Rơi máy bay chở người; Cuộc sống của giới siêu giàu; Trả tiền để dân rời Tokyo; Soledar giao tranh khốc liệt; Nga mở đợt tấn công mới

RƠI MÁY BAY CHỞ 72 NGƯỜI Ở NEPAL

(Ảnh minh hoạ).

Người phát ngôn hãng hàng không Yeti Airlines (Nepal) cho biết, có 68 hành khách cùng 4 thành viên phi hành đoàn trên máy bay khi tai nạn xảy ra.

Tờ New York Post dẫn lời quan chức sân bay Pokhara cho biết, một máy bay thương mại chở 72 người của Nepal vừa gặp nạn ở Pokhara, miền tây Nepal vào hôm nay (15/1).

Còn theo truyền hình nhà nước Nepal, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số thi thể nạn nhân gần hiện trường máy bay gặp nạn. Máy bay rơi ở khu vực giữa sân bay Pokhara cũ và mới.

Theo truyền thông Nepal, chiếc máy bay gặp nạn là mẫu máy bay chở khách động cơ cánh quạt ATR 72 của hãng hàng không Yeti Airlines, khi sự việc xảy ra nó đang thực hiện hành trình bay từ thủ đô Kathmandu đến sân bay Pokhara.

AFP dẫn lời phát ngôn viên Sudarshan Bartaula của Yeti Airlines thông báo thời điểm xảy ra tai nạn trên máy bay có 68 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. Việc cứu hộ đang diễn ra.

"Hiện chưa biết có ai sống sót không", người phát ngôn nói.

Truyền hình địa phương Nepal chiếu cảnh khói đen dày đặc bốc lên từ hiện trường vụ tai nạn khi các nhân viên cứu hộ và đám đông người dân tập trung xung quanh đống đổ nát của chiếc máy bay.

(Nguồn: VTC)

BÊN TRONG CUỘC SỐNG CỦA GIỚI SIÊU GIÀU: VÌ SAO NHIỀU TỶ PHÚ VẪN LÀM VIỆC NHÀ?

Giặt quần áo có vẻ đã trở thành công việc bị ghét “quốc dân" của giới siêu giàu khi có tới 92% người được hỏi trả lời rằng sẽ không làm việc đó.

Người giàu có thể di chuyển bằng máy bay tư nhân, sống trong những tòa biệt thự lớn, tiêu tiền mà không cần suy nghĩ, nhưng thực tế, cuộc sống hàng ngày của họ lại bình thường hơn nhiều so với những gì mà chúng ta tưởng tượng.

Một cuộc khảo sát của Forbes trên 65 người giàu nhất thế giới cho thấy dù những vị tỷ phú có thể dễ dàng thuê một hay vô số người giúp việc, thì họ vẫn chọn tự mình làm việc nhà. Hơn một phần ba trong số những người trả lời cho biết họ thường xuyên đi chợ và đổ rác, trong khi 40% trong số đó thích nấu ăn và dắt chó đi dạo.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát vẫn chỉ ra rằng có những công việc nhất định mà người giàu không thích làm. Cụ thể hơn, chỉ có 10% đồng ý rằng mình sẽ làm vườn, và 8% chịu giặt quần áo.

Có vô số lý do khiến cho những người thuộc giới siêu giàu vẫn làm việc nhà như người bình thường. Người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gate, đã từng xác nhận trên trang Reddit vào năm 2014 rằng ông thích rửa bát vào buổi tối.

Đối với nhà đầu tư bất động sản Charles Cohen, người có khối tài sản ước tính trị giá 3,6 tỷ USD bao gồm các tòa nhà cao cấp ở ngay trung tâm thành phố New York và chuỗi rạp chiếu phim Landmark Theatre, làm việc nhà là một cách để thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, khi được hỏi rằng có thích làm việc nhà hay không, ông trả lời: “Câu hỏi này khá hài hước đấy vì tôi vừa đi mua vòi phun nước và bóng đèn từ cửa hàng về. Tôi thích ra ngoài và làm mọi việc một mình". Ông trùm bất động sản mô tả việc đi chợ và nấu nướng là một cách tuyệt vời để giải lao, dù có quản gia riêng thì ông và vợ vẫn thường xuyên làm việc nhà để nêu gương cho con cái.

Frank VanderSloot, người sáng lập đồng thời là chủ tịch doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe Melaleuca cũng là một người yêu thích làm việc nhà và xem đó như một điều hiển nhiên mà ai cũng cần phải làm. Là con trai của một công nhân đường sắt, tuổi thơ của VanderSloot gắn liền với công việc dậy sớm để chặt củi và vắt sữa bò trong trang trại của gia đình.

“Vì bạn có nhiều tiền, nên mọi người nghĩ rằng cuộc sống của bạn phải thật đặc biệt. Điều đó hoàn toàn không đúng, ít nhất là với tôi”, VanderSloot chia sẻ. Khi đại gia đình gồm 15 người con và 54 người cháu đến thăm, ông sẽ thuê để dọn dẹp nhà cửa nhanh hơn, còn khi chỉ có ông và vợ ở nhà, hai người sẽ đảm nhận mọi công việc kể cả nấu nướng và giặt giũ quần áo.

Đối với VanderSloot, sự giàu có là thước đo để kiểm tra nhân cách của một người, và nếu bạn bị thay đổi bởi tiền bạc, thì bạn đang bỏ lỡ toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống.

Mặc dù vậy, triết lý sống của mỗi người khác nhau. Nhìn chung, cuộc khảo sát vẫn cho thấy rằng không phải ai cũng làm tất cả việc nhà: 60% cho biết họ không nấu ăn, 62% không đổ rác và 92% không giặt quần áo.

Và họ có lý do chính đáng để không làm những việc đó. Jeff Greene, ông trùm bất động sản tại Palm Beach khẳng định rằng dù lối sống của ông rất bình thường, nhưng ông sẽ không làm việc nhà quá nhiều: “Tôi đang điều hành một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Tôi có rất nhiều việc cần phải làm, vì thế tôi sẽ không lãng phí thời gian cho những việc mà có thể thuê người làm".

Khi có thời gian rảnh rỗi, Greene sẽ ưu tiên dùng nó cho 3 đứa con nhỏ của mình bằng cách lái xe đưa đón chúng đến trường và về nhà mỗi ngày. “Tôi rất yêu bọn trẻ, thật tuyệt khi được đưa đón chúng. So với việc phải đàm phán hợp đồng, thì tôi thích chơi với con cái của mình hơn".

(Nguồn: Soha)

TRẢ TIỀN ĐỂ NGƯỜI DÂN RỜI THỦ ĐÔ

(Ảnh minh hoạ).

Nhật Bản đang đề nghị hỗ trợ tài chính cho các gia đình sẵn sàng rời khỏi thủ đô Tokyo đông đúc, trong nỗ lực hồi sinh các thị trấn nông thôn và thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm.

Bắt đầu từ tháng 4/2023, các gia đình ở khu vực đô thị Tokyo, bao gồm cả những cha mẹ đơn thân, sẽ đủ điều kiện nhận 1 triệu Yên (183,4 triệu VND) cho mỗi đứa trẻ nếu họ chuyển đến các khu vực ít dân cư hơn trong nước.

Ưu đãi này áp dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi, hoặc người từ 18 tuổi trở lên nếu họ vẫn đang học trung học. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ cố gắng sử dụng các biện pháp tài chính để khuyến khích mọi người rời đi, nhưng kế hoạch này hào phóng hơn gấp ba lần số tiền được cung cấp hiện nay.

Trong nhiều thập kỷ, người dân trên khắp Nhật Bản đã di cư đến các trung tâm đô thị để tìm kiếm cơ hội việc làm. Tokyo là thành phố đông dân nhất của đất nước, với khoảng 37 triệu cư dân. Theo thống kê của chính phủ công bố năm 2021, trước đại dịch Covid, số người chuyển đến Tokyo nhiều hơn số người rời khỏi thành phố, với con số lên tới 80.000 người mỗi năm.

Mô hình di cư này kết hợp với dân số già đi nhanh chóng của Nhật Bản đã khiến các thị trấn nông thôn ngày càng có ít cư dân hơn, cũng như hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang. Một cuộc điều tra dân số quốc gia cho thấy hơn một nửa số đô thị của đất nước, dự kiến sẽ được coi là khu vực thiếu dân cư.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn, không gian nhanh chóng trở nên hạn hẹp và giá cả tăng chóng mặt. Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới để sinh sống, xếp thứ năm trên toàn cầu vào năm 2022.

Theo các chuyên gia, sự di cư của những người trẻ tuổi từ nông thôn đến các thành phố đông đúc là một yếu tố chính trong cuộc khủng hoảng dân số ngày càng già đi của Nhật Bản. Đất nước này từ lâu đã phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, đồng thời số ca tử vong cũng nhiều hơn số ca sinh trong những năm gần đây.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố như chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em ở các thành phố khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn. Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường ở xa đại gia đình, những người có thể giúp cung cấp hỗ trợ. Ví dụ, Tokyo có tỷ lệ sinh thấp nhất trong tất cả 47 tỉnh của Nhật Bản.

Các mô hình di cư hiện tại đang dẫn đến hiện tượng vùng nông thôn trở nên vắng vẻ vơi ít trẻ em. Tại ngôi làng ven sông Nagoro ở miền nam Nhật Bản, có chưa đến 30 cư dân vào năm 2019, với cư dân trẻ nhất trên 50 tuổi. Ngôi trường duy nhất của làng đã đóng cửa vài năm trước sau khi những học sinh cuối cùng tốt nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà chức trách đã đưa ra một sáng kiến vào năm 2019 nhằm thu hút người dân đến các khu vực ngoại ô sinh sống.

Theo kế hoạch này, những cá nhân đã sống và làm việc ở khu vực đô thị Tokyo trong ít nhất 5 năm có thể nhận được 600.000 Yên (110 triệu VND) nếu họ chuyển đến các vùng nông thôn. Ưu đãi đó cao hơn cho các cặp vợ chồng, ở mức 1 triệu Yên.

Năm ngoái, chính phủ cho phép cha mẹ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng có con nhận 300.000 Yên (55 triệu VND) cho mỗi đứa trẻ nếu họ chuyển chỗ ở.

Phát ngôn viên của chính phủ cho biết, những người di dời có thể làm việc trong khu vực đó, thành lập doanh nghiệp của riêng họ hoặc tiếp tục làm việc từ xa tại các công việc ở Tokyo.

“Tokyo có mật độ dân số rất cao và chính phủ muốn tăng dòng người đến các khu vực lân cận để hồi sinh các khu vực có dân số giảm”, ông cho biết.

Cho dù chương trình đang thu được sư chú ý nhưng dường như con số vẫn còn thấp. Trong năm đầu tiên phát động (2019), chỉ có 71 hộ gia đình tham gia, so với 1.184 hộ vào năm 2021.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã có những nỗ lực khác để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, bao gồm đưa ra các chính sách trong vài thập kỷ qua để tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em và cải thiện cơ sở nhà ở cho các gia đình có trẻ em. Một số thị trấn nông thôn thậm chí đã bắt đầu trả tiền cho các cặp vợ chồng sống ở đó để sinh con.

(Nguồn: CafeF)

GIAO TRANH KHỐC LIỆT "NHƯ ĐỊA NGỤC" Ở MIỀN ĐÔNG UKRAINE

Các bác sĩ quân y Ukraine đã mô tả tình hình chiến sự khốc liệt ở thành phố Soledar, khi số thương vong ngày càng tăng.

Bác sĩ phẫu thuật Vadim, 31 tuổi, gia nhập quân đội Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng vào tháng 2 năm ngoái. Vadim sử dụng mọi kỹ năng của một bác sĩ để "giúp đỡ những người còn sống sót" sau các cuộc giao tranh ở thành phố Soledar, miền Đông Ukraine.

Ngày 14/1, Vadim được điều động đến làm nhiệm vụ gần Soledar, nơi đang là tâm điểm giao tranh đẫm máu nhất của cuộc xung đột tại Ukraine.

"Tình hình ở đây rất khó khăn, nhưng những nơi khác cũng như vậy. Đây là nơi có cường độ giao tranh khốc liệt nhất. Tình hình chắc chắn vô cùng khó khăn. Nhưng chúng tôi có thể xử lý mọi tình huống", bác sĩ Ukraine nói.

Trên một con đường trơn trượt do băng giá và gió thổi mạnh, các bác sĩ quân y bước đi trong tuyết, chuẩn bị xe cứu thương khi những người bị thương được đưa về từ tiền tuyến gần đó.

Khi xe cứu thương đến, họ lập tức hành động, giúp nhanh chóng đưa những người bị thương lên một chiếc xe khác để tới bệnh viện. Hai trong số thương binh tự di chuyển được mặc dù họ vẫn còn choáng váng và đang được băng bó. Người thứ ba, nằm trên cáng, hét lên đau đớn khi được đưa vào.

Một bác sĩ tháo găng tay cao su và ném chúng vào một đống găng tay khác lẫn với hộp dụng cụ y tế khẩn cấp bên vệ đường. Một người khác quỳ trên tuyết, trên chiếc áo chống đạn của một trong những thương binh, thu thập băng đạn và tìm kiếm giấy tờ tùy thân của binh sĩ.

Các bác sĩ làm việc có phương pháp và nhanh chóng, không bị ảnh hưởng bởi tiếng nổ của đạn pháo.

"Chúng tôi đã quen với điều đó", bác sĩ gây mê Dmytro nói.

"Điều duy nhất tôi nghĩ đến là tôi phải sơ tán thương binh như thế nào. Ai là người đầu tiên được chuyển đi và chúng tôi có thể mang theo bao nhiêu người cùng một lúc. Rất khó khăn, nhưng vẫn cần phải làm, ai đó phải làm", Dmytro, bác sĩ ngoài 50 tuổi sống ở miền trung Ukraine, nói.

Dmytro không đổ lỗi cho bất cứ ai không muốn chiến đấu vì "ngoài kia là địa ngục".

Bender, một sĩ quan Ukraine, không nản lòng trước giao tranh khốc liệt. Bender cắm xẻng xuống mặt đất đóng băng.

"Mọi người đều đang trong tâm thế chiến đấu. Quân đội đang cầm cự. Chúng tôi đang phòng thủ, các binh sĩ đang cố thủ", Bender nói sau khi chất đất vào bao để đắp chiến hào.

Trước đó, một binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Soledar hôm 10/1 xác nhận tình hình ở thành phố này rất nguy cấp và lực lượng Ukraine "đang cầm cự đến người cuối cùng". Binh sĩ Ukraine mô tả tình hình căng thẳng trên chiến trường miền Đông, khi các bên giành giật nhau từng vị trí và các đơn vị thậm chí không thể thống kê hết số thương vong.

Một binh sĩ khác của lực lượng Ukraine ở Soledar cũng nói rằng họ đã hết lương thực, sắp hết nước uống và có nhiều người bị thương. "Chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi sẽ phải rút lui. Và bây giờ chúng tôi bị bỏ rơi", binh sĩ cho biết thêm. Một binh sĩ Ukraine khác hôm 13/1 nói rằng mình và các đồng đội đã bị bỏ lại và chấp nhận đầu hàng.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/1 tuyên bố quân đội nước này đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Soledar. Tuy nhiên giới chức Ukraine đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định tiếp tục giao tranh đến cùng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, tình hình ở Soledar rất khó khăn và thành phố này là một trong những mặt trận "đẫm máu nhất" hiện nay. Tuy nhiên, ông khẳng định, quân đội Ukraine sẽ tiếp tục bám trụ.

Nếu Nga thực sự giành được Soledar, đây sẽ là chiến thắng đầu tiên của quân đội Nga sau khi phải rút khỏi Kherson và Kharkov. Từ Soledar, Nga có thể tăng cường tấn công vào Bakhmut, một thành phố chiến lược khác, mở đường cho việc kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.

(Nguồn: Dân Trí)

NGA THỰC HIỆN ĐỢT TẤN CÔNG MỚI NHẰM VÀO UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Nga đã thực hiện một đợt tấn công mới nhắm vào thủ đô Kyiv và nhiều nơi khác ở Ukraine.

Nga lại tấn công Kyiv

Theo Reuters, Nga sáng 14.1 đã phóng một loạt tên lửa vào Kyiv, gây ra vụ nổ ở quận Dniprovskiy. Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cho biết cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng và nhà chức trách đang xác minh chi tiết.

Cùng ngày, còi báo động cũng vang lên ở tỉnh Kharkiv của Ukraine. Tỉnh trưởng Oleg Synehubov của Kharkiv cho biết hai tên lửa S-300 của Nga đã tấn công hạ tầng năng lượng và cơ sở công nghiệp quan trọng ở thành phố Kharkiv và Chuhuev. Lãnh đạo tỉnh Cherkasy cũng cảnh báo nguy cơ Nga tấn công tên lửa, trong khi tỉnh trưởng Mykolaiv cho biết 17 máy bay chiến đấu Tupolev của Nga đã cất cánh từ căn cứ không quân. Nga chưa lên tiếng về các thông tin này.

Nga đã kiểm soát Soledar ?

Các cuộc tấn công trên diễn ra trong bối cảnh Ukraine và Nga đang đưa ra các tuyên bố khác nhau về thị trấn Soledar thuộc vùng Donetsk ở miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 13.1 tuyên bố đã kiểm soát nơi này từ tối 12.1. Trong khi đó, ông Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, khẳng định Soledar chưa rơi vào tay Nga và binh sĩ Ukraine vẫn đang chiến đấu tại đây.

Tuy nhiên, theo The Guardian, thông tin về vị trí của các phóng viên chiến trường Nga cho thấy lực lượng Nga đã kiểm soát phần lớn thị trấn này. Dù vậy, lực lượng Ukraine dường như vẫn ở trong Soledar và đang chiến đấu xung quanh mỏ muối cùng đường sắt của thị trấn. Điều quan trọng là Ukraine vẫn nắm giữ con đường bên ngoài nối hai khu vực lân cận là Bakhmut và Soledar với Sloviansk và Kostyantynivka.

Nếu được xác nhận, việc kiểm soát Soledar sẽ là một chiến thắng cho Nga sau một thời gian dài không có nhiều tin tức tốt trên chiến trường. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chiến thắng này vẫn chưa rõ ràng. Giới quan sát nhận định nếu mục tiêu cuối cùng của Nga ở Soledar là làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine xung quanh Bakhmut, Nga đã phải trả giá rất đắt khi mất đến 100 binh sĩ mỗi ngày. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ cũng đánh giá rằng việc giành được Soledar sẽ không giúp Nga kiểm soát các tuyến liên lạc quan trọng vào Bakhmut hay có được vị trí tốt hơn để bao vây thành phố này trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, cuộc giằng co ở Soledar còn cho thấy sự bất ổn trong quan hệ giữa Bộ Quốc phòng Nga và nhóm lính đánh thuê Tập đoàn Wagner do ông Yevgeny Prigozhin lập ra. Sau khi vấp phải phản ứng dữ dội do thông báo về việc kiểm soát Soledar không nhắc đến nhóm Wagner, Bộ Quốc phòng Nga đã phải đưa ra thông báo thứ 2 công nhận sự tham gia của nhóm này. Trước đó, ông Prigozhin tuyên bố Tập đoàn Wagner đã “một mình” kiểm soát Soledar mà không đề cập đến lính dù hay các lực lượng khác của quân đội Nga.

Phương Tây hỗ trợ thêm cho Ukraine

Theo Reuters, những thông báo quan trọng về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể sẽ được phương Tây đưa ra vào tuần tới, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc họp với các đồng minh tại căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.

Phần Lan ngày 13.1 cho biết nước này có thể gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine. Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 11.1 cũng đưa ra đề nghị tương tự. Để gửi xe tăng đến cho Ukraine, các nước này cần có sự cho phép của Đức. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Đức Christiane Hoffmann ngày 13.1 cho biết cả Warsaw lẫn Helsinki đều chưa tiếp cận Berlin để xin phê duyệt việc này. Bà Hoffmann cũng nhấn mạnh việc chuyển xe tăng cho Ukraine mà không có sự cho phép là bất hợp pháp.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Tết châu Á mùa 'bão giá'; Chính phủ TQ kiểm soát DN công nghệ; Dầu Nga sang châu Á; Mở mặt trận Crimea; Putin thay tướng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang