Tết châu Á mùa 'bão giá'; Chính phủ TQ kiểm soát DN công nghệ; Dầu Nga sang châu Á; Mở mặt trận Crimea; Putin thay tướng

TẾT CHÂU Á MÙA 'BÃO GIÁ'

(Ảnh minh hoạ).

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền quan trọng đối với người dân nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập của người dân giảm, vậy họ sẽ đón Tết thế nào?

Nếu như năm ngoái, đại dịch Covid-19 buộc phải phong tỏa nghiêm ngặt, không thăm hỏi trực tiếp được, thì người dân châu Á hay mừng tuổi nhau qua ứng dụng lì xì trên điện thoại. Ngân hàng DBS của Singapore thống kê, chỉ trong ngày mùng 2 Tết năm 2022, người dân nước này mừng tuổi nhau qua ứng dụng tới 1,5 triệu USD (tương đương hơn 35 tỷ VND).

Vậy, Tết năm nay thì sao? Những ngày này rất nhiều người xếp hàng tại các cây rút tiền. Có những người phải xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt rút tiền. Các ngân hàng tại Singapore đang rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt, đặc biệt là mệnh giá 2 USD, 10 USD và 50 SGD.

Tục lệ mừng tuổi “hồng bao” rất phổ biến ở Singapore, nhất là mừng tuổi các bậc cao niên, hay trẻ nhỏ. Ông Benny Chan - Quản lý chi nhánh Ngân hàng UOB cho biết: "Chúng tôi đã điều động rất nhiều nhân viên để hỗ trợ khách hàng, thậm chí phải gọi cả các nhân viên đã nghỉ hưu tới để giúp trong dịp Tết Nguyên đán".

Chính quyền cho biết, để người dân trong mùa “bão giá” đón Tết vui vẻ, mỗi hộ gia đình Singapore đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD.

Tại Trung Quốc, Tết Quý Mão 2023 trở thành dịp để người dân bung sức tiêu tiền. Việc Bắc Kinh mở cửa đúng vào dịp trước Tết Nguyên đán được cho là sẽ tạo cơ hội để người dân không chỉ du lịch, mà còn giải trí, mua sắm, buôn bán bù lại cho những năm trước.

Theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc, từ 7/1 đến 15/2 sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi lại, du lịch, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đèn lồng đỏ đủ kích cỡ, câu đối, dây đèn nhấp nháy và những móc treo hình con thỏ (biểu tượng của năm mới 2023 theo truyền thống của người Trung Quốc) ngập tràn. Một người dân ở thành phố Nghĩa Ô cho biết, số lượng đèn lồng bán ra hàng ngày trong dịp này lên tới hơn 4.000 cặp.

Cùng với sắm sửa đồ trang trí Tết, điểm tiêu tiền tiếp theo của người dân Trung Quốc chính là các hàng quán và trung tâm thương mại khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.

Quản lý một nhà hàng ở Trùng Khánh cho biết, lượng khách đã đạt mức trung bình cao nhất của các năm trước khi dịch bùng phát. Đối với các mặt hàng xa xỉ như vàng và trang sức cũng chứng kiến lượng khách tăng vọt dịp cuối năm.

Ông Li Yang - chuyên viên phân tích đầu tư vàng cấp cao, Caibai Jewelry (Bắc Kinh) cho rằng, Tết này người Bắc Kinh có thể sẽ chi tiêu gấp 3 lần năm ngoái.

Còn tại Hàn Quốc, cho dù giá xăng tiếp tục tăng nhưng người dân vẫn “không nản” khi chi tiền sắm Tết. Chị Lee Ju-hyung - một cư dân Seoul cho biết: "Đi đâu tôi cũng cố gắng tìm xem có trạm xăng nào giá rẻ hơn không nhưng không vì thế mà không ghé lại các cửa hàng mua sắm Tết".

Năm nay để chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền của một gia đình 4 người tại Hàn Quốc trung bình hết khoảng hơn 200 USD, tương đương gần 5 triệu VND. Còn nếu tính cả mùa Tết, giới chuyên gia tài chính nước này cho rằng trung bình 1 người dân Hàn Quốc sẽ chi tiêu khoảng 1.000 USD.

Để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ chi 23,5 triệu USD và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Đối với 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước tết, chính phủ nước này cũng đã nỗ lực tăng cường nguồn cung.

Nói như chị Lee Ju-hyung thì tết này là cái tết “trọn vẹn nhất” khi mà đại dịch Covid-19 đã qua. Người dân rất háo hức đón tết, và cũng chính vì vậy mọi người cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, bất chấp “bão giá” đe dọa.

Sau 2 cái Tết hạn chế do chống dịch Covid-19, Tết năm nay đã và đang chứng kiến “cuộc Xuân vận” cực lớn ở Trung Quốc. Xuân vận có nghĩa là dịch vụ mùa xuân, là khoảng thời gian cao điểm đi lại vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Năm nay, Xuân vận bắt đầu vào ngày 7/1 và kéo dài đến ngày 15/2. "Đối với những người đi làm ăn xa, đó là niềm hạnh phúc khi đoàn tụ với người thân nhưng cũng lại là sự khó nhọc khi muốn có một tấm vé tàu. Còn với nhân viên đường sắt, nó tượng trưng cho những ngày làm việc gian khổ. Đối với những người buôn bán, nó có nghĩa một mùa kinh doanh bận rộn. Đối với cảnh sát, nó là một cuộc chiến chống trộm cắp và hành lý chứa vật liệu dễ cháy. Đối với chính phủ, đó là một bài kiểm tra năng lực hành chính" - bài báo của China Daily viết.

Dự kiến, đợt Xuân vận năm nay tại Trung Quốc sẽ có tới 1 tỷ lượt người đi lại. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã phải kêu gọi khách du lịch giảm các chuyến đi và các cuộc tụ tập, đặc biệt nếu có người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền.

(Nguồn: CafeF)

CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC SẼ NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ HÀNG ĐẦU

Cấu trúc sở hữu cổ phiếu mới nhất về lý thuyết cho phép chính phủ Trung Quốc quyền bổ nhiệm giám đốc hoặc thay đổi những quyết định quan trọng của công ty.

Các cơ quan chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ mua “cổ phiếu vàng” trong một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước này như Alibaba Group hay Tencent Holdings, nó cho thấy Bắc Kinh đang hành động để nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với những doanh nghiệp lớn nhất trên mạng Internet Trung Quốc, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Các cuộc đối thoại này đang nhận được nhiều sự quan tâm khi mà chính phủ Bắc Kinh chuẩn bị nới lỏng các biện pháp siết chặt quản lý đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong vòng hơn 1 năm.

Cấu trúc sở hữu cổ phiếu này, về lý thuyết cho phép chính phủ Trung Quốc quyền bổ nhiệm giám đốc hoặc thay đổi những quyết định quan trọng của công ty, sẽ giúp cho quan chức chính phủ Trung Quốc quyền hạn gây ảnh hưởng đến ngành Internet Trung Quốc trong một thời gian dài.

Một chi nhánh của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc công bố mua 1% cổ phần của chi nhánh truyền thông số Alibaba tại Quảng Châu vào ngày 4/1/2023, theo dữ liệu doanh nghiệp Qichacha. Danh mục truyền thông của công ty bao gồm một số doanh nghiệp như nền tảng phát trực tiếp Youku và quản lý web UC Web. Một giám đốc mới cũng được bổ nhiệm trong cùng ngày, đúng như thông tin đã được Financial Times đưa trước đó.

Kênh dẫn vốn mua vào cổ phiếu Alibaba được đảm bảo bởi CAC cùng với nhiều doanh nghiệp nhà nước như CITIC, China Post hay China Mobile. Hiện tại, các bên đang tích cực bàn thảo về khả năng một cơ quan thuộc chính phủ sẽ mua cổ phần tương tự tại chi nhánh của Tencent tại Trung Quốc đại lục.

Hiện đang xuất hiện ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong nỗ lực hồi sinh lại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, đang thay đổi quan điểm với các chiến dịch “siết chặt gọng kìm” vốn gây khó cho hoạt động của nhiều công ty Internet Trung Quốc trong 2 năm qua.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang tính đến những cách để hỗ trợ cho ngành công nghệ. PBOC sẽ nghiên cứu các biện pháp tài chính nhằm hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp công nghệ, theo chia sẻ của ông Ma Jianyang – quan chức với PBOC.

Didi Global, một trong những nạn nhân tệ hại nhất của chiến dịch tăng cường giám sát của chính phủ Trung Quốc, có thể được cấp phép chạy lại ứng dụng của hãng trong tuần tới, theo Reuters đưa tin. Như vậy, ứng dụng của Didi Global sẽ chính thức trở lại các kho ứng dụng trên mạng.

Các chuyên gia độc lập đã đưa ra quan điểm về vấn đề này. Việc chính phủ Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng với Alibaba và Tencent sẽ có thể khiến các doanh nghiệp này hứng chịu nhiều hoài nghi bên ngoài biên giới Trung Quốc và vì vậy sẽ khiến cho đà phát triển của họ bị chậm lại, bà Catherine Lim và ông Triniti Tan cho hay. Bắc Kinh đã mua cổ phần vàng trong công ty mẹ Bytedance sở hữu TikTik và Kuaishou.

Việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách kiểm soát COVID-19 vào đầu tháng 12/2022 đã lập tức dẫn đến nhiều thay đổi tích cực. Trung Quốc ngừng áp dụng quy định cấm nhập khẩu than đá Australia, nới lỏng kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ và rút bớt đi chính sách “ba lằn ranh đỏ” từng gây ra sự suy giảm trên thị trường bất động sản.

Nhiều người hiện đang đặt ra câu hỏi liệu sự cải tổ chính sách đại diện cho việc hướng đến sự linh hoạt từng giúp cho kinh tế Trung Quốc trỗi dậy trong 4 thập kỷ qua hoặc chỉ đơn giản là phản ứng nhất thời trong bối cảnh kinh tế đang đi xuống.

Cổ phiếu Tencent và Alibaba không thay đổi trên thị trường Hồng Kông, lấy lại phần lớn mức sụt giảm trước đó. Phát ngôn viên của Tencent từ chối bình luận còn phát ngôn viên của Alibaba không phản hồi đề nghị bình luận của báo giới.

Nhiều năm nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu, từ Didi cho đến Ant của Jack Ma. Những năm gần đây, khi mà Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với mọi ngóc ngách của lĩnh vực Internet, các quan chức chính quyền đã mua vào cổ phần danh nghĩa 1%.

(Nguồn: BizLive)

DẦU NGA ĐƯỢC CHUYỂN SANG CHÂU Á BẰNG CÁC SIÊU TÀU DẦU CỦA TRUNG QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

Ít nhất bốn siêu tàu dầu thuộc sở hữu của Trung Quốc đang vận chuyển dầu thô Urals của Nga sang Trung Quốc, theo các nguồn tin thương mại và dữ liệu theo dõi, trong lúc Moscow tìm kiếm tàu để xuất khẩu dầu sau khi mức trần giá dầu G7 áp đặt đã hạn chế việc sử dụng dịch vụ chở hàng và bảo hiểm của phương Tây.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, tiếp tục mua dầu của Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cái mà họ gọi là quan hệ đối tác không giới hạn trước cuộc chiến ở Ukraine.

Các nguồn tin cho biết siêu tàu dầu thứ năm, tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC), đang vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ. Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục mua dầu giá hạ của Nga trong khi nhiều bạn hàng phương Tây chuyển sang các nhà cung cấp khác.

Tất cả năm chuyến hàng đã được lên kế hoạch từ ngày 22/12 năm ngoái đến ngày 23/1 năm nay, theo các nguồn tin và dữ liệu theo dõi tàu của Eikon.

Mức trần giá dầu của G7 được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái cho phép các quốc gia bên ngoài Liên hiệp châu Âu nhập khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nhưng lại cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trừ khi được bán với giá dưới 60 đô la.

Giám đốc điều hành một công ty Trung Quốc có liên hệ với việc vận chuyển hàng nói: “Với giá Urals thấp hơn nhiều so với giá trần, hoạt động mua bán dầu Urals về cơ bản là hợp pháp”.

Khi Mỹ và các đồng minh cố gắng bóp nghẹt nguồn thu từ năng lượng của Moscow để hạn chế khả năng Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ đến châu Âu vào năm ngoái, chủ yếu sang châu Á.

Các chuyến đi dài hơn, giảm giá mạnh và giá cước vận tải cao kỷ lục đã ăn vào lợi nhuận nhưng việc sử dụng tàu chở dầu siêu lớn trên các tuyến châu Á giờ đây có thể cắt giảm chi phí vận chuyển.

Bộ năng lượng và vận tải Nga từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận, mặc dù Bắc Kinh trước đó đã gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12/1 rằng Ấn Độ sẽ mua dầu từ bất cứ nơi nào họ có thể có được giá rẻ nhất.

Nga quay sang châu Á

Nga đang gửi dầu Urals từ các cảng phía Tây của mình để trung chuyển tới các siêu tàu chở dầu Lauren II, Monica S, Catalina 7 và Natalina 7, tất cả các tàu treo cờ Panama hướng đến Trung Quốc, trong khi tàu Sao Paulo đã đến gần Ấn Độ, theo ba nguồn tin thương mại và dữ liệu của Eikon.

Theo dữ liệu Eikon và cơ sở dữ liệu hàng hải công cộng, Lauren II được quản lý bởi Công ty TNHH Greetee của Trung Quốc và thuộc sở hữu của công ty Maisie của Trung Quốc. Catalina 7 thuộc sở hữu của công ty Canes Venatici của Hong Kong và Natalina 7 thuộc sở hữu của công ty Astrid Menks của Hong Kong và cả hai đều được quản lý bởi công ty Runne của Trung Quốc, trong khi Monica S thuộc sở hữu của công ty Gabrielle của Trung Quốc và được quản lý bởi công ty Derecttor. Công ty Sao Paulo được sở hữu và quản lý bởi Rotimo Holdings có trụ sở tại Síp.

Không thể liên hệ ngay với chủ sở hữu và người quản lý vì thiếu thông tin công khai về họ.

Giám đốc điều hành của công ty Trung Quốc tham gia vào các chuyến hàng ước tính tổng cộng 18 siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và 16 tàu cỡ Aframax khác có thể được sử dụng để vận chuyển dầu thô của Nga vào năm 2023, đủ để vận chuyển 15 triệu tấn mỗi năm hoặc khoảng 10% tổng xuất khẩu dầu Urals.

Một VLCC có thể chở tới 2 triệu thùng, tàu Suezmax lên tới 1 triệu thùng và Aframax lên tới 0,6 triệu thùng.

Trong khi hầu hết dầu thô của Nga hiện đang hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bằng các tàu của Nga hoặc các nước không phải phương Tây, lệnh trừng phạt của G7 đã dẫn đến sự thiếu hụt các tàu chở dầu lớp phá băng nhỏ hơn - nhiều tàu thuộc các công ty của Hy Lạp và Na Uy - mà Nga cần để vận chuyển dầu thô của mình từ các cảng Biển Baltic vào mùa đông.

Theo các thương nhân, Nga và Trung Quốc không có đội tàu lớp phá băng lớn và việc sử dụng các VLCC của Trung Quốc giúp họ di chuyển dễ dàng từ các cảng Baltic để thực hiện chuyển hàng từ tàu sang tàu chở dầu lớn hơn ở vùng biển quốc tế.

Các hành xử này xuất hiện trong dữ liệu theo dõi của Eikon, bao gồm cả ở vùng biển quốc tế Địa Trung Hải, với các hoạt động nổi bật gần Ceuta, một thành phố tự trị của Tây Ban Nha trên bờ biển phía bắc châu Phi và Kalamata của Hy Lạp, một thành phố ở bán đảo Peloponnese ở miền nam Hy Lạp.

“Việc sử dụng tàu chở dầu hạng phá băng cho những quãng đường dài là cực kỳ tốn kém và không hợp lý,” một thương nhân ở thị trường châu Âu cho biết, giải thích lý do tại sao VLCC được sử dụng.

Một thương nhân khác nói chiến tranh Ukraine và các biện pháp trừng phạt đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tàu chở dầu nhỏ hơn và giảm giá cước đối với các tàu lớn, giúp giảm bớt một số chi phí phụ mà Nga phải đối mặt.

(Nguồn: VOA)

MỞ MẶT TRẬN CRIMEA ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CRIMEA

1. THAY ĐỔI BỘ MẶT CHIẾN TRANH

Đại tướng Sergei Shoigu là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga. Nhưng ông không phải là nhà quân sự. Bộ mặt quân sự Nga là Tổng tham mưu trưởng đại tướng Valery Gerasimov.

Giai đoạn đầu chiến tranh từ ngày 24/2/2022, chỉ huy quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là các tư lệnh quân khu. Nghĩa là để giải quyết Ukraine chỉ cần các quân khu. Nhưng liên tiếp thất bại về mục tiêu xâm chiếm Ukraine, ngày 8/10/2022 ông Putin đã phải bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, đại tướng Sergey Surovikin, làm tổng tư lệnh chiến trường. Nghĩa là phải dùng đến tư lệnh binh chủng, chứ không phải tư lệnh quân khu nữa.

Nhưng tư lệnh binh chủng Surovikin dù có chiến tích ở chiến trường Syria cũng không làm nên trò trống gì ở Ukraine ngoài thất bại rút khỏi Kherson. Ngày 11/1/2023, ông Putin bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đại tướng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường. Trong vòng chưa đầy 11 tháng, Nga đã 3 lần thay tư lệnh chiến trường. Lần thứ 3 là át chủ bài của quân đội Nga.

Trước ngày 11/1/2023, mọi quyết định lớn trên chiến trường đều phải báo cáo cho tướng Gerasimov. Hơn thế nữa, kế hoạch đánh chiếm Ukraine cũng có vai trò to lớn của Gerasimov. Thay đổi mục tiêu đánh chiếm cùng với kế hoạch tác chiến cũng dưới quyền chỉ huy của Gerasimov. Gerasimov cũng đã từng đi thị sát chiến trường Ukraine, bị Ukraine biết nên lên kế hoạch tiêu diệt, nhưng đã may mắn sống sót, phải vội vã rút ngay về Nga. Kể từ ngày 11/1/2023, tướng Gerasimov là người trực tiếp lên kế hoạch và thông qua kế hoạch. Mọi kết quả của Nga ở chiến trường Ukraine là do tướng Gerasimov trực tiếp chịu trách nhiệm.

Với việc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường, bộ mặt chiến tranh của Nga trên mặt trận đã thay đổi. Giờ đây, chỉ huy quân Nga trên chiến trường Nga – Ukraine, không phải là tư lệnh quân khu, cũng không phải tư lệnh binh chủng, mà là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga. Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến Nga – Ukraine không phải là các quân khu, cũng không phải là các binh chủng, mà là toàn bộ quân đội Nga. Bộ mặt chiến tranh của Nga ở Ukraine đã thay đổi toàn diện. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là cuộc chiến tranh của toàn bộ quân đội Nga.

Bổ nhiệm tướng Gerasimov làm Tổng tư lệnh chiến trường, ông Putin đã đưa bộ 3 hạt nhân Nga: Putin – Soigu – Gerasimov vào cùng một chiến hào.

2. MỞ RỘNG LÃNH THỔ LÀ MỤC TIÊU KHÔNG THAY ĐỔI CỦA ÔNG PUTIN

Ngay từ đầu chiến tranh 24/2/2022, mục đích thực sự của ông Putin đã bị lật tẩy. Chính phủ phát xít, mối đe doạ NATO, Ukraine là do Lenin tạo ra, Nga và Ukraine là một dân tộc… tất cả chỉ là cớ. Mục đích cuối cùng là lãnh thổ. Nhưng vì thất bại trên chiến trường mà ông Putin chia mục đích lãnh thổ ra nhiều mức. Tiểu mục đích là 4 tỉnh của Ukraine bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông Putin đã tuyên bố là lãnh thổ của Nga. Mục đích trung bình là cộng thêm các tỉnh miền Nam Ukraine gồm Mykolayiv, Odessa nối tới Transnistria của Mondova; biến toàn bộ miền Đông và Nam Ukraine thành của Nga. Mục đích lớn là đánh chiếm Kiev, xoá bỏ Ukraine.

Chiến sự đẫm máu khốc liệt ở Soledar và Bakhmut nói lên quyết tâm của ông Putin phải chiếm bằng được toàn bộ tỉnh Donetsk, một trong những tỉnh quan trọng nhất ở miền Đông Ukraine. Quân Wagner của Prigozhin gồm những tội phạm muốn thoát án tử hình nên liều lĩnh, gồm những kẻ chuyên nghiệp đánh thuê kiếm tiền nên thiện nghệ. Đó là đội quân tinh nhuệ hạng nhất của phía Nga, vượt xa cả quân chính quy Nga. Prigozhin muốn chiếm được một thành phố dù nhỏ để chứng tỏ trước Putin. Putin đang muốn có một chiến thắng, một dịch chuyển chiến tuyến lên phía trước dù vài kilomet để lấy tinh thần. Vì thế, phía Nga đang dồn binh khí cho Wagner để quyết chiếm Soledar và Bakhmut. Nhưng phía Ukraine không thể lùi. Bởi thế, chiến trường Soledar và Bakhmut vô cùng đẫm máu.

Ông Putin không có ý định dừng ở Bakhmut. Phía Nga đã mở rộng tuổi tòng quần từ 21- 30 tuổi. Sau đợt động viên 300.000 cuối năm 2022, phía Nga rồi sẽ huy động thêm nhiều đợt tuyển quân mới. Quân đội Nga sẽ tăng lên 1,5 – 2 triệu quân và hơn thế nữa để cho ông Putin giành cho được trọn 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông đã vội vã tuyên bố là lãnh thổ Nga.

Rất tỉnh táo, lãnh đạo Ukraine cũng như nguyên thủ nhiều nước đã xác định rõ ràng, rằng không thể có đàm phán khi phía ông Putin có lợi thế hay cầm cự được trên chiến trường. Đàm phán trong điều kiện Ukraine phải chấp nhận đất bị Nga tạm thời chiếm đóng là lãnh thổ của Nga là điều hoang tưởng. Đề nghị đàm phán của phía ông Putin chỉ để kéo dài thời gian giúp quân đội Nga tập trung lực lượng mới, rồi mở đợt tấn công mới. Ông Putin phải bị đánh bại, hay trên đường đi đến đại bại, thì mới có thể ngồi vào bàn đàm phán.

3. MỞ MẶT TRẬN CRIMEA LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CRIMEA

Crimea mà ông Putin chiếm đoạt của Ukraine từ năm 2014 là vấn đề nan giải nhất cho kết thúc chiến tranh Nga – Ukraine. Không ít các nguyên thủ quốc gia lo sợ khi Ukraine giải phóng Crimea thì ông Putin sẽ sử dụng bom nguyên tử. Nhưng Ukraine kiên quyết không từ bỏ lãnh thổ, không tử bỏ Crimea để đổi lấy hoà bình. Đàm phán hoà bình để quay lại tình trạng biên giới trước ngày 24/2/202 là thất bại đối với Ukraine.

Ông Putin kiên quyết không đưa vấn đề Crimea vào danh mục đàm phán. Vậy cách tốt nhất để đưa Crimea vào đối tượng phải đàm phán là mở mặt trận Crimea ngay khi đang giao tranh trên toàn tuyến. Biến Crimea thành chiến trường như Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson thì mới trở thành đối tượng bắt buộc phải giải quyết trên bàn đàm phán. Giao tranh trên toàn tuyến chưa phân thắng bại không phải là lý do và tình thế để ông Putin liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Putin chưa đủ binh lực để thắng tại Soledar và Bakhmut. Tướng Gerasimov rồi cũng không thể xoay chuyển được thế trận. Mở thêm mặt trận Zaporizhizhyia – Kherson – Crimea sẽ làm cho lực lượng của tướng Gerasimov phải phân tán. Lấy lại một phần lãnh thổ Crimea là vấn đề Crimea không thể tách rời trong mọi giải pháp.

Các nhà nhà lãnh đạo Ukraine giàu lòng dũng cảm và thừa đủ sáng suốt biết phải làm gì để đi đến chiến thắng cuối cùng: giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới năm 1991.

4. CHIẾN THẮNG CỦA UKRAINE CÓ LỢI TRỰC TIẾP CHO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Sự hy sinh của nhân dân Ukraine chống lại sự xâm lược của Putin không những chỉ vì châu Âu, vì công lý, vì bảo vệ Hiến chương Liên Hợp quốc, mà còn góp phần giúp cho Đông Nam Á duy trì hoà bình, củng cố sức mạnh.

Nếu ông Putin thắng, ông Tập Cận Bình sẽ hành động ngang ngược ở Biển Đông. Sự thất bại của ông Putin làm cho ông Tập Cận Bình phải thay đổi chiến lược địa chính trị trên toàn thế giới, phải định hình lại quan hệ với Mỹ, phải chùn tay trong mưu toan dùng vũ lực ở Biển Đông.

Trung Quốc vừa bổ nhiệm Đại sứ tại Mỹ là Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tần Cương là người chủ trương phát triển quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ. Trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho đăng lại bài báo của Tần Cương trên Washington Post ngày 4/1/2023, khẳng định “Tương lai hành tinh phụ thuộc vào sự ổn định của quan hệ Trung – Mỹ” (“The planet’s future depends on a stable China – U.S. relationship”: https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202301/t20230105_11001104.html). Rằng “thế giới đủ rộng cho Trung Quốc và Mỹ để cả hai cùng phát triển và thịnh vượng”.

Ông Tập Cận Bình cũng bẻ lái trong quan hệ Trung – Nga. Trong cuộc trao đổi điện thoại đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/1/2023, theo lịch hẹn của Bộ trưởng Ngoai giao Nga Sergey Lavrov, ông Tần Cương đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc trong quan hệ với Nga. Thay vì chiến lược “ba không” trước đây là “không điểm dừng, không vùng cấm, không giới hạn” thì ông Tần Cương đã giải thích cho ông Lavrov quan điểm “ba không” mới của Trung Quốc là “không liên kết, không đối đầu, không nhằm vào các bên thứ ba”. Với sự thay đổi quan hệ này, hy vọng của ông Putin vào Trung Quốc xem như kết thúc. Ông Putin có thêm bài học về Trung Quốc, nhưng đã muộn.

Ông Tập Cận Bình đã nhìn thấy những tổn thất to lớn của Trung Quốc trong mấy năm qua khi quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng. Ông Tập cận Bình đã nhìn thấy cả thế giới phản ứng với ông Putin như thế nào. Là bậc thầy của chiến lược “toạ sơn quan hổ đấu”, Tập Cận Bình thừa biết không thể vì Putin mà để bị thế giới cô lập. Qua việc bổ nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tập Cận Bình gửi đi tín hiệu về sự đổi chiều trong quan hệ quốc tế.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc dựa trên các vũ khí sao chép của Liên Xô đã được chính Trung Quốc thức tỉnh từ thực tế của chiến tranh Nga – Ukraine. Sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của cả thế giới cho Ukraine, sự cô lập toàn diện đối với Putin là tấm gương cho Tập Cận Bình soi chiếu khi hành động quân sự ở Biển Đông. Ở mặt khác nữa, các nước Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia từ thực tế chiến sự Nga – Ukraine, đã rút ra bài học tức thời để thay đổi chiến lược mua sắm vũ khí và xây dựng lại quân đội.

Châu Âu chịu ơn nhân dân Ukraine. Nhân loại tiến bộ biết ơn nhân dân Ukraine. Các nước Đông Nam Á có biển bị đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm, nợ nhân dân Ukraine, không chỉ lời cảm ơn.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

PUTIN THAY NGỰA GIỮA DÒNG, BÁO HIỆU ĐIỀM XẤU CHO MOSCOW

(Ảnh minh hoạ).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thay tướng chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine – hiện đã kéo dài hơn 11 tháng mà không đạt được những mục tiêu mà Moscow đề ra. Hành động thay ngựa giữa dòng cho thấy Nga sẽ sớm đi tới một kết cục không như họ mong muốn.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư 11 tháng Giêng 2023, tướng Valery V. Gerasimov sẽ thay tướng Sergei Surovikin đảm trách cuộc chiến ở Ukraine chỉ ba tháng sau khi ông Surovikin nhận nhiệm vụ chỉ huy chiến trường. Tướng Gerasimov không phải là cái tên xa lạ; ông ta là một đồng minh lâu đời của Điện Kremlin, từng là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga từ năm 2012. Ông Gerasimov cũng suýt bỏ mạng hồi giữa năm nếu Mỹ không can thiệp kịp thời, ngăn chặn pháo binh Ukraine giội tên lửa xuống một tiền đồn của quân Nga khi họ được tình báo Mỹ cho biết tướng Gerasimov sẽ có mặt tại đó.

Đây là lần thay tướng chỉ huy thứ hai của Nga trong vòng ba tháng qua.

Ngay khi phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai 2022, ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cử tướng Gerasimov làm tư lệnh “chiến dịch quân sự đặc biệt”, với dự tính cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc sau khi quân Nga chiếm thủ đô Kyiv trong vòng ba ngày đến một tuần lễ.

Chiến dịch tấn công Kyiv từ hướng Bắc đã thất bại thảm hại, hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm xe tăng bị tiêu diệt, tướng Gerasimov buộc phải rút quân và dồn lực lượng Nga tấn công Ukraine từ hướng Đông, tập trung ở vùng Donbass giáp với Nga là nơi lực lượng ly khai của hai tỉnh Lugansk và Donetsk đã nổi dậy chống chính quyền trung ương Ukraine suốt chín năm qua.

Việc chuyển hướng tấn công sang miền Đông cuối cùng đã giúp quân Nga chiếm được một số vùng đất trong vùng Donbass, chiếm các thành phố có tầm quan trọng về chiến lược như Melitopol, Mariupol…và mở được một hành lang ven biển Azov, nối nước Nga với bán đảo Crimea bằng đường bộ. Nhưng quân Nga đã phải trả cái giá khủng khiếp về sinh mạng và vũ khí, đến mức Putin phải thực hiện lệnh động viên một phần thanh niên Nga để bổ sung cho đội quân xâm lược bị hao hụt quá lớn.

Rồi từ cuối mùa hè quân Ukraine phản công mạnh. Với những vũ khí tối tân nhận được từ phương Tây, quân Ukraine đã giành lại được nhiều vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, buộc quân Nga phải rút lui ở những vị trí chiến lược quanh vùng Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine, và thành phố Kherson ở miền Nam.

Quân Ukraine còn giáng những đòn bất ngờ như đánh chìm soái hạm Moskva của hải quân Nga trên Biển Đen, pháo kích làm hư hại nặng cây cầu huyết mạch qua eo biển Kerch tới Crimea. Khi cục diện chiến trường chuyển sang hướng bất lợi cho Nga, vào tháng Mười năm ngoái tướng Gerasimov bị Putin rút về hậu cứ và cử tướng Surovikin lên thay.

Sergei Surovikin khét tiếng là viên tướng tàn ác, từng san bằng một số thành phố nổi dậy của Syria trong cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước Trung Đông này. Nhận nhiệm vụ tư lệnh mặt trận Ukraine, Surovikin thay đổi chiến thuật: Ông ta tổ chức cuộc rút quân khá trật tự ra khỏi Kherson, đào hầm hào cố thủ để ngăn chặn đà tiến của quân Ukraine và đặc biệt ông ta mở chiến dịch pháo kích vào các công trình điện năng của Ukraine, từ các nhà máy điện, mạng lưới truyền tải điện cho tới hệ thống cung cấp nước và hơi sưởi ấm.

Ông ta sử dụng mọi thiết bị bay mà quân Nga có được, từ hỏa tiễn hành trình, phi cơ ném bom đến phi cơ không người lái mua được từ Iran. Nhiều thành phố của Ukraine ở miền Trung và miền Tây, cách xa chiến tuyến hàng trăm dặm, thậm chí giáp biên giới Ba Lan, cũng không thoát khỏi cơn mưa hỏa tiễn của quân Nga. Ý đồ của Surovikin là dùng mùa Đông làm một thứ vũ khí – khi người dân Ukraine không có điện, hơi ấm, thực phẩm trong cảnh băng giá thì ý chí chiến đấu của họ sẽ bị bẻ gãy, Ukraine sẽ phải chấp nhận những yêu sách lãnh thổ của Nga.

Tấn công dân thường không vũ khí và các cơ sở dân sự của đối phương là một tội ác chiến tranh, một thủ đoạn đê tiện mà những người tự trọng không bao giờ làm, nhưng Surovikin thì bất chấp, miễn sao ông chủ Điện Kremlin hài lòng.

Nhưng Surovikin không tính được sự kiên cường của người Ukraine và sự yểm trợ quốc tế mà họ nhận được. Ba tháng pháo kích liên tục vào các thành phố và mạng lưới điện chẳng những đã không khuất phục được người Ukraine mà còn làm cạn kiệt nhanh chóng kho hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Trong thời gian này, quân Ukraine còn tiến chiếm thêm nhiều vị trí thuộc tỉnh Kherson và vùng Donbass, liên tục tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và gây cho quân Nga những thiệt hại đáng kể.

Vụ pháo kích bằng hỏa tiễn tầm xa HIMARS của quân Ukraine vào một điểm tập trung quân Nga ở thành phố Makiivka trong vùng Donbass vào ngày đầu năm mới 2023 là một thất bại như thế: Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận có 89 binh sĩ thiệt mạng nhưng phía Ukraine cho rằng không dưới 400 tân binh Nga đã bị giết.

Một số nhà bình luận về chiến sự của Nga đánh giá Surovikin là viên tướng tàn bạo nhưng làm việc hiệu quả; thực tế chiến trường cho thấy nhận định đó không hẳn đúng. Bây giờ thì tướng Gerasimov đã quay lại vị trí tư lệnh mặt trận Ukraine của Nga, Surovikin chỉ trở thành một trong ba phó tướng của Gerasimov.

Về hành động thay tướng mới của Putin, một báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh bình luận đó “là sự thừa nhận rõ ràng rằng chiến dịch đã không đạt những mục tiêu chiến lược của Nga”, đồng thời lưu ý nó đang gây “bất mãn sâu sắc” trong giới chóp bu hiếu chiến và theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga, “những người ngày càng đổ lỗi cho Gerasimov đã điều hành tồi tệ cuộc chiến tranh” trong suốt 11 tháng qua.

Dara Massicot, một nhà phân tích chính sách cao cấp của RAND Corporation – tổ chức nghiên cứu chiến tranh nổi tiếng ở Washington DC, bình luận: “Họ [người Nga] đã cách chức một người có năng lực và thay bằng một kẻ bất tài nhưng tỏ ra trung thành. Cho dù chuyện gì đang xảy ra ở Moscow nó cũng cho thấy họ đã mất liên hệ với thực tế đang diễn ra trên mặt trận Ukraine”.

Và đó có thể là điềm báo ngày thất bại của Nga không còn xa.

(Nguồn: Bauxite Việt Nam)

(Xem thêm:

=> Kinh tế toàn cầu bấp bênh; Ác mộng ngành ngân hàng; Vụ ông Abe bị ám sát; Mắc kẹt ở Soledar; Cuộc chiến ở Phi ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang