Nửa số hồ trên thế giới khô cạn; Giấc mơ của nước Nhật; Thượng đỉnh G7; NATO hành động không ngờ với Nga; Bầu cử Thái Lan

Hơn một nửa hồ trên thế giới khô cạn

(Ảnh minh họa).

Hơn một nửa hồ trên thế giới bị khô cạn, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguồn nước cho nông nghiệp và thủy điện.

Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia quốc tế được đăng tải trên tạp chí Science hôm 18/5, những thay đổi về lượng mưa, dòng chảy, bồi lắng và nhiệt độ tăng cao khiến mực nước tích trữ của khoảng 53% hồ toàn cầu suy giảm, với tốc độ mất nước lên tới 22 tỷ tấn/năm trong giai đoạn 1992-2020.

Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về nguồn nước cho nông nghiệp và thủy điện. Gần 2 tỷ người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng này, trong khi nhiều khu vực rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn nước những năm gần đây.

Nghiên cứu chỉ ra, việc con người sử dụng thiếu tính bền vững khiến nhiều hồ khô cạn, như Biển Aral ở Trung Á, Biển Chết ở Trung Đông. Trong khi đó, các hồ ở Afghanistan, Ai Cập, Mông Cổ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng.

Fangfang Yao, một trong các tác giả của nghiên cứu cho biết, khoảng 56% sự sụt giảm của các hồ tự nhiên là do khí hậu nóng lên và do cách tiêu thụ của con người, trong đó yếu tố khí hậu là chủ yếu.

Giới khoa học cho rằng, các khu vực khô cằn trên thế giới sẽ trở nên khô hạn hơn do biến đổi khí hậu và các khu vực ẩm ướt sẽ trở nên ẩm ướt hơn, nhưng nghiên cứu cho thấy lượng nước mất đi đáng kể ngay cả ở những vùng ẩm ướt.

Các nhà hoạt động môi trường và giới nghiên cứu từ lâu khuyến cáo cần ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

(Nguồn: Dân Trí)

Giấc mơ của nước Nhật

Nhật Bản muốn một thế giới không hạt nhân, nhưng quốc gia này có thể đối diện với cuộc thảo luận về tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đưa hội nghị thượng đỉnh G7 tới quê hương ông ở Hiroshima để thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thay vào đó, các đồng minh của Mỹ dự kiến thảo luận về việc triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tới khu vực để đối phó với thách thức chung.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7, giấc mơ bấy lâu của ông Kishida về “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” sẽ phải đối mặt với thực tế có liên quan tới những thách thức an ninh từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Họ đều là những nước láng giềng của Nhật Bản và sở hữu khoảng một nửa số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Sự tương phản thậm chí còn đậm nét hơn khi các nhà lãnh đạo từ những quốc gia giàu nhất thế giới ngày 19/5 tới thăm công viên hòa bình, nơi từng là “vùng đất số không” của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên cách đây 78 năm.

Phía sau những cánh cửa đóng kín

Họ cũng có thể gặp những người như bà Yoshiko Kajimoto, hiện 92 tuổi. Bà từng sống ở Hiroshima khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào năm 1945. Bà những tưởng bản thân sẽ chết trong một tia chớp trắng.

“Trong hội nghị thượng đỉnh này, tôi muốn mọi người nghiêm túc tìm cách xóa bỏ hạt nhân. Tôi không muốn điều đó được giải quyết chỉ với việc nói sẽ cân nhắc hoặc những lời mơ hồ”, bà khẳng định.

Tuy nhiên, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về biện pháp mở rộng “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ dành cho các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc - những quốc gia không có vũ khí nguyên tử của riêng mình.

Ba nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima. Giới chức Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ tham dự hội nghị G7 năm nay với tư cách khách mời, Yonhap đưa tin.

Ankit Panda, thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định những người ra quyết định ở các quốc gia Đông Bắc Á ngày càng lo ngại về khả năng dùng vũ khí hạt nhân để cưỡng ép trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

“Do đó, họ đã tăng gấp đôi khả năng phòng thủ độc lập của chính mình, bên cạnh các liên minh với Mỹ”, ông chia sẻ.

Bên cạnh những thách thức từ Nga, kho dự trữ đầu đạn và tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các ngoại trưởng G7, khi họ nhóm họp vào tháng trước.

Trong báo cáo vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nguồn cung đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh đã vượt 400 và dự kiến đạt khoảng 1.500 đầu đạn vào năm 2035.

Triều Tiên cũng đang thử nghiệm các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế để vươn tới lục địa Mỹ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có đông quân nhân Mỹ đồn trú trong khu vực.

Ông Kim Jong Un đã yêu cầu Triều Tiên củng cố năng lực răn đe của mình một cách "thực tế và chủ động" để chống lại những động thái từ Mỹ và Hàn Quốc.

Trong khi đó, các tuyên bố của G7 cũng thường nêu bật những lo ngại khác liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tham vọng nguyên tử của Iran. Các nhà lãnh đạo của nhóm này đã cố gắng thuyết phục Điện Kremlin thực thi hiệp ước New START về hạn chế kho vũ khí hạt nhân.

Tín hiệu với người dân Hiroshima

Ông Nobumasa Akiyama, Trưởng khoa Chính sách công và Quốc tế tại Đại học Hitotsubashi, nhận định các nhà lãnh đạo G7 có thể sẽ cố gắng làm hài hòa lời kêu gọi giải trừ hạt nhân của ông Kishida và nhu cầu chống lại các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng trên toàn cầu.

Theo ông, họ có thể sẽ đưa ra thông điệp hướng tới các quốc gia như Nga và Trung Quốc rằng “không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào”.

Trong năm qua, Mỹ đã đưa nhiều khí tài có khả năng tấn công hạt nhân đến gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Chẳng hạn, một nhóm tàu sân bay Mỹ có chuyến thăm đầu tiên tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên sau 5 năm, theo sau đó là ba chuyến thăm nữa. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tổ chức huấn luyện chung về đánh chặn tên lửa và săn tàu ngầm.

Nhiều động thái phô trương sức mạnh cũng sắp chuẩn bị diễn ra. Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, Tổng thống Yoon và ông Biden đã nhất trí tăng cường các biện pháp răn đe mở rộng, bao gồm cả việc triển khai thường các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân thường xuyên hơn tới khu vực.

Theo giới chức Lầu Năm Góc, trong vài tháng tới, một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.

Tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tới 20 tên lửa đạn đạo D-5 Trident, được thiết kế để di chuyển mà không bị phát hiện. Những chỉ huy hiếm khi tiết lộ các cuộc cập cảng của chúng vì lo ngại về an ninh.

Mặc dù Washington đã hủy bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ nhiều thập kỷ trước, họ vẫn duy trì “kho vũ khí lớn nhất” của Mỹ trên thế giới ở đảo Guam.

Hòn đảo này là nơi đặt căn cứ Không quân Mỹ, với các máy bay ném bom có khả năng thực hiện những cuộc tấn công hạt nhân ở Triều Tiên và xa hơn nữa.

Khi Trung Quốc và Triều Tiên tung ra các tên lửa mới có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, chính quyền ông Biden đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 1,5 tỷ USD trên đảo Guam, John Plumb, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng về chính sách không gian, nói với một ủy ban Thượng viện Mỹ trong tháng này.

Tất cả điều đó đã không mang đến tín hiệu tốt cho cư dân của Hiroshima, những người muốn các nhà lãnh đạo G7 cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân một lần và mãi mãi.

“Chúng ta không thể tạo ra một thế giới mà không dựa vào vũ khí hạt nhân ư? Bây giờ là lúc để xem xét làm thế nào chúng ta có thể thực sự đạt được điều đó”, Kazumi Matsui, Thị trưởng thành phố Hiroshima, cho hay.

(Nguồn: Zing News)

Thượng đỉnh G7: Ai tham gia, bàn chuyện gì?

(Ảnh minh họa).

Các nhà lãnh đạo của bảy nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới sẽ tập trung vào cuối tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước G7 ở Hiroshima, địa điểm xảy ra vụ tấn công nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào cuối Thế chiến Thứ hai.

Thượng đỉnh G7 là gì?

Nhóm Bảy nước là một nhóm không chính thức gồm các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu. Nhóm bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Năm nay đến lượt Nhật Bản tổ chức, nhưng chức chủ tịch hội nghị thượng đỉnh G7 luân phiên giữa bảy thành viên. Hai đại diện của Liên hiệp châu Âu cũng tham gia.

Theo thông lệ trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G7 và các tổ chức quốc tế cũng sẽ tham gia một số phiên họp.

Các nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và giới tính.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1975, khi Pháp tổ chức cuộc họp Nhóm Sáu nước để thảo luận về việc giải quyết suy thoái kinh tế sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Canada trở thành thành viên thứ bảy một năm sau đó. Nga tham gia để thành lập G8 vào năm 1998 nhưng đã bị trục xuất sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.

Các ‘khách mời’

Năm nay, các nhà lãnh đạo của Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam được mời, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển ở cái gọi là Nam bán cầu và các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Lời mời tới các nhà lãnh đạo bên ngoài G7 nhằm mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia hơn.

Thị phần của các nước G7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 30% so với khoảng 50% vào bốn thập niên trước. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã đạt được những thành tựu to lớn, làm dấy lên câu hỏi về tầm quan trọng của G7 và vai trò của nó trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng ở các quốc gia kém giàu có hơn.

Các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng được mời.

Tại sao tổ chức ở Hiroshima?

Hiroshima là quê hương của ông Kishida. Sự lựa chọn địa điểm của ông nhấn mạnh quyết tâm đặt giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Con đường giải trừ hạt nhân dường như khó khăn hơn với các mối đe dọa vũ khí hạt nhân gần đây của Nga ở Ukraine, cũng như sự phát triển hạt nhân và phi đạn của Trung Quốc và Triều Tiên.

Nhật Bản, được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng cam kết giải trừ hạt nhân của họ là một lời hứa suông. Ông Kishida đang cố gắng tạo ra một lộ trình thực tế giữa thực tế khắc nghiệt hiện tại và lý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ông Kishida ngày 19/6 sẽ chào đón các nhà lãnh đạo đến Công viên Hòa bình Hiroshima. Ông cũng có kế hoạch hộ tống các nhà lãnh đạo tới bảo tàng bom nguyên tử và có thể sẽ có một cuộc gặp gỡ với những người sống sót sau bom nguyên tử.

“Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt thực tế một cách hùng hồn,” ông Kishida nói ngày 13/5 trong chuyến thăm tới Hiroshima để quan sát công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.

Vấn đề hàng đầu là gì?

Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga với Ukraine trong khi cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham gia phiên họp qua internet.

Ngoài ra, họ cũng sẽ tập trung vào các mối đe dọa leo thang của Bắc Kinh đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình, và các cách để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và kinh tế của các nền dân chủ phương Tây vào Trung Quốc.

Để giải quyết sự trỗi dậy của các quốc gia Nam bán cầu, bao gồm nhiều thuộc địa cũ của các cường quốc phương Tây có quan điểm khác nhau và mối quan hệ khác nhau với Nga và Trung Quốc, G7 sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia này về y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng để phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Còn gì khác nữa?

Trong một sự kiện được theo dõi chặt chẽ bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Kishida sẽ cùng gặp với Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận về hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, có thể bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn.

Ông Kishida và ông Yoon sẽ cùng nhau bày tỏ lòng tôn kính tại đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử Hàn Quốc ở Hiroshima trong một cử chỉ xây dựng lòng tin khi hai nước hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp bắt nguồn từ chế độ cai trị thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

(Nguồn: VOA)

NATO có bước đi không ngờ với Nga

NATO chuẩn bị phê duyệt hàng ngàn trang kế hoạch quân sự bí mật lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh về việc phản ứng trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Động thái trên dự kiến diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào tháng 7 tới cho thấy một sự thay đổi cơ bản bởi trước đó NATO nhận thấy không cần phải vạch ra các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn trong nhiều thập kỷ. Liên minh quân sự này đã tham gia các cuộc chiến quy mô nhỏ ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cảm thấy nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến đẫm máu nhất châu Âu kể từ năm 1945 đang diễn ra ở Ukraine, NATO cảnh báo rằng họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi cuộc xung đột với một đối thủ như Nga có thể nổ ra.

Đô đốc Rob Bauer, một trong những quan chức quân sự hàng đầu của NATO, cho biết: "Sự khác biệt cơ bản giữa xử lý khủng hoảng và phòng thủ tập thể là không phải chúng ta mà chính đối phương quyết định thời gian xảy ra cuộc đối đầu. Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế về một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào".

Bằng cách vạch ra cái gọi là kế hoạch khu vực, NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia cách nâng cấp lực lượng và hậu cần của họ. Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết các tài liệu mật sẽ chỉ định một số quân đội nhất định bảo vệ một số khu vực cụ thể như thời Chiến tranh Lạnh. Ông Stoltenberg cho hay: "Các đồng minh sẽ biết chính xác những lực lượng và khả năng nào là cần thiết, bao gồm cả việc triển khai ở đâu, những bước nào được thực hiện và triển khai như thế nào".

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, một số yếu tố quan trọng đã thay đổi khi NATO đã mở rộng khoảng 1.000 km về phía Đông và tăng từ khoảng một chục thành viên lên 31 thành viên.

Chỉ riêng việc Phần Lan gia nhập NATO vào tháng trước đã tăng gấp đôi phần biên giới của NATO với Nga lên khoảng 2.500 km, buộc khối này phải có cách tiếp cận triển khai linh hoạt hơn so với trước đây, thời điểm Đức được xem là chiến trường chính. Bên cạnh đó, internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và luồng thông tin nhanh chóng đã đặt ra những thách thức mới cho NATO.

Các quan chức NATO ước tính sẽ mất vài năm để các kế hoạch được thực hiện đầy đủ dù họ nhấn mạnh rằng liên minh quân sự này vẫn có thể đối phó với cuộc xung đột ngay lập tức nếu được yêu cầu.

(Nguồn: CafeF)

Bầu cử Thái Lan: Move Forward thắng nhưng sắp tới sẽ ra sao?

(Ảnh minh họa).

Các đảng thân quân đội yếu thế trong khi Pheu Thai của gia đình Shinawatra mắc kẹt trong cái bẫy của chính mình. Đảng Move Forward non trẻ đã chiến thắng đầy bất ngờ

Sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã trải qua 5 năm cầm quyền của chính phủ quân sự. Tiếp đó là 4 năm nữa của nhiệm kỳ dân cử dưới thời thủ tướng Prayut Chan-ocha, cũng là người dẫn đầu đầu cuộc đảo chính. Cuộc tổng tuyển cử được nhiều người mong chờ ở Thái Lan đã diễn ra vào ngày 14/5/2023 trong không khí đầy phô trương và không có sự cố lớn.

Trong chặng cuối quyết định, đảng Move Forward đã vươn lên để giành vị trí số 1.

Move Forward tiến lên

Như tên gọi của mình, đảng Move Forward (tiếng Thái là Phak Kao Klai, nghĩa là tiến lên, tiến bộ, cấp tiến) đã giành một chiến thắng mà giới quan sát đánh giá là “sửng sốt”, với 152 ghế.

Pheu Thai của gia đình Thaksin Shinawatra, được cho là vẫn trung thành với đường lối dân túy, xếp thứ nhì với 141 ghế. Các đảng ủng hộ quân đội như Palang Pracharat của Tướng Prawit Wongsuwan, một đối tác của cuộc đảo chính gần 10 năm trước, và đảng United Thai Nation của chính ông Prayut có thành tích kém cỏi, với tổng số ghế còn kém cả số ghế mà họ giành được trong cuộc bầu cử năm 2019.

Kết quả này khẳng định lại những gì mà thăm dò trước bầu cử đã chỉ ra, rằng các đảng đối lập Move Forward và Pheu Thai đã cùng nhau giành chiến thắng vang dội, với số ghế cộng lại chiếm tới 58%.

Nhưng điều mà các cuộc thăm dò và giới quan sát đều sai đó là sự “đổi ngôi” giữa Move Forward và Pheu Thai. Trước bầu cử, các thăm dò đều cho thấy Pheu Thái sẽ giành ít nhất 200 ghế, vốn là một thế lực dân túy áp đảo trong hai thập niên qua, và Move Forward chỉ giành được cao nhất là 100 phiếu.

“Đây được coi là một chiến thắng gây sốc vì là lần đầu tiên, một đảng liên kết và được hậu thuẫn bởi Thaksin Shinawatra đã thua trong các cuộc thăm dò ở Thái Lan,” Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế Đại học Chulalongkorn, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Lá phiếu của cử tri Thái Lan thể hiện trong cuộc bầu cử này dường như đang cho thấy họ đang nghiêng về các cải cách thể chế mà Move Forward đề xướng, hơn là chủ nghĩa dân túy của Pheu Thai hoặc chế độ độc tài quân sự.

Mặc dù là phe đối lập, Move Forward và Pheu Thai đã cạnh tranh quyết liệt giành sự ủng hộ của cử tri. Số phiếu Pheu Thai mất, Move Forward đạt được, trong một mối tương quan chặt chẽ. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc thăm dò, các con số khảo sát đã dự đoán Pheu Thai sẽ chiến thắng áp đảo. Nhưng chính đảng Move Forward có tuổi đời 5 năm đã vượt qua đối thủ thâm niên 25 năm trên hai mặt trận.

Không có quỹ vận động để lôi kéo cử tri, Move Forward dựa vào tính tổ chức, sự tương tác với cử tri và thực hành.

Trong khi các đảng kiểu cũ của Thái Lan trả tiền cho những người vận động vận động cử tri dựa trên mạng lưới bảo trợ và các cỗ máy kiếm tiền, thì các nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Move Forward và những người ủng hộ đảng này đã đi khắp đất nước để truyền bá thông điệp cải cách.

Những người ủng hộ trẻ tuổi của đảng đã trở thành những người vận động để kết nối và thuyết phục các thế hệ lớn tuổi hơn ở các vùng nông thôn và thành thị trên khắp đất nước. Chiến thắng của Move Forward là nhờ vào chủ trương cải cách.

“Thái Lan đã trải qua một sự dịch chuyển căn cơ trong cuộc bầu cử này. Trận chiến không còn xoay quanh chủ nghĩa dân túy và giải quyết sự phân hóa giàu-nghèo/thành thị-nông thôn, điều mà guồng máy chính trị của Thaksin vốn đã làm rất tốt. Mặt trận mới là về cải cách thể chế và cơ cấu của quân đội, của chế độ quân chủ và tư pháp, và cả cải cách kinh tế, quản trị và hiến pháp,” giáo sư Thitinan phân tích.

Từ cuộc đảo chính năm 2014 đến nay, trong lòng đất nước Thái Lan đã có nhiều thay đổi và biến động. Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời sau 70 năm trị vì. Con trai của ông là Vajiralongkorn lên ngôi. Sau một thời kỳ chính phủ quân sự cai quản, bầu cử đã được tiến hành vào năm 2019 và dù không có nhiều thay đổi về lực lượng cầm quyền nhưng những chuyển động trong lòng xã hội vẫn rất đáng kể, đặc biệt là làn sóng biểu tình đòi dân chủ giai đoạn 2020-2021.

Giờ đây, một Move Forward 5 năm tuổi với thủ lĩnh là chính trị gia kiêm doanh nhân sinh năm 1980 - Pita Limjaroenrat tạo ra một hình ảnh tươi mới trên chính trường, với chủ trương cải cách bắt đúng vào mạch tâm tư của cử tri.

Trong bối cảnh những đòi hỏi dân chủ ngày một mạnh mẽ, các yêu sách cải cách bắt đầu đụng chạm tới những điều vốn là cấm kỵ, chẳng hạn cải cách chế độ quân chủ, thì Pheu Thai với đường lối dân túy và bản chất “gia đình trị” dần trở nên không được ưa chuộng. Các chính đảng bảo thủ và ủng hộ quân đội thì càng không. Lá phiếu cử tri dành cho Move Forward là kết quả của những dịch chuyển ấy.

Tiếp theo, điều gì sẽ xảy ra?

Các thủ tục hiến pháp quy định rằng Ủy ban bầu cử có tối đa 60 ngày để xác nhận kết quả, sau đó là một tháng nữa trước khi thủ tướng và thành viên nội các nhậm chức.

Kết quả bầu cử cho thấy cả hai đảng lớn là Move Forward và Pheu Thái dù dẫn đầu vẫn chưa có đủ đa số 376 ghế để lập chính phủ (tức quá bán so với tổng số ghế 750 của lưỡng viện lập pháp). Họ cần phải liên minh với nhau và với các đảng nhỏ khác để đạt được cơ số này.

Hậu bầu cử tạm lắng xuống cho đến giữa tháng 8 khi một chính phủ mới thành lập sẽ bị chi phối bởi hoạt động đổi chác khôn khéo và điều động giữa các đảng phái chính trị, để thành lập một chính phủ liên minh. Trong lúc đó, các cơ quan trọng tài bề ngoài giám sát các cuộc thăm dò và các chính trị gia, cụ thể là Ủy ban Bầu cử, Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia và Tòa án Hiến pháp, được cho là sẽ tích cực về mặt chính trị trong việc định hình kết quả cuối cùng, như họ đã làm trong lịch sử gần đây với việc giải thể các đảng trước đây của Thaksin và đảng tiền thân của Move Forward - Future Forward.

Tuy nhiên, theo giáo sư Thitinan, “việc giành được 58% phiếu bầu rõ rệt và đáng kể của Move Forward và Pheu Thai so với các đảng còn lại có thể hạn chế quyền lực của những người theo chủ nghĩa can thiệp”.

Giáo sư Thitinan cũng cho rằng khi cuộc thăm dò trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của ông Prayut và sự thống trị rộng lớn hơn của quân đội trong chính trị, cử tri Thái Lan đã mạnh mẽ và rõ ràng bác bỏ chủ nghĩa độc tài quân sự. Move Forward hầu như phủ sóng khắp Bangkok bằng việc giành được 32 trên 33 ghế, đánh bại các đảng thân quân đội ngay cả ở các quận tập trung quân đội. Tuy nhiên, giáo sư Thitinan cũng cảnh báo: “Điều này có nghĩa là trục cộng sinh quân đội-quân chủ và các phần phụ bảo thủ-bảo hoàng sẽ cảm thấy bất an hơn và bị đe dọa bởi kết quả bầu cử”. Họ hẳn sẽ không đứng yên để phe đối lập liên minh lập chính phủ mới.

Nhà lãnh đạo Pita Limcharoenrat của Move Forward đã bị buộc tội vi hiến vì là cổ đông nhỏ của một công ty truyền thông không còn tồn tại. “Ở hầu hết các quốc gia khác, chiến thắng vang dội của phe đối lập trong cuộc bầu cử sẽ mở ra một chính phủ mới và thay thế những người đương nhiệm. Nhưng ở Thái Lan thì không đơn giản như thế.

Chương trình hành động của Move Forward là một sự lăng mạ và thách thức trực diện đối với các trung tâm quyền lực đã được thiết lập. Vấn đề có thể là khi nào và như thế nào – chứ không phải liệu – những cơ cấu quyền lực này có phản đòn lại hay không,” giáo sư Thitinan nhận định.

Move Forward của Pita đã thông báo rằng ông nhận được sự ủng hộ của 310 nghị sĩ thuộc các đảng đối lập trong số 500 nghị sĩ ở hạ viện để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là bất kỳ đảng hoặc liên minh đối lập nào muốn lập chính phủ đều phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tại thượng viện.

Theo hiến pháp thời chính quyền quân sự, toàn bộ thượng viện 250 ghế này được quân đội chọn ra và trước đây đã bỏ phiếu ủng hộ một ứng viên phe thân quân đội. Đảng của ông Pita hiện đang đối mặt với việc bị thượng viện ngáng đường vì cần phải có đa số lưỡng viện gồm 376 nghị sĩ cho chức vụ thủ tướng. Nếu không có đủ sự hỗ trợ từ thượng viện, việc hình thành liên minh của Pita có thể trở nên vô vọng, mang lại cho Pheu Thai với tư cách là đảng chiến thắng lớn thứ hai có cơ hội thành lập một liên minh cầm quyền.

Ông Thaksin trở về?

Cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ ông Pita làm thủ tướng. Tuy nhiên, nếu như ông Pita bị thượng viện ngáng đường, Pheu Thai sau đó có thể qua mặt Move Forward. Trong trường hợp này, Pheu Thai có thể chọn con đường thực dụng là đứng về phía các đảng ủng hộ quân đội, chẳng hạn như Palang Pracharat và Bhumjaithai (vốn gần gũi về đường lối với đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin trước đây) của ông Anutin Charnvirakul, để đưa ra một thỏa thuận liên minh bao gồm việc Thaksin trở về Thái Lan sau thời gian lưu vong với các điều kiện nhẹ nhàng hơn, liên quan đến bản án và án tù của ông.

“Những gì ban lãnh đạo Move Forward cần làm là gây áp lực lên các thượng nghị sĩ được bổ nhiệm để phá vỡ thứ hạng và bỏ phiếu cho sự lựa chọn của người dân,” giáo sư Thitinan nói.

Cũng theo giáo sư Thitinan, khả năng tiếp tục của Prayut như thủ tướng trong một chính phủ thiểu số hiện giờ đã ít hơn do thiếu sự uỷ nhiệm. Đảng United Thai Nation của ông đứng thứ 5, dưới hai đảng hàng đầu và thậm chí còn thua Bhumjaithai và Palang Pracharat. Kết quả bầu cử này là sự từ chối Prayut và là lời buộc tội nặng nề đối với 9 năm ông Prayut nắm quyền.

“Tương lai chính trị của ông này hiện nay không chắc chắn. Tụt xuống từ lưng cọp có thể dẫn tới các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý và cáo buộc tham nhũng trong thời gian ông nắm quyền. Tài sản của Prayut cũng có thể bị kiểm tra vì ông này được miễn khai báo tài sản trong thời gian nắm quyền,” giáo sư Thitinan nhận định. Có thể ông Prayut sẽ tìm cách hạ cánh an toàn bằng con đường làm cố vấn hoàng gia do vua bổ nhiệm, vì điều này sẽ mang lại sự miễn trừ pháp lý.

Với việc Prayut hầu như sẽ không thể tiếp tục cầm quyền, giáo sư Thitinan đưa ra ba kịch bản. Thứ nhất, Pita có thể bị loại trừ bằng cáo buộc sở hữu truyền thông nói trên, từ đó mất cơ hội làm thủ tướng và tạo điều kiện cho một liên minh dẫn đầu bởi Pheu Thai với một thủ tướng khác, chẳng hạn như con gái của Thaksin là Paetongtarn Shinawatra hoặc đồng ứng cử viên thủ tướng của đảng này là Srettha Thavisin.

Kịch bản thứ hai là Move Forward và Pheu Thai dẫn đầu chính phủ liên minh tiếp theo và hướng đi này đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên hoàng gia đang là vấn đề gây chia rẽ. Mục tiêu kiên quyết của Move Forward trong việc cải cách quân đội và nền quân chủ không được Pheu Thai hưởng ứng. Mục tiêu này cũng bị các thế lực bảo hoàng phản đối kịch liệt.

Đối với Move Forward, việc lên nắm quyền với chương trình hành động ấy sẽ là một cuộc chiến cam go vì các thế lực bảo hoàng rất mạnh. Kịch bản thứ ba liên quan đến kịch bản thứ nhất; đó là một thỏa thuận cho phép Pheu Thai dẫn đầu một liên minh thỏa hiệp với sự chấp thuận của triều đình. Liên minh này có thể bao gồm Palang Pracharat, Bhumjaithai và các đảng nhỏ khác mà không có Move Forward và United Thai Nation. Kịch bản này cũng cho phép Thaksin trở về.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang