêm vaccine vì yếu tố tuổi tác hay các bệnh lý khác.

Các chương trình tiêm chủng còn đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể nhờ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, cũng như chi phí điều trị bệnh và đảm bảo năng suất lao động do không bị ốm đau. Đầu tư cho tiêm chủng đem lại lợi ích to lớn khi cải thiện sức khỏe và giảm gánh nặng bệnh tật. Hoạt động tiêm chủng là một thành tố quan trọng của an ninh y tế toàn cầu, bởi giúp các nước tăng khả năng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh và đại dịch.

Tuy nhiên, tiến độ tiêm vaccine những năm gần đây có chiều hướng giảm, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Thống kê cho thấy trong thời gian đại dịch, 67 triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi vaccine cần thiết để phòng những căn bệnh có thể gây tử vong hoặc tàn tật, trong đó châu Phi là 31 triệu trẻ và châu Á là 23 triệu trẻ. Năm 2022 có thêm khoảng 4 triệu trẻ em được tiêm vaccine trên thế giới so với năm 2021, nhưng vẫn có 20 triệu em bỏ lỡ một hoặc nhiều mũi vaccine định kỳ và có tới 14 triệu trẻ không được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. Cũng năm 2022, gần 33 triệu trẻ em đã mắc sởi và khoảng 136.000 người, đa phần là trẻ em, đã tử vong vì căn bệnh này. Xung đột gia tăng, kinh tế sụt giảm, tâm lý do dự tiêm vaccine tăng là những yếu tố đe dọa công tác tiêm phòng cho trẻ em. Hậu quả là thế giới đang chứng kiến các bệnh tưởng chừng đã được kiểm soát, như bệnh bạch hầu và bệnh sởi, bất ngờ bùng phát trở lại. Dù tỷ lệ tiêm vaccine cao với 80% số trẻ em đã được tiêm phòng, nhưng các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề này.

Tháng 9 năm ngoái, trong khuôn khổ Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã thúc đẩy sáng kiến tổ chức tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng. Chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vaccine, tiêm chủng là yếu tố quyết định đưa Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 gần 100%, là một trong những nước đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ sinh mạng của người dân, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch. Quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho tầm quan trọng của tiêm chủng và của vaccine trong việc giảm thiểu bất bình đẳng về y tế, cải thiện kết quả giáo dục và việc thụ hưởng các quyền khác của con người.

Năm nay, Tuần lễ Tiêm chủng thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động diễn ra từ ngày 24-30/4 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, qua đó kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và chính phủ đoàn kết để thúc đẩy việc sử dụng vaccine rộng rãi, bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Với chủ đề "Humanly Possible" (tạm dịch “Con người có thể”), chiến dịch đưa ra một thông điệp khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng giúp mọi người được hưởng lợi từ “sức mạnh” bảo vệ của vaccine.

Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Khi bắt đầu thực hiện năm 1974, công tác tiêm chủng mở rộng chú trọng phòng 6 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em, tới nay số vaccine phổ biến được khuyến cáo tiêm tăng lên 13 trong khi 17 vaccine được lưu ý tiêm tùy theo từng trường hợp.

WHO đang phối hợp với chính phủ các nước và đối tác nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu, trong đó có Kế hoạch Tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030 (IA2030), coi tiêm chủng là yếu tố đóng góp chủ chốt vào quyền cơ bản của con người. Bảo đảm tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, cũng chính là bảo đảm quyền con người được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể, chính là đầu tư vào tương lai, tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh hơn, thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

NGA TẤN CÔNG Ồ ẠT, UKRAINE CĂNG MÌNH LẬP PHÒNG TUYẾN THÉP

Sau khi thất bại trong cuộc phản công vào mùa Hè năm 2023 và trải qua một mùa đông khắc nghiệt đối phó với các cuộc tấn công của Nga, quân đội Ukraine dường như đã kiệt sức và phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Chính phủ Ukraine đã ký ban hành luật về động viên nhập ngũ để bổ sung binh sỹ và các nước châu Âu cũng cam kết cung cấp thêm phương tiện chiến đấu, tên lửa cùng các trang thiết bị vật tư cần thiết khác. Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết vào ngày 20/4 trong bối cảnh Hạ viện Mỹ phê chuẩn gói hỗ trợ quân sự trị giá hơn 60 tỷ USD để cung cấp thêm vũ khí cho nỗ lực chiến đấu của nước này. Nhưng điều Ukraine thực sự cần hiện giờ là thời gian.

Việc huấn luyện các đơn vị mới sẽ mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng, còn trang thiết bị của châu Âu sẽ được cung cấp dần trong suốt cả năm. Các nhà phân tích tin rằng, Ukraine khó có thể bắt đầu một cuộc phản công lớn trong năm nay, thay vào đó, họ cần dành thời gian để tái thiết các lực lượng. Tuy vậy, Kiev vẫn cần cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và ngăn Moscow đạt được những bước đột phá toàn diện từ những tiến bộ nhỏ trên chiến trường. Đó là lý do, quân đội Ukraine nỗ lực xây dựng các tuyến phòng thủ phức tạp và đầy tham vọng.

Chính phủ Ukraine đã phân bổ khoảng 800 triệu USD để xây dựng công sự dọc theo 1.000km tiền tuyến trong năm nay và quá trình xây dựng đang được tiến hành rất tích cực. Biện pháp phòng thủ này chỉ là một phần nhỏ trong các biện pháp mà Ukraine đã và đang thực hiện.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh và nhiều thông tin tình báo, các nhà phân tích quân sự Mỹ tại Wiesbaden, Đức đã hợp tác chặt chẽ với các sỹ quan liên lạc của Ukraine xác định những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của nước này để tìm cách khắc phục. Kể từ đầu năm đến nay, Ukraine đã xây dựng các tuyến phòng thủ dọc 2 khu vực Kherson, Zaporizhzhia ở phía Nam và Avdiivka ở phía Đông.

Quân đội Ukraine mong muốn ngăn chặn Nga lặp lại thành công tương tự như những gì xảy ra tại Avdiivka vào tháng 2/2023. Nga đã chiếm giữ Avdiivka sau khi phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine và tiếp tục tiến về phía Tây. Một số quan chức Ukraine nói rằng, để xây dựng tuyến phòng thủ nhiều lớp, Ukraine phải mất đến nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Nhưng Tướng Christopher G. Cavoli, Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ vẫn bày tỏ sự lạc quan vào nỗ lực của Kiev. “Tôi cho rằng hệ thống phòng thủ của họ rất mạnh mẽ. Với sự hỗ trợ liên tục, họ sẽ ở vị thế tốt”, ông Cavoli đánh giá.

Thách thức lớn đối với Ukraine

Nhưng trên thực địa, điều đó không hề dễ dàng.

Ở vùng ngoại ô của thị trấn Chasiv Yar đang bị bao vây, quân đội Ukraine cố gắng bám trụ xung quanh một kênh đào. Một chỉ huy của Ukraine cho biết, hệ thống phòng thủ của họ tại đây rất yếu và lẽ ra nó phải được gia cố bằng bê tông từ nhiều tháng trước. Hiện giờ, Nga đang tiến gần đến các tuyến đường trong thị trấn.

Hệ thống phòng thủ ở miền Đông Ukraine khác biệt rất nhiều so với hệ thống phòng thủ ở miền Nam. Ở miền Đông có rất nhiều công trình nhằm bảo vệ các khu vực đô thị nằm trong tầm ngắm của Nga. Một trong số đó là thành phố Kurakhove. Thành phố này nằm trên con đường chính cách Marinka 16km về phía Đông Bắc – nơi Nga từng cố gắng giành quyền kiểm soát vào năm 2014.

Marinka đã thất thủ vào cuối năm 2023. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Ukraine đang nỗ lực bảo vệ Kurakhove. Nỗ lực này cho thấy Ukraine đang hướng các nguồn lực vào những khu vực có khả năng phòng thủ tốt nhất, với ý tưởng thực hiện những bước tiến mới trên bộ với cái giá phải trả ở mức thấp nhất.

Các quan chức Ukraine cho biết, lực lượng phòng thủ nước này đã áp dụng một chiến lược xuyên suốt phần lớn chiến tuyến, trong đó, khiến Nga mất cảnh giác bằng các cuộc tấn công nhỏ và tìm cách khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của họ. Trong bối cảnh cuộc xung đột đang rơi vào bế tắc, khi các bãi mìn và công sự cản trở việc tấn công, cả Nga và Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến phòng thủ kiên cố bao gồm các rãnh hoặc hào sâu được gia cố bằng xi măng, phía trên được ngụy trang và bên trong có nhiều khu sinh hoạt dành cho binh sỹ. Để xây dựng những công trình kiên cố này, các bên cần rất nhiều nhân lực.

Vẫn chưa rõ Ukraine có thể đáp ứng được nhu cầu về xây dựng phòng tuyến hay không khi quân đội nước này ngày càng thiếu hụt do tình trạng thương vong tăng cao.

James Rands, nhà phân tích quân sự của công ty tình báo quốc phòng Janes ở London, đánh giá hệ thống phòng thủ mà Ukraine xây dựng trong các cuộc xung đột trước đó với Nga rất khác biệt. Tại Donbass, các boongke của Ukraine rất khô ráo và được bảo vệ bằng mái che phía trên, có phương tiện chống cháy và chống tên lửa đạn đạo. Nhiều chiến hào đã được gia cố.

Hiện giờ, trong bối cảnh Nga tiến hành các cuộc tấn công dữ dội, Ukraine nhiều khả năng sẽ không thể xây dựng được những chiến hào như vậy.

“Các vị trí mà Ukraine đã giành được từ tay Nga không được bảo vệ với những chiến hào như vậy. Ukraine hiện cần xây dựng một loạt vị trí phòng thủ trong khi giao tranh và điều này rất khó khăn”, ông James Rands lưu ý.

Nguồn: CafeF; Báo Văn Hóa; Vnexpress; Báo Tin Tức; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang