Rạp phim kèm lẩu nợ rộ ở TQ; 100 xe đâm liên hoàn; Khổ như đàn ông Nhật; Lính Ukraine đầu hàng; Cơ hội mới cho Dải Gaza

Rạp phim phục vụ lẩu nở rộ ở Trung Quốc

Các "rạp phim lẩu", nơi khán giả có thể vừa ăn lẩu vừa xem điện ảnh, đang nở rộ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu.

Các video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy bên trong một nơi giống rạp chiếu phim bình thường ở Thành Đô, Tứ Xuyên, mỗi chỗ ngồi đều lắp một bàn có gắn bếp từ. Thực khách có thể vừa nhúng rau, thịt vào nồi nước sôi sùng sục trên bàn, vừa xem phim trên màn ảnh lớn.

Trước khi chiếu phim, nhân viên sẽ sắp xếp nguyên liệu món lẩu lên bàn theo yêu cầu đặt trước. Khi tới nơi, khách hàng chỉ cần bật công tắc để tự phục vụ. Khi phim bắt đầu chiếu, đèn trong rạp mờ đi, nhưng mỗi bàn đều lắp hai chiếc đèn ngủ nhỏ, để đảm bảo khách hàng vẫn nhìn thấy đồ ăn và nồi lẩu mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim.

Các rạp chiếu phim sử dụng nồi lẩu nhỏ hơn, nước vị thanh đạm hơn. Trần nhà được lắp nhiều ống thông gió để đảm bảo thoáng khí. Nhân viên các nhà hàng cho hay dù trang trí giống rạp chiếu phim, các cơ sở này hoạt động như nhà hàng, chỉ thêm tính năng màn ảnh rộng để phục vụ thực khách thích vừa ăn vừa xem phim.

Những nhà hàng kiểu này đang nở rộ tại các thành phố lớn ở Trung Quốc như Quảng Châu, Bắc Kinh, Thành Đô, Thanh Đảo... đem tới trải nghiệm mới lạ cho người yêu ẩm thực và phim ảnh, đồng thời tạo cơn sốt trên mạng xã hội.

"Đây là chỗ nào thế, tôi muốn đi", một tài khoản có tên Quả cam nhỏ viết dưới bài đăng giới thiệu trải nghiệm ăn lẩu xem phim ở Thành Đô, Tứ Xuyên.

"Tôi đã trải nghiệm rạp chiếu phim lẩu ở Tô Châu. Vừa ăn vừa xem, quả thật rất vui", tài khoản Tiffany viết và đăng ảnh trên Weibo.

Cũng có những người bày tỏ nghi ngờ về mô hình này. "Tôi không làm được. Tôi phải tập trung khi xem phim, như thế này tôi sẽ mải ăn mà không để ý màn hình mất", một người viết.

Hơn 100 xe ô tô đâm liên hoàn ở Tô Châu (Trung Quốc)

Sáng nay (23/2), một vụ đâm xe ô tô liên hoàn đã xảy ra trên một đoạn cầu vượt ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Hơn 100 chiếc xe đã đâm vào nhau khiến 9 người bị thương.

Theo thông báo mới nhất của cảnh sát địa phương, vào khoảng 7h sáng 23/2 (giờ địa phương), một vụ đâm xe liên hoàn đã xảy ra trên đoạn cầu vượt gần Khu công nghiệp Tô Châu, khiến 9 người bị thương. Hiện tuyến đường này đã được thông xe và nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.

Trong khi đó, theo truyền thông Trung Quốc, số xe đâm vào nhau lên tới hơn 100 chiếc. Nguyên nhân có thể là do đường đóng băng gây trơn trượt.

Miền Đông và Trung Trung Quốc đang trải qua đợt thời tiết mưa, tuyết và đóng băng khắc nghiệt. Chiều qua (22/2), Đài Khí tượng Tô Châu vừa phát đi cảnh báo đường đóng băng màu vàng, với dự báo hiện tượng đường xá đóng băng ảnh hưởng đến giao thông sẽ xảy ra trên nhiều đoạn cầu đường do mưa và nhiệt độ thấp.

Không chỉ Tô Châu, toàn tỉnh Giang Tô và nhiều địa phương ở các tỉnh Hồ Bắc, Chiết Giang, Giang Tây... cũng ban bố các cảnh báo đường đóng băng màu cam và màu vàng, mức nghiêm trọng thứ 2 và 3 trong thang cảnh báo 4 cấp theo màu ở Trung Quốc. Riêng tỉnh Giang Tô, lượng mưa, tuyết hàng ngày tại 8 trạm quan trắc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 2 kể từ khi thành lập. Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, hiện tượng mưa, tuyết và băng giá đã xảy ra tại đây từ 18/2, với đặc điểm thời tiết phức tạp, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Cơ quan khí tượng đã phải nhắc nhở các đơn vị giao thông, công an... làm tốt công tác ứng phó khẩn cấp với đường xá đóng băng, khuyến cáo lái xe thực hiện các biện pháp chống trượt, tuân thủ chỉ dẫn và lái xe chậm.

Sáng 23/2, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo nhiệt độ thấp màu vàng trên cả nước. Theo dự báo của cơ quan này, trong một tuần tới, tình trạng nhiệt độ thấp sẽ tiếp tục xuất hiện ở nhiều vùng lãnh thổ nước này. Nền nhiệt thấp nhất 0°C kéo dài xuống tận khu vực miền Nam, gồm phía Nam Quý Châu, phía Bắc Giang Tây và phía Bắc Quảng Tây - địa phương gần Việt Nam.

Khổ như đàn ông Nhật Bản: Bị ép phải ‘nam tính’, mất dần vai trò trong xã hội, khát khao được tự do đến mức phải tự ‘giải thoát’

‘Làm đàn ông quá khổ’ khi nam giới Nhật Bản tự tử nhiều gấp đôi phụ nữ.

Tờ Economist cho hay Fukushima Michihito là một người đàn ông Nhật Bản yêu thương bạn gái của mình, muốn đi đến hôn nhân. Thế nhưng cách đây 10 năm, một căn bệnh quái ác khiến ông Fukushima phải nghỉ làm và cuối cùng chia tay người yêu.

"Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu không thể nuôi gia đình thì chẳng nên kết hôn làm gì", ông Fukushima nhớ lại.

Thế rồi người đàn ông số khổ này bất chợt nhận ra có quá nhiều cánh mày râu ở Nhật Bản cũng đang phải chịu đựng áp lực tương tự khi bị ép buộc đảm nhận vai trò nam giới trong xã hội truyền thống.

Theo đó, người đàn ông phải hành xử "nam tính" trong mắt người khác bất kể nó có khó chịu hay trái với phong cách cá nhân đi chăng nữa. Tiếp đó là áp lực chăm lo gia đình cùng vô số những quy tắc truyền thống khác chẳng kém gì phụ nữ.

Hiện ông Fukushima đang điều hành một đường dây nóng cho nam giới ở thành phố Osaka, nơi chuyên tư vấn cũng như khuyến khích đàn ông thảo luận, xả stress về những áp lực cuộc sống đời thường tại Nhật Bản.

Làm đàn ông quá khổ

Theo Economist, mối quan hệ nam nữ tại Nhật Bản đang thay đổi rất lớn khi tỷ lệ kết hôn giảm và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động. Hệ quả là cánh mày râu đang mất dần vai trò trong xã hội khi không còn là trụ cột gia đình.

Trớ trêu thay, tư tưởng nam giới phải làm chủ gia đình vẫn còn ăn sâu trong xã hội truyền thống Nhật Bản, khiến cánh mày râu nước này ngày một áp lực hơn.

Năm 2022, chỉ có khoảng 17% nam giới được nghỉ phép chăm con so với 80% của phụ nữ.

Tương tự, khảo sát của Lean In Tokyo năm 2022 cho thấy 60% đàn ông Nhật Bản cảm thấy lúng túng tại nơi làm việc vì bị ép cư xử nam tính theo tư tưởng truyền thống Nhật Bản bất chấp chúng đi ngược lại phong cách cá nhân.

Bị cạnh tranh trên thị trường lao động, bị gò ép vì các quy tắc ứng xử nam tính, áp lực phải chăm lo gia đình khiến cánh mày râu Nhật Bản không chỉ có tỷ lệ tự tử cao nhất nhóm G7 mà còn cao gấp đôi so với phụ nữ.

Đường dây nóng mà ông Fukushima giúp điều hành được thành lập vào năm 1995 với mục tiêu chủ yếu là giảm thiểu bạo lực gia đình bằng cách tạo cơ hội cho cánh mày râu đang căng thẳng, lo lắng có thể bày tỏ nỗi bất bình của mình với một người lạ kín đáo.

Kể từ đó, đường dây nóng này đã nhận được vô số cuộc gọi về nhiều mối quan tâm khác nhau, từ các mối quan hệ yêu đương, tình dục cho đến công việc.

"Ngày càng có nhiều đàn ông cảm thấy mệt mỏi với việc cư xử theo phong cách nam tính và muốn được tự do", ông Fukushima nói.

Nhận thức được vấn đề, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thúc đẩy các chương trình tư vấn cho nam giới kể từ năm 2010 và hiện có hơn 80 trung tâm tư vấn cung cấp dịch vụ như thế này trên toàn quốc.

Vai trò giới tính

Tại Nhật Bản, vai trò giới tính truyền thống là người chồng làm công ăn lương và người mẹ nội trợ đã được củng cố trong thời kỳ bùng nổ kinh tế kéo dài hậu Thế chiến II.

Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1970 và nền kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng, vai trò giới tính truyền thống cứng nhắc đó bắt đầu bị phá bỏ do du nhập tư tưởng văn hóa phương Tây.

Thêm nữa, việc ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia làm việc để ứng phó với tình trạng kinh tế trì trệ và thiếu hụt lao động đã làm đảo lộn các quan điểm giá trị truyền thống Nhật Bản.

Giờ đây, người đàn ông không còn là trụ cột duy nhất của gia đình, nhưng họ vẫn bị ép buộc bởi tư tưởng truyền thống để cố gắng thể hiện sự nam tính vượt trội.

Hậu quả là mâu thuẫn xảy ra do đàn ông ngày một chịu nhiều áp lực hơn từ công việc cho đến gia đình.

Tuy nhiên thay vì điều tiết cốt lõi của vấn đề, tờ Economist cho hay chính quyền Tokyo đã cố gắng vượt qua khủng hoảng bằng cách kéo dài thời gian làm việc của nam giới.

Tiếp đó, sự thổi phồng "nền kinh tế bong bóng" vĩ đại của thập niên 1980 đã làm lu mờ những bất cập trong vai trò giới tính tại Nhật Bản.

Nhà xã hội học Tanaka Toshiyuki nói với Economist rằng trong khi các nước phương Tây trải qua điểm chuyển tiếp về vai trò quan hệ giới tính thì Nhật Bản lại bỏ lỡ cơ hội để thay đổi.

Hậu quả là khi bong bóng xì hơi, nền kinh tế giảm tốc kể từ thập niên 1990 thì Nhật Bản đã không còn đủ sức lực để giải quyết thách thức trên.

Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản bắt đầu sụt giảm mạnh, ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản tham gia lực lượng lao động còn nam giới phải gánh vác thêm việc gia đình. Sự mất vai trò trong quan điểm truyền thống này đã tạo nên vô số mâu thuẫn, bạo lực gia đình và gia tăng tỷ lệ tự sát.

Muộn màng

Năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy tư tưởng Ikumen, vốn là sự kết hợp giữa Ikuji (nuôi dạy con cái) và Ikemen (người đàn ông tuyệt vời), nhằm thay thế cho quan điểm truyền thống cũ kỹ.

Thế nhưng việc thay đổi tư tưởng trong một xã hội già hóa quá nhanh là điều không tưởng, khi văn hóa về vai trò giới tính đã ăn quá sâu.

Ngay cả các ông cụ đã về hưu ở Nhật Bản cũng tham công tiếc việc, thà đi làm chứ không chịu ở nhà nội trợ, giúp đỡ bạn đời hay trông cháu cho con cái.

Thành phần này bị ví như "chiếc lá ướt dính vào giày" (Nureochibazoku), vì không có sở thích riêng hay bạn bè gì nhiều mà chỉ có công việc hoặc bám lấy bạn đời cả ngày để được chăm sóc.

Một số tạp chí Nhật Bản thậm chí gọi đây là "Hội chứng chồng về hưu" (Retired Husband Syndrome) để nói về những đàn ông làm việc cả đời để rồi cuối cùng nhận ra họ chẳng thuộc về gia đình.

Sự xa cách với vợ con khiến nhiều ông lão trở thành gánh nặng của gia đình khi về hưu.

Thế nhưng thay vì bày tỏ nỗi lòng đau xót này thì tư tưởng "nam tính" lại buộc người cao tuổi Nhật Bản im lặng chịu đựng, không bộc lộ sự yếu đuối của mình.

Ông Fukushima cho biết rất nhiều nam giới cao tuổi gọi đến đường dây nóng để bày tỏ sự bực bội của mình khi bị sỉ nhục bởi chính gia đình.

Ngay cả bản thân ông Fukushima khi được hỏi nếu được lựa chọn lại thì vẫn sẽ chia tay bạn gái.

"Ngay cả khi tôi đồng ý trở thành một ông chồng lo nội trợ việc nhà thì vợ tôi sẽ nghĩ gì? Những người hàng xóm xung quanh sẽ nghĩ gì?", ông Fukushima than thở.

Lính Ukraine đầu hàng, rút quân ồ ạt khỏi thành trì Avdiivka

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân nhân Ukraine ở Avdiivka đầu hàng hàng loạt sau khi Moscow tuyên bố kiểm soát thành phố này.

Theo hãng tin Tass, Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/2 cho biết, lực lượng Moscow đã ghi nhận tình trạng đầu hàng hàng loạt của quân nhân Ukraine ở thành phố Avdiivka.

"Chúng tôi đã bắt khoảng 200 tù binh chiến tranh sau cuộc truy quét và theo thông tin nhận được, chúng tôi dự định truy tìm khoảng 100 tù binh trong những ngày tới", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine đã bị đẩy lùi hơn 10km sau khi Moscow tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka.

"Tư lệnh Quân khu Trung tâm, tướng Andrey Mordvichev, đã báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Nga rằng đối phương đã bị đẩy lùi khỏi các vị trí trấn giữ hơn 10km trong chiến dịch kiểm soát Avdiivka. Quân đội Nga tiếp tục tiến về các vị trí của họ", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã chỉ đạo cung cấp tất cả nguồn lực cần thiết cho lực lượng ở Avdiivka.

"Bất chấp những lời phàn nàn của chính quyền Kiev về tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng, cường độ hoạt động pháo binh của đối phương không hề suy giảm", tướng Mordvichev báo cáo.

Theo Lữ đoàn xung kích độc lập số 3 của Ukraine, Nga đang tìm kiếm "điểm yếu" của lực lượng phòng vệ Ukraine trên mặt trận Avdiivka.

"Đối phương đang cố gắng tìm xem điểm yếu của chúng tôi ở đâu. Họ đang tiến hành các cuộc tấn công ở những nơi khác nhau. Có vẻ như quân đổ bộ luân chuyển liên tục. Họ liên tục đưa quân vào. Nhưng họ chưa đạt được bước tiến nào. Đó chỉ là nỗ lực để tìm hiểu những điểm yếu của chúng tôi", Oleksandr Borodin, người phụ trách truyền thông của Lữ đoàn xung kích độc lập số 3, cho biết.

Ông Borodin lưu ý rằng Nga đang cố gắng tiếp cận "các vị trí của Ukraine" theo nhóm nhỏ. Do vậy, "những người còn sống sót sẽ bị bắt".

Lữ đoàn xung kích độc lập số 3 của Ukraine cũng đăng một đoạn video ghi lại trận chiến vào ban đêm trên mặt trận Avdiivka, đồng thời thông báo 35 lính Nga đã thiệt mạng và 9 người khác bị bắt giữ.

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết Nga đã tiến hành chiến dịch giành quyền kiểm soát Avdiivka với tổn thất tối thiểu. Ông nói rằng quân đội Nga đã thực hiện 460 cuộc tấn công mỗi ngày vào thành phố, tương đương 200 tấn đạn dược.

Theo ông Shoigu, đoạn video quay từ máy bay không người lái của Nga cho thấy quá trình rút quân của Ukraine khỏi Avdiivka diễn ra hỗn loạn. Ông xác nhận khoảng 2.400 quân nhân Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến giành Avdiivka vào ngày 17-18/2.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết ông quyết định rút quân khỏi Avdiivka "để tránh bị bao vây và bảo toàn tính mạng cũng như sức khỏe của các quân nhân".

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sau khi kiểm soát Avdiivka, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục tấn công nhằm "tiếp tục kiểm soát hơn nữa Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng) khỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine".

Ukraine cho biết quân đội Nga đã tiến hành nhiều cuộc tấn công về phía tây Avdiivka nhằm giành thêm nhiều lợi thế trên chiến trường.

Avdiivka thuộc Donetsk, được coi là cửa ngõ vào vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Đây là mắt xích quan trọng trong kế hoạch của Nga nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.

Cơ hội mới cho Dải Gaza

Israel vừa quyết định cử phái đoàn tham gia các cuộc đàm phán tại thủ đô Paris - Pháp vào cuối tuần này về một thỏa thuận tiềm tàng liên quan đến ngừng bắn và thả con tin tại Dải Gaza

Theo hãng tin Reuters hôm 23-2, dẫn đầu phái đoàn Israel là ông David Barnea, Giám đốc cơ quan tình báo Mossad.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Willam Burns, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Giám đốc Cơ quan tình báo Ai Cập Abbas Kamel cũng tham gia các cuộc gặp ở Paris.

Nỗ lực ngoại giao dường như đang được đẩy nhanh trong bối cảnh tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đến gần (bắt đầu từ ngày 10-3).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các bên đang tập trung mạnh mẽ vào nỗ lực đạt thỏa thuận dẫn đến việc phóng thích số con tin còn lại đang nằm trong tay nhóm vũ trang Hamas và lệnh ngừng bắn nhân đạo.

Theo tờ The New York Times, tiến trình đàm phán dường như gặp bế tắc vào tuần rồi sau khi các cuộc thảo luận ở thủ đô Cairo - Ai Cập không đạt đột phá.

Các nhà thương thảo Israel đã được rút về và Thủ tướng Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất "ảo tưởng" của Hamas về lệnh ngừng bắn kéo dài 4 tháng rưỡi và sẽ kết thúc với việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza.

Tuy nhiên, ông Benny Gantz, thành viên nội các thời chiến Israel, hôm 21-2 nhận định đang có "những dấu hiệu ban đầu hứa hẹn" về thỏa thuận thả con tin. Một ngày sau đó, ông Brett McGurk, Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ, đã gặp các quan chức ở Ai Cập và Israel để thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Vào đầu tuần này, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo đó kêu gọi ngừng bắn tức thì ở Dải Gaza. Lý do được Washington đưa ra là nghị quyết này có thể làm gián đoạn tiến trình đàm phán.

Một nguồn tin cho tờ The New York Times biết cả Israel và Hamas đều sẵn sàng thương thảo về một thỏa thuận tạm thời, theo đó trao đổi 35 con tin Israel có sức khỏe yếu hoặc tuổi cao để lấy một số lượng tù nhân Palestine.

Trong khi đó, ông Sami Abu Zuhrib, quan chức cấp cao Hamas, cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm vì tiến trình đàm phán không đạt tiến triển. Ông này cũng cho rằng Israel đã đổi ý về các điều khoản mà nước này chấp nhận trong đề xuất ngừng bắn được đưa ra ở Paris hồi đầu tháng 2.

Hamas cũng cho biết thêm thủ lĩnh của mình, ông Ismail Haniyeh, đã đến Ai Cập trong tuần này để thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có cứu trợ dân thường và chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, trao đổi con tin lấy tù nhân Palestine bị giam giữ ở Israel…

Theo Reuters, chuyến đi kéo dài 3 ngày nói trên của ông Haniyeh là dấu hiệu mạnh mẽ nhất trong nhiều tuần qua về việc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Đã xuất hiện hy vọng chuyến đi này có thể giúp mang lại thỏa thuận ngừng bắn kịp thời để ngăn Israel đưa quân đội đổ bộ vào TP Rafah ở Dải Gaza. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Israel không có bước đi này vì lo ngại khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra tại Rafah, thành phố giáp biên giới Ai Cập.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hôm 22-2 nhấn mạnh cần quan tâm đến sự an toàn và an ninh của hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn tại Rafah.

Nguồn: Vnexpress; Kenh14; CafeF; Dân Trí; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang