Các nhà khoa học biểu tình; Nền nông nghiệp chao đảo; Chiến sự Bakhmut; Cạnh tranh ở Trung Á; Bán nội tạng để trả nợ

Vì sao các nhà khoa học phải xuống đường biểu tình khí hậu?

(Ảnh minh họa).

Ngày càng nhiều các nhà khoa học phải thay đổi phương thức hành động, chẳng hạn như đứng thành hàng rào quanh các tòa nhà công cộng hay chặn các con đường, để phản đối điều họ gọi là thiếu hành động đối với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Họ nói rằng các thông điệp về khủng hoảng khí hậu không còn chỉ giới hạn trong các ấn phẩm khoa học, bởi vì 'ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy'.

Nhưng có những nhà khoa học tin rằng hơn cả việc nhấn mạnh hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng khí hậu thông qua việc biểu tình, họ nên làm nhiều hơn thế để tìm ra các giải pháp mang tính khoa học.

Scientist Rebellion, một mạng lưới các nhà khoa học quốc tế, đã và đang tổ chức các cuộc biểu tình, cùng các hành động trực tiếp khác ở vài quốc gia trong hơn môt năm qua. Tổ chức này nói rằng số người tham gia đã lên tới hơn 200 người.

'Tôi thấy hổ thẹn vì sự bất công, chứ không phải vì bị bắt'

Một nhà khoa học như vậy là Cornelia Huth ở Đức.

Là một nhà dịch tễ học với hơn 20 năm kinh nghiệm, bà đã tham gia vào cuộc biểu tình.

Sau khi tham gia chặn đường ở Munich tháng 10 năm ngoái, bà bị bắt, bị buộc tội ngăn cản xe ô tô lưu thông trên đường và cản trở giao thông.

Phiên tòa đang tiếp diễn, nhưng bà Huth nói rằng bà quyết tâm tiếp tục biểu tình.

"Khoa học đã đưa ra giải pháp để khí hậu không bị đe dọa nhưng các chính phủ thì không thực hiện chúng, vì thế chúng tôi phải hành động - từ đường phố."

Hội khị khí khậu Liên Hiệp Quốc tiếp theo - COP28 tổ chức tại UAE- được cho là sẽ tiến hành kiểm kê lần đầu tiên về tiến trình của mỗi quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu khí hâu đã thống nhất tại một hội nghị khí hậu quốc tế năm 2015.

Thỏa thuận này đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và hướng tới mục tiêu 1,5 độ C - ngưỡng mà các nhà khoa học cho là an toàn hơn.

Để đạt được mục tiêu này, thế giới cần giảm phát thải carbon xuống 43% so với mức của năm 2019 vào năm 2030.

Nhưng đánh giá mới đây nhất của Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái chỉ ra rằng thế giới đang chứng kiến sự gia tăng phát thải carbon lên 11% từ năm 2010 thay vì giảm.

Bà Huth nói rằng mối đe dọa còn lơn hơn thế đối với khu vực nam bán cầu.

"Con người sống ở đó đóng góp rất ít vào phát thải khí nhà kinh nhưng lại đặc biệt bị đe dọa bởi các tác động của chúng, hơn là chúng ta ở Đức, tôi cảm thấy hổ thẹn vì sự bất công này."

Hành động công khai hay chỉ trong các ấn phẩm?

Một số nhà khoa học lại vặn lại rằng con người ý thức được về khủng hoảng khí hậu và không cần các nhà khoa học biểu tình để hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Một trong số này là Jessica Jewell, Phó giáo sư tại Chalmers University, người cho rằng biểu tình có thể hủy hoại danh tiếng của nhà khoa học.

"Vai trò của các nhà khoa học là đánh giá độc lập các rủi ro và các lựa chọn, điều này đặc biệt quan trong khi biết rằng mỗi lựa chọn khí hậu, bao gồm cả việc không hành động, đều có được và mất. Để bảo toàn danh tiếng của mình, các nhà khoa học cần tránh việc phục vụ các tác nhân chính trị cụ thể trong cuộc tranh luận này," bà nói.

"Thực tế là chúng ta phải đối mặt với một trường hợp khẩn cấp thực sự khiến điều quan trọng hơn là chúng ta phải nghiên cứu khoa học nhiều hơn để giải quyết vấn đề này."

Một nhà khoa học khí hậu khác Zeke Hausfather đã tweet vào năm ngoái: "Tôi đã quen với những nỗ lực ngu ngốc và sai lầm khi đổ lỗi cho các nhà khoa học khí hậu vì xã hội đã không giải quyết hiệu quả biến đổi khí hậu.

"Nhưng đề xuất rằng một giải pháp để các nhà khoa học khí hậu đình công và ngừng làm khoa học là một sự ngu ngốc."

Một cuộc thăm dò của BBC World Service tại 31 quốc gia vào năm 2021 cho thấy trung bình 56% người dân muốn chính phủ của họ đặt ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn để giải quyết biến đổi khí hậu càng nhanh càng tốt.

36% khác muốn chính phủ của họ có cách tiếp cận ôn hòa hơn và hỗ trợ hành động dần dần.

"Khoa học khí hậu - đủ rồi"

Các nhà khoa học tham gia biểu tình phản đối đối lập luận rằng đã có đủ nghiên cứu được thực hiện trong bốn thập kỷ qua. Họ nói rằng các giải pháp đã được chỉ ra trong sáu báo cáo của IPCC nhưng các chính phủ không hành động dựa trên bằng chứng.

Giáo sư Julia Steinberger, người đã phải đối mặt với việc bị bắt giữ và hầu tòa vì các cuộc biểu tình về khí hậu, là tác giả chính của một trong những báo cáo của IPCC được công bố vào năm ngoái.

"Khi báo cáo được xuất bản, tôi đã trả lời các yêu cầu của giới truyền thông trong vài ngày, kết quả là 42 bài viết trên truyền thông.

"Sáu tháng sau, tôi đã ngồi trên đường cao tốc Thụy Sĩ trong khoảng 20 phút để phản đối, và tôi vẫn nhận được yêu cầu của giới truyền thông vì hành động này."

"Vì vậy, về mặt tác động truyền thông và để duy trì chủ đề về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, một vài phút ngồi trên đường cao tốc có tác động lớn hơn nhiều so với nhiều năm tôi làm việc để cho ra mắt báo cáo của IPCC."

"Khi các nhà khoa học hành động, mọi người lắng nghe"

Trước khi đưa ra đánh giá của mình, các nhà khoa học của IPCC đã dành nhiều ngày họp kín với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của các chính phủ tham gia tiến trình khí hậu của Liên Hiệp Quốc, để thống nhất về nội dung của báo cáo.

Rose Abramoff, một nhà khoa học trái đất ở Hoa Kỳ tin rằng bất chấp mọi nỗ lực khoa học, hầu như không có bất kỳ thay đổi chính sách nào từ phía các chính phủ chủ yếu là do nhiên liệu hóa thạch và các nhà vận động hành lang kinh doanh nông nghiệp, những người vẫn có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của các quốc gia.

Cho đến hai năm trước, cô Abramoff đã từng lặng lẽ đứng trên lớp băng vĩnh cửu đang tan chảy ở Alaska, đo lượng khí nhà kính thải ra khí quyển và chạy các mô phỏng về việc trái đất ấm lên sẽ làm tăng lượng khí thải carbon từ đất như thế nào.

Cô nói với chúng tôi: "Tôi không thấy một lộ trình thực tế nào cho nghiên cứu của mình để thay đổi chính sách với tốc độ cần thiết.

"Tôi nghĩ đã đến lúc thử một cái gì đó khác biệt."

Cô bị bắt sáu lần vì tham gia biểu tình trong 12 tháng qua - lần cuối cùng vào ngày 10/5 tại Massachusetts, Hoa Kỳ, nơi cô cùng các nhà khoa học và nhà hoạt động khác chiếm phòng lập pháp của bang trong nhiều giờ để yêu cầu chấm dứt đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hóa thạch.

Tại cuộc họp của Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ vào tháng 12 năm ngoái, ngay trước khi các diễn giả bước lên sân khấu, cô và một nhà khoa học khí hậu của NASA, Peter Kalmus đã giương cao biểu ngữ có nội dung "Ra khỏi phòng thí nghiệm và xuống đường".

Cô nói: "AGU đã trục xuất chúng tôi khỏi hội nghị."

Nhưng cũng có những thành tựu, cô nói.

Cô và những người biểu tình khác đã tự trói mình lại tại hơn mười sân bay tư nhân ở 13 quốc gia vào tháng 11 năm ngoái để phản đối du lịch sang trọng.

Sân bay Schiphol ở Hà Lan là một trong số đó. Vào ngày 4/4/2023, nó đã đưa ra một tuyên bố, công bố một số kế hoạch bao gồm lệnh cấm máy bay phản lực tư nhân.

Tuyên bố từ sân bay nêu: "Schiphol muốn cấm máy bay phản lực tư nhân và hàng không dành cho doanh nghiệp nhỏ, vốn gây ra tiếng ồn và lượng khí thải CO2 trên mỗi hành khách một cách bất cân xứng.

Bà Abramoff nói: "Khi các nhà khoa học hành động, mọi người sẽ lắng nghe."

Jordan Andres Cruz, một nhà khoa học carbon ở Ecuador, đồng tình.

"Hành động của chúng tôi không chỉ gây áp lực lên các chính phủ mà còn khiến công chúng tò mò và điều đó giúp họ hiểu được mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu," nhà khoa học từng tổ chức các cuộc biểu tình ở vùng núi Andes xa xôi cũng như ở các thành phố cho biết.

Một trong số đó là tại Bộ Môi trường ở thủ đô Quito năm ngoái khi ông và các nhà khoa học khác dán các tài liệu nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu lên tường và cửa sổ của cơ quan chính phủ.

"Hành động này nhằm mục đích phơi bày tiêu chuẩn kép của chính phủ: một mặt, chính phủ tự cho mình là thân thiện với môi trường tại các diễn đàn toàn cầu, đồng thời theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng dầu ở khu vực Amazon của Ecuador.

"Cánh cửa hành động vì khí hậu của chúng ta đang đóng lại rất nhanh và nếu các nhà khoa học, những người có kiến thức, không cảnh báo người dân thường và gây áp lực lên chính quyền, thì tôi không biết ai có thể làm được."

Một mạng lưới các nhà khoa học quốc tế cho biết hơn một nghìn nhà khoa học ở khoảng 20 quốc gia đã phản đối những gì họ cho là không hành động trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Theo nhóm này, cuộc nổi loạn của các nhà khoa học, 18 nhà khoa học đã bị bắt trong khi dàn dựng biểu tình bất bạo động trực tiếp trong một tuần qua nhưng hiện tất cả đã được trả tự do và năm người ở Pháp đang chờ xét xử. Các cuộc biểu tình diễn ra ở Châu Âu, Mỹ, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Các nhà khoa học tham gia biểu tình nói với BBC rằng thông điệp khủng hoảng khí hậu không còn bị giới hạn trong các ấn phẩm, bởi vì "ngôi nhà đang cháy" trong khi các thành viên khác của cộng đồng khoa học cho rằng hành động đó đã làm xói mòn uy tín của các nhà khoa học.

Scientist Rebellion cho biết hành động của họ bao gồm chặn đường, khóa lối vào, dán các bài báo khoa học lên tường và cửa của các tòa nhà công cộng, chiếm giữ các tòa nhà của chính phủ và công ty, đồng thời phá rối các cuộc họp cổ đông của các công ty nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm này cho biết chiến dịch "khoa học rõ ràng" nhằm mục đích kêu gọi các nhà khoa học và học viện tham gia vào cuộc phản kháng dân sự bất bạo động và gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc các chính phủ chủ động phớt lờ khoa học.

Các nhà khoa học đã dùng đến các cuộc biểu tình về khí hậu chỉ ra báo cáo mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết không nên tiếp tục dự án nhiên liệu hóa thạch mới nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu được giới hạn ở ngưỡng an toàn là 1,5 độ C. Họ lập luận rằng các chính phủ, thay vì thế, đang khiến nhiệt độ tăng lên.

(Nguồn: BBC)

Nền nông nghiệp thế giới “chao đảo” vì hạn hán

22% diện tích đất ở châu Âu đón nhận cảnh báo hạn hán, có thể dẫn đến vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Theo Reuters, khu vực Nam Âu đang chuẩn bị đón nhận một mùa hè hạn hán dữ dội do biến đổi khí hậu, nhiều nơi hiện đã bị thiếu nước, nguồn dự trữ nước ngầm cạn kiệt. Ở Tây Ban Nha, miền Nam nước Pháp và Ý, mức nước sông và hồ chứa hiện rất thấp, đe dọa sản xuất thủy điện và nông nghiệp.

Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng châu Âu có thể phải hứng chịu một mùa hè khắc nghiệt khác với nắng hạn kỷ lục. Mới năm ngoái, một mùa hè nóng kỷ lục gây ra đợt hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất trong ít nhất 5 thế kỷ đã tàn phá châu lục này.

"Vào thời điểm này trong năm, điều duy nhất chúng tôi có thể có là những cơn bão cục bộ, đúng hẹn, nhưng chúng cũng không đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt lượng mưa. Hạn hán sẽ tồi tệ hơn trong mùa hè này" - giáo sư Jorge Olcina, chuyên gia phân tích địa lý từ Đại học Alicante ở Tây Ban Nha, cho biết.

Tây Ban Nha là nơi cung cấp 1/2 sản lượng ô liu, 1/3 sản lượng trái cây của EU. Nước này đang phải hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas trước đó đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo rằng đợt hạn hán này nghiêm trọng tới mức không thể được giải quyết bằng các quỹ quốc gia.

Vùng Sừng châu Phi vẫn đang chịu đợt hạn hán khốc liệt nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi một đợt hạn hán lịch sử khác hủy hoại mùa vụ đậu tương và ngô ở Argentina. Toàn bộ vùng Địa Trung Hải - nơi nhiệt độ trung bình hiện cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước - cũng hứng chịu hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng.

Một quốc gia hàng đầu về nông nghiệp khác là Ấn Độ đang lo lắng một mùa mưa gió thất thường. Sự trở lại của El Nino có thể gây thêm rắc rối.

El Nino có thể mang mưa trở lại một số quốc gia đang hạn hán khác nhưng lại thường gây khô hạn nhiều hơn khắp tiểu lục địa Ấn Độ, khiến lượng mưa xuống dưới mức trung bình và đôi khi là hạn hán nghiêm trọng đến mức chính quyền phải hạn chế xuất khẩu một số loại ngũ cốc. Trong 4 năm El Nino gần nhất, Ấn Độ liên tục đối diện với hạn hán và lượng mưa giảm xuống dưới 90% so với mức trung bình.

Gió mùa là yếu tố sống còn của nền kinh tế Ấn Độ, cung cấp gần 70% lượng mưa mà nước này cần thiết để tưới tiêu cho các trang trại, nạp lại các hồ chứa và tầng ngậm nước. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp Ấn Độ không có bất kỳ hệ thống tưới tiêu nào và hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Trong khi đó, nhiều khu vực nông nghiệp của Ấn Độ hiện đã khô hạn.

Báo The Straits Times đưa tin hôm 16/5, giá đường toàn cầu đã tăng gần mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, nguyên nhân chính là nhà cung cấp đường hàng đầu của thế giới là Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu. Sản lượng đường niên vụ hiện tại (bắt đầu từ tháng 10-2022) đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, có thể nghiêm trọng hơn vì nhiều nhà máy đường đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Tình trạng thiếu nước đang tàn phá bang trồng mía chủ lực Maharashtra.

Ngoài các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cho rằng các chính phủ và các ngành liên quan cần nỗ lực trong việc cải thiện mô hình nông nghiệp tiết kiệm nước, ví dụ như áp dụng các kỹ thuật tưới tiêu chính xác, chuyển sang các cây trồng chịu hạn tốt hơn.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Chiến sự Bakhmut: Ukraine đang nhử quân Nga?

(Ảnh minh họa).

Các binh sĩ Ukraine cố thu hút quân Nga đổ dồn về Bakhmut và làm kiệt sức của đối phương, Wall Street Journal có bài phân tích, trích dẫn các chỉ huy quân đội Ukraine.
Một nhà quan sát người Việt sống ở Ba Lan có nhận định tương tự và nói với VOA rằng các quân nhân Ukraine đang dồn sức cố thủ ở Bakhmut nhằm tiêu hao sinh lực Nga nhiều nhất có thể trước khi mở cuộc tổng phản công trong khi Nga đang rất cần một chiến thắng ở Bakhmut sau những bước lùi để nâng cao tinh thần quân lính và người dân.
Cuộc chiến ở Bakhmut bắt đầu từ tháng đầu tháng 8 năm ngoái khi quân Nga tiến về. Suốt 9 tháng qua, nơi này đã trở thành chiến trường trọng tâm và khốc liệt nhất trong cuộc chiến cho đến nay với hai bên giành giật từng căn nhà, từng góc phố trong đô thị.
Mặc dù hiện giờ quân Nga đã chiếm được hầu hết Bakhmut kể cả những tuyến đường tiếp tế của Ukraine nhưng quân Ukraine vẫn còn cố thủ ở một số vị trí, khiến Nga chưa thể tuyên bố chiến thắng hoàn toàn.
Trong nhiều tháng, quân đội Ukraine ở Bakhmut đã ở trong thế phòng vệ. Họ cố thủ trong các tầng hầm và nhích về phía sau khi đối mặt với hỏa lực pháo binh và làn sóng tấn công của bộ binh.
Nhưng đến đầu tháng 5, Ukraine đã bất ngờ phản công và giành lại vài kilomet vuông ở ngoại ô phía tây, nhờ vậy đã nới lỏng được tình trạng Nga từng bóp nghẹt tuyến đường tiếp tế sống còn của Ukraine.
Cho tới ngày 15/5, phía Ukraine cho biết họ đã tiến thêm được 15 km ở Bakhmut nhưng hiện vẫn chưa rõ khi nào họ mới bắt đầu tổng phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng ‘cần chuẩn bị kỹ hơn nữa để tránh thương vong’ cũng như đang chờ nhận thêm vũ khí mà phương Tây cam kết.

‘Bẫy Bakhmut’

Trong bài phân tích có tiêu đề ‘Bẫy Bakhmut – Đà tiến công của Ukraine chứng tỏ quyết định cố thủ ở thành phố bị bao vây là đúng’, tờ Wall Street Journal dẫn lời các viên tư lệnh Ukraine cho biết những bước tiến gần đây là bằng chứng cho thấy chiến lược của họ - cố thủ Bakhmut càng lâu càng tốt – ‘đang được đền đáp’.
Các tư lệnh Ukraine nói rằng mục tiêu của họ là ‘giao tranh và làm kiệt sức quân Nga’ trong lúc phía Ukraine chuẩn bị phản công. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 15/5 cho biết Nga đã điều thêm quân đến ngoại ô Bakhmut sau những thắng lợi của Ukraine.
“Chúng tôi đã dụ đối phương vào bẫy Bakhmut”, Đại tá Serhiy Cherevatiy, phát ngôn nhân của quân Ukraine ở miền đông, nói với Wall Street Journal. “Kẻ thù đã mất nhân mạng không thể tưởng. Chúng tôi đang tiếp tục làm quân thù mất máu”.
Tòa Bạch Ốc tháng trước cho biết con số thương vong mà Moscow hứng chịu kể từ đầu năm là 100.000 người, trong đó 20.000 người chết, chủ yếu là do cuộc chiến giành giật Bakhmut.
Mặc dù Kyiv không công bố con số thương vong, nhưng bên tấn công luôn thiệt hại nhiều hơn bên phòng ngự. Thương vong của Ukraine cũng rất nặng nề, theo các nhân viên y tế trong khu vực.
Tuy nhiên, Kyiv chỉ mất nhiều ngày để giành lại lãnh thổ mà quân Nga đã phải mất thời gian gấp nhiều lần mới chiếm giữ được. Bước tiến của quân Ukraine có được khi thời tiết ấm hơn làm khô mặt đất sau nhiều tháng tuyết và bùn đã khiến hai bên không di chuyển được.
Cuộc tiến công xung quanh Bakhmut đã không cần đến bất kỳ binh sĩ nào mà Kyiv đang huấn luyện và họ được giữ lại cho cuộc tổng tấn công đã được lên kế hoạch, Đại tá Cherevatiy, phát ngôn nhân quân đội Ukraine cho biết, vẫn theo Wall Street Journal.

‘Tình thế đã đảo chiều’

Trước đó, tổn thất của Ukraine khiến các nhà phân tích phương Tây nghi ngờ về quyết định cố thủ Bakhmut của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, các đợt phản công mới đây đã khiến nhiều người tin rằng tình thế đã đảo chiều.
Ông Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, cho biết chiến đấu giành lại Bakhmut là lựa chọn chiến lược hợp lý của Ukraine. Theo ông, nếu quânUkraine rút lui, Điện Kremlin có thể đã tuyên bố chiến thắng và chuyển sang thế thủ.
“Ukraine hết sức muốn làm suy yếu Nga trước cuộc phản công”, ông được Wall Street Journal dẫn lời nói. Theo ông, lôi quân Nga vào trận chiến Bakhmut không chỉ để làm suy yếu họ mà còn ngăn họ luyện quân hay đào chiến hào ở các vùng khác của Ukraine.
“Ukraine không hề muốn quân Nga chuyển sang thế thủ”, ông nhận định.
Ở phía bên kia, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/5 nói rằng quân Ukraine chưa đạt được đột phá nào nhưng một số binh sĩ Ukraine đã chiếm các vị trí mới để ổn định phòng tuyến của họ. Hôm 14/5, truyền thông nhà nước Nga đưa tin hai đại tá của họ đã thiệt mạng trong trận chiến Bakhmut.
Quân Nga cũng phát truyền đơn cảnh báo quân lính của họ về cuộc phản công quy mô lớn sắp tới của Ukraine, theo những bức ảnh được quân Ukraine chia sẻ với Wall Street Journal.
“Cuộc phản công sẽ diễn ra bất ngờ và có xác suất 100% sẽ diễn ra vào ban đêm, giống như Đức quốc xã hồi năm 1941”, truyền đơn viết. “Đừng hoảng sợ!”

Nhà quan sát người Việt nhận định

Ông Phan Châu Thành, nhà quan sát chiến sự từ thủ đô Warsaw của Ba Lan vốn đã theo dõi sát sao cuộc chiến trong hơn 1 năm qua, nhận định với VOA rằng ‘quân Nga gần như không thể chiến thắng ở Bakhmut’ mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ quyết tâm là phải chiếm được Bakhmut để ăn mừng ngày chiến thắng phát xít vào ngày 9/5.
Bên cạnh bám sát tình hình chiến sự và đưa ra các bình luận được hơn 50.000 người theo dõi trên Facebook, ông Thành và các bạn hữu ở Ba Lan cũng có những hoạt động trợ giúp và sát cánh với người dân Ukraine.
Ông Thành lưu ý đến thực tế là mặc dù Nga đã dồn vào Bakhmut toàn bộ lực lượng tinh nhuệ kể cả lính đánh thuê Wagner cộng với hỏa lực mạnh hơn nhiều, nhưng sau nhiều tháng ròng rã vẫn không thể nào đẩy được quân Ukraine ra khỏi một thị trấn nhỏ.
Sau nhiều tháng theo dõi chặt chẽ tình hình, tham khảo nhiều phân tích từ các nguồn khác nhau, ông Thành cho rằng ý đồ của Ukraine khi cố sống chết cố thủ Bakhmut là ‘để thu hút quân Nga dồn hết về đây’.
“Nếu quân Ukraine rút khỏi Bakhmut, quân Nga sẽ đánh sang phía Tây, lúc đó sự tổn thất cho các thành phố khác ở phía Tây còn tàn khốc hơn nữa trong khi Bakhmut đã bị phá hủy gần như hoàn toàn”, ông đưa ra góc nhìn của riêng mình.
Một điều nữa để Ukraine phải quyết chiến, theo ông Thành, là ngăn chặn việc Nga trưng ra một chiến thắng để tuyên truyền với người dân trong nước là họ đang đi đúng hướng trên chiến trường Ukraine.
“Ukraine không cho phép ông Putin có thể làm điều này. Nếu ông Putin có thể tuyên truyền thì sẽ có thêm nhiều người dân Nga bị đẩy ra chiến đấu, nhiều người Nga vô tội sẽ chết trên chiến trường”, nhà quan sát này lý giải.
Chưa kể vào lúc này quân Ukraine đang chuẩn bị một đợt tổng phản công nên muốn gây ra tổn thất cho quân Nga nhiều nhất có thể, cũng theo lời ông Thành.
Ông cho biết nếu trận đánh càng kéo dài, tổn thất của Nga sẽ càng lớn, đó là chưa tính đến đạn pháo, hậu cần, vật tư chiến tranh Nga cần để cung cấp cho đội quân khổng lồ đang chiến đấu ở đây nên ‘phí tổn cho chiến sự Bakhmut của Nga là rất lớn’.
“Chiến thuật của Ukraine có một điểm quan trọng là họ tập trung được các lực lượng tinh nhuệ của Nga vào Bakhmut. Khi quân Nga tập trung vào đây thì những vùng khác sẽ dễ dàng hơn và được rảnh tay hơn trong cuộc phản công tới.”
Khi đó, nếu quân Ukraine đánh vào các chiến trường khác, chẳng hạn ở Kherson, quân Nga sẽ phải điều quân từ Bakhmut xuống chi viện. Khi đó, Bakhmut ‘tự khắc sẽ được giải vây’, ông Thành dự báo.
“Chiến thuật của Ukraine ở Bakhmut là họ không cố giữ một địa điểm nào cả, nhưng cũng nhất quyết không cho quân Nga lấy được địa điểm đó dễ dàng.”
Theo quan sát của ông, có vẻ Ukraine ‘đang cố tình kéo quân Nga vào Bakhmut’ vì ‘ngay từ đầu Bakhmut đã được phòng thủ rất chặt chẽ với hàng chục chiến tuyến’.

Hy sinh lớn, nhưng có đáng?

Nhà quan sát người Việt cũng đưa ra quan điểm cá nhân bảo vệ cho quyết định của Ukraine đánh đến cùng ở Bakhmut bất chấp lời khuyên của các chuyên gia quân sự phương Tây.
“Nếu Ukraine mà bỏ Bakhmut để cho quân Nga tràn vào một cái thì lúc đó tổn thất dân thường sẽ rất lớn vì rất nhiều người Ukraine sau một năm tị nạn bây giờ họ đã lần lượt trở về”.
Ông lập luận rằng cho dù tổn thất của Ukraine ở Bakhmut là hết sức to lớn nhưng đó là ‘tổn thất về lính, về vũ khí, chứ không tổn thất về dân thường và không tổn thất các thành thị khác cho cuộc sống của người dân sau này’.
“Người Ukraine biết rằng họ đang chiến đấu cho Tổ quốc của họ. Họ sẽ chiến đấu bằng mọi giá. Thậm chí họ không quan trọng đến mạng sống của mình nữa vì họ biết rằng nếu Bakhmut thất thủ, quân Nga tràn tới các vùng khác sẽ giết thêm nhiều người dân của họ nữa, sẽ tàn phá đất nước của họ thêm nữa”.
Tuy nhiên, nhà quan sát này cũng phỏng đoán rằng ‘có thể Ukraine thổi phồng thương vong lên để quân Nga tiếp tục đổ quân vào Bakhmut’ vì khi ông theo dõi số liệu tổn thất nhân mạng và vũ khí hàng ngày qua các nguồn ông tự thu thập, ông thấy ‘tổn thất là không nhiều’.
“Lúc nào quân Nga cũng có cảm giác là họ sắp thắng rồi, họ sẽ dồn quân vào càng nhiều nhưng mãi vẫn không thắng được”, ông nói.

Phản công mùa xuân

Về tình hình hiện nay ở Bakhmut, ông Phan Châu Thành quan sát thấy quân Ukraine cố thủ ‘vẫn chưa bị cắt tiếp tế’ dù ‘con đường tiếp tế hiện nằm dưới tầm đạn pháo của Nga’, dựa trên các thông tin mà cá nhân ông tìm hiểu được.
Khi được hỏi chừng nào cuộc tiến công mùa xuân mà Ukraine đã loan báo mấy tuần qua sẽ bắt đầu, ông Thành - cũng như một số chuyên gia quân sự đã nhận định - nói phải chờ đến khi mặt đất cứng lại để các loại xe tăng mà phương Tây viện trợ có thể di chuyển được, Ukraine mới có điều kiện phản công, vì đầu mùa xuân ở châu Âu mưa nhiều, mặt đất Ukraine sẽ trở nên lầy lội.
Một vấn đề nữa là hiện giờ không quân Nga vẫn đang áp đảo Ukraine, theo đánh giá của ông dựa vào các thông tin thu thập được qua internet, do đó, Ukraine phải chờ nhận thêm máy bay và hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ mới tổ chức phản công được, ông nói.
Dựa vào các tin tức ông thu thập được, ông Thành nhận thấy ‘rất nhiều máy bay chiến đấu mà Ba Lan và Slovakia viện trợ đã được phía Ukraine cất giấu kỹ, chưa thấy có hoạt động gì hết’, và theo ông, đó là dấu hiệu cho thấy ‘Ukraine đang chờ cơ để tung ra đòn đánh quyết định’.
Trong thời gian gần đây, Ukraine hết lần này đến lần khác tuyên bố sắp tấn công, từ góc nhìn cá nhân, ông Thành cho rằng động thái đó ‘có thể nhằm làm cho người Nga lo lắng, thấp thỏm chờ đợi không biết khi nào Ukraine sẽ phản công và phản công ở đâu’.
“Bây giờ toàn là đòn gió. Ukraine tung tin và làm mọi cách cho quân Nga nhiễu loạn hết, chạy lung tung để lộ hết các vị trí và điểm yếu”, ông nói.

(Nguồn: VOA)

Cuộc cạnh tranh gay gắt ở Trung Á

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc trong hai ngày 18 - 19/5 đánh dấu cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan kể từ khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này cách đây 31 năm. Đây là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên do Trung Quốc chủ trì trong năm nay, đồng thời đánh dấu một cột mốc quan trọng và mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên.

Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan cũng lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 16 - 20/5. Các động thái ngoại giao này phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á - Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ra đời từ cơ chế hợp tác Trung Quốc + Trung Á (C+C5) được thành lập vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Trung Á. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Trung Á, trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế Trung Quốc - Trung Á, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề lớn của khu vực cũng như quốc tế. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết các văn bản chính trị quan trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định, với những nỗ lực chung của tất cả các bên, Trung Quốc tin tưởng rằng hội nghị lần này sẽ nâng quan hệ Trung Quốc - Trung Á lên một tầm cao mới.

Chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Triệu Huệ Dung cho rằng các vấn đề chi phối hội nghị thượng đỉnh sẽ có phạm vi rộng, bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân. Hợp tác kinh tế sẽ là một trong những vấn đề chính, nhất là việc thúc đẩy hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, nay chạm mốc 10 năm. Ông Tập Cận Bình đã đề xuất BRI trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2013 và đến nay, Trung Quốc đã ký các văn kiện hợp tác liên quan đến BRI với tất cả các nước Trung Á.

Giới phân tích nhận định hợp tác về an ninh cũng sẽ là một vấn đề trọng tâm khác tại hội nghị vì những rủi ro và thách thức mới trong khu vực hiện nay. Người đứng đầu bộ phận quốc tế của hãng thông tấn nhà nước Kabar (Kyrgyzstan) Nurzhan Kasmalieva cho rằng chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan luôn đặt ra mối đe dọa và thách thức đối với an ninh của Trung Á, bởi vậy các bên kỳ vọng đạt được nhiều kết quả hợp tác hơn trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực. Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Nga-Tajik Slavonic, Guzel Maitdinova, cho rằng lĩnh vực an ninh sẽ rất được chú trọng tại hội nghị, đặc biệt là vấn đề Afghanistan.

Trong số 5 quốc gia Trung Á có 3 nước gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan có chung đường biên giới với Trung Quốc kéo dài tới 3.000 km. Do đó, sự ổn định ở Trung Á là rất quan trọng để duy trì sự ổn định của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc nước này.

Nằm ngay giữa trung tâm châu Á, khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược, đồng thời là vùng đất có nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, Trung Á còn có các nguồn năng lượng khác như than đá, năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Đặc biệt, nguồn năng lượng của các nước Trung Á được cho là không bao giờ thiếu thị trường xuất khẩu bởi các quốc gia láng giềng của khu vực này chính là những khách hàng tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu.

Đối với Trung Quốc, Trung Á là nhà cung cấp năng lượng quan trọng khi nước này từng nhập khẩu 30% lượng khí đốt tự nhiên thông qua tuyến đường ống Trung Quốc-Trung Á. Người dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác đã sử dụng khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của 5 nước Trung Á. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa nước này và 5 quốc gia Trung Á đã đạt mức cao lịch sử 70 tỷ USD trong năm ngoái và trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào khu vực này đạt khoảng 15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, với tầm quan trọng về địa chính trị, các cường quốc cũng đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng và tìm cách tăng cường can dự cả về chính trị, an ninh và kinh tế ở Trung Á, nơi từng được coi là "sân sau" của Nga. Tháng 10 năm ngoái, tại thủ đô Astana của Kazakhstan diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Á đầu tiên, trong đó hai bên nhất trí “tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và hướng tới tương lai”. Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du Trung Á, gặp những người đồng cấp Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan với những cam kết viện trợ thông qua Sáng kiến phục hồi kinh tế ở Trung Á nhằm tăng cường vai trò của Washington ở khu vực.

Trung Quốc được cho cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh gay gắt ở khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị này. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát là tới Trung Á. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á lần này được coi là cơ hội thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng hợp tác Trung Quốc - Trung Á đang ở mức cao nhất và sự hợp tác cùng có lợi đã mang lại những lợi ích cho cả 6 quốc gia. Với việc thúc đẩy lợi ích chiến lược của mỗi bên, tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo 6 nước này có thể sẽ đưa ra các sáng kiến mới, tăng cường hợp tác toàn diện, sâu sắc và đa chiều giữa Trung Quốc và Trung Á.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Lạm phát tăng vọt, nhiều người Iran phải bán nội tạng để trả nợ

(Ảnh minh họa).

Khi Iran có tỷ lệ lạm phát tăng vọt và tình trạng nghèo đói lan rộng, nhiều người đang phải tìm mọi cách để thoát khỏi nợ nần, kể cả bán đi các bộ phận trên cơ thể mình.

Phóng viên trang Business Insider đã xem hàng chục tin nhắn trên ứng dụng Telegram có nội dung rao bán nhiều loại bộ phận cơ thể. Nhiều người bán nói nợ nần, nguy cơ phá sản là lý do khiến họ đưa ra quyết định khó khăn này.

Ở Iran, bán thận là hợp pháp và có quy định quản lý các giao dịch bán thận, nhưng bán các bộ phận khác bị cấm.

Tuy nhiên, hàng trăm tin nhắn được tờ Business Insider xem dường như cho thấy một thị trường chợ đen trực tuyến đang bùng nổ - nơi mà người ta bán mọi thứ, từ gan đến tủy xương.

Có lẽ tin nhắn rao bán gây sốc nhất là tin nhắn của một người đàn ông muốn bán tinh hoàn. Tin rao bán có nội dung: “Bán tinh hoàn, 25 tuổi, nhóm máu O+, tinh hoàn bên trái hoặc bên phải (không quan trọng), vì nợ nần nên bán”.

Một tin nhắn khác cũng có nội dung rao bán tinh hoàn, trong đó người bán có thể tới các thành phố gần đó để phẫu thuật cấy ghép với mức giá phù hợp.

Các tin nhắn rao bán bộ phận cơ thể xuất hiện trên ba kênh Telegram và có một mẫu tương tự: bộ phận được rao bán, giới tính của người bán, nhóm máu, giá đề xuất, địa điểm và thông tin ngắn gọn về sức khỏe.

Một người đàn ông 33 tuổi cho biết mình đang rao bán tế bào gốc, tủy xương và giác mạc để xử lý các vấn đề tài chính và tránh phá sản.

Một người khác 31 tuổi rao bán lá gan với giá 900 triệu Rial Iran, tương đương 500 triệu đồng.

Không rõ có bao nhiêu trong số những vụ mua bán hoặc cấy ghép này đã được thực hiện, nhưng Tiến sĩ Gabriel Danovitch tại khoa y thuộc Đại học UCLA, cho biết người ta không lấy giác mạc từ người sống. Ông nói: “Tôi không thể tin được người ta lại làm điều đó”.

Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép bán nội tạng lấy tiền. Nội tạng chỉ có thể là một quả thận. Giao dịch phải được thực hiện dưới sự phối hợp của một tổ chức chính phủ và có giới hạn về giá.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Transplant International, người bán và người hiến thường xuyên vi phạm quy định và thay vào đó, họ chọn các giao dịch ngầm có khả năng thu về nhiều tiền hơn.

Bán thận bên ngoài Iran cũng là bất hợp pháp vì điều này có thể dẫn đến buôn bán nội tạng, hoặc thậm chí là bán cho những người không phải là người Iran ở Iran.

Nhưng theo Iran International, những người Iran gặp khó khăn đã đến Iraq để bán thận hoặc thông qua trung gian để đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ để bán các bộ phận cơ thể khác.

Không rõ các tin nhắn viết bằng tiếng Farsi của Iran xuất hiện trên Telegram hướng tới người mua nước ngoài hay người Iran.

Theo ông Karmel Melamed, một nhà báo người Mỹ gốc Iran, tình trạng người Iran vi phạm luật để bán thận không phải là một hiện tượng mới, cũng như việc người dân bán các bộ phận nội tạng khác không phải là chuyện lạ. Ông cho rằng tình trạng nền kinh tế đã khiến việc buôn bán này trở nên phổ biến hơn.

Nền kinh tế khó khăn ở Iran đã khiến phần lớn dân số không đủ khả năng mua thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm trong gia đình, khiến một số người quyết định bán nội tạng để nuôi sống bản thân và gia đình.

Iran là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Các dự báo kinh tế cho thấy siêu lạm phát sẽ xảy ra trong những tháng tới.

Nền kinh tế Iran đã bị ảnh hưởng do COVID-19 và các lệnh trừng phạt quốc tế. Những người nghèo nhất đang gặp khó khăn đặc biệt khi chi phí của nhiều mặt hàng thực phẩm tăng hơn 50% kể từ giữa năm 2022.

Ông Beni Sabti, nhà nghiên cứu về mạng xã hội của Iran tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, cho biết những khó khăn về tài chính đã buộc những người Iran nghèo phải làm bất cứ điều gì để duy trì cuộc sống.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang