Thủy điện TQ ngóng mưa; Vũ khí bí mật của TQ; Khủng bố đẫm máu ở Nga; 'Nghĩa địa ngoài trời'; Cuộc chiến băng đảng ở Haiti

THỦY ĐIỆN TRUNG QUỐC NGÓNG MƯA

Sản lượng thủy điện Trung Quốc về cơ bản không thay đổi trong 3 năm qua dù đã đưa vào vận hành một số nhà máy thủy điện lớn mới.

Điều này là do hạn hán kéo dài làm giảm mạnh dòng chảy của các con sông ở phía tây nam Trung Quốc, Reuters cho hay.

Kể từ khi hạn hán bắt đầu giữa năm 2022, Trung Quốc buộc phải quay trở lại sử dụng than để đáp ứng nhu cầu điện trong bối cảnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ góp một phần để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), công suất thủy điện lắp đặt tăng 18% từ mức 358 triệu kW vào cuối năm 2019 lên 422 triệu kW vào cuối năm 2023.

Phần lớn lượng mưa hàng năm của khu vực tây nam Trung Quốc là từ tháng 6 đến tháng 8 trong mùa mưa của Đông Á. Lượng mưa xuân nhỏ hơn cũng ghi nhận từ tháng 3 đến tháng 5. Mùa thu và mùa đông ở khu vực này của Trung Quốc thường rất khô.

Tuy nhiên, lượng điện tạo ra từ thủy điện lại giảm 1% từ mức 1,153 tỉ kWh năm 2019 xuống còn 1,141 tỉ kWh vào năm 2023.

Dựa trên xu hướng trước đó, so với sản lượng điện trong điều kiện sông bình thường và tính tới công suất bổ sung, trong năm 2023, hạn hán làm sản lượng điện của Trung Quốc giảm khoảng 190 tỉ kWh (-14%).

Hầu hết sản lượng thủy điện của Trung Quốc được sản xuất từ chuỗi đập thủy điện bậc thang khổng lồ cùng các nhà máy điện nằm trên sông Dương Tử và các phụ lưu dẫn nước đến cao nguyên Tây Tạng và các khu vực khác ở phía tây nam Trung Quốc.

Trong tổng sản lượng thủy điện của Trung Quốc năm 2020, chỉ riêng các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam đã chiếm 48%. Nếu tính cả tỉnh Hồ Bắc, nơi có đập Tam Hiệp khổng lồ, thì tỉ lệ phát điện đạt 60%.

Khi tính cả các khu vực khác ở phía tây nam, nơi có sông Dương Tử và các sông nhỏ hơn, bao gồm Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông và Trùng Khánh, tỉ lệ lên tới 75%.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, hầu khắp khu vực này đã chịu ảnh hưởng của hạn hán khiến dòng chảy của các con sông giảm mạnh.

Ở khắp Tây Tạng cùng một số khu vực thuộc Tứ Xuyên và Vân Nam, lượng mưa thấp hơn mức trung bình từ 50% trở lên kể từ giữa năm 2022.

Thành phố Nghi Tân ở giữa Tứ Xuyên và Vân Nam chỉ có lượng mưa 663mm năm 2023 và 1.024mm năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 1.225mm mỗi năm trong giai đoạn 2014-2021.

Trung Quốc thu thập dữ liệu rộng rãi về lượng mưa, dòng chảy sông và lượng nước chứa tại các đập thủy điện và thủy lợi của nước này.

Một số dấu hiệu về tác động ban đầu của hạn hán có thể lấy từ Niên giám Thống kê Trung Quốc do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc xuất bản.

Tài nguyên nước trên bề mặt khắp Trung Quốc được đánh giá là 2,60 nghìn tỉ mét khối vào năm 2022, năm gần nhất sẵn có dữ liệu.

Tài nguyên nước trên bề mặt thấp hơn 7% so với mức trung bình 10 năm trong giai đoạn 2012-2021 và là mức thấp nhất kể từ đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2011. Đợt hạn hán hiện tại có khả năng cắt giảm tài nguyên nước trên bề mặt hơn nữa trong năm 2023.

Lưu ý, dữ liệu về nước trên bề mặt nói trên là của cả nước nói chung và tình trạng khan hiếm nước ở phía tây nam Trung Quốc gần như chắc chắn nghiêm trọng hơn nhiều.

So với năm 2020, tài nguyên nước trên bề mặt của Tây Tạng đã giảm 10% vào năm 2022, trong khi Tứ Xuyên giảm 32%.

Khu vực tây nam Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, chờ mưa xuân và mưa mùa hè. Hiện mực nước sông vẫn ở mức thấp.

Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài trong mùa hè thứ 3 liên tiếp, sản lượng thủy điện Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng đốt than trong năm nay, Reuters nhận định.

VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA TRUNG QUỐC KHIẾN THẾ GIỚI 'KHÓC THÉT': CÓ THỂ GIẢM 50% GIÁ BÁN BUÔN PIN MẶT TRỜI, BÁN ĐƯỢC NHIỀU HƠN CẢ MỸ, KHIẾN CHÂU ÂU HỐI HẬN VÌ ĐÃ LÀM 1 VIỆC

Những tấm pin mặt trời siêu rẻ của Trung Quốc khiến thế giới ‘khóc thét’.

Trung Quốc đã cho cả thế giới thấy toàn bộ sức mạnh của mình trong ngành năng lượng mặt trời khi lắp đặt nhiều tấm pin hơn cả Mỹ hồi năm ngoái. Giá bán buôn giảm gần 1 nửa, trong khi hoạt động xuất khẩu tăng 38%.

Tại phiên họp thường niên trước đó, Thủ tướng Li Qiang (Lý Cường) khẳng định Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng trang trại sử dụng năng lượng mặt trời cũng như các dự án điện gió và thủy điện. Việc tăng cường chi tiêu cho năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, chính là nền tảng cho quyết định cược lớn vào công nghệ mới nổi. Các nhà lãnh đạo cho biết “bộ ba công nghiệp mới” – tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin lithium – đã thay thế “bộ ba cũ” là quần áo, đồ nội thất và thiết bị.

Theo The New York Times, năng lượng mặt trời là phần mới nhất trong chương trình kéo dài 2 thập kỷ nhằm giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra rất nhiều các khoản trợ cấp, bao gồm phần lớn chi phí sản xuất các tấm pin mặt trời và một phần chi phí lắp đặt.

Trong khi đó, tại châu Âu, các quan chức cay đắng nhận ra rằng cách đây chục năm, Trung Quốc đã trợ cấp cho các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời trong khi chính phủ EU lại ủng hộ việc mua sản phẩm được sản xuất ở bất cứ đâu. Điều đó dẫn đến sự bùng nổ trong hoạt động mua hàng của người tiêu dùng từ Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại cho ngành năng lượng mặt trời châu Âu. Làn sóng phá sản quét qua ngành công nghiệp cũng khiến lục địa này phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm của Trung Quốc.

“Các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của chúng tôi. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị đẩy ra ngoài bởi các đối thủ cạnh tranh được trợ cấp mạnh mẽ từ Trung Quốc”, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết.

Được biết, lợi thế về chi phí của Trung Quốc là rất lớn. Một đơn vị nghiên cứu của Ủy ban châu Âu trong một báo cáo hồi tháng 1 cho biết các công ty Trung Quốc có thể sản xuất tấm pin mặt trời với công suất phát điện từ 16 đến 18,9 cent/watt. Trong khi đó, các công ty châu Âu tốn 24,3-30 cent/watt còn các công ty Mỹ mất khoảng 28 cent.

Ngoài ra, Trung Quốc cấp đất cho các nhà máy sản xuất pin mặt trời với giá thấp hơn thị trường. Phía ngân hàng quốc doanh cũng cho vay rất nhiều với lãi suất thấp dù một số công ty năng lượng mặt trời thua lỗ và phá sản.

Giá điện thấp ở Trung Quốc tạo ra sự khác biệt lớn. Than cung cấp 2/3 lượng điện trên cả nước, song các công ty Trung Quốc vẫn cố gắng giảm chi phí hơn nữa bằng cách lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời ở sa mạc phía Tây - nơi đất công về cơ bản là miễn phí. Sau đó, các công ty sẽ sử dụng điện từ những trang trại này để tạo ra nhiều polysilicon - một trong những nguyên vật liệu tạo ra tấm pin mặt trời.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng, nếu xét trên phương diện tích cực, đang mở đường cho công cuộc phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch của giới chức toàn cầu, trong đó có Trung Quốc. Nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang rót hàng tỷ USD vào các nhà máy polysilicon – nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời. Trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá một loạt các mặt hàng, từ khí đốt tự nhiên đến thịt bò trên khắp các siêu thị, polysilicon chỉ là một trong số vô vàn các nguyên liệu thô xuất hiện trong chuỗi khủng hoảng nguồn cung vốn được cho là vấn đề mang tính chất ‘tạm thời’.

‘Tạm thời’ bởi lẽ Trung Quốc vẫn đang sử dụng sức mạnh công nghiệp của mình để giữ vững vị thế thống trị thị trường năng lượng điện mặt trời - lĩnh vực then chốt giúp thế giới chống lại những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

“Việc mở rộng hàng tỷ công suất polysilicon của Trung Quốc sẽ tháo gỡ được một nút thắt quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung này sẽ được đẩy mạnh vào những năm tiếp theo với mức giá hợp lý hơn”, Tony Fei, chuyên gia phân tích của BOCI Research, nói.

Hiện tăng trưởng điện mặt trời tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong bối cảnh chính phủ nước này đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Động lực chủ yếu đến từ việc Trung Quốc có hầu hết mọi thứ cần thiết để sản xuất polysilicon một cách nhanh nhất và rẻ nhất, từ hầm mỏ, nhà máy đến nhân công.

Như vậy, sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục thậm chí còn khiến một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất đang chồng chất. Ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Kinh tế Đức quan ngại rằng việc hạn chế nhập khẩu pin mặt trời từ Trung Quốc có thể cản trở sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh châu Âu, từ đó khiến 90% thị trường trở nên đắt đỏ. Các công ty lắp ráp, lắp đặt pin mặt trời nhập khẩu tại EU cũng có nguy cơ phá sản.

“Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm”, Gunter Erfurt, CEO Meyer Burger, nhà sản xuất thiết bị của Thụy Sĩ, nói và cáo buộc một số doanh nghiệp Trung Quốc đang bán hàng với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất.

115 NGƯỜI CHẾT TRONG VỤ XẢ SÚNG Ở NHÀ HÁT NGA, IS NHẬN TRÁCH NHIỆM

Nhóm tay súng mặc đồ ngụy trang đã tiến vào nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Mosow và nổ súng vào đám đông đang tập trung xem một buổi biểu diễn nhạc rock.

Cho đến nay, ít nhất 115 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương sau khi vụ xả súng vào tối 22/3 theo giờ địa phương.

Bốn nghi phạm liên quan trực tiếp đến vụ tấn công nằm trong số 11 người bị bắt, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin sáng nay.

An ninh đã được thắt chặt trên khắp nước Nga, nhiều sự kiện bị hủy bỏ khi lực lượng vệ binh quốc gia truy tìm những kẻ tấn công và cử các nhà điều tra đến hiện trường.

Đoạn video từ bên trong phòng hòa nhạc cho thấy có ít nhất 4 kẻ tấn công đã xả súng bừa bãi vào những người dân thường đang la hét và cố gắng bỏ chạy.

Nhiều tiếng nổ vang lên và đám cháy lớn xảy ra trong tòa nhà khiến một phần mái gần nhà hát bị sập.

Nhà chức trách đã sơ tán được 100 người đang trốn dưới tầng hầm và có thông tin cho biết một số kẻ tấn công đang cố thủ bên trong.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được các quan chức phụ trách an ninh, bao gồm người đứng đầu FSB Alexander Bortnikov, báo cáo cập nhật về tình hình.

Ông Putin hiện vẫn chưa có bài phát biểu trực tiếp với người dân Nga về vụ tấn công, nhưng hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Tatyana Golikova nói rằng ông Putin mong những người bị thương mau chóng bình phục.

IS nhận trách nhiệm

Ukraine cho biết họ không liên quan gì đến vụ tấn công này trong khi Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm trên kênh Telegram của tổ chức này.

Hiện chưa thể xác minh độc lập tuyên bố của IS. Tổ chức này đã thực hiện một vài vụ tấn công ở một số quốc gia, tuy nhiên phóng viên an ninh của BBC Gordon Corera lưu ý rằng trước đây nhóm này từng nhận trách nhiệm những vụ tấn công mà họ không thực hiện.

Nhóm cụ thể đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công ngày hôm nay, ISIS-K, là chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan - một thuật ngữ cũ để chỉ khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan.

Các chuyên gia chống khủng bố cho biết Nga đã rơi vào tầm ngắm của ISIS-K, tổ chức thường xuyên chỉ trích Tổng thống Putin trong các thông điệp tuyên truyền của họ.

Họ cáo buộc Điện Kremlin có hành vi tàn bạo chống lại người Hồi giáo trong các chiến dịch quân sự ở Chechnya và Syria, cũng như trong cuộc xâm lược Afghanistan thời Liên Xô.

Nhà Trắng: 'Chúng tôi đã cảnh báo Nga hồi đầu tháng'

Nhà Trắng xác nhận rằng họ đã cảnh báo chính quyền Nga hồi đầu tháng 3 về một vụ tấn công có thể nhằm vào "các cuộc tụ tập lớn" ở Moscow.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết: “Đầu tháng này, chính phủ Mỹ đã có thông tin về một vụ tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Moscow – có khả năng nhằm vào các cuộc tụ tập lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc”.

Bà nói thêm rằng Washington “đã chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga”.

Phóng viên an ninh Gordon Corera của BBC trước đó nhận định rằng Điện Kremlin coi những cảnh báo này là "tuyên truyền" - ngay cả sau khi Mỹ công khai mối lo ngại với những người Mỹ ở lại Nga.

Phản ứng của quốc tế

Các quan chức nước ngoài đã chia buồn về sự kiện ngày hôm nay ở Moscow.

“Những hình ảnh từ Moscow tối nay thật kinh hoàng,” Bộ Ngoại giao Pháp viết trên mạng xã hội X, tức Twitter trước đây. “Chúng tôi hướng về các nạn nhân và những người bị thương cũng như người dân Nga.”

Bộ Ngoại giao Đức gọi vụ tấn công là “khủng khiếp” và viết: “Vụ việc phải được điều tra nhanh chóng. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân.”

Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cho biết họ "bị sốc" trước vụ tấn công. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng tôi hướng về các nạn nhân của vụ xả súng kinh hoàng này.”

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, phủ nhận việc nước này có bất kỳ liên quan nào.

“Ukraine chưa bao giờ sử dụng các phương pháp khủng bố,” ông đăng trên X. “Mọi thứ trong cuộc chiến này sẽ chỉ được quyết định trên chiến trường.”

Trong một diễn biến khác, đã có năm người chết và một triệu người bị mất điện ở Ukraine sau khi tên lửa của Nga tấn công các hạ tầng kỹ thuật năng lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, German Galushchenko, cáo buộc Nga đang cố gắng kích hoạt "một cuộc tàn phá quy mô lớn đối với hệ thống năng lượng của đất nước".

Người đứng đầu khu vực cho biết thành phố lớn thứ hai Kharkiv và hơn 53.000 hộ gia đình ở Odesa không có điện.

Nga cho biết đây là hành động trả đũa các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào lãnh thổ Nga.

SỰ IM LẶNG CỦA 'NGHĨA ĐỊA NGOÀI TRỜI'

“Hãy đi kiểm tra tất cả các khu chợ, bạn sẽ không thể tìm thấy một hộp đậu nào cho bọn trẻ ăn. Không có thức ăn, không có nước uống, không có gì cả". Đây là chia sẻ của anh Basel al-Soueidi, đang sống trong trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza.

Sống tạm bợ trong căn lều thiếu thốn mọi thứ, anh al-Soueidi còn phải chịu nỗi đau mất 17 người thân do xung đột. “Tất cả anh em họ của tôi đã chết. Chúng tôi thường tụ tập trong tháng lễ Ramadan, nhưng giờ không còn ai nữa". Những người thân đã qua đời của al-Soueidi nằm trong số trên 31.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10 năm ngoái.

6 tháng sau khi giao tranh nổ ra và cũng gần 2 tuần kể từ khi bắt đầu tháng lễ Ramadan linh thiêng nhất của người Hồi giáo, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt. Ngay trong ngày 11/3, ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan, 67 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel ở Gaza. Như lời Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Gaza đang trở thành “nghĩa địa ngoài trời” lớn nhất thế giới, nghĩa địa của hàng chục nghìn người và cũng là nghĩa địa của nhiều nguyên tắc quan trọng nhất của luật nhân đạo.

Theo báo cáo do Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ thực hiện, khoảng 50% dân số tại Dải Gaza, tức 1,1 triệu người, đang đối mặt với nạn đói thảm khốc. Tình hình ở phía Bắc Gaza còn nghiêm trọng hơn. Nạn đói có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn từ giữa tháng 3 này đến tháng 5 tới, khi 300.000 người đang bị mắc kẹt trong giao tranh và không thể tiếp cận với viện trợ. Ảnh hưởng của nạn đói mỗi lúc một nặng nề, thể hiện ở tình trạng trẻ sơ sinh tử vong do có cân nặng quá thấp khi mới chào đời. Đã có khoảng 13.000 trẻ em thiệt mạng ở Gaza, và con số này còn có thể tăng cao hơn nữa do nạn đói rình rập.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cứ 6 trẻ dưới 2 tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Khi đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell bàng hoàng vì sự im lặng tuyệt đối, bởi các em thậm chí không có sức để khóc.

Ngoài nạn đói, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng tăng. 9/10 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza, tức khoảng 220.000 em, đã bị ốm trong những tuần gần đây. Lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết khan hiếm, trong khi điều kiện y tế lại vô cùng hạn chế. LHQ đánh giá hệ thống y tế tại Gaza về cơ bản đã sụp đổ khi chỉ còn một vài bệnh viện hoạt động cầm chừng. Ông Fayik al-Kufarnah, một người tị nạn tại trại Jabalia bất lực cho biết: “Chúng tôi thà chết còn tốt hơn sống trong tình cảnh này".

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk đã khẳng định, “những gì xảy ra ở Gaza đã vượt quá sức chịu đựng, không thể diễn tả bằng lời và cần phải chấm dứt ngay lập tức”.

Thực tế thảm khốc nêu bật tính cấp bách của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, triển vọng về một lệnh ngừng bắn vẫn mờ mịt, bất chấp nỗ lực đàm phán của các bên trung gian chính, gồm Mỹ, Ai Cập và Qatar. Sau nhiều lần thất bại, các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra ở Qatar, tập trung vào lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, nhằm cho phép thả 40 con tin Israel để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine bị giam giữ, mở đường cho việc tăng cường vận chuyển viện trợ. Theo đề xuất của Hamas, lệnh ngừng bắn sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Israel phải rút khỏi al-Rashid và Salah al-Din - hai tuyến đường cao tốc chính nối miền Nam với miền Bắc - để cho phép những người Palestine di tản trở về nhà, tạo điều kiện cung cấp viện trợ. Hamas sẽ thả các con tin đầu tiên gồm phụ nữ và trẻ em, đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Trong giai đoạn thứ hai, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn phải được công bố trước khi Hamas thả thêm bất kỳ con tin nào. Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc Israel dỡ bỏ bao vây Gaza và bắt đầu xây dựng lại vùng đất này.

Đáp lại, Văn phòng Thủ tướng Israel gọi đề xuất của Hamas là dựa trên “những yêu cầu phi thực tế”. Tiến sĩ Harel Chorev tại Đại học Tel Aviv nhận định rằng có “ranh giới đỏ” mà Chính phủ Israel sẽ không chấp nhận, đó chính là ngừng bắn vĩnh viễn. Israel cũng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tại Rafah, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, dù một chiến dịch trên bộ ở Rafah sẽ "kích hoạt" cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ và cản trở mọi cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, sau những tuyên bố cứng rắn về mục tiêu “xóa sổ hoàn toàn Hamas”, Israel vẫn cử một phái đoàn do người đứng đầu cơ quan tình báo nước này dẫn đầu tới Qatar. Đây có thể được xem là động thái nhượng bộ của phía Israel, dù quá trình thu hẹp những bất đồng cơ bản giữa Tel Aviv và Hamas được dự báo còn rất nhiều chông gai.

Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh, đồng minh lâu năm của Israel là Mỹ, gần đây đang gây sức ép nhiều hơn đối với chính quyền Tel Aviv. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du khu vực Trung Đông lần thứ sáu kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát. Theo ông Blinken, “các nhà đàm phán đang tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận ở Doha. Khoảng cách đang thu hẹp. Vẫn còn nhiều việc khó khăn, nhưng tôi tin rằng có thể đạt được thỏa thuận." Ngoài nỗ lực ngoại giao con thoi, Mỹ lần đầu tiên trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo nghị quyết về lệnh ngừng bắn tại Gaza, như một thông điệp thay đổi lập trường sau nhiều lần phủ quyết các dự thảo bao gồm lời kêu gọi ngừng bắn.

Khi xung đột kéo dài sang tháng thứ sáu và các bên tham chiến vẫn tỏ ra cứng rắn, chưa rõ khi nào bi kịch của người dân Gaza mới có thể chấm dứt. Trong thông điệp nhân tháng lễ Ramadan, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ những người đang phải gánh chịu nỗi đau chồng chất ở Gaza, hy vọng tháng lễ linh thiêng này sẽ mang lại hòa bình. “Trong thời điểm thử thách này, tinh thần của tháng lễ Ramadan là ngọn hải đăng của niềm hy vọng để hàn gắn những chia rẽ". Ramadan là hiện thân của các giá trị hòa bình, và khát vọng hòa bình, bắt đầu từ một lệnh ngừng bắn tạm thời, cũng là mong mỏi của người dân Gaza. Nếu các bên không nhượng bộ, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ tiến tới điểm không thể vãn hồi. “Tương lai của cả một thế hệ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng”, và chỉ có thể tránh được kịch bản này nếu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức.

CUỘC CHIẾN BĂNG ĐẢNG Ở HAITI ĐẨY NẠN ĐÓI LÊN MỨC TỒI TỆ NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Gần 50% dân số Haiti đang phải vật lộn để tự nuôi sống bản thân khi bạo lực băng đảng lan rộng trên khắp nước này, trong đó một số khu vực cận kề nạn đói.

Các tổ chức quốc tế hôm 22/3 đã đưa ra thông tin trên. Họ cho biết tình trạng lạm phát và mùa màng kém cũng đã đẩy Haiti đến mức độ mất an ninh lương thực tồi tệ nhất từ trước đến nay.

"Nạn đói tại Haiti gia tăng đang gây ra cuộc khủng hoảng an ninh đang tàn phá đất nước", ông Jean-Martin Bauer - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc tại Haitii - cho biết: "Chúng tôi cần hành động khẩn cấp ngay bây giờ, việc chờ đợi phản hồi trên quy mô lớn không phải là một lựa chọn".

Trong một báo cáo, hệ thống Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc - thang đo được Liên hợp quốc và các chính phủ sử dụng để đánh giá nạn đói - cho biết trong một báo cáo rằng khoảng 4,97 triệu người trong tổng dân số khoảng 11,5 triệu người của Haiti đang phải đối mặt với khủng hoảng hoặc ở mức độ tồi tệ hơn của tình trạng mất an ninh lương thực.

Tám khu vực hiện được đánh giá là đang trong giai đoạn khẩn cấp - mức độ tồi tệ nhất trước nạn đói, bao gồm thung lũng Artibonite - vùng trung tâm nông nghiệp của Haiti, nơi đã bị tấn công nặng nề bởi các băng đảng mở rộng từ thủ đô Port-au-Prince, những vùng nông thôn của bán đảo Grand-Anse và các vùng lân cận của thủ đô như quận Cite Soleil nghèo khó.

Thủ đô Port-au-Prince của Haiti tiếp tục chìm trong bạo lực ở mức độ chưa từng có, kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình sức khỏe và nhân đạo ở thủ đô của Haiti, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do sân bay đóng cửa và việc tiếp cận cảng biển khó khăn trong bối cảnh các băng nhóm vũ trang hiện đã kiểm soát gần 90% thành phố này.

Nguồn: Lao Động; CafeF; BBC; Báo Tin Tức; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang